Ánh nắng nhiệm mầu 1
Chương 1
Thằng Thuận Đầu Bò
Đến đại lộ
Cộng Hòa lúc nào cũng không hay, Hiệp theo thói quen cho xe chạy chậm lại. Đây
là một trong những con đường còn xứng danh là một đại lộ của Đô thành, có đường
rộng cho xe lớn lướt vội vàng, có lối thênh thang cho xe hai bánh chạy ung
dung, có lề lót gạch phẳng phiu và nhất là có bóng mát, thật nhiều bóng mát cho
người đi bộ.
Ở đây, mỗi người cất bước là một vì vương tiến giữa hai hàng
cây sừng sững như những tên lính khổng lồ đứng thẳng tắp giương lên thật cao những
chiếc lọng thiên nhiên lợp bằng lá cây xanh ngắt.
Dù bận đến đâu, Hiệp cũng không nỡ cho xe chạy nhanh trong
cái khung cảnh êm đềm ấy. Nó gợi lại trong đầu chàng bao nhiêu kỷ niệm ngọt
ngào của thời thơ ấu. Bao nhiêu buổi sáng mát rượi, bao nhiêu buổi chiều dìu dịu,
chàng đã được cùng các bạn nô đùa thỏa thích nơi đây trong khi ở đàng kia,
không xa, trời nắng như đổ lửa.
Hiệp mỉm cười ôn lại những trận đấu sức cùng các bạn ngày nào
trong bóng cây râm mát.
Bỗng chàng giật mình thấy một toán sáu bảy cậu học sinh trạc
14, 15 tuổi đang sắp sửa đánh nhau. Đánh nhau thật sự chứ không phải giả ngộ
như ngày xưa chàng nô giỡn cùng chúng bạn.
Một bên hai cậu, một bên đông gấp đôi, bốn cậu, đã quăng cặp
xuống đường, sắp xông vào đấm đá.
Hiệp ngừng xe, chưa kịp chạy lại can thiệp đã thấy từ đâu
phóng tới một cậu học sinh thứ bảy cũng trạc tuổi sáu cậu kia.
Cậu này giang hai tay tách sáu người ra làm hai toán.
- Thôi - Cậu ôn tồn nói - cho tôi xin đi, anh em cả mà, đánh
nhau chi cho mệt, kỳ lắm!
Hiệp ngạc nhiên, bụng bảo dạ tiếng ai nghe quen quen như tiếng
thằng Thuận. Vẫn ngồi yên trên xe lúc này đã đậu sát lề, chàng gỡ cặp kính râm
ra coi, thấy quả là cháu mình, lại đeo kính lên, lặng yên thử xem nó hòa giải
các bạn của nó ra sao.
Thuận, một tay cầm cặp, vẫn tươi cười giang rộng hai tay như
một đôi cánh xòe ra giữa hai toán đứng ngó nhau gườm gườm.
Quay sang bên phải, nó bảo hai cậu vốn là bạn cũ ở gần nhà:
- Thiết, Thực, hai bác đang trông ở nhà kìa! Nghỉ hai giờ cuối,
sao còn lạng quạng ở đây? Về nhà lẹ đi kẻo hai bác la cho đó!
Rồi quay sang bên trái, nó ngạc nhiên nhận được một người
quen:
- Ủa! Lợi hả? - Nó hỏi - Giờ này chưa đi học sao? Hà hà, anh
phải mách anh Lộc trị tội cậu này mới được!
- Giáo sư bệnh - Lợi vội bào chữa - chúng em cũng được nghỉ
hai giờ chót mà.
- Ờ, thôi được - Thuận nói - Lợi về đi. Cả ba anh nữa. Học
trò với nhau cả mà, ai lại nói chuyện phải trái với nhau bằng đấm đá bao giờ!
Thằng Lực, to con và vẻ mặt ba trợn nhất trong đám bạn thằng
Lợi, định sừng sộ. Thằng Lợi vội gạt đi, cướp lời:
- Vâng, vâng, chúng em về... Dĩ hòa vi quý mà anh!
Trong khi hai anh em thằng Thiết dắt nhau đi vô hướng đường
Lý Thái Tổ thì Thuận rảo bước đi còn ngoái lại bảo Lợi:
- Lợi vô nói với anh Lộc tối nay ghé chơi anh Thuận nghe!
- Dạ, anh Thuận nhớ đừng mách anh em đấy nhé.
- Ờ!
Hiệp mỉm cười, sắp nổ máy cho xe chạy, bỗng ngưng lại lắng
tai nghe.
- Lợi, thằng nào đó? - Lực hậm hực hỏi bạn - Thằng Thuận nào
mà mày có vẻ ngán dữ vậy?
- Anh Thuận bạn thân của anh Lộc tao đó. Khỏe lắm mày ơi! Mày
đánh không lại đâu!
- Nhưng tao không thích nó can cái kiểu đàn anh ấy - Lực vẫn ấm
ức nói - Đánh không lại, tao cũng không ngán.
Thằng Lợi cười cười:
- Biết rồi. tao thấy bộ dạng mày muốn ăn đòn nên phải cướp lời
không để cho mày gây sự. Bộ mày chưa nghe tiếng Thuận đầu bò sao?
- Chưa, nó ghê gớm như thế nào, nói tao nghe đi.
- Oai hùng không thể tả! - Lợi ba hoa kể - Chẳng những một
mình thằng Lực chả đi đến đâu, cho luôn cả ba thằng chúng mày xúm vào, ảnh cũng
đá bay trong nháy mắt. Đến anh Lộc tao sừng nhất trường, muốn hạ tụi du đãng
choai choai xóm Sáu Lèo để cho các em lớp Sáu khỏi phải nạp tiền mãi lộ, còn phải
nhờ anh Thuận giúp một tay mới xong. Chúng mày biết không, năm sáu thằng đen
chùi chũi và đô thật là đô, có cả dao con chó nữa, thế mà hai anh ấy tay không
đánh cho một trận bò lê bò càng, cạch không dám bắt nạt và làm tiền các em nhỏ
nữa...
Thằng Chi nãy giờ đứng im, lên tiếng hỏi:
- Thằng chả cùng học với anh mày ở Chu văn An hả, Lợi?
- Đâu có!
- Nhưng chắc cũng trên chúng mình vài lớp? - Chi hỏi gặng.
- Đâu có! - Lợi nhắc lại như một điệp khúc.
- Vậy cũng mới có lớp Mười thôi à? Thế mà ra vẻ đàn anh ghê
ta!
- Đàn anh là ở tư cách - Lợi cãi - Đàn anh là ở lối xử sự chứ
ở đời bộ mày tưởng mỗi lúc đứng ra vỗ ngực khoe học lớp mấy lớp mấy ở trường
này trường kia, hay vác bằng cấp ra lòe cho thiên hạ sợ mà làm đàn anh được người
ta hay sao? Nói cho chúng mày biết mà ngán luôn. Anh Thuận đang học lớp Tư đó.
- Lớp Tư là sao?
- Lớp Tư là lớp Tư tiểu học chứ còn là sao nữa. Được không?
- Ủa, sao kỳ vậy? - Cả ba đứa tròn mắt ngạc nhiên kêu - Mày
nói giỡn sao hả Lợi?
- Đâu có giỡn - Lợi quả quyết - anh Thuận cùng học với anh Lộc
tao từ lớp Một, lớp Hai tiểu học. Bây giờ anh tao sắp thi Tú Tài I mà anh Thuận
vẫn lẹt đẹt ở lớp Tư. Chúng mày thấy có kỳ không?
- Kỳ chứ sao không kỳ! Tao chưa thấy ai chậm chạp một cách
quá quắt như vậy.
Lợi thở dài, đáp lời thằng Chi:
- Không phải là chậm, mày ơi! Vì có chậm cũng chỉ chậm đến
hai năm là cùng, chứ đâu có thua sút đến những sáu bảy năm lận. Ông ấy cứ lằng
nhằng leo từ lớp Một lên đến lớp Năm, rồi lại mỗi năm mỗi tụt xuống một lớp. Lại
leo lên, lại tụt xuống, y như ngày xưa người ta leo cột mỡ, quanh đi quẩn lại đến
nay lớn xộn vẫn còn ở lớp Tư.
Thằng Lực đã hết cau có, phì cười nói khôi hài:
- Không biết chừng cuối năm nay ông ấy dám “lên” lớp Ba cho
mà coi!
- Dám lắm! - Lợi trả lời, nét mặt nghiêm trang.
Thằng Ngoan, đứa thứ tư trong bọn, lên tiếng:
- Tao chắc gia đình nó bê bối, thả lỏng cho nó chơi rông tối
ngày, không ai nhòm ngó chi đến bài vở của nó chứ gì.
- Khỏi có bê bối đi! - Lợi hăng hái cãi - Mày biết ba anh ấy
là ai không? Bác sĩ lận. Ông bác sĩ Hòa hay chữa thí cho người ta đó! Ông nội
anh ấy cũng là giáo sư nữa chứ bộ giỡn sao! Ai cũng dư sức nhồi cả đống chữ vào
trong đầu ảnh, nhưng chữ vẫn không chịu vô mới ức người ta chứ!
Thằng Lực cười hì hì, vỗ tay vào đùi bôm bốp, có vẻ khoái
chí.
- Tao hiểu rồi - Nó nói - Tao hiểu vì sao người ta gọi nó là
thằng Thuận đầu bò rồi. Có phải vì nó quá tối dạ nên thầy giáo hay bạn bè mới sỉ
vả nó như vậy không, hả Lợi?
- Đúng - Lợi gật đầu đáp - nhưng cũng chỉ đúng có một phần mà
thôi. Phần khác, người ta cho anh ấy là đầu bò đầu bướu vì anh ấy bướng bỉnh
không chịu được. Có điều cái bướng của anh ấy là cái bướng hay mà chúng ta phải
học. Anh Lộc tao bảo đó là cái tính bất khuất của người anh hùng. Nghĩa là khi
nhận thấy mình có lẽ phải nhất định bênh vực lẽ phải đó cho bằng được. Có lần
anh ấy dám đánh nhau với hai tên anh chị to lớn, mặt mũi dữ dằn, để che chở cho
một thằng nhỏ bị chúng hà hiếp. Anh ấy yếu sức, yếu thế bị đòn đau nhưng không
chịu lùi bước, rốt cuộc hai thằng kia sợ cái gan lì của anh ấy mà phải chào
thua đó.
- Thảo nào - Thằng Lực kết luận - thảo nào tao thấy thằng Lợi
sợ nó một phép. Cả tao, tao cũng đâm ra phục nó nữa mới chết chứ!
Bốn đứa kéo nhau bề, vẫn tiếp tục nói chuyện huyên thuyên.
Hiệp thở dài, nổ máy cho xe lướt nhẹ trên những vũng nắng đọng
rải rác trên mặt đường láng bóng. Gió reo vui trong lá, nhưng lòng người bâng
khuâng, buồn vui lẫn lộn, buồn nhiều hơn vui...
Chương 2
Trong gia đình
ang ngồi đọc báo, Hiệp nghe tiếng cửa mở, ngửng đầu lên, ngó
thấy bà Hòa, người chị dâu, vừa bước vào vừa niềm nở hỏi han:
- Chú ba đã đi làm về đấy à?
- Thưa chị vâng - Hiệp đáp - chị đi đâu về mà em thấy chị có
ý vui tươi hơn mọi ngày?
- Tôi lại đàng trường thằng cháu Thuận đó chú.
Ngồi xuống chiếc ghế bành trước mặt em, bà Hòa thong thả kể:
- Thế này, chiều qua tôi nhận được thư ông Hiệu trưởng mời tới
trường để nói về việc học của cháu. Mấy năm nay, mỗi lần nhận được thư mời như
vậy là y như rằng ông ấy cho hay thằng cháu của chú học không được, phải xuống
lớp. Tôi rầu hết sức. Ông và ba nó cũng buồn không kém. Bởi vậy, lần này được
thư, tôi lại trường mà không trình ông hay trước, cũng không cho ba nó hay luôn
nữa. May sao bữa nay “hên”. Trông nét mặt của ông Hiệu trưởng và nụ cười của
ông ấy, tôi yên tâm được phần nào. Quả nhiên ông ấy hân hoan báo cho biết cháu
đã có tiến bộ đôi chút, nếu cố gắng cuối năm có thể lên lớp được...
Ngưng mấy giây để lấy hơi, bà Hòa nói tiếp:
- Tôi cứ lo ngay ngáy phen này cháu phải xuống lớp Ba thì cực
không biết thế nào mà kể.
- Ông Hiệu trưởng có cho biết hạnh kiểm của cháu ra sao không
hả chị?
- Có chứ! Trường này tuy nhỏ nhưng lo việc giáo dục rất đứng
đắn. Bao giờ hạnh kiểm cũng được chú trọng đến trước việc học hành. Và cháu chú
tháng nào cũng được điểm hạnh kiểm tối đa, 10 trên 10, đó chú.
- Vâng, vậy cũng mừng - Hiệp nói - Chứ học đã kém mà hạnh kiểm
lại bết bát thì thật là “hết thuốc chữa”.
Bà Hòa tâm sự với em:
- Nói chú mừng, lần nào ông Hiệu trưởng cũng khen cháu có hạnh
kiểm gương mẫu, anh chị cũng được an ủi phần nào. Ông ấy thường nói như thế
này: Học sinh chỉ cần hiền, ngoan, lễ phép là đủ được 10 trên 10 điểm hạnh kiểm
một cách dễ dàng. Cháu Thuận không những hiền, ngoan, mà còn rất tốt bụng, hay
bênh vực kẻ yếu và thích giúp đỡ mọi người. Cháu xứng đáng được một số điểm gấp
đôi, nhưng tôi rất tiếc không thể phê điểm ra ngoài thông lệ được. Do đó, tôi
xin nhắc lại, tôi quý cháu lắm nên vẫn giữ cháu ở đây để cố gắng làm sao cho một
ngày kia trí tuệ cháu được mở mang cho bằng người ta.
- Vậy ra - Hiệp nói - việc học của cháu chẳng những là một nỗi
gian truân đối với gia đình ta mà còn là một thử thách đối với trường học của
cháu nữa.
- Phải rồi - Bà Hòa nói - Tuy nhiên, ông Hiệu trưởng có lo
cũng lo có chừng, chứ ba nó lo, tôi thấy thật tội. Ai đời làm việc suốt ngày ở
nhà thương, tối về ăn vội vàng miếng cơm rồi xoay trần ra dạy con học mà chẳng
thấy tiến bộ được chút xíu nào, chú bảo có tức không chứ! Anh ấy kiên nhẫn hết
sức, cố không đánh con, không sỉ vả con, song đôi lúc giận quá cũng không dằn
được, thế là quát tháo ầm nhà, rốt cuộc cháu đã tối dạ lại càng thêm rối trí.
Nghĩ tội cho cả hai cha con!
- Nhưng dù sao cũng tội cho thằng con hơn!
Bác sĩ Hòa về từ lúc nào không ai nghe thấy tiếng xe, mở cửa
bước vào góp chuyện. Ông đăm chiêu ngồi xuống, tiếp:
- Trông mặt cháu nó lúc ngồi học thấy tội nghiệp vô cùng, chú
ạ! Đôi mi mắt nặng nề sụp xuống khiến cho toàn khuôn mặt của nó có một nét đần
độn lạ thường. Nghĩ xót xa cho con, lại chua xót luôn cả cho chính mình.
Ông Hòa bước tới trường kỷ ngồi xuống cạnh Hiệp trong khi bà
Hòa đứng dậy lấy nước cho chồng giải khát với em.
- Chú ba à - Ông Hòa tâm sự - từ ngày ông thấy tôi nổi nóng đánh
mắng cháu, ông không cho tôi kèm cháu nữa. Ông có tuổi, ông kiên nhẫn hơn, khoa
sư phạm lại là nghề tay mặt của ông nữa nên dậy cháu có tiến bộ hơn đôi chút.
- Mình à - Bà Hòa hỏi chồng - có khi nó tiến bộ nhờ những lúc
nó học truyền khẩu với chú sau những buổi tập võ ngoài vườn cũng chưa biết chừng.
- Không biết nữa - Ông Hòa mỉm cười đáp - Chỉ những khi thằng
Thuận tập võ, tôi mới thấy những nét thông minh của nó xuất hiện. Từ ngày chú đổi
về đây, mãi đến hôm nghỉ cuối tuần lễ trước, tôi mới có dịp coi chú dậy cháu
đánh quyền, tôi nhận thấy đôi mắt của cháu quắc lên thật sáng. Tôi nghĩ mắt ấy
phải là mắt của một người thông minh mới phải. Bữa ấy tôi nhận thấy: học với
tôi, cháu như một con cá tội nghiệp mắc cạn, khác hẳn lúc tập với chú, nó như
loài thủy tộc được vẫy vùng dưới nước.
- Hay là mình cho con theo nghiệp võ? - Bà Hòa nhỏ nhẹ ướm lời.
- Văn hay võ không thành vấn đề - Ông Hòa trả lời - điều cốt
yếu là phải có một căn bản học trước đã. Không lẽ để cho con cam phận làm lính
i tờ hay sao?
- Thưa anh - Hiệp nói - em nghiệm thấy cháu chỉ học chữ là
không kham, thuộc đó rồi quên ngay đó, còn học võ thì cháu sáng dạ lắm. Ngoài
ra, kiến thức thông thường của cháu cũng không đến nỗi tệ. Em nghĩ hay là cơ thể
của cháu có một cái gì không ổn.
- Có lẽ thế - Ông Hòa đáp - tôi cũng nghĩ vậy. Tôi đã gia
công nghiên cứu mà chưa rõ được nguyên nhân...
Khi bà Hòa vào nhà trong lo cơm nước, ông Hòa đứng dậy, đi đi
lại lại trong phòng một lúc như đắn đo suy nghĩ, rồi lại ngồi xuống cạnh em tâm
sự:
- Nếu cháu bệnh, anh có bổn phận phải chữa cho kỳ lành mới
thôi, chú nghĩ coi ai đời cha làm bác sĩ mà con học hành dốt nát quá như vậy. Lắm
lúc nghĩ mà mắc cỡ.
- Anh cũng đừng quá nghĩ ngợi - Hiệp khuyên - Buồn là buồn
chung cho cả gia đình, chứ không riêng gì anh hay cháu...
- Không, chú hiểu lầm tôi - Ông Hòa mỉm cười ngắt lời em -
Không phải tôi mắc cỡ vì có con học dốt, mà mắc cỡ vì không chữa được cho con
khỏi dốt. Mắc cỡ hơn một bực nữa là mình làm thuốc mà xét ra không có từ tâm bằng
nó...
Ông Hòa hăng hái nói tiếp trong khi Hiệp ngơ ngác không hiểu
kịp ý người anh:
- Như chú thấy, tôi muốn giữ tròn đạo làm thầy của một lương
y nên suốt ngày tận tụy ở nhà thương và không hề nghĩ đến chuyện mở phòng mạch
tư như người ta. Ai ngờ chính thằng cháu ngu đần của chú lại có sáng kiến thúc
đẩy cha nó mở một phòng mạch nho nhỏ ở nhà. Để chi, chú biết không? Để chữa miễn
phí cho bà con cô bác ở quanh đây, trong những hẻm bùn lầy nước đọng. Họ quá
nghèo để vào bệnh viện tư, và quá bận về sinh kế để có thì giờ chầu chực tại
các bệnh viện công. Thành thử phòng mạch của tôi được việc cho họ vô cùng. Và
tôi cảm thấy mình hữu ích cho đồng bào hơn trước.
- Vậy mà khi mới đổi về đây, em cứ tưởng anh mở phòng mạch để
đỡ đần thêm cho chị chút đỉnh đấy chứ!
- Đã hết đâu chú! Từ ngày ông nội thấy tôi hay gắt mắng cháu,
ông không cho tôi dậy cháu nữa. Mỗi ngày ông dành ra ít giờ kèm riêng cho cháu.
Được mấy hôm, cháu chú đã tỉ tê xin với ông nội dậy luôn cho ít chục đứa nhỏ thất
học trong xóm. Ông nội ừ rồi, nó lại nhõng nhẽo bắt bà nội và mẹ nó khâu vá những
quần áo cũ còn tốt cho những gia đình quá rách.
- Ái chà - Hiệp bật cười lớn - thằng nhỏ vậy mà có óc lãnh đạo.
Thế nào cũng có ngày cậu cả bắt chú cậu dậy võ cho tất cả các trẻ con trong khu
phố!
- Dám lắm, chú ơi! - Bà Hòa từ trong nhà bước ra góp chuyện -
Ông bảo thằng bé này tuy tư chất kém cỏi nhưng ngày sau có thể khá được vì, ông
nói, nó biết “trồng cây Đức”. Ông dậy cả nhà phải lo làm điều lành để phúc lại
cho con cháu...
Ông Hòa cười hề hề bảo vợ và em trai:
- Đó là những chuyện siêu hình, tôi không dám có ý kiến sợ cụ
chửi chết. Nhưng tôi nghĩ nếu mình làm điều lành chỉ cốt để cầu hưởng phúc về
sau, chẳng hóa ra mình cầu lợi bằng cách “đầu tư” cho tương lai sao? Theo ý
tôi, tất cả những gì gia đình ta có thể làm cho xã hội chỉ là một đóng góp nhỏ
nhoi giúp san bằng những chênh lệch quá đáng và có quá nhiều ở chung quanh ta
mà thôi.
Trời đất sinh ra con người, ai cũng như ai. Thế mà ta ở nhà lầu,
áo quần lành lặn, con cái được ăn học đàng hoàng, trong khi cách đây chỉ ba bước,
thiên hạ chui rúc trong những căn nhà ổ chuột, áo quần rách rưới, trẻ con thất
học, lêu lổng... Sự bất công thật quá rõ ràng. Mình không tạo ra nó, nhưng
chính mình nghiễm nhiên hưởng thụ nó, mới chết chứ! Cho nên tôi nghĩ mình có
làm phước được tí nào chẳng qua cũng chỉ để cho mình khỏi tự thẹn với chính
mình mà thôi...
Ông bác sĩ đang nói thao thao thì Thuận và Thuần, chị nó, đi
học về, cùng bước vào phòng khách.
- Thưa ba má, thưa chú, con đi học đã về.
- Ờ, Thuận hôm nay có thuộc bài không?
Hiệp kéo Thuận vào lòng. Nó sịu mặt thưa:
- Thưa chú, cháu xui quá! Chiều nay con tưởng lượm ngon ơ 20
điểm, ai ngờ suýt nữa bị ăn hột vịt.
- Sao vậy? Lại không thuộc bài chứ gì? - Hiệp hỏi.
- Không phải. Con có thuộc nhưng cô không kêu trả bài. Cô hỏi
một câu để thử coi học trò có hiểu rõ bài không. Con giơ tay xin trả lời. Nhiều
đứa cũng giơ tay. Cô trỏ con. Con đứng lên, nói được một câu suôn sẻ, thấy cô gật
đầu đã mừng, rồi bỗng dưng con quên khuấy hết những gì phải nói tiếp. Một phút
trước, dường như con thấy câu trả lời hiện ra thật rõ trong đầu óc con như được
viết bằng phấn trắng trên một tấm bảng đen. Nhưng một phút sau, tất cả dường
như bị một bàn tay vô hình xóa hết đi, không còn một nét. Chưng hửng, con đứng
ì ra, không nói tiếp được, mắc cỡ hết sức. May cô thông cảm nên không trách mắng
và cũng không cho điểm xấu.
Hiệp ôn tồn gạn hỏi:
- Cái điều con vừa nói với chú là một “hiện tượng”. Vậy cái
hiện tượng ấy có thường xảy ra cho con không?
- Thưa chú, có. Nhiều bài ông giảng lại cho con, con nhớ ngay
và khi trả bài, tưởng chừng có thể đọc rành mạch từng hàng chữ viết rõ ràng
trong óc. Ác cái những hàng chữ ấy thoắt hiện thoắt mờ, nên nhiều khi tưởng thuộc
mười mươi bỗng hóa ra chẳng thuộc một chữ nào.
Thuận nói tiếp trong khi Hiệp còn trầm ngâm suy nghĩ:
- Chú à, có lúc nằm chơi nghe chị Thuần học, con cũng hiểu
đôi chút và cũng có khi thuộc từng đoạn nữa. Con không dám khoe vì sợ chị mắng
là nói láo. Có lần chị làm toán viết sai mấy con số trên bảng, con bảo chị và định
sửa lại giùm cho chị, nhưng vừa cầm cục phấn bỗng quên không biết phải sửa ra
sao...
Thuần nẫy giờ ngồi thủ thỉ cạnh mẹ bỗng nói xen vào:
- Thưa chú, đúng như vậy đó. Con coi lại quả nhiên con toán ấy
sai. Kể cũng lạ, chú nhỉ?
- Giá tấm bảng trong óc con không bị xóa hoài hoài một cách
ngang xương như vậy, có phải sung sướng biết bao không! - Thuận than thở.
- Vậy thì em tôi thành nhà thông thái mấy hồi! - Thuần cười
trêu em.
- Và giỏi hơn chị là cái chắc! - Thuận cũng cười trêu lại.
- Còn lâu, em ơi!
- Rồi chị coi! - Thuận nói với nhiều tin tưởng - Để rồi chị
coi. Em có cảm giác một ngày không xa, em sẽ vỡ trí và không còn cù lần như thế
này mãi đâu.
Chương 3
Một tai nạn xe hơi
Bãi biển Vũng Tàu vừa trở lại là một nơi nghỉ mát lý tưởng của miền Nam.
Không còn những hoạt cảnh lố lăng, và cũng không còn lối sống xô bồ của trai tứ
chiếng, gái giang hồ nữa. Trên mặt biển không còn nhấp nhô những mảng váng dầu
đen nhánh cũng như hai bên ven đường đã biến mất những chiếc xe hơi sặc sỡ và
nghênh ngang.
Ở Bãi Trước, ở Bãi Sau, ở Ô Quắn, nơi đâu cũng nước biển
trong xanh, cũng gió biển mát lành.
Buổi sáng, Hiệp, Thuận và Lộc, bạn nó, ba chú cháu bơi lội,
nô đùa, vùng vẫy chán chê rồi mới chịu lên bờ dắt nhau đi ăn lót dạ.
Ăn xong, Hiệp thuê một chiếc ghế bố, nằm hóng mát dưới bóng
cây dương liễu trong khi Thuận, Lộc rủ nhau đi dạo quanh bờ biển.
Bỗng đằng xa, trên đại lộ, có tiếng bánh xe hơi thắng gấp rít
gai rợn trên đường, tiếng va chạm mạnh, tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng cùng với
nhiều tiếng hét thất thanh.
Như một đàn kiến nhậy cảm, người lớn, trẻ con từ trong nhà, từ
bờ biển đổ xô lại thật nhanh, đứng chen đặc chung quanh nơi xảy ra tai nạn như
bâu vào một cục mật khổng lồ đen nhánh.
Mọi người đều xúc động mặc dầu họ không được chính mắt thấy từ
đầu tai nạn. Thấy rõ nguy cơ từ 30 giây trước, chỉ có ba người: một bà mẹ, người
lái xe và một viên cảnh sát.
Đường lúc đó vắng, cả trên lề, cả trên mặt lộ.
Trên lề, một thiếu phụ tuổi trạc 30, tay dắt cậu con trai chừng
4, 5 tuổi, thung dung dạo mát dưới hàng cây cao vút. Cậu bé chơi thích thú với
một quả bóng xa, tay nắm chặt sợi dây cho quả bóng lơ lửng trên đầu ngót một
thước. Chưa vừa ý, cậu bé còn cố rút tay ra khỏi tay người mẹ, rồi chạy trước
người mẹ mấy bước để cả hai tay được tự do chơi với quả bóng cho thỏa thích.
Thiếu phụ mỉm cười bước theo, mắt không rời cậu bé đi tung
tăng trên khoảng lề đường thật sạch.
Bỗng quả bóng vọt bay chập chờn ra giữa lộ: sợi chỉ mảnh mai
buộc quả bóng đã sút khỏi bàn tay mũm mĩm nhưng vụng về của cậu bé. Nhanh như cắt,
cậu bé chạy theo quả bóng vừa đúng lúc một chiếc xe hơi từ xa lao vút tới với một
tốc độ đường trường. Cái chết thảm thương của đứa trẻ ngây thơ, Tử thần đã nắm
chắc trong tay, người mẹ hốt hoảng hét lên một tiếng, lao vội theo con.
Thằng nhỏ vấp té. Người mẹ cuống cẳng té theo. Vừa vặn chiếc
xe hơi lồng lên như một thú dữ điên cuồng chồm tới. Hai mẹ con mười phần chắc
chết cả mười.
Xe chạy rất nhanh nhưng người lái xe rất tinh mắt đã thấy mối
nguy từ lúc cậu bé vừa chạy xuống đường. Can đảm và trầm tĩnh phi thường, y hãm
bớt tốc lực, ngoặt tay mặt cho xe leo lên lề, đụng vào một cây trụ đèn và đứng
tắp lại.
Lanh lẹ nhưng không luống cuống, y mở cửa xe bước xuống, chạy
ra nâng cậu bé dậy. Như một gốc cây con vừa nhú khỏi mặt đất không coi bão tố
ra gì, nó nhoẻn miệng cười, hai tay ôm chặt quả bóng mầu như sợ người ta giựt mất.
- May quá! - Người đàn ông nói - Cậu bé không hề hấn gì.
Y mừng rỡ ra mặt, hai tay phủi vội vàng những vệt bụi bám vào
áo quần thằng nhỏ.
Mẹ nó mặt cắt không còn hột máu, ôm choàng lấy đứa con, xúc động,
khóc nức nở.
- Cám ơn ông - Bà ta nói - Ông tránh hay quá. Cháu nó dại...
Tưởng chết cả hai mẹ con...
Viên cảnh sát đứng gác ở đầu đường đã để ý đến chiếc xe phóng
quá nhanh này. Chưa kịp huýt còi gọi lại thì tấn kịch đã bắt đầu xảy ra lẹ như
chiếu trên màn bạc, đành cưỡi xe máy dầu lao tới.
Giơ tay chào lễ phép nhưng giọng nói nghiêm khắc, y hỏi người
lái xe:
- Đi trong thành phố, sao ông cho xe chạy nhanh quá vậy?
- Dạ, tôi xin nhận lỗi - Người kia nhũn nhặn trả lời - Cũng
may mà tránh kịp đó ông, nếu không thì thật là tai hại.
- Phải - Người cảnh binh ôn tồn khen - Ông can đảm và bình
tĩnh lắm, nếu không còn chi là tính mạng của bà đây và cậu nhỏ. Tuy nhiên, ông
phạm luật đi đường, tôi có bổn phận làm biên bản. Xin ông vui lòng cho coi căn
cước và thẻ chủ quyền xe.
- Dạ.
Người xem túa đến mỗi lúc một đông. Kẻ vuốt má thằng bé, người
suýt soa ngó vết bánh xe cầy trên mặt lộ. Chỗ này trầm trồ khen người lái giỏi,
chỗ kia ước lượng tốc độ chiếc xe, căn cứ vào vết móp của chiếc cản, vào độ
cong của cây trụ đèn. Mỗi người một lời, mỗi người một ý kiến, chả ai giống ai.
Tất cả như thích thú được góp phần của mình vào một biến cố chẳng những vô hại
mà còn làm cho sôi động cái không khí tuy êm đềm nhưng hơi buồn tẻ của bờ biển
sắp đến giờ nắng gắt.
Trong đám người hiếu kỳ này dĩ nhiên có cả thằng Thuận và thằng
Lộc. Một đứa ngó viên cảnh binh lúi húi làm biên bản, một đứa nhìn chăm chăm
vào mặt người lái xe tài ba suýt gây ra tai nạn chết người.
*
Hiệp đang nằm lơ đãng nhìn trời, nhìn nước thì thấy thằng Thuận,
thằng Lộc chạy ùa về, reo lên và tranh nhau khoe:
- Chú ơi, đàng kia vừa có một tai nạn xe hơi.
- Biết rồi, chú có nghe thấy tiếng bánh xe thắng gấp và tiếng
kính vỡ loảng xoảng. Có ai việc gì không?
- Thưa chú không - Lộc trả lời - Người lái xe giỏi thật là giỏi.
Chỉ một li một leo nữa là cán chết hai mẹ con thằng nhỏ chạy bất tử xuống đường.
- Tránh khỏi cán chết người - Thuận tiếp lời bạn - nhưng xe
leo lên lề và tông vào cây trụ đèn. May phước không có ai đi hay đứng láng
cháng ở chỗ đó, nếu không thì thật là chết oan mạng.
Hiệp không mấy chú ý đến lời tường thuật của hai đứa cho đến
khi chúng cao hứng đố nhau.
- Tao đố mày - Lộc nói - cái xe có cái gì lạ không nào?
- Xe Peugeot, sơn đen - Thuận đáp - Càng bị móp, bể đèn bên
tay trái.
- Ai chả biết là xe Peugeot sơn đen - Lộc cười chế nhạo - Ai
chả biết...
Thuận vội cướp lời bạn:
- Tao hiểu rồi. Tại mày nói không rành chứ. Có phải mày định
nói đến cái xe hoạt động ra làm sao không? Tao thấy nó cứ lượn đi lượn lại
loanh quanh trong thị xã, hết Bãi Trước đến Bãi Sau. Phải vậy không nào?
- Đúng rồi! - Lộc lại hỏi tiếp - Thế còn gì nữa không đây?
- Còn, còn - Thuận ngập ngừng suy nghĩ - còn chứ! Lúc trước,
khi xe lượn đi lượn lại như vừa nói, nó chỉ chạy với tốc độ bình thường chứ
không quá nhanh như lúc sắp gây ra tai nạn.
- Giỏi, giỏi! Tao khen mày đó!
- Bây giờ đến lượt tao đố mày đó nghe. - Thuận nói.
- Ờ, đố đi, cứ việc!
- Vậy tao đố mày xe bắt đầu chạy như ngựa chứng từ chỗ nào?
- Dễ ợt! - Lộc đáp - Từ trước cửa Ty Bưu điện.
- Đúng! Nhưng vào lúc nào, biết không?
- Biết chớ! Lúc mười giờ thiếu hai phút đó bồ!
- Giỏi! Thằng bé này thế mà giỏi!
Hiệp ngạc nhiên, ngồi hẳn lên, nhìn hai đứa hỏi:
- Ủa! Hai thằng này làm chi mà điều tra người ta kỹ lưỡng thế?
- Thưa chú - Thuận đáp - chúng con thả bộ đi loanh quanh các
đường trong thị xã. Xe hơi ở đây ít quá. Không kể vài chiếc đậu sát lề đường,
chỉ có mỗi một chiếc Peugeot sơn đen này di chuyển. Chúng con gặp nó mấy lần
nên để ý.
- Chúng con gặp nó lần chót vào lúc gần mười giờ - Lộc tiếp lời
- Chúng con đang mải châu đầu vào hàng kem bỗng nghe thấy bên kia đường có tiếng
cửa xe hơi đóng ình một cái. Quay sang nhìn thì thấy người lái xe đậu lại, xuống
đường mua thuốc lá. Rồi ông ấy lên xe phóng đi. Chúng con nhìn theo. Xe lướt
qua mặt tiền Ty Bưu điện, tự nhiên chúng con ngửng nhìn lên và thấy đồng hồ gần
nóc Ty chỉ mười giờ kém hai phút.
Thuận bỗng reo lên sau một lát im lặng:
- Còn một điều này nữa - Nó nói với bạn - tao đố mày, trả lời
được đúng, tao sẽ gọi bằng em. Ông ấy có hành động gì kỳ lạ không nào?
- Khôn vậy bồ? Trả lời đúng mới được gọi bằng em! Dễ thường
trả lời sai hay không trả lời được thì phải làm cháu mày sao? Không chơi thế!
- Đâu có chi là lạ! - Thuận phớt tỉnh cãi - Trả lời được thì
làm em tao, bộ không hân hạnh lắm hay sao? Không trả lời được thì chỉ được làm
một thằng bạn ngu đần của tao mặc dầu tao học thua mày sáu bảy lớp chi đó.
- Thôi được - Lộc cười nhượng bộ - làm em mày một cái chơi
cũng được. Này nhé: tao thấy trước khi mở máy, ông ấy nghiêng đầu ngước nhìn
lên đồng hồ Bưu điện rồi ngó xuống đồng hồ đeo tay, gật gù và nhếch mép cười ra
chiều đắc ý. Có điều không rõ ông ta đắc ý vì giờ của ông ta đúng với giờ nhà
nước hay vì sắp đến nơi hò hẹn với bồ.
Thuận reo vang, vỗ lên lưng bạn đồm độp, khen:
- Giỏi đấy! Mày quả xứng đáng làm thằng em học giỏi của tao,
Lộc à!
Hiệp thấy vui lây cái vui hồn nhiên của hai đứa trẻ. Nhưng
trong tia nhìn của chàng dường như có thoáng một chút băn khoăn. Và chàng nghe
chăm chú hơn những lời đối thoại trửng giỡn của chúng.
- Tên họ thằng chả nghe thật là kỳ cục - Thuận nói - Toàn những
ý là ý mày à!
- Mày nói sao - Lộc hỏi vặn - Những ý là ý là cái thống chế
gì?
- Ủa, vậy mày không nghe ông cảnh sát hỏi căn cước thằng chả
sao? Tao nghe rõ ràng y khai tên là Lý Quý Ý Chí. Bốn chữ, chữ nào cũng tận
cùng bằng ý hết, chẳng phải toàn những ý là ý là gì?
- Láo, láo! Tao khỏi cần nghe cũng biết tên y là Hoạt. Y ở
cách nhà tao có mấy khu phố. Lối xóm vẫn quen gọi y là ông Ba Hoạt. Hôm nay, y
đeo kính đen quá nên tao không trông rõ mắt. Gọng kính tuy to nhưng cũng không
che kín được vết thẹo ở thái dương bên tay mặt. Tao nhìn kỹ. Không thể nào sai
chạy được.
Thuận cố cãi:
- Nhưng tao nghe rõ ràng y khai tên là Chí mà. Ông cảnh sát
coi căn cước và thẻ chủ quyền xe cũng chỉ gật gù cái đầu, rồi mỉm cười, hý hoáy
viết chứ có nói gì nữa đâu.
Rồi nó níu tay Hiệp, hỏi:
- Cháu nghe rõ y khai tên là Chí. Vậy y là Chí chứ sao lại là
Hoạt được, phải không chú?
- Phải! - Hiệp trầm ngâm đáp rồi gặng hỏi - Cháu nói tên họ đầy
đủ của hắn ta là gì nhỉ?
- Thưa, là Lý Quý Ý Chí ạ.
- Mặt mũi, tầm vóc ra sao?
- Thưa chú, y cao lớn, dễ đến một mét 70, mặt ngắn, trán ngắn,
tóc hớt cao, nước da đen sạm, đeo kính đen nên trông không rõ mắt.
Lộc cướp lời, nói xen vào:
- Có cái thẹo lớn ở thái dương bên tay mặt. Ngón tay thô vì
chính y làm thợ sửa xe, có một cửa tiệm nho nhỏ ở mạn gần nhà cháu. Cháu biết y
tên là Hoạt. Thằng Thuận nghe lầm, y không phải tên là Chí mà là Hoạt. Phải
không chú?
- Phải! - Hiệp ậm ừ đáp cho qua.
- Thằng Thuận bảo là Chí, chú ừ cho là phải. Cháu bảo là Hoạt,
chú cũng ừ cho là phải. Vậy chú là ông...
Nói đến đây, Lộc vội ngưng bặt, bưng miệng, tròn xoe mắt, khẽ
kêu:
- Chết cha!
Hiệp mỉm cười, vuốt tóc nó:
- Không sao! - Hiệp nói - Cháu định kêu chú là ông Ba Phải chứ
gì!
Lộc ké né không dám đáp. Hiệp thong thả thò tay vào túi lấy
ra đồng bạc 20 đồng, rồi hỏi hai đứa:
- Đây có phải là 20 đồng không nào?
Hai đứa ngó vào đồng bạc nằm ngửa giữa lòng bàn tay mở rộng để
lộ rành rành mấy chữ “Việt Nam Cộng Hòa” “20 đồng” rồi đồng thanh trả lời:
- Dạ phải!
Hiệp lật đồng bạc để cho chúng thấy hình người nông phu trong
ruộng lúa và hỏi:
- Thế đây có phải là 20 đồng không?
- Dạ phải!
Hiệp cầm đồng bạc giữa mấy ngón tay, tung lên rồi bắt lấy mấy
lần, cười khanh khách trước khi chậm rãi nói:
- Mặt trước là 20 đồng, mặt sau cũng là 20 đồng, nhưng đồng
tiền chú tung lên đây mới thật sự là 20 đồng. Các cháu hiểu chưa?
Hai đứa ngơ ngác, không hiểu gì cả. Hiệp giảng tiếp:
- Cũng như người lái xe kia vậy. Y có thể là Chí. Y cũng có
thể là Hoạt. Nhưng thực sự y là ai thì... còn phải coi lại đã.
Chàng chậm rãi bước ra xe, vừa đi vừa dặn hai đứa:
- Chiều nay, chú cháu mình về Saigon...
Hai đứa vội kêu lên:
- Theo đúng chương trình, mình còn ở đây chơi hai ngày nữa mà
chú!
- Biết rồi! Nhưng nếu về Saigon sớm để có thì giờ gỡ rối giùm
cho một người khác khỏi mắc tội oan, các cháu nghĩ có nên hy sinh vài ngày vui
chơi ở Vũng Tàu không?
- Dạ nên! - Hai đứa đồng thanh đáp.
Hiệp chưa kịp dặn thêm đã thấy cả Thuận lẫn Lộc đều giơ tay
chỉ về một phía và tranh nhau nói:
- Đó, người lái xe đó. Y đi xích lô ra Bưu điện đó chú!
Hiệp gật gù có vẻ hài lòng, hai tay vỗ lưng hai đứa, nói:
- Hai cháu đi chơi đâu thì đi, nhưng liệu chừng mà về nghe.
Trưa đúng 12 rưỡi gặp chú ở tiệm cơm mọi ngày. Cơm xong, nghỉ ngơi một lúc, các
cháu có quyền tắm gỡ một mách. Chiều mình về Saigon cho mát...
Thuận cố hỏi gặng khi chú nó sắp bước vào trong xe:
- Chú đi đâu vậy, chú?
- Chú ghé Ty Cảnh sát một lát, rồi cũng ghé Ty Bưu điện nữa.
- Để làm gì thế hả chú? - Lộc đánh bạo hỏi.
- À, trước hết, để coi vụ trộm lớn lao xảy ra ở đâu. Rồi kiếm
cách cứu một người nào đó khỏi bị bắt giam oan uổng. Đồng thời cũng để bố trí
tóm cổ một hai tên phạm pháp...
Chiếc Dauphine xinh xắn phóng vút đi. Thuận và Lộc nhìn theo
xe chạy đi một đỗi rồi ngẩn người đứng nhìn nhau không hiểu chú chúng nó nói
chuyện chi mà kỳ lạ vậy.
Chương 4
Hộp quẹt máy và phong thuốc lá
Phải về Saigon hai ngày sớm hơn chương trình định trước, Thuận và Lộc cứ
tiếc hùi hụi mãi. Biết thế những buổi sángvừa qua xuống nước sớm hơn, và những
buổi chiều ngâm mình trong nước lâu hơn để nô đùa với sóng cho đã thèm.
Bắt chúng cơm nước xong lên đường ngay cũng tội nghiệp, Hiệp
đành cho chúng tắm gỡ thêm một buổi chiều để xâm xẩm tối hãy về cho mát.
Ba chú cháu cùng ngồi trên băng trước nói chuyện cho vui.
Hiệp chăm chỉ lái xe để mặc cho hai đứa cười nói huyên
thuyên, thỉnh thoảng mới chêm vào một câu cho chúng thêm đề tài tranh luận.
Xe đi được ngót nửa đường, chúng mới sực nhớ phải hỏi cho ra
chìa khóa bài toán sáng nay.
- Chú ơi! - Thuận nói - Cháu vẫn chưa hiểu vì sao chú cháu
mình phải vội về ngay Saigon chiều hôm nay đó.
- Chú đã nói rồi mà, các cháu không nhớ sao? Về để cứu người
ta mà. Và cũng để bắt người ta nữa.
- Chúng cháu có nghe nhưng chúng cháu chẳng hiểu gì hết - Lộc
nài nỉ - Chú giảng rõ cho chúng cháu biết đi, chú.
- Ờ, để chú giảng cho nghe. Chú đoán sáng nay, vào hồi mười
giờ, ở Saigon, có một vụ trộm. Kẻ mở tủ sắt của một... thương gia hay một kỹ
nghệ gia nào đó, lấy đi một số tiền quan trọng. Lấy tiền xong, y có thể lưu một
chữ ký lại. Tùy cung cách đọc và hiểu chữ ký ấy, nhà chức trách sẽ tóm cổ được
thủ phạm hay bị đánh lạc hướng...
Thuận ngạc nhiên, cắt lời chú nó một cách thật ngây thơ:
- Đã đi ăn trộm còn bày đặt ký tên làm gì cho rắc rối hả chú?
- Lưu chữ ký lại - Hiệp đáp - đó chỉ là một cách nói bóng bẩy
mà thôi. Ai điên gì làm việc phi pháp lại còn ký tên để lại. Nhưng kinh nghiệm
cho thấy quân gian ăn hàng xong thường để lại ít nhiều vết tích mà chúng không
ngờ. Do những dấu vết ấy, người ta tìm ra thủ phạm. Vậy có khác chi những chữ
ký đâu.
Đối với những tay mơ, những tên gian phi tập sự, chữ ký là những
dấu tay in rải rác trên những đồ vật mà chúng vô tình cầm hay nắm phải như cái
ly uống nước, quả nắm cửa, cánh tủ... Hay là những đồ vật chúng vô ý đánh rơi
như chiếc khăn mùi xoa, cái tẩu thuốc...
Còn đối với những tay chuyên nghiệp thì chữ ký là cách thức
làm việc và thói quen của chúng. Tuy chúng cẩn thận không để lại dấu tay, nhưng
một chuyên viên tinh tế quan sát cách mở tủ sắt có thể biết chắc đó là công
trình của tên A chứ không phải của tên B, tên C... Hồ sơ của chúng ở Tổng Nha đầy
đủ nên ít có khi lầm lẫn.
- Chúng cháu hiểu vụ chữ ký rồi - Lộc thưa - Bây giờ chú đoán
tiếp về vụ trộm đi chú.
- Ờ ờ. Chú nói một là nhà chức trách tóm trúng thủ phạm, hai
là bị thủ phạm đánh lạc hướng. Bắt đúng thì nhất rồi, nhưng nếu cấp dưới săn chệch
đường thì bổn phận cấp trên là phải nắn lại đường săn cho ngay ngắn...
- Trong khi chờ đợi, dám có nhiều người bị liên lụy, phải
không chú? - Lộc hỏi.
- Lẽ tất nhiên. Thiếu chi người bị liên lụy một cách thật oan
uổng tuy liên lụy thật gián tiếp. Thí dụ như cuối tháng, tiền để trả lương cho
công nhân của một hãng xưởng bị đánh cướp. Ai cũng thấy nạn nhân chính của vụ
này là nhà kỹ nghệ chủ hãng. Nhưng chủ hãng chưa thấy chết đâu mà hàng trăm, có
khi hàng ngàn thầy thợ đã thấy đói và phải vay nợ sống cầm chừng. Cho nên bổn
phận của nhà chức trách là phải tra xét cho thật nhanh đó cháu.
Thuận có vẻ áy náy, thưa:
- Biết thế chúng cháu chả xin ở lại tắm thêm một buổi làm
chi. Chú về chậm mấy tiếng đồng hồ có thể tai hại cho nhiều người, chú nhỉ.
- Không sao đâu cháu. Chú đã nghĩ kỹ rồi. Dù sao cũng phải để
cho Ty Cảnh sát sở tại người ta làm việc chứ. Chú chỉ can thiệp sau nếu thấy cần.
Lộc lộ vẻ tò mò đến cực độ. Nó hỏi:
- Chú đoán ở Saigon có một vụ trộm lớn và chú đã biết tên thủ
phạm?
- Ờ, biết chứ!
- Vậy sao chú không điện ngay về Saigon bắt luôn nó cho được
việc? Ty đỡ mất công tìm tòi tra xét. Chú cháu mình cũng khỏi mất oan mấy ngày
nghỉ mát.
Hiệp phì cười, cất tay mặt khỏi bánh lái, vỗ vào lưng thằng Lộc
bộp bộp và nói:
- Đừng có lẫn lộn cái giả với cái thực nghe cháu. Những gì
chú đoán chỉ là một giả thuyết. Giả thuyết còn mơ hồ vì có thể còn những dữ kiện
khác mà mình chưa hay biết. Vậy đâu có thể chỉ căn cứ vào một giả thuyết đưa ra
quá sớm để bắt hay tha người ta được. Phải về Saigon coi những gì chú suy đoán
có thực sự xảy ra không đã chứ.
- Nếu giả thuyết ăn khớp với thực tế thì sao chú? - Thuận hỏi.
- Thì vẫn cứ để cho cơ quan sở tại người ta làm việc. Có thể
họ đi một đường lối khác nhưng rồi họ cũng đến một kết quả như mình.
- Sao lạ vậy chú?
- Có chi lạ đâu! Chẳng qua cũng như hai cậu học trò cùng giải
một bài toán đố. Một cậu giải bằng số học, một cậu giải bằng đại số. Nhanh chậm
tuy có khác nhau đôi chút nhưng nếu giải đúng cách thì cũng cùng trúng một đáp
số...
Thừa lúc Thuận và Lộc chưa kịp lên tiếng chất vấn thêm, Hiệp
kết thúc:
- Thôi, tốp chuyện trinh thám lại nghe. Hai đứa để yên cho
chú lái. Trời tối rồi, vô ý gây tai nạn thì khốn đó.
Hai đứa cụt ứng, ngồi im thin thít một lúc rồi quay ra nói
chuyện trời trăng mây nước với nhau, chán rồi ngủ gà ngủ gật.
Xe đến Thủ Đức, Hiệp lay hai đứa dậy, hỏi:
- Thế nào, hai cậu, sắp đến Saigon rồi. Các cậu muốn đi ăn tiệm
hay là về nhà tắm một cái cho mát trước đã?
- Thôi, chú ơi - Thuận nói - chú cho chúng cháu về nhà tắm rửa
rồi ăn cơm ở nhà luôn đi. Ông nội thường dậy: thời buổi này, đồng tiền khó kiếm
lắm, nhất là đồng tiền lương thiện. Phải tằn tiện hết sức mới giữ được thanh
giá con người. Cái gì xét ra nhịn tiêu được thì nên nhịn.
- Đồng ý - Hiệp nói - nhưng nhà hiện không có người làm. Chú
cháu mình ăn cơm nhà thì má cháu lại phải vào bếp mất công...
- Chú đừng lo! Mấy năm nay, chúng cháu đi Hướng Đạo bộ đồ bỏ
cả hay sao mà không nấu được nồi cơm và làm được mấy món ăn tầm thường?
- Phải đó, chú! - Lộc nói thêm vào - Để cháu thổi cơm cho, dẻo
không chê vào đâu được. Cam đoan không để chú phải sơi thứ cơm trên sống, dưới
khê, tứ bề nát bét đâu ạ...
- Được rồi, nhưng có cái gì bảo đảm không đấy? - Hiệp cười hỏi.
- Dạ, có chứ. Cháu có hai năm kinh nghiệm lận. Nhà cháu tuy
có mướn người làm nhưng họ ở kiểu bữa đực bữa cái. Chả ai chịu ở lâu vì chê nhà
đông người, phải làm việc cực. Thành thử anh em chúng cháu đứa nào cũng phải tập
làm bếp để giúp đỡ má cháu khi cần.
- Ờ, cái vụ khó mướn người làm dường như đã thành lệ ở cái đất
Saigon hoa lệ của mình rồi. Bận thì than cực, rỗi thì la buồn, ít có ai bằng
lòng hoàn cảnh của mình và chịu làm lâu ở một chỗ...
Lộc vui miệng nói chuyện thao thao không ngớt như một thuyết
trình viên khai triển một đề tài vừa thông suốt.
- Gia đình cháu có một lịch sử mướn người làm thật ly kỳ, chú
ạ. Má cháu chiều người làm như chiều vong. Không bao giờ dám nói nặng. Ấy thế
mà ai cũng chỉ làm được một tháng là cùng rồi tự ý xin ra. Mỗi người nại một lý
do khác nhau, nhưng lý do đích thực là vì họ không được tùy thích đi chơi hay
rước bạn vào nhà tán dóc.
Thuận xì một tiếng, chọc quê:
- Vậy mà cũng hô là ly kỳ! Tao chẳng thấy chỗ nào ly kỳ hết!
Lộc trừng mắt nạt:
- Mày hãy im cái mồm một chút giùm tao để tao kể chuyện chú
nghe nào! Chưa đến chỗ ly kỳ thì làm sao ly kỳ được?
Hiệp cười dàn hòa:
- Ừ, thôi kể mau đi. Sắp đến chỗ ly kỳ chưa đây?
- Dạ, có ngay! Tại thằng Thuận đâm ba chẻ củ đấy ạ.
Lộc hắng giọng kể tiếp:
- Cách đây chừng mươi mười hai ngày, không biết má cháu kiếm
được ở đâu một chị người làm “lý tưởng”. Làm việc chăm chỉ “không can được”, lại
gọn gàng, sạch sẽ vô cùng. Cháu nói “không can được” không phải là nói ngoa vì
má cháu thấy chị ấy làm việc quần quật suốt ngày, bảo nghỉ tay một lúc cho khỏe
mà chị ấy nhất định không chịu, cứ bới việc ra mà làm. Lại còn thật thà, ngoan
ngoãn nữa, mà đồng lương cũng phải chăng thôi. Về tiền nong trong nhà, chỉ có
ba má cháu là cẩn thận, còn anh chị cháu và luôn cả cháu nữa thường buông vung
bỏ vãi, lung tung xòe nhưng không hề mất mát. Chúng cháu thường bỏ quên tiền
trong túi quần áo bỏ giặt, chị ấy đưa trả lại đầy đủ. Đi chợ, không ăn bớt, má
cháu còn khen mua khéo, đã ngon lại rẻ. Lại còn ăn nói lễ phép, thưa gửi ngọt
ngào. Má cháu ưng không để đâu cho hết nên có bữa mừng rỡ khoe với các con: “Chắc
số má nhàn đến nơi mới nuôi được con Tâm này. Không có điểm nào má chê được nó
hết. Đến tết này, má sẽ tăng lương cho nó một ngàn và lì xì luôn cho nó một
tháng lương tiêu Tết!”
Ấy thế mà lạ lắm, chú ơi! Ở vừa được đúng một tuần lễ, bỗng
dưng chị ấy xin ra phố nói là đi mua cái nón, rồi đi luôn, không thấy trở về nữa...
- Ái chà! - Hiệp vội kêu lên. Cái điệu này mệt à! Nếu họ
không thực tâm đi làm mướn mà chỉ cố ý tỏ vẻ siêng năng, thực thà với mục đích
mua chuộc lòng tin của chủ, tất họ mưu tính dò đường đất để sau này cuỗm một mẻ
cho ra trò. Người ta kêu “vào nhỏ ra to” là thế đó.
Lộc cười, cố cãi:
- Nhà cháu thuộc hàng công chức bậc trung, lương ít, con đông
thì còn có cái gì cho thiên hạ mưu tính vào nhỏ ra to được hả chú?
Hiệp và Thuận cùng cười theo.
- Biết đâu đấy! - Hiệp nói - Thế chị ấy trốn đi rồi, ba má
cháu kiểm điểm lại có thấy mất mát cái gì không?
- Thưa chú, má cháu hay tin người nên không bao giờ giữ thẻ
kiểm tra của người làm. Chỉ ghi số cho có lệ thôi. Cũng may chưa kịp xin ghi
tên chị ấy vào sổ gia đình. Quần áo chị ấy có vài bộ thay đổi nên lấy đi cũng dễ.
Tiền nong, đồ đạc không mất gì, thôi cũng mừng... Ai ngờ, trước khi đi làm, ba
cháu kiếm đâu cũng không thấy bao thuốc lá và hộp quẹt máy. Ba cháu gắt: “Cơm
trưa xong, tao hút một điếu thuốc, để bao thuốc trên bàn này và dằn cái hộp quẹt
lên trên. Bây giờ không thấy đâu là nghĩa làm sao?”
Cả nhà chỉ có một mình ba cháu hút thuốc. và cả nhà cũng
không ai dám đụng đến các đồ dùng lặt vặt của ba cháu. Đành phải ngờ rằng chị
Tâm đã lấy đi hai món đó mặc dầu không hề thấy chị ấy hút thuốc như nhiều người
đàn bà làm công khác.
Hộp quẹt Zippo chả đáng bao nhiêu nhưng ba cháu tiếc vì có mấy
chữ khắc vô làm kỷ niệm của một ông bạn.
- Thế còn tiền lương của chị Tâm? - Hiệp hỏi.
- Thưa, chị ấy không có hỏi mượn lương trước khi trốn đi. Giá
có hỏi, thế nào má cháu cũng đưa.
- Chú sợ vụ này có dụng ý nham hiểm chi đây - Hiệp trầm ngâm
nói, nói nho nhỏ như riêng mình than thở cho chính mình nghe - Biết đâu chẳng
là một mưu mô gắp lửa bỏ tay người!...
- Chú sợ chi, thưa chú? - Lộc lo lắng gặng hỏi.
- Không! Không sao! Để coi đã, cháu...
Về đến nhà, Hiệp tắm mát xong ra ngồi vắt vẻo ở phòng khách đọc
báo trong khi Thuận và Lộc lúi húi trong bếp lo bữa ăn đặc biệt như đã hứa trên
xe.
Cơm dọn ra đúng lúc chàng đọc xong các tin tức quan trọng ở
trang ngoài và đang để mắt đến các hàng tít lớn ở trang trong.
Thuận và Lộc cũng ghé mắt vào coi ké trước khi cầm đũa. Bỗng
cả ba người cùng giật nẩy mình trước một tin Đô Thành chạy hai cột:
Mở tủ sắt có khóa chữ lấy nhiều triệu đồng trong nháy mắt. Thủ
phạm lưu lại dấu vết như thách đố cơ quan hữu trách.
“Saigon (28-11). - Một vụ trộm lớn lao vừa xảy ra tại biệt thự
của ông V.V.V. ở đường PTG. Saigon, vào hồi 10 giờ sáng nay.
Vào giờ nói trên, ông V, đang mắc bận ở Thủ Đức, trong một cơ
xưởng mà ông là Tổng giám đốc. Bà V. đi khui hụi vắng và các con bà đi học chưa
về. Trông chừng nhà lúc ấy chỉ có một bác bếp già suốt ngày lúi húi trong bếp
và một cô tớ gái đang bận ủi đồ trong căn nhà ngang dành cho người làm ở.
Quân gian lẻn vào sân một cách dễ dàng vì cửa sắt chỉ khép hờ
chứ không đóng.
Nhà bếp bị quân gian khóa trái lại lúc nào bác bếp già cũng
không hay. Còn cô sen thì đang mải làm việc bỗng nghe thấy tiếng khóa bấm đánh
tách một cái, ngẩng đầu lên mới biết mình vừa bị nhốt trong phòng. Cả bác bếp lẫn
cô sen đều la lên thật lớn nhưng vì hàng xóm ở quá xa nên không ai nghe tiếng.
Bằng chìa khóa giả, quân gian lọt vào thư phòng của ông V. một
cách không mấy khó khăn. Y mở được tủ sắt có khóa chữ rắc rối trong một thời
gian kỷ lục và lấy đi chót lọt nhiều triệu bạc mà ông V. đã xếp ngay ngắn trong
các ngăn để ngày hôm sau mang đi Thủ Đức trả lương cho các nhân viên.
Đến 10 giờ rưỡi, bà V. đi khui hụi về, nghe tiếng hai người
làm công la khan cả giọng mới hốt hoảng bảo bác tài xế bẻ khóa cho hai người ra
rồi lên nhà trên kiểm điểm mới hay chiếc tủ sắt kếch sù đã rỗng tuếch. Ngoài
ra, các đồ vật lớn nhỏ đều y nguyên.
Bà V. đành một mặt điện thoại báo tin cho ông V. hay tự sự và
mặt khác đi cớ bót.
Theo tin riêng của bổn báo đặc phái viên thì dường như thủ phạm
đã cố ý lưu lại một hai dấu tích để trêu gan và thách đố cơ quan hữu trách.
Ông Trưởng ty Cảnh sát sở tại đích thân mở cuộc điều tra vụ
này ông có hy vọng tóm cổ được tên thủ phạm ngông cuồng trong thời gian rất ngắn!”
Lộc trố mắt nhìn Hiệp, biểu lộ sự khâm phục tột cùng. Nó vỗ
tay nói:
- Chú đoán hay quá, đúng từng điểm y boong!
Hiệp đứng dậy, gấp tờ báo lại và vỗ vai hai đứa.
- Thôi - Hiệp nói - việc đâu còn có đó, chú cháu mình hãy
chén cái đã. Đói lắm rồi! hà hà!... Thử xem tài nội trợ các cháu tôi tới mức
nào rồi!
Chương 5
Một câu tuyên bố ngông cuồng
Mười lăm phút sau khi được thông báo, ông Vân đã có mặt ở nhà. Ông Thành,
cảnh sát trưởng, và các chuyên viên cũng đã đến đông đủ với các dụng cụ cần thiết.
Chụp hình. Đo tới, đo lui. Tìm dấu giầy, dấu tay. Xong xuôi,
ông Thành cho tất cả ra về, chỉ giữ lại một viên thư ký, rồi mời ông bà Vân qua
phòng khách để lấy lời khai trong vòng kín đáo.
- Ông Viên ghi cho đầy đủ nhé.
Sau khi dặn dò thuộc viên cẩn thận, ông Thành quay sang hỏi
chuyện ông Vân:
- Xin ông Giám đốc vui lòng cho biết vì sao ông để tiền mặt ở
trong nhà quá nhiều như vậy?
Mặt tái ngắt vì xúc động nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, ông
Vân đáp, giọng hơi run:
- Thưa, tiền bạc tôi vẫn gửi ở Ngân Hàng, lúc nào cần tiêu mới
đi lấy. Với các nhà cung cấp, tôi luôn luôn thanh toán bằng chi phiếu. Tiền mặt
lấy ra chỉ để trả cho nhân công. Ngày mai là 29, một ngày trước cuối tháng tức
là ngày trả lương cho thầy thợ theo thông lệ. Trước kia, tôi vẫn để đến đúng kỳ
lương mới ra Ngân hàng lấy tiền chở thẳng tới Thủ Đức. Nhưng cách đây ngót hai
năm, có bữa toàn thể nhân viên các Ngân Hàng đình công tranh đấu về thuế lợi tức
khấu lưu nhằm đúng vào ngày tôi cần tiền trả lương cho anh em. Dĩ nhiên bữa đó
tôi không lấy được tiền ra. Đã đành đó là một trường hợp bất khả kháng và không
thể dự liệu trước được, nhưng đó cũng là một cái gì làm buồn lòng những người cộng
tác của tôi không ít. Bởi vậy, để giữ chữ Tín, và nhất là để cố giữ truyền thống
của Công Ty luôn luôn trả lương cho nhân viên thật đúng hạn kỳ, tôi phải chạy vạy
hết sức vất vả mới xong. Từ đó, rút kinh nghiệm, tháng nào tôi cũng ra nhà băng
lấy tiền về trước một hai ngày cho chắc ăn...
- Có ai biết thói quen mới này của ông không? - Thành hỏi.
- Có. Nhiều người biết nữa là đàng khác. Sau cái bữa phải chạy
đôn chạy đáo vay tiền, tôi thường vui miệng tuyên bố cạch không dám để đến đúng
ngày trả lương mới đi lấy tiền về.
- Tủ sắt của ông thế nào? Khóa chữ có phức tạp lắm không?
- Như ông Quận trưởng thấy đó, tủ sắt của tôi do một hãng nổi
tiếng bậc nhất chế tạo. Tủ càng lớn, nghĩa là tủ càng đựng được nhiều tiền thì
càng được chế tạo chắc chắn và trình bầy càng đẹp. Dĩ nhiên, cách mở, cách đóng
càng khó khăn, phức tạp hơn.
- Ngoài ông ra, còn những ai biết cách mở?
- Không có ai. Tôi là người duy nhất.
- Kể cả bà nhà?
- Vâng, kể cả nhà tôi. Kể cả những người vừa là bạn vừa là cộng
sự viên thân tín nhất. Nhà tôi có chỗ để tiền riêng. Các cộng sự viên coi việc
kế toán cho Công Ty cũng có tủ sắt riêng ở sở.
- Có khi nào ông phải đi giao dịch xa Saigon không?
- Có chứ.
- Và đi như vậy có lâu không?
- Từ vài ba ngày đến một tuần.
- Những khi ấy, ông có chỉ cách mở tủ cho bà nhà không?
- Không.
- Nhưng ít ra ông cũng phải có một tờ chỉ dẫn bỏ vào một bao
thư niêm kín để ở nhà như mọi người thường làm phòng khi cần mở tủ mà ông chưa
về kịp.
- Không. Tuyệt đối không. Tôi sợ tờ chỉ dẫn ấy có thể bị thất
lạc và như vậy rất tai hại về sau, không biết vào lúc nào. Cho nên khi cần đi vắng
lâu, tôi không để bất cứ cái gì trong tủ sắt. Tiền bạc và giấy tờ quan trọng,
tôi giao cho hai ông phụ tá cất trong tủ sắt của Công Ty ở Thủ Đức.
Mắt lơ đãng nhìn bàn tay viên thư ký đưa thoăn thoắt trên tập
giấy, đợi cho y ghi chép xong, Thành mới chỉ cái hộp quẹt máy hiệu Zippo và một
bao thuốc lá Cotab đã bóc rồi và đã vơi hết mấy điếu đặt giữa một vuông vải trắng
trên bàn.
- Ông có nhận được các vật này không? - Thành hỏi.
- Thưa có.
- Của ông?
- Không.
- Vậy của ai, thưa ông?
- Của một người bạn thân của tôi là ông Đặng văn Thụ.
- Sao ông nói chắc vậy? - Thành hỏi gặng.
- Thưa, rất giản dị. Hộp quẹt này bạn tôi có đã lâu, và tôi
thấy ảnh dùng rất thường. Tôi nhớ một mặt có khắc mấy chữ: “Thân tặng Thụ”, tiếp
theo là một chữ ký không rõ. Phong thuốc cũng dễ nhận. Ảnh quen dùng thuốc
Cotab và có thói quen khi bóc ra dùng thì bóc luôn cái vỏ băng giấy bóng kính
liệng đi.
- Xin ông cho biết trong trường hợp nào hai vật này lại có mặt
ở trên bàn giấy của ông trong khi ông đi vắng.
- Thưa, quả tình tôi không được rõ. Sau khi được tin bị mất
trộm, tôi ở sở về nhà thấy phong thuốc lá và hộp quẹt quen thuộc, tưởng ban
sáng anh Thụ lại chơi có việc gì. Hỏi thì nhà tôi bảo không, anh Thụ đâu có lại.
Thưa ông Quận trưởng, trong cái gạt tàn tôi còn thấy một điếu thuốc...
Ông Cò gật gù, ngắt lời:
- Phải rồi, tôi cũng để ý đến cái tàn nguyên lành của một điếu
thuốc châm rồi để cho cháy hết chứ không hút.
- Bạn tôi, anh Thụ, không bao giờ có thói quen ấy. Theo tôi
nghĩ, hình như kẻ gian cố ý gieo vạ cho anh ta.
Thành quay sang bà Vân, đột ngột hỏi:
- Thưa bà, xin bà cho biết ý kiến nếu hai vật này bà cũng nhận
thấy như ông nhà là của ông Thụ.
Bà Vân trả lời không cần suy nghĩ:
- Thưa ông Quận trưởng, chắc chắn đó là đồ dùng của ông Thụ,
nhưng tôi không nghĩ rằng ông Thụ là người mang chúng đến đây sáng hôm nay.
- Vậy xin ông bà cứ thực tình cho biết ông bà có nghi cho ai
không.
Cả hai người cùng lắc đầu trả lời mau mắn:
- Thưa không.
Trầm ngâm mấy phút, Thành hỏi tiếp:
- Xin ông Giám đốc cho biết ông Đặng văn Thụ là người như thế
nào.
- Thưa, ông Thụ là một trong số mấy người bạn học thân của
tôi. Anh em chơi với nhau từ ngày còn nhỏ, từ hồi “còn để chỏm” như người ta
thường nói. Gia đình khá giả, ăn học đàng hoàng. Rồi ra đời, mỗi người đi một lối,
tôi buôn bán, anh ấy làm công chức. Hiện giữ một chức chủ sự khiêm tốn ở Nha
Xây cất.
- Theo ông thấy, ông Thụ có nhiều kẻ thù không?
- Không có đâu, ông Quận trưởng. Anh ấy hiền khô, người ta
kêu là “hiền như bụt”. Làm sao anh ấy có kẻ thù cho được?
- Biết đâu không vì tranh giành quyền lợi nọ kia? - Thành vẫn
hỏi gặng.
- Tôi không rành về nhiệm vụ của anh ấy ở công sở, nhưng dường
như anh ấy cố tình không nhận những chức vụ có ít nhiều quyền hành hay có liên
quan đến tiền bạc.
- Còn chị ấy - Bà Vân tiếp lời chồng - chị ấy cũng không chịu
bon chen như người ta. Gia cảnh thanh bạch thì chỉ biết thu va thu vén cho đỡ
túng thiếu chứ không thèm làm áp phe hay hụi hè gì với ai hết.
Thành nhận một điếu thuốc thơm đầu lọc do Vân mời, châm hút,
suy nghĩ thật lung trước khi nói bằng một giọng ôn tồn nhưng nghiêm trọng:
- Vì quyền lợi của chính ông bà, ông bà cần cho tôi biết thật
rõ những điểm đặc biệt dính dáng đến ông Thụ, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng được. Một
thói quen, một biệt tài hay một tật xấu độc đáo nào của ông ta cũng có thể giúp
ích rất nhiều cho cuộc điều tra. Một thói xấu của đương sự không nhất thiết làm
hại đương sự đâu. Trái lại, nó có thể là một sợi dây hữu ích giúp cho nhà chức
trách phăng lần ra manh mối...
Ông Vân cười nói:
- Anh Thụ có nhiều nết tốt, những tính tốt thông thường của một
gia trưởng, của một công chức, tưởng chả có gì đáng nhấn mạnh. Về biệt tài...
à, anh ấy có tài làm ảo thuật.
- Làm ảo thuật? - Thành ngạc nhiên hỏi.
- Vâng, chả biết anh ấy học lỏm được ở đâu, nhưng biểu diễn
cũng xôm trò lắm. Nhiều bữa tiệc vui nhờ tài mọn của anh ấy mà nổi đình đám.
Như tháng trước, ăn cơm ở nhà tôi, anh ấy vo chiếc khăn mùi xoa rồi không biết
lấy ở đâu ra cả chục con chim bồ câu khiến cả bàn tiệc phải khâm phục sát đất.
Hồi tưởng buổi tiệc đãi các bạn thiết của chồng hôm ấy, bà
Vân bỗng phì cười, buột miệng nói:
- Nhưng ai cũng ngán cái thói nát rượu của anh ta. Thật là
nát rượu không ai bằng...
Linh cảm thấy cuộc điều tra đã đến một khúc quanh thú vị,
Thành vui vẻ yêu cầu:
- Xin bà cho nghe đầy đủ cái nát rượu của ông bạn.
- Vâng - Bà Vân thong thả kể - tháng trước nhà tôi có mời
mươi ông bạn cũ dùng cơm thân mật ở nhà. Các ông đều quen nhau từ ngày còn ở tiểu
học nên nói năng suồng sã và phục rượu nhau cho say bí tỉ cũng là sự thường. Tiệc
gần tàn, mỗi người phải trổ tài hiến một trò vui. Lập lệ: ai có trò hay nhất
thì được thưởng một ly rượu, ai làm trò dở nhất cũng phải phạt một ly rượu.
Thành thử anh Thụ giỏi nhất và anh Hà bét nhất đều say khướt. Lại thêm một cái
lệ tức cười nữa. Người thua được quyền hỏi người thắng một câu thật ngớ ngẩn, nếu
không ngớ ngẩn thì phải phạt một ly rượu đầy. Còn người thắng thì có quyền
tuyên bố một câu thật ngông, nếu không thật ngông thì cũng phải phạt một ly rượu
đầy.
Cò Thanh bị câu chuyện ngoài lề lôi cuốn, mỉm cười hỏi, như
quên phứt đi cả cuộc điều tra:
- Vậy ông thua hỏi thế nào và ông được tuyên bố ra sao, thưa
bà?
Bà Vân tủm tỉm cười đáp:
- Thưa ông Quận trưởng, ở đời thật có lắm chuyện thật là ngược
ngạo. Như hàng ngày mình nói nhiều câu tưởng là bình thường nhưng xét kỹ mới thấy
thật là ngớ ngẩn. Trái lại, lúc cần tìm một câu ngớ ngẩn mà nói lại tìm không
ra. Anh Hà cũng ở trong trường hợp ấy. Bị thúc dục mãi, anh ấy đành hỏi liều
anh Thụ: “Sao mỗi ngày, mày không chịu khó trổ tài biến một ông Trần Hưng Đạo
thành năm bảy trăm ông mà tiêu có sướng không, tội vạ gì đi làm cái nghề cạo giấy
cả tháng mới được hai chục ngàn đồng?”
Anh Thụ lúc bấy giờ đã say quá xá, chỉ cười cười rồi phất tay
công nhận câu hỏi ấy khá ngớ ngẩn nên tha cho anh Hà khỏi phạt.
Thế rồi anh Hà phản công bắt anh Thụ tuyên bố. Anh Thụ chỉ ậm
ừ rồi gục xuống bàn ngủ.
Cử tọa không chịu, nhất định dựng anh ấy dậy. Tức quá, anh ấy
đòi uống rượu nữa. Làm một hơi hết nửa ly, ảnh trừng mắt nhìn nhà tôi, giơ tay
chỉ vào mặt và tuyên bố một câu rất là kỳ cục: “Bao giờ tủ két nhà mày đầy nhóc
tiền, ông sẽ làm phép ‘hô thâu’ một phát là đi đứt hết. Ông lấy nhẵn không chừa
lại một xu cho mày ăn mày luôn cho biết thân. Ha ha!... Được không?”
Lè nhè xong, anh ấy chuồi xuống gầm bàn, đánh một giấc ngon
lành, chẳng cần biết câu tuyên bố của mình có được chấp nhận là ngông hay không
nữa.
Nghỉ một phút, bà Vân thở dài than:
- Anh Thụ quả là vua nát rượu. Chúng tôi vực anh ấy lên giường
nằm. Thỉnh thoảng anh ấy lại mở mắt ra lè nhè:
- Cái tủ sắt của mày trông chướng quá, thế nào cũng phải vét
sạch một chuyến cho mày sáng mắt ra!
- Thưa bà - Thành hỏi - lúc đó có những ai nghe thấy câu nói
ngang ngược và dại dột ấy?
- Thưa, có tám ông bạn cùng dự tiệc và toàn thể gia đình
chúng tôi gồm vợ chồng và bốn cháu.
Quay sang ông Vân, Thành nói:
- Phiền ông Giám đốc ghi dùm tên các ông bạn có mặt trong bữa
tiệc hôm ấy vào một danh sách có các cột tên họ, địa chỉ, nghề nghiệp và nơi
làm việc.
Đoạn hỏi tiếp bà Vân:
- Thưa bà, còn các người giúp việc trong nhà, có ai nghe thấy
không ạ?
- Thưa có. Nhà tôi có ba người giúp việc: một ông bếp già, một
chú tài xế và một chị sen. Ông bếp làm việc rất chăm và giỏi, hơi lãng tai, cả
ngày chỉ quanh quẩn với ông vua bếp, bữa đó nhà đông vui như vậy mà ông ấy cũng
lì không buồn lên nhà trên lấy một phút. Chú tài mắc lo trông chừng mấy chiếc
xe của khách đậu ở ngoài đường. Chỉ có chị sen sán vào mà nghe, cười toe toét.
- Hay lắm! Xin bà làm ơn kêu chị sen lên đây cho tôi hỏi một
phút.
- Rất tiếc, chị ấy đã xin thôi cách đây chừng nửa tháng rồi,
thưa ông Quận trưởng.
- Chị ấy có cho biết lý do không ạ?
- Thưa có. Thì cũng một trong những lý do thông thường người
ta nại ra khi không muốn ở nữa: Phải về Quảng Tín ngay vì mẹ đau nặng. Tôi
không tin nhưng cũng chẳng giữ làm gì... mà có giữ, chắc cũng chẳng được.
- Hay y thị muốn thêm lương mà không chịu nói ra?
- Chắc không phải vậy đâu. Tôi trả chị ấy mỗi tháng 8 ngàn là
số lương cao nhất rồi còn gì. Có thể chị ấy dành dụm được ít tiền muốn đi buôn
bán chăng?
Vân bỗng nói xen vào:
- Khi thôi làm, y thị rao đi rao lại là sẽ ra bến xe đò mua
vé đi Quảng Tín ngay. Nhưng hai hôm sau, tôi còn thấy y thị cặp kè với một gã
cao lớn ở gần chợ Bến Thành.
Quay sang vợ, Vân hỏi:
- Em còn nhớ hôm ấy anh đang mải lái xe, em khẽ vỗ vào tay
anh và bảo: mình trông kìa, ai như con Tâm! Thế mà dám hô đi Quảng Tín và xin
ra cho bằng được!
- Phải rồi, phải rồi! - Người vợ đáp.
- Nó đang mải nói chuyện nên không trông thấy chúng tôi - Người
chồng tiếp, mặt quay về phía ông Cò - Tôi còn nhớ gã cao lớn, chắc là bồ của y
thị, có một cái thẹo khá lớn ở thái dương bên tay mặt.
Mặt hớn hở thấy rõ, Thành thong thả đứng lên, nói:
- Tôi xin phép được hỏi một câu chót. Thị Tâm là người như thế
nào, thưa bà?
- Chị ấy người tầm thước - Bà Vân vội đáp - Khá đẹp. Chăm chỉ,
giỏi giang...
- Và sắc sảo? - Thành hỏi.
- Dạ, rất sắc sảo, nhất là cặp mắt. Ở đây, chị ấy luôn luôn tỏ
ra nhu mì, nhưng tôi cảm thấy chị ấy không phải là con người hiền lành.
- Vâng, tôi hiểu. Bà làm ơn cho chúng tôi coi tờ khai gia
đình...
Quay qua viên thư ký, Thành tiếp:
- Ông Viên ghi số thẻ căn cước của thị Tâm đi. Đợi ông Giám đốc
lập xong bản danh sách, rồi chúng ta xin phép ông bà Giám đốc về Ty.
Khi bắt tay từ biệt, Thành dặn ông Vân:
- Chiều nay, lúc nào rảnh mời ông bà ghé qua Ty ký giùm các tờ
khai nhé.
Chương 6
Cạch đến già
Hương đến sở rất đúng giờ. Chưa kịp lấy đống hồ sơ trong ngăn ra đã có tiếng
chuông điện thoại.
- A lô! Dạ, ông muốn hỏi thăm ông Tổng giám đốc Phụ hay ông
Phụ tá Tổng giám đốc Chánh?... Dạ dạ, ông Phụ tới rồi... Dạ dạ, xin ông giữ
máy...
Nàng đứng dậy, bước vào phòng Tổng giám đốc sau khi gõ cửa.
Nửa phút sau:
- A lô! Xin mời ông Quận trưởng qua. Càng sớm càng hay vì lát
nữa e có khách. Thưa, đến bốn giờ, ông Tổng giám đốc sẽ mắc họp. Dạ không có
chi.
Buông ống nghe, nàng cười nói với cô bạn cùng phòng:
- Mấy ông cầm đầu Tổng Nha mình có những cái tên thật tréo cẳng
ngỗng. Ông Tổng thì tên là Phụ, mà ông Phụ tá lại tên là Chánh. Thành thử nếu
không hỏi lại cho rành, dám “râu ông nọ cắm vào cằm bà kia” lắm. Mình đã trả lời
lộn ba bốn phen rồi đó bồ!
Không đầy năm phút sau, cò Thành đã có mặt trong văn phòng
ông Tổng giám đốc Xây cất, máy lạnh chạy rè rè.
- Xin ông Tổng giám đốc vui lòng cho biết có phải ông Đặng
văn Thụ là nhân viên của quý Tổng Nha không.
- Dạ phải, ông Thụ là Chủ sự Phòng Công văn và Hành chánh tổng
quát.
- Sáng hôm nay, ông Thụ có đi làm không ạ?
- Thưa có.
- Ông ấy có đi đâu vắng trong khoảng thời gian từ chín giờ rưỡi
đến mười giờ rưỡi không?
- Không. Ông ấy mắc thuyết trình trong một buổi học tập toàn
Nha.
Mở một tập hồ sơ mỏng để trên mặt bàn, phía tay trái, ông Phụ
lấy một tờ giấy trao cho ông Thành và nói:
- Đây là biên bản buổi học tập. Thuyết trình và thảo luận từ
9 giờ đến 11 giờ. Có ghi rõ tên những nhân viên cao cấp có mặt và vắng mặt. Ông
có thể phối kiểm dễ dàng.
Đọc xong tờ biên bản, cò Thành nói:
- Vâng... Ông Thụ là người thế nào, thưa ông Tổng giám đốc?
- Có thể gọi là một công chức gương mẫu - Ông Phụ đáp - Giỏi,
chăm, tư cách đàng hoàng, lập trường vững chắc. Chỉ phải cái quá dè dặt về vấn
đề tiền bạc.
- Nghĩa là?
- Nghĩa là ông ấy sợ không dám lãnh những chức vụ có liên
quan đến tiền bạc như tài chánh kế toán chẳng hạn.
- Vậy chắc là không vướng vào khoản nào trong tứ đổ tường?
- Chính thế. Họa chăng là có hút thuốc lá chút đỉnh. Cái đó
vô hại, phải không, ông Cò?
- Dạ phải. Nhưng còn rượu? Nghe nói tửu lượng ông này khá lắm?
Ông Phụ cười xòa, cái cười thật thà, cởi mở:
- Ở đây, chúng tôi ít có dịp tổ chức liên hoan. Nếu có thì
cũng chỉ chung vui với nhau bằng nước ngọt, thành thử không có cơ hội biết được
tửu lượng của các anh em.
- Tôi muốn gặp ông Thụ ở đây trong giây lát, thưa, có chi bất
tiện không ạ?
- Ồ không, có chi mà bất tiện.
Rồi nhắc ống nghe kêu điện thoại viên bảo cho ông Thụ.
- A lô! Ông Thụ hả? Phụ đây. Mời ông bước qua văn phòng tôi
nói chuyện chút nghe.
Vài phút sau, Thụ tới. Trông mặt cũng biết ngay ông này thực
thà như đếm. Dáng điệu và phục sức vào loại công chức “chân chỉ hạt bột”. Đúng
như lời anh chàng Vân phê bình: “Ồ, cái anh chàng Thụ có nhiều ẩn ức, học hành
trội hơn tất cả mà đến khi ra đời lại thua sút tất cả các anh em. Lúc tỉnh, bao
nhiêu ẩn ức trốn kỹ trong tiềm thức, đợi khi say mới bộc lộ ra. Chứ cái ngữ anh
ấy không thể nói dối một câu cho suôn, làm sao có thể nghĩ đến chuyện động trời
là mở trộm tủ sắt của một người bạn. Tôi dám cá một ngàn ăn một, anh ấy không mở
nổi tủ sắt của tôi trong nửa tiếng đồng hồ mặc dù tôi có trao cho anh ấy cả
chìa khóa lẫn bản chỉ dẫn cách mở... Cái dân chỉ quen cầm bút ấy mà! Ngoài việc
thảo công văn, làm việc gì cũng lóng nga lóng ngóng!...”
Suy nghĩ thật nhanh sau cái nhìn sâu sắc, viên Quận trưởng có
cảm tình ngay với người mới tới.
- Ông Thụ có thể nhận ra các vật này không?
Vừa hỏi, cò Thành vừa lấy trong cặp da phong Cotab hút dở và
hộp quẹt Zippo.
Thoạt trông qua, Thụ đã tái mặt, mất tinh thần, lắp bắp:
- Dạ có. Của tôi đây mà!
- Ông có biết tôi lượm được ở đâu không?
- Dạ không.
Cò Thành nói thật chậm rãi, mắt nhìn chằm chằm vào mặt người
đối thoại:
- Ở trên bàn giấy nhà ông Vân, bạn ông. Sáng nay, hồi 10 giờ,
kẻ lạ mặt đột nhập văn phòng ông kỹ nghệ gia tỷ phú này và đã mở tủ sắt cuỗm
nhiều triệu bạc là tiền sắp sẵn để trả lương cho nhân công ở Thủ Đức. Y đi, để
lại hai món này làm biên nhận.
Choáng váng, Thụ ngồi phịch xuống ghế, ôm đầu, rên rỉ:
- Trời ơi! Sao lại có thể như thế được?
Rồi nhìn ông Phụ, ứa nước mắt, nói:
- Chết tôi rồi, ông Tổng giám đốc ơi!
Rồi lại ôm đầu than thở:
- Tình ngay nhưng lý gian! Trăm miệng một lời, cãi sao cho lại
đây! Trời ơi!
Ông Phụ tuy chưa biết câu chuyện ất giáp ra sao, nhưng vì tin
chắc thuộc cấp của mình không thể làm được bất cứ điều gì sằng bậy nên thực tâm
an ủi vỗ về:
- Ông Chủ sự à! Cây ngay không bao giờ sợ chết đứng cũng như
vàng thật không bao giờ sợ lửa. Ông cứ bình tĩnh đi, rồi thổ lộ cho hết những ẩn
tình để ông Quận trưởng đây giải quyết giùm cho. Công lý đích thực bao giờ cũng
sáng suốt, phải không ông Quận trưởng?
Cò Thành nói thật từ tốn như để cho những lời thốt ra có đủ
thì giờ thấm vào đầu óc bối rối của người trong cuộc:
- Tôi biết những gì xảy ra ở nhà ông Vân trong một bữa tiệc
vào khuya. Tôi cũng biết những vật này do đâu mà có mặt nơi đây. Một người nông
nổi có thể chỉ căn cứ vào những chứng tích bề ngoài này để bắt ông. Nhưng tôi
không làm vậy. Tôi muốn ông cứ sự thật tường khai cho đầy đủ. Theo đúng nguyên
tắc, cho đến ngày bị Tòa án tuyên phạt, người bị tình nghi vẫn được coi là vô tội.
nếu ông tự xét không làm điều chi phạm pháp thì không gì bằng cho nhà chức
trách biết sự thật để do đó chúng tôi phăng ra manh mối...
Thụ đã bình tĩnh dần dần trở lại. Mặt bớt tái, tay bớt run và
giọng nói bớt rụt rè:
- Vâng, cảm ơn ông Quận trưởng. Tôi xin khai sự thật, tất cả
sự thật.
- Tốt lắm - Cò Thành nói, rồi hướng về phía viên trưởng cơ
quan xây cất nói tiếp - Thưa ông Tổng giám đốc, tôi đã làm mất thì giờ của ông
Tổng giám đốc khá nhiều nên nghĩ không tiện lạm dụng thêm nữa. Tôi xin cáo từ
và xin ông Tổng giám đốc cho phép ông Thụ ghé qua Ty tôi viết tờ cung khai cho
đầy đủ. Có thể hết cả buổi chiều nay mới xong, nhưng ông Thụ bất tất phải báo
cho gia đình biết vì chắc tôi không giữ ông lại đâu.
Xiết tay ông Phụ và nói mấy lời cảm tạ xong, viên Quận trưởng
còn ngoái lại dặn dò trước khi bước ra cửa:
- Đợi tôi đi khỏi chừng 15 phút ông Thụ hãy tà tà bước ra khỏi
sở nghe. Cứ tự nhiên như đi ra phố làm một ly cà phê vậy. Đừng để cho người ta
nghi ngờ rồi xầm xì bậy bạ, sau này khó làm việc đó. Thôi, chốc nữa gặp nhau
nghe!
Tiễn khách xong, ông Phụ quay vào vỗ vai thuộc viên:
- Can đảm lên, ông Thụ! Ông Quận trưởng này xem ra có vẻ công
minh chắc không làm gì phiền lụy ông đâu. Thôi, ông về phòng ngồi một lát đi,
lúc nào thấy tâm thần thật trấn tĩnh hãy ghé qua Ty...
- Dạ - Thụ tâm sự - đầu dây mối nhợ là do tính nát rượu của
tôi mà ra. Thưa ông Tổng giám đốc, tôi đã hai thứ tóc trên đầu rồi mà bây giờ mới
biết say sưa và ăn nói bậy bạ tai hại như thế nào! Nếu không gặp được người điều
tra sáng suốt, có thể tù tội như chơi! Từ đây, tôi xin cạch đến già không bao
giờ dám uống rượu nữa.
- Vậy tốt! Thôi, được rồi. Chúc ông can đảm và may mắn nhé!.
5/1/1973Chân Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét