Kỷ niệm với Song Ngọc,
Hà Nội ngày tháng cũ
Bài viết Song Ngọc, Dòng nhạc của một thời để nhớ của tôi vào
Hè 2018. Khi viết bài này, chúng tôi đã gọi điện thoại trò chuyện và email
cho nhau. Tôi nhận được những tuyển tập ca khúc của anh để dẫn chứng chính xác.
Khi viết về nhạc sỉ, ca sĩ, tôi vào You Tube để thưởng ngoạn dòng nhạc và lời ca
để tạo thêm nguồn cảm hứng. Với nhiều ca khúc của anh trước năm 1975 viết về
lính khá quen thuộc, và ca khúc sau này ở hải ngoại, tôi đã nghe nhiều lần, rất
thích “Hà Nội ngày tháng cũ”.
Đoạn kết viết về ca khúc này:
“Viết về Hà Nội của thuở “ba mươi sáu phố phường, ngàn
năm văn vật” qua các ca khúc thời tiền chiến vẫn tuyệt vời đã in sâu trong
lòng người thưởng ngoạn. Song Ngọc của dòng An Giang đã sáng tác hai ca khúc
nói về Hà Nội, ca khúc Nhớ em Hà Nội:
“Một người con gái Hà Nội
Bên bờ Hồ Tây, se sắt tim buồn
Chiều vào thu, heo may hắt hiu
Mắt em lạnh đầy, mắt em lạnh đầy
… Hà Nội mùa thu, sương lam giăng mắc
Liễu buồn mong chờ, mù bóng thu sang
Trời đã vào thu, ai đi viễn khơi
Có nhớ thu xưa, nhớ em Hà Nội”.
Ca khúc này không được nổi tiếng bằng ca khúc Hà Nội ngày tháng
cũ khi sống ở hải ngoại, rất hay từ lời ca cùng giai điệu.
“Hà Nội ngày tháng cũ
Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ
Hà Nội ngày tháng cũ
Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi
... Mùa Thu ngày ấy ta bên nhau
Ai ra đi mà không nhớ về
Hồ Gươm mù tối gương xưa
Nhớ hàng Bạc, nhớ qua hàng Đào
Nhớ cơn mưa phùn chạy ngang thành phố
Bên em cùng đội mưa mà đi
Đội mưa mà đi... mà đi
… Hà Nội còn sống mãi
Chiếc ao xanh lam áo trắng nghiêng nghiêng mặt hồ
Chiếc lá cô đơn lang thang trôi trên vỉa hè
Giờ đâu xa vắng... mây chiều”.
Tôi mê ca khúc này, lần đầu với tiếng hát Sĩ Phú rồi đến nhiều
ca sĩ khác, nghe không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn thấy hay. Có lẽ giữa anh và
tôi cảm nhận giống nhau nơi chốn xa lắc xa lơ này.
Qua lời kể của bố vợ, năm 1973 ở Đà Lạt tôi viết bài Hà Nội,
Giấc mơ mịt mù để tặng đứa con trai đầu lòng nhớ về quê ngoại. Bài viết đăng
trên đặc san Ức Trai của trường Đại Học CTCT Đà Lạt. Nhà thơ Tô Kiều Ngân (Thiếu
tá Lê Mộng Ngân, chủ bút đặc san) cảm nhận và chọn những ca khúc viết về Hà Nội
cho chương trình văn nghệ (2 kỳ) trên đài phát thanh Đà Lạt.
Quản đốc đài phát thanh Đà Lạt là nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, với
nhà thơ này “Hà Nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc. Mấy chục năm, xa đến mấy
nghìn năm... Hà Nội yêu, áo lụa ngà óng ả. Thoáng khăn san nũng nịu với heo
may... Hà Nội yêu, đẹp Trưng Vương mái tóc. Chiếc kẹp nghiêng, ba lá nép vào
nhung”. Và, sau này được nhiều người gọi là nhà thơ của Hà Nội như tập thơ
Yêu em, Hà Nội của ông.
Nếu lúc đó có ca khúc này thì hình ảnh xa xưa của thuở “vang
bóng một thời” mà Song Ngọc gợi nhớ “Hà Nội người có nhớ. Tháp Bút
chơ vơ liễu xanh vật vờ. Hà Nội người có nhớ. Hương lan vương vương bên hồ Thuyền
Quang…”. Với một thời đáng yêu qua ngòi bút Thạch Lam (Hà Nội ba mươi sáu phố
phường), Nguyễn Tuân (Vang bóng một thời), Vũ Bằng (Thương nhớ mười hai), với “Đêm
mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” (Quang Dũng), Hà Nội cổ kính với thiên nhiên hữu
tình của thời xa xưa rất nên thơ. Nhạc sĩ miền Nam chưa ra Hà Nội nhưng “gợi” lại
ngày tháng cũ với niềm tiếc nhớ vì hình ảnh thơ mộng đó đã tan theo thời gian!
Khi tôi nói với anh, ca khúc Hà Nội ngày tháng cũ quá tuyệt.
Anh nói, vì có vợ Hà Nội chứ gì. Tôi hỏi, còn anh?. Anh cười ha hả… bọn mình,
thằng nào không lãng mạn nhưng vẫn chung tình cho đến cuối đời”.
Từ thời học sinh nơi phố cổ Hội An, bài thơ về 36 phố phường
trong Việt Nam thi văn hợp tuyển của GS Dương Quảng Hàm mô tả phố cổ Hà Nội:
“Rủ nhau đi chơi khắp long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải xem phường phố thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền”.
Từ đó, 36 phố phường Hà Nội…, câu thơ dân gian ấy trở thành
quen thuộc. Và, lịch sử nơi chốn đó vào thời kỳ vua Lý Công Uẩn xuống chiếu dời
đô về Đại La (1010) đặt tên Kinh đô là Thăng Long, thủ đô chia làm hai khu vực:
Khu vua ở và thiết triều gọi là Thăng Long Thành và khu dân cư nơi làm ăn buôn
bán của mọi tầng lớp sĩ nông công thương, dân quê gọi là phố Kẻ Chợ vì mỗi phố
sản xuất và bán một thứ sản vật nổi tiếng. Khu dân cư này cũng có thành bao
quanh gọi là Thăng Long ngoại thành.
Đến năm 1014 đổi là Nam Kinh. Sang đời Trần đổi là Trung
Kinh, có 61 phường. Đến đời Lê, tổ chức lại thành 36 phường... Theo dòng thời
gian đến thế kỷ thứ 18, thương nhân các nước đến nơi đây làm ăn buôn bán nên 36
phố phường sầm uất.
Hà Nội xa xưa của xứ “ngàn năm văn vật” được ghi
vào thơ văn trang trải với tha nhân khá nhiều từ đầu thế kỷ XX. Trong thi tập Lỡ
bước sang ngang của Nguyễn Bính (Hương Sơn, 1940)
“Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng có để một tơ vương.
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Góp lại đường đi: vạn dặm đường…
Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng đã dứt một tơ vương,
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Có một người đi giữa đám tang”!
Nhà thơ Nhất Tuấn bày tỏ Những vần thơ nhớ nhung Hà Nội sau
thời gian di cư vào Nam:
“Bao năm qua tôi vẫn cứ mong chờ
Ngày trở lại nẻo đường thành phố cũ
Ở miền Nam có nhiều đêm không ngủ
Nhớ vô cùng Hà Nội của ngày xưa
Đường Cổ Ngư còn những cảnh nên thơ
Hồ Tháp bút nước xanh hay ngả đục
Những nẻo phố xưa có còn tấp nập
Trường Trưng Vương còn vạt áo lam bay…”
Vào thập niên 60, với các ca khúc viết về Hà Nội, thấp thoáng
tên gọi hay hình bóng người tình nhưng cũng hình dung cả khung trời, điển hình
như:
Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương
“… Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió ngây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ…”
Ca khúc nổi tiếng nhất là Giấc mơ hồi hương của nhạc sĩ Vũ
Thành:
“Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn "em" mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ
rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly!
… Nghẹn ngào thương nhớ em Hà Nội ơi!”
Tình khúc Gửi Người Em Gái của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (Lời Từ
Linh)
“… Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ mà chi
… Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san baу lả lơi bên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Ɲội thêm bóng dáng nàng tiên”
Khi định cư ở hải ngoại, tôi đã nghe nhiều ca khúc về Hà Nội
nhưng không thích bằng những ca khúc xa xưa… cho đến khi nghe ca khúc Hà Nội
ngày tháng cũ của Song Ngọc. Khi chia sẻ với anh điều này, anh cũng cho biết có
vài thân hữu di cư từ năm 1954, xa Hà Nội, nhớ Hà Nội nên thích nghe các ca
khúc về Hà Nội nhưng mang “màu sắc chính trị” nên không phù hợp.
Trong mùa dịch Covid-19, không được đi nơi này nơi nọ, không
có dịp gặp gỡ bạn bè, không ngồi chung ở quá cà phê để tấn gẫu với nhau. Ở nhà,
xem tin tức cũng nhức đầu, lôi các quyển sách làm tài liệu ra đọc cũng chán, chỉ
còn thú tiêu khiển với âm nhạc.
Song Ngọc đã ra người thiên cổ, mỗi lần nghe đến các ca khúc
của anh, nhất là Hà Nội ngày tháng cũ, nhớ lại vài kỷ niệm nên viết đôi dòng.
6/4/2021Vương Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét