Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Nhạc sĩ Lam Phương: Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan

Nhạc sĩ Lam Phương: Tình duyên 
trăm mối, một kiếp đa đoan

Nhà Xuất bản Phụ Nữ vừa ấn hành cuốn sách “Lam Phương trăm nhớ ngàn thương” do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút. Nhiều thế hệ công chúng âm nhạc đã từng thưởng thức những tác phẩm Lam Phương như “Thành phố buồn”, “Tình bơ vơ”, “Ngày hạnh phúc”, “Khúc ca ngày mùa”, “Bài tango cho em”… nhưng không phải ai cũng biết cuộc đời nhiều thăng trầm của tác giả những ca khúc ấy. Nhất là những mối tình đã tạo cảm hứng cho giai điệu bật ra từ trái tim đa cảm của nhạc sĩ Lam Phương “đời anh sẽ đẹp vì có em, ngày dài sẽ làm mình nhớ thêm”.
Nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 40

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá - Kiên Giang. Nhà nghèo, bố mẹ cũng không êm ấm, Lâm Đình Phùng từ năm 10 tuổi đã lên Sài Gòn nương nhờ bác ruột để được tiếp tục đi học. Sống ở khu vực Đa Kao, cậu trai Lâm Đình Phùng ngoài giờ đến trường thường lân la các lớp dạy nhạc để nghe trộm những thanh âm luôn khiến mình xao xuyến. Nhận thấy Lâm Đình Phùng có niềm ham thích thực sự với âm nhạc, một người thầy đã cho cậu trai hiền lành và nhút nhát ấy được học miễn phí. Không phụ sự kỳ vọng của người truyền nghề nhân hậu, Lâm Đình Phùng tiếp thu rất nhanh, không chỉ chơi đàn điệu nghệ mà còn tập tành sáng tác. Năm 15 tuổi, ca khúc đầu tay “Chiều thu ấy” được ra đời với bút danh Lam Phương. Tuy được bạn bè đồng trang lứa tán thưởng, nhưng Lam Phương vẫn chẳng biết làm sao đưa sáng tác của mình ra công chúng. Sau nhiều lần đắn đo, Lam Phương vay tiền để in ca khúc “Chiều thu ấy” dưới dạng những tờ nhạc và mang đi bán dạo. Chả ai ủng hộ kẻ vô danh, Lam Phương thua lỗ nặng. Không nản chí, Lam Phương tiếp tục vay tiền để in những ca khúc mới. Đến năm 1954, ca khúc “Khúc ca ngày mùa” mới thực sự tạo được tiếng vang, giúp Lam Phương thanh toán hết nợ nần.
Học xong phổ thông, Lam Phương rời khỏi nhà bác ruột, thuê một căn nhà tồi tàn ở ven kênh Nhiêu Lộc để đưa cả mẹ và các em từ quê nhà lên Sài Gòn đoàn tụ. Lam Phương làm nhiều việc để mưu sinh, nhưng vẫn loay hoay thiếu trước hụt sau. Một hôm trời mưa như trút nước, Lam Phương đi làm về khuya, chứng kiến mẹ và các em co ro trong giá rét. Lam Phương cố dằn lòng vẫn phải bật khóc ngay trước cửa. Khi nước mắt và nước mưa đã nhòa đi trên khuôn mặt Lam Phương, thì những dòng nhạc của ca khúc “Kiếp nghèo” cũng vụt đến: “Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh. Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…”. Và chính ca khúc “Kiếp nghèo” đã giúp Lam Phương thoát nghèo. Qua tiếng hát Thanh Thúy, ca khúc “Kiếp nghèo” trở thành một hiện tượng âm nhạc. Số tiền tác quyền của ca khúc “Kiếp nghèo” đủ để Lam Phương mua một căn nhà tươm tất cho mẹ và các em được đi về bình yên.
Sau cú đột phá “Kiếp nghèo”, Lam Phương được xếp vào hàng những nhạc sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn lúc ấy. Hơn nữa, khi bước vào tuổi 20 thì Lam Phương rất điển trai, được mời đóng vai chính trong bộ phim “Chân trời mới”. Điều kiện như vậy thì khối bóng hồng vây quanh, nhưng kỳ lạ thay, Lam Phương lại thường xuyên… thất tình. Có ba ca sĩ mà nhạc sĩ Lam Phương say đắm và tương tư thời thanh xuân, đã để lại cho ông nhiều ca khúc nổi tiếng. Với ca sĩ Bạch Yến, ông có “Tình bơ vơ”, “Chờ người”… Với ca sĩ Minh Hiếu, ông có “Biển tình”, “Em là tất cả”… Với ca sĩ Hạnh Dung, ông có “Phút cuối”, “Gửi người ngàn dặm”…
Nắng sớm mưa chiều rồi cũng tan, nhạc sĩ Lam Phương đã gặp được lương duyên thực sự của ông, đó là diễn viên Túy Hồng. Từ Bình Dương theo anh trai lên Sài Gòn, cô gái Trương Ánh Tuyết đã tham gia ban kịch nói Dân Nam của ông bầu Anh Lân, và lấy nghệ danh là Túy Hồng. Được nhạc sĩ Lam Phương hướng dẫn thanh nhạc, Túy Hồng cũng có giọng ca rất ấn tượng, nhưng Túy Hồng trong âm nhạc ít được ái mộ bằng Túy Hồng trên sân khấu. Năm 1959, diễn viên Túy Hồng 19 tuổi chính thức làm vợ của nhạc sĩ Lam Phương. Hai con gái Ánh Hằng và Ánh Loan lần lượt chào đời, tổ ấm với diễn viên Túy Hồng đã giúp nhạc sĩ Lam Phương viết ca khúc “Ngày hạnh phúc” đến tận hôm nay vẫn hát rộn ràng trong các đám cưới: “Từ khi sánh vai nên đôi bạn hiền. Đêm về nghe con khóc, vui triền miên. Lời ru trong đêm vắng với tình thương chứa chan. Còn mong ước gì vì ta vẫn bên nhau…”.
Đồng vợ đồng chồng, nếu không tát cạn biển Đông thì cũng làm nên sự nghiệp. Với sự trợ lực của nhạc sĩ Lam Phương, diễn viên Túy Hồng rời khỏi ban kịch Dân Nam để hoạt động độc lập. Đầu tiên là thành lập ban kịch Sống sáng đèn hằng đêm, sau đó thành lập hãng phim Sống sản xuất những bộ phim ăn khách như “Gác chuông nhà thờ”, “Nhà tôi”, “Lệnh bà xã”… Đặc biệt, sàn diễn của ban kịch Sống cũng là nơi công bố những sáng tác mới của nhạc sĩ Lam Phương. Năm 1970, ca khúc “Thành phố buồn” của Lam Phương đã lập kỷ lục về tác quyền âm nhạc tại Sài Gòn. Lúc đó, lương bổng một bộ trưởng khoảng 50 ngàn đồng mỗi năm, thì ca khúc “Thành phố buồn” lại thu được 12 triệu đồng. Ca khúc “Thành phố buồn” đã đêm lại nhịp đời vui cho nhạc sĩ Lam Phương, với cuộc sống đủ đầy biệt thự và xe hơi.
Sau năm 1975, gia đình nhạc sĩ Lam Phương sang Mỹ định cư. Không chỉ trở lại “kiếp nghèo” nơi đất khách, mà hôn nhân của Lam Phương và Túy Hồng cũng chênh chao. Năm 1979, họ chính thức đường ai nấy đi, kết thúc hôn nhân đẹp đẽ kéo dài 20 năm. Sự đổ vỡ làm nhạc sĩ Lam Phương hụt hẫng, ông viết ca khúc “Lầm” như một nỗi xót xa: “Anh đã lầm đưa em sang đây. Để đêm trường nghe tiếng thở dài… Lời yêu thương nồng cháy của hai mươi năm đầy, ngày yên vui hạnh phúc, ước vọng đến tương lai, đã vùi trong giấy ngủ say, cơn đau và vũng lầy…”
20 năm qua, nhạc sĩ Lam Phương không sáng tác nữa. Ông có tất thảy 217 ca khúc, mà hơn phân nửa trong số đó đã được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam. Dù ca từ không quá bay bổng và điêu luyện, nhưng giai điệu của nhạc sĩ Lam Phương khá phong phú và đa dạng, nên ông có người hâm mộ ở những thể loại âm nhạc khác nhau. Nhạc sĩ Lam Phương thú nhận “chuyện tình của tôi, buồn nhiều hơn vui”, và điều ấy thể hiện tương đối rõ trong các ca khúc mà ông dâng tặng cuộc đời.
16/11/2019
Gia Quan
Theo https://haiquanonline.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...