Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Vấn vương khói vờn bếp rạ

Vấn vương khói vờn bếp rạ

Chiều ngày giáp Tết, nhìn về phía xa xa dưới thung lũng, thấy khói vờn quanh những mái bếp nhỏ xíu rồi lượn vòng bay lên, lòng bỗng bồi hồi nhớ quê da diết. Tôi nhớ nhà, nhớ tất cả những ký ức xưa từ làn khói bếp.
Khói bếp chập chờn trong giấc mơ tôi, nó ám vào tất cả các giác quan của tôi trong từng khoảnh khắc, bất cứ lúc nào chỉ cần mắt tôi chạm vào ngọn khói là tôi bống thấy nao nao như kẻ mộng du, đang đi đâu đó mà cứ ngỡ như ở quê nhà, ngỡ như tôi đang ở trong căn bếp nhỏ ngày xưa.
Tác giả Hà Kim Quy ở Mỹ Lộc - Nam Định
Bếp nhà tôi xưa là một căn bếp lợp mái rạ. Giáp vách phía trong được chia ra thành hai ô: một ô dùng để đun bếp, một ô nhỏ để đựng rơm rạ ngăn cách nhau bởi bức tường đất sét vuông vắn cao chừng quá nửa mét. Tôi nhớ cái cảm giác sờ vào vách bếp, dù nhẵn đến mấy cũng thấy vết lợn cợn của bùn ao trộn nhuyễn với rơm. Lúc khô, vẫn còn thấy mùi bùn ngai ngái và những sợi rơm nổi lên, tôi gọi vui là vân của vách. Ba ông đồ rau được nặn bằng đất sét quanh năm ngày tháng chúi đầu vào nhau làm thành một cái bếp vững chãi. Hồi nhỏ, lúc đun bếp, tôi thường thích thú lấy que cời viết vẽ lên ông đồ rau những nét đen thẫm như mực tàu và kều những hạt nẻ nổ tí tách trắng như hoa quất, thơm thơm mùi hương nếp còn sót lại hoặc những củ khoai lang, khoai tây nướng đen nhẻm đen nhèm, thổi phù phù mà nhấm nháp. Nền bếp được nện chặt, nhẵn bóng, là nơi chúng tôi hay chơi bi ở đó mỗi khi trời đổ mưa. Bà thường bện ổ rơm cho chúng tôi chơi suốt đêm để canh nồi bánh chưng cùng ông nội mặc cho những rổ, rá, nia, lờ, thúng mủng… được gác lên mái bếp nhuộm khói vàng óng và phủ đầy mòng hóng.
Bếp là nơi chứng kiến những vui buồn của mỗi gia đình. Những ngày no đủ, bếp rộn rã, thơm nức mùi gia vị xào xáo của các món ăn. Những ngày đói kém, mất mùa, bếp vắng teo, buồn tênh. Tôi nhớ, tháng ba ngày giáp hạt năm tôi mười tuổi, tôi được giao nấu cơm buổi chiều. Khi dùng đũa cả ghế cơm xong, vùi nồi cơm xuống bếp tro, chẳng may tuột tay, tro bếp vào đầy nồi cơm. Lúc dọn cơm ra, tôi lo lắng phấp phỏng. Nhưng mẹ không mắng mà chỉ dặn lần sau con làm phải cẩn thận hơn. Hớt hết cơm bụi ra, nồi cơm độn khoai, một hạt gạo cõng mấy lát khoai chừng vơi đi một nửa, nhường anh em tôi ăn, mẹ chỉ ăn mấy miếng khoai lồng khồng. Tôi thương mẹ vất vả cả ngày rồi nhịn đói. Thà mẹ mắng tôi vài câu còn dễ chịu hơn, bữa đó, tôi ăn cơm mà thấy đắng ngắt trong lòng.
Có những chiều đông, mưa phùn dầm dề, gió bấc thổi ù ù, rét buốt.  Đi học về, chân còn lấm lem bùn đất, từ ngoài cổng, tôi đã thấy khói bếp nhà mình bay lên, mùi trấu rấm bếp thoang thoảng đâu đây, có cả vị mằn mặn của món kho nào đó mà bụng réo ào ào. Bà đã nhen bếp lửa từ bao giờ, đón tôi, bà giục:
– Con nhanh rửa tay chân rồi vào bếp hơ cho ấm, kẻo chết cóng bây giờ!
Tay, chân hết cóng, giá rét ở trong lòng tan biến hết bởi ngọn lửa ấm áp từ căn bếp và từ tấm lòng yêu thương của bà.
Cũng trong căn bếp đó, những câu ca dao, tục ngữ bà đọc rì rầm bên ngọn khói cứ thấm dần vào tâm hồn chúng tôi và răn dạy chúng tôi suốt cuộc đời:
“Chồng giận thì vợ bớt nhời
Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”
Tôi nhớ từng mùi khói trong căn bếp quen thuộc ấy. Mùi khói thơm nồng của rơm rạ khác với mùi thơm hăng hắc của lá bạch đàn, khác với mùi khói thơm của củi thông và mùi khét lẹt của những món ăn bị quá lửa. Khói rạ rơm thơm bén lửa nồng nồng, ngòn ngọt những ngày mới gặt cứ chạm vào khứu giác tôi, gợi trong tôi hình ảnh về những cánh đồng vàng ươm mà biết ơn cây lúa đã hiến dâng tất cả thân mình cho con người. Đó là ngọn khói của mùa màng ấm no, của nắng vàng mùa gặt. Những tháng ba ngày tám, bà đi cắt lá chuối khô ngoài vườn về đun, lửa cháy bừng lên từ đám lá chuối lồng khồng, ai không biết đun rất sợ cháy lan ra ngoài bếp. Nhưng mùi lá chuối cháy gợi tôi nhớ đến mùi bánh mật, bánh gai khi bóc ăn đến miếng ngon cuối cùng, vị mật, vị ngọt thơm của lá gai được ủ trong mùi thơm của lá chuối cứ làm tôi thòm thèm mãi… Tôi nhớ cả những khi rạ rơm hay củi ướt, lửa mãi không chịu bùng lên mà cứ khói mù mịt cả căn bếp.
Khói bếp không phải ngày nào cũng giống nhau. Khói có vũ điệu riêng của khói, nó bồng bềnh, phiêu lãng trên mái bếp. Những hôm trời nắng, gió nhẹ, khói bếp nhẹ nhàng vờn quanh điệu đàng rồi bốc lên cao theo gió mà bay về trời. Cũng hôm trời nắng, không gió, khói cứ thẳng đứng thành cột bay lên. Phải những hôm trời mưa, tắt gió, khói bếp bốc lên nóc rồi lan xuống mái, cứ bò lan từng lớp khói bông, xốp trắng  trông như những bàn tay khói mềm mại thả trên mặt phím đàn piano, hay tưởng như làn sóng khói đang say sưa vũ điệu đều đều, nhịp nhàng, vui vẻ trên mái bếp. Lại có những hôm trời mưa ẩm, gió to, khói bốc lên rồi cứ quẩn quanh xuống đất, dùng dằng mãi mà chẳng chịu bay đi làm cay cả mắt người.
Khói bếp luênh loang trong ký ức, ngào trộn với những mùi thơm của các món ăn. Mùi riêu cua thơm phức đánh thức vị giác của những kẻ thèm ăn món đồng quê dân dã, đó là vị chua chua thanh mát của mẻ, thơm nức của hành phi và gạch cua vàng óng mà từ xa ngửi đã thấy thèm. Cũng từ căn bếp ấy, món cá rô đồng đốt giòn tan thơm mùi trấu nếp ăn với cơm trắng dẻo thơm mà nhớ mãi đến tận bây giờ… Mùi khói bếp cộng hưởng với mùi của món ăn tạo thành mùi hương thân thuộc, độc đáo của quê nhà.
Tôi nhớ cả những ngày tất niên, mẹ dành gạo tám thơm Hải Hậu để nấu cơm cúng tiên tổ, mùi cơm không những thơm lừng cả chiều ba mươi Tết mà còn lưu lại trong nồi đồng, thơm tận đến ra giêng… Tưởng như không gian, thời gian chừng lại khi ngọn khói bếp lan tỏa cùng với mùi giò xào, mùi xôi nếp, mùi bánh chưng ngào ngạt lẫn trong mùi hương bài, nước mùi già và mùi hoa thanh khiết chiều ba mươi Tết. Chẳng biết, có phải tuổi thơ tôi được hun đẫm khói bếp hay được tẩm ướp bằng mùi của khói mà tôi nhớ khói bếp đến vậy? Tôi nhớ cả những mùi hương quyện vào khói bếp, có thể dù chỉ ngửi một lần vẫn nhớ mãi, suốt đời chẳng thể nào quên.
Bây giờ, ở thôn quê người ta thường đun bếp ga, bếp từ. Một số ít nhà đun bếp củi thì bếp cũng lợp ngói nên ta khó nhận ra màu khói như khói trên mái rạ thời khốn khó ngày xưa. Dù đã ở một thời quá vãng nhưng khói bếp và những hình ảnh gắn liền với căn bếp xưa vẫn chiếm một dung lượng nhất định trong trí nhớ của tôi. Khói bếp không chỉ là ngọn khói đơn thuần mà nó còn lưu giữ cả những nét ẩm thực, những truyền thống văn hóa của quê hương, làng xóm ngày nào. Có gì đó lắng lại trong tôi mỗi khi nghĩ về căn bếp nhỏ. Sao không có khói mà mắt tôi lại thấy cay cay. Thân thương lắm, rưng rưng, xao xuyến lắm, khói bếp ơi!
8/4/2021
Hà Kim Quy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...