Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn học dân gian

 Vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn học dân gian

Ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ đến từ những câu ca dao trong văn học dân gian.
Trong kho tàng văn học dân gian nói chung và ca dao nói riêng, hình ảnh người phụ nữ thực sự nổi bật và chiếm một số lượng lớn. Họ xuất hiện qua những lời ca tiếng hát về tình yêu, gia đình, bạn bè, lòng yêu nước, và cả những tiếng than thân trách phận. Ca dao Việt Nam phản ánh đời sống sinh hoạt, xã hội của cộng đồng người Việt.
Từ xưa đến nay, trong đó có những người phụ nữ - những người mẹ, người vợ, người yêu, người chị, người em gái, người nữ tướng,… Ở bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử, người phụ nữ cũng có những đóng góp đáng kể cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc, họ không chỉ tạo ra những giá trị mới mà còn gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.
Ca dao ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ về cả ngoại hình lẫn tính cách, về ngoại hình, chủ yếu ta nhận thấy ca dao ca ngợi những nét đẹp tính nữ của những cô gái đang thì xuân xanh, ở tuổi đẹp nhất của người con gái. Đó là những chuẩn mực thẩm mĩ mà người ta gán cho người con gái: thắt đáy lưng ong, má lúm, răng đen, mắt bồ câu, miệng chúm chím, mắt lá răm, lông mày lá liễu,… Đó cũng là lời khen chủ yếu của những chàng trai tỏ lòng yêu mến, ngỏ lời tỏ tình với các cô gái mà họ để ý.
Về tính cách, người phụ nữ trong ca dao từng thời kỳ được ngợi ca với những phẩm chất khác nhau, hòa hợp với chuẩn mực xã hội thời đó. Ví như trong ca dao thời phong kiến, phụ nữ được đánh giá cao ở đạo “tam tòng, tứ đức”, tức là phải giỏi nữ công, trung trinh thờ chồng, một hai cũng chỉ sống cuộc đời vì chồng, vì con, thủy chung son sắt. Còn trong chiến tranh, phụ nữ đẹp là những cô dân quân, cô du kích yêu nước, gan dạ, dấn thân,… Như thế, vẻ đẹp tính cách của người phụ nữ không cố định mực thước mà tùy thuộc vào xã hội mà câu ca dao đó ra đời.
Ca dao ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ nhằm bộc lộ sự yêu thích, mà là vấn đề của thẩm mỹ và nhìn nhận trong nhân tướng học, thể hiện kinh nghiệm nhìn người của cha ông ta. Người phụ nữ không chỉ là đối tượng được ca ngợi mà chính họ cũng là người trải nỗi tâm tư sâu kín, qua đó gián tiếp thể hiện nét cá tính đáng yêu, đáng ngưỡng mộ, đó cũng là những tiếng nói phản kháng, tiếng nói nữ quyền của người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công.
Chủ đề ca ngợi vẻ đẹp hình thức và tính cách của người phụ nữ được bộc lộ qua: Thể thơ
Trong Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính, ông chỉ ra “4 chức năng của hình thức lục bát: chì chiết, đay nghiến, bộc lộ khó khăn và lòng quyết tâm vượt qua trở ngại châm biếm, trào phúng; tranh luận, đấu lý”, Dựa vào chủ đề của các bài ca dao được nêu trong phần phụ lục, ca dao nói về vẻ đẹp người nữ chủ yếu thể hiện chức năng “bộc lộ khó khăn” (ca dao than thân) và “trào phúng” (nói lên tư tưởng hiện đại về người nữ trong ca dao truyền thống). Trong câu ca dao sau, người nữ tự nói lên thân phận “phất phơ giữa chợ” của mình, gián tiếp lên án xã hội phong kiến. Nhưng có một điểm quan trọng trong loạt ca dao nói về vẻ đẹp của người phụ nữ đó là bên cạnh việc than thân, trách khứ xã hội, người nữ vẫn ý thức mình là hiện thân của cái đẹp. Qua đó càng làm tăng thêm giá trị tố cáo của xã hội vùi dập phụ nữ, vùi dập cái đẹp.
Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? [1;313]
Nhưng ca dao không phải là phương tiện biến người nữ thành phái yếu. Trong ca dao viết về vẻ đẹp người nữ vẫn có những bài ca dao nói đến cái “nữ quyền”, cái bất cần của người phụ nữ cũng như mong muốn đòi quyền được bình đẳng cho chính mình.
Ai làm cho cải tôi ngồng
Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê.
Chồng chê thì mặc chồng chê
Dưa khu nấu với cá trê ngọt lừ. [1;365]
Bài ca dao trên không còn cách xưng “em” hay “thiếp” thường thấy nhưng là “tôi”. Người vợ trong bài ca dao trên không còn e dè, tuân phục theo những lễ nghi phong kiến nữa. Cô đã chọn cách “mặc chồng chê” và tin vào cái món ăn “ngọt lừ” của mình. Qua hai bài ca dao trên, ta thấy được một cách tổng quan về vị thế người nữ trong ca dao cổ truyền. Họ không còn ở thế yếu như trong văn học viết, họ có cơ hội phát ngôn và phát ngôn mang tính dân gian (đại chúng). Và chính từ những bài ca dao này mà những tác giả nữ Việt Nam Trung đại mới có thể sáng tác được những bài thơ thấm đẫm tinh thần nữ quyền.
Một vấn đề quan trọng trong thể loại thơ của ca dao đó là biến thể hay việc sai luật trong ca dao. Chu Xuân Diên cho rằng “Đó là hình thức quá độ giữa lời nói có vần và lời thơ trau chuốt, rất tiện cho việc diễn tả được dễ dàng, nhanh chóng và không gò bó nhiều tư tưởng tình cảm của nhân dân”. Theo ông, trong nhóm những câu lục bát biến thể, những câu dài hơn bình thường được dùng để thể hiện rõ ràng một phán đoán, thường là da diết, đay nghiến hơn một phán đoán bình thường.
Trong bài ca dao sau, vốn được viết theo thể lục bát, nhưng tác giả dân gian đã cố ý kéo dài câu bát để muốn người đọc (người nghe) hay nếu đặt trong không gian diễn xướng là nhân vật “em” thấy rõ được cái tình cảm, cái “da diết” trong lời ca dao của mình.
Hoa thơm hoa ở trên cây,
Đôi con mắt em lúng liếng, dạ anh say lư đừ
Hay trong bài ca dao sau nói về sự thủy chung của người phụ nữ, tác giả dân gian đã cố tình vi phạm luật thơ lục bát để nói lên trước là nỗi nhớ sau là lời thề ước của người phụ nữ dành cho chồng mình. Ở câu lục bát đầu, tác giả vi phạm luật câu sáu để nói lên nỗi khổ mà mình đang gặp phải. Trong tương quan câu lục và câu bát, ta thấy điều này rất rõ khi chỉ câu lục (nói về nỗi khổ của “thiếp) là câu vi phạm luật còn câu bát (nỗi khổ của “chàng”) lại không gặp vấn đề về luật thơ. Qua việc không tuân thủ luật thơ cũng phần nào cho ta thấy được chủ thể phát ngôn trong bài ca dao là một nhân vật nữ. Điều này cũng cho thấy sự chủ động và vấn đề bình đẳng trong văn học dân gian có phần nhỉnh hơn so với văn học viết. Đến hai câu lục bát phía dưới, câu bát được vi phạm cũng vì một mục đích như câu trên, cốt là để nói lên được đầy đủ nỗi lời thề ước, tình yêu mà người nữ dành cho chồng mình.
Thiếp vì chàng mới lênh đênh nơi biển ái,
Chàng vì thiếp, mới lỗi đạo tâm can.
Em đây thủ tiết buồng lang,
Dẫu hồn về chín suối, hãy còn mang tượng chồng. [1;380]
Vấn đề thể thơ trong ca dao nói riêng hay văn học dân gian nói chung được Nguyễn Xuân Kính đúc kết “tác giả dân gian khác các tác gia văn học viết ở chỗ họ không chịu khuôn các sáng tác vào những luật lệ có sẵn do đó sáng tác dân gian có phần hồn nhiên, mộc mạc hơn.”. Kết luận này đến từ việc tác giả cho rằng việc vi phạm luật thơ cũng như “sự ngắn gọn của các tác phẩm ca dao phản ánh đặc điểm, hoàn cảnh, điều kiện sáng tác và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian” Bên cạnh thể thơ lục bát, ca dao viết về vẻ đẹp người phụ nữ cũng sử dụng những thể thơ khác như thơ thất ngôn. Theo nhận định của Nguyễn Xuân Kính, thể thơ thất ngôn xuất hiện không nhiều trong ca dao dân ca. Trong phần phụ lục, một số bài thơ thất ngôn (một cặp thất ngôn) được đưa vào có thể kể đến.
Tóc đến lưng vừa chừng em bới,
Để chi dài, bối rối dạ anh! [1; 265]
Tóc em dài, em cài hoa lý,
Miệng em cười có ý em thương. [1;265]
Sự kết hợp giữa hai thể thơ tạo thành thể song thất lục bát hay lục bát gián thất không chỉ xuất hiện trong văn học viết nhưng còn xuất hiện trong ca dao. Thể thơ này thường được dùng để miêu tả tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật. Trong bài ca dao dưới đây, hai câu thất có tác dụng lấy vần và tạo nên cảm giác như người nữ đang tâm tình với chàng trai của mình, thể hiện vai trò hậu phương vững chắc, trung kiên với người nam
Đêm Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu.
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ [1;232]
Ngoài hai thể thơ chính là thất ngôn và lục bát, thể thơ hỗn hợp cũng được sử dụng. Theo Nguyễn Xuân Kính, thơ hỗn hợp khá đa dạng trong cách kết hợp:
Thương chồng nên phải lầm than,
Xưa nay ai bắt việc quan đàn bà.
Chợ Bến Thành dời đổi,
Người sao khỏi hợp tan.
Xa gần giữ nghĩa tào khang.
Chớ ham nơi quyền quý mà đá vàng xa nhau. [1;362]
Từ trong truyền thống, người phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò lớn lao trong gia đình và xã hội. Hình ảnh người mẹ, người bà, người chị hiện lên trong tâm thức dân tộc như một biểu tượng của tinh thần chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó và giàu đức hy sinh.
Người phụ nữ Việt Nam có vai trò gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tạo hóa sinh ra họ như là đại diện cho bản sắc văn hóa linh hoạt của dân tộc: vừa dịu dàng, vừa cứng cỏi; vừa là người chủ trong gia đình, lại vừa là người phục vụ; dù được tôn trọng nhưng vẫn không ỷ lại. Chính vì vậy mà người phụ nữ trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam mà đi vào thơ ca.
Trần Thanh Điền 
Theo https://vanhoc365.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hàn Mặc Tử - Tiểu luận của Huỳnh Phan Anh Có lẽ không gì mâu thuẫn bằng chú giải một nhà thơ. Người ta không thể làm công việc đó, dửng ...