Chuyện nước chuyện nôi
Phần I
Đã gần 30 năm nay, cứ đến ngày 22 tháng 3, Liên Hiệp Quốc
lại lên tiếng kêu gọi thế giới chú ý, đồng thời góp công góp của
giúp giải quyết vấn nạn: hàng tỷ người dân ở các quốc gia nghèo
khó, vẫn còn thiếu nước dùng đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Mục đích trước
mắt: đến năm 2030 phải giải quyết căn bản vấn nạn nói trên. "Ngày
Nước Thế Giới/ World Water Day" năm 2020, đặc biệt chọn chủ đề
"Nước và Biến Đổi Khí Hậu/ Water and Climate Change".
Đối với Việt Nam, đặc biệt với hàng chục triệu bà
con đang oằn mình bám sống tại đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, thảm
họa ô nhiễm môi trường, ngập mặn, khô hạn, quá nhiều con đập trên vùng
thượng lưu sông Mekong v.v... không còn là đề tài học thuật, tranh luận
đúng sai. Nó đã biến thành mối họa nhãn tiền, cần biện pháp giải
quyết cấp bách. Bản thân tôi không đủ khả năng và kiến thức để viết
về một đề tài quá quan trọng, ảnh hưởng lâu dài tới kế sinh nhai và
mạng sống của hàng chục triệu con người. Vì thế tôi xin được giới
thiệu với quý bạn đọc, những ký sự, nghiên cứu giá trị của nhiều
tác giả sớm nhận ra thảm họa môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long
(chi tiết xem ở phần cuối bài này).
Mọi sinh vật nói chung đều cần nước để sống còn và
phát triển giống nòi. "Loài người tinh khôn/ Homo sapiens" từ
khi xuất hiện ở Phi châu? rồi di cư đi nhiều nơi tìm đất sống, cũng
phải tuân thủ quy luật bất di bất dịch và vĩnh cữu nói trên mới
tiến hóa được đến ngày hôm nay. Nhịn đói trung bình 2, 3 tuần, chúng
ta vẫn tồn tại một cách tương đối. Nhịn khát thì trái lại, chỉ
chừng hai đến ba ngày, đủ khiến con người điêu đứng và có thể (như vè
sĩ Bút Tre mô tả) "... đang sống chuyển sang từ
trần".
Thông thường tiến trình chết khát diễn tiến một cách
thiếu hấp dẫn: trước khi cơ thể quay cuồng, bất tỉnh và đi đến tử
vong, cuống họng nứt nẻ, lưỡi sưng tấy, da khô cằn nhanh chóng. Do
lượng axít trong bao tử gia tăng, máu đặc quánh dần khiến tim đập
mạnh, buồn ói, mắt nhìn thấy ảo giác. Hệ thống lọc như gan, thận
v.v... mất khả năng hoạt động, thần kinh co rút, não bộ căng phồng, có
thể rách bươm, khiến đầu đau như búa bổ. Rồi cơ thể hôn mê, co co giật
giật trước khi "hồn lìa khỏi xác". Xem thế để biết rằng,
chân ngắn hay chân dài, tài tử hay giai nhân, chết kiểu gì thì cứ
chết, đừng nên chết khát, chẳng đẹp mắt tí nào.
Cấu tạo cơ thể con người, bao gồm chừng 50% đến 70%
nước, gần 20% chất đạm, trên 15% mỡ, 5% chất khoáng v.v... Ngay cả xương
xẩu, răng cỏ cứng ngắt cũng chứa nước. Nước giúp "bôi trơn",
máu huyết tuần hoàn, tế bào sinh sản, thần kinh hoạt động, gan, thận
thường xuyên lọc độc tố, bắp thịt ngày ngày cứng lên mềm xuống v.v... Thiếu đi chừng 5% đến 10% lượng nước tiêu thụ hằng ngày, con người sẽ
sụi lơ. Trung bình mỗi ngày, con người cần uống chừng hai lít nước,
tùy tuổi tác, tình trạng cơ thể, công việc đang làm, thời tiết, khí
hậu v.v... Tuy nhiên chúng ta nên biết rằng, uống quá nhiều nước cũng
không hay ho lắm. Nó có thể khiến lượng muối natri trong cơ thể giảm
thiểu đáng kể.
Nước sông, sông nước.
Sách Cảnh Thế Thông Ngôn của tác giả Phùng
Mộng Long kể lại một giai thoại liên quan đến nước sông như sau. Thời
nhà Tống - thế kỷ XI - hai nhân vật nổi tiếng, Vương An Thạch/ VAT
và Tô Đông Pha/ TĐP đều văn hay chữ tốt, nhưng lại đứng trong hàng
ngủ đối đầu. VAT làm đến chức Tể tướng, người chủ trương cải cách
nhằm hạn chế dần các đặc quyền của phe quý tộc, hoàng thân quốc thích
v.v... trong đó có gia đình của TĐP. Hai cụ này tuy ghét nhau ra mặt, nhưng
vẫn nể phục, đối xử nhau theo kiểu "quân tử Tàu". Có điều
TĐP, lép vế quyền lực, bị đẩy ra giữ một chức quan tầm thường ở
Hàng Châu.
Trước khi lên đường nhậm chức mới, TĐP xin được về quê
ngoại Tứ Xuyên để thăm gia đình. VAT thì bị chứng sổ mũi, ăn uống khó tiêu,
tin rằng được uống trà pha với nước Trường Giang tại vùng Trung Hiệp sẽ rất tốt
cho sức khỏe, nên VAT nhắn TĐP đi thăm gia đình, tiện đường mang về cho mình
mấy khạp nước quý. Trở lại kinh đô sau chuyến đi dài ngày, TĐP mang về
mấy lu nước đầy. VAT sai thuộc hạ lập tức múc nước đun sôi và đem pha trà.
Nhìn chén trà sóng sánh VAT nheo mắt có vẻ nghi ngờ và hỏi thẳng rằng:
- Lạ nhĩ, có phải nước lấy từ Trung Hiệp?
- Thưa tiên sinh, dĩ nhiên như thế, chắc như đinh đóng cột đấy.
- Nhưng các khạp nước này được múc từ Hạ Hiệp, chứ không phải Trung Hiệp.
TĐP lặng người đành thú nhận một cách khôn khéo:
- Thuyền trôi chòng chành, gió mát hây hây khiến tôi ngủ quên khi đi
ngang Trung Hiệp. Mãi đến Hạ Hiệp tôi mới tỉnh dậy, sực nhớ ra nên đành
múc nước trên khúc sông đó. Vả lại tôi tin rằng nước tại Trung Hiệp hay
Hạ Hiệp thì có gì khác nhau.
VAT ra cái điều ta đây hiểu biết giảng giải như sau:
- Tôi xin trích các nhận xét về nước sông Dương Tử từ sách Sơn Thủy
Kinh Chú. Tại khu Thượng Hiệp nước chảy quá nhanh, dùng nước này pha
trà sẽ nồng. Tại Hạ Hiệp nước lại chảy quá chậm, pha trà bị nhạt. Đặc
biệt chỉ tại Trung Hiệp dòng chảy đều đặn trôi đi, pha trà rất tốt cho
những người như tôi mắc bệnh ‘trung tiêu’, cần khai thông kinh mạch.
TĐP không còn cách nào khác đành cúi đầu xin tạ tội.
Câu chuyện trên thực hư ra sao, có trời mới biết. Phùng Mộng Long
(1574-1646), nguyên cũng là tác giả Đông Chu Liệt Quốc, nổi
tiếng với những giai thoại hư cấu. Có thể VAT dùng tiền mua chuộc
được một tên thuộc hạ nào đó nằm trong đám gia nhân của TĐP nên biết rõ
đường đi nước bước của ông ta? Nhưng thôi xin tạm biệt hư cấu để trở
về dẫn chứng khoa học.
Khi vì một lý do nào đó nhiệt độ thân thể gia tăng,
chúng ta cần uống thêm nước. Tiếc thay cơ thể con người không có khả
năng dự trữ nước để dùng lâu dài như loài lạc đà. Loài vật này có
thể sống vài tuần lễ trong sa mạc, không cần thức ăn nước uống, nên
hàng ngàn năm qua đã trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa cho
giới thương buôn trên "Con đường tơ lụa". Vì chỉ quan sát hình
hài bên ngoài, thời xưa người ta lầm tưởng rằng, cái bướu là kho dự
trữ nước của lạc đà.
Tưởng "dậy" mà không phải "dậy"! Bướu
lạc đà thật ra chỉ chứa mỡ - có thể nặng đến 35 kí lô - và cơ chế hoạt
động diễn tiến đại khái như sau: nếu lạc đà không có thức ăn, các mô mỡ
trong bướu biến thành chất dinh dưỡng tạm nuôi sống chúng một thời gian.
Bướu sẽ dần teo lại, nhưng cũng nhanh chóng phình lên khi lạc đà được
tiếp tế thức ăn phù hợp. Ngoài ra lạc đà lại có khả năng điều hòa
thân nhiệt hữu hiệu, nên hầu như không đổ mồ hôi, và tiểu tiện rất
ít nước. Cấu trúc tế bào máu đặc biệt còn giúp chúng hấp thụ và
trữ nước nhiều hơn so với tế bào các loài sinh vật khác.
Nói chuyện sông nước thì dĩ nhiên phải nhắc đến người
đẹp Lương Ý Nương/ LYN đời Hậu Chu thời Ngũ Đại - Thập Quốc tác
giả bài thơ Trường Tương Tư, mặc dù đã có hàng ngàn bài viết về
đề tài này. Si tình như thế nào mà cho ra đời tác phẩm bất hủ như
thế, quả thật bản thân tôi cũng muốn liều mình si tình thử một phen
xem sao. Số là gia đình LYN, trú ngụ bên dòng sông Tương, cho hàn
sĩ Lý Sinh/ LS thuê phòng trọ. Trai tài gái sắc nên lửa gần rơm lâu
ngày cũng bén, Lương công biết chuyện, giận dữ tống cổ LS ra khỏi
nhà. Nàng LYN cô quạnh mang mối sầu tương tư, nhưng không biết tâm sự
cùng ai đành mượn ý thơ để gửi gắm lòng dạ. Tôi chỉ xin trích 6 trong
tổng số 12 câu thơ không cần bóng bẩy, dùng từ đơn giản, nhưng càng
đọc càng thấm thía, càng quay quắt:
...
Giang thâm chung hữu để,
Tương tư vô biên ngạn.
Quân tại Tương giang đầu,
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy.
...
|
...
Sông sâu còn có đáy,
Tương tư không bến bờ.
Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương.
Tương tư không gặp mặt,
Cùng uống nước sông Tương.
...
|
May thay Lương công là người sính thơ phú, ngâm nga Trường
Tương Tư rồi đâm ra không chỉ mủi lòng, mà còn quý trọng cô con
gái rượu, lập tức nhắn tin cho gọi LS châu về hợp phố. Cái đặc biệt
của câu chuyện tình éo le nói trên, trong một xã hội phong kiến trọng
nam khinh nữ, là vai trò nàng LYN khá chủ động, so với chàng LS thụ
động, hầu như vô tích sự, chờ người ta dọn cỗ bàn xong mới sà vào
ăn. Dù sao thì sao, chàng và nàng giờ đây không chỉ "Cùng uống nước
sông Tương", mà ngày ngày còn nắm tay ngụp lặn, tắm rửa, hạnh phúc
bách niên giai lão với Sông Nước Tiêu Tương. Có bao giờ đôi trai tài
gái sắc LYN+LS biết rằng hơn một thiên niên kỷ trước, triết gia Hy Lạp cổ
đại Heraclitus đã đưa ra nhận xét thật đơn giản: "Không ai
tắm hai lần trong một dòng sông".
Nhưng không phải cuộc tình nào cũng kết thúc có hậu.
Cố nhạc sĩ Văn Giảng (1924 Huế - 2013 Victoria, Úc) nghe đâu
từng tương tư một cô gái làng Kim Long (người Huế hay gọi là Kim Luông,
nơi sản sinh ra rất nhiều cô gái mỹ miều), nhưng rồi chuyện cưới xin
không thành. Năm 1949 vừa tròn 25 tuổi, một buổi chiều cô liêu bên sông
Hương, lòng tê tái hướng về Kim Luông, chàng thanh niên tài hoa si tình
đã dệt nên cung bậc bất hủ "Ai về sông Tương".
"Ai có về bên bến sông Tương,
Nhắn người duyên dáng tôi thương, bao ngày ôm mối tơ vương".
Rất có thể chàng Lý Sinh ở Huế nhân cúi người uống
một ngụm nước tại đầu nguồn sông Hương, rồi mơ tưởng rằng ở đâu đó
cuối dòng, Lương Ý Nương làng Kim Luông cũng đang vốc nước uống để
nhớ chàng. Sông Hương chuyển thành sông Tương chắc vì vậy? Không biết
nguồn thống kê từ đâu và thời gian nào, nhưng có người khẳng định
"Ai về sông Tương" là một trong 10 nhạc phẩm nổi tiếng nhất
thuộc nền âm nhạc Việt Nam.
Tưởng cũng nên thêm thắt đôi lời về làng Kim Long hay
đúng hơn những người đẹp không tên không tuổi sinh ra và lớn lên tại
đây. Dân gian thường truyền tụng câu ca dao:
"Kim Long có gái mỹ miều,
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi".
cho rằng lấy ý tứ từ giai thoại vua Thành Thái giả
dạng thường dân đi tìm cung phi tại làng Kim Long. Thực hư ra sao chưa
có lời giải, chỉ biết rằng, dưới triều vua Thành Thái có bà cung phi
Nguyễn Hữu Thị Nga gốc gác làng Kim Long.
Lại một giai thoại khác nhằm đề cao tinh thần kháng
Pháp của vua Thành Thái là câu chuyện 4 đội nữ binh, mỗi đội 50 quân,
ra đời bí mật trong cung cấm. Để tránh tai mắt người Pháp khắp nơi,
chính nhà vua sai thuộc hạ thân tín tung tin nhiễu về thói ăn chơi, săn
lùng gái đẹp của mình nhằm đánh lạc hướng. Nhưng tại sao lại làng
Kim Long? Vì ngôi làng này nằm ở vị trí khá thuận lợi, gần cửa Hữu,
còn được gọi là Tây Nam Môn (nằm ở phía Tây Nam của Kinh Thành). Con đường
từ Kim Long dẫn về Thành Nội lại thường rất vắng vẻ, nên ít ai dòm
ngó. Nhà vua thường cho người bí mật đến vận động, khuyến khích, tặng
thưởng tiền bạc gia đình các cô gái, dù xấu hay đẹp, tham gia việc
cứu nước. Sau đó vua cho dàn cảnh, rước các cô gái này đem về triều
đình làm cung phi, nhưng kỳ thực là cho luyện tập võ nghệ, xong trở
về làng, chờ dịp nổi lên chiến đấu chống Pháp. Tiếc là sự việc
cuối cùng bị bại lộ. Thực dân Pháp đày vị vua yêu nước nhà Nguyễn
sang đảo Réunion. Câu chuyện nêu trên bố cục còn khá lỏng lẻo, có vài
chi tiết thiếu thuyết phục, bao nhiêu là sự thật, bao nhiêu là thêm mắm
thêm muối? Kiến thức và khả năng của người viết bài quá giới hạn,
xin để quý bạn đọc suy xét và rất mong được các bậc cao minh chỉ
giáo.
So với Văn Giảng, một người tài hoa khác là cố nhạc
sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995), hình như may mắn hơn khi gửi gắm
tâm sự qua bài "Đêm Tàn Bến Ngự" (sáng tác năm 1946). Về sau
ông và bà Minh Trang nên vợ nên chồng. Trong bản nhạc có 2 câu như sau:
Hàng cây soi bóng nước Hương,
Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương
Với khả năng và kiến thức giới hạn, tôi chỉ biết rằng
Huế không có sông Tương và cũng chẳng có bến đò nào mang tên Tiêu
Tương? nên cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước chắc đã mượn điển cố
văn học Trung Hoa xưa, thí dụ: Chinh Phụ Ngâm, bản dịch của bà Đoàn Thị
Điểm từ nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn:
Bến Tiêu Tương mấy hàng khói tỏa
Cây Hàm Dương bóng lá ngất đầu
Tuy nhiên miền Bắc Việt Nam cũng từng có một con sông
mang tên Tiêu Tương, nên đôi khi người ta dễ nhầm lẫn Tiêu Tương ở đất
nước ta với Tương Giang hay Tiêu Tương bên Tàu. Tuy là dòng sông với
nhiều chứng tích lịch sử từ thời Đại Việt, nhưng Tiêu Tương giờ đây,
trải qua bao nhiêu vật đổi sao dời, mất đầu mất đuôi, chỉ còn lại
những ao cùng hồ, ẩn mình trong hệ thống làng xã vùng quê hương Quan
Họ Bắc Ninh. Đất nước ta, một số con sông khác cũng bị vùi lấp qua
bao nhiêu thăng trầm, như sông Tào Khê, sông Dâu, hay sông Vị Hoàng chảy qua
thành phố Nam Định, quê hương cụ Trần Tế Xương:
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Không phải là nhà nghiên cứu chuyên môn, tôi chỉ biết
sơ sài rằng, hiện nay người ta vẫn chưa xác định được chắc chắn dòng
chảy của Tiêu Tương, bị vùi lấp dần trong khoảng thời gian nào? Con
sông nho nhỏ này tách đi từ sông Hồng, rồi nhập vào sông Cầu chứ
không đổ ra biển. Nói chung miền Bắc Việt Nam có 2 hệ thống sông ngòi
chính yếu. 1/ Hệ thống sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc,
dài tổng cộng 1149 cây số, nhưng phần chảy trên Việt Nam chỉ dài 510
cây số, gồm 2 phụ lưu lớn: sông Đà, sông Lô. 2/ Hệ thống sông Thái Bình
(tên như thế nhưng lại không chảy qua tỉnh Thái Bình): với các phụ lưu
như sông Cầu, sông Lục Nam, sông Thương.
Nguồn: Sơ đồ Sông Hồng và lưu vực.
Dòng sông Tiêu Tương cạn nước, nhường hơi thở cho nhà
cửa, ruộng đồng, nhưng vẫn sống mãi với câu chuyện tình éo le, buồn
đứt ruột: Trương Chi - Mỵ Nương, ẩn náu trong lời ca quan họ:
Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Cô Mỵ nương vốn ở lầu tây
Con quan Thừa tướng ngày rày cấm cung
Qua bao nhiêu thế hệ, đa số chúng ta ngay từ thời thơ
ấu, ít nhất một lần từng được nghe, được đọc huyền thoại rất nổi
tiếng Trương Chi - Mỵ Nương. Vì thế tôi chỉ nhắc lại rất tóm tắt câu
chuyện cổ tích như sau: Mỵ Nương con gái quan thừa tướng, suốt ngày
bị cấm cung. Trương Chi là anh lái đò/đánh cá trên sông Tiêu Tương, đêm
đêm với giọng hát truyền cảm (có bản kể rằng anh ta thổi sáo) làm
xao xuyến Mỵ Nương, khiến nàng ốm tương tư. Thế nhưng khi nhìn thấy
diện mạo quá quê mùa cục mịch của Trương Chi, nàng Mỵ Nương vỡ mộng.
Còn Trương Chi oái ăm thay lại bị tiếng sét ái tình, tuyệt vọng
thương nhớ Mỵ Nương, hồn lìa khỏi xác, quả tim đau khổ biến thành
viên ngọc. Có người tìm thấy viên ngọc quý, bèn đẽo ra từ đó một
chén uống trà, mang tặng quan lớn. Khi Mỵ Nương rót trà vào chén,
hình bóng Trương Chi chèo thuyền trên sông Tiêu Tương xuất hiện, kèm
theo tiếng hát/hay tiếng sáo não nùng. Những giọt nước mắt xót thương
của Mỵ Nương rơi xuống chén trà vô tình làm tan biến tất cả.
Vẫn còn khá nhiều thắc mắc về xuất xứ, thời gian ra
đời câu chuyện Trương Chi - Mỵ Nương. Tạm gạt câu hỏi này qua một bên,
chúng ta có thể tự hỏi lòng, nên nhìn câu chuyện dưới lăng kính nào
cho hợp tình hợp lý. Lương Ý Nương/ LYN - Lý Sinh/ LS bên
Tàu hóa ra may mắn hơn Trương Chi/ TC - Mỵ Nương/ MN bên Việt Nam
ta rất nhiều? Dù sao thì sao, LYN+LS cũng cùng đẳng cấp, ngược với
TC-MN, một bên là tiểu thư đài các, bên kia là cùng đinh mạt hạng. Như
vậy nhìn qua lăng kính "Môn Đăng Hộ Đối” ta thấy nội dung chuyện
TC-MN là thực trạng không thể hóa giải được mâu thuẫn căn bản này. Ở
đây tôi không bàn đến ý nghĩa, nguồn gốc của cụm từ "Môn
Đang/Đương Hộ Đối” hay “Môn Đăng Hộ Đối”, mặc dù cũng là cũng là một
đề tài khá lý thú.
Nhạc sĩ Văn Cao, với tuyệt phẩm "Trương Chi"
sáng tác năm 1942, vô tình đã khơi ra một dòng nhạc tập trung quanh đề
tài này như "Khối tình Trương Chi" (1945-46) Phạm Duy, rồi Hùng
Lân, rồi Anh Bằng v.v. Đó là chưa kể hàng trăm bài thơ,
kịch, bài viết khác, làm rung động lòng người. Vì thế tôi xin miễn
khỏi đi sâu vào đề tài nói trên, thay vào đó chọn một lối nhìn
phiến diện qua lăng kính đen đủi, bói ra ma quét nhà ra rác: Trương Chi
- Mỵ Nương có thể là huyền thoại thăng hoa mang tính triết lý răn
đời. Nàng MN vô tình được nghe tiếng hát, tiếng sáo xao xuyến cõi
lòng, nhưng vì cả đời chỉ sống trong lầu son gác tía, thần kinh MN
vội suy diễn rằng giọng hát/tiếng sáo phải đến từ một thư sinh nho
nhã, ít nhất cũng như Kim Trọng trong Kim Vân Kiều: "Phong tư tài mạo
tuyệt vời, Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa". Nhưng đó chỉ là
hình bóng mộng tưởng của một tiểu thư quen nhung quen lụa. Khi biết
được thân thế gốc gác TC, nàng ta hoảng sợ quay ngoắt 180 độ. TC hiện
nguyên hình tên khố rách áo ôm "Vào trong phong thấp, ra ngoài rỗ
hoa".
Nhưng chắc gì TC là một anh chàng cù lần xấu xí? hay
chỉ là người lái đò bình thường, quần áo hơi lôi thôi, diện mạo hơi
khắc khổ vì nghèo, bữa đói bữa no? Áp đặt nhân vật TC xấu xí chỉ là
cái cớ cho MN dễ rút lui có trật tự? Không "Môn Đăng Hộ Đối” thì
“bất thành phu phụ” chấm hết, khỏi bàn. Ngày xửa ngày xưa, thành vợ
thành chồng mới quan trọng, còn tình yêu chỉ là món hàng xa xỉ, có
cũng được, không có cũng chẳng sao. Quan hệ trai gái nhằm tiến đến cứu
cánh cuối đường hầm: hôn nhân, vợ sớm có thai đẻ cho lẹ, giúp chồng
truyền giống (bộ Gen di truyền học), nói cho văn hoa là nối dõi tông
đường. Còn anh TC nghèo mà ham, thân phận thấp kém làm sao vói tới
lá ngọc cành vàng. Trèo cao té đau nên anh phải trả giá bằng chính
mạng sống. Còn chuyện quả tim TC biến thành ngọc, tan biến đi khi
những giọt nước mắt MN rơi xuống, nhằm giúp giảm bớt cường độ cái
tát trời giáng vào mặt anh ta, cũng như gia tăng thêm cái lòng nhân hậu
của MN. Nhưng ta trách móc MN, có quá đáng hay chăng? Dù sao thì sao,
phụ nữ được quyền từ chối mọi hôn nhân không phù hợp với bản chất,
sở thích, tính toán cá nhân.
Có một lăng kính khác để nhìn câu chuyện Trương Chi -
Mỵ Nương, dựa theo ý tưởng của nhà văn Dương Hùng Cường/ DHC,
người đã chết trong tù (1988), vì tác phẩm "phản động"
"Nếu anh Trương Chi đẹp trai" (1981). Theo ông DHC, chàng TC (đại
diện cho Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp vô sản, nghệ sĩ v.v. tự
giác hay không tự giác) hót quá tài tình, khiến MN (người dân, thành
phần trung lưu, tiểu tư sản v.v.) cả tin, chưa gặp mặt nhưng yêu thầm
trộm nhớ, mãi đến 1975 va chạm thực tế mới vỡ mộng. Nói cho đúng
không chỉ người dân Việt Nam là nạn nhân của màn lừa bịp, cướp bóc
vĩ đại. Từ Nga sang Tàu, từ Âu sang Á, hàng trăm triệu người, có khi
phải trả giá bằng mạng sống bản thân, gia đình v.v. chỉ vì nghe tiếng
hót của TC, rồi mơ đến một ngày mai no ấm, bình an. Đại đa số những
cuộc "cách mạng là ngày hội quần chúng", giành độc lập
v.v... trong chừng 100 năm qua đều dẫn đến kết cục bi đát, vì nhiều anh
TC sau khi lên nắm quyền hành, quên luôn tiếng hát, dần dần hiện nguyên
hình một lũ ma bùn, ma mãnh, hay cùng nhau trở thành phe đảng băng
cướp.
Ở một khía cạnh khác, cái chết của anh TC có thể
là biểu tượng cho cái chết của dòng Tiêu Tương, và những nguồn kinh
tế liên quan trực tiếp đến con sông này. Thí dụ: nghề đánh cá,
thuyền bè đưa khách, chợ búa trên sông v.v. Ngược lại, cũng có những
thành phần dân chúng hưởng lợi, giàu sụ lên từ sự biến mất của
dòng Tiêu Tương: trồng trọt, xây nhà cửa v.v. trong đó chắc phải có gia
đình nàng MN. So sánh với những sự việc đang xảy ra hằng ngày tại
Việt Nam hiện nay - Đồng Tâm, Thủ Thiêm là thí dụ điển hình - các
nhóm lợi ích, cấu kết với phe cánh chính quyền, lấy cớ thực hiện kế
hoạch chỉnh trang sân bay, đô thị v.v. bất kể giá trị lịch sử, văn
hóa của phần đất, phần sông ngòi đang bị giải tỏa, bất cần hoàn
cảnh sinh nhai, mạng sống người dân.
Như tất cả mọi vấn đề chìm sâu trong quá khứ mơ hồ,
tìm thấy một lời giải đáp cho một câu hỏi nào đó, lại là tiền đề
dẫn đến một câu hỏi khác. Chúng ta lạc vào mê hồn trận, cứ thế liên
tục trùng trùng điệp điệp, như tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra
cha mẹ, cha mẹ sinh con cái, cháu chắt v.v. Cố giải mã chuyện dòng
sông Tiêu Tương, và quấn quít theo đó, câu chuyện Trương Chi - Mỵ Nương,
cũng không nằm ngoài quy luật phức tạp nói trên. Nên tôi xin tạm ngừng
ở đây. Nhưng nói tóm lại dù chúng ta suy diễn thế nào đi chăng nữa,
tiếng hát hay tiếng sáo Trương Chi, vang vọng trên dòng Tiêu Tương, rõ
ràng không phải nhằm mê hoặc tha nhân; đó chỉ là lời tâm sự với trần
gian, "một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ" (Văn Cao). Anh
Trương Chi có ngờ đâu, tiếng lòng trung thực giữa dòng đời của mình,
lại dẫn đến một hậu quả bi đát cho chính bản thân.
Nguồn: Ulysses and the Sirens by H.J. Draper Nguồn: Lurelei, Gemälde
von Carl Joseph Begas (1835)
So sánh với các giai thoại khác trên thế giới, liên
quan đến tiếng hát, anh Trương Chi Việt Nam là người nhân hậu, không
hãm hại bất cứ ai. Khác với sử thi Odyssey, đất Hy Lạp gần 3000
năm trước, Homer đã đề cập đến tiếng hát quyến rũ của các
nàng tiên cá, với giọng hát du dương, quyến rũ bao nhiêu thủy thủ xa
nhà, cô đơn giữa biển cả bao la, mất phương hướng, tàu bè đụng phải
đá ngầm, mất mạng trên hoang đảo hay chìm sâu dưới đáy biển. Cũng
theo khuôn mẫu hiểm nghèo đến từ phụ nữ, nước Đức có huyền thoại
tương tự, có nàng Loreley ngồi trên mõm đá, bên bờ sông Rhein,
xỏa tóc bờ vai, cất tiếng hát nồng nàn, động lòng bao chàng trai
nhẹ dạ, chẳng khác chi mấy con thiêu thân, lái thuyền bè đâm sầm vào
vách núi.
Nước thánh.
Tôi có anh bạn là con trai út, thuộc dòng dõi gia
đình truyền thống rất ngoan đạo Công giáo. Nhưng đến đời anh ta, việc
đạo không còn mặn mà như các thế hệ đi trước. Có lẽ vì cuộc sống
ngày càng phức tạp, mâu thuẫn đạo đời, công ăn việc làm, gia đình vợ
con, kiến thức, khoa học phát triển v.v... anh T. không đủ sức quán
xuyến trăm bề. Anh T. còn mẹ già, sống chung với gia đình, tuổi trên
80, đầu óc cụ tuy tương đối minh mẫn, nhưng cơ thể đã suy yếu nhiều,
không đi lại được bình thường.
Cặp vợ chồng cùng hai cháu nhỏ, có lần đi nghỉ xả hơi
ở Bồ Đào Nha. Chương trình ngoài những ngày thăm viếng thủ đô Lisbon
và các vùng lân cận, còn một hôm chỉ dành riêng cho chuyến hành hương
Fatima. Cụ dặn tới dặn lui con trai và con dâu, làm gì thì làm cũng
ráng mang về chai nước thánh để cụ dùng. Sau một tuần du hí, trước khi
trở về nhà, T. còn gọi điện thoại thăm hỏi mẹ đồng thời báo tin vui
đã lấy được một chai nước thánh. Tuy nhiên về đến nhà mở va-li ra mới
tá hỏa tam tinh. Chai bị đồ đạc đè nứt, nước thánh chảy hết ra
ngoài thấm ướt quần áo. T. sững sờ như lần đầu tiên đột ngột nghe
tin vợ bị sẩy thai mấy tháng sau lễ cưới. hai vợ chồng lặng người nhìn
nhau tưởng tượng đến niềm đau vô bờ bến của mẹ già. Tuy không nói ra
nhưng họ đã biết việc phải làm. Làm gì thì làm, không thể để cụ
thất vọng, đâm ra nghĩ quẩn, suy diễn rằng đó là dấu hiệu cho thấy
cụ không được vào nước Chúa.
Vợ chồng anh T. đành lấy nước bình thường bỏ vào
chai và nói dối là nước thánh rồi đưa biếu cụ. Sau đôi lần nhấp
nhấp vài ngụm nước đi kèm với đọc kinh cầu nguyện, cụ thấy đầu óc,
cơ thể khỏe khoắn hẳn ra. Nay cụ đã ra người thiên cổ được vài năm,
nhưng tôi nhắc lại chuyện này để nhấn mạnh đến khả năng vừa mang tính
tâm lý vừa sinh lý tự thân chữa bệnh khá "huyền bí" của con
người. Chắc quý bạn đọc đã nghe đến "Hiệu ứng giả dược/ Placebo
effect". Riêng phần tôi thì vẫn thắc mắc không biết anh chị T. xưng
tội ra làm sao? Mà thật tình họ có tội tình gì đâu?
Tôi cũng từng được viếng Fatima. Nhìn cảnh tượng
người quỳ gối hay bò lết đi cho đủ mấy vòng quanh nhà nguyện, thấy
sao mà quá thảm thiết, cứ nhoi nhói trong ngực. Chắc họ đang cầu
nguyện cho cha mẹ, vợ chồng, con cái, người yêu, bạn bè hay chính bản
thân khỏi bệnh tật, được may mắn v.v...? "Còn nước còn tát" hay
"có bệnh thì vái tứ phương". Trên nguyên tắc, đó là lời
khuyên chí lý. Nhưng nếu ta chịu khó suy nghĩ tiếp, lời khuyên như trên
quá chung chung trừu tượng, vái không đúng lúc đúng chỗ, vừa phí
công, của, thì giờ, có thể vô tình dẫn đến tình trạng tiền mất tật
mang. Cầu nguyện cho bản thân, may ra? Theo tôi suy nghĩ, lòng tin vào
một đấng, điều thiêng liêng, có thể là cái phao, chiếc nạng tâm lý
giúp con người đứng lên sau khi gục ngã. Nhưng cầu nguyện cho người
khác, khó quá! Bởi vậy lý trí khuyên tôi không nên tin vào các cách
chữa bệnh kiểu này, nhưng tình cảm thì vẫn mong cho những điều ước
nguyện như trên trở thành hiện thực. Hay chỉ ai có đầy đủ đức tin
mới hiểu được những điều bí ẩn mà khoa học chưa thể giải thích?.
Người thì quỳ gối lết đi, người thì bò v.v...
sao cho đủ mấy vòng
quanh nhà nguyện Fatima.
Chú thích:
1/ Các bài viết của ông Ngô Thế Vinh:
https://vietbao.com/
2/ Vũ Kim Hạnh. ĐBSCL: Hạn mặn đang khốc liệt. nhưng
nóng bỏng hơn là chuyện xây đập Luang Prabang! https://www.facebook.com/
3/ Phạm Phan Long. Thủy điện Lancang-Mekong gây khát nước
và đói phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long cách nào? https://boxitvn.blogspot.com/
4/ Nguyễn Ngọc Trân. Côn Đảo và bài toán nước ngọt cho
vùng mặn ĐBSCL. https://baodatviet.vn/
5/ Nguyễn Ngọc Chu. Bao giờ bộ chính trị họp về đồng bằng
sông Cửu Long? https://www.facebook.com/
6/ Hiếu Tân dịch từ bài của Hannah Beech: Trung
Quốc bóp nghẹt dòng chảy Mê Kông. Các nước khác chịu hạn hán. https://vandoanviet.blogspot.com/
7/ Điều
tra Mỹ về thủy điện Trung Quốc làm Mêkông khô hạn: Cơ hội các nước hạ lưu đòi
công lý?
8/ Tài liệu của Liên Hiệp Quốc về thực trạng nước nôi
Việt Nam: https://sdg6data.org/
Phần II: Từ giọt nước mắt đến phụ nữ hóa đá
Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân...
Vọng Phu Thạch - Thanh Hiên Thi Tập/ Nguyễn Du
Là người? Là đá? Hỏi là ai?
Đầu núi bao năm đứng giữa trời...
(Người dịch Nguyễn Thạch Giang)
Người đi ngoài vạn lý quan san...
Người biến thành tượng đá ôm con
Hòn Vọng Phu/ Lê Thương
Đề tài nước mắt, viết ngàn trang giấy e chưa hết
chuyện. Tôi thử tham vấn cụ Google với từ khóa "nước mắt",
thì cụ cho ra trên 200.000 kết quả, dĩ nhiên thượng vàng hạ cám. Con
người đa dạng và phức tạp, có vị mau nước mắt, có vị cứng cỏi,
nhưng nói chung dù vui, buồn, quằn quại, hạnh phúc, nhức mỏi, buồn
ngủ v.v. lệ vẫn rơi lã chã. Đặt câu hỏi tại sao chúng ta khóc tuy ngớ
ngẩn, nhưng cần biết rằng, loài người có thể là giống sinh vật duy
nhất chảy nước mắt vì tình cảm hỷ, nộ, ái, ố, bi, lạc, cụ; trong
khi các sinh vật khác chảy nước mắt chủ yếu vì phản xạ sinh lý.
Đại đa số mọi đứa bé vừa chào đời đã cất tiếng
khóc, nhưng đôi mắt thường ráo hoảnh, vì các tuyến, bộ phận liên quan
chưa hoàn chỉnh. Bé sơ sinh đôi khi cần từ 4 đến 10 tuần, mới đủ khả
năng khóc ra nước mắt. Trái ngược với cá sấu, người ta quan sát thấy
chúng sau khi xơi tái con mồi, lệ đã tuôn trào. Thế là chúng ta vội
lên án "bọn" này đạo đức giả, giả vờ khóc thương nạn nhân,
"nước mắt cá sấu". Như đã nói ở trên, thật ra cá sấu trào
lệ chỉ là phản xạ sinh lý, cũng như khi chúng ta thái hành tây, cay
đến chảy nước mắt, chẳng thương xót gì ai.
Nước mắt tối cần thiết cho mọi sinh vật, giúp bảo
vệ, làm sạch, bôi trơn, giúp chủ nhân nhìn rõ. Hằng năm con người mạnh
khỏe trung bình sản xuất ra từ 60 đến 110 lít. Nhưng tuyến nước mắt
của các vị cao niên ít hoạt động, thế nên người già hay bị khô mắt.
Khoa học hình như đã chứng minh được hiện nay nữ giới khác nam giới... về khả năng khóc: a/ nhịp độ khóc gấp 3-4 lần, cánh đàn ông mỗi
năm trung bình khóc từ 6 đến 17 lần, và phái yếu (bị gọi như thế vì
mau nước mắt? hay chỉ là thành kiến?) từ 30 đến 64 lần b/ cường độ
khóc và nước mắt của phụ nữ cũng mãnh liệt hơn, đàn ông khóc khá âm
thầm, thậm chí còn muốn che dấu biểu lộ tình cảm. Các cô các bà
trái lại, ướt đẫm khăn mù-soa, hay bờ vai ai đó v.v...
Trong kho tàng cổ tích, huyền thoại v.v... thế giới,
người nam lẫn nữ bị hóa đá xuất hiện khá nhiều, tuy nhiên bài này
chỉ tập trung viết về nước mắt và phụ nữ hóa đá. Nàng Niobe có lẽ
là một trong những phụ nữ đầu tiên trên thế giới đi vào văn học chữ
viết, liên quan đến nước mắt và hiện tượng hóa đá. Xin được tóm tắt
như sau: trong sử thi Iliad, tác giả Homer, xuất hiện vào thế
kỷ VII-VIII trước công nguyên, nàng Niobe sinh được 7 gái và 7 trai (có
nguồn dẫn khác cho là 6 gái, 6 trai). Vì thấy thần khổng lồ Leto chỉ
hạ sinh được một cặp sinh đôi, Apollo và Artemis, Niobe tỏ ra ngạo mạn.
Bị xúc phạm, Apollo và Artemis bèn ra tay hạ sát tất cả con cái của
Niobe. Quá khổ đau, không cầm được nước mắt, nàng Niobe trốn về quê
quán, và được/bị biến thành tảng đá trên đỉnh núi Sipylus (phía đông
bắc Izmir, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Cứ sau mùa Đông, tuyết tan, những
dòng suối nhỏ từ sườn núi chơi vơi đổ xuống, như nàng Niobe triền
miên nhỏ lệ nhớ thương con cái, gia đình. Nàng Niobe gần 700 năm sau,
lại tái hiện trong tập thơ Hóa Thân/ Metamorphoses của thi nhân
La Mã Ovid, với nội dung gần như đồng nhất với sử thi Iliad, và
gần đây nhất một ngọn núi trong tỉnh bang British Columbia, Canada cũng
được đặt tên là đỉnh Niobe.
Nàng Niobe trên đỉnh ngọn núi
Sipylus (Carole Raddato)
Ở đất nước ta, có lẽ nàng Tô Thị ở Lạng Sơn là
truyền thuyết phụ nữ thủy chung ngồi khóc chờ chồng đến hóa đá,
phổ biến nhất so với "6 nàng khác ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng
Nam, Bình Định, Phú Yên" (theo Sổ tay địa danh Việt Nam, NXB Giáo dục
1998). Một phần có thể do rất nhiều bà mẹ Việt Nam, suốt hàng chục,
thậm chí hàng trăm năm qua, mượn câu ca dao "Đồng Đăng có phố Kỳ
Lừa. Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh..." làm bài hát ru con,
khiến đêm đêm nàng Tô Thị thấm dần vào ký ức và sống mãi với bao
nhiêu đứa bé ngày xưa, nay đã trưởng thành.
Nàng Tô Thị đã "tân trang"
sau khi sụp đổ ngày 27/7/1991
Kể chuyện là một truyền thống đầy tính nhân văn xuất
hiện từ ngàn xưa. Loài người từ thời mông muội, bất kể nguồn gốc
ngôn ngữ, văn hóa, địa lý, luôn phải đối phó với một thế giới đầy
bất trắc, bấp bênh, khó hiểu, luôn bị thôi thúc phải giải thích tại
sao trời lúc nắng lúc mưa, mùa màng khi thất bát khi trúng đậm, tại
sao nên thờ phụng thần linh, anh hùng, liệt nữ, tại sao giữ gìn đạo
lý gia tộc, tình nghĩa vợ chồng, tại sao phải sinh con đẻ cái, tổ
tiên, ông bà, bệnh tật từ đâu tới, chết đi về đâu v.v... Khi chưa có chữ
viết, thế hệ trước chỉ có thể truyền đạt cho thế hệ sau, những kinh
nghiệm xương máu, thông qua hình thái kể chuyện. Vì thế chúng ta có
Lạc Long Quân và Âu Cơ, Truyện Hồng Bàng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Sự Tích
Trầu Cau, Thánh Gióng, Truyện Bánh Chưng, Thần Kim Quy, Tiên Dung - Chử
Đồng Tử, Tấm Cám... và dĩ nhiên Hòn Vọng Phu.
Lĩnh Nam Chích Quái
Nguồn: Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Việt Nam
Nàng Tô Thị ở nước ta, sau thời gian sống nhờ dân gian
truyền miệng, phải chăng lần đầu tiên xuất hiện trong văn học chữ
viết qua sách Lĩnh Nam Chích Quái, văn xuôi chữ Hán, ban đầu được
ghi tác giả là Trần Thế Pháp. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho
thấy qua thời gian hơn 100 năm, nhiều tác giả khác nhau (Vũ Quỳnh,
Kiều Phú, Nguyễn Nam Kim, Vũ Đình Quyền, Vũ Khâm Lân, Đoàn Vĩnh Phúc
v.v...) cũng đã tham gia hiệu đính, và bổ sung thêm một số truyện. Thư
viện Khoa học Xã hội hiện nay còn lưu trữ bốn dị bản, Viện Sử học một dị
bản, Thư Viện Hán Nôm một dị bản. Nhưng nói chung các nhà nghiên cứu đã
xác định được ít nhất 14 dị bản, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, với tổng
số truyện khác nhau (từ 22 đến 43 truyện), thậm chí tên gọi cũng
khác nhau. Lĩnh Nam Chích Quái ban đầu (cuối thế kỷ XIV?) chỉ
có 22 truyện, không có "Truyện Thần Núi Vọng Phu". Truyện này
về sau được bổ sung thêm trong phần Phụ Lục, nhưng lại kể rằng núi
Vọng Phu nằm ở huyện Vũ Xương, cửa biển đạo Thuận Hóa, tức vùng đất
Quảng Bình, Quảng Trị, Huế hiện tại, chứ không phải Lạng Sơn. Ngoài
ra sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tác giả Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng và
Trần Xán (1909) cũng nhắc đến Hòn Vọng Phu nhưng ở Bình Định.
Nàng Tô Thị Đồng Đăng thì bồng con, Hòn Vọng Phu trên
Núi Bà Bình Định (thật ra là hai hòn, một cao một thấp như mẹ nắm tay con)
nội dung đều dựa vào chuyện anh trai lấy nhầm em gái. Đến khi vô tình
khám phá ra bi kịch loạn luân, anh trai kinh hãi bỏ nhà ra đi. Em gái
chẳng biết gì, cứ chờ chồng, rồi hóa đá. Trong khi đó trường ca Hòn
Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương mượn chuyện Chinh Phụ Ngâm, cũng như
Hòn Vọng Phu ở các địa phương khác, dựa vào mô-típ vợ chờ chồng đi
lính thú không về.
Vào một buổi chiều cuối tháng 7 năm 1991, bỗng nhiên
trời đổ cơn mưa như trút nước, kéo theo từng đợt gió lớn, khiến nàng
Tô Thị ở Lạng Sơn bổ nhào xuống chân núi. Có thể chính quyền địa
phương sợ bị cấp trên khiển trách, vì không làm trọn nhiệm vụ gìn
giữ bảo quản các di tích văn hóa lịch sử, nên đã ra lệnh bắt ngay hai người dân Tam Thanh, tội danh cố tình dùng mìn đánh sập nàng Tô Thị
để nung vôi. Họ bị báo chí một chiều lên án, dư luận cả nước cũng
xốn xang, thậm chí căm phẫn. Tuy nhiên sau đó hai "can phạm"
được trả "tự do", cho về với gia đình, không trống không kèn,
không giấy tờ văn bản, không một lời xin lỗi bắt oan, theo kiểu "lặng
lẽ ra đi, lặng lẽ trở về"...
Tài liệu tham khảo:
- Lĩnh Nam Chích Quái,
1/ Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch từ Hán Văn.
Tái bản Nxb. Hồng Bàng, 2013.
2/ Lê Hữu Mục phiên dịch từ Hán Văn. Nhà sách Khai Trí
xuất bản, 1960
- Các kênh Youtube, Wikipedia v.v...
Phần III: Nói thêm về nàng Tô Thị.
Chuyện nàng Tô Thị, Lạng Sơn hóa đá tuy là huyền thoại, nhưng xét về
mặt y học vẫn có thể xảy ra. Căn bệnh nan y quái ác, cũng
"may" là rất hiếm hoi, được gọi phổ thông là Hội chứng
người hóa đá/ Stone Man Syndrome, từ chuyên môn: fibrodysplasia
ossificans progressiva/ FOP, theo thống kê, thế giới trung bình cứ 2 triệu
người thì 1 mắc bệnh. Nói một cách đơn giản, bệnh thường bùng phát từ
lứa tuổi vị thành niên, vì hệ gen đột biến, khiến các mô nối kết
như gân, dây chằng, thậm chí bắp thịt, bỗng biến chuyển thành xương
cứng. Đa số bệnh nhân đến tuổi ngoài 20 hầu như mất khả năng đi lại,
tự di chuyển, đạt tuổi thọ chỉ chừng xấp xỉ trên dưới 40.
Nàng Tô Thị Lạng Sơn, như đã nhắc đến trong Phần II,
có một số "chị em" ở nhiều địa phương khắp đất nước ta. Mọi
"chị em" nói chung đều ẩn chứa trong người một nội dung căn
bản tương tự nhau: vợ chờ chồng rồi hóa đá. Nhưng tùy thuộc vào điều
kiện sống cụ thể từng địa phương, nguyên nhân khiến người chồng phải
ra đi lại biến đổi. Thí dụ Hòn Vọng Phu Quảng Nam còn được gọi
là "Đá Bà Rầu" và tiểu sử cũng hơi khác. Nội dung
đại khái như sau: "Chồng đi buôn xa, lúc trở về nhà ghen bóng ghen
gió, nghi vợ ngoại tình, rồi bỏ đi mất tăm. Vợ chờ chồng hóa đá."
Phải chăng Hòn Vọng Phu Quảng Nam là tổng hợp 2 bi kịch: Nàng Tô Thị
Lạng Sơn và Thiếu Phụ Nam Xương? (tôi chỉ phỏng đoán chứ không có bằng
chứng cụ thể từ nghiên cứu). Nàng Tô Thị ở nước ta, lần đầu tiên
xuất hiện trong văn học chữ viết qua sách Lĩnh Nam Chích Quái (thế
kỷ XV hay XVI?). Tương tự, "Chuyện người con gái Nam Xương"
xuất hiện trong sách Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (thế
kỷ XVI hay XVII?), kể về "một thiếu phụ tên là Vũ Thị Thiết, quê
ở Nam Xương, chồng là Trương Sinh phải đi lính phương xa. Bà ở lại nhà
một mình vò võ nuôi con, tối tối dỗ dành, an ủi thằng bé bằng cách
chỉ vào chiếc bóng trên tường bảo đó là bố về thăm con. Sau khi
Trương Sinh mãn hạn đi lính trở về, đứa bé không chịu cho ông ta bế,
quả quyết rằng bố của con đến tối mới xuất hiện, mẹ ngồi đâu, bố
bám theo đó. Trương Sinh nổi cơn ghen đánh vợ đuổi ra khỏi nhà. Không
thể chứng minh được tấm lòng trung trinh trước người chồng ghen tuông
và vũ phu, bà trầm mình ở dòng Hoàng Giang".
Như vậy Hòn Vọng Phu hay "Đá Bà
Rầu" Quảng Nam hình thành qua sự biến chuyển các yếu tố
thời gian, địa phương v.v. bằng cách: nhập mô-típ vợ chờ chồng hóa
đá, nhưng xóa mô-típ "loạn luân" từ nàng Tô Thị Lạng Sơn,
cộng với mô-típ "ghen", nhưng xóa mô-típ trầm mình tự sát
từ thiếu phụ Nam Xương. Xin được nhắc lại tóm tắt chuyện nàng Tô Thị
Lạng Sơn như sau: "Xưa ở Lạng Sơn có hai anh em Tô Văn và Tô Thị.
Một hôm Tô Văn vô tình gây ra vết thương rất nặng trên đầu em gái máu
chảy lênh láng. Tưởng rằng em gái đã chết, quá sợ hãi anh ta bỏ
trốn. Bao nhiêu năm trời trôi qua Tô Văn lập gia đình, rồi vô tính khám
phá ra vợ mình lại chính là Tô Thị (qua vết sẹo trên đầu, lẫn
chuyện vợ kể rằng ngày xưa có anh trai bỏ nhà trốn đi biệt tăm biệt
tích). Thế là Tô Văn trốn nhà đi lính thú, vợ/em gái ngày ngày bế
con chờ chồng đến hóa đá."
Một bố cục cũng rất quan trọng trong bi kịch nàng Tô
Thị Lạng Sơn liên quan đề tài định mệnh trớ trêu. Đề tài này đã
xuất hiện trong Tục U Quái Lục – Định Hôn Điếm, chuyện Nguyệt Lão của
Lý Phục Ngôn, nội dung như sau: "Vào đời nhà Đường (chú thích của
người viết: tức là từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX), có chàng thư sinh
Vi Cố, nhân đêm trăng sáng đi dạo chơi chợt gặp ông lão râu tóc bạc trắng,
ngồi ven đường, tay cầm cuốn sổ, tay xe sợi chỉ hồng. Tò mò đến hỏi
chuyện, Vi Cố mới biết cụ là Nguyệt Lão, được Ngọc Hoàng Thượng Đế
trao nhiệm vụ quản thủ sổ định hôn của dân gian, phải tìm những cặp vợ
chồng tương lai mà xe tơ duyên xích thằng buộc họ dính với nhau. Theo
lời khẩn cầu của Vi Cố, Nguyệt Lão tiết lộ duyên số của chàng ta như
sau: vợ Vi Cố sẽ là con bé 3 tuổi, đang cùng mẹ ăn xin ở chợ Đông Đô,
và là duyên tiền định, không thể thay đổi. Giận quá hóa liều, Vi Cố
thuê người chém chết con bé, tuy nhiên nó được mẹ ẵm chạy trốn kịp
thời và chỉ bị thương ở đầu. Hơn 10 năm sau Vi Cố đi thi đỗ đạt,
thành công trọn gói hai trong một, đại đăng khoa tiểu đăng khoa, được quan
lớn gả con gái. Đêm động phòng chàng chợt khám phá ra nàng có vết
sẹo lớn, hỏi ra thì chính vợ mình là con bé ba tuổi năm xưa, được
quan lớn thương tình đem về làm con nuôi." Theo câu chuyện Nguyệt
Lão nói trên, thì đúng là duyên số vợ chồng hoàn toàn do trời định
đoạt, lên đông xuống đoài cũng chẵng thoát. "Nhất ẩm nhất trác
sự giai tiền định/Mạnh Tử". Con chim dù có bay đi khắp bốn phương
trời, cái lồng vẫn bám theo chụp bắt lấy nó.
Chuyện Nguyệt Lão và chuyện nàng Tô Thị còn có thêm
một chi tiết chung: người vợ tương lai đã bị thương tích. Vết sẹo do
thương tích rồi sẽ trở thành bằng chứng rõ ràng, cũng bàng bạc cái
không khí định mệnh éo le, cay nghiệt. Tô Văn trốn chạy em gái ruột
tổng cộng hai lần. Lần đầu chỉ là trốn tội "ngộ sát" (thật
ra là gây thương tích). Lần hai là tội loạn luân. Cả hai lần rõ ràng
là do "trời đất xui khiến, sắp đặt", Tô Văn, vì số phận đã an
bài, không kiểm soát được hậu quả việc mình làm ảnh hưởng đến bản
thân cũng như em gái. Nàng Tô Thị cũng không trốn chạy khỏi định mệnh
trớ trêu, lần đầu mất anh trai, lần hai mất chồng (thật ra vẫn là anh
trai), rồi hóa thân thành đá nên chẳng bao giờ biết sự thật.
Nhưng - như đã được nhắc đến sơ lược trong phần II của
loạt bài này - vào chiều ngày 27 tháng 7 năm 1991, trong cơn mưa như
thác đổ, nàng Tô Thị hóa đá ở Lạng Sơn rơi xuống chân núi. Ngay lập
tức hai người dân sống gần núi Vọng Phu, ông Đoàn Văn Quyết và ông Hà Văn
Điều, bị tống giam vì tội danh cố tình dùng mìn đánh sập nàng Tô
Thị để nung vôi. Xin quý bạn đọc xem lại phần II để biết thêm chi
tiết. May thay vị giảng viên Khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm HCM ông
Trương Hoàng Phương, đã chịu khó lặn lội đến tận nơi để tìm hiểu chi
tiết, thay vì về hùa với cơ quan nhà nước địa phương, báo chí, dư
luận một chiều vội lên án người vô tội mà không cần chứng cớ. Kết quả
khảo sát đất đai tại chỗ, giúp nhà địa chất học đưa ra lập luận
trái ngược với những cáo buộc vô căn cứ. Trích 20
năm chầu chực dưới chân nàng Tô để tự kêu oan"... Tượng nàng Tô
Thị được hình thành do sự hòa tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này
có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai - bụng, lớp cổ và lớp đầu.
Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển
và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. Sự hòa tan để lại
một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố
bức tượng tự sụp đổ xảy ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nàng Tô Thị trượt
từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27.7.1991 chỉ là nguyên nhân
trực tiếp".
|
"Ông Đoàn Văn Quyết bên chiếc quán dã chiến. Quán nước
mọc lên từ hai mươi năm về trước, bởi chủ quán muốn có cơ hội giải thích về số
phận của bức tượng nàng Tô Thị Vọng Phu trên đỉnh núi. Thế nhưng đến tận bây
giờ, "oan án" nung vôi Nàng Tô Thị liên quan đến câu chuyện của đời
ông vẫn chưa thể kết thúc" Thế Sơn, Báo Pháp Luật mạng, Thứ
Tư, 14/5/2014.
|
Hai nghi phạm bị bắt oan uổng, chừng 6 tháng sau đã được
trả "tự do", vì không đủ chứng cớ buộc tội (Người đàn ông hai mươi năm ôm nỗi oan dưới chân nàng Tô Thị.)
Tuy nhiên như nhà báo Thế Sơn, trong bài báo nên trên nhận định: "Hai
mươi ba năm đã trôi qua, đã đến lúc cần phải có sự sòng phẳng cần thiết của các
cơ quan chức năng đối với người thương binh Đoàn Văn Quyết. Tấm bảng bằng xi
măng "NÚI TÔ THỊ - di tích quốc gia, đã xếp hạng, cấm vi phạm" kia cần
phải có thêm dòng chữ: "Do tác động địa chất tự nhiên, bức tượng đã bị đổ
và được phục chế lại". Sự thật về số phận bức tượng phải được trở về đúng
sự thật của nó."
Tài liệu tham khảo:
1/ Sự thật về kỳ án "Xẻ thịt nàng Tô Thị" https://giaoduc.net.vn/
2/ 20 năm chầu chực dưới chân nàng Tô để tự kêu oan http://i-dulich.blogspot.com/
3/ Nàng Tô Thị mới http://i-dulich.blogspot.com/
4/ Người đàn ông hai mươi năm ôm nỗi oan dưới chân nàng Tô Thị https://baophapluat.vn/
5/ Kỳ án Ai phá Nàng Tô Thị?/ Hoàng Nam (Youtube Video).
Khả Tri
Theo http://chimvie3.free.fr/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét