Nỗi nhớ và thi ca
Từ trước đến nay, các nhà triết học, tư tưởng gia, khoa học
gia đã có rất nhiều lời giải thích về những bước tiến vượt bậc của xã hội loài
người, khi đi từ dã man mông muội lên tiến bộ văn minh. Những ý kiến đó, tựu
trung lại, xoay quanh việc con người là động vật cao cấp nhất bởi có tư duy và
sáng tạo. Nhưng theo tôi, để có được tư duy và sáng tạo, cần phải kể đến một
nhân tố mang ý nghĩa tiền đề không thể thiếu, nhân tố này cũng có giá trị phổ
niệm ở nhiều loài sinh vật, nhưng chỉ khi đặt vào
1. Nỗi nhớ, theo tôi chính là giá trị tinh thần đầu tiên
mà Tạo hóa đã ban cho các sinh linh. Nỗi nhớ giúp chúng ta có những nhận biết
và kiến thức đầu tiên về thế giới, rồi tiếp tục tái hiện những nhận biết ấy, để
trở thành hành trang mỗi ngày cho đời sống con người. Từ khi còn là một đứa trẻ
lọt lòng, nỗi nhớ khiến ta phân biệt được những người lạ và người quen, nỗi nhớ
tạo ra những mối dây liên kết thẳm sâu và thiêng liêng giữa đứa trẻ với mẹ cha,
ông bà, anh chị em ruột thịt. Thế nên sau này, khi những người thân yêu lần lượt
rời xa chúng ta về thế giới bên kia, thì trong tâm hồn chúng ta, bao bóng hình ấy
đều trở về cùng nỗi nhớ: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa
cá xương (Ca dao), Còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh. Và cha nằm
ôm con, sưởi ấm những canh dài (Tình cha - Ngọc Sơn). Càng lớn lên, thế giới
tâm hồn càng phát triển và hoàn thiện thì dường như nỗi nhớ trong mỗi con người
đều lớn hơn. Từ một đứa trẻ thành một thiếu niên rồi một thanh niên, người con ấy
xa dần vòng tay của mẹ, và nỗi nhớ hiện về không chỉ là người thân mà còn là cả
bóng hình quê hương với bao kỷ niệm ấu thơ. Nỗi nhớ quê hương ấy đã chảy từ bao
áng thi ca cổ điển như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Tràng giang của Huy Cận…
cho đến thi ca hiện đại sau này: Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi
ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay/ Quê hương là con diều biếc/ Tuổi
thơ con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khua nước ven sông (Quê
hương - Thơ: Đỗ Trung Quân, Nhạc: Giáp Văn Thạch). Tôi xa quê hương bao năm
tháng qua. Nhưng trong trái tim không bao giờ xa. Lời mẹ ru con hiu hiu trưa
hè. Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đồng (Quê hương tuổi thơ tôi - Từ Huy).Mỗi con người từng gặp, mỗi vùng đất đã đi qua đều có thể trở
thành nỗi nhớ: Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ/ Nơi nào qua lòng lại chẳng
yêu thương/ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn (Tiếng hát
con tàu - Chế Lan Viên). Và đâu chỉ có nhớ con người, nhớ không gian, nhớ thời
gian, những con vật nuôi của chúng ta cũng trở thành nỗi nhớ: Tao chờ mày đã
lâu/ Cơm phần mày để cửa/ Sao không về hả chó?/ Tao nhớ mày lắm đó/ Vàng ơi là
Vàng ơi! (Sao không về Vàng ơi - Trần Đăng Khoa)
Đời sống văn hóa của người Việt còn không thể không nhắc tới
hành động “nhớ ơn”. Từ trong ca dao, người xưa đã có lời khuyên răn: Ơn ai một
tấc chớ quên/Nợ ai một tấc để bên dạ này. Một đứa trẻ từ nhỏ luôn được dạy bảo
phải nhớ ơn ông bà cha mẹ, tiếp đến khi trở thành học sinh lại được giáo dục
nhiều hơn về lòng nhớ ơn, chẳng hạn nhớ ơn những người đã ngã xuống vì độc lập
tự do của Tổ quốc, nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ, đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại…
Giản dị hơn, mỗi chúng ta đều được giáo dục phải nhớ ơn tất cả những người đã từng
giúp đỡ mình trong cuộc đời, như Chế Lan Viên từng viết: Con nhớ mế lửa hồng
soi tóc bạc/ Năm con đau mế thức một mùa dài/ Con với mế không phải hòn máu cắt/ Nhưng
trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
2. Về nỗi nhớ trong tình yêu đôi lứa, có lẽ đây là một
trong những nỗi nhớ làm tốn nhiều giấy mực nhất của mọi dân tộc, mọi thời đại.
Tất cả những câu chuyện tình trên cuộc đời này, dù hạnh phúc hay xót xa, dù gần
gũi hay xa xôi, dù suôn sẻ hay trái ngang trắc trở, đều để lại trong lòng những
người yêu nhau cảm xúc về nỗi nhớ. Ôi nỗi nhớ muôn hình vạn trạng, có nỗi nhớ rạo
rực bồi hồi, có nỗi nhớ phấp phỏng da diết, có nỗi nhớ cồn cào cháy bỏng, có nỗi
nhớ lặng lẽ âm thầm. Khi người con gái nhớ người con trai, hình như cũng có những
nét thật riêng biệt. Từ trong ca dao, nỗi nhớ ấy đã thổn thức nghẹn ngào: Khăn
thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên vai/ Đèn thương
nhớ ai/ Mà đèn không tắt/ Mắt thương nhớ ai/ Mà mắt không khô. Sang đến thơ hiện đại,
nỗi nhớ của người con gái thẳm sâu, khắc khoải, bền bỉ thủy chung: Con sóng dưới
lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng
em nhớ đến anh/ Cả trong mơ cũng thức (Sóng - Xuân Quỳnh). Nỗi nhớ của người con
gái khiến cho ta mủi lòng rưng rưng bởi sự mong manh, cần được nương tựa và che
chở: Em nhớ anh/ Như nhớ linh hồn mình/ Một hôm nắng vàng bỏ chơi xa/ Để lại xác
thân này ngơ ngác?/ Em kêu anh/ Như tiếng con nai tác/ Vọng qua triền đồi mơ...
(Nhớ - Hàm Anh). Ngược với nỗi nhớ của người con gái, nỗi nhớ của người con
trai thường được diễn tả như một bùng cháy dữ dội, một mãnh liệt thiêu đốt: Nhớ
em như một vết thương/ Trong lòng như vỡ mảnh gương trong lòng/ Tay cầm cốc thủy
tinh trong/ Trong tay bóp nát máu ròng ròng sa (Xuân Diệu), Em xa quá bóng đêm
thì vây bủa. Nỗi nhớ không chép được thành lời. Rồi sẽ cũ những vần kỷ niệm.
Kéo anh về vẫn chỉ em thôi... (Lúc em xa - Hồng Thanh Quang). Nỗi nhớ trong ái
tình, đôi khi được diễn tả một cách tha thiết và vô vọng hơn, bằng hai chữ
tương tư: Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương
kiến/ Đồng ẩm Tương giang thủy (Chàng thì ở tận đầu sông/ Cô đơn mình thiếp cuối
dòng chơi vơi/ Nhớ thương chẳng thấy mặt người/ Uống chung con nước trông vời
Tương giang), Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Khi
đôi lứa đã thành vợ thành chồng, nỗi nhớ của tình yêu khi đó lại có thêm nhiều
màu sắc. Có nỗi nhớ của vợ với chồng: Nhớ chàng như mảnh trăng đầy/ Đêm đêm vầng
sáng hao gầy đêm đêm (Tự quân chi xuất hỹ - Trương Cửu Linh, Ngô Tất Tố dịch).
Có nỗi nhớ của chồng với vợ: Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin anh về hai ngày/ Nhà tôi ở
Mường Lay/ Cuối con sông Nậm Rốm/ Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi
sẽ bắn đúng Tây/ Vì tay có hơi vợ (Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui).
3. Đứng về mặt thi pháp, những diễn tả về nỗi nhớ trong
các thời kỳ văn học sử cũng mang nhiều sự khác biệt đáng kể. Ta hãy thử xem xét
một trường hợp trong ca từ Việt. Cùng thể hiện nỗi nhớ người yêu, nhạc sĩ Thẩm
Oánh trước 1945 viết: “Nhớ nhung nhớ nhung ngợp trời. Buồn vương khắp nơi. Gió
trăng lạc lối. Nhớ nhung se sắt lòng quá. Phía tây mây mờ. Sầu lắng trong mơ.
Bóng dáng mây huyền lướt như tóc ai, tha thướt buông phương trời, hầu lôi cuốn
tim ta rối bời. Đây nét mặt trong trăng âu yếm như mỉm cười cùng thế nhân sầu đầy
vơi. Nhớ nhung nhớ nhung ngợp trời. Tìm đâu bóng ai cho tâm hồn say. Ngoài xa,
mây nhớ trăng lững lờ lần trôi. Vườn tà huy chờ gió luyến than chiều rơi. Bóng
dáng tơ đào phai phương trời xa xôi. Ai nhớ ai chăng là? Nào ai ai nhớ thương
ai? Chập chùng mờ non tây đón thăm chim xa về đây. Mịt mù quá mây đầy. Ai nhớ
ai chăng là? Nào ai ai nhớ hình ai? Hỏi ai ai nhớ ai chăng là? Nào ai nhớ
thương ai?” (Nhớ nhung, rút từ Nửa thế kỷ tình ca, tập 1, NXB Trẻ 1996).
Gần nửa thế kỷ sau, cũng diễn tả về nỗi nhớ trong tình yêu,
nhạc sĩ Phú Quang có cách thể hiện ngôn ngữ hoàn toàn khác: “Nỗi nhớ dâng đầy
trong anh. Gương mặt em, nụ cười em, vòm ngực trắng. Tưởng như máu trong tim
ngưng đọng. Nỗi nhớ dâng đầy dâng đầy. Ôi, chẳng có dòng sông mặt biển nào ngăn
cách, mà sao em không thể đến bên anh. Để nỗi nhớ như con thuyền vượt sóng, đến
bến bờ chỉ là giấc mơ. Căn phòng đêm nay câm lặng, sao như lửa cháy bốn bề. Em
ùa chạy như lá khô gió cuốn, miên man trong nỗi đớn đau. Mà không thể ra ngoài
nỗi nhớ. Không thể ra ngoài nỗi nhớ đâu anh (Tuyển chọn ca khúc Phú Quang - NXB
Âm nhạc, HN, 1995).
Nếu như trong Nhớ nhung của Thẩm Oánh, ta bắt gặp một hệ thống
ngôn ngữ mang tính chất cổ điển đầy ước lệ thì ở ca khúc của Phú Quang, cách diễn
đạt đã hoàn toàn thay đổi. Những cách diễn đạt như: nhớ ngợp trời, sầu lắng,
dáng mây huyền, vườn tà huy, gió luyến, chiều rơi, bóng dáng tơ đào, non tây
đón thăm chim xa có thể nói ngày nay đã không còn thấy sử dụng nữa và bị xem là
rất cũ. Dĩ nhiên vào thời kỳ ấy, những cách diễn đạt này vẫn có thể là những
“ngữ thời thượng”. Cho đến phần ca từ trong ca khúc của Phú Quang, nhiều hình ảnh,
biểu tượng và cách diễn đạt mới mẻ đã xuất hiện để khắc họa sâu sắc tâm lý tình
cảm của nhân vật, từ căn phòng câm lặng, gió khô lá cuốn, không thể ra ngoài nỗi
nhớ… Người nghe cảm nhận được nỗi nhớ như có hình hài cụ thể, lúc thì da diết
đê mê, lúc lại cồn cào cháy bỏng, với nhiều kết hợp táo bạo mà trong ngôn ngữ
ca từ của âm nhạc lãng mạn trước 1945 khó lòng có được.
Bàn về nỗi nhớ mãi mãi là không đủ, bởi như thi sĩ Nguyễn
Bính đã từng thốt lên: Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ/ Em thử quay xem được mấy
vòng?/ Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ/ Em thử lào xem được mấy thưng? Một nhà thơ
trẻ gần đây là Huyền Thư cũng viết: Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu? Có những
nỗi nhớ siêu hình không bút mực nào tả nổi, như khi ta đang ở một nơi mà lại nhớ
chính về nơi đó: Chiều nay có một người du khách/ Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên
(Nguyễn Bính). Có nỗi nhớ như trong Kinh Thánh viết: “Tôi phải nhớ: Tôi phải chết!”.
Thế nhưng đồng hành cùng nỗi nhớ, con người ta còn cần học cách để Quên. Đó là
điều mà chúng tôi sẽ bàn tiếp trong một bài viết khác...
13/5/2019Đỗ Anh Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét