Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Hemingway - Ngôi sao của bầu trời văn học Mỹ

Hemingway - Ngôi sao 
của bầu trời văn học Mỹ

Nền văn học Mỹ cũng như bao nền văn học khác trên thế giới, xã hội và con người luôn là để tài cho những sáng tác văn học, xoay quanh chủ để con người, tình yêu, gia đình, cuộc sống và những giấc mơ, chủng tộc, tham vọng và chiến tranh. Mỗi đề tài là một tác giả tiêu biểu, mỗi một ngôi sao lấp lánh khác nhau.
Ernest Miller Hemingway, một tác gia nổi tiếng của văn học “Tân thế kỷ”, người đi đầu trong việc xây dựng nguyên lý tảng băng trôi, chủ nghĩa khắc kỷ trong sáng tác. Các nguyên lý dùng để khai thác mọi khía cạnh về cảm xúc, cốt truyện, hành động, đặc biệt là cách ứng xử của con người Mỹ, được hiểu đó là “tinh thần Mỹ, giấc mơ Mỹ” trước việc xây dựng cuộc sống mới, trong xã hội mới đầy biến động. Với sự trải nghiệm, bản lĩnh và cống hiến hết mình cho văn học mà ông trở thành một trong những ngôi sao sáng trong nền văn học Mỹ.
Để hiểu về một tác phẩm văn học của một tác giả nói riêng của nên văn học nói chung, ta nên xem xét, tìm hiểu tác giả ngay từ đầu để hiểu rõ những ý nghĩa, chủ đề và sáng tác. Song với đó là các khía cạnh về gia đình, cuộc số sống hoàn cảnh của tác giả, hoàn cảnh lịch sử ra đời tác phẩm, để hiểu đúng giá trị mà tác giả tạo ra. Vì lý do đó, tôi giới thiệu với các bạn đôi nét về tác giả Ernest Miller Hemingwa và những sáng tác, phong cách sáng tác, làm tiền để cho việc tìm hiểu những nét đặc sắc trong sáng tác của ông.
Tác giả Ernest Miller Hemingway
Ernest Miller Hemingway (21/7/1899 - 2/7/1961) sinh ra tại Oak Park, Illinois, ngoại ô Chicago, Hoa Kỳ. Ông được biết đến với vai trò của một tiểu thuyết gia người Mỹ, nhà văn viết truyện ngắn và một nhà báo. Ông là một phần của cộng đồng những người xa xứ ở Paris trong thập niên 20 của thế kỷ XX, cựu quân nhân trong chiến tranh thế giới thứ I và phóng viên chiến trường trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha.
Mẹ của Hemingway mong ước ông trở thành nghệ sĩ opera nhưng ông lại thừa hưởng từ cha của mình sở thích săn bắn, câu cá, cắm trại ở các khu rừng và hồ vùng Bắc Michigan. Từ những trải nghiệm đầu đời, lối sống gần gũi với thiên nhiên đã truyền cho ông niềm đam mê với cuộc sống gần gũi thiên nhiên, cuộc phiêu lưu ngoài trời và những hành trình sống và khám phá các khu vực xa xôi, hẻo lánh. Những điều đó cũng là một phần cho những sáng tác của ông thêm gần gũi, mang màu sắc thực tế, sống động hơn.
Cuộc đời Hemingway gắn liền với những cuộc chiến tranh: chiến tranh thế giới thứ nhất, nội chiến Tây Ban Nha, chiến tranh thế giới thứ hai. Có lẽ, chiến tranh một phần đã giúp Hemingway trở thành một văn hào thành công của văn học học nước Mỹ. Các sáng tác của ông, ít hay nhiều, phần lớn đều đề cập đến chiến tranh.
Ngay sau khi xuất bản tác phẩm Ông già và biển cả vào năm 1952, Hemingway thực hiện chuyến thám hiểm Phi Châu, nơi ông suýt tử vong trong một tai nạn máy bay. Tai nạn đó đã để lại thương tích và hao tổn sức khỏe trong những ngày còn lại của cuộc đời ông. Hemingway sống cố định tại Key West, Florida, và Cuba trong thập niên 1930 và 1940, nhưng vào năm 1959 ông dời từ Cuba về Ketchum, Idaho, nơi ông tự vẫn vào mùa hè năm 1961.
Sự nghiệp sáng tác
Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, nhà văn để lại một kho tàng các sáng tác đồ sộ gồm:
+ Sự nghiệp bắt đầu với tập truyện ngắn ”Trong thời đại của chúng ta” (1925)
+ Mặt trời vẫn mọc (1926)
+ Đàn ông không có phụ nữ (1927)
+ Giả từ vũ khí (1929)
+ Chuông nguyện hồn ai (1940 )
+ Qua con sông trong cánh rừng (1950)
+ Ông được nhận giải Pulitzer năm 1953 với tiểu thuyết Ông già và biển cả, sau đó là giải Nobel văn học năm 1954.
+ Giải Cống hiến của Học viện Văn học - Nghệ thuật Hoa Kỳ, 1954.
+ Ngoài ra Hemingway còn sáng tác hợp tuyển, truyện có thật và kịch bản sân khấu.
Đặc điểm nổi bật trong sáng tác:
Những sáng tác của Hemingway đều được viết một cách chân thực, không rườm rà, dài dòng, tập trung nắm bắt hiện thực, phản ánh chính xác bằng ngôn từ chắt lọc.
Ông còn biết đến là nhà văn đi theo con đường triết học của chủ nghĩa khắc kỷ, cùng với việc làm báo và tham gia chiến tranh mà văn phong của ông trở nên khỏe khoắn, giản dị, không tô điểm. Nhân vật mang nhiều ý nghĩa, chịu sự áp đặt của số phận, luôn tìm cách tồn tại một cách đơn giản và gọn gàng.
Hemingway là cha đẻ của nguyên lý sáng tác “Tảng băng trôi”. Nguyên lý này trở thành kim chỉ nam khi đọc và nghiên cứu văn chương của tác giả. Hầu như tác phẩm nào cũng chứa đựng nguyên lí tảng băng trôi nhưng tiêu tiểu nhất là ở 3 tác phẩm nổi bậc sau: “Ông già và biển cả (hình ảnh con người và cuộc đấu tranh với thiên nhiên), Ông lão bên cầu (nỗi đau của con người và chiến tranh), Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber (nỗi đau của con người trên con đường đi tìm hạnh phúc)”
Trong bài phỏng vấn riêng ông từng nói “Tôi luôn cố gắng viết theo nguyên tắc Tảng băng trôi. Cứ bảy phần tám của nó chìm cho một phần nổi. Bất cứ điều gì bạn biết mà bạn có thể loại bỏ thì nó chỉ là tăng thêm sức mạnh cho tảng băng của bạn. Đó là những phần không được viết, nhưng nếu nhà văn bỏ qua điều gì đó bởi vì anh ta không biết, vậy thì sẽ có một lỗ hổng trong truyện”.
Với nguyên tắc này, tác giả đề cao sự lượt bỏ. Đặc biệt là lượt bỏ về mặt ngôn từ và tình tiết. Làm sao cho câu văn ngắn gọn, cô đúc và hàm súc. Chính vì thế, tác phẩm của anh sẽ tăng lên phần hình tượng và biểu tượng, buộc người đọc phải bám sâu hơn vào câu chữ, tình tiết và phân loại độc giả. Đồng thời, sáng tác là việc giấu đi, cất đi điều nhà văn muốn nói đằng sau lớp vỏ ngôn từ và ngụy trang bởi phần nổi của tảng băng. Phần chìm còn lại qua cách đọc của mỗi độc giả sẽ có cách hiểu khác nhau. Chính điều này tạo nên tính đồng sáng tạo trong văn chương. Tư tưởng này rất gần với một quan niệm xưa của văn học Phương Đông “ý tại ngôn ngoại”.
Nguyên lý tảng băng trôi trong sáng tác của ông là một vấn đề không hề đơn giản, hình ảnh tảng băng luôn đánh lừa con người vì một phần chìm bảy phần nổi, để khi nó tiếp xúc với độc giả, tạo ra nhiều điều thú vị mà tác giả đã ẩn nó đi, cần được người đọc khám phá.
Trần Thanh Điền
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn

Về những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn Lúc 12 giờ 45, ngày 1 tháng 4 năm 2001, Trịnh Công Sơn đã ra đi. Trái tim nhân ái và nhạy cảm...