Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Bụi gạch

 Bụi gạch

Người nhà ra sức ngăn chị Hạnh lại, nhưng không được, đành phải để cho chị đi đưa anh Tám. Đưa anh đi, chị khóc như mưa như gió. Thế mới biết cái tình nghĩa cầm sắt nó đến là sâu nặng. Chị Hạnh khóc, chị Hạnh gào quật quả. Có tới bốn năm người xúm vào vừa dìu chị vừa đỡ chị. Người nào mắt cũng mọng như quả nhót, ầng ậc nước.
Chị Hạnh vừa khóc vừa kêu trời kêu đất. Chị gọi anh Tám ời... anh Tám ơi! Lời chị lúc thống thiết, lúc thủ thỉ. Cứ như thể là anh Tám vẫn còn sống nguây nguẩy ngay bên cạnh chị. Thương anh Tám chết thảm chín mười, tôi thấy thương chị Hạnh mười một mười hai. Chẳng phải riêng gì một mình tôi, mà có lẽ tất cả những người có mặt trong buổi tiễn đưa anh Tám về nơi yên nghỉ cuối cùng này, đều có một niềm cảm thương như vậy. Cảnh chia lìa tang tóc. Người vợ vật vã khóc than. Ba đứa trẻ ngơ ngác, côi cút trong bộ đồ tang trắng toát. Lòng người dù có sắt đá đến đâu thì cũng phải mềm lại.
Anh Tám hơn tôi đúng một giáp. Anh là con út trong một gia đình đông miệng ăn ở làng. Nhưng anh hơn các anh các chị là được theo học hết bậc phổ thông. Anh đã từng ôm cái mộng đèn sách. Những là mong sẽ thoát khỏi cái kiếp cổ cày vai bừa như cha và anh của mình. Thi đại học chẳng đỗ, anh đi bộ đội. Song nghĩa vụ, anh trở về làng lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Lại bước tiếp vào những bước đi của cha và anh từng đi. Cả một kiếp người chỉ biết xéo đi xéo lại trên lớp bùn của những mảnh ruộng làng, mà nay cũng đang thu hẹp dần lại, một nắng hai sương đánh vật với hết thiên tai lại đến địch họa, chỉ cầu mong cho có bát cơm đầy trong những khi giáp hạt.
Chị Hạnh là một cô gái xinh xắn ở ngay xóm bên. Chị cũng thi đại học mấy năm liền, nhưng đều trượt vỏ chuối cả. Trời xe làm sao mà đúng hôm anh Tám khoác ba lô từ đơn vị về đến phố huyện thì gặp chị Hạnh.
Quãng đường từ phố huyện về đến làng chưa đầy mười cây số mà hai người đã kịp bộc lộ được hết cả lòng mình với nhau. Thế là họ yêu nhau rồi nên vợ nên chồng.
Người xưa có câu "Giàu con út, khó con út". Bố mẹ anh Tám đã cao tuổi. Các anh các chị thì đã người nào phận nấy cả rồi. Hai ông bà còn được cái quyền duy nhất là cắt mấy thước vườn, đang thuộc quyền quản lý của vợ chồng người con cả, để chia cho vợ chồng anh Tám. Vốn liếng của cả hai ông bà dồn lại vừa đủ làm được hai gian nhà con con với một gian bếp lợp ngói bờ rô xi măng.
Ít hay nhiều, đôi vợ chồng trẻ cũng có được một giang sơn riêng.
Chị Hạnh đã sinh đến đứa con thứ ba rồi mà chị lại như là càng trẻ và đẹp thêm ra. Có người đã ngẩn người ra trầm trồ "Gái ba con mà trông vẫn đến mòn cả con mắt".
Chị Hạnh càng trẻ và đẹp thì anh Tám lại càng khỏe ra và hay lam hay làm hơn. Anh hùng hục làm, tất cả mọi việc lớn bé từ trong nhà ra đến ngoài đồng. Anh chỉ cốt làm sao cho chị Hạnh được nhàn hạ là anh thấy như có gió mùa hạ thổi ở trong lòng. Những khi nông nhàn, anh lại sang tận xã bên để làm thuê cho các chủ lò gạch. Các chủ lò đều yêu mến anh Tám ở cái sức khỏe và tính chịu thương chịu khó. Mỗi khi chủ có yêu cầu làm thêm giờ, hay làm đêm, anh chẳng bao giờ từ chối. Miễn làm sao anh có thêm thu nhập.
Làm được bao nhiêu tiền, anh Tám đều đưa cả cho chị Hạnh. Được cái chị cũng là người biết chắt chiu dành dụm. Vừa rồi anh chị cũng đã xây được hơn năm chục mét vuông nhà kiên cố.
Xưa các cụ nhà ta từng coi trọng ba việc lớn của một đời người là: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà. Kể như anh Tám cũng đã làm được hai việc lớn rồi. Giờ thì không phải tậu trâu để cày ruộng như xưa nữa. Nhưng anh Tám đang ao ước tậu lấy con "trâu sắt". Để những khi đi ăn cỗ hay đi đâu xa, anh sẽ cùng vợ con cưỡi nó đi cho đỡ hậm hụi. Chiếc Dream đang có ở trong tầm tay của anh.
Vậy mà bỗng dưng tai họa ập đến với cuộc đời anh. Hôm ấy, anh đang cùng với mấy người dọn dẹp nốt những thúng xỉ than cuối cùng thì một bức tường của lò gạch đổ ập xuống. Anh bị chết ngay cùng với bốn nạn nhân nữa.
Đau thương như bao trùm lên tất cả các lò gạch. Những người gánh gạch chúng tôi thương anh, tiếc anh chẳng khác nào như mất đi một người ruột thịt thân thiết. Thôi thì, âu cũng là tại cái số của anh chỉ được sống ở trên đời này từng ấy ngày tháng. Và anh cũng chỉ làm được cho vợ con anh từng ấy việc.
Những ngày sau, ai cũng tưởng như chị Hạnh có thể chết theo ngay anh Tám. Chị vẫn cứ ngất lên ngất xuống, lúc tỉnh lúc mê. Mọi người xúm cả vào, vừa chăm non chị vừa lựa lời động viên an ủi chị. Như bát nước nóng rồi cũng sẽ nguội dần, chị Hạnh ngày một nguôi ngoai.
Nhoáng một cái đã đến ngày giỗ đầu anh Tám. Sau ngày giỗ, chị Hạnh cởi vành khăn tang trên đầu xuống, treo ở cạnh bàn thờ anh Tám. Chị may lấy mấy bộ đồ đen, ở nhà hay đi đâu thì chị mặc vào.
Một hôm chị Hạnh bỗng bảo tôi "Cậu xem, có thể đưa tôi lên lò gánh gạch với cậu được không". Tôi sững người trố mắt nhìn chị Hạnh. Nước da trắng như trứng gà bóc của chị vẫn còn hơi mai mái. Bởi có lẽ chị vẫn còn có những đêm mất ngủ. Khuôn mặt trái xoan, vầng trán cao, cánh mũi thẳng thanh tú. Hàng mi dài với đôi mắt đen lay láy vẫn còn buồn thăm thẳm. Chị gọn ghẽ trong bộ đồ đen mỏng bó sát lấy cơ thể. Chị thật là đẹp . Một vẻ đẹp vẫn còn mảnh mai như một thiếu nữ. Người như thế kia sao có thể leo lên lò gạch được. Và lò gạch không phải là nơi để cho chị đến.
Với tôi, chị Hạnh như là một bông hoa để tô đẹp và làm duyên dáng cho cuộc đời vốn đang trần trụi và dạn dĩ này. Dù bất kể ở một nơi nào, trong một gian nhà tồi tàn, ở một góc chợ quê hay giữa một đám cưới, hễ có sự xuất hiện của chị Hạnh thì nơi ấy rạng rỡ hẳn lên. Như thể là vừa có một luồng hương sắc của mùa xuân thổi về. Tôi rất quý và kính nể anh Tám. Anh là một người biết nâng niu và giữ gìn nhan sắc của vợ.
Ở trong vùng có bao nhiêu người đàn ông, từ một anh đánh dậm ở cuối ao đầu rãnh, đến một vị có quyền thế hay một anh điển trai nhà giàu, đều mơ ước có được một người vợ như chị Hạnh. Chẳng có được, họ quay sang ghen tức cả với anh. Mới đầu họ dè bỉu anh Tám là loại đàn ông giặt cả "tã" cho vợ. Với chị Hạnh thì họ lại trêu trọc "Lấy anh Tám chẳng khác gì một bông hoa nhài cắm vào bãi cứt trâu". Rồi có kẻ trắng trợn còn giở cả trò ve vãn ong bướm với chị. Anh chị chỉ thấy buồn cười và thương cho họ mà thôi. Vợ chồng anh càng thương yêu nhau, sống với nhau hạnh phúc hơn.
Anh Tám vừa qua đời đã không thiếu gì những người đàn ông, ở đủ mọi hạng và lứa tuổi, có ý bờm xơm với chị. Nhưng không thể nhằm nhò gì được ở chị. Chị Hạnh chẳng giấu giếm tôi một điều gì cả. Trước kia, lúc anh Tám còn và giờ không còn anh nữa, chị Hạnh vẫn coi tôi là người thân thiết của chị. Điều này làm cho tôi thấy vui vui. Và không hiểu sao ở trong lòng có một cái gì cứ xốn xang làm tôi rạo rực cả lên.
Giờ nghe chị Hạnh nói sẽ đi gánh gạch, tôi vội gạt phăng "Chị làm sao lên lò gạch được. Mà tội gì chị phải đi gánh gạch". "Thế cậu nghĩ tôi có thể lấy gạch vỡ mà cho vào bụng mẹ con tôi được à?". Tôi chợt như bừng tỉnh. Đã hơn năm trời rồi, mẹ con chị đã mất đi cái trụ cột chính của gia đình. Mà miệng ăn thì đến núi còn lở nữa là.
Tôi rùng mình nghĩ đến lò gạch. Nơi ấy là khói bụi. Là công việc nặng nhọc với những con người lỳ lợm, thô lỗ. Nếu có một chút ngơi tay thì chỉ có bao nhiêu là những lời tục tĩu đem ra để mà cười đùa với nhau. Chị Hạnh không thể đến nơi ấy được.
Từ hôm ấy và sau mấy hôm liền, hôm nào tôi cũng ngồi với chị Hạnh đến khuya. Chuyện của chúng tôi cũng chỉ xoay quanh cái việc chị Hạnh có lên lò gánh gạch hay không.
Trước kia, anh em đằng nhà chồng chị Hạnh đã không bằng lòng với chị, luôn coi chị là loại đàn bà lười chảy thây chảy xác, là loại người ăn bám. Giờ họ chẳng hề đoái hoài đến hoàn cảnh của mẹ con chị. Họ nói như vỗ thẳng vào mặt chị. Họ chăm chăm chờ đến ngày để được nhìn thấy mẹ con chị đói dã họng ra.
- Tôi cũng sinh ra từ một gia đình lao động đấy chứ! Chỉ tại anh Tám cứ không cho tôi mó tay vào bất cứ một việc gì... Chị Hạnh lại sụt sùi. Chị vẫn như vậy mỗi khi nhắc đến anh Tám.
Kể ra anh Tám cũng là một người nuông chiều vợ quá mức. Đã có bao nhiêu các công chúa, các tiểu thư đài các, con của những nhà giàu có quyền quý... Cả đời ăn cũng không hết của. Nhưng họ luôn phải học ít nhất lấy một cái nghề để phòng thân đấy thôi. Nhưng tất cả cũng là những việc đã qua rồi. Giờ chỉ ngồi mà than thở với nhau thì có ích gì. Tôi nghĩ đến nát óc để tìm một công việc cho phù hợp với chị Hạnh mà không xong.
Lo cho chị một số vốn để chị theo một số người trong làng đi buôn chuyến. Chị lắc đầu. Tôi lại lên tận phố huyện lùng tìm thuê một chỗ để cho chị mở cửa hàng tạp hóa. Chị không chịu. Chị cũng có một ít chữ nghĩa. Tôi có người chú họ đang làm giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn trên tỉnh, định nhờ ông bố trí cho chị một chân ngồi ở bàn giấy. Chị gạt phắt.
Chị khăng khăng một mực là chỉ có đi gánh gạch. Như anh Tám đã gánh gạch nuôi chị. Giờ chị cũng sẽ gánh gạch để nuôi được con của chị.
Tôi ngắm nhìn kỹ chị. Mà trong lòng như thấy đã cởi hết được những nỗi băn khoăn.
Chị Hạnh theo tôi lên lò. Mấy hôm đầu, chị cũng theo kịp được mọi người. Những dòng người lên lên, xuống xuống, hai cái quang ở hai đầu đòn gánh xếp những viên gạch nặng trình trịch kéo trĩu vai xuống. Chị Hạnh hòa lẫn vào với dòng người ấy. Dòng người, không thể nhận rõ được ai là đàn ông ai là đàn bà. Tất cả chỉ hở có hai con mắt. Trông xa như một đàn kiến lửa. Những con kiến khổng lồ biết đi bằng hai chân. Những con kiến không tha mồi mà đang kĩu kít gánh mồi.
Mấy hôm sau, chị Hạnh phải cố lắm mới theo kịp được mọi người. Gạch xếp vào quang giảm dần đi. Chị phải dùng cả hai tay để mà "gánh" đỡ cho vai. Chân chị đã bước những bước xiêu xiêu. Nom chị thật là thảm hại. Rồi chị phải nghỉ việc. Hai bờ vai của chị tấy đỏ lên, có chỗ trượt cả da. Trong lòng tôi như có muối sát.
Vai chị vừa đỡ sưng, nơi trượt da cũng vừa kịp lên da non, chị lại đòi lên lò. Tôi ngăn thế nào cũng không được. May làm sao trời đổ mưa suốt mấy ngày liền. Cánh phơ lò chúng tôi phải nghỉ việc.
Những ngày này, tôi được gần gặn với chị Hạnh hơn. Hễ thấy bóng tôi xuất hiện từ ngoài cổng là lũ trẻ đã reo váng lên. Tiếng reo của chúng làm cho tôi mát cả ruột cả gan.
Tôi đã yêu chị Hạnh. Ban đầu chỉ là một tình yêu như những người đàn ông biết yêu cái đẹp. Trước kia, tôi trở lên thân thiết với anh Tám và gia đình chị bởi tôi thường sang nhà anh. Tôi sang chơi để mà được nhìn và ngắm chị Hạnh. Thế thôi.
Giờ đây, Chúa đã ban cho tôi một cơ hội. Tôi sẽ thay anh Tám yêu thương chị, chăm sóc chị và những đứa trẻ đáng yêu tội nghiệp kia. Chúng nó rất yêu quý tôi. Tôi lấy đó làm hãnh diện và sung sướng.
Tôi định chờ đến một ngày. Sau khi sang cát cho anh Tám, tôi sẽ ngỏ lời với chị Hạnh để được làm bố lũ trẻ. Giờ mà nói ngay với chị điều đó, tôi e còn hơi sớm. Sợ sẽ làm tủi vong linh của anh Tám ở nơi chín suối.
Ngày tháng trôi đi.
Chị Hạnh đã vượt qua được giai đoạn ngặt nghèo nhất để trở thành một người gánh vã. Vai của chị đã nổi chai sần. Sức chị đã dẻo dai như những người có thâm niên gánh gạch. Sau một ngày lao động đến cật lực, sức lực tưởng như là bỏ lại cả nơi cửa lò. Nhưng chỉ sau bữa cơm tối kễnh bụng với một giấc ngủ no nê. Sáng ra sức lực lại tràn trề trong từng đường gân thớ thịt. Lại hăm hở leo lên lò. Lại bước phăng phăng với gánh gạch nặng trĩu bên vai.
Chị Hạnh thành một thợ phơ, điều này khó có người tin. Ngay cả tôi, đến giờ mới tin được vào nghị lực của chị Hạnh. Tôi biết chị vui lắm. Chị đã nuôi được con bằng chính những giọt mồ hôi của chị. Cuộc sống của mẹ con chị tuy không được bằng những ngày anh Tám còn sống. Nhưng cũng chẳng đến nỗi nào. Nghĩa là mẹ con chị chẳng hề bị đói dã họng như một số người đã mong đợi. Mỗi bận lĩnh lương chị hồ hởi “Kể ra vất vả cũng có cái sướng cậu nhỉ”. Tôi thấy chị càng đẹp. Một vẻ đẹp rắn rỏi tươi roi rói. Tôi mê mẩn trước sắc đẹp ấy.
Và tôi cũng vui chẳng kém gì. Ngày ngày tôi cùng chị lên lò. Tối về, tôi lại sang bên nhà chị. Giờ thì chủ yếu sang để nô đùa với lũ trẻ. Cô con gái đầu lòng của anh chị, ngoài giờ đi học ra cũng đã làm đỡ mẹ được khối việc. Đứa thứ hai thì đã học tới lớp bốn. Còn cậu út năm tới đã vào lớp mẫu giáo rồi. Những khi tôi sang, trong nhà luôn rộn rã tiếng cười của chúng. Hôm nào không sang được, hôm sau sang là chúng thi nhau hỏi "Hôm qua chú đi đâu". Chị Hạnh bảo "Chú phải đi tìm hiểu, nay mai chú cưới vợ thì còn được ăn cỗ chứ!". Thằng út sà vào lòng tôi, nó khóc thật là to "ứ ừ! Con không cho chú Thảo đi lấy vợ đâu! ứ ừ...". Tôi xoa đầu nó dỗ "Chú chẳng lấy ai đâu". "Chú hứa thật đấy nhé". "ừ chú hứa". Tôi nhìn chị Hạnh. Nhưng chị lại nhìn đi nơi khác.
Ngày sang cát cho anh Tám cũng đang nhích đến gần. Tôi thấy thời gian trôi sao mà chậm chạp đến thế.
... Tôi và chị Hạnh đứng trước ngôi mộ của anh Tám. Mộ anh vừa được xây xong, còn nồng nồng hăng hắc cái mùi của vữa hồ. Gió thổi ào ạt. Những nén nhang trên mộ tỏa khói thơm nghi ngút. Tôi khấn thật rõ to cho cả chị Hạnh cùng nghe: "Anh Tám ơi!. Vì số phận mà anh sớm phải theo về với tổ tiên. Anh hãy cho phép em được thay anh làm bạn với chị Hạnh, làm cha của các cháu. Em xin hứa sẽ yêu thương chị và lũ trẻ hết lòng. Ở đây có trời xanh chứng giám. Anh sống khôn thác thiêng. Nếu anh đồng ý thì anh hãy hóa nhang trên mộ anh, cho chúng em yên lòng".
Tôi thấy người bủn rủn ra, trống ngực đập dồn dập. Hình như chị Hạnh cũng như vậy. Chị phải dựa vào tôi. Những nén nhang trên mộ anh Tám bỗng nhiên bùng cháy rừng rực.
Tôi nắm lấy tay chị Hạnh. Lần đầu tiên tôi được nắm vào bàn tay nồng ấm của người mà tôi hằng yêu thầm nhớ trộm bao ngày. Tôi với chị nhìn nhau đắm đuối. Chúng tôi cầm tay nhau, đi miên man trên cánh đồng rộng mênh mông đầy nắng và gió...
Chúng tôi lại cùng dắt tay nhau thản nhiên đi trên đường làng, giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi thấy có nhiều ánh mắt nhìn theo. Và văng vẳng có cả câu hát "Nạ dòng vớ được trai tơ... rồi trai tơ vớ phải nạ dòng..." những âm điệu quả là lạc lõng với chúng tôi lúc này.
Chúng tôi về đến nhà. Bọn trẻ đi học cả. Hai chúng tôi vẫn cầm lấy tay nhau. Lại nhìn thật sâu vào tận đáy mắt của nhau. Rồi chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Hình như chị Hạnh khóc. Tôi thấy nước mắt của chị nóng hổi trên vai, trên ngực. "Chúng mình có thể nên vợ nên chồng được không?". "Được quá đi chứ". "Tôi sợ lắm. Cậu có nghe thấy người ta xì xào chế diễu không?". "Thây kệ thiên hạ! Miễn là chúng mình yêu nhau thật lòng!".
Hạnh đã nằm gọn trong lòng tôi. Máu trong người tôi chạy rần rật. Tôi mạnh bạo lần cởi từng cúc áo trên ngực Hạnh. Hạnh để yên cho tôi xoa lên bầu ngực mẩy căng, phập phồng. Rồi tôi mạnh dạn đưa tay xuống bụng, xuống dưới nữa... Hạnh bỗng gạt phắt tay tôi ra, ngồi bật dạy. "Nếu cậu thật lòng yêu tôi, thì hãy đợi đến ngày ta làm đám cưới đàng hoàng. Tôi sẽ dành cho cậu một điều thú vị. Chúng mình sẽ có... một đêm... tân hôn. Tôi nói thật đấy. Cậu có tin không". Mặt chị đỏ ửng, hổn hển nói gấp gáp, mắt đang bốc lửa, như thiêu cháy hồn tôi...
Tôi choàng tỉnh. Thì ra là một giấc chiêm bao. Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ. Tôi vội đi tắm. Trời vừa sáng rõ.
Hôm qua, không hiểu sao không thấy chị Hạnh lên lò. Tối về, tôi lại có chút việc bận không sang nhà chị được. Tôi nhào sang nhà chị. Bọn trẻ đã thức dậy cả. Hình như cả đêm chúng nó đều không ngủ. Nom thấy tôi, thằng út khóc oà lên rồi nó mếu máo "Cả đêm không thấy mẹ về". Tôi dỗ mãi, nó mới chịu nín. Tôi hỏi đứa chị. Nó cho biết là sáng hôm qua có một chú nào ấy, ở trên phòng văn hóa huyện xuống nhà đón chị Hạnh đi. Nghe bảo là đi biểu diễn văn nghệ ở tận bên Hà Tây. Tôi động viên bọn trẻ yên tâm. Mẹ các cháu rồi sẽ về. Chúng nó ngoan ngoãn nghe lời tôi. Lại đứa nào việc nấy. Ba ngày sau, chị Hạnh mới về. 
Từ bé, chị Hạnh đã có một giọng hát ngọt ngào hiếm có. Nếu không có sự nghiêm cấm của người cha thì chị đã đi học lớp thanh nhạc để trở thành ca sĩ rồi. Hồi còn đi học, chị đã đem về cho nhà trường nhiều tấm huy chương trong các chương trình thi biểu diễn văn nghệ.
Vừa rồi, Huyện có tham gia hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc, tổ chức ở Hà Tây. Thế là trên Huyện người ta nghĩ ngay tới chị. Họ mời chị tham gia vào đoàn ca sĩ không chuyên của Huyện.
Sau chuyến đi biểu diễn ấy về, tôi thấy ở chị Hạnh đã có một điều gì khang khác. Chị lên lò buổi đực buổi cái. Tôi chống chếnh buồn. Rồi chị Hạnh không lên lò nữa.
Chị nói với tôi là chị đi hát. Chị đi ngày. Chị đi đêm. Có bận chị đi vài ngày. Có chuyến chị đi hàng tuần. Chị có xe đưa xe đón. Thi thoảng tôi vẫn sang nhà chị. Bọn trẻ cũng có cái gì khác hẳn. Chúng nó không còn vui cười và nô đùa với tôi như trước. Đứa nào cũng nhìn tôi với ánh mắt đau đáu, trong veo. Hình như chúng đều muốn hỏi "Tại sao mẹ không đi gánh gạch với chú nữa?".
Ngày sang cát cho anh Tám đã đến. Thay áo cho anh xong, dường như chị càng trẻ và đẹp hơn. Những bộ trang phục của các loại mốt thời trang làm cho mọi người, không một ai tin được chị là gái đã ba con.
Giờ chị Hạnh chẳng mấy khi ở nhà. Bọn trẻ cũng quen dần với cảnh mẹ vắng nhà. Chúng nó đã có một cuộc sống sung túc hơn hẳn. Mẹ chúng may cho chúng nhiều bộ quần áo đắt tiền mà những đứa trẻ khác ở trong làng có nằm mơ cũng chẳng sờ được vào. Nhưng hình như chúng cũng chẳng thấy vui sướng một tí nào.
Tôi mênh mang buồn...
Tôi và chị Hạnh ngồi bên nhau. Rất lâu. Chị thật là gần và cũng rất đỗi là thân thiết với tôi. Tôi khẽ nhìn chị. Giờ chị đẹp một cách thật kiêu sa. Ở ngực chị và cổ tay chị đeo đầy các loại vòng vàng lấp lánh. Một mùi hương ngào ngạt tỏa ra. Tôi khẽ rùng mình. Có một sự sợ hãi cứ ám ảnh trong tôi.
- Chị Hạnh! Chị đừng đi hát nữa.
Chị im lặng.
- Chị cứ ở nhà. Không phải lên lò gánh gạch nữa. Chúng mình làm đám cưới đi. Một mình tôi đi gánh gạch thôi. Tôi sẽ cố làm. Chúng mình sẽ có một gia đình êm ấm và hạnh phúc...
Chị Hạnh cứ để mặc cho tôi nói. Tôi nói nhiều lắm. Hứa hẹn với chị nhiều điều tốt lành
Hình như chị chẳng nghe thấy điều gì cả. Chị bỏ lại một mình tôi, chị bước đi. Chị cứ đi. Đi mãi
Tôi như bị chôn chân lại, nhìn chị bước tới một vùng đầy những luồng ánh sáng với muôn màu sắc rực rỡ
Tôi gọi với theo.
- Chị Hạnh ơi! Chị Hạnh ơi!. Chị không quay lại. Tôi bật khóc. Thấy mình đang đứng trong một quầng bụi gạch mù mịt. Xung quanh vẫn có tiếng chân người bước dậm dịch. Tôi cố gọi to nhưng chẳng có ai nghe thấy. Tôi giật mình choàng tỉnh. Lại là một giấc chiêm bao.
Chiều nay, tôi thấy trong người khó ở. Tôi nghỉ không lên lò. Đã đến hơn ba tháng trời rồi, tôi không nom thấy mặt chị Hạnh. Trong tôi trỗi dậy nỗi nhớ đến cồn cào. Tôi lững thững ra ngõ. Chân tôi dừng lại trước cổng nhà chị Hạnh lúc nào không hay. Hình như chị Hạnh có nhà. Tôi nghĩ thế, xăm xăm bước vào.
Bọn trẻ vắng nhà cả. Chỉ có mình chị Hạnh trong nhà. Tôi nao nao nhớ đến giấc chiêm bao hồi nào. Hình như chị Hạnh vừa trang điểm xong. Chị đẹp một cách thật lộng lẫy, như một cô diễn viên trên sân khấu rực rỡ ánh đèn.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế, loại ghế xa lông mà những người gánh gạch ở làng chưa có ai sắm được. Ở góc nhà dựng một chiếc xe máy loại đắt tiền, bóng lộn. Tôi lại ngậm ngùi nhớ tới ngày còn anh Tám. Anh đã từng mơ ước mua được một chiếc xe máy.
Chị Hạnh ngồi xuống ghế, đối diện với tôi. Từ người chị lan tỏa một mùi thơm. Mùi thơm của loại nước hoa đắt tiền. Mà các cô gái ở làng chưa dám mơ có lấy một giọt để nhỏ vào sau gáy.
Chị Hạnh nhìn thẳng vào tôi. Giọng chị chậm dãi, hỏi một câu thẳng đuồn đuột:
- Cậu có khinh tôi không?
Tôi lắc đầu.
- Tôi hiểu tấm lòng của cậu. Và cậu cũng biết đấy. Tôi cũng quý cậu vô cùng. Tôi đang rất muốn nói chuyện với cậu. May mà hôm nay cậu lại sang đây. Chắc cậu cũng đã biết. Từ trước tới nay, tôi có giấu cậu điều gì đâu. Và hôm nay tôi rất muốn nói thật lòng với cậu. Không phải là tôi đi hát đi hò gì đâu.
- Vậy thì những ngày vừa qua chị đi đâu? Chị làm gì? Chị đào ở đâu mà ra nhiều tiền đến thế? Tôi nhổm hẳn lên hỏi chị dồn dập.
Chị lẳng lặng rót cho tôi một chén nước. Và cũng tự rót lấy một chén cho chị.
- Chuyện thì dài lắm. Có thể nói là bắt đầu từ những buổi đi hát. Mỗi canh hát là tôi lại gặp được một người. Mà cũng chẳng hiểu sao, tôi lại thấy cần phải nói với cậu những điều đáng nhẽ ra không thể được nói với bất kể một ai. Chị ngừng lời, nhấp một ngụm nước. Rồi giọng chị nhỏ lại, như từ một nơi nào xa lắm.
- Thực lòng thì tôi thấy họ đều là những người đứng đắn tử tế cả. Đó là những người, người thì vợ chết nhưng vì lẽ này lẽ kia mà không muốn tục huyền. Người thì vợ già, người thì vợ bị cắt hết cả hai buồng trứng hoặc tử cung... Có cả những người còn rất trẻ. Họ đều có rất nhiều tiền. Mà tôi thì... Cậu có biết vì sao khi anh Tám còn, anh đã giữ gìn tôi đến như vậy không?
Tôi đang sống trong một trạng thái hoang mang đến cực độ. Mà sao bỗng dưng chị lại hỏi tôi như vậy. Tôi lắc đầu. Chị lại rất nhỏ nhẹ.
- Cũng không hiểu sao. Tôi lạ lắm... Trong đầu tôi như có tàu hỏa đang chạy. Mắt tôi nổ hoa cà hoa cải. Cái khuôn mặt đẹp như tranh của chị Hạnh chập chờn trước mặt tôi. Thời Đông chu cũng đã có người con gái đẹp tên là Hạ Cơ. Năm mười bốn tuổi Hạ Cơ được một Tiên ông từ trên trời xuống ngủ. Rồi dạy cho cái phép "Trấn tinh đạo khí, làm thỏa thích lòng người trong khi giao hợp". Dù sinh con chỉ sau hai ngày là màng trinh lại liền như cũ. Sau đó Hạ Cơ thông dâm với anh là Công tử Man. Chỉ một năm là công Tử Man chết. Hạ Cơ lấy chồng. Được hai năm thì chồng chết. Hạ Cơ lại lấy chồng... Và những ai được ngủ với Hạ Cơ đều thấy nàng còn nguyên là một gái tân. Các bậc Vương công, các quan đại phu cứ lao vào với Hạ Cơ như những con thiêu thân. Họ đều thèm khát cái "lạ" của nàng. Một đời hoa của Hạ Cơ đã làm hại không biết bao nhiêu đàn ông. Tai tôi vẫn đang văng vẳng những lời xa xôi:
- Nói thực, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến việc tái giá. Mà đứng vậy thì… ở trên đời này, có mấy ai thấu cho nỗi khổ riêng của cái kiếp làm đàn bà. Tôi nghĩ, cứ như thế này có lẽ lại là hơn. Còn với cậu… nếu cậu muốn... tôi sẵn lòng... chiều cậu
Tai tôi như có dùi đâm thẳng vào. Tôi bật dậy như một cái máy, cắm đầu chạy một mạch ra khỏi nhà chị vừa hoảng sợ vừa kinh ngạc... 
Tôi lững thững đi miên man như một kẻ mộng du. Tôi đi vô định. Gió tạt vào mặt mát rượi làm cho tôi bừng tỉnh. Tôi đã đang đứng trên mặt một con đê. Sau lưng tôi là những làng xóm nối nhau, giờ đã mọc lên những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng. Trong những ngôi nhà kia, có những ngôi mà chủ nhân của nó là những người chỉ biết đi gánh gạch. Trước mặt tôi là cả một triền bãi ven sông, những lò gạch đỏ quạch mọc lên xin xít.
Tôi đăm đắm nhìn xuống. Dưới nắng chiều đỏ ối, những dòng người đang lên lên xuống xuống trong một quầng bụi hung hung đỏ. Người nào người nấy bước từng bước nặc nè, cần mẫn. Bụi gạch phủ từ chân lên tới đầu. Bao nhiêu cuộc đời vẫn đang lấm láp bụi gạch. Nhưng ẩn chứa trong những con người của họ lại là những tâm hồn trong trẻo, tinh khiết như ánh nắng của ban mai. Trong dòng người lầm lụi đang lên lên xuống xuống kia không còn có chị Hạnh đi cùng nữa. Ở trong lòng tôi là cả một khoảng trống đến vô cùng.
Gió từ dưới sông thổi lên dào dạt. Nước sông trong văn vắt, từ ngàn đời nay vẫn cứ lặng lẽ miên man chảy xuôi về. Quả thật lúc này, tôi cũng không biết là thương ai giận ai, chị Hạnh hay những người đàn ông kia.
Bắc Ninh, tháng 5 năm 2006
Đỗ Công Tiềm
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

    Người mà tôi tìm kiếm Lời tác giả Truyện dài “kịch hoá” Tác giả, có thể hoặc vì non tay, hoặc vì thiếu nghị lực, hoặc do cả hai, không d...