Về sau, tiếp cận Thu Vàng nhiều hơn, tôi được biết, chị thích
trình diễn những ca khúc tiền chiến hoặc có nét nhạc cầu kỳ đòi hỏi kỹ thuật
hát và kén chọn người nghe. Chính điều đó tạo nên nét độc đáo và khác biệt giữa
Thu Vàng với những ngôi sao thị trường hiện nay.
Tuổi thơ ở phố cổ Hội An. Thời con gái ở Quảng Trị. Lập gia
đình về quê chồng ở Quãng Ngãi. Tuy nhiên, những ký ức tuổi thơ, miền quê hương
của bài ca “Xuân và tuổi trẻ” vẫn không thể phôi pha trong tâm trí Thu Vàng.
Chị kể: “Khoảng cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, chúng
tôi, một nhóm học sinh tiểu học, trung học đệ nhất cấp ở Hội An đã được anh
Thái Tú Hòa, thầy Lê Khuê, anh Nguyễn Văn Thuận (Phi), Vương Tử Uyển, Phùng Ngọc
Én, Nguyễn Minh Khang, Trầm Bồi Văn... dẫn dắt vào những hoạt động âm nhạc đầu
đời. Tưởng như đó là những hoạt động vui chơi của trẻ con nhưng đó chính là những
bài học vô cùng quý giá không chỉ trong âm nhạc.
Các anh, các người thầy đã dìu dắt chúng tôi từng âm, từng nốt,
từng ý các tác phẩm lớn của Việt Nam trong mọi thời đại như: Trường ca Con đường
Cái Quan, Mẹ Việt Nam… và nhiều tác phẩm khác. Những kiến thức về âm nhạc và cuộc
đời trong từng lời nhạc đã dạy cho chúng tôi bao điều hay về cuộc sống, về đất
nước, con người, nhân nghĩa, đạo lý... Những điều vô cùng quan trọng ấy đã thấm
vào chúng tôi mà mãi đến khi khôn lớn, chúng tôi mới nhận ra.
Cứ mỗi mùa hội hè, lễ Tết hoặc có dịp gì đặc biệt, thì họ được
tụ tập ở sân Trường Nam Tiểu học, vẫn được ăn bánh kẹo đầy đủ, nhưng không bao
giờ phải nộp đồng nào cả. Những hôm ấy chúng tôi hào hứng trình diễn những bài
ca đã khổ công tập luyện, hoặc được chơi các trò chơi truyền thống của Hướng Đạo
thật sinh động và hợp với lứa tuổi. Nhân cách mỗi người được hình thành trong
sáng một cách tự nhiên.
Thu Vàng cũng nói thêm, tôi không may mắn được học nhạc ở các
trường chính quy như mong ước, nhưng thật sự tôi đã được lớn dần với những người
mà tôi xem là người thầy đáng trân quý của tôi trong âm nhạc đã đi qua quãng đời
thơ ấu của tôi: Ba tôi chính là người thầy đầu tiên chọn thể loại nhạc cho tôi
nghe từ rất sớm (về sau, khi được nhiều người nhận xét: "Là một người gốc
Quảng mà khi hát, phát âm chính xác và có âm hưởng của Hà Nội xưa", thì
tôi mới nhớ ra và rất biết ơn những người thầy đầu tiên của mình). Những ca
khúc mùa Xuân mà Thu Vàng ưa thích nhất là: Xuân và tuổi trẻ (La Hối), Xuân ca
(Phạm Duy)…
Hành trình trở về
Suốt nhiều năm qua, với lòng đam mê và niềm tin mãnh liệt,
Thu Vàng đã tự nguyện tìm về dòng nhạc tiền chiến. Sự “lội ngược dòng” của Thu
Vàng cho thấy, chí ít cũng là ý thức đáng trân trọng của một tiếng hát, muốn tạo
cho mình một lối đi riêng. Một chỗ đứng khác, dưới bầu trời trình diễn tân nhạc
Việt hôm nay và ngày mai.
Bình thường, chúng ta cũng có khá nhiều ca sĩ tìm về, ở lại với
những rung động hay, tâm cảnh của những nhạc sĩ, làm thành dòng suối tân nhạc của
chúng ta, thời tiền chiến. Nhưng những hành trình trở về dĩ vãng đó, nếu có,
cũng chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ; có tính cách tượng trưng, tựa đôi nét chấm
phá cho bức tranh âm nhạc thực tại của họ mà thôi. Ít ai đắm mình, gần như trọn
vẹn trong dòng sông quá khứ, vốn đã trở thành xa lạ với đa số giới trẻ thưởng
ngoạn hôm nay.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã nhắc về kỷ niệm tiếng hát Thu Vàng về
một bài thơ mà ông được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc: “Sau tháng 4/1975, một
hôm, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu chống nạng đến tìm tôi tại nhà nói là gặp “để tặng
cho tác giả thơ” bài nhạc “Thư cho bé sơ sinh” mà anh đã phổ ngày còn ở trong
tù (1973).
Anh nói, anh viết bài này dành cho giọng hát Thái Thanh,
nhưng bây giờ tình thế đã khác. Mới có ca sĩ Thu Vàng hát… “nháp”, với tiếng
đàn guitar đệm đơn sơ. Theo Thu Vàng, bài hát không dễ thể hiện vì Phạm Trọng Cầu
đã viết bằng nhiều điệu thức như một bài “hát kịch” tùy theo cảm xúc ở mỗi đoạn
thơ…”.
Nhà bình luận văn học Đặng Tiến (Paris) nhận định về ca sĩ
Thu Vàng: "Tiếng hát Thu Vàng hồn nhiên, óng ả, đầy cảm xúc và truyền cảm.
Cũng không lấy chi làm lạ, xưa nay vẫn vậy, nghệ thuật là dấu chân loài người để
lại sau khi vượt qua những thử thách. Nghệ thuật là khả năng con người biến định
mệnh thành tiếng hát".
Gần đây, Thu Vàng cho ra mắt đĩa nhạc “Dạ Khúc”. Trong số 12
ca khúc đó, nếu không kể ca khúc “Tango Xanh” của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, có độ
tuổi… “trung niên” thì 11 ca khúc còn lại, đều thuộc về một thời vàng son quá
khứ. Đó là những ca khúc như “Sérénata” của Enrico Toselli; “Dạ Khúc” của Nguyễn
Mỹ Ca; “Đêm Thu” của Đặng Thế Phong; “Dạ Lai Hương” của Phạm Duy, hay “Hình ảnh
một buổi chiều” của Lâm Tuyền - Dạ Chung, “Dạ Khúc” của Nguyễn Văn Quỳ; “Nguyệt
Cầm” của Cung Tiến, “Sérénade” của F. Schubert…
Các nhà chuyên môn âm nhạc cho rằng, tự thân những ca khúc
làm thành “Dạ Khúc”, tiếng hát Thu Vàng, vốn đòi hỏi ca sĩ chọn chúng, phải có
một trình độ nhạc lý vững chắc, một trái tim đủ giàu nhạy cảm, để có thể vẽ lại
những bức tranh nghệ thuật và rung động của các tác giả…
3/2/2017
Trần Trung Sáng
Theo https://thoibaonganhang.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét