Theo bước chân lãng du
của Trịnh Công Sơn
(Bài viết này lấy cảm hứng từ phim Ký sự “Trịnh Công SơnVào một ngày đầu hè năm 2019, tôi ngạc nhiên khi nhận được điện
thoại của một người lạ, bạn ấy nói muốn gặp tôi trò chuyện vì đang làm ký sự Trịnh
Công Sơn của Đài truyền hình Việt Nam.
Chúng tôi hẹn gặp ở quán cà phê Trịnh Công Sơn trên đường
Xuân Diệu để nghe nhạc và trao đổi cùng vài người bạn. Lúc ấy tôi mới biết bạn
là Nguyễn Đức Đệ đạo diễn đang làm phim ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du”
gồm 5 tập, kịch bản và cố vấn phim do nhà báo Trần Ngọc Trác ở Đà Lạt một người đam
mê nhạc Trịnh đảm nhận. Anh Trác đề nghị cho anh photo tất cả tài liệu mà tôi
sưu tầm được khi làm luận văn thạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm tư liệu, ngày mai sẽ
vào trường Đại học Quy Nhơn quay ngoại cảnh, tìm lại dấu vết cũ nơi Trịnh Công
Sơn đã từng học thời gian 1962-1964. Phỏng vấn tôi xoay quanh luận văn thạc sĩ
mà tôi đã làm về đề tại Trịnh Công Sơn.
Tôi phân vân không biết có nên nhận lời hay không vì bất ngờ,
chỉ có một đêm không biết phải chuẩn bị gì, các anh nói không cần phải lo lắng vì
đoàn làm phim muốn có một phóng sự thật tự nhiên, chị cứ nói một cách đơn giản
không cần phải chuẩn bị trước gì cả. Đêm đó tôi điện thoại cho nhà trường xin
phép Đài truyền hình Việt Nam vào quay phim và nhờ bạn phụ trách Hội sinh viên
của trường chọn khoảng 10 em sinh viên nữ mặc áo dài để làm nền cho quay ngoại
cảnh, các em đang mùa thi nhưng cũng nhiệt tình tham gia. Và ngày hôm sau đoàn
làm phim làm việc hết công suất cho đến tối họ về lại Sài Gòn.
Một tuần sau tôi đi Hà Lan nên cũng bặt tin. Mấy tháng sau,
tôi nhận được email báo tin ký sự đã hoàn thành và nhận clip phóng sự.
Tôi lần theo bước chân của Trịnh Công Sơn đi từ Huế vào Quy
Nhơn lên Bảo Lộc, Đà Lạt rồi xuống Sài Gòn trong một ngày mùa đông giá lạnh ở
Châu Âu, những thước phim đưa tôi về lại quá khứ một Miền Nam Việt Nam trước
1975.
Tập 1: Ký ức quê nhà
Huế trầm mặc cổ kính với những cung điện tường thành rêu
phong, tiếng chuông chùa trong sương sớm. Huế đài cát kiêu sa như các cô gái
hoàng tộc cung đình xưa. Huế mềm mại như dòng sông Hương lững lờ chảy êm đềm.
Có lẽ chính dải Đất Thần Kinh này đã phần nào tạo nên cốt cách của nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn.
Theo giáo sư Thái Kim Lan một người bạn học cùng thời với nhạc
sĩ đã nhận định:
“Không gian Huế đã nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ thiên tài của
Trịnh Công Sơn”, nhận xét về ông bà nói “Sơn là một người con trai Huế thanh tú
lại đồng thời rất lãng tử hai đặc tính đó làm cho Trịnh Công Sơn thu hút và anh
có một sự mảnh mai nào đó làm cho người phụ nữ xúc động. Trong cuộc sống, mới
nhìn thoạt tiên người ta thấy anh thụ động, trong khi người khác sôi nổi, cuồng
nộ, Sơn đứng nhìn những người khác, và người ta nghĩ anh chỉ là khách qua đường.
Bất ngờ chính người khách qua đường này lại đau hơn tất cả bởi vì anh chạm được
con tim, anh đã hát lên nổi lòng của họ”.
“Huế những năm đầu 60, Trịnh Công Sơn hợp cùng Đinh Cường, Bửu
Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha… thành một băng văn nghệ trẻ rất có thế giá, hiện
sinh, à la mode. Họ ăn bận theo lối Tây, pha một chút Parisien… thong thả dạo
chơi dưới trời xám gây gây lạnh phố Huế. Đinh Cường, Trịnh Cung đem những nét mới
mẻ tây phương vào hội họa, Ngô Kha có tập thơ Hoa Cô Độc và Ngụ Ngôn Của Người
Đãng Trí với ngôn ngữ tân kỳ. Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngô Kha là những giáo sư
triết có tiếng ở học đường bậc trung học. Bửu Ý uyên bác, giỏi ngoại ngữ. Chỉ
riêng Trịnh Công Sơn làm nhạc với những ngôn từ trừu tượng, siêu hình và rất mới
mẻ. Người trẻ lúc đó bắt đầu chìm ngợp trong ấn tượng mơ hồ và lãng đãng đó. Trịnh
Công Sơn trở thành một hiện tượng độc đáo trong làng âm nhạc Việt Nam”. (7)
Những bài hát của Trịnh len lỏi vào đời sống của người dân nước
Việt, ông nói hộ tâm tình của mọi con người. Bà Thái Kim Lan - giáo sư triết học
một Việt kiều ở Đức chia xẻ thời gian bà về Huế, bà thường gặp lại các bạn nữ
trường Đồng Khánh tụ họp nhau cùng hát nhạc Trịnh. Căn nhà nhỏ ngày xưa của ông
trên đường Nguyễn Trường Tộ nay trở thành “Gác Trịnh” nơi thường tổ
chức các gala hội họa hay âm nhạc. Chính căn gác nhỏ này ông thường đứng trên
lan can ngắm người con gái mà ông thầm yêu ngày hai buổi đến trường đi qua dưới
hàng long não lá li ti. Diễm xưa, Diễm của một thời tuổi trẻ, Diễm của “Mưa
vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ/ Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua/ Trên
bước chân em âm thầm lá đổ/ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa”.
"Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những
hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều
ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây
long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve
râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt
nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...", nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn đã viết như vậy về Diễm.
Nơi “Gác Trịnh” này, mùa Đông năm 2013 họa sĩ Đinh
Cường từ Mỹ trở về đã tổ chức triển lãm tranh cùng với những người bạn ngày trẻ
của ông. Ở nơi này, thỉnh thoảng người ta bắt gặp một ông già kéo đàn violin với
những ca khúc nhạc Trịnh, đó là ông Trương Văn Thanh người bạn của Trịnh Công Sơn
học chung thời Sư Phạm Quy Nhơn. Ông Thanh ít tiếp xúc với mọi người ông sống
bình lặng, với ông Trịnh Công Sơn là người bạn tình nghĩa, sau năm 1975 xã hội
biến động, Sơn thường đến thăm và động viên bạn mình cố gắng vượt qua hoàn cảnh
để nuôi ba đứa con thành tài. Cũng như bà Thái Kim Lan từng kể anh Sơn là người
đầu tiên đến thăm gia đình tôi sau hòa bình lập lại. Ông Thanh kể lại quãng thời
gian cùng học với Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn thường cùng bạn ra biển chơi, bản
nhạc Dã Tràng Ca nhạc sĩ đã phác họa như thế nào và đó là hợp xướng đầu tiên của
Trường Sư Phạm Quy Nhơn biểu diễn ở Rạp Kim Khánh.
Khép lại những ký ức quê nhà là tiếng đàn Violin của người bạn
già tấu lên khúc Tình sầu... trong nắng chiều tím thẫm của dòng sông Hương mênh
mang.
Tập 2: Một thời biển nhớ
Quy Nhơn những năm 1962 là một thị xã miền biển hiền hòa nằm
trên rẻo đất Miền Trung, nơi đây vừa mới khánh thành Trường Sư Phạm đầu tiên
đào tạo giáo viên tiểu học cho các tỉnh duyên hải Miền Trung và Tây nguyên khóa
học hai năm. Trịnh Công Sơn vào học khóa đầu tiên. Theo ông Nguyễn Thanh Tỵ: “Để
giới thiệu và quảng bá rộng rãi cho nhiều nơi biết tiếng về trường Sư Phạm, Ban
Giám Đốc trường cho thành lập Ban văn nghệ, sẽ trình diễn một chương trình độc
đáo chưa từng có ở Quy Nhơn từ trước đến giờ. Trịnh Công Sơn được bầu làm trưởng
ban chịu trách nhiệm tổng quát, Thanh Hải phó ban thứ nhất chịu trách nhiệm về
nhạc, Võ Văn Phòng phó ban thứ hai chịu trách nhiệm một vở kịch thơ nhan đề “Tiếng
cười Bao Tự”. Tôi được chọn phụ trách phần thổi sáo đệm thơ trong suốt vở kịch
dài hơn 45 phút. Trong dịp này tôi mới biết và quen Trịnh Công Sơn. Buổi trình
diễn được dự trù đúng vào ngày Song Thất năm đó (7/7/1962). Trong thời gian
này, Trịnh Công Sơn sáng tác trường ca "Tiếng hát Dã Tràng" làm
tiết mục mở màn mà cũng là tiết mục đặc sắc nhất, công phu nhất. Nhạc trưởng Trịnh
Công Sơn với ban hợp xướng do anh tuyển chọn gần 50 người, khổ công trong ba
tháng trời tập luyện đã thành công tuyệt vời trước sự ngạc nhiên đầy thích thú
của quan khách và khán giả. Ngày ấy, Quy Nhơn còn nghèo lắm. Cả thành phố có mỗi
một quán kem duy nhất, vừa bán kem, vừa bán cà phê thuốc lá, bia, trà. Đó là
quán Phi Điệp, nằm trên đường Phan Bội Châu, đối diện với hội trường Quy Nhơn,
nơi đã trình diễn văn nghệ. Mỗi buổi chiều hoặc tối, anh chị em nào có tiền thì
vào quán kêu một bình trà ngồi với nhau nhâm nhi nghe nhạc. Khá một chút nữa
thì kêu chai bia với một tô bò viên gân, ngầu pín của ông ba tàu đậu cái xe phở
trước cửa quán. Thế là sang lắm rồi. Còn những anh chị nào "bô xu"
thì ra biển ngồi ngắm trăng suông. Dọc theo bãi biển là một hàng dương, chạy
dài đến bệnh viện Nguyễn Huệ là xóm chài. Tuyệt nhiên không có một lều quán hay
kiosque nào bán cà phê, bia rượu gì cả. Trịnh Công Sơn và Tôn Nữ Bích Khê thường
ra đó với ông Đinh Cường thì cũng chỉ để ngắm trăng vàng vỡ vụn trên sóng biển
mà thôi”. (1)
Năm 1988, Trịnh Công Sơn từng viết: “Quy Nhơn không hiểu còn
thơ mộng như thời tôi những năm hai mươi tuổi? Cái tuổi ấy nhìn gì mà chẳng đẹp.
Tôi vốn yêu người và yêu thiên nhiên. Có thể rất gần đây tôi sẽ chuẩn bị một
chuyến trở về Quy Nhơn để tần ngần ngồi nhìn một bờ biển của những ngày xưa,
lúc một hạt cát cũng đủ làm tôi cảm động”. Đã lâu rồi ông chưa trở về thăm trường
cũ, dạo đó ông còn trẻ và yêu biển vô cùng. “Biển nhớ” là bài hát ông viết cho
những con đường ở thành phố Quy Nhơn, nơi ấy có một người bạn gái học cùng lớp
hằng đêm thường cùng ông ra ngồi ngắm biển. Ông viết: “Tôi soi vào quá khứ và
tôi nhìn thấy tôi ở biển trong những ngày biển động và biển lặng. Tôi nhìn thấy
tôi lang thang trên đường phố Quy Nhơn một mình. Một mình đánh billard ở đường
Võ Tánh. Một mình nằm ngủ trong căn nhà trọ vào giờ giấc mà mọi người sum họp
vui vầy với nhau… Có những căn nhà trống gió thổi lùa qua mọi ngõ ngách. Tâm hồn
con người cũng có lúc gió lạnh cũng lùa quanh. Đừng nhắc lại dĩ vãng. Nó đẹp
nhưng không ích lợi gì cả. Chúng ta sống cho mỗi ngày hôm nay. Hôm nay cũng là
quá khứ và chúng ta cố giành giựt với thời gian để biến ngày hôm nay thành một
hiện tại vô tận”. (2)
Nơi thành phố biển hiền hòa, yên tĩnh này, ông đã sáng tác những
tình ca nổi tiếng như “Biển nhớ”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Nắng thủy tinh”,
“Dã tràng ca”… Những tình ca của Trịnh Công Sơn đã gây kinh ngạc cho mọi người
thời đó, khi mà cả miền Nam còn quen với dòng nhạc tiền chiến sướt mướt với “Kiếp
hoa”, “Nỗi lòng”, “Khúc nhạc tương tư” hay “Lá thư”, “Tạ từ”... thì những hình ảnh
mang đậm nét siêu thực, với những ca từ lạ hóa. Lạ từ nhan đề tới hình ảnh tân
kỳ trong lời ca mang nhiều màu sắc mới lạ, đã gây sự chú ý và liền chinh phục
người nghe.
Cuối năm 1998, sau 35 năm ra trường, lần đầu tiên ông trở lại
Trường Sư phạm Quy Nhơn cùng nhóm “Những người bạn” dịp Quy Nhơn tổ chức kỷ niệm
Thành phố 400 năm tuổi. Cùng đi với ông lúc ấy có các nhạc sĩ tên tuổi khác như
Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên...
Đó là một đêm đầy cảm động. Cả hội trường Đại học Quy Nhơn nghẹt kín sinh viên.
Có những bài ông vừa hát, sinh viên phụ họa hát theo như một dàn đồng ca đã được
tập dượt trước. 12 giờ đêm chương trình chấm dứt nhưng các sinh viên vẫn quây lấy
ông chụp hình kỷ niệm. Ông xúc động kể lại những năm tháng ông học tại Sư phạm
Quy Nhơn thời 62-64, và hát say sưa không biết mệt. Và có lẽ ông không ngờ, vào
năm 2005 tại ngồi trường này lần đầu tiên ở Việt Nam có một cô gái đã lấy ca từ
của ông làm đối tượng nghiên cứu cho luận văn thạc sĩ của mình.(6)
Ngày nay, Trường Sư Phạm Quy Nhơn đã đổi thành trường Đại học
Quy Nhơn đào tạo đa ngành, năm 2019 thành phố Quy Nhơn có một con đường mang
tên Trịnh Công Sơn.
Và tháng 10.2020 thành phố khánh thành bức tượng Trịnh Công
Sơn ngồi ôm đàn bên bờ biển, bức tượng đặt gần ngôi trường Sư Phạm Quy Nhơn
ngày xưa ông theo học.
Biển Quy Nhơn, ngày đêm vẫn rì rào vỗ sóng, như bản tình ca
da diết của ông: Ngày mai em đi/ biển nhớ tên em gọi về/triều sương ướt đẫm
cơn mê/ trời cao níu bước sơn khê…
Tập 3: Những ngày Bảo Lộc
Năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh
Công Sơn được điều lên Bảo Lộc dạy học. Thời ấy, nghề dạy học là một nghề được
trọng vọng và lương cao. “Với chỉ số lương 320 cộng thêm phụ cấp đắt đỏ vùng
cao lúc bấy giờ, chúng tôi lĩnh được 5.200 đồng, tương đương 2 lượng rưỡi vàng
Kim Thành. Vật giá lại rất rẻ. Tiền ăn, ở mỗi tháng chỉ hết 600 đồng. Chai bia
con cọp 3 đồng. Một dĩa thịt bò lúc lắc 4 người ăn giá 7 đồng. Tô phở 3 đồng,
cà phê loại ngon 1 đồng. Cơm bữa với ba món 6 đồng. Thời gian từ 64-67 chúng
tôi sống sung sướng, tiêu pha rộng rãi mà vẫn còn rủng rỉnh”. (1)
Trịnh Công Sơn vào học Sư Phạm Quy Nhơn cũng vì lý do này, muốn
có một việc làm nhanh nhất để giúp gia đình. “Trịnh Công Sơn theo ban Pháp văn,
tôi theo ban Anh văn. Những ngày mưa gió ủ ê, không đi ra ngoài được vì đất
nhão, chúng tôi nằm khoèo ở nhà, Sơn kể cho tôi nghe về cuộc đời Sơn, nhiều
chuyện vui buồn lẫn lộn. Chuyện gia đình Sơn là một trong những chuyện buồn.
Cha mất sớm, gia đình khánh kiệt, má Sơn phải chật vật lắm mới nuôi nổi bầy
con. Sơn phải bỏ học, về lại Huế, phụ giúp mẹ. Sư phạm Quy Nhơn là con đường ngắn
nhất có thể giúp Sơn đạt được ý nguyện này. Đơn giản vậy thôi!” (1)
Một nhạc sĩ tài hoa vì thời cuộc phải bó buộc cuộc đời mình,
với Trịnh Công Sơn là một bất đắc chí. Ông sống cô đơn trong cõi riêng của
mình. B’Lao ngày ấy là một nơi đèo heo hút gió phần nhiều là người Thượng, người
Kinh ít hơn hầu hết là con em khu gia binh. Trịnh Công Sơn cùng 3 người bạn
thuê 1 villa ở chung với gia đình chủ nhà. Ông ở căn phòng phía ngoài có cửa sổ
mở ra hàng hiên nhìn con đường đất đỏ chạy ngang, bên ngoài là rừng bông lau
cao vút vàng rực trong nắng chiều. Chính nơi này, ông viết ca khúc “Lời buồn
thánh” lấy hình ảnh một cô gái mảnh mai, tóc thề ngang vai, gương mặt như Đức Mẹ
Maria, hàng ngày đi lễ nhà thờ ngang qua nhà ông, đầu hơi cúi xuống, bước chân
lặng lẽ ẩn hiện trong đám bông lau. Chiều chủ nhật buồn/ Nằm trong căn gác
đìu hiu/ Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều/ Trời mưa, trời mưa không dứt/
Ô hay mình vẫn cô liêu. Cô nữ sinh ấy tên Ngà là một cô gái ở gần nhà trọ của
ông.
Dạy học được một tháng, ngày lãnh lương đầu đời ai cũng vui mừng,
riêng Trịnh Công Sơn có phản ứng lạ mà bạn ông không lý giải nổi: “Lãnh lương
xong, ra khỏi cửa, Sơn sải chân đi thật lẹ. Sơn vốn cao, chân dài. Tôi thấp, chỉ
tới tai Sơn, chân ngắn, nên phải nhảy ba bước một, mới bắt kịp. Vừa thở, vừa
kêu Sơn đợi. Sơn không đáp cứ cắm đầu đi thẳng. Vừa vào phòng, Sơn khóa ngay cửa
lại. Tôi ngạc nhiên coi anh chàng làm cái trò gì đây. Sơn để nguyên quần áo, giầy
vớ nằm vật ngửa ra đi văng, tay rút trong túi quần ra cái phong bì tiền lương
lúc nãy, xé phong bì, nắm hết nắm tiền 5200$ gồm giấy 5$, 10$, 50$ tung lên
trên trần nhà. Giấy bạc mới tinh, phát ngân viên Thành vừa lãnh từ kho bạc ra,
rơi lả tả xuống người Sơn, rơi xuống đi văng. Sơn hốt lên, tung trở lại. Sơn cười
sằng sặc. Sơn cười ha hả. Tiếng cười nghe là lạ. Nó pha lẫn niềm vui và nỗi phẫn
hận”. (1)
“Cái cảnh ông Trưởng giáo Trịnh Công Sơn ngồi dạy học ở ngôi
trường Sơ cấp Thượng thì thật là vừa bi vừa hài. Đó là một ngôi trường hai gian,
nhà tranh vách ván. Mỗi buổi sáng, cái hoạt cảnh ông đi dạy đã là buồn cười rồi.
Sơn phải dậy sớm lúc bảy giờ để đến trường. Những ngày có mặt trời thì nhìn
bóng nắng mà đi. Những ngày sương mù hay mưa dầm thì lắng nghe tiếng kèn lính
chào cờ ở một đồn lính nào đó rất xa vọng lại văng vẳng. Te te... Tò tí te... Tò
tí te... Sơn xỏ vội chiếc áo ka ki màu vàng cụt tay, đôi giầy bata màu nâu,
nách trái kẹp cuốn vở soạn bài cuộn tròn, miệng ngậm ống vố, chân sãi bương bã
đến trường. Trường không xa lắm, non nửa cây số, Sơn lội bộ hằng ngày, trên con
đường đất đỏ, càng lúc càng lên dốc. Ngày nắng thì bụi đỏ mù trời, ngày mưa thì
nhèm nhẹp. Có hôm Sơn ngồi chờ mãi mà vẫn không nghe thấy tiếng kèn đồng giục
giã tò te, tí te, cứ ngồi ôm đàn tìm nốt nhạc. Đến khi sương tan hết, mặt trời
ló ra thì đã gần đứng bóng. Ba chân, bốn cẳng Sơn vội vã như ngựa phi nước đại
đến trường”. (1)
Những năm 1964-1967 xã hội Miền Nam nhiều biến động, chiến
tranh càng lúc càng leo thang, biến cố một người bạn cùng dạy học ở B’Lao từ Bảo
Lộc về Sài Gòn bị mìn nổ chết trên đường đi do Việt Cộng gài mìn khiến Trịnh
Công Sơn càng ngày càng rơi vào bi kịch, người ta thấy ông luôn đi đi về về từ
Bảo Lộc - Đà Lạt hay từ Bảo Lộc - Sài Gòn trong dịp cuối tuần. Trong thời gian
này Sơn nhận rất nhiều thư của bạn bè từ Huế gửi đến, những phong thư dày cộm
làm ông bồn chồn, lo lắng, ít đi lang thang vào buổi chiều, thường ngồi thẫn thờ
hàng giờ đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Ba tháng hè, Sơn ở riết
trên Bảo Lộc và tập “Ca Khúc da vàng” được khai sinh từ những đêm mất ngủ đó. Lần
đầu tiên, người ta nghe những ca từ lạ lẫm, không giống như những tình ca trước
kia, mà là những ca khúc nói lên nỗi khổ của con người trong chiến tranh “Gia
tài của mẹ”,” Đàn bò vào thành phố”, “Người già em bé”, “Người con gái Việt Nam
da vàng” v.v...”. Lời ca thật xúc động, nó xoáy sâu vào tim người nghe rồi chuyền
lên óc làm cho rúng động tâm can, tỏa lan dần khắp cơ thể làm cho bải hoải tứ
chi. Nổi gai óc khắp người: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/ Một trăm năm đô hộ giặc
Tây/ Hai mươi năm nội chiến từng ngày/ Gia tài của mẹ một bọn lai căng/ Gia tài của
mẹ một lũ bội tình" (1)
Mùa hè năm 1967, Sơn cùng các bạn ông đang nghỉ hè, bỗng đồng
loạt nhận được điện khẩn của Ty, nhắn lên Bảo Lộc gấp để nhận lệnh nhập ngũ.
Phía dưới còn bị chú hàng chữ: Nếu trình diện trễ hạn sẽ bị đưa ra trường hạ sĩ
quan Đồng Đế. Sơn đến trình diện rồi về Sài Gòn, bắt đầu những ngày tháng bôn
ba trốn lính. Ngày nay, căn nhà Trịnh Công Sơn từng ở trọ dạy học nay là Nhà
hàng Hồng Phát. Ngôi trường ông dạy đã bị san bằng, còn chăng là những đám cỏ
xanh ngút ngàn.
Tập 4: Những góc Trịnh ở Đà Lạt
Đà Lạt mờ ảo chìm trong sương mờ dày đặc, những năm 1964-1967 Trịnh Công Sơn dạy học ở B’Lao cuối tuần ông thường theo xe đò về Đà Lạt gặp
gỡ bạn bè, quán cà phê Tùng là chốn thân quen ông hẹn những người bạn trao đổi
công việc, rồi đến hát ở phòng trà. Nơi này vẫn còn giữ một góc nhỏ nơi Trịnh
Công Sơn thường ngồi đợi bạn. Cô chủ quán kể thường thứ sáu là ông có mặt ở cà
phê Tùng. Theo Bửu Ý, vào năm 1965 tại Đà Lạt tình cờ Trịnh Công Sơn nghe Khánh
Ly hát trong một hộp đêm Tulipe Rouge (4) lúc đó ông nhận ra cô ca sĩ này có giọng
hát lạ phù hợp với những bài hát của mình, nên mời cô tham gia. Hãy nghe ông
nói về cuộc gặp gỡ này: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải
riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc
đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những
bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly.
Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài
hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người
khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ
đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của
tôi không thể thiếu Khánh Ly” (3)
Ngày nay, đến Đà Lạt bạn có thể thấy nhiều quán cà phê hát nhạc
Trịnh với phong cách nhẹ nhàng, lãng tử, ca sĩ và người nghe gần gũi giao lưu
cùng nhau. Quán “Căn nhà xưa” là một trong số đó. Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng một
người bạn của Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt đã có nhiều tranh vẽ hí họa và tượng điêu
khắc nhạc sĩ, họ có nhiều kỷ niệm cùng nhau. Với ông, cái mà nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn cống hiến cho xã hội đó là cả một sự nghiệp ước vọng cho đất nước hòa bình.
Dù nhạc sĩ đã mất gần 20 năm nhưng ông luôn giữ một vị trí quan trọng trong
trái tim những người bạn của mình, chính vì vậy nó là sợi dây kết nối cho những
ai quen biết Trịnh Công Sơn đến gần với nhau. Nhà sử học Trần Viết Ngạc bạn của
Trịnh, thường được cho là “bầu xô” những đêm nhạc Trịnh Công Sơn, ông kể về việc
in ấn các nhạc phẩm của Trịnh và những đêm diễn nhạc Trịnh. Có đêm Sơn hát xong
vừa bước xuống sân khấu các cô gái ào tới vây quanh đưa vai cho Sơn ký, ở Đà Lạt
xứ lạnh nên các cô thường mặc áo măng tô, nếu không có áo măng tô thì các cô
đưa khăn tay cho Sơn ký tặng, với các cô gái đó là niềm vinh dự lớn, những năm
thời đó rất vui, thỉnh thoảng Sơn hát cho sinh viên nghe trong hội trường ở Viện
Đại học Đà Lạt, và được sinh viên hưởng ứng rất đông. Ngày nay, có thể thấy mọi
góc nhỏ Đà Lạt vẫn luôn tồn tại hình bóng Trịnh thông qua những góc phố, con đường,
quán cà phê đi đâu chúng ta cũng có thể nghe văng vẳng giọng hát Khánh Ly trong
những ca khúc của Trịnh. “Ta thấy em trong tiền kiếp/ Với cọng buồn cỏ khô/ Ta
thấy em đang ngồi khóc/ Khi rừng chiều đổ mưa/ Rừng thu lá úa em vẫn chưa về/ Rừng
đông cuốn gió em đứng bơ vơ”.
Tập 5: Người thành phố nhắc tên
Có lẽ biến cố tổng động viên năm 1967 kể cả những giáo viên
đang dạy học là một bước ngoặc trong cuộc đời Trịnh Công Sơn. Chính lúc này là
lúc ông thể hiện rỏ quan điểm của mình. Trịnh Công Sơn lên Bảo Lộc trình diện
nhận giấy triệu tập nhưng ông đã trốn lính. Thời ấy, trốn lính gần như là một
cái “nghề” đầy tính chất phiêu lưu của thanh niên Miền Nam lúc bấy giờ, trong số
đó có Trịnh Công Sơn. Thái độ trốn tránh ấy, chứng tỏ quyết tâm không tham chiến
của ông, ông từ chối chiến tranh và phản đối nó.
Vào những năm 64-67 khi còn dạy học ở Bảo Lộc, Trịnh Công Sơn
vẫn thường đi đi về về Sài Gòn tham gia các phong trào ca hát của giới trẻ, đến
năm 1967 ông trốn lính và ở hẳn Sài Gòn.
Sài Gòn những năm 60 sôi sục tinh thần yêu nước của học sinh
- sinh viên, tinh thần phản chiến rầm rộ trong giới tri thức. Ca khúc Da vàng của
Trịnh Công Sơn xuất hiện đúng thời điểm này nó là tiếng kêu gào ước mơ hòa bình
và hạnh phúc cho con người. Từng câu, từng chữ là sự thật của xã hội Miền Nam
Việt Nam lúc bấy giờ, nó lột tả cái thảm cảnh chết chóc của chiến tranh khắp mọi
miền đất nước, con người dù phía nào cũng là nạn nhân của sự bắn giết tàn khốc,
cùng cất lên tiếng kêu thương bi phẫn, trầm thống của một ước vọng khao khát
hòa bình.
Tụ điểm sinh hoạt văn nghệ tiên phong của thanh niên sinh
viên Việt Nam ở Sài Gòn có sức lôi cuốn mạnh mẽ và tạo tiếng vang trong những
năm dài biến động lúc bấy giờ xuất phát từ Quán Văn. Chính Quán Văn đã đưa tên
tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng quần chúng như Trịnh
Công Sơn, Khánh Ly, Thanh Lan, Từ Công Phụng... Sinh hoạt văn nghệ từ Quán Văn
như một bàn đạp, dần đi sâu vào các khuôn viên trường đại học, đoàn thể. Đó là
một quán cà phê văn nghệ do các sinh viên cùng nhau đóng góp tài chánh mở ra,
các bạn cùng tự quản. Quán Văn nằm sau lưng trường Đại học Văn Khoa trên bãi đất
trống khu tứ giác rộng lớn quần tụ các hội đoàn đó là trụ sở của CPS viết tắt của
chương trình Phát triển Sinh hoạt Thanh Niên học đường, CPS trực thuộc Bộ Quốc
Gia Giáo dục được tổ chức thiện nguyện quốc tế tài trợ, chuyên trách về điều
hành và xây dựng các sinh hoạt thanh niên sinh viên học sinh hướng về phụng sự
xã hội do anh Lê Đình Điểu điều hành. Bên cạnh là Hôi nhu đạo của GS Phạm Lợi
và Hội Kiếm Thuật do ông Hoàng Việt làm trưởng tràng. Xuống một con dốc là sân
bóng chuyền cho sinh viên Văn Khoa sinh hoạt. Gần bên là trụ sở Ca đoàn Nguồn sống,
ca sĩ Thanh Lan và nhiều tên tuổi khác xuất phát từ ca đoàn này. Sau cùng là Hội
Họa sĩ Trẻ với nhiều khuôn mặt họa sĩ danh tiếng Đinh Cường, Nguyên Khai, Trịnh
Cung, Nghiêu Đề... tất cả quần tụ bốn mặt thành khu tứ giác sau lưng Đại học Văn
Khoa. (6)
Nhưng phải đến khi Trịnh Công Sơn và Khánh Ly cùng xuất hiện
một lúc Quán Văn mới trở thành một hiện tượng. Vào cuối năm 1966, buổi ra mắt đầu
tiên của ông trước công chúng Sài Sòn là khoảnh sân sau Trường Đại học Văn
khoa, với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc ghi ta thùng đơn giản và
giọng ca huyền thoại Khánh Ly, những bài tình tự quê hương và thân phận con người
được hát vang lên và làm thức tỉnh, say đắm hàng ngàn khán giả sinh viên cuồng
nhiệt đêm đó. Tác phẩm đã hòa nhập vào công chúng, là tiếng lòng của công
chúng. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành một hiện tượng và rồi trở thành thần
tượng của lớp trẻ lúc bấy giờ.
“Trịnh Công Sơn, với dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng
trí thức, giọng Huế nhỏ nhẹ, với cuộc sống bất định. Đêm đi hát, khuya về kê ghế
bố ngủ với bạn bè ở Quán Văn hay Hội Họa Sĩ Trẻ. Bên cạnh đó hình ảnh Khánh Ly,
khi hát đi chân đất - nữ hoàng chân đất của một thời - giọng hát da diết sương
khói diễn tả nỗi trầm thống vô vọng: “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp
người”. Hai người đi với nhau tạo nên hình ảnh “đôi lứa”, một đôi trai - gái
trong tình bạn hồn nhiên, trong sáng. Tạo thành một đôi bạn trẻ, một couple ở
đây rất mới, đáp lại ước mơ hiện đại của một thế hệ thanh niên muốn phá vỡ quan
niệm nam nữ thụ thụ bất thân còn đè nặng lên xã hội Việt Nam. Trong dư luận, họ
cũng không bị nghi ngờ hay tai tiếng, dù người đời có kẻ thắc mắc, tò mò... Những
tâm hồn phóng khoáng và “hiện đại” thì gạt phăng đi loại “tò mò bệnh hoạn ấy”
“.(8) Và đặc biệt, Trịnh Công Sơn là người tăm tiếng mà không tai tiếng. Sơn
nói: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”. (9)
Khánh Ly viết: “Một mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những
tình cảm đời thường”. (10)
Nhưng trên hết, chính hình ảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường
đi hát cộng đồng, nghĩa là hát không công, không lấy thù lao, chủ yếu là cho
thính giả trẻ, tại các giảng đường, trường học, đã tạo ra một hình ảnh lý tưởng
trong nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát - mang theo lý tưởng nhân đạo và
tình yêu thể hiện sự dấn thân của người nghệ sĩ.
Năm 1969 nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn nổi tiếng khắp thế
giới, ông được xem là một Bob Dylan (nhạc sĩ phản chiến số 1 ở Mỹ) của Việt
Nam. Năm 1970, Bài Diễm xưa được vào chung kết cuộc thi các bài hát
nước ngoài ở Nhật, bài Ngủ đi con chiếm “đĩa vàng” và đã phát hành
trên hai triệu đĩa. (11)
Trịnh Công Sơn từ đó trở thành thần tượng - kẻ du ca bất khuất
- trên đất nước đầy bom đạn. Những sáng tác tiếp theo của ông với những ca từ mạnh
mẽ, trong tập Kinh Việt Nam hay Ta phải thấy mặt trời, Nhân danh
Việt Nam là tiếng kêu gọi hòa bình và thống nhất đất nước. Nhạc phản chiến
của ông bị chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cấm phát hành. Bản thân
ông phải sống trốn tránh. Nhưng ông được nhiều trí thức và quần chúng cưu mang.
Trong đó có đại tá Lưu Kim Cương, một sĩ quan cao cấp trong không quân Miền Nam
Việt Nam đã che chở và giúp đỡ ông rất nhiều trong thời gian khốn khó ấy. Sau
khi đại tá Lưu Kim Cương tử trận, ông viết bài Cho một người nằm xuống để
tri ân một người bạn đã từng che chở mình.
Ngày 30/4/1975 Việt Nam chấm dứt chiến tranh, ngày đầu tiên
ngưng tiếng súng Trịnh Công Sơn và những người bạn hộ tống ông lên Đài phát
thanh hát “Nối vòng tay lớn”, một bài hát nói lên niềm khao khát hòa bình, thống
nhất. Ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam - Bắc, được ông viết từ năm 1968.
Thế nhưng, tình hình của Trịnh Công Sơn thật khá tế nhị trong
thời kỳ sau 1975. Những ngày đầu sau cuộc chiến Trịnh Công Sơn về lại Huế, với
không khí chính trị còn ấu trĩ, tả khuynh quá đà của một số người trong chính
quyền mới, ông bị coi là một nghệ sĩ của chế độ “mục nát” của Miền Nam. Có người
lên án, nhưng cũng có người bảo vệ. Bên cạnh thực tế ấy, Trịnh Công Sơn lại
không đủ sức chống đỡ với những thế lực khác kèn cựa tài năng mình. Hiểu được
bi kịch của ông, và biết rõ tài năng, nhân cách của người nhạc sĩ tài hoa này,
một nhà lãnh đạo nổi tiếng ở phía Nam đã đánh tiếng, gọi ông về Sài Gòn. Năm
1979, Trịnh Công Sơn từ giã Huế vào Sài Gòn. Từ những năm 1980, Trịnh Công Sơn
bắt đầu sáng tác lại. Tác phẩm của ông sau chiến tranh có những bài nổi tiếng
như: Chiều trên quê hương tôi, Em còn nhớ hay em đã quên, Huyền thoại mẹ,
Hà Nội mùa thu, Tiến thoái lưỡng nan, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Lặng lẽ nơi này,
Xin trả nợ người, Lời thiên thu gọi... Những sáng tác này thường là tình ca,
không có bài hát nào liên quan đến chiến tranh, chủ yếu là những tác phẩm viết
cho các phim. Nội dung thường nói lên thân phận con người, kiếp người trong cõi
tạm, mang đậm chất Thiền. Ca khúc cuối cùng ông sáng tác trên giường bệnh là
bài Biển nghìn thu ở lại. Và ngày 1/4/2001 Trịnh Công Sơn qua đời, “con
chim nhỏ hát chơi trên đầu ngọn lau” không còn nữa, vết chim hạc để lại
trên cõi trần đúng 62 năm. Cái chết của Trịnh Công Sơn làm chấn động những người
dân Việt cả trong nước và ngoài nước. Hàng triệu trái tim lặng lẽ khóc thương,
hàng ngàn người đi sau linh cữu ông, chưa có một đám tang nào mà mọi người lại
yêu thương nhau đến vậy, tất cả cùng nắm tay và hát trong nước mắt bài Cát
bụi và Một cõi đi về theo tiếng kèn thống thiết của Trần Mạnh Tuấn. (6)
Người đời tinh lắm, Trịnh Công Sơn đã cho cuộc đời trái tim
ông, ngày ông mất người đời đã cho lại ông tất cả.
“Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ
được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa,
các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái. Cái sứ mệnh huy
hoàng nhất của nó là phải mang được cái thông điệp ấy đến với từng con tim.
Không những chỉ với những tâm hồn vốn yêu chuộng hòa bình mà cả những con tim
đang ngộ độc bởi những ngòi thuốc nổ”. (TCS)
Ngày nay ở Sài Gòn, mỗi năm đến ngày giỗ Trịnh Công Sơn, người
ta lại tổ chức một đêm nhạc tại Hội quán Hội ngộ ở Bình Quới với nhiều ca sĩ nổi
tiếng, đó là chốn đi về của người yêu nhạc Trịnh.
Thành phố Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt nhưng luôn có những quán
cà phê tĩnh lặng dành riêng cho nhạc Trịnh, từ những học giả tri thức đến những
gã bụi đời, lãng tử, già hay trẻ đều say mê nhạc Trịnh bởi vì ông nói hộ cho
con người những âu lo, những vò xé, những thao thức, những đớn đau, những tiếc
nuối, những ngỡ ngàng và cả những hoài nghi, những mê đắm... về thân phận con
người, về chiến tranh nhân loại, về tình yêu thương gắn bó, về sự tan nát chia
xa... ông đi cùng với họ, an ủi, tâm tình bên họ. Có ông cuộc đời như vơi bớt
niềm đau, cái chết cũng không còn ghê gớm nữa. Vì ông đã giúp họ hiểu ra sự thật
của kiếp người.
Khép lại 5 tập ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du” do Đài
truyền hình Việt Nam thực hiện, với ekip đạo diễn Nguyễn Đức Đệ, kịch bản và cố
vấn Trần Ngọc Trác, quay phim Trần Vũ với tôi là một sự tĩnh lặng trong tâm hồn.
Tôi chưa đọc nội dung kịch bản nên không thể đánh giá chính
xác. Vì tôi hiểu từ kịch bản đến những thước phim quay dưới con mắt đạo diễn
còn là một khoảng cách. Bài viết này chỉ là vài cảm nhận khi xem những thước
phim. Ký sự đã phần nào điểm lại một phần đời quan trọng của Trịnh Công Sơn lần
theo những địa điểm ông đã đi qua, gặp gỡ những nhân chứng: Nguyễn Đắc Xuân,
Thái Kim Lan, Trương Văn Thanh, Trường Sư Phạm Quy Nhơn, Ban Mai, Phạm Ghi chủ
quán cà phê Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn, Nguyễn Thanh Tỵ, Cô Ngà trong “Lời buồn
thánh” ở Bảo Lộc (13), Phạm Văn Hạng, Trần Viết Ngạc, Cao Thị Quế Hương, Nguyễn
Hữu Thái ở Đà Lạt, Nguyệt Mai ở Sài Gòn… Ký sự đã cố gắng cho khán giả thấy một
góc nhìn của những nhân chứng, những con người bình thường tình cờ gặp gỡ như
người hàng xóm bên gác Trịnh, anh Hải và đôi vợ chồng trẻ mê nhạc Trịnh mở quán
cà phê Quán Văn ở Sài Gòn… câu chuyện là những thước phim dung dị đời thường,
ekip làm phim đã công phu đi đến nhiều nơi cho ta thấy những mảnh ghép cuộc đời
người nhạc sĩ đã đi qua. Tuy nhiên, ký sự chỉ mới đi trên bề mặt của sự việc.
Giá như ekip làm phim có thời gian đầu tư hơn nữa để nêu bật hoàn cảnh xã hội
Miền Nam lúc bấy giờ, dựng lại bối cảnh chiến tranh, dựng lại không khí sục sôi
đầy hào khí của sinh viên học sinh Miền Nam trong phong trào phản chiến, dựng lại
Quán Văn ở Sài Gòn bằng những thước phim tư liệu, hình ảnh cũ thì nội dung sẽ
thuyết phục hơn. Với tôi, Trịnh Công Sơn chỉ là chứng nhân lịch sử của một thời
đại, đừng gán ông đứng về phía bên này hay bên kia. Nhưng không thể không công
nhận chính không khí chính trị tự do dân chủ của một Miền Nam Việt Nam ngày đó
Trịnh Công Sơn mới có thể sáng tác ra những Ca Khúc Da Vàng làm nên tên tuổi của
ông bước ra ngoài biên giới.
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa của nước Việt mà cuộc đời
ông mãi mãi là nguồn cảm hứng cho mọi người sáng tác, tôi tin rằng sau phóng sự
này sẽ còn nhiều thước phim khác nói về cuộc đời và những tác phẩm của ông.
Hình ảnh đôi mắt trong sáng của anh Hải - một gã bụi đời ngày
xưa và hai bạn nhỏ (đại diện cho thế hệ trẻ sau này) say sưa đàn hát bên ngôi mộ
Trịnh trong một buổi sáng mưa phùn bay lất phất là một hình ảnh đẹp khép lại
thiên ký sự, nhạc Trịnh luôn biết cách đi vào trái tim con người như vậy.
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp ngườiCòn cuộc đời ta cứ vuiDù vắng bóng aiDù vắng bóng ai.Diễm Xưa - Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
Biển Nhớ - Trịnh Công Sơn - Khánh
Ly
Lời Buồn Thánh - Trịnh
Công Sơn - Khánh Ly
Ca khúc da vàng - Khánh Ly - Trịnh Công Sơn
Gia tài của mẹ - khánh ly
Người già em bé - Khánh Ly
Người Con Gái Việt Nam Da
Vàng - Khánh Ly
Rừng Xưa Đã Khép - Trịnh
Công Sơn - Khánh Ly
Để Gió Cuốn
Đi - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Thanh Tỵ - Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn, Văn
học số đặc biệt tháng 10-11/2001, California, Hoa Kỳ.
(2) Trịnh Công Sơn - Về một thành phố tôi đã xa, trang web:
tcs-home-org/.
(3) Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), Kiếp sau tôi vẫn là
người nghệ sĩ (trả lời phỏng vấn VCH), in trong “Một cõi TCS”, NXB Thuận
Hóa. TTVHNNĐT, tr 522.
(4) Đính chính: TCS và Khánh Ly gặp gỡ đầu tiên là tại hộp
đêm Tulipe Rouge mà Bửu Ý nhắc là năm 1965. Trong ký sự tập 4 nói TCS và Khánh
Ly gặp nhau ở Thương xá Le Tulipe là không đúng vì thương xá này mới xây dựng
năm 2003. hai địa điểm này khác
nhau. https://thanhnien.vn/
(5) Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), Bài hát đầu tiên bài
hát cuối cùng, in trong “Một cõi TCS”, NXB Thuận Hóa, tr. 180.
(6) Ban Mai - Trịnh Công Sơn vết chân dã tràng - NXB Lao động
- Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2008
(7) Hoàng Xuân Sơn - Cũng cần có nhau - NXB Nhân Ảnh - Canada
2013
(8) Đặng Tiến (2001), “Đời và nhạc Trịnh Công Sơn”,
http://www.tcs-home.org/.
(9), (10) Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), Kiếp sau tôi vẫn
là người nghệ sĩ (trả lời phỏng vấn VCH), in trong “Một cõi TCS”, NXB Thuận
Hóa. TTVHNNĐT, tr 529, tr 112.
(11), (12) Bửu Ý (2004), Một nhạc sĩ thiên tài, NXB Trẻ,
tr 27, tr 140.
(13) Đính chính: Theo cô Ngà, người nữ trong ca khúc “Lời buồn
Thánh” cô không phải người Thiên chúa giáo mà theo Đạo Phật, hàng ngày cô đi học
ngang qua nhà trọ của TCS ở B’Lao, chứ không phải đi lễ nhà thờ như ông Nguyễn Thanh
Tỵ viết, TCS đã lấy hình ảnh cô nữ sinh đi ngang qua nhà mỗi buổi chiều làm niềm
cảm hứng để viết ca khúc này.
8.11.2020
Ban Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét