Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Câu ca trữ tình qua ba vùng đất

Câu ca trữ tình qua ba vùng đất

“Trèo lên chót vót ngọn bần/ Vái anh đi cưới vợ bị sóng thần nhận ghe”. “Em thương anh, thương lột da cóc, thương tróc da đầu, ngủ quên thì nhớ, thức dậy thì thương”… (Ca dao Nam Bộ). Còn ở Miền Trung và Miền Bắc thì sao?
Hãy bắt đầu từ Kinh Bắc. Xét về phương tiện diễn đạt, ca dao Bắc Bộ thường hay trau chuốt bóng bẩy. Biểu hiện cụ thể của câu ca trữ tình cũng không thoát  khỏi đặc điểm ấy. Người hay dùng cách so sánh ví von, nghĩa là cách nói vòng vo bóng gió, bóng gió đến độ điêu luyện rất gần với văn chương bác học. Hãy nghe:
– Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
– Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.
Hay: Thuyền về, có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Nhà nghiên cứu Trịnh Sâm
Tất cả những câu vừa nhắc không hề xuất hiện một chữ thương yêu nào, ấy vậy mà nhớ mà thương đấy. Hay ít ra cũng là lời ướm hỏi, đánh tiếng (có gì thì mới ướm hỏi đánh tiếng chứ!), để rồi tất yếu phải dẫn đến chỗ nhớ thương. Kể cũng lạ, chỉ nhắc đến mận, đào và vườn hồng, bến, thuyền hay đâu đó còn có tre non đủ lá và việc đan sàng chứ nào đề cập đến yêu đương gì đâu, thế mà ai cũng biết chính hiệu là nó đấy. Còn đây:
Có trầu mà chẳng có cau / Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm.
Hay: Tưởng giếng sâu anh nối sợi gầu dài/ Hay đâu giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây.
Lại chuyện trầu cau và đỏ môi nhau, lại là chuyện giếng sâu/ cạn và sợi dây. Thế nhưng với người đọc thì đâu phải chuyện đó, mà là một điều gì rất khác, quan trọng hơn nhiều. Thi vị và bóng gió là ở chỗ này. Và ngày cả trường hợp có mặt của chữ thương vẫn cũng chưa phải là lời trực ngôn:
Người thương ơi cho em nhắn một điều/ Dẫu rằng mai quán chiều lều cũng ưng.
Trên cái nền của những bối cảnh như cây đa, cái đình, lũy tre, bến nước, cách biểu hiện: Người về, em chẳng cho về, em nắm vạt áo, em đề câu thơ, một mặt mang dáng vẻ quý phái, mặt khác được xem là hơi táo bạo.
Lần theo câu hát, xuôi theo khúc ruột miền Trung - một vùng đất sóng biển vỗ bờ đá núi, với điệp trùng núi non ghềnh thác. Trong cái khung cảnh ấy, câu hát như một lời vang vọng. Không bị trói buộc lề thói một cách quá chặt chẽ như cha cội nguồn, cũng không quá khoáng đạt như xứ sở sông nước phù sa, chất trầm lắng, tính chịu thương, chịu khó, đôi lúc âu lo sợ sệt, hầu như bàng bạc trong mỗi câu ca miền Trung. Đúng thôi, ở một vùng đất: Gánh cực mà đổ lên non, còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo thì chuyện lo trước tính sau một cách dè dặt, âu cũng là điều dễ hiểu. Có điều, cần nói thêm, chuyện liệu cơm gắp mắm là đặc tính chung cho cả dân tộc, nhưng ở đây có phần đậm hơn, và được ghi nhận như một điểm nổi bật.
Trở lại vấn đề đang bàn, sợ trước hết là sợ dư luận:
Anh thương em đừng cho ai biết, ai hay/ Đừng cho ai biểu, ai bày;
Thâm thâm dìu dịu, càng ngày càng thương/ Nước mía trong họ nấu lọc thành đường/ Anh thương thì em biết chứ thói thường biết đâu.
Hay:
Đèn hết dầu đèn tắt, hoa rữa nhụy hoa ôi
Em biểu anh đừng có lên xuống đêm hôm
Thế gian đàm tiếu, tiếng đồn tội em.
Thế đấy, yêu nhau mà vẫn không thoát khỏi cảnh nơm nớp lo sợ. Tiếng thị phi, lời đàm tiếu không phải là gươm dao mà đôi lúc vẫn giết chết người. Cho nên phải cảnh giác, cảnh giác từ ánh mắt, cái nhìn đến một hành động thân thiện dù nhỏ:
Anh thương em đừng buông con mắt
Đừng quẹt ngón tay
Người ta đông như hội, cứ ngó ngay mà nhìn
Đối với nam giới, trở ngại dù tam tứ núi, thất cửu đèo khi đã nhất quyết cũng có thể vượt qua. Ngược lại, với phụ nữ đâu có dễ dàng như vậy:
Thương anh mà chẳng dám nói sao/ Rập rình cửa sổ, ngó vào ngó ra
Có khi chả phải buộc ràng bởi khen chê của xã hội, nhưng do ngại ngần, lúng túng nên bao tiếng lòng đều cố chôn chặt nơi sâu kín nhất. Và chỉ còn biết thở than, nhất là khi người thương đến chưa kịp ngỏ lời, đã ra đi:
Thương chi cho uổng công tình/ Nẩu (họ) về quê nẩu bỏ mình bơ vơ
Thương sao thương dại thương khờ/ Trong nhà không khóc ra bụi bờ khóc than.
Tình yêu nào mà chả có nước mắt, giận hờn: khóc, yêu: khóc, chờ đợi: khóc… Nhưng cũng không hiếm cảnh còn hơn cả tiếng khóc:
Em thương anh, hái dâu quên giỏ/ Cắt cỏ quên liềm
Xuống sông gánh nước, hũ chìm, gióng trôi.
Thương cháy bỏng và tê điếng nhưng vẫn là lời nói với chính mình chứ không hẳn là lời giãi bày cho ai đó biết. Âm điệu chủ đạo của câu ca vùng này là vậy.
Nhưng cũng như một dải đồng bằng thình lình xuất hiện núi cao, trên cái nên chung ấy, bất chợt ta bắt gặp nhiều câu ca bạo dạn không kém. Hẳn ngay cả ngày nay, ta cũng chào thua cách tán tỉnh độc đáo sau đây:
Tui đi lên, tui gặp chị/ Tui đi xuống, tui gặp chị
Người ta đồn mộng, đồn mị, đồn chị với tui là hai vợ chồng.
Hôm nay gặp giữa chợ đông, kéo tay chị lại/ Tui hỏi: Bây giờ chị tính sao?
Đến Nam Bộ, tầm nhìn không bị giới hạn bởi núi non, nếp sinh hoạt không bị ràng buộc bởi lũy tre làng, thiên nhiên giàu có, hai mùa mưa nắng thuận hòa. Sự cởi mở như một động lực để tồn tại và khai phá từ những ngày “mang gươm đi mở cõi” vẫn còn nguyên đó. Cá tính con người như ngang tàng hơn, bộc trực và điệu nghệ hơn. Điều đó thể hiện không những trong cái phổ biến mà  còn cả những biểu hiện cụ thể.
Trên kia, việc nắm vạt áo đề thơ đã thấy lạ, nhưng đâu có nhằm nhò gì so với:
Anh về, em nắm vạt áo, em la làng
Biểu anh bỏ chữ thương chữ nhớ lại giữa đàng cho em
Hay: Anh thương em, thương lún, thương lụn, thương lột da cóc, thương tróc da đầu, ngủ quên thì nhớ, thức dậy thì thương. Và còn biết bao cách thương như: thương quấn, thương quít, thương lòi phèo lòi phổi chó tha đầy đồng, thương bất chấp mọi trở lực, dù cho dao phay có kề cổ, dù cho cha mẹ có đánh trăm roi nhưng chết thì chịu chết chứ lìa đôi không lìa. Mãnh liệt, dữ dội và rạch ròi quá đi chứ. Và ở đây, cũng có nhiều cách biểu hiện tình cảm rất lạ. Một mặt nó vượt qua cách diễn đạt sáo mòn, mặt khác hàm chứa chất nghịch ngợm, ngang tàng và đặc biệt chỉ cốt sao nói được hết lòng mình, chứ không câu nệ vào hình thức chữ nghĩa. Theo để ý của chúng tôi, nhấn nhá, đệm lót, đưa đẩy là đặc trưng chung của ca dao, nhưng Bắc Bộ vẫn là câu sáu, câu tám, trong khi ấy ở Nam Bộ, khuôn thước ấy thường bị phá vỡ, giống như câu hò Đồng Tháp tính chất tài tử, hiểu theo nghĩa phóng khoáng, là điều dễ thấy. Đâu đó, khi thất tình, khi thất cơ lỡ vận, ta hay bắt gặp hình ảnh đi tu. Hãy nghe người Nam Bộ hát: Việc gì mà phải lên chùa mà tu, ta về Cà Mau, ta qua Rạch Giá, gặp con cá ta bắt con cá, gặp con cua ta bắt con cua, gặp việc gì ta mần việc nấy…, thương yêu thì: Phải chi cắt ruột đừng đau/ Chiều nay tui cắt ruột, tui trao anh đem về và yêu cầu rõ ràng về tình cảm: Anh có thương em thì thương cho chắc, có bỏ thì bỏ cho luôn, đừng có làm theo thói ghe buôn, nay đi mai ở thêm buồn dạ em.
Dựa trên cơ sở chữ nghĩa, trên đây đã thử phân tích một vài câu ca trữ tình lượm lặt của ba vùng đất nước. Nói là chữ nghĩa, chứ thật ra, đó là cá tính của con người từng vùng đất.
12/4/2021
Trịnh Sâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chúng tôi là chó 1.  Dĩ nhiên bạn không phải là chó. Tôi xin lặp lại: “Tôi là chó!”. Từ “chó” nhạy cảm với bạn ư? “Chó” thì xấu sao? ...