Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Trở về cát bụi

Trở về cát bụi

Chồng tôi chết đột ngột vì trận sạt lở đất. Nghe mọi người kể bỗng dưng có tiếng động lạ, rầm rầm rồi bất ngờ cả quả đồi nứt toác, đổ sập lên căn nhà có mười mấy người đang vui chơi, uống rượu, trong đó có chồng tôi. Trước khỉ ra khỏi nhà, như mọi lần, chồng tôi giơ tay vẫy: “Anh đến nhà Quang chơi tí. Lâu ngày không gặp nó”. Tôi cũng giơ tay vẫy. “Nhớ đừng uống say. Về sớm anh nhé”. Động tác quen thuộc ấy như lời chào mỗi lúc xa nhau, như lời hẹn sẽ sớm gặp lại. Tôi đâu ngờ là đó là lời chào lần cuối.
Lúc đó, tôi đang nấu cơm. Chuông điện thoại reo. Đầu bên kia vang lên giọng chói chát, thất thanh: “Chị ơi, chồng chị gặp nạn. Chị đến ngay”. Sau này, mỗi lần nghe thấy giọng chói chát, thất thanh, tim tôi thoắt loạn nhịp nhảy tưng tưng, đập thình thình. Có chuyện không hay xảy ra rồi! Nhưng tôi không hét lên, khóc òa, khuỵu xuống như nhiều bà mẹ khi thấy con bất ngờ trượt ngã, chân tay trầy xước, đầu nổi bướu sưng u. Sự bùng phát cảm xúc ấy không giải quyết được gì chỉ làm người bị nạn thêm hốt hoảng. Tôi tự nhủ bình tĩnh, bình tĩnh, cố nhớ trước khỉ ra khỏi nhà, như mọi lần phải tắt bếp ga, tắt điện, khóa nước, khóa cửa. Dẫu vậy, ra đường tôi mới nhận ra mình đi hai chiếc dép khác nhau. Tôi tìm khẩu trang tới lui mấy lần trên mặt bàn, góc tủ trong khi đang nắm chặt nó trong tay.
Tôi từng nghĩ về cái chết, hãi sợ hình dung lúc mình không bao giờ thức dậy nữa. Không bao giờ thấy lại bộ bàn ghế quen thuộc, tủ sách quen thuộc, những bông hoa hé nở trong vườn, gương mặt con thiết thân… Trong vô vàn lý do chết, tôi sợ nhất cái chết bất thường như bị tai nạn, đột quỵ. Ùm một cái là xong! Không kịp trối trăn, nhắn nhủ người thân, không kịp làm xong những việc dang dở, không kịp thưởng thức hết vẻ đẹp cuộc sống. Tôi không bao giờ muốn chết như vậy nhưng không ngờ kiểu chết này lại giáng xuống chồng tôi.
Chồng tôi chết đột ngột vì trận sạt lở đất. Giống như mọi cái chết bất ngờ vì đánh nhau, tông xe, đuối nước, đá lăn, cây đổ… thường làm cho người sống đau đớn hơn là những cái chết do đau ốm, do tuổi già đã được báo trước. Thấy tôi xuội lơ bên xác chồng, người phờ phạc, mắt sung húp, người thân khuyên: Ai rồi cũng chết. Chỉ là người đi trước, người đi sau. Em phải mừng vì chú ấy chết nhẹ nhàng, thanh thản. Thấy tôi vật vờ như hồn ma, người quen an ủi: nhiều người muốn chết mà không chết được. Đau đớn, vật vã, chẳng biết gì, nằm liệt năm này qua năm khác, là gánh nặng cho người thân. Em chưa mất công chăm sóc, chưa hao tốn tiền bạc, còn sướng chán em ạ. Thấy tôi thẫn thờ như sắp hóa đá, bạn bè dỗ: Cậu nghĩ đi. Có gia đình đi đám cưới, xe lật chết cả cô dâu, chú rể, cha mẹ, họ hàng. Có ông già hơn 70  thình lình lũ quét chết sạch con cháu, người thân… Tang tóc đau thương thế, người sống vẫn phải sống. Tôi chẳng tranh cãi. Họ chưa có người thân đột ngột chết thì chưa bao giờ biết mọi sự so sánh đều khập khiễng. Họ chưa bao giờ biết người chết trẻ để lại nỗi đau sâu. Họ chưa bao giờ biết chuyện không may của người khác không bao giờ là niềm an ủi với tôi. Tôi chỉ thấy đau đớn tận cùng khi anh chết đột ngột, chết lúc tuổi đời còn trẻ. Tôi mơ hồ thấy khói nhang lượn lờ, bóng người đi lại như bóng ma. Nước uống đắng nghét trôi qua họng. Lồng ngực tôi nhức nhối gai đâm. Ban ngày tôi giữ vẻ an yên nhưng đêm xuống là giông bão. Tôi ôm gối khóc tu tu, khóc nức nở, khóc ròng. Đâu ngờ sau cái vẫy tay lần cuối, tôi trở thành chiếc đũa cọc cạch, chiếc nón không quai. Cuộc sống bỗng trở nên nhạt nhòa, trống rỗng.
Đêm cuối cùng tôi nằm với anh như bao đêm đầu anh gối lên tay tôi, hơi thở khẽ khàng bên má tôi, da thịt cuốn vào nhau, rồi tôi thiếp ngủ trong hơi ấm nồng nàn. Bác tôi hãi hùng lắc đầu quầy quậy bảo sao mày có thể ngủ được với xác chết. Chồng bác trước khi chết bảo làm thêm mộ chờ bên cạnh cho bác để con cháu sau này tiện thăm mà bác giãy lên vì ghê ghê. Vậy là bác chưa bao giờ hiểu vì sao những người mẹ vẫn ăn ngon lành đồ ăn con mình nhè ra. Đó là yêu thương. Nhờ yêu thương mà sợ hãi, khó khăn chẳng là gì. Tôi xoay sở tìm đủ cách kiếm tiền thay anh vì công việc của anh quá nhọc nhằn. Tôi làm lụng tối ngày cho anh vui chơi, miễn sao tâm trí anh thoải mái. Bạn bè bảo đúng bà điên, chiều chồng hết chỗ nói! Vậy là bạn không hiểu khi đã yêu ai chẳng cần đòi hỏi người đó phải làm thứ này thứ nọ. Đang ở thời buổi mái tóc dài óng mượt được coi là nét đẹp dịu dàng của phụ nữ, tôi cắt phéng, ngắn như tóc đàn ông. Chồng ủng hộ: cứ làm đi, nếu em thích. Đang là công chức ở vị trí nhiều người ao ước, tôi muốn nghỉ việc về kinh doanh. Chồng gật đầu: cứ làm đi, nếu em thích. Bạn bè bảo đúng ông điên, chiều vợ hết chỗ nói! Vậy là bạn không hiểu khi đã yêu ai chẳng gì vui hơn nếu làm cho người mình yêu thỏa ý thích. Trên đời không ai hiểu tôi bằng anh, không ai hiểu anh bằng tôi. Giờ đây, tôi muốn ôm anh mãi để giữ anh ở lại trần gian hoặc để anh cùng đưa tôi xuống mồ, quấn quýt bên nhau như những giây phút hứng tình cả hai cùng hòa thành dòng sông cuộn chảy. Nhưng không ai cho tôi làm cái việc như vậy. Mọi người gỡ tay, giữ chặt, không cho tôi nhào tới, không để nước mắt tôi tiếp tục lã chã rơi trên thân thể anh dần cứng đơ, nguội lạnh.
Tôi là vợ nên có quyền quyết định chôn anh hay thiêu. Chôn là chấm dứt một kiếp người. Thiêu cũng là một kiếp người chấm dứt. Thiêu xong chỉ việc mang mớ tro lên triền đồi rải cho cây cỏ hoặc rắc xuống sông cho nước chảy trôi hoặc để vào hũ sành mang gửi chùa. Nghe chừng người ở lại sẽ nhẹ gánh lo toan, không tốn tiền lau chùi mộ hàng tháng, không mất thời gian ra mộ cúng giỗ hàng năm. Biết đâu đây chỉ là ý nghĩ khi đang phải quay cuồng làm lụng kiếm tiền, bớt việc nào mừng việc ấy. Biết đâu một ngày nào đó lại thèm có việc làm, nhất là những việc ràng buộc với người ta yêu thương, nếu không sẽ thấy cuộc sống đơn điệu, nhạt toẹt. Vậy nên tôi chọn mai táng bằng cách chôn. Tôi muốn dưới đất sâu hai mét kia mãi mãi là xương cốt của anh, tận tay sờ, ngắm, vuốt ve tấm bia khắc tên tuổi, ngày tháng năm sinh/ mất/ quê quán/ nơi trú. Dẫu ngắn ngủi nhưng nội dung hàm chứa khái quát một cuộc đời. Lỡ ngày nào tôi lãng quên, những dấu vết sẽ nhắc tôi nhớ, con nhớ, cháu nhớ đây là nơi yên nghỉ của người ông, người cha, người chồng luôn được ngưỡng mộ, kính trọng. Lỡ sau này tôi ở xa, ký ức sẽ hối thúc, vẫy gọi, giục giã tôi trở về mảnh đất nơi anh nằm, sẽ trở thành nơi chốn cho con cháu tới lui. Tôi cũng tới lui để thì thầm trò chuyện như khi anh đang còn sống, nói những chuyện không nói với ai được ngoài vợ chồng.
Tôi chưa bao giờ đến nghĩa trang mới. Được xây dựng chưa đầy năm năm mà các ngôi mộ đã chen đầy. Rút kinh nghiệm từ nghĩa trang cũ không quy định, không chế tài nên mộ lớn nhỏ, kiểu dáng lộn xộn. Người ít tiền mộ đơn sơ bằng gạch, xi măng, quét vôi. Người nhiều tiền mộ cầu kỳ, lát đá hoa cương, sắc sơn rực rỡ. Con người thật lạ. Chết rồi vẫn đua chen, phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Để mang ý nghĩa người mới sinh hay chết đi đều lả những bản thể giống nhau, nghĩa trang mới chỉ thiết kế một kiểu mộ, chỉ khác nhau màu đen /đỏ/ vàng/ nâu, chỉ khác nhau chất liệu gạch/đá. Cơ chế thị trường thật lạ, chẳng từ đối tượng nào, phương pháp nào, miễn kiếm ra tiền. Chín mươi phần trăm địa điểm du lịch xây chùa. Nếu vì tín ngưỡng tâm linh thật sự thì thế gian làm gì nhan nhãn thần linh đến thế. Suy nghĩ con người thật lạ. Chạm đến giáo dục, y tế không bao giờ dám so đo dù giá chát điếng người, méo mặt. Giá học phí bao nhiêu xin nộp đủ. Giá thuốc, giá khám bệnh bao nhiêu, móc túi trả rẹt rẹt. Vậy chi phí đám chết có là gì khi đây là nghĩa cử cuối cùng của người sống với người chết? Dẫu vậy, nhìn qua bảng giá xây mộ tôi giật mình, toát mồ hôi. Giá thành ngôi mộ mấy m2 bằng cả căn nhà nhiều người nghèo ao ước. Người phụ trách nghĩa trang ngạc nhiên nhìn tôi lưỡng lự. Đã đến đây ít người kì kèo thêm bớt, đắn đắn đo đo. Anh ta nhăn mặt, nhún vai, lắc đầu, xua tay nói không không không khi nghe tôi nói truyền thống của nhà tôi là nghề xây, có thể tự tay làm mộ cho chồng tôi không. Anh ta tuôn một tràng như súng liên thanh: Chị phải hiểu ai làm sẵn đường đi, san ủi cây cỏ thành đất trống, kéo dây điện vào, ai đảm bảo an ninh cho mộ chồng chị, đảm bảo sáng ra tường không đổ, bệ thờ không nát, máy năng lượng mặt trời không bị đánh cắp, mọi thứ tan hoang như bị ma vầy ma ám, làm đi làm lại năm lượt bảy lượt cũng vậy, thôi giao luôn cho Ban quản lý, giá minh bạch, rõ ràng, công khai không bớt một đồng, không lo gì hết, đóng đủ tiền, nửa tháng sau có chìa khóa trao tay. Công ty cổ phần làm ăn uy tín, chất lượng, trách nhiệm cao chứ đâu phải công ty nhà nước, cha chung không ai khóc. Còn chuyện xin đất làm mộ cạnh chồng khi chưa đúng 70 tuổi theo quy định à? Giải quyết được tất. Cái gì chẳng giải quyết được bằng tiền. Chưa được thì bằng tiền nhiều hơn. Cứ biếu ông chủ tịch Hội đồng quản trị một phong bì, ông giám đốc một phong bì, các ban bệ một phong bì thì núi nhấp nhô mấy cũng bằng. Chỉ là tôi lo xa cho chị, chị đã nghĩ kỹ chưa? Chị còn trẻ đẹp thế kia, thừa sức lấy chồng mới. Bây giờ 50, 60, 70, 80, kề kề miệng lỗ vẫn đầy người đi bước nữa. Tuổi tác chẳng nói lên điều gì. Lúc muốn lấy chồng mới có cái mộ chờ bên mộ chồng cũ, có phải kỳ cục không. Đúng là ông điên! Đang tang gia, cõi lòng tan nát sao nói chuyện chồng cũ, chồng mới. Anh ta bảo vì chị đang đau khổ quá, nghĩ quẩn. Hai ba năm nữa biết đâu chị nhận ra trong cái xui có cái may, hãy nhớ những lời tôi nói hôm nay. Tôi nhăn mặt, nhún vai, lắc đầu, xua tay, nói không không không. Kiếp này tôi đã gặp chồng tôi. Kiếp sau tôi vẫn muốn gặp lại chồng tôi.
Những ý niệm về cái chết phủ kín tôi, choán đầy tâm trí lúc ăn, ngủ, nghỉ ngơi. Sự suy nghĩ này chẳng giống gì với chuyện tự tử, với những kẻ tìm đến cái chết chỉ vì thất tình, chán đời, hận thù… mà là thái độ đón nhận và sẵn sàng đối mặt với cái chết. Trước đây tôi luôn sợ hãi, chạy trốn cái chết như khi ăn hết nửa con cá không bao giờ dám lật cá lại vì sợ đi thuyền sẽ bị lật thuyền, đi xe bị lật xe, như khi đi xa tuyệt đối không nhắc từ “chết” sẽ xui xẻo, như kiêng cữ đủ điều nếu không sẽ là điềm báo cho một cái chết bất ngờ.
Giờ đây tôi lâng lâng nghĩ về cái chết, sung sướng tưởng tượng ra đám tang của mình. Tôi chỉ cần một vòng hoa đặt bên phải, một vòng hoa đặt bên trái. Tôi khâm phục tính người Việt chịu thương, chịu khó, cần cù, chăm chỉ nhưng chẳng biết từ đâu, bao giờ mắc bệnh lãng phí và ưa hình thức kinh khủng. Bữa tiệc nào, đám cưới nào thức ăn cũng bỏ mứa. Hội nghị nào, đám tang nào hoa cũng xếp hàng dài dặc. Tôi chỉ cần mỗi người đặt lên quan tài tôi một bông hồng hay không đặt gì cũng chẳng sao. Tôi chẳng cần trống kèn inh ỏi khiến lời chào như phải hét vào tai nhau. Tôi chỉ cần trong tang lễ có giai điệu trang nghiêm, buồn bã của bài Hồn tử sĩ vang lên nhè nhẹ. Trên nền nhạc ấy mọi người có thể hỏi thăm, chuyện trò và nhớ lại những kỷ niệm về tôi. Có thể con tôi sẽ kể mẹ cháu chưa bao giờ mua cho mình chiếc túi xách tiền triệu nhưng sẵn sàng mua cho cháu chiếc váy nữ hoàng. Có thể bạn bè sẽ kể bà này ít tham gia các tua du lịch nhưng cuộc tiếp đãi nào cũng giành trả tiền. Có thể cô bé làm nhà sạch sẽ kể chị ấy chẳng thân gì với tôi nhưng giữa đêm đau đẻ không có người thân bên cạnh, chị ấy đã chở tôi đi, thức trắng đêm, đợi con tôi cất tiếng khóc chào đời. Mọi người tranh nhau kể, có chuyện phì cười, cười nghiêng ngả vì tôi quá tin người, quá lơ ngơ giữa cuộc sống đầy mưu mô, điên đảo… rồi bỗng dưng tất cả nín lặng trong sự trầm ngâm tưởng nhớ.
Trong tất cả nỗi lo có lẽ chuyện phân chia tài sản chiếm nhiều chỗ nhất trong suy nghĩ của người trước khi chết. Tôi đã thấy bao gia đình tình cảm cha mẹ - con cái sứt mẻ, anh em đâm chém, từ nhau chỉ vì cha mẹ không kịp phân chia, chia không được, chia không công bằng những gì còn lại của họ. Tôi quan sát các gia đình, tâm sự nỗi băn khoăn lo lắng, lắng nghe ý kiến tư vấn. Nhiều người bảo: Đúng là bà điên. Chưa chết đã lo phân chia tài sản. Bà không nhớ một dạo cả thị xã này, cả ngành văn hóa này rộ lên chuyện chồng con bé kia đột quỵ, đang nằm phòng cấp cứu nó đã nhờ người viết điếu văn. Mặc dù sau đó một ngày, chồng nó mất thật nhưng vẫn bị mang tiếng mong chồng mau chết. Chắc là muốn sớm lấy chồng khác. Tôi bảo: kệ thiên hạ, kệ tiếng điên, thời nay khác rồi. Người không lo phân định tài sản rạch ròi trước khi chết mới là điên, khác gì để bom nổ chậm, để ổ dịch trong nhà. Có mang được tài sản sang thế giới bên kia đâu mà ôm mà giữ đến tận ngày nhắm mắt xuôi tay.
Một ngày đẹp trời tôi gọi hai con đến nói cho chúng rõ khi tôi chết sẽ tổ chức đám tang giản dị nhưng ấm cúng, làm giỗ thật đơn giản sao cho các con và người thân có nhiều thời gian chuyện trò bên nhau, nhiều giờ phút tĩnh tâm nhớ về mẹ. Trên mộ mẹ đặt hai bông sen trắng như lúc sống mẹ mong xã hội loài người luôn nhẹ nhàng, ôn hòa, hạnh phúc, vui tươi. Người chứ đâu phải súc vật mà lúc nào cũng chực chờ nhe nanh, giơ vuốt, gầm gừ, cắn xé ăn tươi nuốt sống nhau, chết vẫn mang sư tử, cọp báo đứng ở đầu mộ dọa nạt. Mẹ cũng để sẵn hai câu đối trên mộ như sự đúc kết cuối cùng của đời mình. Nghe tôi dặn, con trai sờ trán tôi, mếu máo: “Mẹ có làm sao không?”. Con gái ấn ấn thành bụng tôi, òa khóc. “Mẹ nói thật cho chúng con biết mẹ đang bị bệnh nan y gì? Ung thư, xơ gan, suy thận?”. Tôi gắt: sao trăng gì. Mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Chỉ là mẹ lo xa. Mọi sự đều có thể xảy ra. Cái chết bất ngờ có thể xảy ra. Không ai đoán trước được điều gì nên phải chuẩn bị trước mọi thứ, sẵn sàng đối mặt với tình huống xấu nhất. Mẹ chỉ còn mơ ước cuối cùng là có một mảnh vườn nhỏ xinh xinh cho con cháu xa lánh khói bụi, ồn ào, đua chen của phố thị, xa lánh sự ganh đua, lươn lẹo, xảo trá của cõi người. Một khu vườn có thảm cỏ xanh, có hoa ngũ sắc rực rỡ bốn mùa, có hoa hồng nhung đỏ thắm, loài hoa nói thay lời yêu trong buổi đầu bố vụng về hái một bông tặng mẹ. Giữa khu vườn ấy, mẹ muốn tạc tượng chân dung bố, nổi bật giữa đất trời bao la, thiên nhiên tươi xanh. Có thể với muôn người bố chẳng có gì đặc biệt nhưng với mẹ, bố là tượng đài bất tử.
Như người đã buông bỏ xong mọi thứ, giờ đây tôi nhẹ nhàng như chim, thanh thản như gió, hài lòng với tất cả những gì mình đã có. Cứ nghĩ mình đã chuẩn bị sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào khi tiếng tù và của thần chết vang lên tôi lại có cảm giác mãn nguyện tuyệt trần. Tôi sẽ gặp lại mẹ tôi. Hơn mười năm, tôi cần mẫn đút ăn, tắm rửa, lau chùi xác thân khô, trơ như khúc gỗ của mẹ chẳng thấm gì tháng năm mẹ mang thai, sinh nở, chăm sóc, dạy dỗ tôi lớn khôn. Nếu được đầu thai, tôi ước lại là con của mẹ, được mẹ hát ru, hôn hít, ẵm bồng, luôn giang rộng hai tay đón tôi trở về sau mỗi lần đi xa, được khóc tức tưởi trong lòng mẹ khi gặp buồn phiền, oan ức. Tôi sẽ gặp lại cha tôi. Người mỗi tháng đưa hết tiền lương cho mẹ, chỉ giữ lại vài đồng lẻ, thi thoảng chở tôi đến quán bia hơi ven đường. Cha tôi cười tít mắt thấy mặt tôi nhăn quéo khi thử chạm môi vào thứ nước vàng óng. Người nhẩn nha tách vỏ từng củ lạc, nhấm nháp từng ngụm bia, lắng nghe tiếng ly cụng nhau lách cách, tiếng vô vô vô vui tai, chỉ cho tôi mặt trời đỏ lựng đang chìm sau rặng núi. Trong nắng quái chiều, mọi vật trên mặt đất bỗng sáng bừng, rực rỡ tạo nên bức tranh hoành tráng của buổi hoàng hôn tuyệt đẹp. Lúc bệnh nặng, cha tôi nhắc đi nhắc lại: cha mãn nguyện rồi. Khi xa cõi đời này, cha không ân hận gì. Tôi cứ tưởng đấy là ý nghĩ cuối cùng cho đến khi cha hấp hối, ông bác sĩ đến bắt mạch lần cuối. Cha mở mắt, thì thào: Bác sĩ ơi, bác sĩ có cách nào cứu sống tôi không? Tôi bất ngờ hiểu ra niềm khao khát nhất của con người là SỐNG. Tôi nhớ anh họ tôi bị ung thư giai đoạn cuối, gia đình vẫn quyết bán đi mảnh ruộng cuối cùng rồi làm thuê cũng được, nợ nần cũng được, miễn có tiền chạy thuốc, hy vọng giành lấy sự sống dù chỉ mong manh. Vậy thì bao nhiêu khổ đau, bất hạnh, đắng cay, tủi nhục có là gì so với được SỐNG?
Tôi vẫn còn phải sống dù biết chỉ đến ngày nằm xuống bên anh, cùng về thế giới bên kia nơi trời xanh vĩnh hằng mới có được niềm hạnh phúc vô biên, trọn vẹn, tuyệt vời.
Pleiku 12/11/2020
Thu Loan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...