Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Mối giao thoa của các loại hình nghệ thuật

Mối giao thoa của các loại hình nghệ thuật

Văn học, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh là những bộ môn nghệ thuật có sự gắn bó chặt chẽ. Lâu nay chúng ta thường quen thuộc với những nhận xét như: trong thơ có họa, trong họa có thơ, thơ là nhạc điệu của tâm hồn… Trong nhiều tác phẩm độc giả dễ dàng tìm thấy được sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật.
Vẻ đẹp non nước Lâm Bình qua thơ ca là nguồn 
cảm hứng để nhiếp ảnh gia Mạnh Cường có 
tác phẩm “Nơi mây phủ sương mờ”.
Sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên thường lên Tuyên Quang để trò chuyện trong các buổi tập huấn sáng tác âm nhạc. Là người tích cực đề cao mối quan hệ giữa thơ và nhạc, ông từng nói thơ là nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn quảng đại và đa cảm. Dựa trên lời thơ, bằng sự rung cảm nghệ thuật các nhạc sĩ xứ Tuyên đã tạo nên sức sống mới cho thi ca.
Ngọc Hiệp được mệnh danh là nhà thơ có “duyên” với âm nhạc. Với hơn 50 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có nhiều ca khúc đã trở nên quen thuộc như: “Điện về bản em”, “Về Tuyên”,  “Lên Nà Hang”, “Về Tân Trào nhớ Bác”... trở thành niềm tự hào của người dân xứ Tuyên. Thơ của ông tìm được tiếng nói chung với nhiều nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ Đức Liên.
Sáng tác năm 2000, bài thơ “Về Tuyên” là lời mời gọi hấp dẫn dành cho tất thảy mọi người đến với quê hương Tuyên Quang. Những câu thơ giàu hình ảnh giới thiệu với độc giả về cảnh sắc tươi đẹp nơi miền sơn cước. Lời thơ nhẹ nhàng, cách sử dụng từ láy và điệp từ, điệp ngữ, tạo cho tác phẩm có một sức cuốn hút kỳ lạ. Đồng điệu cùng cảm xúc yêu quê hương tha thiết, Đức Liên đã phổ nhạc thành công bài thơ của Ngọc Hiệp. Chắc hẳn rất nhiều người dân xứ Tuyên không thể quên được giai điệu mượt mà trong ca khúc: “Anh có về thăm Tuyên Quang. Rừng xanh, xanh biếc mơ màng. Núi Dùm soi gương bóng nước. Thành nhà Mạc mênh mang, mênh mang...”.  
Từ lâu, chúng ta luôn khẳng định thơ ca và hội họa là hai loại hình nghệ thuật gần gũi, có quan hệ mật thiết với nhau. Đến với bài thơ “Cổ tích hang Phia Vài” của Nguyễn Kim Thanh ta bắt gặp một bức tranh thật đẹp: “Núi dựng giữa chông chênh bờ ký ức/Sóng tuôn trào lóc bóc vỗ rêu xanh/Đá lèn đá xếp tầng tầng cổ tích”. Chỉ với nét chấm phá điểm xuyết của hội họa, câu thơ của Vũ Mạnh Tử trong bài Men say cũng đủ để độc giả ngất ngây, đắm chìm bức tranh thiên nhiên: “Gặp hạt ngô vàng - rớt nắng giữa nương quê/ Đã lâu, trộn mãi với đất màu/ Thành men say... rạng miền sơn cước”.
Tác phẩm "Hương vị ngày đông" của tác giả Lê Đức.
Trong số các họa sĩ Tuyên Quang, tranh của Nguyễn Ngọc Điền có sức hút bởi sự nhẹ nhàng tinh tế, mỗi bức họa tựa như một bài thơ. Tác phẩm “Ca dao mẹ” toát lên sự trong trẻo và êm dịu của sắc màu. Bức tranh được làm bằng chất liệu lụa để lại ấn tượng độc đáo trong lòng người xem với hình ảnh người mẹ tần tảo một nắng hai sương. Tác giả đặc tả hình ảnh đôi mắt người phụ nữ xa xăm mong cho con khôn lớn, bay cao bay xa.  Ngoài ra, họa sĩ còn vẽ hình ảnh cánh cò, chi tiết đậm chất nghệ thuật khiến người đọc liên tưởng câu ca dao: “Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”.
Đã từ lâu có mối quan hệ tác động qua lại giữa thơ - nhạc - họa trong đời sống tinh thần và tâm hồn Việt. Nhiếp ảnh cũng nằm trong mối quan hệ đồng nhất đó. Với thi ca thì nhiếp ảnh tưởng chừng như xa lạ nhưng lại bất ngờ cả hai tồn tại trong nhau. Có những vần thơ đã giúp cho nhà nhiếp ảnh phát hiện ra vẻ đẹp mới của cuộc sống trước mắt mình, để sáng tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị. Điển hình như trường hợp của nhà thơ Tố Hữu và nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh Trường. Bắt nguồn từ ý trong hai câu thơ của Tố Hữu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hai câu thơ đã tạo cảm hứng cho nhiếp ảnh Lê Minh Trường lặn lội đến Trường Sơn để “chộp” được khoảnh khắc lịch sử. Bức ảnh Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước nổi tiếng trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh của nước ta. Bức ảnh ấy đã ghi lại sự hào hùng của đoàn quân cách mạng vượt qua đèo cao núi thẳm của Trường Sơn, đạn bom và hy sinh để vào Nam chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 
Ở Tuyên Quang, nhiều nhiếp ảnh cũng đắm say với những câu thơ như: “Người đẹp Tuyên Quang cổ mang vòng bạc/ Môi đỏ như ớt vừa ngọt vừa cay/ Da trắng chân dài đèo cao áo bay” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hay câu thơ “Em gái Dao Tiền như măng bóc/ Các em Dao Đỏ tựa công nương/ Con gái bản Tày ưa nền nã/ Mới gặp lần đầu đã mến thương” (“Với Nà Hang” - Hằng Vũ). Để rồi các anh say mê sáng tạo nên những bức ảnh thiếu nữ vùng cao thật đẹp như: “Thiếu nữ gọi bạn”, “Sắc màu thổ cẩm” của Quang Minh; “Thiếu nữ Tày đan nón”, “Tâm tình” của Hồ Thăng...
Giữa hội họa và nhiếp ảnh có nhiều tương quan mật thiết, gắn bó với nhau. Cả hai đều cần có những tính toán trong việc sử dụng ánh sáng, màu sắc, bố cục, đường nét… Cách tiếp cận tác phẩm đều bằng quan sát và cảm nhận. Họa sĩ Lê Cù Thuần chia sẻ, một bức ảnh hay một bức tranh không có ánh sáng là một tác phẩm chết, bởi vì toàn thể chỉ là những hình ảnh đồng đều lờ mờ khó lòng phân biệt xa gần, trong hay ngoài. Trên thực tế nhiều họa sĩ thường sử dụng máy ảnh để chụp lại mẫu để phục vụ cho tác phẩm của mình. 
Văn chương, hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật riêng biệt, nhưng lại gặp gỡ nhau về ngôn ngữ nghệ thuật và khó tách rời. Tuy nhiên, điểm chung lớn nhất là các tác phẩm đều hướng đến vẻ đẹp Chân Thiện Mỹ, hướng con người đến những điều ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống.
14/11/2020
Giang Lam
Theo https://baotuyenquang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...