Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Bong bóng vẫn bay

 Bong bóng vẫn bay

Nhận được tin nhắn “Các cậu về quê ngay” của Dũng, Phác biết ngay là ở quê đã xảy ra chuyện. Linh tính như báo cho anh biết đây là chuyện chẳng lành. Ruột gan Phác như có lửa đốt. Anh muốn có một đôi cánh để mà bay về quê ngay. Nhưng anh phải đợi Dịu. Như mọi khi, bao giờ về quê, anh luôn có Dịu đi cùng.
Phác nhìn đồng hồ, giờ này chắc Dịu cũng đang trên đường về. Bọn trẻ, đứa đang có buổi picnic, đứa thì còn ca học thêm tin. Tự nhiên, Phác cảm thấy có sự vắng vẻ đến lạ trong nhà. Anh bật cười khi phát hiện ra đã có một sự yên tĩnh, thật là tuyệt đối và vô cùng nhỏ bé nằm ngay giữa cái khối ồn ào sôi động của thành phố vào lúc tan tầm này. Trong anh lại ùa về cái cảm giác thật là êm dịu, lan toả nhè nhẹ trong người, mỗi khi anh nghĩ về cái làng quê ấy.
Làng Chằm. Một cái làng nhỏ bé, có những luỹ tre xanh xanh bao bọc lấy những mái nhà tranh. Và những con người mà một thời, anh đã từng được họ đùm bọc chở che.
Ngày ấy, mẹ đưa chị em Phác về làng Chằm sơ tán. Gia đình Phác ở nhờ nhà cô Như. Nhà cô Như chỉ có hai mẹ con. Cô Như với cái Hoài. Chồng cô Như đi bộ đội, giống như bố của Phác, đang chiến đấu mãi trong chiến trường B.
Nghe nói ngày chú Đống, bố cái Hoài, về phép trước khi lên đường vào nam chiến đấu. Cái Hoài còn bắt bố bò chồm chồm để nó nhong nhong cưỡi trên lưng. Bây giờ, cái Hoài đã tự mình cưỡi trên lưng con trâu to đùng, có nước da đen nhánh. Hai cặp sừng cong vênh vênh nhọn hoắt. Chị Nụ của Phác, mấy đứa con trai đầu bò, đầu biếu ở phố phải kiêng nể, thế mà cũng phải lắc đầu, lè lưỡi khi nhìn nó ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu mộng ấy.
Mẹ chỉ ở lại nơi sơ tán có một hôm. Rồi để hai chị em Phác ở lại với cô Như. Mẹ phải trở về Hà Nội ngay.
Ở quê cái gì cũng lạ. Từ những con đường đi. Đường xá gì mà lại cứ cong queo uốn lượn giữa những cái ao lớn ao bé. Len lỏi qua những mảnh vườn có bao nhiêu là cây cối. Nào là chuối, nhãn, bưởi, ổi... Đến những con người, nom ai cũng đen đúa lầm lụi, tất bật. Nhưng ai cũng cởi mở đến lạ. Từ bác Hậu, bác Tý, cô Liên... cứ te tái sang hỏi thăm chị em Phác. Nào là “có nhớ nhà không”, hay “có ngủ được không” và “có ăn no không” vân vân và vân vân. Làm như chị em Phác đều đã quen thân với mọi người từ lâu rồi. Mọi người còn hay mang sang cho chị em Phác từ củ khoai lang mới luộc còn nóng hôi hổi. Khi thì quả khế, khi miếng mít... Có bác lại thở dài bâng quơ “sểnh nhà ra thất nghiệp. Loạn ly đến là khổ”. Cả xóm ai cũng coi chị em Phác như là khách quý ấy.
Ở nơi sơ tán, Phác thích thú nhất là một nồi cơm được ủ trong tro bếp. Khi cơm chín thì tỏa mùi thơm rất khó tả. Mà có lẽ chỉ khi nào cơm được thổi bằng rơm rạ và được ủ kỹ trong tro của nó thì mới có được cái mùi thơm đến nức cả lòng người ấy. Rồi những con ốc lùi. Những con ốc nứa vàng ươm được vớt lên từ những cái ao thả đầy rau rút. Cái Hoài bảo “Chỉ những con ốc ở trong những cái ao này thì mới thơm, mới ngon”, chị Nụ hỏi “tại sao”. Cái Hoài tỏ ra rất thông thạo “Rau rút là loại rau rụt rè nhưng kỹ tính lắm. Nước ao dính bẩn là nó tự hủy mình mà chết, chứ nhất quyết không chịu sống trong ao tù nước bẩn. Cho nên từ con cá, con cua, con ốc...ở trong ao có thả rau rút đều rất thơm ngon”. 
Chị Nụ và Phác chỉ còn biết gật đầu đến sái cổ trước những thông tuệ của cái Hoài. Nó còn chỉ cho hai chị em biết bao nhiêu là điều mới mẻ khác. Như cách nhìn sao đêm để biết tháng tới có mưa nhiều hay ít. Nhìn lũ kiến bọ giọt xây tổ để biết sắp có mưa to gió lớn từ hướng nào. Nhìn đùi con ếch sẽ biết được sắp có mưa rào hay vẫn còn hạn hán v.v... 
Mới tý tuổi đầu mà nó đã làm được bao nhiêu là việc. Từ chăn trâu cắt cỏ, cho lợn cho gà đến cơm nước giặt rũ. Người nó bé sắt lại. Nhưng việc làm thì nó làm ào ào như nước chảy. Nó thường vừa làm vừa hát và hay cười. Khi nó cười, hai cánh mũi xinh xinh hếch lên. Đôi mắt đen láy tít lại. Miệng mở hết cỡ khoe cả hàm răng trắng nõn đều tăm tắp.
Phác thường hay ngắm cái Hoài cười. Những lúc ấy, tâm hồn trẻ thơ của Phác xao xuyến. Phác tự bảo thầm. Nay mai Hoài lớn lên, chắc là xinh lắm. 
Cô Như thì chẳng mấy khi ở nhà. Cô làm việc trên ủy ban xã. Bận bịu quần quật suốt ngày, nào làm đồng, nào hội họp. Nhiều hôm, khuya lắm cô mới về đến nhà. Chị em Phác và cái Hoài đã ngủ khèo hết cả. Đứa nọ gác chân lên đứa kia mà ngủ. Cô buông màn, quạt muỗi, gỡ chân xoay từng đứa nằm ra cho thẳng, rồi cô ngồi lặng lẽ quạt mát cho cả bọn.     
Những làn gió nhẹ, thoang thoảng mùi mồ hôi làm cho Phác tỉnh ngủ. Nhưng Phác vẫn nằm im. Một cảm giác thật là dễ chịu nao nao trong lòng. Như những đêm ở Hà Nội, vào hôm tiết trời oi bức, mẹ vẫn thường thức để quạt mát cho cả hai chị em ngủ.   
Đấy là những đêm bình yên. Còn có nhiều đêm cả nhà đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng kẻng báo động. Hoặc tiếng máy bay gầm rít, tiếng bom nổ ì ầm, lục bục từ phía Hà Nội hay từ trên thị xã vọng về. Cô Như đánh thức cả bọn dậy rồi dắt díu nhau xuống hầm trú ẩn. Nhiều đêm có tiếng bom nổ rất gần làm cho mặt đất cứ rung lên từng đợt, từng đợt. Cô Như ôm lấy cả bọn vào trong lòng. Ngồi gọn trong lòng cô, Phác lại nhận định: hơi thở và da thịt của những người mẹ cũng có sự giống nhau hay sao ấy.        
Cô Như rất ít nói. Họa hoằn lắm mới thấy cô cười. Khi cô cười, ẩn sâu trong đáy mắt vẫn đọng một nỗi u buồn thăm thẳm mà Phác không biết là tại sao. Phác lại chỉ còn biết tự nhận xét: phụ nữ ở quê ai cũng đẹp cả.     
Thi thoảng, mẹ Phác mới tạt qua nơi sơ tán. Thường chỉ là chốc lát. Cũng có lần mẹ nghỉ đêm lại. Lần nào ở lại, mẹ với cô Như cũng chuyện trò rì rầm với nhau đến rất khuya. Có lần Phác bỗng thức giấc. Hình như hai người đang khóc. Tự nhiên Phác cũng thổn thức, làm cho cả nhà sợ. Rồi mọi người đều cho là Phác ngủ mê.  
Ban ngày làng xóm vắng ngơ vắng ngác. Những lúc bình yên, những đứa trẻ ở trong xóm thường hay bày ra các trò chơi. Cùng với lứa tuổi với chị Nụ có chị Thoa, chị Hiền, anh Tú, anh Quyết... Ở lứa tuổi của Phác ngoài cái Hoài còn có cái Chiên, cái Mai, thằng Bình, thằng Dũng còm... Tất cả rất thân thiết với nhau và hợp thành một nhóm. Hết chơi chốn tìm, cánh con trai lại quay ra đánh khăng, đánh bi.  Còn con gái thì đánh chắt đánh chuyền. Rồi nhảy vườn đến mệt lử thì ngồi tụm lại với nhau để nghe chị Nụ đọc truyện. May mà hôm chuẩn bị đồ đạc đi sơ tán, Phác cố mang theo được bộ Không gia đình, quyển Dế mèn phiêu liêu ký với quyển Rô Bin Sơn.        
Bọn trẻ ở xóm, đứa nào cũng mê truyện cả. Thế giới ở trong những trang sách đã đưa cả bọn đến với những miền đất lạ xa xăm. Nhưng chúng chẳng có mấy truyện để mà đọc. Cái Hoài cũng vậy. Nó rất hay hỏi về Hà Nội, về Hồ Gươm... nó luôn nhắc nay mai thắng Mỹ rồi thì bố sẽ về để mang nó ra thăm Hà Nội.  
Vào những hôm trời trong, bầu trời ở thôn quê rất cao và rộng, cái Hoài lại bày ra trò chơi thổi bong bóng xà phòng.        
Những chiếc cọng rơm ngắn vừa bằng cái tăm, thi nhau nhúng một đầu vào cái chôn bát có tý nước xà phòng đặc. Ngậm một đầu còn lại vào miệng, bụm môi lại, ngửa mặt lên trời mà khẽ thổi. Từ đầu cái cọng rơm vàng nhỏ xíu, từ từ nở ra một quả bong bóng có nhiêu là sắc màu xanh, vàng, hồng, tía... lung linh. Những quả bong bóng như là cả một điều kỳ diệu thi nhau vượt qua những ngọn cây, bay tít lên tận trời xanh.      
Cả bọn ngước nhìn theo. Lòng hồi hộp gửi vào những quả bong bóng kia bao nhiêu là mong ước. Tuổi thơ bao giờ chẳng có nhiều mong ước. Mỗi lần thổi, mỗi quả bóng bay lên cao là một mong ước. Những mong ước cũng lung linh sắc màu, gửi cả vào khoảng trời bao la lồng lộng. “Này cậu mong ước điều gì thế?”. Phác thì thầm hỏi Hoài. “Tớ mong ước nhiều lắm”. “Nhiều là những mong ước gì?”. Phác gặng hỏi. “Như... bố tới mau đánh thắng Mĩ để về đưa tớ ra thăm Hà Nội...Tớ cũng sẽ được học ở Hà Nội, sẽ... thành người Hà Nội”. Mắt Hoài sáng long lanh.
Lạ thật. Phác cũng từng thầm mong ước được cùng học với Hoài ở Hà Nội, ở trong một lớp học khang trang. Hai người sẽ học tập, lớn lên bên nhau. Và Phác cũng từng mong ước ta mau thắng Mĩ, để cuộc sống trở lại bình yên. Phác lại được trở về Hà Nội với những đường phố sạch bong, rợp bóng  cây. Về với trường với lớp, gặp lại thầy cô, bạn bè. Không biết giờ này thầy cô và bạn bè đang ở nơi nào, biết đến khi nào mới gặp lại.               
Ngày ấy cũng đã đến. Mĩ ngừng ném bom ra miền Bắc, chị em Phác trở về Hà Nội. Rồi chiến tranh kết thúc. Bố của Phác bình yên trở về. Những ngày tháng tràn ngập hạnh phúc trong gia đình.     
Thời gian đầu cả gia đình Phác thường hay về thăm cô Như. Chú Đống đã mãi mãi không bao giờ trở về nữa. Có một nỗi buồn đầy ăm ắp trong gia đình cô. Bố mẹ Phác phải động viên khéo lắm, cô Như mới cùng với cái Hoài ra thăm Hà Nội. Nhưng chỉ có được một lần duy nhất.   
Những cuộc về thăm làng Chằm của gia đình Phác cũng thưa dần. Bố mẹ bận công việc. Chị Nụ với Phác mải mê với việc học hành.        
Kỳ nghỉ hè trước khi vào Đại học, Phác một mình trở lại làng Chằm. Cô Như gầy và xanh xao như một tàu lá. Đôi mắt cô trũng sâu, thâm quầng bởi nhiều đêm mất ngủ. Ở tận đáy mắt, đọng một nỗi u buồn vời vợi.   
Hoài đã nghỉ học và trở thành lao động chính thay mẹ. Nỗi buồn mất cha dường như qua mau để nhường cho một vẻ đẹp tươi tắn, phơi phới của người con gái vừa bước vào tuổi thanh xuân. Trái tim Phác run rẩy trước vẻ đẹp thuần khiết ấy.      
Từ đó Phác thường xuyên về làng Chằm. Rồi Phác yêu. Và được Hoài đáp lại bằng một tình yêu nồng nàn say đắm. Tình yêu của một chàng trai thành phố với một cô gái ở nơi thôn dã thật chân thành mộc mạc, đẹp và trong sáng như ánh trăng rằm.        
Thế rồi tình yêu ấy lại bị phản đối. Ban đầu là ở bố mẹ anh, nhưng còn có vẻ dè dặt với một mong muốn. Cô dâu là một người có học, có bằng cấp. Hay ít ra cũng là người ở Hà Nội. Còn chị Nụ thì “mày có mang được mấy sào ruộng ở quê ra Hà Nội để cho Hoài nó cấy hay không”. Trái tim Phác như bị bóp nghẹn lại. Anh không thể hiểu nổi cái quan niệm của những người mà anh hằng kính trọng, yêu thương.        
Với cô Như, người đã từng yêu thương Phác như  con của cô đẻ ra. Phác cũng đã tự hứa với mình và với Hoài là sẽ làm hết sức mình để Hoài có hạnh phúc. Sẽ cùng với Hoài phụng dưỡng cô. Để có thể bù đắp được phần nào những mất mát của cô. Vậy vì sao mà cô lại phản đối kiên quyết đến vậy. Rồi anh nhận ra, ở những người nông dân nhân hậu và trung thực khi lòng tự trọng của họ bị tổn thương thì trái tim của họ dễ trở thành sắt đá.         
Giữa lúc này, đùng một cái, Hoài đi nước ngoài. Một bác trước kia là đồng đội của  chú Đống, trong một lần tìm về thăm gia đình cô Như. Thấy hoàn cảnh của gia đình cô, bác ấy đã đứng ra làm mọi thủ tục để Hoài được đi lao động xuất khẩu ở Cộng hòa dân chủ Đức.       
Hoài đi, không kịp chia tay. Không một lời nhắn, một dòng chữ để lại. Những ngày tháng đằng đẵng mong chờ. Nhưng càng mong càng mất.      
Được hơn hai năm thì có tin của Hoài. Nhưng lại là tin buồn với Phác. Hoài đã lấy chồng ở bên Đức. Có gửi cả ảnh và băng hình ngày cưới về.
Nhìn Hoài lộng lẫy trong bộ váy cưới với nụ cười mãn nguyện, bên cạnh một người con trai cao lớn lạ hoắc lạ huơ, mắt Phác tối sầm lại. Mặt đất dường như đang sụt lở từng mảng lớn ngay dưới chân anh. Anh như đang chơi vơi rơi xuống một hố vực sâu đen ngòm.      
Kể từ đó, mọi người tưởng như anh không thể tiếp tục học tập được nữa. Cả bố mẹ với chị Nụ vội trở lại làng Chằm. Mọi người đều thất vọng. Vì tất cả đã là muộn.   
Phác vẫn một mình về làng Chằm đều đặn. Anh tự nhận rõ được về anh, không sao cả. Lòng anh bồi hồi bước trên ngõ xóm đã in dấu những bước chân của một thời thơ bé. Những người bạn nhỏ xưa kia, giờ cũng đã lớn cả rồi. Những đứa con trai đều đã đi bộ đội, đứa trên biên giới, đứa ngoài hải đảo. Còn những đứa con gái thì hầu hết đã đi lấy chồng. Cuộc sống của làng xóm vẫn diễn ra bình thường. Mọi người vẫn ra đồng từ sớm tinh mơ, đến nhọ mặt người mới lục tục kéo nhau về. Vẫn là những cuộc đời lam lũ, nhưng vẫn rất yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Và vẫn rất vô tư trong nỗi vất vả nhọc nhằn.     
Từ ngày Hoài đi đến nay, cô Như cũng chẳng có thay đổi gì. Cô vẫn sống trong lặng lẽ u buồn. Hình như cô luôn cảm thấy là một người có lỗi với Phác. Tự đáy lòng mình, anh thương cô đến vô bờ.       
Phác bảo vệ luận văn tốt nghiệp một cách xuất sắc. Mối tình đầu đẹp đẽ và thơ mộng của anh chỉ còn là một vết thương lòng, đã lên sẹo. Phác lại yêu. Đó là Dịu, người bạn cùng lớp. Và là cô con gái của miền quan họ. Hai người làm lễ cưới. Và được bố mẹ Phác thu xếp cho hai vợ chồng cùng về công tác tại Hà Nội.
Phác mải mê với cuộc sống mới. Bắt đầu bước vào bươn trải, lao theo sự cuốn hút của cuộc đời trong cái kiếp nhân sinh. Chị Nụ thì đã lấy chồng rồi sống định cư ở Pháp. Bố mẹ cũng lần lượt qua đời. Hình ảnh của làng Chằm tưởng như đã trở nên mờ nhạt trong tâm trí anh.  
Thế nhưng, do tình cờ, anh lại biết tin tức của làng Chằm. Hoài đã bỏ chồng ở bên Tây về nước. Cô Như đã mất hơn năm nay rồi.
Phác chạy bổ ngay về làng Chằm. Hoài khỏe và đẹp. Chỉ có điều giờ là một vẻ đẹp với những đường nét sắc sảo, rờn rợn của một gương mặt dùng nhiều mĩ phẩm.      
Phác với Hoài ngồi lặng lẽ, rất lâu. Không gian tưởng như chùng hẳn xuống. Hai người đã nói với nhau có lẽ cũng rất nhiều rồi. Và cũng vẫn còn nhiều điều muốn nói. Nhưng cả hai lại cùng cảm thấy chẳng còn gì để mà nói nữa.
Với Phác, ở tận trong sâu thẳm của lòng anh, anh vẫn dành riêng một khoảng để chứa đựng tất cả những gì đẹp đẽ nhất mà hai người đã có với nhau. Đã nhiều lần, có lẽ cũng chỉ có mình anh, lại thấy khao khát được sống lại những ngày tháng của ngày xưa... Những ngày tháng gian khó, tuổi thơ bé của anh, anh đã được những cuộc đời nghèo khổ, lam lũ chăm sóc yêu thương. Trong ký ức của anh vẫn còn in đậm nét những ngày tháng ấy. Nó đã nuôi dưỡng cho anh có được một tình yêu. Mặc dù chính mối tình ấy đã đem lại cho anh một nỗi đau cũng đến khó quên.      
Không một lời oán trách, Hoài cũng không một lời giải thích. Những lời thăm hỏi về nhau cũng chiếu lệ, nhạt thếch. Thật không ngờ tình cảm của hai người lại đến nông nỗi này.         
Phác trở về Hà Nội, lòng anh nặng trĩu ưu phiền. Trước khi về làng Chằm, anh cứ nghĩ và tưởng tượng ra cái cảnh hai người sẽ ôm chầm lấy nhau. Hoài sẽ khóc thút thít, sẽ kể lể về những nhớ nhung. Sẽ có một lời biện minh cho việc Hoài đi lấy chồng. Anh sẽ lau nước mắt cho Hoài. Sẽ an ủi động viên Hoài, sẽ nói với Hoài rất nhiều điều. Kể về những đôi lứa yêu nhau, không lấy được nhau, nhưng vẫn sống tốt với nhau.    
Phác buồn, buồn miên man trong những sô bồ của nếp sống thị thành ở giữa cái thời thị trường. Sống trong môi trường mới người ta dễ có sự thay đổi. Nhưng anh không tin được là Hoài lại có sự thay đổi như vậy. Anh tự nhủ hãy quên đi. Quên đi tất cả để mà sống với hiện tại của ngày hôm nay.   
Nhưng từ nhiều nguồn, Phác vẫn luôn có được những tin tức ở làng Chằm. Về nước, Hoài không chấp nhận cuộc sống lao động chân tay như mọi người ở trong làng. Với số vốn cũng không nhỏ, Hoài lao vào kinh doanh buôn bán. Hoài từng buôn to, buôn nhỏ. Từng lãi, từng lỗ. Từng là một bà chủ có tiếng tăm ở trong vùng. Và cũng đã từng trắng tay. Hoài đã có lần quyên sinh nhưng vẫn chưa thoát khỏi được kiếp trần ai.
Đường chồng con thì cũng gập ghềnh không kém. Đến đời chồng thứ ba thì Hoài đứng vững được với một người chồng khỏe mạnh, hiền lành chịu khó. Hai vợ chồng mở quán lòng lợn tiết canh ở đầu chợ làng. Ngoài ra Hoài có thêm một gánh hàng rau. Cặm cụi nhặt nhạnh từng đồng ở những mớ hành, mớ húng, quả ót quả chanh... Hoài đã bắt đầu chấp nhận một cuộc sống bình thường, từ bỏ những ham hố, tham vọng cao xa. Vợ chồng Hoài sinh được hai đứa con, đều khỏe và ngoan. Mọi người đều mừng cho Hoài. Nhưng chồng Hoài đột nhiên bị tai nạn giao thông rồi qua đời.
Trong lòng Phác lại như đang trào dâng lên những đợt sóng ngầm. Nhiều khi anh tưởng như chân đi không tới được đất.       
Dịu luôn lặng lẽ theo dõi mọi diễn biến trong tâm tư của Phác như một thầy thuốc theo dõi người bệnh. Dịu muốn được cùng Phác về làng Chằm. Chẳng có một lý do gì để anh từ chối. 
Thông thường trong khó khăn hoạn nạn, con người ta dễ gần với nhau hơn. Phác chẳng ngờ Hoài với Dịu lại sớm trở lên thân thiết với nhau. Từ đó, anh và Dịu thường xuyên về làng Chằm. Về với những người bạn một thời của anh. Họ chẳng được học hành như anh. Cuộc sống của họ vẫn nghèo, vẫn vất vả nhọc nhằn. Nhưng ở họ lại có đủ một tấm lòng mà ở trên đời này không phải ai cũng có được. Vợ chồng anh rất năng về với họ, cùng vui, cùng buồn với họ. Và coi làng Chằm như là quê hương thứ hai của mình.
Vợ chồng Phác về đến làng Chằm thì trời đã tối được một lúc. Dũng đón hai người từ đầu làng rồi kéo thẳng về nhà Dũng.
Đường làng Chằm đã trải bê tông. Tất cả những cái ao lớn, ao bé đã được lấp đầy. Vườn thì cũng đã chặt hết cây. Người ta đặt vào đó những ngôi nhà một tầng, hai tầng với mái bằng mái nhọn nhấp nhô. Quán bia hơi, rượu thịt chó, karaôkê, cà phê nằm dải từ đầu làng đến giữa làng. Nhạc xập xình, đèn mờ đèn tỏ nhấp nhoáng. Tự nhiên Phác cảm thấy nao nao buồn.  
Về đến nhà Dũng thì đã thấy có đủ cả Chiên, Mai, Hoa và Bình. Một không khí nặng nề bao trùm lên tất cả. Những tiếng chào, những cái bắt tay lặng lẽ. Phác không thấy có Hoài. Lòng anh hoang mang không hiểu điều gì đã xảy ra.    
- Tất cả cũng chỉ tại mấy ông cán bộ...      
- Tại là tại cái gì? 
- Tôi là tôi cứ nói thẳng. Tại vì các ông có ăn tiền đút lót của chúng nó, nên các ông phải nhắm mắt mà làm ngơ cho chúng nó tác oai tác quái! Chiên vẫn cứng giọng một cách rắn rỏi.         
- Cán bộ chúng tôi lúc nào cũng theo sát được chân của chồng bà, con bà để ngăn không cho chồng con bà rượu bia, đề đóm được hả? Không ngờ Dũng đã đỏ mặt tía tai lên.  
- Thôi thôi! Tôi xin hai người hãy dẹp cái chuyện đó lại. Bình lên tiếng can Dũng với Chiên. Rồi anh quay sang thông báo vắn tắt tình hình của Hoài. Đại thể tóm lược lại như sau:         
Thời gian vừa qua, Hoài đã lao vào đánh lô đánh đề. Tiền của trong nhà đã cứ theo đề đóm mà ra đi. Hiện giờ giấy tờ nhà đất Hoài đã đem cắm ở Ngân hàng. Hết hạn Ngân hàng đã ra quyết định phát mại. Nhóm bạn của Hoài ở quê bàn đi tính lại hết mọi cách mà vẫn chưa tìm ra giải pháp gì để giúp Hoài. Ai có dư dật đồng nào thì Hoài cũng đã mượn cả rồi. Mà biết bao nhiêu tiền để đưa cho Hoài cho đủ lúc này. Bây giờ để mặc Hoài thì Hoài cũng không còn trách ai được nữa. Nhưng mọi người sao nỡ nhìn mẹ con Hoài không có nhà có cửa. Lại còn nơi thờ cúng chú Đống với cô Như... Giọng Bình đến đây như tắc nghẹn lại.  
Phác đã hiểu. Các tệ nạn đã tràn về tàn phá cuộc sống bình yên của làng Chằm. Anh định quay sang hỏi xem thái độ của chính quyền địa phương ra sao. Nhưng chợt nhớ ra cuộc cãi lộn giữa Dũng với Chiên vừa rồi, anh lại thôi.         
Thảo nào, vừa rồi Hoài có ra Hà Nội mấy lần. Nhưng chỉ nói là có việc, nhân tiện tạt vào thăm vợ chồng Phác, chứ không hề đả động gì đến việc vay mượn. Thì ra với anh, Hoài vẫn giữ được một khoảng cách. Đó là lòng tự trọng.       
Số nợ của Hoài so với nhà quê là rất lớn. Và so với thành phố thì cũng không hề nhỏ. Nhưng với thực lực của gia đình Phác, anh vẫn có thể gánh vác được. Song Dịu là một người rất cẩn thận trong việc tiêu tiền. Vốn sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo khó, nên Dịu rất tiết kiệm và luôn biết lo xa. Phác đã phần nào hiểu được ý của các bạn. Nhưng sự việc đột ngột quá, vợ chồng anh chưa bàn bạc được gì với nhau.       
Anh vẫn lặng im. Mọi người vẫn đang bàn định, mỗi người một ý. Nhưng tất cả mọi người đều cho rằng bây giờ có đưa tiền cho Hoài mượn để trả Ngân hàng thì sẽ có ngày Hoài lại mang nhà đất đi cắm.        
- Vậy thì làm sao bây giờ. Phác hỏi to một câu thật ngớ ngẩn.        
- Thế nên chúng tôi mới cần tới vợ chồng ông. Người thành phố bao giờ cũng sáng suốt hơn...Dũng im bặt, tay gãi gãi lên đầu, anh nhận ra mình đã lỡ lời. 
Dịu có ý kiến. Tất cả chăm chú nghe.        
- Vẫn phải để cho Hoài bán nhà. Nhưng phải là một trong số những người thân này sẽ đứng ra mua. Tiền nong do chúng tôi lo chạy. Người mua sẽ dọn hẳn sang ở. Sẽ có trách nhiệm trực tiếp trông nom hai đứa trẻ của Hoài ăn học cho bằng những con nhà khác. Và thờ cúng chú Đống với cô Như. Còn Hoài sẽ bố trí cho sang làm người giúp việc ở Đài Loan. Việc này do chính tôi lo liệu. Như vậy sẽ tạo cho Hoài có thời gian tỉnh ngộ mà kiếm tiền. Trong khi đó, các cháu vẫn được học hành, và vẫn giữ được nơi thờ cúng chú Đống với cô Như. Đến khi Hoài trở về thì sẽ bàn đến bước thứ hai. Như vậy. Còn ai có ý kiến gì không?  
Tất cả im lặng. Hình như mọi người đang cùng trút ra một hơi thở dài nhẹ nhõm. Ai cũng dụi mắt và cảm thấy cay cay ở sống mũi.  
Lần này Phác về làng Chằm chỉ có một mình. Dịu có lý do rất chính đáng để không về cùng anh. Chiều nay Hoài bay. Đúng với phương án mà Dịu đã vạch ra. Tự đáy lòng Phác, anh  rất cảm ơn Dịu và cũng rất đỗi tự hào về Dịu. Chẳng ai ngờ được Hoài lại tuân theo sự sắp đặt của mọi người một cách ngoan ngoãn đến như vậy.     
Cũng tại nhà Hoài, chiều nay có cuộc gặp mặt của nhóm những người bạn thân thiết với Hoài. Những người một thời cùng nhau đánh đáo, đánh bi, cùng nhau đánh chắt, đánh chuyền. Một mâm cơm cúng ông Công ông Táo để các vị ấy chứng nhận cho gia chủ mới dọn đến nhận nhà. Và cúng tổ tiên, Gia thần phù hộ cho người ra đi gặp nhiều may mắn.       
Trên bàn thờ chú Đống và cô Như hương trầm nghi ngút. Tấm bằng Tổ quốc ghi công và những Huân chương, Huy chương của chú và của cô Như vẫn được treo trang trọng như xưa.         
Phác chưa một lần được gặp chú. Nhưng nhìn vào ảnh chú, Phác tin rằng chú là một người cương nghị và dũng cảm. Lòng anh xốn xang khi bắt gặp một ánh mắt. Ánh mắt một thời của chú, rất trong sáng nhưng sao đã trở nên xa xăm đến thế.
Còn ảnh của cô Như thì đã là một phụ nữ có tuổi. Ở cô, vẫn là một gương mặt đẹp, hiền dịu. Nhưng vẫn hiện rõ lên những nét khắc khổ với đôi mắt luôn đượm một nỗi buồn thăm thẳm.
Hương trầm phảng phất làm lòng Phác nao nao. Không biết lúc này đây, ở nơi chín suối, chú và cô đang vui hay buồn. 
Chiều nay là một buổi chiều thật êm ả. Nắng vàng đặc sánh như mật ong. Gió quê ào ạt. Ở góc sân, những đứa trẻ nhà Bình và các đứa con của Hoài đang tụm lại với nhau. Chúng nó lại đang cùng nhau thổi bong bóng xà phòng. Những quả bong bóng lung linh với bao nhiêu là sắc màu xanh, vàng, hồng, tía... vẫn đang thi nhau bay lên tận trời xanh. Bầu trời ở quê vẫn cứ cao vời vợi. Có một bàn tay nhè nhẹ nắm lấy tay Phác. Hoài đứng cạnh anh từ lúc nào mà anh không hay. Hai người nắm chặt lấy tay nhau. Cùng ngước nhìn lên những quả bong bóng đang bay tít ở trên cao kia. Trong anh lại ùa về bao nhiêu là những kỷ niệm của một thời thơ trẻ. Lòng Phác bỗng thấy bâng khuâng. Chỉ còn mấy giờ đồng hồ nữa là Hoài bay rồi. Anh cầu mong đây sẽ là một chuyến bay gặp nhiều may mắn.
 Đỗ Công Tiềm
Theo https://www.facebook.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...