Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Màu xanh vĩnh cửu

Màu xanh vĩnh cửu

Huế được xem là một thành phố vườn, cả thành phố là một công viên lớn, ở đâu cũng thấy được một màu xanh mát dịu của cỏ cây, sông, hồ, đồi núi.
Huế mùa sương - Ảnh Phạm Bá Thịnh
Nhìn từ trên cao, Huế với màu xanh bát ngát, mênh mông. Cây xanh được xem là lá phổi của vùng đất Cố đô, là di sản luôn được chăm dưỡng, nâng niu. Những con đường rợp bóng cây xanh, mỗi mùa đơm hoa kết nụ rực rỡ. Những công viên cây xanh phủ kín. Những khu vườn xanh mát, đầy hoa đầy trái. Tất cả làm nên một Huế xanh.
Dưới bóng râm của tán cây, người về ngồi đó trầm tư trong bạt ngàn hương sắc cỏ cây mùa hè. Nắng hồng về đậu trên bông kim phượng rồi qua bông cẩn rầm rì ca vui. Đây chiếc lồng đèn soi mình trên cột gỗ và chữ vạn trang nghiêm ẩn hiện trong màu tối cát tường. Những loài hoa mộc mạc, bình dị ấy được khắc trên Cửu đỉnh đã đi ra từ những khu vườn, đi vào lịch sử, đi vào thi ca. Ở đó, một thế giới sâu thẳm, ban sơ đã tồn tại bằng hơi thở tươi trong vô ngần của xứ sở, lung linh tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa hơn bảy thế kỷ đầy biến động. Nếu một ngày nặng mang những nỗi niềm nhân thế, thử dạo bước qua một khu vườn xứ Huế, gánh chất chồng ấy sẽ vơi đi bớt phần nào.
Cất bước vào căn nhà rường khiêm tốn trong khu vườn xanh mát, tôi chìm đắm trong không gian hằng lưu cữu vệt sống mấy trăm năm. Nói đến kiến trúc nhà Huế xưa, người ta thường nghĩ ngay đến nhà rường. Rường là cách gọi rút ngắn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ, được dựng lên theo những quy cách nhất định. Dù to lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng hệ thống chốt và mộng gỗ, để có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng. Nhà rường là một tác phẩm nghệ thuật, là một phần tinh hoa kiến trúc cần phải gìn giữ, bảo tồn trong mạch nguồn văn hóa của Huế, một vẻ đẹp để nhớ về Huế xưa. “Vua chúa ở nhà rường. Hoàng thân quốc thích ở nhà rường. Quan lại ở nhà rường, người giàu ở nhà rường. Phật và thánh ở nhà rường. Ma quỷ cũng ở nhà rường. Ông bà tổ tiên ở nhà rường. Con cháu cũng ở nhà rường. Nhà rường vẫn là đặc trưng của kiến trúc, văn hóa Huế một thời xưa cũ.” - Nhà nghiên cứu Chu Sơn đã khẳng định như thế.
Tôi không còn là áng mây phiêu diêu khắp núi ngàn sông thẳm. Về đây nghe tiếng mọt thở than trong căn nhà im vắng, nghe lá ngoài vườn xôn xao khúc nhạc xanh. Nghe ai đó kể chuyện ngày xưa. Có gì trong ngăn kéo ký ức, khi nhịp đập thực tại cũng ngân vỡ từ bao giờ. Những trang sách ố màu năm tháng bên chiếc tù và xa hồi chiến trận. Cán cân cũng bất lực đong đếm buồn vui, được mất. Thôi thì lấy phích nước chêm thêm ấm trà đối ẩm, bật radio rè rè tiếng nói một thời xanh. Những kẻ sĩ bạc đầu hương khói, ngậm ngùi nhìn con nước nổi trôi. Nào ai giăng tình bên bến cũ, bỏ mặc một người ngồi vớt mộng trăm năm. Kim Long, cứ nhớ lại lên, nhuộm lại trái tim xanh màu vĩnh cửu.
Mùa hạ ở những con đường vắng trong thành phố, cây dại thi nhau mọc đầy, trổ màu tím mơ của hoa trinh nữ, màu rực rỡ của loài ngũ sắc, màu trắng tinh khôi của xuyến chi dọc lối mòn khuất lấp, bên mảnh đất trống, không người ở và bên trên bờ tường cổ Kinh thành. Lân la, cây bò trên đống gạch hoang phế, nhuộm lên tấm ngói lưu li vàng màu hoa dại. Nhịp hè xao xuyến nhánh bằng lăng trổ hoa tím biếc, ngây thơ vươn ra giữa lòng đường đông người qua lại trên đường Hà Nội, Phạm Hồng Thái. Đó là thứ màu Chàm xưa, màu cô gái buồn thiu tâm hồn vũ nữ gắn lên gạch tháp hình ngọn Mê Ru, màu làm mát dịu hồn người trên phố. Chợt nhớ lối về dĩ vãng phía đô thành ngựa xe dập dìu, cờ phướn rực trời trong nắng sắc kinh đô. Hồn hoài cổ bỗng dưng nhẹ thênh, miên man bám vào bờ sen nở dập dìu mặt nước Ngự Hà. Làm sao quên đường những ngày nắng vàng trên lăng Minh Mạng. Nắng vương trên màu cửa thếp, le lói sáng một vùng không gian chìm trong u tịch. Nghe lá thông rơi ngoài thềm xa, nghe cánh sen nở thầm thì trên mặt hồ Trừng Minh chưa phai mộng cũ. Màu xanh và vô vàn sắc màu của mùa hè như những chiếc dù treo ngược gợi nhớ về bóng mưa bay ngược. Đi dưới tháng ngày nhiều màu sắc cũng là cách vẽ lại những buồn vui. Dù rằng tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta là hợp thể của nhiều thứ màu sắc khác nhau. Khi ta nhìn thấy một số màu sắc nhất định, những cảm xúc khác nhau sẽ phát triển từ những màu sắc biểu hiện đó. Màu sắc mô tả nhiều cảm giác, tâm trạng và suy nghĩ của chúng ta khi đối diện với các tình thái của đời sống. Ở một chiều kích khác, có thể nói màu sắc đã kích thích tâm trí chúng ta như mùa hè này đã chạm vào cõi hoang vắng của tôi vậy. Màu sắc trong tâm lý học dùng để phân tích các khả năng nhận thức, kiểm chứng độ chính xác của thông tin, cảm xúc và là một liệu pháp tâm lý giúp ích cho một số người chọn các màu yêu thích để cân bằng cảm xúc, bình tĩnh trước các áp lực cuộc sống. Dĩ nhiên với màu sắc của bức tranh xứ Huế vào hạ, chúng ta có thể có được cảm giác yên bình, trong lành và khởi sự của nhiều hy vọng, yêu thương.
Giữa mùa hè, con đường “phượng bay mù không lối vào” đẹp u buồn. Ngày xưa, người nhạc sĩ họ Trịnh viết nên bài ca tình lãng bằng đôi mắt nghệ sĩ bao dung bên con đường hoa phượng. Giờ đây màu hoa bị át đi một tí bởi sắc vàng của điệp, màu ngát xanh của hàng cây si, long não… chen nhịp bên đường. Phượng bay về xa xăm, rơi vào bể khứ bềnh bồng. Khách qua đường dừng chân ghé lại bên quán nước vỉa hè. Cây lung lay gọi nàng gió đến bông đùa trưa nóng. Gió từ sông Hương thổi lên mát rượi hồn phong sương trĩu gánh mảnh tình trong. Nhẹ nhàng nhìn lên màu trời xanh biếc, phong sương nhuộm đầu lữ thứ.
Đây đó tiếng chim ngân ca trên hàng cây xanh mát gọi mời. Tiếng chim vút cao qua Kỳ Đài, dừng lại bên Ngọ Môn rồi líu lo ca hát trong vườn Cơ Hạ. Bốn bề yên tĩnh, chỉ có âm thanh thiên nhiên réo rắt căng ra vỗ về ban trưa khoảng vắng. Tiếng hót tù túng của những chú chim bị nhốt trong lồng. Chiếc lồng chật hẹp không giữ được hồn thiên nhiên bay bổng theo tiếng gọi hè. Tôi ước gì có thật nhiều tiền để mua hết những chú chim, thả chúng bay về với cội nguồn ngày hạ. Và thả bay bao hồn lang bạt về đâu giữa nắng trưa ướt đẫm giọt mồ hôi lam lũ. Chim kêu hè, ve gọi hạ lửng lơ trong thinh không vắng lặng. Tôi đưa em về trên con đường phượng bay, lướt qua hàng cây xanh xanh, đã thấy mùa rộn rã trong lòng Thành Nội ngập mùa hạ dâng.
Giữa tháng Bảy, những đám mây con trôi chầm chậm, lấp dần ánh nắng đang cố nhoài mình trên cao. Chúng tụ họp lại thành từng mảng trắng đục rồi ôm nhau, thầm thì trên nền trời đang dần quánh lại, che mất đi khoảng thiên thanh vạn tuổi. Đây đó lảnh lót những tiếng chim khuyên, chào mào và cả những chú sáo tinh nghịch thi nhau hót nhập nhành trên ngọn cây thị già. Đã bao năm ngậm thở chút bụi bặm thời gian, cây thị chẳng thấy bị lũ chim quấy rầy bởi thứ âm thanh réo rắt, náo động phá tan cả một bể không gian rầm rì trong tĩnh lặng. Tiếng ồn ào tạo nên chút xáo động nho nhỏ, vui tai làm tôi ngơ ngác giật mình. Mở mắt. Có ai gọi? Giấc mơ ban trưa yên ả hãy còn đọng lại trong tôi lờ mờ một khuôn mặt bé xinh, ngây thơ của thuở nào non dại. Thoáng thấy một mái tóc buông lơi hồn nhiên, chiếc cài tóc dát ngang vầng trán mịn màng, cong cong hai hàng mi dài xa vắng.
Khẽ đẩy nhẹ ô cửa nhỏ, tôi nhìn ra gò đất màu xanh. Kia, cây thị, một mình nó cùng tháng năm, đứng lẻ loi trên gò đất nổi, giữa khóm tre làng và những hàng cây dại. Hẳn có một sự thỏa thuận, hay ít ra là lời cầu xin của đám cây đủ chủng loại, thị kia mới cho chúng chen chúc xung quanh gò để tồn tại. Lòng cảm thông nhân ái đã cứu rỗi những sinh linh yếu ớt, mỏng manh đương cần sự che chở của thị già. Đây đó vài ngọn sầu đông, dăm ba cây phượng hoe hoe đỏ mấy bông hoa cuối mùa. Tôi chợt thương xót mùa hè quá. Mới đây thôi còn rầu rĩ của đám ve sầu, lốm đốm lửa cháy trên cành phượng chỉ độc một màu. Cuối tháng Bảy rồi, tôi ngửi thấy một mùi hương vừa là lạ vừa quen quen, huyền hoặc và rất dịu. Nhớ ra mùa thị chín đã bắt đầu. Kia, quả bói đã nhú ra vàng ươm lên những ngọn đèn vàng đó thắp sáng lên cho những chiếc lá xanh thầm lặng.
Độ cuối tháng Bảy, không khí của cái xóm nhỏ, nằm khuất trong một con hẻm xa tít phố thị và cách biệt cả những cánh đồng thôn quê xanh rì, màu mỡ, tự dưng có một sự khang khác đặc biệt. Bao nỗi tất bật lo toan mà từng gia đình ở đây đang gánh vác cái cơ nghiệp cồng kềnh trăm mối, cũng vơi đi khi có một làn gió nhẹ thoảng qua. Tôi để ý một mùi hương ngan ngát, trộn lẫn mùi trái chuối ba lùn chín rục, mùi nồng nồng tựa hương sầu đông mùa hoa nở và mùi tinh khiết, thơm tho của hoa huệ ngày rằm. Cả xóm nhỏ bừng tỉnh, ngây ngất trong hương say, có chút gì đó hư hư thực thực xen lẫn trong cuộc sống tầm thường, một sợi chỉ vô hình đang cố níu kéo, có khi làm căng ra những tâm hồn đã lâu lắm chưa được mở. Khoảnh khắc đó khiến người ta quên đi ngay cuộc sống bon chen, đầy sầu muộn. Chỉ cần một nhịp hít thở, hương thị sẽ tràn vào, căng đầy lồng ngực. Hương thị sẽ đến với ta dìu dịu, trong những trưa hè rực lửa hay những đêm trăng rền rĩ của bạt ngàn chuyện sống. Tự dưng thấy đời thật nhẹ! Người lớn thì trầm trồ cho cái phút giây ban đầu hơi ngỡ ngàng, là lạ, gợi lại một thời đã qua gắn với hương thị quyến rũ. Trẻ con lại tiếp tục tái diễn trò của người lớn năm xưa, dưới gốc thị bằng niềm vui thích và sự say mê tận hưởng thứ quả và hương của trời đất trong cái vườn cổ tích vấn vương, đầy níu kéo. Nghiệm ra, có những mùi hương gợi nhớ một thoáng êm đềm của quá khứ, ru ta trong giấc nồng êm đẹp và vĩnh cửu bảo tồn những kỷ niệm thuở xửa xưa như một hành trang tuệ giác cho bao tâm hồn vọng cảm.
Thị ấy đã bao năm đứng vững chãi trên một nền đá khá chông chênh mà chắc thị đã đè bẹp chúng theo tháng năm bởi sức lực của những cái rễ khỏe, ôm trọn, chồng nổi lên lớp đá khá nặng nề, to tướng. Tuổi lão niên, già hơn bất cứ người nào trong xóm đã tạo nên thị một tấm thân đùng đùng, ít ra cũng chứa nổi ba cái chuông chùa cùng một lúc. Thân thị rỗng, có một lỗ cửa khá lớn, nhìn sâu hun hút như một cái hang đen ngòm. Lỗ ấy bị người ta đục bỏ, đốt lửa. Vết than cháy còn in rõ trên thân và in lên trên những khuôn mặt, những chiếc áo của cậu bé con tinh nghịch lỡ làng thám hiểm cái hang cây. In cả lên mặt tôi và một khuôn mặt xinh xinh của cô bé xóm bên ngày ngày vẫn rủ nhau ra nhặt thị vàng chín rụng. Có những ngày mưa phủ bạc cả một vùng, trùm lên cây thị một màn lưới nước trắng xóa, đè những tán lá xanh và những chùm quả vàng mọng. Cô bé ấy và tôi dầm trong mưa ướt, chạy đến ngồi bên gốc thị và nhặt trái chín bị mưa gió quật rơi khỏi cành cây yếu ớt. Bé nhặt đủ một túi nhỏ đem về tặng mẹ và treo một chùm nhỏ trong phòng để lấy hương. Tôi cũng làm theo và tặng luôn bé một chùm thị tràm nho nhỏ nhưng đã rộ vàng, thơm phức. Cô bé cám ơn và nhặt tiếp bông thị vừa rơi xuống, màu trắng tinh khiết bị nhuốm bẩn bởi dòng nước mưa đục ngầu. Cô bé cười bảo rằng hoa thị đẹp. Tôi phải cố công nhặt nhạnh suốt từ sáng sớm đến trưa hôm sau đủ một vòng đeo cổ trắng tinh màu hoa thị. Cô bé đeo lên và hôn nhẹ lên thân thị cùng với nụ cười trao tôi thay lòng cảm ơn mà tôi đã nhắc khéo là không cần đến.
Tôi chỉ nhớ… Một cơn mưa đầu mùa lại đến vội xóa tan bầu hoài niệm. Ở ô cửa nhà tôi, dù xa lắm tôi vẫn trông thấy chiếc vòng hoa thị nằm kia, vắt vẻo trên một cành non gần mặt đất. Những hoa thị trắng, thơm thơm như quả thị đang rơi. Lặng yên, tôi cố hít thở thật sâu mùi hương bao năm nuôi tôi khôn lớn.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thích cái cảm giác ngắm bóng chiều từ từ đổ xuống thành Huế từ không gian một quán cà phê nhỏ nằm mặt sau Đại Nội, quán Chiều. Khi những ánh tà dương thưa thớt dần trên những hàng cây, mặt đường, vẻ u uẩn của lầu Tứ Phương Vô Sự trước mặt Chiều dấy lên nhiều nốt lặng. Khoảnh khắc đó đồng hiện cùng những bản nhạc tiền chiến dìu dắt lòng người. Quán nằm gọn ngay đoạn giao giữa hai con phố Đặng Thái Thân và Phùng Hưng, dáng vẻ thâm nâu, lúp xúp, nơi bóng tối toát lên vẻ kiêu hãnh của nó. Khi đêm xuống, những ngọn nến lung linh đổ bóng khung cửa sổ, le lói sáng từng chiếc bàn thấp, sóng sánh giọt cà phê của những nỗi niềm. Tôi ngồi xuống đây, bên những bạn hiền, bên giọt cà phê rỉ ri nhỏ xuống đáy cốc, biến màu trong suốt thủy tinh sang màu đen huyền của một đam mê chiều. Cà phê tí tách va vào nỗi lòng người luyến cảnh hoàng hôn một thoáng xao động nhỏ. Một màn mưa vàng lá điệp buông xuống vỉa hè. Chiều. Chiều tím bên sông. Thành quách nhạt mờ theo vết ố vàng của vòm mây. Bàn tay ai nắm lại, mừng rỡ, rồi ngân nga câu chuyện bạn hữu muôn đời. Dòng người ngược xuôi trên phố, mang theo nặng gánh lo toan, bàng hoàng đứng ngắm hoàng hôn đang đến gần hàng cây. Giọt nắng rơi vào cốc cà phê, pha vàng màu huyền. Màu khói lam nhả vào nền xanh tán lá. Mắt người đăm đắm biết bao dòng suy nghĩ chạy qua rồi thả vèo cho trôi nổi vào xa xăm. Điếu thuốc tàn, châm thêm điếu nữa, đốt những suy tư cháy theo khói thuốc. Khói bay, tiếng thở dài của một ngày đánh nhịp trên lối về. Có những mạch đời diễu qua trước mắt, chảy lâm râm bọt bèo khổ ải. Tiếng cười trên phố, giọt mồ hôi lam lũ lề đường, dòng miên man hạnh phúc chảy loanh quanh trong chiều tím. Ai đưa sợi dây diều nâng lên những khát vọng nổi trôi và những giấc mơ hóa bão.
Thành phố lên đèn, tôi lại lang thang qua con đường hun hút màu đêm, tưởng chừng đã nuốt chửng vào lòng nó tất cả ký ức của một Kinh đô cũ. Những người bạn mới quen rảo bước trên con đường đẫm hơi nước ngỡ như dẫm chân lên từng vết thời gian khắc khoải, mờ đục. Từng hàng rào âm u lướt qua, một khu vườn yên lặng và ở điểm cuối trơ ra một ngôi nhà ba gian mộc mạc còn sáng đèn leo lét. Những chiếc bóng thầm lặng ngồi quây quần bên nhau mặc kệ trời vừa làm cơn mưa đêm thì thầm. Tôi được mời ngồi xuống một trong những chiếc chiếu trải trên nền đất với dăm ba đĩa bánh, ánh nến soi sóng sánh từng cốc cà phê đen. Một người bạn trẻ mặc chiếc áo kaki, gương mặt thanh tú sau cặp kính trắng ngồi chiếu giữa ôm đàn. Tôi đang bận rộn với những ý nghĩ sắp xếp lại tuổi trẻ sau những bộn bề, sắp xếp lại từng trang bản thảo rơi vãi đâu đó trên cọng tóc sâu. Rồi bộn bề, tóc sâu cũng chìm lắng ở một góc nào đó trong tâm trí khi các bạn hát. Một thế giới khác đã hiện ra, đẩy người nghe nổi trôi bồng bềnh trên sóng nước, rồi lăn như một viên đá hồn nhiên trên đồi cao. Âm thanh lê thê kéo theo những ca từ dìm nghiệt ngã của đời sống thường nhật vào vũng rã rời. Khổ đau đóng băng. Hân hoan tỏa nắng. Những người trẻ chăm chú lắng nghe quanh ánh nến chập chờn, tưởng hình tưởng bóng lung linh kia là cái tôi lạc trôi đã được tìm thấy. Tôi bị quyến rũ trong tiếng guitar ấm trầm, một giọng hát trầm khàn, như tiếng gió qua khe đá trên núi cao, như tiếng thác đổ xuống từ tầng trời Đao Lợi. Thứ âm nhạc đó đích thị dành cho tuổi trẻ mờ phai sau biết bao trận pháo kích của kỹ nghệ, những trò giải trí tầm phào, một lối sống lụy vật chất, một tinh thần phế bạc như bộ mặt của thời đại. Tôi ra vườn, hít một hơi thở sâu như cố lưu trọn cái không khí hiếm có của một khu vườn, một căn nhà và những người bạn đang níu kéo một điều gì đó không thể gọi tên trong giấc xanh của mình. Đâu đó trong góc vườn, một tiếng ve trở mình, cất tiếng sầu lạc lỏng, bất thường trong đêm tối. Ấy là hè cũng vội về trong đêm.
Sớm mai, nắng rọi trên sông vắng, lòng rỗng mênh mông. Dòng nước buồn thở tiếng ăn năn, lặng trôi về cố xứ. Ôm màu xanh vĩnh cửu vào lòng, tôi lật tung từng kỷ niệm còn niêm màu hoa dại. Rồi một mai lên chốn sơn khê, đón mây trắng về hội thung xanh. Dưới cội trang già, nghe chim gọi ngày da diết. Nếu còn ôm mộng du tử hỏi sao chân không làm đau xước đám cỏ trai mơ mỏng. Cứ đi về nơi ấy, để nghe ngọn gió hát ca, thấy suối chảy qua bàn chân mát lạnh.
3/8/2020
Lê Vũ Trường Giang
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...