Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Vai trò của thanh điệu trong thơ Việt Nam

Vai trò của thanh điệu trong thơ Việt Nam

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp kỳ diệu nhất của con người. Văn học là một hình thức giao tiếp. Khác với các loại hình nghệ thuật khác, văn học lấy ngôn từ làm chất liệu. Với chất liệu đó, văn học chứa đựng khả năng giao tiếp mà không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có thể có được. Cũng vì vậy, để hiểu được đặc trưng, tính chất của văn học, chúng ta phải bắt đầu với chất liệu của nó là ngôn từ nghệ thuật mà cơ sở là các khả năng và phương tiện biểu đạt của ngôn ngữ với các đơn vị: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, các phương thức tu từ. Chính sự phong phú, đa dạng, đầy tiềm năng của ngôn ngữ đã tạo nên tính thẩm mỹ trong ngôn ngữ văn học.
Có thể nói, ngôn ngữ văn học là nơi tập trung, bộc lộ, phát huy tối đa tinh hoa, những điểm ưu việt của ngôn ngữ một dân tộc. Không ở đâu ngôn ngữ lại biến hóa bất ngờ, giàu hình ảnh và lung linh cảm xúc như trên mảnh đất văn học. Ngôn ngữ gồm hai mặt: cái biểu đạt và cái được biểu đạt, song trong ngôn ngữ văn học cái biểu đạt đã không đơn thuần chỉ là mặt hình thức âm thanh mà đã trở thành một nội dung, một ý nghĩa, một hình ảnh với những đặc trưng thẩm mỹ của nó. Nội dung và hình thức hài hòa, xuyên thấm cao độ.
Trong các phương tiện biểu đạt mà ngôn ngữ văn học vận dụng, khai thác thì thanh điệu là một trong những phương tiện ngữ âm độc đáo. Sự tồn tại giàu có của thanh điệu trong tiếng Việt là thuận lợi, là cơ sở để các nhà văn, nhà thơ với tài năng của mình có thể vận dụng, khai thác tạo hiệu quả nghệ thuật cao. Việc vận dụng yếu tố thanh điệu trong văn chương rất đa dạng, phong phú và thể hiện rõ nhất trong thơ hơn là trong văn xuôi. Trong các thể thơ cách luật, cũng như các yếu tố khác trong luật thơ, thanh điệu được quy định khắt khe. Trong thơ tự do, việc sử dụng thanh điệu, đặc biệt là luật bằng - trắc lại mở ra theo hướng khác. Do đó bài viết chỉ khảo sát sự thể hiện của thanh điệu trong thơ trên hai hệ thống: thơ truyền thống (với các thể thơ cách luật) và thơ hiện đại (thơ tự do).    
I. Đặc điểm của hệ thống thanh điệu tiếng Việt
“Thanh điệu là sự nâng cao hoặc hạ thấp giọng nói trong một âm tiết có tác dụng cấu tạo và khu biệt vỏ âm thanh của từ hoặc hình vị” [2.109]
Không phải ngôn ngữ nào cũng có thanh điệu. Tiếng Hán, tiếng Việt, Lào… là những tiếng có thanh điệu. Tiếng Anh, Pháp, Pháp Nga, Ả Rập… không có thanh điệu. Trong những ngôn ngữ có thanh điệu, tiếng Việt là ngôn ngữ giàu thanh điệu. Tiếng Việt hiện đại có 6 thanh điệu có giá trị âm vị học, trong đó trên chữ viết năm thanh được ghi lại bằng 5 dấu: huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng và một thanh không được biểu hiện bằng dấu, có thể gọi là thanh không dấu hoặc thanh ngang.
Các thanh tiếng Việt được phân bố một cách có hệ thống. Tất cả 6 thanh đều có khả năng xuất hiện ở các âm tiết không có âm cuối hoặc có âm cuối không vô thanh. Các âm tiết có âm cuối là phụ âm tắc vô thanh /p, t, k/ thì chỉ có thanh sắc hoặc nặng xuất hiện còn các thanh ngang, huyền, ngã, hỏi không thể tồn tại trong những loại âm tiết này.
Thanh điệu là đơn vị không có tính âm đoạn, nhưng có đường nét, độ cao, tồn tại trong âm tiết. Do đó, các thanh điệu phân biệt với nhau theo hai đặc trưng chủ yếu là độ cao và đường nét vận động. Dựa vào hai đặc trưng đó có thể phân loại thanh điệu theo hai cách:
- Dựa vào độ cao của điểm kết thúc:
+ Các thanh có âm vực cao: thanh ngang, ngã, sắc.
+ Các thanh có âm vực thấp: thanh huyền, hỏi, nặng.
Sự đối lập về âm vực này là cơ sở để cấu tạo từ láy âm.
- Dựa vào âm điệu hay theo đường nét vận động:
+ Các thanh có đường nét bằng phẳng: thanh ngang, huyền. Gọi là thanh bằng.
+ Các thanh có đường nét không bằng phẳng, gãy khúc: thanh ngã, hỏi, sắc, nặng. Gọi là thanh trắc.
Sự đối lập về âm điệu là tiền đề để xây dựng luật bằng - trắc trong thơ. Hai mặt đối lập đó tạo nên giá trị biểu trưng của thanh điệu tiếng Việt. 
Những phẩm chất âm thanh trên làm cho âm tiết tiếng Việt lúc bổng lúc trầm, lúc rút ngắn lúc kéo dài dàn trải, lúc mềm mại nhẹ nhàng lúc mạnh mẽ, dứt khoát, tạo hiệu quả về âm thanh khi sử dụng. Trong sáng tác văn chương, thanh điệu làm nên tính nhạc, nhất là đối với thơ. Tính nhạc và âm hưởng tạo ra từ việc phối thanh mang lại hiệu quả về nhận thức và cảm xúc lớn.
II. Vai trò của thanh điệu đối với ngôn ngữ thơ Việt Nam

1. Thơ cách luật
Trong văn học truyền thống, quan niệm thơ là phải có luật chi phối sáng tác của nhà văn và đánh giá của người đọc. Tài năng của nhà thơ là ở chỗ vừa phải tuân theo khuôn luật đã cố định vừa phải chuyển tải được khoảnh khắc thăng hoa tinh tế đầy xúc cảm từ tâm hồn. Bên cạnh luật về nhịp, hiệp vần, luật về phối thanh là một yếu tố quan trọng. Luật phối thanh của các thể thơ có luật như lục bát, song thất lục bát, các thể thơ Đường luật… chủ yếu theo luật bằng - trắc ( không chú ý nhiều đến luật cao - thấp).
Thơ lục bát là thể thơ thuần túy dân tộc xuất phát từ dân gian. Thơ lục bát trước hết gắn liền với ca dao. Ca dao sinh ra trong môi trường, khung cảnh ca hát, diễn xướng nên có lẽ vì thế thể thơ lục bát thường mang âm điệu mượt mà, uyển chuyển. Tính chất đó bắt nguồn từ cách sử dụng thanh điệu. Ở thể thơ này, những tiếng hiệp vần (tiếng cuối câu lục hiệp vần với tiếng thứ sáu câu bát, rồi tiếng cuối câu bát lại hiệp với tiếng cuối câu lục) thường mang thanh bằng.
“Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng.
Ước gì anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân…”
Hay:
“Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này khế ơi”
Dù nội dung là lời tỏ tình của tình yêu trai gái đầy thơ mộng và mơ ước hay thất vọng đắng cay, kể cả nỗi khổ phận nghèo, nỗi bất bình trước bất công ngang trái, ở những điểm nhấn của bài thơ vẫn là thanh bằng. Bài ca dao thứ nhất đọc lên ngân vang như một lời ca miên man, say đắm do thanh điệu được sử dụng trong sự kết hợp với các bộ phận khác của âm tiết tạo nên. Nguyên âm /a/ là nguyên âm sáng, có độ mở rộng và phụ âm cuối vang /ng/, /nh/ cùng với thanh bằng nhẹ nhàng, du dương tạo biểu tượng về tính chất tươi sáng, ngân vang như ước mơ đẹp của chàng trai.
Cũng với thanh bằng trong thơ lục bát nhưng bài ca dao thứ hai lại mang một âm hưởng khác. Thanh bằng kết hợp với vần /ay/ có độ mở hẹp gợi âm hưởng về sự đau xót, nghẹn ngào.
Ngoài ra, thơ lục bát còn yêu cầu về sự phối hợp cao thấp (bổng trầm), nhất là sự kết hợp chuyển đổi bổng trầm ở tiếng thứ sáu và tiếng thứ tám của câu bát. Nhờ chuyển đổi âm vực nên âm điệu thơ thanh thoát, du dương:
Đến Nguyễn Du, tinh hoa của thể thơ lục bát đạt đến độ chín muồi. Luật bằng trắc vốn đã được xác định nay phát huy hiệu quả ngay trong sự xác định đó:
“Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”
(Truyện Kiều)
Thanh trắc ở âm tiết thứ tư trong câu bát theo đúng luật với tính chất đứt gãy thể hiện sự đột ngột, thời gian mang tính bước ngoặt của cuộc đời ca nhi Đạm Tiên vốn “nổi danh tài sắc một thì”.
Tuy giới hạn bởi thi luật song luật bằng - trắc trong thơ lục bát vẫn co giãn, không nghiêm ngặt như các thể thơ Đường luật, đặc biệt là thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Đây được xem là một trong những thể thơ có niêm luật chặt chẽ, nghiêm ngặt nhất trong nền văn học thế giới. Luật phối thanh thơ thất ngôn bát cú rất phức tạp, buộc phải theo sự quy định về thanh bằng, thanh trắc trong từng câu và trong cả bài (tiếng thứ 1, 3, 5, 7 không cần theo luật, tiếng thứ 2, 4, 6 bắt buộc phải theo luật). Sự xen kẽ, điệp, đối  bằng trắc làm cho điệu thơ cân xứng, hài hòa, nhịp nhàng và giàu tính nhạc.
“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn, 
B     B     T     T      T       B      B
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn.
T     T   B   B    T     T       B
Gác mái ngư ông về viễn phố,
T    T     B    B    B   T     T
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
T   B     T    T   T   B   B
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
B     B    T    T      B     B    T
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
T    T     B      B    T      T      B
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ,
T    T      B        B     B     T    T
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”.
T  B   B   T   T   B   B
(Bà Huyện Thanh Quan - Chiều hôm nhớ nhà)
Đây là một bài thơ luật bằng vần bằng mẫu mực. Hiệp vần bằng tạo cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại cho bài thơ, phù hợp để tạo âm hưởng về một buổi chiều lặng lẽ, lắng đọng, xa vắng và buồn man mác.
Cũng là thơ thất ngôn bát cú nhưng thơ luật trắc vần bằng lại tạo hiệu ứng khác:
“Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
T    T   B    B    T    T   B
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
T    B   B   T       T    B    B
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
B   B   T     T     B     B    T
Vườn rộng, rào thưa, khó đuổi gà.
B      T      B     B     T     T    B
Cải chửa ra cây cà mới nụ,
T    T   B   B   B   T   T
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
B    B    T      T      T         B       B
Đầu trò tiếp khách trầu không có,
B   B   T      T       B      B       T
Bác đến chơi đây, ta với ta”.
T    T      B    B    B  T   B
(Nguyễn Khuyến - Bạn đến chơi nhà)
Quyết định luật cho cả bài thơ là thanh trắc với âm vực cao như tiếng reo vui mừng đón người bạn tri kỷ tri âm.
Tuy nhiên, dù là những thể thơ cách luật nhưng ở đây vẫn thể hiện tính linh hoạt. Nhiều nhà thơ khi sáng tác có lúc phá luật, nhất là thể thơ có tính rộng mở như thơ lục bát. Đến hiện đại, thể thơ lục bát vượt qua khuôn luật để bắt kịp với mạch cảm xúc của nhà thơ. Lục bát đúng luật là “một tổ hợp nghiêng về thanh bằng” [5.174] song trong thơ lục bát của Nguyễn Duy có nhiều câu thanh trắc chiếm ưu thế: “Sốt cơn ác tính chín da” (Người đang yêu), “Đất vụn tơi, đá vụn tơi” (Nắng)…tạo âm hưởng gay gắt, mạnh mẽ.
Như vậy, trong các thể thơ cách luật, những đặc tính ngữ âm của thanh điệu tiếng Việt mang lại hiệu quả thẩm mỹ ngay trong khuôn mẫu đã định hình. Tùy theo nội dung, cảm xúc cụ thể mà tác giả lựa chọn hệ thống phù hợp. Mặc dù vậy, đối với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ở mức độ nhất định nào đó, luật bằng trắc cùng quy định chặt chẽ về hiệp vần, đối đã dẫn đến hạn chế về cá tính sáng tạo và sự tự do thể hiện cảm xúc, rung động của người nghệ sĩ. Bước sang văn học hiện đại, quy định nghiêm ngặt không còn phù hợp, nhà thơ tìm đến các cách thể hiện mới, nhiều phẩm chất của hệ thống thanh điệu được khám phá, mang lại nhiều điều thú vị.
2. Thơ tự do
Đặc tính âm học của hệ thống thanh điệu tiếng Việt là sự đối lập cao - thấp, bằng - trắc. Trong giao tiếp nói chung và trong ngôn ngữ văn chương nói riêng, đặc điểm đó không thể không thể hiện. Vì vậy, về nguyên tắc, trong thơ tự do vẫn có luật bằng trắc nhưng tính chất và sự thể hiện khác với các thể thơ cách luật truyền thống. Thơ tự do trước hết đòi hỏi tự do về luật thơ để thể hiện những biến thái tinh vi, phong phú trong tâm hồn mỗi cá thể cũng đã được giải phóng. Song mỗi tác giả vẫn ý thức về vần đề hài hòa thanh điệu, về luật bằng trắc. Vấn đề bằng trắc, cao thấp ở đây không phải nhằm tuân theo thi luật mà nhằm tạo âm hưởng, phù hợp với cảm xúc. Cá tính, phong cách được đặt lên hàng đầu trong thời đại mới. Mỗi nhà thơ đều cố gắng tìm tòi những hình thức mới để chuyển tải nội dung mới. Trong viễn cảnh này, như trên đã nói, nhiều phẩm chất của hệ thống thanh điệu tiếng Việt được khám phá với những kết hợp mới mẻ giữa các âm vực, âm điệu.
“Buổi sáng em làm rẫy             Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây kơnia               Thấy bóng cây kơnia
Bóng ngả che ngực em            Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh, không ngủ           Về nhớ anh, mẹ khóc”
(Nguyễn Khoa Điềm)
Sự phối hợp bằng trắc, thanh thấp, thanh cao trong từng dòng và giữa các dòng trong bài thơ rất sinh động. Trong đó thanh trắc và các thanh có âm vực cao chiếm ưu thế. Bài thơ như một khúc hát cao vút về nỗi nhớ bồi hồi, thao thức khôn nguôi. Không có hiệp vần nhưng nhờ sự phối thanh có hiệu quả nên vẫn đảm bảo cho bài thơ tính nhịp nhàng, cân đối, có âm hưởng.
Đau buồn về cái chết của đồng đội, Hoàng Lộc chọn thanh trầm, bằng trắc xen kẽ nhịp nhàng như những bước hành quân:
“Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ”
Các thanh bổng kết hợp với nguyên âm /a/ sáng, độ mở rộng cùng biện pháp điệp mang đến niềm vui náo nức, sôi nổi tự hào về quyền làm chủ và vẻ đẹp của non sông đất nước:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
(Nguyễn Đình Thi - Đất nước)
Việc lặp lại cùng một thanh điệu (hoặc các thanh cùng âm điệu) trong cùng một dòng thơ hoặc giữa các dòng thơ, các câu văn để tạo ra sự trùng điệp về âm hưởng nhằm mục đích tăng tính tạo hình, tạo tính nhạc như vậy gọi là biện pháp tu từ ngữ âm điệp thanh điệu. Nhiều câu thơ thể hiện rất rõ biện pháp này. Trong đó những câu thơ điệp thanh bằng thường gợi âm hưởng buồn buồn, nhẹ nhàng, êm đềm:
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…”
(Xuân Diệu)
Vẻ đẹp của câu thơ là âm hưởng mà các thanh bằng gợi lên về một không gian lâng lâng, “chơi vơi”, “bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu” - không gian của “tơ” và của “thơ”. Biện pháp điệp thanh điệu này đã mang lại những câu thơ mà nhà phê bình tài hoa Hoài Thanh đánh giá là “hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam” (Thi nhân Việt Nam):
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”
(Bích Khê)
Không dùng nhiều từ chỉ nỗi buồn (chỉ có một từ “buồn”) song hai câu thơ hoàn toàn thanh bằng đã góp phần gợi nỗi buồn phảng phất, mang mang. Nỗi buồn không trĩu nặng mà như vương vất đâu đây, lan tỏa trong không gian.
Ngược lại, với tính chất gãy khúc, các thanh trắc được điệp lại thường diễn tả tính gay gắt, sắc gọn, dứt khoát:
“Hãy nghe tiếng của nghìn xác chết
T      B     T      T      B      T     T
Chết thê thảm, chết một ngày bi thiết
T    B     T       T     T     B    B   T
Hãy nghe tiếng của một nghìn cái xác
T     B     T      T     T      B     T   T
Không chịu chết vạch trời kêu tội ác”
B             T     T      T      B   B    T  T
(Tố Hữu)
Thanh trắc được lặp đi lặp lại với mật độ dày đặc, tất cả các tiếng cuối câu đều mang thanh trắc làm vang lên tiếng kêu gay gắt, thống thiết, uất ức, căm phẫn. Trong sự đối lập với thanh bằng, đặc tính của hai loại thanh điệu này càng thể hiện rõ nét:
“Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?”
(Thâm Tâm - Tống biệt hành)
Câu đầu toàn thanh bằng trầm lắng như tiếng lòng của người đưa tiễn, lặng đi và buồn tê tái. Câu thứ hai bốn thanh trắc nối liền nhau là nỗi buồn dấy lên mãnh liệt. Sự kết hợp đó tạo nên một giọng điệu vừa gân guốc, rắn rỏi vừa sâu lắng, thiết tha. Với hai câu thơ khác của Tản Đà, sự đối lập này rõ rệt hơn:
“Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương”.
Điệp thanh trắc cùng âm tắc cuối âm tiết (thấp, uất) thể hiện sự uất ức của một người có ý thức cái tài của mình nhưng không được thỏa nguyện. “Giang hồ mê chơi quên quê hương” toàn thanh bằng, các nguyên âm bổng, âm cuối là những phụ âm vang mang âm hưởng bay bổng như bước chân ngao du và tâm hồn phóng khoáng, đa tình đến phóng túng của nhà thơ.
Vai trò của hòa phối thanh điệu không chỉ thể hiện trong các chi tiết mà còn thể hiện trong kết cấu toàn bài thơ. Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng là một bài thơ độc đáo không chỉ về nội dung mà cả về hình thức, trong đó điểm nổi bật nhất là tính nhạc trong thơ. Trong bài thơ có nhiều câu thơ hoàn toàn mang thanh bằng hoặc thanh bằng chủ đạo: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”/ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”/ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”/ “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”/ “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”/ “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”… Những câu thơ như thế kết hợp với các câu thơ khác trong khổ thơ tạo nên hiệu ứng đặc biệt.
Ở mười bốn câu thơ đầu, bước chân của người lính Tây Tiến đi qua những chặng đường gian nan, khổ ải với những vùng đất heo hút, hiểm trở nhất. Các thanh trắc, nhất là ở cuối câu: “sương lấp”, “mỏi”, “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, “xuống”, “gầm thét” “Mường Hịch”…gợi cảm giác mạnh của sự dữ dội, hùng hiểm.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Chen giữa những thanh trắc và sự dữ dội đó là những câu thơ thanh bằng làm chủ đạo. Sau sự mất thăng bằng, trúc trắc, nặng nhọc của các câu trước là cái lâng lâng, êm đềm như một chỗ dừng chân nghỉ ngơi ở những câu thơ mang thanh bằng. Lời thơ mênh mang, êm mượt, thanh tú, bay bổng và buông lơi. Người đọc được chuyển đổi cảm giác liên tục, đột ngột gây hứng thú đặc biệt. Đến khổ tiếp theo, sự hòa phối thanh điệu lại bổ sung thêm những sắc thái mới với một tiết tấu khác:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa 
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” Tám câu thơ như chặng dừng chân dài. Thanh bằng là chủ đạo trong cả khổ. Âm hưởng thơ lượn lờ, trôi nổi bồng bềnh, dập dìu như tiết tấu vũ hội. Tất cả gợi lên nét hào hoa, thanh lịch, đa tình của những người khách Tây Tiến. Đặc biệt hai từ “độc mộc” và “đong đưa” được sử dụng trùng điệp ở hai câu cuối tạo dư ba về tính nhạc bởi sự đối lập thanh điệu và cũng thể hiện được giọng thơ vừa gân guốc vừa mềm mại của Quang Dũng. Qua những lúc đắm mình vào vẻ đẹp hoang sơ mà lộng lẫy của núi rừng, của những nàng sơn nữ, người lính lại lên đường. Chân dung của họ hiện lên cận cảnh. 
Ngang tàng và kiêu hùng. Tâm hồn lãng mạn, đa tình lắng đọng ở câu thơ thanh bằng chiếm ưu thế: “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”. Cuối bài thơ, âm hưởng thơ mạnh mẽ, bi tráng như “khúc độc hành” của sông Mã “gầm” lên đưa tiễn, tiếc thương. Như vậy, kỹ thuật phối thanh bằng trắc điêu luyện, tinh tế góp phần rất lớn trong việc mang lại hiệu quả thẩm mỹ về mặt âm thanh và ngữ nghĩa cho bài thơ. Tây Tiến là bản giao hưởng hài hòa, các nốt biến ảo linh hoạt vừa lãng mạn vừa bi tráng, vừa êm đềm vừa dữ dội. Đó cũng chính là hình tượng người lính Tây Tiến và những chặng đường hành quân của họ. Thanh điệu tiếng Việt là một hệ thống giàu có. Những đặc trưng của nó, đặc biệt là sự đối lập cao - thấp, bằng - trắc tạo cơ hội và tiềm năng lớn cho sáng tác văn học, nhất là tạo tính nhạc cho ngôn ngữ, tạo âm hưởng phù hợp với nội dung, cảm hứng của bài thơ. Thanh điệu luôn gắn với âm tiết, tồn tại trong âm tiết. Vì vậy tính chất của thanh điệu thể hiện như thế nào trong thơ còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác của âm tiết. Cùng một loại thanh điệu nhưng đi với những phụ âm, nguyên âm hay âm cuối có đặc tính âm học khác nhau sẽ mang lại hiệu quả không giống nhau. Thanh điệu dù có vai trò quan trọng song dù sao cũng chỉ là một phương tiện ngữ âm, không phải là tất cả nên không thể chỉ suy từ đặc điểm về thanh điệu để đi đến kết luận về nội dung hay khẳng định giá trị tác phẩm. Nghệ thuật sử dụng âm thanh chỉ mang lại hiệu quả và được công nhận khi nó phù hợp, góp phần làm cho nội dung ý nghĩa thêm sâu sắc.
27/12/2017
Nguyễn Thái Hoàng
 Theo http://thcs.daytot.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...