Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Tản mạn về hình mẫu người mẹ trong tranh cổ điển

Tản mạn về hình mẫu
người mẹ trong tranh cổ điển

Hình tượng người mẹ là một chủ đề xuyên suốt đối với người họa sĩ qua các thời đại, bởi một thế giới không có những tác phẩm mô tả về mẹ thì sẽ như thế nào? Thế giới như vậy đơn giản là không tồn tại. Không chỉ là vẻ đẹp và sự dịu dàng, hình mẫu người mẹ còn có thể truyền cảm hứng cho người xem tranh đến gần hơn với một cảm giác “nguồn cội”, khiến họ thể nghiệm được sự thánh khiết, cao thượng và bao dung.
Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật phương Tây cổ điển thể hiện hình mẫu người mẹ, mà cụ thể là Đức Mẹ. Từ thế kỷ thứ 3, trên các bức tường Hầm mộ Pricilla dưới lòng của Rome đã xuất hiện bức bích họa mô tả chủ đề này. Trong những thế kỷ sau, các bức tranh mô tả về Đức Mẹ trở nên phổ biến hơn.
Bích họa “Virgin and Child with Balaam the Prophet” 
trên tường Hầm mộ Pricilla, cuối thế kỷ 2  
đầu thế kỷ 3. (Ảnh: Public Domain)
Bảo tàng nghệ thuật Uffizi ở Florence, Ý, còn lưu giữ 3 bức tranh về Đức Mẹ và Chúa Giê-su từ cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Những bức tranh vẽ Đức Mẹ ở thời kỳ này có phong cách và bố cục tương đối giống nhau, và Đức Mẹ luôn trông như một vị nữ hoàng cao quý.
Tranh thờ phụng “The Annunciation and Two Saints” 
tại bảo tàng nghệ thuật Uffizi, năm 1333. (Họa sĩ: 
Simone Martini, Lippo Memmi, Wikipedia, Public Domain)
Vị trí trung tâm của Đức Mẹ trong các tác phẩm nghệ thuật cho thấy vào cuối thời kỳ Trung cổ, Đức Mẹ có tầm quan trọng rất lớn, được xem như cây cầu nối với Đức Chúa Giê-su. Các họa sĩ Ý như Duccio, Giotto và Cimabue cũng thể hiện hình ảnh mang tính biểu tượng thiêng liêng này trong các tác phẩm của mình.
Đức Mẹ từng là đề tài trung tâm trong sự phát triển nghệ thuật phương Tây và xuất hiện trong rất nhiều đơn đặt hàng của các họa sĩ, do đó hình ảnh này thường được các họa sĩ nghiên cứu nhiều lần. Danh họa Phục Hưng Leonardo da Vinci cũng có nhiều tác phẩm về chủ đề này.
Bức “The Annunciation” tại bảo tàng nghệ thuật 
Uffizi, năm 1472-1475. (Họa sĩ: Leonardo 
da Vinci, Wikipedia, Public Domain)
Trong những năm đầu sáng tác, Leonardo da Vinci đã vẽ tác phẩm “The Annunciation” (Tạm dịch: Tiếp nhận Thiên ý) cùng người thầy của mình là Andrea del Verrocchio. Trong tác phẩm này, Đức Mẹ đã được Thiên sứ Gabriel báo trước về việc mang thai Chúa Giê-su: “Đức Thánh Linh sẽ tới nhờ bà, và sức mạnh của Đấng Tối Cao sẽ che chở cho bà” (Phúc âm Luca). Bối cảnh tranh là một khu vườn xanh tươi bên trong những bức tường của cung điện thời Phục Hưng. Mặc dù tác phẩm này được Leonardo vẽ từ những năm bắt đầu sự nghiệp nhưng sự tự tin trong bố cục của danh họa đã được thể hiện rất rõ ràng.
Bức “Virgin of the Rocks” tại bảo tàng Louvre, 
năm 1483-1486. (Họa sĩ: Leonardo da Vinci, 
Wikipedia, Public Domain)
Giữa những năm 1483-1486, Leonardo da Vinci đã vẽ lại hình ảnh Đức Mẹ trong tác phẩm “Virgin of the Rocks” (Tạm dịch: Đức Mẹ trong hang đá). Trong tranh, Đức Mẹ hướng Thánh Gioan về phía Chúa Giê-su. Một Thiên thần ngồi bên cạnh Đức Chúa Jesus. Bốn nhân vật trong tranh đang ở giữa một hang đá trong khi hầu hết các bức tranh vẽ Đức Mẹ thời kỳ tiền Phục hưng đều lấy bối cảnh bà đang ngồi trên ngai vàng hoặc giữa một khung cảnh được trang trí công phu. Da Vinci đã thể hiện Đức Mẹ một cách tài tình, trong tư thế trìu mến, với tay đưa lên, và đầu nghiêng xuống. Chính tư thế này đã thổi hồn vào hình ảnh Đức Mẹ.
Vào những năm sôi nổi nhất của thời kỳ Phục Hưng, Đức Mẹ được vẽ mang tính trần thế hơn, ít tính thánh khiết hơn, mang đến cho người xem tranh một cảm giác gần gũi hơn.
Trong một thời gian ngắn từ năm 1504 đến năm 1508, danh họa Raphael đã vẽ ít nhất 17 bức tranh cỡ nhỏ về Đức Mẹ và Chúa Hài đồng. Nhiều tác phẩm được thực hiện theo yêu cầu của những khách hàng tư nhân, mong muốn được truyền cảm giác về sự che chở của Đức Mẹ. Trong số hàng chục tác phẩm của Raphael về đề tài này, nhiều bức vẫn được đánh giá là kiệt tác.
Bức “Conestabile Madonna” tại bảo tàng Hermitage, 
năm 1504. (Họa sĩ: Raphael, Wikipedia, Public Domain)
Bức “Conestabile Madonna” được Raphael vẽ năm 1504 cho chúng ta thấy cảnh Đức Mẹ và Chúa Hài đồng đọc sách. Bức tranh này mang đến cho người xem những giây phút tĩnh lặng trong tâm hồn để chiêm nghiệm.
Ngoài những mô tả tâm linh về Đức Mẹ, hình mẫu người mẹ còn xuất hiện trong những phương pháp thể hiện khác. Rembrandt van Rijn đã mô tả mẹ ở tuổi già của bà với một vẻ đẹp tinh tế.
Bức “Rembrandt’s Mother”, năm 1631. 
(Họa sĩ: Rembrandt Harmenszoon van Rijn, 
Wikipedia, Public Domain)
Trong khi đó, họa sĩ người Hà Lan, Gabriël Metsu, lại vẽ cảnh một đứa trẻ ốm yếu được nâng niu trong vòng tay yêu thương. Đứa bé nhìn ra ngoài như thể đang suy ngẫm về một điều gì đó, trong khi sự tập trung của người phụ nữ lại hoàn toàn đặt vào đứa bé.
Bức “The Sick Child” tại bảo tàng Rijks, 
năm 1660-1665. (Họa sĩ: Gabriel Metsu, 
Wikipedia, Public Domain)
Hình mẫu của người mẹ trong các bức tranh cổ điển khiến người xem thể nghiệm được những ý tưởng sâu sắc về mối quan hệ giữa một đứa trẻ ngây thơ và một người bảo hộ đầy trách nhiệm. Nó nhắc nhở nhân loại không chỉ về sự dịu dàng, bao bọc, chở che, mà còn về sự dạy dỗ, hướng Đạo, cùng quay trở về với nguồn cội.
15/6/2021
Sarah Hodges
Minh Nhật biên tập
Nguồn: “Mothers in Art 
Depictions of Unwavering Love”
Theo https://trithucvn.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...