Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Vũ Thành An, giã từ nhạc Không Tên

Vũ Thành An, giã từ nhạc Không Tên

Năm 1955 tôi là một trong số 150 học sinh “Bắc kỳ nho nhỏ” trúng tuyển vào lớp đệ thất đầu tiên của trung học Chu Văn An tại Sài gòn. Sau khi trường Bưởi dẹp tiệm tại Hà Nội, bầu đoàn thê tử cũng di cư vào Nam trên mấy chiếc “Tàu Há Mồm”, LST. Nhu cầu học vấn cho vài chục ngàn con em gia đình Bắc di cư thật cấp bách. Sau một năm chuẩn bị, Chu Văn An khai giảng tại Sài Gòn.
Thoạt đầu trường sở phải ăn nhờ ở đậu phía sau trung học Petrus Ký. Một dẫy lầu ba tầng dành cho các lớp lớn theo trường vào Nam. Chúng tôi là lính mới tò te, con đầu lòng Chu Văn An tại Sài Gòn. 150 nam tân binh chia thành ba lớp cùng với một lớp “nữ” chiếm dẫy nhà trệt phía trong.
Trước hết xin giải thích để độc giả khỏi thắc mắc. “Chu Văn An là trường Nam, sao lại có một lớp nữ sinh?.” Đây là chuyện khó tin nhưng có thật. Năm ấy Trưng Vương cũng di tản chiến thuật vào Nam, trong lúc “tái phối trí”, chưa sẵn sàng trường sở, phòng ốc còn “khiêm nhường” mà ngày khai giảng đã đến. Chu Văn An đã yên bề gia thất, mặc dù ăn nhờ ở đậu, nhưng đã có đất cắm dùi bèn nhính cho Trưng Vương một lớp gọi là giao duyên.
Lý do thứ hai, thày hiệu trưởng Vũ Ngô Sán, có hai cô con gái đến tuổi vào đệ thất. Tôi còn nhớ rất rõ tên tuổi hai cô: “Tây lầu hai đấng nữ nhi, Bích Liên là chị, em thì Mai Hương”. Nhân dịp Trưng Vương cần lớp, Thày Sán tình nguyện cho mượn một lớp, vừa tỏ tình hữu nghị, vừa tiện việc kiểm soát hai cô con gái rượu.
Cũng vì có âm dương đề huề dưới cùng một mái trường, lớp chúng tôi quả thực có những sinh khí lạ thường. Cũng từ dẫy nhà ngang trên đường Trần Bình Trọng năm ấy đã đào tạo ra bao tên chọc trời khuấy nước trên mọi phương diện:
Bên thi văn có nhà thơ lực sĩ “Du Tử Lê Cự Phách”, Đảo Nữ Trương Trọng Trác. Bên võ có Trụ Huỳnh Trần Tán Trụ, một mớ khá bộn trung tá đại tá. Phía báo chí có “Ngọc Hoài Phương Kều”. Bên điện ảnh truyền hình có “Cậu Trời Nguyễn Ngọc Chấn”. Cửa quan có “Bùi Bảo Trúc Mảnh Mai” bên ngân khố có “Nguyễn Đình Hùng”. Phía tu hành có Thầy “Võ Hữu Hiệu” trụ trì tại động Washington. Riêng bộ môn nhạc, một sự ngạc nhiên vô cùng thích thú, có “Vũ Thành An” v.v...
Trong hai năm học chung, Vũ Thành An là cậu học trò bị anh em chọc ghẹo nhiều nhất. Mang tên đầu mẫu tự, An bị xếp ngồi bàn đầu, dẫy ngoài. An cao lêu khêu từ hồi 13 tuổi. Vần “C”, ngồi ngay sau lưng Vũ Thành An cũng là cái lợi. Tôi có khiếu làm biếng từ lớp đệ thất, mỗi khi không thuộc bài tôi núp mình theo chiều cao của An để tránh hướng nhìn, thầy khỏi kêu trả bài. Từ đó động từ “che gió” được chế ra.
Vũ Thành An hiền và nhút nhát như con gái. Anh em đùa là chàng ngồi lộn lớp, đáng lẽ hắn phải ngồi lớp B3, của con gái. An trắng trẻo, cao ráo, hơi đẹp trai. Mỗi lần bị ghẹo mặt hắn ửng lên trông cũng xinh và tội nghiệp.
Chúng tôi làm văn nghệ, bích báo rất sớm, từ đệ nhất lục cá năm 1955. Vũ Thành An chưa trổ mã trên sinh hoạt văn học. Xuân năm ấy chúng tôi tổ chức văn nghệ liên lớp đệ thất. Nhân lực có thừa cả nam lẫn nữ, muốn làm cho các lớp đàn anh lác mắt.
Các cô B3 hát và múa líu lo, có cô Ngân giọng hay như Bích Chiêu, sau thành ca sĩ Bích Quyên. Tôi phụ trách kịch B2, làm một vở kịch tham ăn, tự biên tự diễn với cái hỗn danh là “Cậu Trời”. Vở kịch cần một nữ đóng vai chị vợ hiền, kềm chồng bớt ăn để khỏi mang tiếng. Các chị bên nữ chẳng ai dám đóng vai vợ “Cậu trời”, chúng tôi đè Vũ Thành An ra bắt đóng vai cô vợ. Cái bẽn lẽn của Vũ Thành An làm cho vở kịch thêm vui nhộn.
Năm đệ ngũ một số ở lại, số khác chia tay rải qua các trường khác tại Sài Gòn, Gia Định. Ngoại trừ một vài anh em cùng sở thích, còn liên lạc với nhau, các bạn Chu Văn An cũ phân tán mỏng.
Năm 1961, đang ở Kiến Hòa, cuối tuần về Sài Gòn thăm gia đình. Tình cờ nghe radio theo dõi chiến dịch cứu trợ nạn lụt miền Trung, Nhạc sĩ Đan Thọ giới thiệu một nhạc phẩm có nội dung chia sẻ nỗi khổ của đồng bào ngoài nớ. Ông Đan Thọ giới thiệu ca khúc này là sáng tác đầu tay của một nhạc sĩ mới. Tên Vũ Thành An, tác giả ca khúc gây cho tôi một sự thắc mắc. Chẳng lẽ anh chàng trai trẻ, nhút nhát ngày xưa đã bắt đầu sáng tác.
Tôi nhớ sau khi diễn kịch năm 1955, An mắc cỡ, muốn khóc, thề suốt đời không lên sân khấu. Chờ mãi radio không phát lại bản nhạc “Dòng nước oan khiên”, hy vọng bạn tôi đã thành danh, anh em xa bắc quàng nhận họ. Tôi hơi vô lý, nạn lụt đã hết ai còn phát nhạc lụt làm gì nữa.
Năm 1965 dạy học dưới tỉnh, tôi ngạc nhiên vì những ca khúc không tên, mang tâm trạng não nuột của kẻ si tình, thất tình trở thành đầu môi chót lưỡi của thanh thiếu niên. Tôi biết ngay tác giả Vũ Thành An chính người ngồi che gió suốt hai năm Chu Văn An cho tôi.
Từ đó tên tuổi Vũ Thành An được nhắc tới trên radio, tại phòng trà, quán cà phê, ngoài phông tên nước, khắp hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng nghe những câu hát của Vũ Thành An.
Tôi chỉ gặp lại An vài lần ở Sài Gòn, chưa kịp tâm sự thì đã phải chia tay. Cuộc đời cứ lặng lẽ trôi, An viết nhạc, đi lính, làm thông tin v.v... Tôi dạy học, làm lính, làm phim và làm biếng.
Một buổi chiều năm 1991 vợ chồng Ngọc Hoài Phương mời tôi xuống nhà ăn cơm tối, nhân tiện họp mặt bạn cũ vừa qua theo diện “HO gà”. Thật xúc động gần 30 năm mới gặp lại những người bạn cũ. Hình ảnh thuở học trò hiện về trong ký ức thật mãnh liệt. Giờ đây đa số đã thành danh và thành ông nội, ông ngoại. Tám thằng chúng tôi ồn như cái chợ, tranh nhau nhắc lại những trò phá phách ngày xưa. Lâu lắm mới nghe nhắc đến cái hỗn danh “Cậu Trời” của tôi Nguyễn Quang Minh, pháp danh “Minh Dê” vẫn hiên ngang như ngày nào, mặc dù tên trung tá giặc “Xe Bọc Sắt”, gỡ mười mấy cuốn lịch, trở về mất vợ, lạc con. Đào Chí Hồng chính danh “Hồng Trố” vợ cũng đi chỗ khác chơi, vẫn triết lý vụn như ngày xưa. Vũ Thành An sống sót trở về chỉ còn con, lạc mất vợ!.
An mới qua được vài tháng cầm cây đàn thùng khoe với anh em một nhạc khúc vừa sáng tác. Anh chàng cao lêu khêu, mái đầu đã điểm nhiều mảng da trắng bóng, vẫn mảnh khảnh và còn nguyên vẻ thẹn thùng ngày xưa.
An dạo đàn, “nói lối” như sắp vô “sáu câu”, tả oán cảnh cha con đi shopping. Sau mấy vòng quay cuồng, choáng váng nhìn ông đi qua bà đi lại, những hào quang trong thương xá. An ngồi trên ghế đá nghỉ chân. Giữa một không gian đầy người, An vẫn thấy mình cô đơn, trống vắng, nghêu ngao trong đầu một tâm khúc đem ra chia sẻ, làm quà với anh em.
Nhạc phẩm “Xa lạ”... có những câu nghe nhức nhối:
Lang thang giữa dòng người xa lạ... Rưng rưng đáy hồn niềm xót xạ...
Đời đông đảo quá ngược xuôi vội vã… Gần bên mà cứ như xa!
Vũ Thành An không hát mà anh thì thầm tâm sự. Tất cả những ồn ào của tiệc rượu lắng lại, bùi ngùi chia sẻ tâm trạng lạc lòng của những người bạn H.O.
Du Tử Lê bưng ly, hớp một hớp rượu, ôm bụng, ôm bút chạy vào “toilet”. Năm phút sau trở lại ngồi bên Vũ Thành An, dúi cho bạn một bài thơ viết trên giấy hiệu “kiss me”. Lê bảo An, cho mày bài thơ, chừng nào rảnh phổ nhạc, kỷ niệm ngày hội ngộ. An ngập ngừng đọc bài “Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi”.
Thơ Du Tử Lê nghe thật cô hồn, nhất là thơ viết về bằng hữu, tới đoạn nhắc đến “cậu Trời, tôi giật mình, vội vồ lấy trước khi Vũ Thành An phổ thành nhạc. Tôi yêu cầu cậu Lê bỏ đoạn nói về tôi, để khỏi làm sứt mẻ lòng yêu thương của các tín đồ đối với tôi. Đoạn thơ nói về thời gian tôi “bụi”.
Thơ rằng:
Thằng Chấn năm xưa nhận Cậu Trời, Chúng mình đương học nó đà chơi, Mười ba tuổi rưỡi nghề: thuê chém! Bố khỉ! giờ đây cũng hóa người.
Sau tiệc rượu chúng tôi lại chia tay, Vũ Thành An chưa hết xót xa, chuyện gẫy gánh với vợ. Năm 1980 An còn ngồi gỡ lịch trong trại cải tạo Hà Tây. Người vợ không còn “Quấn quít vân vê tà áo”, mà ôm trọn gia tài “bỏ mẹ” ra đi khi trời vừa sáng.
Nắng Cali không đủ làm ấm lòng, Người Cali không làm anh hết “Xa lạ”, An tìm lên miền Bắc sống trong âm thầm với mấy con.
Cách đây vài hôm An về Cali, tổ chức đêm văn nghệ nghe rất lạ tai: “Đêm Vũ Thành An giã từ nhạc tình”. Bạn bè hỏi tôi không biết đâu trả lời. Đêm 7 tháng 6, An nhính cho tôi vài giờ để ăn vội với nhau tại quán “Bắc Kỳ Nguyễn Huệ”. Bữa ăn có Vũ Thành An, Du Tử Lê, Ngọc Hoài Phương, Hồng Trố và tôi. Sau bữa cơm thanh đạm tôi và Du Tử Lê kéo đến VAALA nghe nhạc "NHÂN BẢN" của Vũ Thành An.
Chấn Ngọc Nguyễn (CNN): Lý do Vũ Thành An từ giã nhạc Tình?
Vũ Thành An: Không phải tôi từ giã nhạc, Vũ Thành An chỉ ngưng viết nhạc tình yêu lứa đôi. Tôi chuyển mình đi vào một loại nhạc khác ca ngợi tình yêu cao quý hơn, phổ quát hơn đó là Thánh nhạc và Thánh Vịnh.
Chuyện rất dài nhưng tóm gọn: Kể từ năm 1981 tôi được ơn cứu rỗi lúc cải tạo tại Hà Tây. Thoạt đầu vì những dằn vặt của tình yêu, cuộc đời và danh vọng, tôi bị chứng mất ngủ tệ hại. Trong một đêm trằn trọc, tôi nghe hai anh bạn tù thì thầm với nhau, mỗi lần mất ngủ họ đọc kinh “Kính mừng” là sẽ tìm ngay được giấc ngủ yên lành.
Tôi là người ngoại giáo, năm 17 tuổi có theo một cô gái rất ngoan đạo. Một trong những lần gặp gỡ cô bé chép cho tôi kinh Kính Mừng, khuyến khích tôi học thuộc. Vì chiều lòng cô, tôi thuộc kinh cho đến nay.
Nghe hai người bạn tù thủ thỉ, tôi thử đọc nhẫm kinh Kính mừng, Vừa đọc xong kinh tôi tìm được giấc ngủ lần đầu tiên sau nhiều tháng trằn trọc. Tôi bắt đầu tìm hiểu về Thiên Chúa Giáo. Được sự giúp đỡ của những Ky tô hữu trong trại cấm. Tôi được ơn cứu rỗi. Nghiệm thấy vài phép lạ, lén học thánh kinh, lén làm dấu thánh và lén làm nhạc ca ngợi Thiên Chúa, nhất là mẹ Maria. Tôi được các tín đồ Công giáo chấp nhận, thêm sức và rửa tội cho tôi trong một đêm thật thiêng liêng và cảm động.
Tôi viết nhạc Thánh ca từ đó và chỉ ghi nhớ trong đầu, không giám chép thành văn bản. Việc truyền giáo trong trại cải tạo là một hình thức phạm kỷ luật của trại có thể bị phạt rất nặng.
CNN: Trở lại với thời Nhạc tình, Vũ Thành An đi vào âm nhạc trong trường hợp nào?
VTA: Năm 1965 tôi là biên tập viên đài phát thanh Sài Gòn với Nguyễn Đình Toàn, có quen một cô bạn, tình yêu lúc ấy còn mãnh liệt lắm. Cô bạn muốn có một bản nhạc làm kỷ niệm. Vì sự khuyến khích đó tôi sáng tác “Tình khúc thứ nhất”. và các tình khúc số 2, 3, 4. Cuộc tình kéo dài được một năm thì chấm dứt “Bài không tên cuối cùng” đánh dấu thời điểm đó. Các nhạc phẩm không tên được ái mộ vì nó là tâm trạng chung của nhiều người trẻ. Sau bài không tên cuối cùng tôi trở lại viết bài số 5,6,7 v.v... không theo một thứ tự thời gian nào cả.
CNN: Sau cuộc tình thứ nhất chấm dứt, VTA làm gì?
VTA: Mình bị động viên ra trường làm quân cảnh, vào khoảng năm 1972,73. Được 6 tháng thì biệt phái trở lại Đài Phát Thanh Sài Gòn và, sau đó làm trưởng Ty Dân vận Chiêu hồi tỉnh Gia Định. Trong suốt thời gian đi lính đi làm, mình bớt sáng tác. Năm 1974 mình viết một đợt gồm có bốn bài về “Người”, chưa kịp phát hành thì sập tiệm mình ngưng luôn.
CNN: 30/4/1975 Vũ Thành An làm gì?
VTA: Đầu năm 75 tôi qua làm Bộ thông tin, rồi trở lại làm tại Đài Phát Thanh Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4. Tôi bị xúc động vì chính tôi phải phát thanh cuốn băng đầu hàng của Tướng “Big Minh”.
CNN: Sau ngày mất nước An ra sao?
VTA: Tôi bị bắt học tập, nếu chỉ làm trưởng Ty dân vận thì vài năm là về rồi, nhưng không may trong công ăn việc làm, cứ chuyển từ sở này qua bộ nọ. Hồ sơ cải tạo lung tung, họ nghi mình làm lớn hoặc có liên hệ với CIA chi đó, vì thế mình gỡ hơn 10 cuốn lịch. Thoạt đầu từ Long Thành ra Bắc Thái, Thanh Hóa, Hà Tây, Nam hà rồi mới được thả. Mình cũng nếm đủ 4 món ăn chơi của Bác và đảng.
CNN: Trong thời gian học tập Vũ Thành An có sáng tác không?
VTA: Có chứ, nhiều bản nhạc được làm trong thời gian cải tạo nhưng chỉ ghi nhớ trong đầu, chưa từng phổ biến. Nội dung những nhạc khúc trong thời gian đó mình nhấn mạnh đến cái nhân bản. Sau những chém giết, đổ vỡ, con người lại trở về với bản ngã của chính mình, cùng một mầu da, một sắc máu. Những bản nhạc mình trình bày lúc chiều tại VAALA mang những tâm tình đó, lần đầu xuất hiện. Tỉ dụ bài “Nhân Bản 1” sáng tác năm 1983 tại Nam Hà thế này:
Từ đầu trời cuối đất ta đã là người nhà Về đầu trời cuối đất ta vẫn một mẹ cha Hãy xích lại đây chắp tay nguyện cầu Hãy dắt dìu nhau cho qua cơn lửa máu Ta xiết chặt tay chung xây đời mới Rồi mai sánh vai ta về trời.
Bài “Nhân bản 2 ” thế này:
Mới đang dầu đời sống vui
Đã rơi vào kiếp lao tù
Nghiến đay hận thù mãi thôi
Ta đâu phải là con thú
Tới lui một vùng kẽm gai
Loanh quanh một kiếp lưu đầy
Miếng ăn từng ngày xót xa
Ôi tình nghĩa lớn quê nhà v.v...
CNN: Cải tạo ra Vũ Thành An có viết nhạc trở lại không?
VTA: Có chứ, ít lâu sau mình bắt đầu viết nhạc tình trở lại, từ bài không tên 12 trở đi, và kéo dài đến bài thứ 50.
CNN: Vũ Thành An qua Mỹ năm 1991, ở Cali ít lâu rồi di chuyển lên Oregon làm gì?
VTA: Lên Portland Oregon mình vào sinh hoạt trong các ca đoàn, từ đó Vũ Thành An mới có dịp viết lại khoảng 200 bản Thánh ca đã thuộc trong đầu từ ngày vô đạo. Tại Portland tôi có thời gian để nghiền ngẫm thánh kinh, viết thành 150 bài Thánh vịnh. Hình thức cũng là những giai thoại trong thánh kinh nhưng diễn giải qua điệu nhạc cho dịu dàng và dễ nhớ. Trong số 200 bài Thánh ca, hai cuốn CD đã được phát hành và phổ biến rộng trong giới Công Giáo.
CNN: Song song với việc soạn Thánh ca và Thánh Vịnh Vũ Thành An có sáng tác nhạc tình nữa không?
VTA: Từ ngày lễ tạ ơn vừa rồi, quyết định ngưng viết nhạc tình đã chính thức đến với tôi. Tôi nghĩ rằng cuộc đời mình cũng chẳng còn bao lâu nhiêu, muốn dành hết khoảng thời gian còn lại để tu bổ đời sống tâm linh. Chuẩn bị cho đời sau. Tôi tin tưởng sau cuộc sống hiện tại sẽ có một đời sống về sau vĩnh cửu, vì thế tôi chuẩn bị tâm hồn thanh thản để sẵn sàng cho đời saụ.
CNN: Lần này An trở lại Cali với mục đích gì?
VTA: Tôi muốn về đây có một lời chào đến khán thính giả đã nghe và yêu mến nhạc Vũ Thành An. Tôi có một lời chào từ giã các ca khúc tình yêu đôi lứa. CD “Tinh yêu ơi giã biệt” cũng sẽ phát hành trong dịp này để đánh dấu ngày giã từ một giai đoạn đời, từ nhạc tình qua nhạc Thánh ca. An hy vọng gặp lại bạn bè, thân hữu và các khán thính giả ái mộ để Vũ Thành An có dịp cám ơn sự ưu ái của tất cả quí vị trong suốt ba thập niên vừa qua.
Xin ân cần giới thiệu đến khán thính giả “Tình yêu ơi giã biệt”. Chân thành chúc Vũ Thành An thành công, chúc bạn mạnh tiến trên con đường tâm linh bạn đã chọn.
26/11/2017
Nguyễn Ngọc Chấn
Theo http://nhac-viet.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...