Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ
với chiêng trống xập xoèng inh
cả tai
Khi Hoài Thanh viết bài giới thiệu tác giả Nguyễn Vỹ cùng hai
bài thơ "Sương rơi" và "Gửi Trương Tửu" trong cuốn Thi Nhân
Việt Nam vào Septembre 1941 thì hai bài thơ này đã sống 8 năm trong đời sống
văn học, bởi Nguyễn Vỹ in Tập thơ đầu từ năm 1934.
Ngay từ khi mới trình Làng, Tập thơ đầu
đã bị chê bai không ít: bị cho là rườm rà, "nhiều chân", tức những
câu thơ có 12 chữ, ví dụ như:Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mùMà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng...(Gửi một thi sĩ của nước tôi, Hà Nội báo, số 23, 1936).Thế Lữ cho rằng ông có ý định toan lòe và bịp mọi người, còn
Vũ Ngọc Phan thì viết: Với thời gian, không một ai có thể bị cám dỗ mãi về những
cái tầm thường, chỉ cầu kỳ có bề mặt. Trong bài viết giới thiệu Nguyễn Vỹ ở cuốn Thi Nhân Việt Nam,
Hoài Thanh cũng chê sự kêu gọi đổi mới của Nguyễn Vỹ quá ồn ào và chỉ mang tính
hình thức: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng
inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài
cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có
gì. Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta
ra khỏi cái tầm thường. Khi Nguyễn Vỹ hô hào: Ta hãy truyền một thi hứng mới
cho thế kỷ hai mươi,/ Ta hãy ký thác trong văn thơ những tình sâu ý hiếm,/
người có biết rằng trong hai câu này không có lấy một chút “tình sâu ý hiếm” và
mặc dầu cái lốt mới rềnh ràng của chúng, chúng vẫn có thể nằm xếp hàng với những
câu sáo nhất xưa nay mà không chút…ngượng. Tránh tầm thường mà lại rơi vào tầm
thường là thế”. Tuy nhiên, Hoài Thanh đã nhiệt tình thừa nhận thành công của
Nguyễn Vỹ ở hai bài Sương rơi và Gửi Trương Tửu: Một bài như bài "Sương rơi" được rất nhiều người
thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một
cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt
lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chầm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn
ta đứng một mình trong lặng lẽ. Nhưng "Sương rơi" còn có vẻ một bài
văn. "Gửi Trương Tửu" mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc
say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật lòe đời. Người đã
quên những câu thơ hai chữ và những câu thơ mười hai chữ. Người dùng một lối
thơ rất bình dị, rất xưa, lối thất ngôn tràng thiên liên vận và liên châu. Lời
thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người
nếu có tội với xã hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm,
hạng sống bằng nghề văn… Nguyễn Vỹ đã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn
giận vì cái nghiệp văn chương. Những ai cùng một cảnh huống xem thơ tưởng có thể
khóc lên được. Trong lời văn còn chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại. Nhưng ta
đã xa lắm rồi cái kiêu ngạo phi thường của Lý Thái Bạch chỉ biết có văn chương
còn khinh hết thảy: Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt. Sở vương đài tạ không sơn khâu. Hứng hàm lạc bút dao ngũ nhạc, Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu. (*) Với Nguyễn Vỹ, chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu ngạo ấy và
ngơ ngác thấy xếp hàng cùng với…chó. Cái lối xếp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý
Tản Đà. Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng
mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say:
“Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?”. (Thi Nhân Việt
Nam, mục Nguyễn Vỹ, NXB Văn học, H.1988).
Năm 1962, Nguyễn Vỹ xuất bản tập thơ thứ hai Hoang vu ở Sài
Gòn. Lúc này, Hoài Thanh không thể tiếp tục làm nhà phê bình cho Nguyễn Vỹ được.
Ta hãy đọc một vài nhà phê bình khác về Nguyễn Vỹ:Bình luận về tập thơ Hoang vu, nhà văn Thiết Mai trong tờ Sáng dội miền Nam viết: Nguyễn Vỹ đã nếm mùi tân khổ, gian lao... lại ở vào cảnh giao
thời của hai thế hệ, trong tình trạng bi đát nhất của lịch sử nước nhà, nên
Nguyễn Vỹ đã trở thành con người rắn rỏi, yếm thế... rồi đi đến tâm trạng căm hờn,
biếm nhạo, khắt khe, chua chát... Nhưng lúc trở lại với bẩm tính vốn có, chúng
ta thấy ông hiền dịu, đa tình, đa cảm, thiết tha với một đời sống êm đềm... Về tài thơ, ta thấy thơ của ông được cấu tạo dễ dàng, không
gò ép... Điều đáng chú ý là ông như muốn đưa những thể mới, có tác dụng gây xúc
cảm, có âm điệu du dương, hợp tình để gợi tình và tả chân mạnh hơn. Thể mới ấy
được thấy trong các bài thơ: Sương rơi, Mưa rào, Tiếng chuông chùa... Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo
(Hai người điên, Hai con chó, Trăng, Chó, Tù, Đêm trinh...). Điều này khiến thơ
của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người
có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh
thiết thực do lòng mình suy tưởng... Khi nói đến Nguyễn Vỹ, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến
(Quyển thượng) có đoạn: "Nguyễn Vỹ góp mặt vào làng thơ tiền chiến từ
năm 1934, thời kỳ thơ mới đang hồi phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, phần
đông thi sĩ thường đem khung cảnh lãng mạn, chuyện tình ái vào thi ca... Nhưng với Nguyễn
Vỹ, có thể nói nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng, vì thế thơ ông có một
đường nét độc đáo riêng biệt. Đọc Nguyễn Vỹ, người ta cảm nhận những điều mỉa mai, chua
chát...là sự tức tối như muốn phá vỡ cái gì trong hiện tại đang bị dồn ép, uất ức
để nói lên nỗi thống khổ của kiếp người... Thời tiền chiến, thân phận Nguyễn Vỹ đã thế, nhưng với ý chí
phục vụ văn nghệ, trung thành đường hướng vạch sẵn, ông, một nhà thơ từng chịu
nhiều cam go trên đường tạo lập văn nghiệp, đã kiên trì xây dựng lại Trường thơ
Bạch Nga trong bán nguyệt san Phổ Thông từ Trung thu năm 1962 và được nhiều bạn
đọc hưởng ứng, chứng tỏ lời nói trước kia của Lê tràng Kiều là đúng: "Người
ta công kích ta, chỉ chứng tỏ là ta sống". Vậy, Nguyễn Vỹ ngày nay hãy yên
ổn với trường phái của mình.” Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài. Ông có cái nhìn thường
xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân
tộc đã chịu nhiều thảm họa; hòa lẫn vào đấy là tình thương yêu đồng loại. Tiếng
thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến
quê hương.
Hạt phấn cây Artemisia phóng to
triệu lần, một loại hạt gây dị ứng.
Nhìn khái quát, có thể nói Nguyễn Vỹ là con người điển hình của thế hệ trí thức đầu thế kỷ. Ông là người yêu nước chống Pháp ngay từ học sinh trung học và chống Nhật sau này. Ông khát khao xây dựng một nền văn chương mới. Tham gia viết hầu hết các thể loại, làm báo “từ A đến Z”, “thua keo này bày keo khác”, không bao giờ dừng bước và đã để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, nhưng ông thành công hơn cả với tư cách một nhà thơ.
Nguyễn Vỹ đã có những sáng tạo mới lạ, đầy táo bạo trong thơ. Nguyễn Vỹ là người
đề xướng trường phái thơ Bạch Nga trên tạp chí tiểu thuyết Thứ Năm ở Hà Nội
trong thập niên 30 của thế kỷ 20. Nguyễn Vỹ đã viết những câu thơ 2 chữ và 12
chữ (Có người gọi là câu thơ 12 chân). Sau này trên tạp chí Phổ Thông xuất bản ở
Sài Gòn, Nguyễn Vỹ tiếp tục đề xướng Trường phái thơ Bạch Nga, thành lập Tao
Đàn Bạch Nga (3). Thể thơ hình đối xứng được công bố trên thi đàn Bạch Nga. Bài
thơ mang dạng hình học, các hình ảnh ngộ nghĩnh, đầy mới lạ (Thơ hình đối xứng
là lấy câu giữa của bài thơ làm trục đối xứng của những câu thơ theo thứ tự đầu
và cuối của toàn bài thơ. Những bài thơ, nhìn toàn bài sau khi viết hoặc in
trên giấy giống như những bức họa, hoặc có hình lục lăng, tứ giác, hình
thoi...). Trường phái mới lạ này đã thoát ly khỏi những quy tắc thể thơ cổ truyền.
Sau Nguyễn Vỹ, người ta còn bắt gặp nhiều bài thơ "lạ" như thế của
Phan Phụng Văn, Ngô Hữu Đoàn và nhiều cây bút khác. Tuy nhiên, phải nghiêm khắc
mà nói thì những tìm tòi, cách tân đó của Nguyễn Vỹ và Tao Đàn Bạch Nga đã quá
sa đà vào chủ nghĩa hình thức (mà ở phương Tây lúc đó chủ nghĩa Vị lai (4) đang
rộ lên). Chẳng hạn bài thơ Mưa rào sau đây, nhìn thì “mới lạ” nhưng thực khó
nói đó là bài thơ hay: Mưa Rào
Mưa
Lưa thưa
Vài ba giọt...
Ai khóc tả tơi,
Giọt lệ tình đau xót?...
Nhưng mây mù mịt gió đưa
Cây lá rụng xào xạc giữa trưa .
Mưa đổ xuống ào ạt, mưa, mưa, mưa!
Thời gian trôi tan tác theo tiếng mưa cười!
Không gian dập vùi tan tác theo tiếng mưa trôi,
Ðàn em thơ nhào ra đường, giỡn hớt chạy dầm mưa!
Cỏ hoa mừng nên vận hội, ngả nghiêng tắm gội say sưa!
Nhưng ta không vui, không mừng. Lòng không ca, không hát!
Ta đưa tay ra trời, xin dòng mưa thắm mát.
Tưới vết thương lòng héo hắt từ năm xưa!
Nhưng, ô kìa! Mưa rụng chóng tàn chưa!
Trời xanh xanh, mây bay tan tác,
Ai còn ươm hạt mưa đào,
Lóng lánh trong tim Hoa?
Ai ươm mơ sầu,
Ôi mong manh,
Trong tim
Ta!
(Sài Gòn, một chiều hè 1959)"Dấu ấn" - Hot girl Philippines
Nguyễn Vỹ, nhìn chung, sự nghiệp văn chương, sự nghiệp báo chí, so với những người cùng thời, chưa phải là lớn , là đặc biệt nổi trội nhưng cũng có thể xếp vào Top 10 nhà văn, nhà thơ - nhà báo Việt Nam đầu thế kỷ - thế kỷ có cuộc biến thiên vĩ đại. Số lượng tác phẩm của Nguyễn Vỹ đã phần nào thể hiện rõ điều đó: |
- Tập thơ đầu - Premières poésies (Thơ Việt và Pháp), tác giả
xuất bản, Hà Nội, 1934
- Đứa con hoang (tiểu thuyết) NXB Minh Phương, Hà Nội,
1936
- Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (tập truyện ngắn
Việt Nam bằng Pháp văn) NXB Đông
Tây, Hà Nội, 1937
- Kẻ thù là Nhật Bản (luận đề chính trị), NXB Thanh Niên, Hà
Nội, 1938
- Cái họa Nhật Bản (luận đề chính trị), NXB Thanh Niên, Hà Nội,
1938
- Đứng trước thảm kịch Việt Pháp - Devant le drame Franco
Vietnamien, (luận đề chính trị bằng Việt và Pháp văn) tác giả xuất bản, Đà Lạt
1947
- Hào quang Đức Phật (luận đề tôn giáo) tác giả xuất bản, Đà
Lạt 1948
- Chiếc áo cưới màu hồng (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn
1957
- Giây bí rợ (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn 1957
- Hai thiêng liêng I
- Hai thiêng liêng II (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn
1957
- Hoang vu (thơ) NXB Phổ Thông, Sài Gòn 1962
- Mồ hôi nước mắt (tiểu thuyết), NXB Sống Mới, Sài Gòn
1965
- Những đàn bà lừng danh trong lịch sử (biên khảo), NXB Sống
Mới, Sài Gòn 1970
- Tuấn, chàng trai nước Việt I
- Tuấn, chàng trai nước Việt II, (chứng tích thời đại), NXB
Triêu Dương, Sài Gòn, 1970
- Văn thi sĩ tiền chiến (ký ức văn học), NXB Khai Trí, Sài
Gòn, 1970
- Buồn muốn khóc lên (thơ) 1970
- Mình ơi (văn hóa tổng quát) 1970
- Thơ lên ruột (thơ trào phúng) 1971
*
Vào những năm trước khi từ biệt cõi đời, có thời gian Nguyệt
san Phổ thông bán chạy, tuy chưa thật ngất ngưởng “tôi Trạng Nguyên, anh Tể tướng”
nhưng cũng không phải lâm vào cảnh “nhà văn An Nam khổ như chó”… “nhìn đàn chó
đói gặm trơ xương/mà nhìn chúng mình hì hục viết/suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết…”.
Tuy vậy, NguyễnVỹ vẫn không thoát vượt ra khỏi tâm trạng chung của “Thi sĩ tiền
chiến” là đêm đêm phải đối diện với sự cô đơn vĩnh hằng:
Bao nhiêu đêm không bến bờ cô quạnh,
Ta âm thầm ôm khóc ánh sao rơi.
Nếu ta biết một khu trời Vạn hạnh
Trăng không tàn mà hoa cũng không trôi…
Ôi giếng thẳm biết bao giờ mới tạnh ?
Nắng muôn chiều đã chết lịm trên môi.
Tim đọng tuyết, rã rời tan những mảnh,
Ðêm sầu về tê lạnh lắm, đêm ôi!
(Đêm sầu về - Hoang vu)
Tôi với tôi,
Không hình, không bóng
Tôi với tôi,
Không thơ, không mộng.
Tôi với tôi,
Lồng lộng giữa Hoang Vu!
(Đêm Trinh - Hoang vu)
*
Mặc dù có nhiều người không tán đồng bài viết giới thiệu Nguyễn
Vỹ của Hoài Thanh trên cuốn Thi Nhân Việt Nam, vì phần “phê” quá nặng, nhưng đến
nay, trải qua thử thách của thời gian, phải thừa nhận rằng Hoài Thanh quả là
người có Con mắt xanh và Nguyễn Vỹ quả là đã bị và được “đóng đinh” vào Thi
Nhân Viêt Nam! Song điều đáng mừng là phần được nhiều hơn: Hai bài thơ Sương
rơi và Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ vẫn luôn là kiệt tác thơ ca không chỉ của
riêng nhà thơ Nguyễn Vỹ và là của cả nền thơ ca Việt Nam! Ngày hôm nay, đọc lại
hai bài thơ này, người đọc sẽ có được thêm một cảm giác là được đi ngược thời
gian với nhà thơ Nguyễn Vỹ về xem lại cái thời “Nhà văn An Nam khổ như chó!”.
Nhân 100 năm năm sinh nhà thơ Nguyễn Vỹ, chúng ta hãy đọc lại hai bài thơ để đời
này của ông:
Gửi Trương Tửu (5)
Nay ta thèm rượu nhớ mong ai!
Một mình rót uống chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò truyện dông dài, mặt đỏ sẫm,
Nay một mình ta, một be con:
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!
*
Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà vẫn coi tiền như cái rác!
Kiếm được xu nào đem tiêu hoang,
Rủ nhau chè chén nói huynh hoang,
Xáo lộn văn chương với chả cá,
Chửi Ðông, chửi Tây, chửi tất cả,
Rồi ngủ một đêm mộng với mê,
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An Nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút nói văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng?
Tôi làm Trạng Nguyên, anh Tể Tướng,
Rồi anh bên Võ, tôi bên Văn,
Múa bút tung gươm hả một phen?
Cho bõ căm hờn cái xã hội
Mà anh thường kêu mục, nát, thối?
Cho người làm ruộng, kẻ làm công,
Ðều được an vui hớn hở lòng?
Bao giờ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho Lịch sử!
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hất mồ nhổm dậy cười say sưa
Ðể xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên Ðất Nước?
Ðể cho toàn thể dân Việt Nam
Ðều được Tự do muôn muôn năm?
Ðể cho muôn muôn đời dân tộc
Hết đói rét, lầm than tang tóc?
Chứ như bây giờ là trò chơi!
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con tiều, văn chương cóc! (6)
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán văn ngày tháng qua! (7)
Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Ðời còn nhố nhăng, ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,
Bực chí, thành say mấy cũng vừa!
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!
Chơi nước cờ cao lại gặp bĩ!
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rốt cục chỉ còn… mộng với mơ!
(Viết rồi hãy còn say) - Báo Phụ Nữ.
Sương rơi
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu...
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hắt hiu
Thấm vào
Em ơi,
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
Vết thương!...
Rồi hạt
Sương trong
Tan tác
Trong lòng
Tả tơi
Em ơi!
Từng giọt
Thánh thót,
Từng giọt
Điêu tàn
Trên nấm
Mồ hoang!...
Rơi sương
Cành dương
Liễu ngã
Gió mưa
Tơi tả
Từng giọt,
Thánh thót,
Từng giọt.
Tơi bời
Mưa rơi,
Gió rơi,
Lá rơi,
Em ơi!...
"Achilles cãi nhau với Agamemnon" - tranh của
họa sĩ William Page |
Chú thích:
(*) Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu: Bốn câu thơ này Hoài Thanh trích từ
bài "Giang thượng ngâm" của Lý Bạch. Nguyên văn (phiên âm Hán - Việt)
cả bài như sau:
Giang thượng ngâm
Mộc lan chi duệ sa đường châu,
Ngọc tiêu kim quản tọa lưỡng đầu.
Mỹ tửu tôn trung trí thiên hộc,
Tái kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu.
Tiên nhân hữu đãi thừa hoàng hạc, (*1)
Hải khách vô tâm tùy bạch âu.
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt, (*2)
Sở Vương đài tạ không sơn khâu.
Hứng hàm lạc bút dao Ngũ Nhạc, (*3)
Thi thành tiếu ngạo lăng Thương Châu.
Công danh phú quí nhược trường tại,
Hán Thủy diệc ưng tây bắc lưu. (*4)
Dịch nghĩa:
Khúc ngâm trên sông
Con thuyền bằng gỗ sa đường, lái bằng gỗ mộc lan,
Có tiêu ngọc sáo vàng ở hai đầu.
Có ngàn hộc rượu ngon ở trên thuyền và chở thêm kỹ nữ mặc
trôi theo sóng,
Ngày xưa có vị tiên chờ cưỡi hạc vàng bay đi,
Lại có người khách biển vô tâm đi theo chim âu trắng.
Từ phú của Khuất Bình sáng mãi với mặt trời mặt trăng,
Còn lâu đài của vua Sở khi xưa nay chỉ là núi gò.
Khi cảm hứng say sưa, hạ bút đề thơ làm rung chuyển năm ngọn
núi lớn,
Lúc làm thơ xong, tiếng cười ngạo nghễ vang động Thương
Châu.
Nếu như công danh phú quí tồn tại lâu dài,
Thì sông Hán Thủy phải chảy ngược dòng lên phía tây bắc.
(*1) Hoàng hạc: Tương truyền tiên nhân Tử An cỡi hạc qua chơi
ghềnh đá Hoàng Hộc ở huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; về sau có xây lầu
Hoàng Hạc tại đây.
(*2) Khuất Bình: Tức là Khuất Nguyên, người nước Sở, thời Chiến
Quốc, là tác giả bài phú Ly Tao nổi tiếng.
(*3) Ngũ Nhạc: Năm ngọn núi lớn ở Trung Quốc là Thái Sơn, Hoa
Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn và Tung Sơn.
(*4) Hán Thủy: Tên sông, bắt nguồn từ tỉnh Thiểm Tây, chảy
vào sông Trường Giang ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
(1) Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1910-1971), quê làng Tân Hội (sau đổi
là Tân Phong, lại đổi là Phổ Phong), huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Thời kỳ
trước CM tháng 8-1945, làm báo, viết văn, làm thơ ở Hà Nội. Từ sau Hiệp định
Giơ-ne-vơ 1954, tiếp tục làm báo, viết văn, làm thơ ở miền Nam, chủ yếu là ở
Sài Gòn.
Vào ngày 4 tháng 2 năm 1971, ông qua đời do tai nạn xe hơi
trên đoạn đường Tân An (Long An) - Sài Gòn, hưởng dương 59 tuổi.
(2) Trương Tửu (1913 - 1999) là nhà giáo, nhà văn, nhà
nghiên cứu văn học Việt Nam. Các bút danh khác: Nguyễn Bách Khoa, Mai Viên,
T.T...
Trương Tửu sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô
Gia Lâm (Hà Nội). Thời trai trẻ, ông học hết năm thứ nhất bậc trung học, rồi học
trường Kỹ nghệ thực hành ở Hải Phòng , nghề thợ tiện, cùng trường lớp với Lê
Văn Siêu (2*) Nhưng chỉ được một năm rưỡi thì bị đuổi học (Năm 1927), vì tham
gia bãi khoá ở Hà Nội để đòi thực dân Pháp thả tác giả bài thơChiêu hồn nước Phạm
Tất Đắc (2**).. Bị buộc rời trường, ông tự học chương trình Tú tài Pháp Việt. Từ
năm 1941 đến 1946, Trương Tửu làm Giám đốc Văn chương (tương tự Tổng biên tập)
NXB Hàn Thuyên , thuộc nhóm Hàn Thuyên (2***). Thời kháng chiến chống Pháp, ông
là ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa, tham
gia bí thư đoàn liên đoàn Văn nghệ kháng chiến liên khu IV, dạy trường Thiếu
sinh quân, trường Dự bị đại học...Sau hiệp định Genève 1954, ông hồi cư về Hà Nội,
dạy Trường đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1957, ông được phong
chức danh Giáo sư, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn
Mạnh Tường…Đầu năm 1958, bị buộc thôi việc vì dính líu đến vụ Nhân văn giai phẩm.
Sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y.
Từ những năm 1930, ông đã cộng tác với nhiều báo, như: Đông
Tây tuần báo, Loa, Ích Hữu, Tiếng Trẻ, Hà Nội báo, Mùa gặt mới, Văn mới…
Nguyễn Vỹ, bạn thân thiết của Trương Tửu, trong lúc say đã viết
trong bài Gửi Trương Tửu rằng Tửu chỉ “triết lý con tiều, văn chương cóc”,
nhưng lúc tỉnh đã nghiêm túc nhận xét:
Trương Tửu thuộc về loại nhà văn tự học, nhờ đọc sách nhiều.
Có lẽ một phần nhờ trường Bách Nghệ huấn luyện, lại sẵn thiên tài Văn nghệ nên
lí luận của anh rất đanh thép, câu văn của anh như búa, như kềm. Lời nói anh
vang ra như tiếng đập sắt trên đe. Lúc nào cũng nẩy lửa, nghe lâu chát cả
tai..."
… Tuy vậy, lý luận của anh là một dây chuyền ngôn ngữ phối trí
chặt chẽ, liên kết mạch lạc và rèn giũa với một nghệ thuật tinh vi, tế nhị…(Văn
thi sĩ tiền chiến)
(2*) Lê Văn Siêu (1912-1995): là Nhà văn, nhà báo, sinh ở
thành phố Hà Nội. Thuở nhỏ học ở Hà Nội, tốt nghiệp trường Công nghệ thực hành ở
Hải Phòng, năm 1932 làm việc tại sở công chánh Hà Nội (Đốc công nhà máy gạch
Đáp Cầu). Những năm 40 cộng tác với nhóm Hàn Thuyên của Nguyễn Đức Quỳnh, cùng
Trương Tửu, Đặng Thái Mai... Viết báo Tiếng Trẻ và một số sách về thanh niên và
thực nghiệp do nhà Hàn Thuyên xuất bản trước Thế chiến II. Năm 1934 - 1936 làm
chánh văn phòng nghiên cứu kỹ thuật Sở Hỏa xa Hồ Nam - Quảng Tây (TQ).
Khoảng các năm 1938-1944 ông chuyển về làm việc ở sở công
chánh Hà Nội. Thời gian này ông hợp tác chặt chẽ với nhóm Hàn Thuyên viết các
loại sách Tân văn hóa, giữ chức trưởng ban khánh tiết Hội truyền bá quốc ngữ Hải
Phòng.
Năm 1949 chuyển vào sống ở Sài Gòn với nghề thầu khoán, đến
năm 1952 ông làm chủ bút báo Mới của Phan Văn Tươi, rồi tuần báo Phương Đông
cho đến hiệp định Genève. Từ năm 1959 chủ bút các báo Cách mạng Quốc gia, nguyệt
san Sáng dội Miền Nam. Năm 1967 ông được mời dạy một số giờ tại Đại học Vạn Hạnh,
Cao Đẳng Phật học Huệ Nghiêm ở Sài Gòn...
(2**) Phạm Tất Đắc (1909 - 1935): quê làng Kim Dũng, tổng
Công Xá, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Năm 18 tuổi khi là sinh viên trường Bưởi ở
Hà Nội, ông tham gia kêu gọi việc bãi khóa để đưa tang nhà chí sĩ Phan Châu
Trinh rồi nhà giáo Lương Văn Can. Hoạt động của ông khiến ông bị chính phủ Bảo
hộ theo dõi. Sau đó ông cho in ra cuốn Chiêu hồn nước, một tập thơ với lời lẽ thống
thiết dấy lên lòng yêu nước của người Việt trước cảnh nước nhà bị người Pháp đô
hộ.
Với tập thơ đó, ông bị kết tội tuyên truyền "vận động có
tánh chất làm rối sự an ninh công cộng và gây ra những sự rối loạn trầm trọng"
rồi đem ra xử. Vì ít tuổi nên ông bị đem giam ở trại giáo hóa Trị Cụ ở thượng
du cho đến khi 21 tuổi thì được thả. Vì bị giam lâu năm nên ông hay bệnh. Ông mất
ngày 24 Tháng 4 năm 1935, khi mới lúc 26 tuổi.
(2***) Nhóm Hàn Thuyên gồm những nhà văn, nhà phê bình, nhà
biên khảo có khuynh hướng mác-xít như : Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tế Mỹ, Đặng
Thai Mai, Nguyễn Đình Lạp, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Hải Âu, Lương Đức Thiệp và
Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa.
Hàn Thuyên chủ trương canh tân đất nước bằng con đường khác
hai nhóm đương thời. Không hoài cổ như Tri Tân, Hàn Thuyên đả phá quan niệm Khổng
Mạnh. Cũng không theo con đường Âu hóa như Thanh Nghị, Hàn Thuyên chủ trương
«đi tìm một triết lý mới về nhân sinh có lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện
tại của quốc dân Việt Nam» và qua tác phẩm của họ chúng ta thấy đó là triết học
mác- xít. Hàn Thuyên lập nhóm Tân Văn Hóa, ra bán nguyệt san Văn Mới.
(3) Thi đàn Bạch Nga lấy tờ Nguyệt san Phổ Thông làm diễn đàn.
Tao đàn Bạch Nga có Nguyễn Vỹ làm chủ soái. Nguyễn Thu Minh làm thư ký và rất
đông các thi sĩ đương thời góp mặt như cô Thu Nhi, Tôn Nữ Hỷ Khương, Minh Đức
Hoài Trinh (Pháp), Ngọc Hân, Phương Đài, Thùy Dương Tử, Tuệ Mai, bác sĩ Nguyễn
Tuấn Phát và Trần Tuấn Kiệt.
Nguyệt san Phổ thông lúc bán chạy nhất lên đến hai mươi lăm
ngàn số. Nguyễn Vỹ rất nhiệt tình giúp đỡ các nhà văn cũ như Lê Tràng Kiều, Vũ
Bằng. Thời kỳ đầu, Tao đàn Bạch Nga rất đông vui, lúc nào cũng có các thi sĩ trẻ
đến chơi và nhập hội. Nguyễn Vỹ gây dựng được thanh thế và giàu có. Ông sắm xe
hơi đắt tiền, mướn lầu ở gần Cầu Kho đầy đủ mọi phương tiện…
(4) Chủ nghĩa vị lai (CNVL) hay trường phái vị lai (tiếng
Anh: Futurism, tiếng Pháp: Futurisme) là một trào lưu văn học và nghệ thuật rộ
lên vào đầu thế kỷ 20. Trường phái này vứt bỏ truyền thống và tán dương thế giới
hiện đại, đặc biệt là văn minh đô thị, máy móc và vận tốc.
Một số nguyên tắc nghệ thuật của CNVL là:
- Hướng về một nền “Nghệ thuật hiện đại độc đáo của tương
lai”, ca ngợi cuộc sống đô thị và sức mạnh của kỹ thuật máy móc với tính năng động
phi nhân cách, phi đạo đức.
- Vứt bỏ mọi truyền thống, mọi di sản văn hóa của quá khứ,
thách thức và chống lại thị hiếu nghệ thuật truyền thống.
- Thiên về chủ nghĩa hình thức, không quan tâm đến nội dung của
hình tượng nghệ thuật.
(5) Bài này đã đăng trong “Phụ nữ Tuần báo” Hà Nội, năm 1937,
bị Hội đồng Kiểm duyệt thời bấy giờ bỏ vài đoạn. Nay in đúng nguyên văn lần đầu
tiên. (Nguyễn Vỹ: Hoang vu (thơ). Phổ thông Tùng thư. Sài Gòn, 1962).
(6) Hồi bấy giờ Trương Tửu viết giúp báo Ích hữu của Lê Văn
Trương;
(7) Nguyễn Vỹ giúp báo Phụ nữ của bà Nguyễn Thị Thảo.
Tháng 8/2010
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: Văn học Tạp chí,
1935 - Sài Gòn, tháng 8-2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét