Ở lại quê nhà
Vân là cô gái nuôi trong mình những hoài bão lớn. Mười mấy
năm trước, đám thanh niên trong làng chỉ mong học xong cấp hai rồi xin vào trường
trung cấp Cơ điện, thì Vân nuôi ước mơ vào cổng trường đại học. Học xong, cầm tấm
bằng cử nhân loại giỏi trong tay, Vân không bám trụ lại thành phố mà quay trở về
quê với đất cằn đá sỏi. Mới hôm nào đến thăm nhau, Vân còn thao thao kể về một
trang trại xanh theo tiêu chuẩn VietGAP giữa quê hương. Hồi bạn cuốc đất trồng
rau khối người cười nhạo. Thời buổi mấy ai còn tha thiết đất đai đồng ruộng. Trẻ
thì đi xuất khẩu lao động Nhật, Hàn. Cứng tuổi thì xin vào các lò gạch trong
vùng. Già thì bỏ ruộng ở nhà trông đàn cháu nhỏ hoặc xây chuồng trại chăn nuôi.
Một tháng lương công nhân bèo bọt cũng đong vài tạ thóc tội gì mà bán mặt cho đất,
bán lưng cho trời. Suốt ngày quần quật ngoài đồng mà đến lúc thu hoạch trừ chi
phí đi có khi vẫn lỗ. Vân là người còn sót lại của đồng đất quê nhà. Vậy mà đất
cằn còn chưa kịp nở hoa dưới bàn tay của bạn thì căn bệnh ung thư dạ dày đã cướp
đi tất cả. Dìu nán lại nghĩa trang, nằm xuống cỏ xanh ngửa mặt lên trời ngắm một
cơn giông màu đỏ.
Từ bao giờ làng quê bỗng có quá nhiều số phận chịu chung cái
chết vì những căn bệnh ung thư quái ác. Thỉnh thoảng làng trên xóm dưới lại
nghe tin thêm một người nữa sắp bước vào cửa tử. Hôm nay là Vân, ngày mai có thể
sẽ là Dìu hoặc một người thân thiết nào đó. Dìu nhìn những đám mây đục ngầu mường
tượng ra cột khói ngùn ngụt bốc lên từ lò gạch. Chúng bay lên trời ngưng tụ
thành hơi nước, đóng cặn trong những đám mây. Những hạt mưa rơi xuống giếng
sâu, ao hồ, đồng ruộng chứa đầy độc tố. Dìu là con cá nhỏ sống trong suối cạn
chờ mưa. Những hạt mưa đang đầm đìa trên mặt bây giờ khác mưa của ngày xưa tụi
Dìu từng tắm. Mà bây giờ thứ gì chẳng khác, ngay cả cọng rau xanh mua ngoài chợ
cũng nhuốm màu nghi hoặc. Rằng thứ màu xanh mơn mởn nõn nà ấy cũng có thể giết
chết mình dần. Từng hơi thở của mình cũng bám đầy bụi bặm. Không còn cái thời
thức dậy mở cửa sổ ra là thấy hương bưởi hương chanh. Bước ra cổng thấy hương
đòng đòng. Đi ra đường thấy hoa thơm cỏ dại. Đêm nằm trong căn buồng vách đất mở
cửa sổ nhìn trăng, hương hoa cau còn thơm ngan ngát. Dìu thường nằm im tận hưởng
bầu không khí trong lành cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Lớn lên xuống phố Dìu
nhiều lần muốn tắt thở vì mùi khói xe. Trốn về quê thì nồng nặc mùi khói gạch,
mùi phân lợn từ chuồng trại chăn nuôi xung quanh. Dòng suối chảy qua làng từng
gắn liền với tuổi thơ biết bao đứa trẻ như Dìu. Nhưng giờ không đứa trẻ nào dám
trầm mình xuống đó tắm mát vì ô nhiễm nước từ đầu nguồn. Ai trả cho Dìu dòng nước
trong vắt ngày xưa? Những tôm cá, hến trai. Những rong rêu êm dịu. Những buổi
chiều chăn trâu cắt cỏ chỉ mong về qua suối để vục mặt xuống dòng nước ấy uống
no căng bụng.
Dìu đến thăm trang trại của Vân thấy vườn cam đang mùa chín rộ.
Những đàn kiến vàng bò lổm ngổm trên cây cam. Có kiến vàng là không có hóa chất
trong vườn. Chẳng phải kiến tự nhiên mà có. Mẹ Vân ngồi bôi thuốc vào những nốt
kiến vàng đốt trên người nhắc Dìu cẩn thận.
- Giống kiến vàng vốn được xem là loại thiên địch lợi hại.
Các bệnh thường gặp ở cam quýt sẽ thuyên giảm khi nuôi giống kiến này trong vườn.
Lúc còn sống Vân phải lặn lội xuống một vườn cam dưới Hà Nội để xin giống kiến
này. Con bé luôn muốn canh tác thuận tự nhiên để tốt cho người dùng. Chỉ tiếc
là số nó vắn quá. Bác thì tuổi già sức yếu, chẳng biết có tiếp tục với bộn bề
công việc còn dang dở ở đây. Mà chừng nào cháu đi?
- Cháu cũng chưa biết nữa. Có thể tháng sau cháu xuống học tiếng
và thi đơn hàng bác ạ.
- Tụi trẻ bọn cháu cứ đi hết thế này, quê mình buồn lắm.
- Biết làm sao được bác. Mọi thứ đều đổi thay. Quê hương mình
cũng không còn như xưa bác ạ.
Dìu tính đi xuất khẩu lao động chẳng phải vì ham hố kiếm được
nhiều tiền. Trước mở quán cơm dưới phố, Dìu cũng kiếm khá lắm. Sau không làm nữa
vì mấy quán cơm mới mở ra bên cạnh nhập thực phẩm bẩn bán rẻ hơn. Quán ngay cổng
bệnh viện, đa phần những người đến mua đều khó khăn. Họ là bệnh nhân hoặc người
nhà thăm nuôi. Nằm viện là đủ thứ chi phí đổ lên đầu. Thành ra một đĩa cơm bình
dân đủ no mà rẻ hơn vài nghìn cũng là niềm vui của họ. Quán Dìu ít khách dần,
bán rẻ nữa thì không có lãi. Thỉnh thoảng lại có người đến gạ mua thực phẩm bẩn
với giá rẻ bèo, có đi kèm đủ thứ hóa chất để phù phép thành những miếng thịt
gà, thịt lợn thơm ngon. Nhân viên quán Dìu tặc lưỡi bảo “hay là cứ nhập quách
thịt thối. Họ ham rẻ thì họ chịu. Chứ thế này buôn bán sao được?”. Dìu dẹp quán
về quê, chịu, không thể thỏa hiệp với những điều tội lỗi. Mẹ Dìu theo đạo Phật,
câu bà hay nói với các con nhất là “gieo nhân nào gặt quả ấy”. Dìu mà làm mấy
chuyện xấu xa sao dám nhìn mặt mẹ. Về quê thì chẳng biết làm gì. Không nhẽ lại
xin vào mấy lò gạch hít khói đến bục phổi. Dìu tính đi xa một chuyến để thay đổi
không khí. Tuổi trẻ chẳng phải được đi đây đó là cả niềm mơ ước hay sao. Mà thật
ra Dìu nghẹt thở quá. Dìu cảm thấy nếu cứ sống như thế này mãi biết đâu một
ngày không xa sẽ nằm trong những tấm gỗ nồng nặc mùi sơn đi qua cánh đồng làng
bằng bước chân trăm người đưa tiễn.
Dìu mơ thấy mình bay lơ lửng giữa những tầng mây. Bỏ lại phía
dưới bầu không khí đục ngầu. Dìu như con cá nhỏ thoi thóp ngoi lên khỏi vùng nước
bẩn. Dìu cúi xuống nhìn ngắm mặt đất với những cột khói cao, những con suối
dòng sông đen ngòm rác thải. Những bãi rác chất cao như núi. Những tham vọng nổi
trên khuôn mặt người những hình thù kỳ quái. Dìu thấy mình tan ra, nhẹ bẫng như
một đám mây. Nhưng lại không phải một đám mây màu trắng. Nó đen ngòm như khói.
Thứ khói công nghiệp có thể giết chết hàng triệu lá phổi trên thế giới này. Nó
tuyệt đối không phải là thứ khói bếp có mùi rơm rạ đồng chiều, mùi thơm dịu của
củi nhãn củi tràm. Mùi của cá cơm, mùi của bình yên qua bàn tay mẹ. Dìu phải
làm sao để gột rửa thân thể mình thành đám mây trắng xốp? Dìu hoang mang lơ lửng
trôi dạt trong vô định. Như một kẻ chạy trốn không biết mình đi đâu về đâu. Dìu
chỉ còn nghe thấy tiếng hát trong veo của cô bạn nhỏ năm nào. Như sợi diều mong
manh giữa không trung đang cố níu lấy Dìu. Bồng bềnh. Chao đảo.
Ngày nhỏ, Dìu hay rủ Vân ra suối đãi hến về nấu canh chua.
Vân ngồi trên mỏm đá buông đôi chân trắng ngần trong dòng nước. Vân hỏi Dìu nếu
đi mãi lên đầu nguồn con suối nhỏ này sẽ bắt gặp điều gì? Thì sẽ thấy núi bạt
ngàn xanh, mây trắng bao quanh, bầu trời gần hơn bao giờ hết. Nhất định phải là
một nơi như thế mới có thể chắt chiu cho dòng suối này một làn nước trong vắt,
ngọt lừ đến vậy. Nhưng bây giờ nơi đầu nguồn ấy đã khác xưa. Người dân quê Dìu
từng nhiều lần kêu cứu khi biết mình đang chết dần với nguồn nước suối đen ngầu
sủi bọt. Nước ngấm vào lòng đất, ảnh hưởng cả nguồn nước sinh hoạt của những hộ
dân lân cận. Nhưng nước chảy theo dòng, dân biết kêu ai? Chính quyền xã cũng chỉ
biết thở dài “nghe nói đầu nguồn có nhà máy giấy. Bàn bạc xử lý mãi rồi vẫn
không hiệu quả”. Dìu nhìn những chú cá nổi lềnh phềnh trên suối. Nghĩ đến những
kiếp người. Quanh nhà Dìu đâu chỉ có một mình suối Cái. Những con mương nhỏ luồn
lách khắp nơi chứa đầy phân gia súc. Thứ mùi hôi thối xộc vào tận giấc mơ vụn vặt.
Có bao nhiêu người từng muốn được bay lên? Lơ lửng…
Lúc còn sống Vân từng trăn trở, quê mình đất rộng bỏ hoang.
Dân thành phố thì phải ăn toàn thực phẩm độc hại tràn về từ các cửa khẩu và từ
chính lòng tham của con người. Nên Vân muốn tự tay mình chăm những luống rau,
trồng từng gốc cây để tạo nên những mùa quả ngọt. Vân còn ao ước sẽ dựng chuồng
để nuôi giun quế cho gà vịt ăn. Sẽ chặn dòng suối nhỏ chảy từ núi xuống làm đập
thả cá. Sẽ trồng những cây thuốc quý vốn chỉ mọc trên núi. Sẽ ươm hạt giống hoa
để một ngày nào đó trang trại của mình đón bạn bè từ thành phố đến nghỉ ngơi
vào những ngày cuối tuần. Như một kiểu du lịch sinh thái trở về gần gũi với
thiên nhiên. Hôm Dìu đến, những chuồng giun còn chưa lợp lá. Máy ủi đang múc dở
chừng con đập nhỏ. Đất còn chưa kịp làm để ươm hạt giống. Vân mất bỏ lại ước mơ
còn dở dang bề bộn. Lúc Dìu chào về, mẹ Vân còn bần thần ao ước “giá mà có người
tiếp tục gây dựng trang trại này thì tốt biết bao”. Chẳng hiểu sao Dìu cứ nghĩ
mãi về câu nói ấy. Hay là mình ở lại? Sang Nhật cũng làm nông nghiệp thì tại
sao không ở lại quê? Đất đai đây, sức người đây, sao phải bươn chải biền biệt
nơi xứ người?
Thêm một đám ma vừa đi qua cổng nhà, tiếng kèn trống ỉ ôi ảo
não. Dìu nhìn dáng lưng còng của mẹ và mái đầu bạc trắng của cha tự nhiên thấy
bất an. Nếu đi xa có thể Dìu không bao giờ có cơ hội được gặp lại những người
thân thiết nhất. Cuộc sống này đâu ai nói trước được điều gì nên những năm
tháng tha phương biết đâu lại chứa nhiều mất mát. Dìu quyết định ở lại khi nhìn
đàn chim di cư bay mải miết rồi mất hút ở phía chân trời. Trang trại của Vân
đang chờ bàn tay Dìu đến lợp chuồng trại, bón phân cho cây, làm cỏ kịp thời.
Mùa mưa sắp đến rồi, phải đắp đập nhanh may chăng còn kịp. Biết bao việc phải
làm Dìu chẳng còn thời gian để lăn tăn suy nghĩ. Vân đã dành cả tuổi thanh xuân
để gây dựng nơi này, Dìu sẽ thực hiện nốt giấc mơ dang dở đó. Để một ngày gần
nhất nơi này sẽ bạt ngàn xanh, những mùa cam mùa quýt ngọt lừ, con đường nở đầy
hoa, từng bãi rau mơn mởn xanh trong veo sương sớm. Dìu sẽ thay Vân đón những
người bạn đến từ thành phố. Cá dưới đập, gà vịt trong vườn, lũ trẻ sẽ thích mê
khi nhặt được đâu đó dưới bụi cây một quả trứng gà hồng hào mới đẻ. Mường tượng
ấy giúp Dìu không còn lơ lửng nữa. Tất cả hình dung đều rất thật, nằm ngay trên
mặt đất này thôi. Sẽ đơm chồi nở hoa. Sẽ bật mầm kết trái. Dìu bổ từng nhát cuốc,
trong đầu bỗng bật lên những câu thơ trong bài giảng trường làng ngày thơ
bé: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”(*).
Chú thích:
(*) Thơ Hoàng Trung Thông.
1/3/2020
Vũ Thị Huyền Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét