Trịnh Công Sơn và khát vọng
nối lòng đổ nát
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong số ít trường hợp khi còn
sống đã trở thành một huyền thoại trong lòng công chúng.
17 năm sau ngày Trịnh Công Sơn qua đời, ca khúc của ông tiếp
tục ru hồn người ở lại. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn được xác định là một giá trị
nghệ thuật. Càng thử thách qua thời gian thì người ta càng nhận ra thái độ
chính trị của Trịnh Công Sơn nằm hết ở tình thương dành cho quê hương Việt Nam
và thân phận con người!.
Ngay từ ca khúc đầu tay “Thương một người” viết năm 19 tuổi,
Trịnh Công Sơn đã gửi gắm: “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi. Thương
ai buồn kiếp người, lạnh lùng ánh sao rơi”. Bằng cảm thức ấy, dù xuất phát muộn
hơn trên con đường âm nhạc, Trịnh Công Sơn vẫn nhanh chóng được xếp cùng Văn
Cao và Phạm Duy, như ba tượng đài sáng tạo. Tình ca của Trịnh Công Sơn không
đơn thuần là tình yêu trai gái với những nhớ nhung hò hẹn lãng mạn, mà ông luôn
gửi vào từng lời ca những khắc khoải mà mỗi người phải gánh vác như một sứ mệnh,
chẳng hạn bài “Rừng xưa đã khép” viết năm 1972: “Ta thấy em trong tiền kiếp với
cọng buồn cỏ cây. Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa. Rừng thu lá
úa em vẫn chưa về. Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ”.
Phẩm chất Trịnh Công Sơn là một thi sĩ, cho nên ông không che
giấu bất kỳ điều gì trong tâm hồn mình trước tác phẩm. Bài “Tự tình khúc” viết
năm 1970, Trịnh Công Sơn thú nhận: “Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài, một hôm thấy
được đời tôi. Tôi yêu mọi người cỏ cây, muôn loài làm sao yêu hết cuộc đời...”.
Do vậy, mạch nguồn ấy vẫn tuôn chảy trong suốt hành trình âm nhạc của Trịnh
Công Sơn, dẫu là những ca khúc ít được biết đến như “Tôi biết tôi yêu, những
con người, những con người. Người còn nuôi hoài trái tim. Biết nghe nhỏ lệ đời
héo hon, đang chờ đợi ngày tái sinh…”.
Năm 1965, Trịnh Công Sơn viết bài “Nước mắt cho quê hương” ít
nhiều hờn tủi “Giọt nước mắt thương con, con ngủ mẹ mừng. Giọt nước mắt thương
sông, ấp ủ rêu rong. Giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm. Giọt nước mắt
thương dân, dân mình phận long đong”, thì đến năm 1970 ông dứt khoác hơn với
bài “Nhân danh Việt Nam” ngắn gọn và dứt khoát “Nhân danh Hòa Bình ta chống chiến
tranh. Nhân danh cơm áo ta chống chiến tranh. Nhân danh xương máu ta quyết đòi
Hòa Bình. Nhân danh Việt Nam ta chống chiến tranh. Nhân danh phú cường ta chống
chiến tranh. Nhân danh đổ nát ta chống chiến tranh. Nhân danh mơ ước ta quyết
đòi Hòa Bình. Nhân danh tình thương ta chống chiến tranh!”.
Trịnh Công Sơn không chấp nhận sự giết chóc. Ông phản đối cái
ác bằng sự thúc giục cái thiện hiên ngang ra phía trước. Bài “Việt Nam ơi, vùng
lên” viết cuối năm 1970 đầy khẩu khí: “Anh bước đi! Tôi bước đi! Em với chị bước
theo. Tìm Việt Nam xưa yêu dấu. Ta đi trong cách mạng tự hào. Ta sẽ chiếm trăm
công trường. Ta xây nên nghìn phố hòa bình. Ðã đến ngày dựng núi đứng lên. Khắp
nước nhà nở trái vinh quang”. Và Trịnh Công Sơn tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh
của chính nghĩa “Một ngày dân ta quyết dựng cờ. Dạy tình anh em cho dã thú. Cây
hoang sẽ chết trái căm thù. Từ sông Hương ta kêu sông Hồng về. Cửu Long có áo
cơm vàng. Một bình minh dân ta ca hát khắp giang sơn” và tin tưởng tuyệt đối
vào sức mạnh của quần chúng: “Bước gian nan trong bước nhọc nhằn. Trăm tay yếu
trở thành thép cứng. Quanh đây ta xóa vết thương tôi đòi còn ghi dấu. Mặt người
hôm nay ngước lên đã không còn lo sợ. Quanh đây có tiếng máu xương kêu gào đòi
phấn đấu. Dựng người Việt Nam đứng lên trên đất này Tự Do”.
Mảng tác phẩm nổi bật nhất của Trịnh Công Sơn là chùm ca khúc
Da Vàng. Ở đó, sự hy vọng và sự lạc quan của Trịnh Công Sơn được dịp phô diễn
rõ ràng và sắc nét. Dù dự liệu về niềm vui: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ
đi thăm. Tôi sẽ đi thăm, làng xóm thành đồng, đi thăm từng khu rừng cháy nám.
Khi đất nước tôi không còn giết nhau, mọi người ra phố mời rao nụ cười” nhưng
Trịnh Công Sơn cũng phát hiện sẽ có những nghẹn ngào thầm kín “Ðêm nay hòa bình
tôi muốn nghe. Lời nói âm u trên đường về của mẹ. Ðiệu hát hoang vu trên phố
sáng của anh. Giọng cười em thơ âm thầm từ thềm vắng. Chị hát nghẹn ngào bên
nôi ấm của con…”. Hai thái cực gần như đối lập trên, chính là sự thống nhất
trong một trái tim nhân ái nghĩ về con người và nghĩ cho con người trong lửa đạn
cam go.
Chỉ trong vòng một thập niên, từ 1965 đến 1975, Trịnh Công
Sơn viết hơn 100 ca khúc mang đậm trắc ẩn của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Phải sòng phẳng thừa nhận, ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn giai đoạn
này là một thành tựu mà những ai quan tâm đến cuộc chiến đấu giành độc lập của
Việt Nam trước uy lực đế quốc không thể không tâm đắc. Trịnh Công Sơn nôn nao
“Những giọt máu đến ngày trổ bông. Nở hòa bình cho đêm vắng xôn xao tiếng người.
Nở trên tay chị xuân xanh ngời. Nở trong tim mẹ dồng lúa mới vườn cải tươi. Nở
ra yêu thương làm mát nụ cười” và Trịnh Công Sơn hồ hởi “Ta đã thấy gì trong
đêm nay. Bàn tay muôn vạn bàn tay. Những ngón tay thơm nối tật nguyền, nối cuộc
tình, nối lòng đổ nát. Bàn tay đi nối anh em”.
Khi nhạc sĩ Bod Dylan của Mỹ được trao giải Nobel văn học vì
những ca khúc có ca từ phản chiến, nhiều người đã tiếc nuối cho Trịnh Công Sơn.
Bởi lẽ, khi Trịnh Công Sơn còn sống thì giải Nobel văn học chưa xét đến ca từ của
nhạc sĩ. Tuy nhiên, điều đáng trân trọng hơn nữa ở Trịnh Công Sơn là sự yêu
thương ấm áp dành cho thân phận con người. Tưởng ông hát cho riêng mình, mà ông
hát cho tha nhân: “Người đi quanh thân thế của người. Một trăm năm như tiếng thở
dài. Ngày vinh quang hay tháng ngậm ngùi. Ngày âu lo theo tóc mọc dài. Làm con
sông cho tháng ngày trôi… Người vinh quang mơ ước địa đàng. Người gian nan mơ ước
bình thường. Làm sao đến gần hy vọng cuộc vui chung”. Trịnh Công Sơn chờ đợi sự
hòa hợp và sự gắn bó giữa người với người, bằng cách “ru” nhẹ nhàng và sâu lắng.
Trịnh Công Sơn có đủ loại “ru”, từ “Ru em” đến “Ru tình”, từ “Ru đời đi nhé” đến
“Ru đời đã mất”, mà quan trọng hơn cả là giúp mỗi người tự “Ru ta ngậm ngùi”
thánh thiện “Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang. Người
về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm”.
Trịnh Công Sơn nhân hậu và nhạy cảm, nên ông thường trực suy
tư về sự cô đơn của kiếp người. Vì vậy, ông muốn người yêu người hơn nữa: “Chúa
đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người. Này em xin cứu một người. Này em hãy đến
tìm tôi. Vì những con sông đã cạn nguồn rồi. Vì gió đêm nay hát lời tù tội
quanh đời. Về cùng tôi đứng bên âu lo này…”. Trong hơn 600 ca khúc Trịnh Công
Sơn dành tặng cuộc đời, ẩn chứa biết bao tin cậy mà hôm nay và mai sau còn thổn
thức: “Nơi em về ngày vui không em? Nơi em về trời xanh không em? Ta nghe nghìn
giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh…”.
6/5/2018 Tuy Hòa
6/5/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét