Mùa Xuân và những khúc hoan ca
trong thơ Xuân Diệu thời thơ mới
Chủ nghĩa lãng mạn được xây dựng trên cái nền tư tưởng không
bằng lòng với thực tại và hiện tại, cái thực tại mà con người bị tha hóa trong
nỗi đau thương xa rời bản thể và nhân tính. Văn chương lãng mạn Việt Nam đầu thế
kỷ XX khá gần gũi với văn chương lãng mạn Pháp, dẫu vậy do phát triển
trong bối cảnh xã hội thuộc địa nó có những sắc thái riêng. Các nhà thơ
lãng mạn Pháp tự hào: không gì làm cho người ta lớn lao bằng một niềm đau
thương lớn (A.Muyxê). Các nhà thơ lãng mạn Việt Nam cũng thổ lộ là con một “người
mẹ hay sầu” và “mắt thường đẫm lệ” (Huy Cận). Xuân Diệu bước vào Thơ Mới muộn nhưng gây ấn tượng mạnh vì ông không khóc, không buồn mà trên môi nở nụ cười
nồng ấm, tươi trẻ khao khát yêu thương, khao khát giao cảm với đời.
Hồn thơ ông giao cảm với đời bằng một sự hòa quyện vừa truyền
thống vừa tân kỳ. Nó mới mẻ trong sự khám phá các cảm giác cá nhân từ phương
Tây dội đến bên cạnh sự mơ mộng với sinh cảnh thiên nhiên đầy màu sắc truyền thống
của thi ca Á Đông. Nguyễn Đăng Mạnh nói ông là nhà thơ “giao cảm với đời”
là muốn ám chỉ cái sắc thái pha trộn, vừa song hành, vừa tích hợp đó. Cái đóng
góp, cái nét riêng của thơ ông trong phong trào Thơ Mới là đóng góp của một cá
thể giàu tình yêu và niềm vui ham sống, là cảm quan mùa xuân pha vài yếu tố nhục
thể vào một dòng chảy giải phóng con người khỏi sự ràng buộc các lề luật trói
buộc của một ý thức hệ bảo thủ. Trong phong trào Thơ mới Xuân Diệu là người
đến muộn. Tuy nhiên, bằng một cảm quan mới mẻ và một nghệ thuật cao diệu ông
nhanh chóng trở thành đỉnh cao, trụ cột của cả phong trào, với hai tập thơ tiêu
biểu là “Thơ Thơ“ và ”Gửi hương cho gió”.
Đối tượng phổ biến trong thơ ông là tuổi trẻ, tình yêu và mùa xuân.
Thơ Xuân Diệu là thơ của tuổi trẻ. Đó là tiếng nói của thanh niên, của cái
tôi cá nhân thấy mình có sức mạnh, có quyền vui sống. Với ông vũ trụ, đất trời
đẹp là đẹp ở sự tươi nguyên mới mẻ, trẻ trung: “Son sẽ trời như mười sáu
tuổi - má hồng phơn phớt mắt long lanh“ (Rạo rực ).
Tuổi trẻ, đó là nơi bắt đầu, là mùa xuân của đời người.
Tuổi trẻ là căn nguyên khơi gợi niềm cảm xúc đắm say của ông. Nó làm ông ”xôn
xao như một vạn cây rừng” và nao lòng “bằng muôn cánh yêu đương”…
Đặc trưng của tuổi trẻ là tình yêu! Thơ tình là đặc sản của Xuân Diệu.
Ông là người dõng dạc tuyên ngôn ngay từ khi đặt bước chân vào thi đàn:
”Làm sao sống được mà không yêu” (Vì sao). Tình yêu là trung tâm, đỉnh điểm của
sự giao cảm. Trong tình yêu, Xuân Diệu bao giờ cũng nồng nàn, sôi nổi. Ông là người nói được đầy đủ nhất mọi cấp độ của tình yêu, từ những kỷ niệm
thoáng qua nhỏ nhất: một tà áo, một làn mi, đến những khao khát nồng đượm rộng
lớn, sâu xa “mùa hoa thơm ngát của hồn tôi”:
Tà áo mới cũng say mùi gió nước
Rặng mi dài xao động ánh dương vui
(Xuân đầu)
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi
(Nguyên đán)
Trong
tình yêu thời gian luôn là nỗi băn khoăn, ám ảnh da diết, ông sợ thời gian qua
mau nên luôn giục giã “Em ơi em, tình non sắp già rồi”.
Để đạt được tận cùng, vô biên trong sự giao cảm với đời, Xuân Diệu đã mở
rộng tối đa phạm vi các giác quan. Thơ ông tràn đầy ấn tượng tươi mới về sự vật,
có thể gọi Xuân Diệu là nhà thơ của chủ nghĩa cảm giác.
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
(Xa cách)
Xuân Diệu như muốn tranh đoạt quyền của tạo hóa để “ôm”, “riết”, “say”, ”cắn”, ”hút”, “ăn”... để kéo cả thế giới vào trong tâm hồn đầy xúc cảm của mình:
“Ta uống mê man hơi thở con người/ Ta bấu vào
da thịt của đời/ Ngoạm sự sống để làm êm đói khát” (Thanh niên).
Ngay cái việc dùng nhiều từ thuộc lĩnh vực khẩu ngữ thông tục gắn với sinh hoạt
đời thường mà ta gặp nhiều ở hai tập thơ của Xuân Diệu thời kỳ này cũng nói rõ
sự gắn bó với thực tại, sự ham sống, ham thụ hưởng của ông tạo nét riêng khác
nhiều tác giả lãng mạn thời bấy giờ, nó cũng góp phần làm phong phú Thơ mới
trong chu trình gắn bó với đời sống, với cộng đồng.
Trong tình yêu vô hạn với cuộc đời ông dành nhiều tình cảm cho mùa Xuân. Nhà
thơ có nói đến mùa hạ, mùa thu và cả mùa đông nhưng với mùa xuân, điệu thơ luôn
đưa đến cho người đọc một xúc cảm hân hoan, tràn đầy. Thơ vừa tả thực cảnh
xuân lại vừa tượng trưng biểu cảm tình xuân lai láng. Mùa
xuân tươi tắn đầy màu sắc và âm thanh “Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui”, rồi
”Gió thơm phơ phất bay vô ý, Đem đụng cành mai sát nhánh đào” (Nụ cười xuân).
Mùa xuân của ông cũng mơn man cảm giác nhục thể. Xuân đẹp, xuân qua mau nên nhà
thơ luôn giục giã “mau với chứ”, ”vội vàng lên với chứ”, chung qui như muốn hưởng tận cùng những sắc điệu tình yêu - mùa xuân:
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi
(Vội vàng)
Cảm xúc cao độ với mùa
xuân - tình yêu, Xuân Diệu thể hiện cái tôi cá nhân một cách mãnh liệt
và tròn đầy, khẳng định cái đẹp của cuộc đời trần thế, của hiện tại và kêu gọi
tuổi trẻ phải tận hưởng những “miếng ngon nhất“, những “Vàng son đang lộng lẫy
buổi chiều xanh” của cuộc đời luôn biến đổi. Với Xuân Diệu “Sự thật ngày nay
không thật đến ngày mai“ (Phải nói).
Quan niệm về thế giới đổi thay - một cái nhìn đầy tính triết lý đã chi phối thế
giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu. Một khi ý thức về sự đổi thay của vạn vật
thì khẳng định hiện tại, khẳng định cuộc đời trần thế với niềm vui là có ý nghĩa nhiều nhất. Khác với các nhà thơ mới khác, bất hòa trước thực tại,
họ tìm về quá khứ, thoát lên tiên hoặc bay tới tương lai, Xuân Diệu lại bám vào
hiện tại, khao khát hòa với cuộc đời bằng một tâm thế “muốn ở mãi
giữa vườn trần, chân hóa rễ để hút mùa dưới đất“. Có lúc Xuân Diệu muốn gọi
những năm tháng đã qua trở về với hiện tại ”Hỡi năm tháng vội đi làm quá khứ!
Hãy trở về đây! và đem trở về đây!” Trở về đây có nghĩa là về với thực tại, với
những “giây, phút” tràn đầy cảm xúc nhạy bén của ông:
Một phút gặp thôi là muôn buổi nhớ
Vài giây trông khơi mối vạn ngày theo
Cảm xúc cao độ với mùa xuân - tình yêu hiện tại của
ông thể hiện rất rõ trong bài thơ “Lời kỹ nữ”. Nếu trong “Tiếng hát
Sông Hương” (Tố Hữu) cô gái sống nhiều với tương lai qua lời nhắn gửi của tác
giả thì người kỹ nữ trong “Lời kỹ nữ” mong được sống tròn đầy trong hiện tại. Trong sự nghiệp văn học của ông, phần thơ ca thời trước cách mạng rất có ý
nghĩa, nó đã góp phần khẳng định sự thắng lợi của phong trào Thơ mới và
góp phần không nhỏ cho sự nghiệp thơ ca mà ông khẳng định vững chãi sau này.
Ông rất xứng đáng với danh hiệu “người mới nhất trong các nhà thơ mới“ (Hoài
Thanh), “Là người mang đến cho thơ mới nhiều cái mới nhất“ (Vũ Ngọc Phan).
Xuân
Diệu cũng như một vài nhà thơ xứ Nghệ khác mang trong mình dòng máu lai pha giữa
đằng ngoài và đằng trong, có sẵn cái kiên cường, chí tiến thủ của cha kết hợp với
cái phong khoáng chân chất của mẹ. Ông đưa vào thơ mình hai nguồn sữa đó, vừa nồng
nàn vừa mơ mộng, có sự chân chất nồng nàn của tâm hồn ông đồ vùng đồng bằng Hà
Tĩnh kết hợp sự phóng khoáng hồn nhiên của tấm lòng người phu nữ miền biển Quy
Nhơn. Ông đi vào cách mạng bằng sự hòa hợp tiếp nối nhanh chóng khác các nhà
thơ cùng thế hệ mang cái buồn đau chán chường theo Cách mạng mong đổi đời. Thi
nhân Hà Tĩnh với sự có mặt của các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Thái Can, Quỳnh
Dao đã góp phần tạo nên một dấu ấn ở dòng thơ này. Trong chừng mực nào đó có thể
xem Xuân Diệu là ngọn cờ đầu của phong trào Thơ Mới Việt Nam 32-45, nơi lưu giữ
phần nào tâm hồn một thế hệ công dân Việt Nam trong chặng đầu của thế kỷ XX.
12/12//2018 Yến Nhi
12/12//2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét