Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Nha Trang dấu chân kỷ niệm 1

Nha Trang dấu chân kỷ niệm 1

Chương Một
Đột nhiên, con nhỏ đi đầu thắng xe lại, thở hổn hển:
- Ngừng xe ở đây thôi! Hạ mệt quá rồi!
Vừa nói xong là con nhỏ nhảy ra khỏi chiếc xe đạp, đẩy nó vào bên vệ đường, rồi ngồi bệt trên đám cỏ. Cả bọn phải ngừng lại và đồng la lớn:
- Trời ơi! Ngồi đây sao con khỉ ròm?
Trang chép miệng:
- Coi nó kìa. Mặc áo dài trắng mà ngồi không giống ai cả.
Đoan Hạnh bước khỏi xe Hương chở, đến đối diện trước ghi đông xe, nhăn mặt hỏi:
- Đã đến nơi chưa Hương?
Mặt nhỏ này đã đỏ, càng đỏ ửng hơn. Hương bối rối:
- Không biết đã qua Bình Cang chưa? Những con đường đất dẫn vào các khu dân cư thật giống nhau. Hương không nhớ con đường nào để vào nhà dì của Hương nữa.
Dáo dác nhìn các hướng hai bên đường, con nhỏ phàn nàn:
- Mấy ngã đi vào làng không có cái nào khác cái nào mà con Hạ “ròm” này găng lắm. Nó cứ đạp xe mau như bị cướp đuổi. Hương phải đạp theo cho kịp nó thành ra không nhìn đường được nữa.
Nhỏ Anh lắc nguầy nguậy cái đầu tóc tém ngắn kiểu con trai: 
- Đã nói rồi. Đi Bãi Dương, vọc nước biển và lượm ốc vui hơn nhưng tụi bây không nghe. Đòi đi lên Thành ăn trái cây bây giờ không biết đi chỗ nào.
Trang xen vào:
- Từ từ hãy tính. Bây giờ dắt xe sang bên kia đường có bóng cây, chỗ hàng rào kia ngồi cho mát đã!
Nói xong,Trang gạt chân chống để giữ cho chiếc xe đạp của con nhỏ thăng bằng đứng yên, rồi bước đến chỗ Hạ đang ngồi. Con nhỏ vừa kéo chiếc xe của Hạ lên, vừa nói:
- Đan Hạ đứng dậy đi. Sang bên kia có bóng cây ngồi mát hơn.
Hạ miễn cưỡng nhỏm người dậy, nắm lấy ghi đông rồi xoay chiếc xe của mình hướng về phía bên kia đường. Chờ lúc không còn chiếc xe nào trên đường Quốc Lộ, Hạ đẩy xe, chạy vội sang đường và cùng nhóm bạn tiến về khu vườn có cái hàng rào lưới thấp với bóng mát của cây cao.
Anh đến nơi trước. Con nhỏ quan sát cái cây cao ấy rồi la lên:
- Cây xoài tụi bây ơi! Trời ơi cây xoài sai trái quá!
Cả bọn vội vàng đẩy xe nhanh hơn đến nơi Anh đứng. Dựng chúng dọc theo hàng rào, tất cả yên lặng quan sát khu vườn.Trong không gian tĩnh mịch, khu vườn không một bóng người ngoài căn nhà nằm khuất sau những hàng cây ăn trái. Đặc biệt nhất là một cây xoài lớn mọc sát hàng rào. Những cành xoài vươn ra tận ngoài đường lộ và gần như sà xuống đất với những trái xanh thật quyến rũ. Những trái xoài xanh nhè nhè đu đưa qua lại theo gió như muốn cám dỗ vị thèm chua của bọn con gái.
Nhỏ Hương nuốt nước miếng:
- Có muối ớt thì tụi này biết tay ta!
Hạ cũng nuốt nước miếng theo Hương và cảm thấy hai hàm răng ê ẩm. Nhỏ Hương này ăn chua phải biết! Cứ mỗi lần xếp hàng vào học,  con nhỏ lột một trái chanh. Hương ăn chua nhiều đến nỗi có thể lột trái chanh “nghề” như bóc một trái cam sành. Trong cặp Hương lúc nào cũng có gói muối ớt cay lè lè. Lần nào cũng vậy, hễ Hạ thấy Hương ăn chanh hoặc xoài là hàm răng của Hạ trở nên ê ẩm. Hương biết thế nên cố tình chọc Hạ hoài. Có lần, trong tiết học của cô Tường, giáo sư Việt Văn khó nhất trong cấp lớp mười, kêu Hạ lên trả bài. Vì sợ cô nên Hạ lo học thuộc bài rất kỹ. Thế mà, khi đứng trước lớp, Hạ không nhớ được chữ nào bởi vì nhỏ Hương. Con nhỏ, chờ lúc cô cúi xuống kiểm tra vở ghi của Hạ, đưa một quả me chín lên nhem thèm, rồi thêm một miếng xoài xanh tẩm cam thảo và ớt. Hạ không chịu nổi, nuốt nước miếng nhiều lần đến độ chữ nghĩa trốn chạy hết cả. Còn lại chỉ là me, xoài, và ớt quay cuồng. Cuối cùng, Hạ lãnh con điểm chín trên hai mươi một cách oan uổng.
- Suy nghĩ gì đó Hạ? Mi có muốn lấy trái xoài này không? Trang chìa cho Hạ một trái xoài xanh tươi còn cả mủ trắng ứ trên đầu cuống.
Hương lên tiếng:
- Hạ không ăn xoài đâu. Nó luôn nói chất chua làm phá hủy hồng huyết cầu của nó mà.
Hạ chu miệng:
- Sao lại không? Trái xoài này dễ thương quá! Hạ lấy để ngắm nó còn hơn để cho Hương.
Hạ đưa trái xoài lên cao, chờn vờn trước mặt Hương và nhảy nhót.
Đoan Hạnh và Anh thi nhau với những trái xanh tròn trịa lơ lửng trên đầu, miệng lẩm bẩm “Tụi bây không lo hái, chỉ biết giành nhau.”
Hương định trả đũa lại thì có tiếng sau lưng:
- Chào các cô bé. Làm gì ở đây vậy? Ăn trộm xoài phải không?
Tiếng nói của con trai. Ăn trộm? Trời ơi! Dám nói “Ngũ cô nương” ăn trộm. Gan thật!
Đoan Hạnh quay lại, giấu trái xoài sau lưng, nghiêm mặt nói:
- Xin lỗi, các anh nói chuyện với ai rứa?
Hai anh chàng “tu mi nam tử” này biến sắc.
- Xin lỗi các bạn nghe, tụi này không muốn chọc giận các bạn đâu. Thực ra, hai đứa đoán các bạn là học sinh trường Nữ Trung Học Huyền Trân, hàng xóm với trường Võ Tánh nên muốn làm quen thôi.
Trang kéo Đoan Hạnh:
- Ê Hạnh, tụi nó muốn làm quen với bọn trường mình thì từ “ăn trộm” chỉ là nói chơi thôi mà.
Đột nhiên, nhỏ Hương làm cả bọn con gái giật mình vì giọng nói ngọt ngào kỳ lạ của nó:
- Hôm nay không có tiết học, tôi định đưa mấy đứa bạn đến nhà dì tôi chơi, nhưng vì bị lạc đường, trời lại nắng nên phải nghỉ ở đây.
- Nếu các cô không ngại thì đi cùng với chúng tôi tới vườn của ông tôi. Vườn ông tôi có nhiều trái cây như xoài, ổi, chùm ruột và có cả ruộng mía sau nhà.
Giọng nói tên này “điệu” chả kém gì Hương. Hạ kín đáo quan sát hắn: Gương đeo mắt và  cách ngồi trên xe “cọp dê” như tài tử. Còn giọng nói thì  có lẽ phải tập nhiều lần mới được dịu ngọt như thế. Buồn cười thật, mấy chàng “yểu điệu” của trường Võ Tánh này thường bị mấy bọn quỷ Huyền Trân chọc là dân “nẩu” thôi. Bất chợt người con trai này nhìn Hạ. Vừa ngượng nghịu vì “ tang vật” trên tay, vừa sợ hắn đọc được tư tưởng của mình, Hạ reo lên vui vẻ:
- Nhiều trái cây? Có cả mía?  Ui cha! Mía là món hảo của Hạ mà. Bằng lòng đi với mấy ông này đi! Chứ Hương không nhớ đường, mà trời nắng quá.
Trang la lên:
- Nhưng mấy anh này đi xe Honda, còn tụi mình đi xe đạp. Lại không hiểu vườn của ông nội anh... này gần hay xa? Hạ này đúng là “bộp chộp”!
-Tôi tên là Hoàng và anh này là Vân. Nhà nội tôi gần đây thôi.
Chỉ tay về phía con đường đất, giữa hai bên cánh đồng lúa đối diện trước mặt, nguời con trai này nói tiếp:
- Chỉ cần đi theo con đường nhỏ xuyên qua đám ruộng kia thì tới.
- Con Đan Hạ đã nói như rứa thì chiều nó đi. Dù sao con “ròm” này cũng mệt rồi.
Len lén đặt những chiếc xoài “tội lỗi” vào những cái giỏ trước “ghi đông” xe, cả bọn con gái lóc cóc đạp xe đi theo hai anh chàng học trường Võ Tánh.
Hai người con trai này lái xe chầm chậm phía trước để dẫn đầu nhưng không quên trao đổi đủ chuyện.
Mặc cho mọi người cười nói, Hạ tận hưởng niềm vui riêng của mình. Hôm nay không có tiết học Việt Văn. Mỗi lần không có tiết học là dịp tụi học sinh lớp Hạ tụm năm, tụm bảy bàn tính nên đi Hòn Chồng, đi Bãi Dương, hay đi Thành chơi. Đi Hòn Chồng hay Bãi Dương thì bọn con gái lớp Hạ được dịp lượm các vỏ ốc trên bờ biển, vọc nước biển hay trèo lên những mô đá để đến tận bàn tay thật to in trong đá; còn đi Thành thì cả bọn được hít thở không khí trong lành của vùng quê và được ăn trái cây tha hồ. Hạ không thích nghe thầy cô bệnh nhưng lại thích được nghỉ học bởi vì đến trường có lúc thật vui nhưng có khi thật là chán. Thầy cô cứ thao thao bất tuyệt mặc cho học sinh mơ mộng và thả hồn ra các khung cửa, lên tận các đọt dương. Hạ là “chúa mơ mộng và lơ đễnh” nên thường bị thầy cô hỏi những câu hỏi bất thình lình và bị bạn cười với những câu trả lời ngớ ngẩn.
- Đến nơi rồi. Các cô có thể để xe nơi đây.
Tiếng nói của Hoàng đưa Hạ trở về thực tế. Hạ vội thắng xe để tuần tự theo các bạn vào trong sân. Dựng xong mấy chiếc xe, cả bọn con gái đứng xớ rớ và im lặng nhìn nhau. Chắc hẳn lúc này cả đám mới nhớ là đi theo những người lạ tới một khu vườn lạ. Hoàng như hiểu ý, anh ta huyên thuyên nói về những cây trái trong vườn và giới thiệu mỗi loại trái cho cả bọn thưởng thức. Đám con gái của Hạ len lỏi vào những bụi cây sum suê trái. Đứa nào cũng thi nhau thò tay mân mê những trái sa bu chê căng tròn hết bụi tấm hay những trái mãng cầu nứt gai trắng hồng, rồi lại vít những cành ổi hay nhánh chùm ruột. Ông lão coi vườn có lẽ là ông nội của Hoàng tuy nhiên anh ta không giới thiệu. Còn  đám con gái của Hạ vì quá say sưa với cây trái nên quên đi cả e dè. Đứa nào cũng nói:”Cháu chào ông” hay  “Thưa ông” một cách chiếu lệ rồi đua nhau cười nói, chia nhau những thành quả có được. Có lẽ hiểu được tụi nhỏ và tự hào về vườn cây sum suê của mình, ông cười một mình rồi lấy dao đi ra đến tận đám ruộng sau vườn. Một lát sau, ông ôm về vài cây mía, chặt từng khúc, và chia cho cả bọn. Sau đó, ông còn hái đủ loại trái cho mấy đứa con gái chất đầy trên các giỏ xe.
Nắng đã nhạt và năm đứa con gái lục đục theo hai người bạn trai mới quen chuẩn bị về Nha Trang. Trên đường về, ngang khu vườn có cây xoài lớn nơi mà cả bọn nghỉ mát, bọn con gái đưa mắt nhìn nhau, cười tủm tỉm. Thiên hạ phóng xe Honda qua mặt la lối:
- Đạp xe hàng hai, hàng ba như vậy hả? De xe vào cho người khác còn đi nữa chứ.
Mặt của Hương có vẻ tức lắm nhưng con nhỏ không trả đũa vì lỡ “điệu” với hai anh chàng này rồi.
Vân kêu cả bọn ngừng lại chờ anh ta một lúc, rồi chạy khuất vào trong khu vườn có cây xoài lớn. Một lát sau, Vân đi ra vườn với người đàn bà đứng tuổi cùng với cây sào. Hai người đến cây xoài ngắm nghía, chỉ trỏ, rồi dùng sào bẻ những trái lơ lững trên đầu. Bọn con gái im lặng, đưa mắt nhìn nhau. Mặt mấy đứa nào, đứa nấy trở nên trắng bệch và tái xanh. Đoan Hạnh không biết xử lý thế nào nên nói ấp úng:
- Nhà ni là chi của anh rứa?
Vân vừa nhón người lên chiếc xe vừa trả lời:
- Đây là nhà của tôi nhưng tôi rất ít khi về. Tôi ở Nha Trang học.
Nói xong,Vân đưa cho Đoan Hạnh một chùm xoài cả cành lẫn lá. Cầm chùm xoài, Hạnh giấu mặt sau lưng Hương.
Đến Nha Trang, cả bọn lí nhí chào và cảm ơn. Hú hồn là “được chia tay” với các “chàng”! Không ai nói với ai lời nào nhưng chắc chắn là đám con gái bọn Hạ không bao giờ mong gặp mấy chàng “tài tử” trườngVõ Tánh này nữa.
Mệt nhoài vì một ngày trời thưởng thức cây trái ở miền quê, Hạ mong sớm đến nhà để được tắm một trận rồi ngủ cho quên đi “một cục quê” của ngày. Đến ngã tư Thông Tin để chia tay nhau, Anh và Trang hỏi:
- Tối nay Đan Hạ làm gì? Đi chơi với tụi này không?
- Đi chơi nữa sao? Đi đâu mà đi buổi tối?
- Đi “bal” với cả nhóm. Hương và Đoan Hạnh cũng đi nữa. Tối nay Công Hoan mở “bal” khai trương nhà mới.
Hạ nhớ có lần đi ngang đường Quốc Lộ số một thấy dãy nhà mới xây với cấu trúc thật ưa nhìn. Nghe đâu căn nhà với tên Công Hoan ấy có quan hệ bà con gì với một vị thiếu tướng rất có tiếng ở Sài Gòn. Hạ tò mò muốn tham gia cùng đám bạn để được vào căn nhà có quan hệ với người nổi tiếng nhưng còn phân vân không hiểu “bal” có là nơi thích hợp cho mình không.
- “Bal” là gì hả Anh?
- “ Bal” là dạ vũ.
- Biết Bal là dạ vũ rồi! Nhưng mà người ta làm gì trong dạ vũ? Và ở đó có những gì?
Trang chen vào:
- Có bánh, kẹo và nước ngọt. Hạ sẽ được ăn, uống tha hồ. Hảo ngọt mà đi “bal” thì tuyệt lắm!
- Và người ta nhảy đầm nữa. Anh nói thêm.
- Nhảy đầm? Hạ kinh ngạc hỏi, Hạ có biết nhảy đâu?
- Thì  đừng nhảy. Ngồi ăn bánh, uống nước, nghe nhạc và xem người ta nhảy là được rồi.
- Tụi mình đi đông mà sợ gì. Tối nay có nhóm “Blue Sky” chơi nhạc. Có Viễn, bạn trai của Trang hát nữa. Anh ta hát rất  hay. Đan Hạ đi xem cho vui và cho biết.
Suy nghĩ một lúc, Hạ nói:
- Ừ, Hạ chịu rồi. Nhưng các bạn phải đến nhà đón Hạ đi cùng nghe!
- Được rồi.  Bảy giờ tối nghe Hạ.
Chương Hai
Nghe tiếng Anh gọi ơi ới ngoài đường, Hạ vội thò đầu ra khỏi bức tường thành.
- Im đi khỉ. Ta nghe rồi. Ta đang chuẩn bị ra đây, la to chút nữa là bác trai của ta tóm cổ, không cho đi đâu.
Hạ rón rén dắt chiếc xe đạp ngang khu vườn dọc theo dãy hoa bông bụt. Đến khóm hoa hoàng anh, Hạ đưa tay vén các cánh hoa xòa trước mặt, rồi dáo dác nhìn xem có ai trong nhà nội không. Giờ này sau buổi cơm tối, những người lớn thường nghe thời sự và nói chuyện với nhau, nhưng thỉnh thoảng bác cả của Hạ, người nghiêm nghị nhất trên thế giới thường đi lên đi xuống dọc hiên nhà để cho tiêu cơm. Hạ rất sợ gặp bác.
May mắn thay, không ai ở trước cổng ngoài con chó Jack. Nó vẫy đuôi mừng, rít lên và quấn quýt trước đầu xe. Hạ gắt: “Suỵt! Im đi!” và cố giữ chiếc xe di chuyển mà không để chiếc dây sên gây tiếng động. Khép chiếc cổng gỗ lại và gài khoen xong, Hạ vội vàng đạp xe đi khỏi tầm nhìn từ căn nhà.
Anh và Trang đuổi theo:
- Đan Hạ ơi, mi đi đâu vậy?
- Biết đường không?  Trời ơi, ngừng lại cho tụi ta nói một tí coi con khỉ! Mi đi đâu vậy?
- Thì đi “bal” với tụi mi chứ đi đâu?
Trang hỏi liên tục với giọng thất thanh:
- Đi “bal”? Đi “bal” mà mặc đồ gì kỳ cục vậy? Quần “jeans” xanh! Áo sơ mi trắng! Lại còn giày “sandal” nữa! Giống như mi đi học giờ thể dục vậy đó.
-Thì Hạ chỉ đến đó để ăn, uống, nghe nhạc và xem người ta nhảy thôi mà! Hạ có phải là người trình diễn đâu? Hơn nữa, bây giờ mà Hạ vào nhà thay đồ thì không được đi nữa rồi.
Anh can thiệp:
-Thôi mà, đó là ý thích của nó. Nói quá, nó không đi nữa cho xem.
Đến Công Hoan, năm đứa gặp nhau.  Đoan Hạnh và Hương rất ngạc nhiên vì sự có mặt của Hạ nhưng hai đứa rất vui vì sự có mặt này. Năm đứa đến đúng giờ nên thấy khách còn thưa thớt. Chủ nhân rất dễ thương và lịch thiệp. Chị hướng dẫn cả bọn đưa xe vào nhà chứa xe. Dựng năm chiếc xe mini vào chung một góc, cả bọn được niềm nở mời vào phòng khách.
-Vừa ngồi xuống ghế, Hạ đưa mắt quan sát xung quanh. Dưới ánh đèn mờ nhạt, những chiếc ghế được sắp sẵn xung quanh căn phòng. Ở một góc phòng là dàn trống với vài chiếc đàn điện. Không khí ngột ngạt vì mọi người nói với nhau nhỏ nhẹ gần như thì thầm. Mấy người con trai trong ban nhạc đang chuẩn bị đờn, trống cũng nói với nhau thật nhỏ đến nỗi Hạ chẳng nghe được gì, mặc dù Hạ ngồi rất gần họ. Mấy đứa bạn của Hạ thường nghịch ngợm như quỷ sứ vậy mà bỗng dưng nghiêm trang đến lạnh lùng. Thấy đứa nào, đứa nấy ngồi một cách đoan trang và hiền thục, Hạ lo sợ sửa lại tư thế ngồi cho thích hợp hơn.
Chẳng mấy chốc, thiên hạ đến đầy phòng. Nhiều tiếng nói hơn, nhưng vẫn thì thầm. Nhiều con trai, con gái hơn nhưng đứng đắn và đàng hoàng quá. Nhiều bánh, nước được mời nhưng thiên hạ rất là e dè và lịch sự. Ai nấy nhón tay,lấy từng cái bánh trông rất kiểu cách sang trọng. Mọi cái diễn ra ở xung quanh cho Hạ cảm giác như lạc vào một thế giới hoàn toàn xa lạ.
- Chọn chiếc bánh nào đi chứ cô bé!
Hạ giật mình nhìn người con trai đứng trước mặt. Trên tay cầm dĩa bánh, anh ta cười rất lịch sự như ra hiệu mời. Mùi nước hoa thật dịu đâu đó toát ra. Hạ ngập ngừng không biết lấy cái bánh nào nên nhón tay lấy đại một cái cho xong.
-Lấy một cái nữa đi chứ. Chỉ một cái thôi sao?
Như một cái máy, Hạ nhón tay lấy thêm một cái nữa rồi lắc đầu. Tiếng nhạc lúc này bắt đầu dồn dập nổi lên. Mọi người đều hướng mắt về sàn nhảy.
Anh thì thầm:
- Đến giờ khai mạc dạ vũ rồi.
Hạ ngơ ngác nhìn xung quanh. Chủ nhân căn nhà cùng bạn trai của chị bước ra giữa sàn nhảy. Chị ta trông thật dễ thương với quần ống pát đen và chiếc áo cánh cùng màu. Chiếc áo, may theo dạng áo tắm hai mảnh, ôm sát người làm rõ hơn làn da trắng mịn màng và thân hình tuyệt mỹ của chị. Nhìn hai người di chuyển những bước chân tự tin và hòa nhịp theo nhạc, cảm giác thích thú dâng lên trong Hạ. Đây là lần đầu tiên Hạ biết được dạ vũ là gì và được xem người ta biểu diễn ra sao. Tuy nhiên, sự thích thú đã không lấn át nổi nỗi lo sợ của Hạ. Không khí yên lặng và thì thầm đến ngột ngạt của xung quanh làm cho Hạ mất đi cái tự nhiên thường có. Hạ cảm thấy hối hận vì đã nhận lời mấy đứa bạn nên mới phải chịu đựng cái cảnh xa lạ này. Mọi người bắt đầu lần lượt ra sàn nhảy.  Nhìn lại mấy đứa bạn của Hạ cũng biến mất. Vài người con trai, quần đen, áo trắng trông rất lịch sự, như là học sinh trường Bá Ninh, đến trước mặt Hạ, đưa tay ra mời. Hạ trố mắt thảng thốt, rồi lắc đầu. Một, hai người con trai khác lại đến. Hạ lại lắc đầu. Không an tâm vì bị mời nhiều lần, Hạ rủa thầm “Rõ là kỳ cục! Thấy người ta lắc đầu thì phải hiểu người ta không biết nhảy, vậy mà cứ mời hoài.”
Hết nhạc, mấy người con trai đưa đám bạn của Hạ về chỗ ngồi. Hạ cau mặt:
- Ê! Sao mấy đứa bỏ Hạ ngồi một mình vậy? Ít nhất phải có một đứa ngồi lại với Hạ chứ!
Hạ kéo tay Trang:
- Hứa với Hạ là đừng nhảy nữa, ngồi với Hạ đi! Mấy ông nào đó cứ tới mời Hạ hoài, Hạ có biết nhảy đâu!
- Thì Hạ đừng nhảy, cứ lắc đầu là xong.
Dứt câu, Trang đứng dậy và bước ra sàn với người bạn trai. Dãy ghế của năm đứa trống trơn chỉ còn có mỗi mình Hạ và dường như chỉ có Hạ là người duy nhất ngồi lạc lõng trong buổi dạ vũ hôm ấy. Nỗi sợ và uất ức làm cho nước mắt của Hạ dâng lên. Lần này thì đủ loại nhạc: lúc êm dịu, lúc lả lướt, lúc dồn dập, lúc tha thướt ẻo lả. Đám bạn của Hạ, không đứa nào trở về chỗ cũ. Hết bản này, tụi nó lại tiếp tục nhảy bản khác. Mỗi lần có bản nhạc mới bắt đầu thì lại có mấy người con trai đến trước mặt Hạ chìa tay ra mời. Hạ chịu không nổi, cau mặt nhăn nhó và lắc đầu nguầy nguậy. Bản nhạc “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn” của một nam ca sĩ trong ban nhạc Blue Sky hát như kéo dài thời gian đến vô tận. Hạ mong đám bạn của Hạ trở lại chỗ cũ để nói cho hả dạ.
Rốt cuộc, “tụi ngũ quỷ” cũng về ghế ngồi. Hạ nói mà nước mắt dâng lên:
- Tụi mi xấu lắm! Ta không thèm ngồi ở đây nữa, ta đi về đây!
Nói xong, Hạ đứng dậy và đi về hướng cửa. Cả bọn bàn tán sau lưng:
- Thấy nó sợ, Anh định vào rồi nhưng vì bạn Anh mời bản tiếp, Anh từ chối không được.
- Ta cũng vậy.
-Ta đâu biết là nó sợ dữ vậy!
Rồi cả bọn nài nỉ:
- Đan Hạ ở lại đi mà! Một chút nữa rồi về nghe, bây giờ...
Hạ bước ra khỏi phòng. Cả bọn lục đục đi theo. Chị chủ nhà đến hỏi chuyện và khuyên Hạ ở lại. Lúc này, không nói được gì, mặc cho nước mắt lần lượt tuôn rơi, Hạ chỉ lắc đầu.Vài người con trai cũng xúm đến, lo lắng hỏi:
- Chuyện gì vậy chị My?
- Cô bé này muốn về sớm.
- Sao không ở lại chơi? Còn sớm mà? A! Mà thôi, xe bé để ở đâu?
Đưa tay chỉ về góc cuối của chỗ đậu xe, Hạ giấu khuôn mặt của mình. Mấy người con trai cố gắng lách mình giữa các chiếc xe, đến xe của Hạ, nhắc bổng nó lên, rồi đưa ra tận cổng.
Hạ lấy xe, cảm ơn nho nhỏ rồi đạp thật nhanh ra khỏi nhà chứa xe mà không nhìn lại mọi người đang đứng tiễn. Về nhà, Hạ mong giấc ngủ đến thật sớm để quên những xui xẻo trải qua trong ngày. Một giấc ngủ dài nào đó có thể làm Hạ quên mất đi những hình ảnh mới lạ mà Hạ tiếp nhận trong buổi dạ vũ và nhất là làm cho Hạ không còn phải nghe dư âm của tiếng nhạc và lời ca ngân vang trong tai. Thấy Hạ trở mình nhiều lần, má của Hạ ngạc nhiên:
- Con có sao không Hạ?
-  Không sao cả má, con chỉ nghĩ về bài kiểm tra sắp tới thôi.
Thầm đếm một, hai, ba..., Hạ từ từ rơi vào trong giấc ngủ.
Hôm sau, Hạ đổi ý định không đến trường bằng xe đạp. Đi xe hơi với bác Cả thường đến trường đúng ngay giờ vào lớp. Bác Cả làm việc cho trường Lê Quý Đôn. Trường này chỉ cách trường Huyền Trân của Hạ chỉ một con đường lớn. Những lúc cần thiết Hạ mới đi với ông và Ái bởi vì Hạ không thích cái nghiêm trang đàng hoàng đến ngột ngạt khi ngồi trên xe và cái yểu điệu thục nữ khi bước ra khỏi xe. Hơn nữa, mỗi lần đi xe với bác, Hạ thường ngồi ở ghế đàng sau bởi vì Ái luôn luôn ngồi ghế trước với bác. Ái là một trong bảy người con gái của người chú kêu bà nội Hạ bằng dì. Năm 1972, biến động của mùa hè đỏ lửa đã khiến ba Ái đưa cả gia đình di tản về Nha Trang. Khi tình hình ở Pleiku lắng đọng, chú đưa tất cả mấy đứa con gái về ngoại trừ Ái. Ái được hai bác cả Hạ giữ ở lại để chăm sóc ông bà. Khuôn viên nhà nội Hạ chỉ có những người lớn tuổi như bà nội, hai bác Cả, cô  Sáu, cô Út và má Hạ. Từ khi có Ái, Hạ có người cùng trang lứa để trò chuyện. Tuy nhiên, Ái có cốt cách tiểu thơ thích đi học bằng xe hơi còn Hạ chỉ thích chiếc xe đạp mini nhỏ nhắn của mình và sự tự do khi đi với nó. Bởi vì giận mấy đứa con gái “xóm nhà lá”, vừa sợ bạn cùng lớp cười, nếu chúng biết vụ tối hôm qua nên Hạ phải bỏ thông lệ của mình.
Khi chiếc xe ngừng trước cổng trường Huyền Trân, Hạ cảm ơn bác và chào Ái rồi nhanh chân tiến vào cổng trường. Những tà áo trắng thấp thoáng dưới những hàng dương. Giờ này học sinh các lớp đã xếp hàng ngay ngắn chuẩn bị vào lớp. Hạ vội vàng đến cuối hàng của lớp mình và im lặng. Một vài tiếng thì thầm nho nhỏ đâu đó. Hạ ôm ghì tập sách, kê cằm vào nó và nhìn xa xa.
- Hạ ơi! Hạ ơi!
Hạ tròn mắt hướng về người kêu. Không phải là bốn nhỏ bạn quí của Hạ mà là Liễu. Hạ vội toét miệng cười và đưa tay vẫy chào. Bước lên đến bậc thềm, Liễu còn nói vọng ra sau:
- Hết giờ học, Hạ chờ Liễu nói chuyện này rất quan trọng nghe.
Anh cũng quay mặt nhìn Hạ và nói:
- Anh cũng có chuyện quan trọng cần nói với Hạ nữa đó.
Nghĩ thầm: “Cái con khỉ này muốn chọc mình chuyện hôm qua đó thôi”, không trả lời, Hạ cố tạo khuôn mặt thật nghiêm trang và bước theo hàng để vào lớp. Hạ lo lắng không hiểu mấy con nhỏ trong nhóm “ngũ quỷ” có “bật mí” vụ tối hôm qua cho cả lớp nghe chưa. Nếu có, Hạ sẽ bị “quê một cục” mà không thể nào trốn đâu được. Cái tội “khóc nhè” trước đám đông thế nào bạn bè trong lớp cũng  cho Hạ cái biệt danh mới.
Vừa bước vào lớp, thầy Lợi đã lên tiếng:
- Cô nào không có áo lót thì lo chuẩn bị. Bà tổng giám thị đang đến các lớp để kiểm tra đó.
Thầy dứt lời chỉ vài phút, cô tổng giám thị đã xuất hiện trước cửa lớp. Tất cả học sinh trong lớp vội vã đứng dậy chào. Một vài cái đầu thụp xuống bàn, mở cặp rối rít để lấy áo lót tròng vội vào. Cô tổng giám thị bước đến từng bàn kiểm tra không những áo lót mà còn cả bảng tên. Lớp Hạ im lặng chưa từng thấy, nhưng với Hạ, cái ngột ngạt của sự im lặng này dễ chịu hơn cái ngột ngạt của tối hôm qua. Cô dừng lại bàn của Hạ, chăm chú nhìn rồi chỉ Hạ lên đứng trước bảng. Sau khi cho cả lớp ngồi, cô nói thật nhiều:
- Đây là một mẫu nữ sinh đứng đắn từ đầu tóc, áo quần, phù hiệu...
Hạ thấy những đôi mắt cười chăm chú nhìn mình mà cảm thấy ngượng. Lũ bạn của Hạ lúc nào cũng cho Hạ là trẻ con và quê mùa cho nên lúc này Hạ thực sự là trò cười của bọn chúng. May mắn thay, cô tổng giám thị chỉ dặn dò ngắn gọn và cho Hạ về chỗ trước khi đi kiểm tra lớp khác.
Vừa được trở về chỗ, Hạ nghe tiếng thầy Lợi giảng gì đó, loáng thoáng:
- Nếu sợ con trai nhìn thì có lẽ một ngày nào đó trường Nữ Trung Học này nên đặt ra luật che mặt đi học hơn là để ý nhiều đến chuyện không có áo lót của các cô.
Cả lớp cười ồ. Hạ ngớ ngẩn tự hỏi “Có phải đối với thầy khuôn mặt của con gái là quan trọng hơn cả?” Hạ không màng điều gì đúng sai, cái gì quan trọng hơn cái gì. Hạ chỉ không thích bị rắc rối với những lần kiểm tra của cô tổng giám thị cho nên Hạ luôn luôn tuân theo nội quy của nhà trường. Tuy nhiên, tiếng cười của các bạn trong lớp hôm ấy làm cho sự kiên tâm của Hạ nao núng. Hạ bực bội cho cái quê mùa của chính mình rồi ngồi thừ người với những ý nghĩ mông lung.
Giờ ra chơi, Hạ không muốn rời chỗ ngồi. Trang ghé tai thì thầm:
- Hạ ơi, Hạ có biết Hạ đã lớn rồi không? Phải thay đổi một tí đi.
Hạ ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì con nhỏ đã ra khỏi lớp. Liễu kéo Hạ đến cuối lớp và nói:
- Dĩ nhiên rồi, Hạ mong Liễu và Bích Lan đạt cả đơn lẫn đôi lần này. Nhưng mà, lần này Hạ giận nhóm ngũ quỷ rồi. Nếu đến trường Khải Minh, Hạ chỉ đi một mình thôi.
Nhỏ Anh vẫn còn ở trong lớp. Con nhỏ chen vào:
- Vì sao lại đi một mình? Tụi này có để Đan Hạ đi một mình đâu. Hơn nữa, Anh có chuyện muốn nói với Đan Hạ.
Quay sang Liễu, Anh nói:
- Đừng lo, cả lớp 12 C sẽ đi với Liễu và Bích Lan mà.
Kéo Hạ khỏi chỗ ngồi, Anh ghé tai:
- Đan Hạ ra góc sân với Anh, Anh sẽ kể Đan Hạ chuyện này quan trọng lắm.
Đến góc sân vắng, hai đứa kéo áo dài và ngồi xuống dưới gốc cây keo. Anh hỏi:
- Hạ có nhớ người con trai mặc quần đen, áo trắng trong buổi dạ vũ tối hôm qua không?
Hạ nhíu mày, cố lục lọi trí nhớ:
- Hai, ba người mặc quần đen áo trắng Hạ không thể nhớ được.
- Anh ấy có dáng người cao cao.
- Hai, ba người mặc quần đen, áo trắng đều cao hết. Hạ không biết người nào.
- Anh ấy đang học ở trường Kỹ thuật, là bạn gần nhà Anh. Anh ấy muốn làm quen với Hạ lắm.
- Ủa, anh ấy và mấy người cùng nhóm không phải là học sinh Bá Ninh sao?
Anh bật cười:
- Sao Hạ nghĩ họ là học sinh trường Bá Ninh?
- Vì họ mặc quần đen, áo trắng mà.
Anh tiếp tục cười:
- Đâu phải! Đâu có ai mặc đồng phục đi dạ vũ! Mấy người đó là học sinh trường Công Nhân Kỹ Thuật Nha Trang. Họ muốn mặc kiểu như vậy đó mà!
Hạ im lặng nghĩ đến mấy người con trai học trường Công Nhân Kỹ Thuật mà Hạ gặp năm trước tại trường Khải Minh, vào lúc các trường trung học tranh giải vũ cầu toàn thành phố Nha Trang. Sau khi đám con gái bọn Hạ cổ vũ cho “gà nhà” xong, cả bọn “a dua” “cổ vũ” cho mấy anh chàng hàng xóm Nam Trung Học Võ Tánh. Đám học sinh Nữ Trung Học Huyền Trân ồn ào  la hét không kém gì con trai khiến cho nhóm con trai trường Công Nhân Kỹ Thuật Nha Trang khó chịu chửi rủa um sùm: “Lũ con gái Huyền Trân này lúc nào cũng bênh tụi Võ Tánh chứ chẳng bao giờ thích cổ vũ 'tụi cà lê mỏ lết' bọn mình đâu!” Hạ len lén, liếc nhìn cái đám học sinh nam trong đồng phục xanh mực ấy. Họ trông thật “đàn ông cứng rắn” chứ  không như “thư sinh Võ Tánh” nhưng mà chẳng có ai trong đám con gái trường Huyền Trân “can đảm” ủng hộ cho đội của họ. Có lẽ “con gái Huyền Trân” và “con trai Võ Tánh” muôn đời là bà con nên hai trường luôn bênh vực cho nhau. Bạn Anh là người nào trong nhóm học sinh đồng phục xanh mực ấy? Hạ tò mò:
- Anh ấy tên gì?
-Triệu!
- Anh ấy ở đâu?
- Gần nhà Anh. Gia đình Triệu gia giáo lắm! Ba anh ấy làm việc tại trường Đại học Duyên Hải.
Hạ im lặng suy nghĩ về lối quen bạn trai theo cách giới thiệu như Anh đề cập mà không hiểu lối quen như thế sẽ diễn tiến như thế nào. Tưởng tượng cảnh ngượng ngập và cứng ngắt khi gặp nhau,  Hạ lo lắng:
- Quen là sao?
- Thì Anh sẽ tìm cách giới thiệu cho Triệu và Hạ gặp nhau, rồi quen nhau và đi chơi với nhau.
Hạ lắc đầu:
-Thôi, Hạ không thích có bạn trai đâu! Rắc rối lắm!
- Rắc rối gì?
- Gia đình Hạ toàn người lớn phong kiến, và kỷ lưỡng, chuyện Hạ có bạn gái đã khó rồi, huống hồ có bạn trai.
- Vậy thì Anh phải trả lời với bạn Anh ra sao?
-Không được, chứ sao nữa?
- Với lý do gì?
- Không được là không được, đừng giải thích dài dòng làm gì. Vậy là chuyện quan trọng sao? Thôi, đến giờ vào lớp rồi đó Anh!
Buổi trưa tan học, không có chiếc xe đạp mini, Hạ như thiếu một người bạn thân thiết. Đám nữ sinh trường Hạ túa ra từ những cổng trường khiến cho con đường Đinh Tiên Hoàng trước mặt trường trở nên xôn xao và rộn rã với những tà áo trắng. Đi bộ đến ngã ba góc đường Đinh Tiên Hoàng và Nguyễn Tri Phương, bên cạnh quán chè cô Luận, Hạ thấy hai anh chàng Vân và Hoàng đang trò chuyện với Hương và Đoan Hạnh. Làm ngơ và bước nhanh chân hơn, Hạ cười thầm “Mấy anh chàng tài tử này gan dạ thật! Giờ này mà dám đứng ở đây.” Tiếp tục trên đường Đinh Tiên Hoàng, Hạ trở thành người gan dạ đi trên khu vực trường Võ Tánh. Dọc theo bức tường thành dài của khuôn viên trường Nam Trung Học Võ Tánh, trên đường Đinh Tiên Hoàng kéo đến đường Bá Đa Lộc, vài nam sinh quần xanh áo trắngVõ Tánh đơn phương độc mã cúi đầu đi ngược lại hướng của Hạ. Hai bên cúi đầu cất bước, không ai nhìn ai. Hạ yên tâm khi thấy từng “địch thủ” cũng có cảm giác sợ như mình. Thái độ của những đứa con trai “đơn thương độc mã” hoàn toàn khác với đám con trai họp thành một nhóm đông. Lách mình vào giữa rừng người quần xanh, áo trắng, Hạ cúi đầu giữ bình tĩnh và bước chân không ngừng. Đám đông này không cúi đầu mà đưa những con mắt tinh nghịch nhìn vào bảng tên của Hạ. Vừa thở phào nhẹ nhõm khi xuyên qua được đám đông bọn họ, Hạ giật mình bởi những tiếng kêu oai oái sau lưng “Hạ ơi! Hạ ơi!” Nhìn xuống ngực: mái tóc ngắn ngang vai của Hạ không đủ che cái bảng tên, Hạ bực tức, rủa thầm “Cái bảng tên vô dụng! Tụi con trai trườngVõ Tánh này biết tên mình rồi.” Hạ nhớ đến đám bạn gái của lớp Hạ và hiểu ra vì sao chúng không chịu may bảng tên trong áo dài. Khi nào có kiểm tra, mấy đứa mới lấy mấy cái bảng tên ép nhựa gắn trên ngực mà thôi. Hạ cảm thấy tiếc là không có được mái tóc dài thẳng mướt như một số bạn trong trường, nhưng rồi tự an ủi: “Tóc ngắn không sao, miễn là lần sau không đi bộ một mình trên đường này nữa.”
Chương Ba
Về đến nhà, đặt tập sách trên bàn học, Hạ ngồi thừ người nhìn ra cửa sổ. Ngày nào cũng vậy, má Hạ đi bán từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Từ lúc Thảo Vy, đứa em độc nhất của Hạ phải vào ở với bác Tư của Hạ tại Sài Gòn, Hạ lủi thủi một mình trong nhà. Sự cô đơn gây cho Hạ lười biếng ăn cơm trưa. Khu vườn của nhà nội lúc này vắng ngắt. Mọi người trong căn nhà lớn chắc hẳn đang ăn trưa cùng nhau. Hạ thường quen nhịn ăn trưa, nhưng lúc này thật sự là Hạ không đói. Những lời đối thoại với Anh vào giờ ra chơi làm Hạ suy nghĩ vẩn vơ. Nhớ đến từ  “bạn trai” của Anh, Hạ thấy lo lo khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Trái ngược lời khẳng định với Anh trong giờ chơi, chuyện có bạn trai là vấn đề lớn đối với Hạ.
Trong khu vườn của nội có hai căn nhà với hai sự tương phản cực kỳ: ngôi nhà nội dành cho bác cả thì to lớn với cấu trúc thật sang trọng, trái lại, căn nhà mà ba Hạ để lại cho mẹ con Hạ sau khi ba qua đời vừa nhỏ, vừa thiếu tiện nghi. Đa số những người trong gia đình nội đều giàu, nổi tiếng và có địa vị cao, trái lại, mẹ Hạ chỉ là một người đàn bà góa chồng, nghèo khổ, và ít chữ. Từ nhà đi ra cổng, Hạ phải đi qua khu vườn đầy cây ăn trái của nội rồi đến cái biệt thự lộng lẫy của bác. Khi gài cái cổng gỗ của bức tường thành mà sau lưng nó là ngôi nhà to lớn, Hạ hiểu rõ là không ai đoán được Hạ đang sống trong căn nhà hết sức nhỏ bé và nghèo nàn. Hạ nghĩ đến má, thương má và nhất quyết không để một ai khinh rẻ má. Hạ không muốn quen bất cứ người nào trong gia đình quá sang trọng, Hạ  cũng không muốn đối tượng mình hoặc gia đình anh ta coi rẻ má. Chưa bao giờ Hạ suy nghĩ đến việc có bạn trai cũng như không bao giờ tìm hiểu đối tượng của mình sẽ là mẫu người như thế nào, và tình yêu của cả hai sẽ dựa trên những tiêu chuẩn ra sao. Hạ tự đặt cho mình một luật lệ: Cho dù đối tượng có phù hợp với Hạ ra sao mà gia đình anh ta không phù hợp với hoàn cảnh mẹ con Hạ đang sống thì Hạ cũng sẽ hy sinh để đánh mất tình cảm của mình đi. Vì hoàn cảnh gia đình, Hạ chỉ muốn thu mình vào một góc cố định với má và căn nhà nghèo nàn. Hạ cầu nguyện là sẽ không có ai quấy nhiễu tâm trí để Hạ theo đuổi được tham vọng học thành tài, được vào đại học Sài Gòn và nhất là được một việc làm ổn định. Hạ luôn luôn mơ mộng kiếm được tiền bằng chính mồ hôi và khả năng của mình. Có tiền thì Hạ mới có cơ hội nuôi má và đưa Thảo Vy về ở cùng một nhà. Sau niên khóa này là Hạ thi tú tài vì vậy Hạ phải cố gắng học giỏi để đạt ước mơ độc nhất của mình.
Buổi chiều Hạ đến trường Hưng Đạo để học thêm lớp pháp văn của cha Phương. Trường nằm ngay trên góc đường Gia Long và Phước Hải, dưới chân nhà thờ núi. Một số con gái trường Hạ rất thích đến trường này để học thêm lớp pháp văn của cha  Phương vì cha rất hiền và giảng bài hết sức tận tình, tỉ mỉ. Thỉnh thoảng có vài phút nghỉ giữa giờ, đám con gái rủ nhau đi bộ, lần theo từng bậc tam cấp đá, lên tới đỉnh núi nơi mà ngôi nhà thờ cổ kính uy nguy ngự trị. Từ trên nhà thờ nhìn xuống, bọn Hạ có thể nhìn thấy Nha Trang vào buổi chiều nhộn nhịp với những chiếc xe đi qua lại dưới chân. Không ai hiểu vì sao đây là cái thú của bọn con gái? Nhưng mà, dù có thích ngôi trường dưới chân nhà thờ núi bao nhiêu thì bọn con gái Huyền Trân luôn nơm nớp lo ngại khi đi vào cổng trường Hưng Đạo. Ngoài trường nữ Thánh Tâm và Vinh Sơn, đa số các trường tư thục Nha Trang đều có nam và nữ học sinh. Những nữ sinh như bọn Hạ quen học với trường chỉ có toàn con gái nên cảm thấy ngượng ngập khi đi vào cổng trường có con trai như trường Hưng Đạo này. Đáng sợ nhất là đến trường trễ hơn bọn con trai. Tụi nó thường tụ năm, tụ bảy trước lớp tán gẫu và nhìn những người đi vào trường. Vì trường Hưng Đạo chỉ có một dãy lớp học mà trước dãy lớp học này là một dãy để xe, cho nên, khi đi vào trường thì không khác gì đi trình diễn thời trang trước mặt bọn con trai. Hạ thường cảm thấy bối rối khi dắt xe vào trường vì cảm thấy như thiên hạ đang nhìn mình, hay thì thầm to nhỏ điều gì đó.
Hôm ấy không ngoại lệ, vừa đi qua cái cổng để vào trường, Hạ nhìn thẳng về phía trước và tiến nhanh đến khu để xe. Dựng vội chiếc xe đạp vào cái cột trống, Hạ lại nhìn trừng trừng về phía lớp học của mình và bước nhanh như chạy.
Đoan Hạnh có mặt trong lớp đâu từ lâu đời. Có lẽ nhỏ này cũng sợ ánh nhìn của lũ con trai nên đến trường sớm. Hạnh ra hiệu cho Hạ đến gần và chìa tay cho Hạ mấy viên kẹo dừa. Kẹo dừa là món hảo của Hạ cho nên Hạ nhất định phải lấy cho bằng hết. Như mọi lần, Hạnh cố tình thụt tay lại, rồi giơ viên kẹo ra chờn vờn trước mặt để chọc Hạ. Hạ không vừa, với tay liên tục để chụp cho bằng được viên kẹo cuối cùng ấy. Không tránh được bàn tay tấn công tới tấp của Hạ, Đoan Hạnh đánh rơi viên kẹo ra khỏi nắm tay. Viên kẹo vuông, nhỏ bé, đáng thương, lăn xuống dưới đất mà Hạ vẫn không tha. Chụp vội lấy nó, Hạ chạy đến cuối lớp cười khanh khách. Đột nhiên, tiếng động sau lưng làm Hạ khựng lại. Một người con trai “bốn mắt” đang ngồi ở góc cuối lớp chăm chú nhìn hai đứa. Nín cười, Hạ vội vàng lấy tay che miệng, và bước nhanh về bàn học. Đoan Hạnh ngồi cạnh cười khúc khích, thúc cùi trỏ vào khủy tay Hạ. Giả mặt giận, Hạ im lặng. Vài ba phút sau, con nhỏ rút một tấm thiệp từ một cuốn sách ra và đặt nó trước mặt Hạ. Tò mò, Hạ mở ra xem. Bên trong tấm thiệp là một đóa hoa bướm khô nằm dưới mảnh giấy lụa trắng với hàng chữ nắn nót “Mến tặng Đoan Hạnh. Vân” Hạ há miệng thật lớn, toan reo lên vì cái “bật mí” này thì cha Phương đã bước vào lớp. Vội vã lấy lại tấm thiệp, Đoan Hạnh đút nó vào trong tập vở rồi cùng cả lớp đứng dậy chào cha. Đứng bên cạnh Hạnh, Hạ hết nhìn cha rồi quay sang nhìn con nhỏ. Mỉm cười kín đáo, Hạ nhủ thầm: “Hôm nay không hiểu cha sẽ cho học động từ nào và bắt cả lớp chia động từ ở thể nào nhưng chắc chắn Đoan Hạnh đang mơ tưởng đến động từ suy nghĩ, động từ “penser”.
Chương Bốn
Vì yêu thích những người đại diện của trường cho nên Hạ không thể từ chối đi dự sinh nhật của Bích Lan. Bích Lan là bạn học cùng lớp Hạ. Cùng với Liễu, Bích Lan thường đại diện cho trường thi đấu vũ cầu đơn và đôi. Hạ ái mộ Bích Lan như thần tượng bởi vì con nhỏ luôn tạo cho Hạ một ấn tượng dễ thương với cái cười thật duyên và hình dáng nhỏ nhắn trong sân cầu.
Bích Lan khẳng định:
- Đan Hạ phải đến dự sinh thật của Bích Lan.
Hạ nài nỉ:
- Thôi đi, cho Hạ xin miễn lần này. Sinh nhật của Bích Lan có dạ vũ mà Hạ không biết nhảy làm sao mà đi? Quê lắm.
- Không chịu. Hạ nói Hạ không biết nhảy, không dám đi dạ vũ, sao Đan Hạ đi dạ vũ Công Hoan?
- Sao Bích Lan biết?
- Biết chứ, vậy là Đan Hạ phải đi dự sinh nhật của Bích Lan.
Hạ chưa kịp giải thích được gì thì con nhỏ đã bỏ đi. Anh vừa nhìn theo dáng đi nhún nhảy giận dỗi của con bé, vừa nói:
- Đan Hạ đừng lo! Lần này Anh sẽ không để Đan Hạ sợ như lần trước đâu.
Nghe tiếng gõ cổng, Hạ vội vàng chạy ra trước nhà. Một người con trai rất lịch sự:
- Xin lỗi đây có phải là nhà của chị Đan Hạ không?
- Phải, và Đan Hạ là tôi đây, anh muốn gặp tôi có chuyện gì?
- Chị Anh nhờ tôi chở chị đến dự sinh nhật của Bích Lan.
Hạ lo lắng hỏi:
- Anh không đi dự sinh nhật Bích Lan sao?
- Có chứ, nhưng vì không đủ xe nên Anh nhờ tôi chở chị.
- Được rồi, anh chờ tôi một tí.
Vội vàng chạy vào nhà lấy gói quà, Hạ đóng cửa, đi ngang khu vườn vắng và căn nhà im lìm của bác cả, rồi đến chiếc xe Vespa Sprint đang chờ trước cổng.
Hôm ấy, Hạ mặc chiếc áo bông ép vải mỏng màu trắng kiểu cổ tròn đơn giản, tay áo phồng và dài đến khuỷu tay. Cái quần ống “pát” màu hồng cánh sen nổi bật trên nền trắng của chiếc xe. Đi ngang Ngã Sáu của Nhà Thờ Núi, Hạ cảm thấy thích thú khi biết mình có dáng dấp rất ưa nhìn. Buổi chiều sẩm tối, đường vắng vẻ thưa người, đây đó chỉ một vài chiếc xích lô và xe đạp. Đường đến nơi Bích Lan tổ chức sinh nhật dài thật là dài, ra đến biển, ngang qua phi trường và cả công viên Trần Hưng Đạo. Trên đường đi, Hạ không dám nói gì và không biết mở lời ra sao. Vốn dĩ học trường toàn là con gái, không tiếp xúc thường xuyên với con trai, nói chuyện đã khó huống hồ hỏi chuyện. Hạ cũng không dám hỏi tên của người con trai này vì hình như anh ta đã giới thiệu tên ở cổng nhà mà Hạ quên mất.
Đến nơi, gặp được Anh và một số bạn của Hạ làm cho Hạ quên đi cảm giác ngột ngạt khi đi đường. Hôm ấy, nhóm “Ngũ cô nương” không đi cùng với nhau vì có nhiều người tháp tùng theo cuộc vui. Vân và Hoàng đi cùng Đoan Hạnh và Hương. Anh đi với Trang. Hạ thì đi cùng với một người Hạ chưa biết tên. Đây là lần thứ hai Hạ đi dự tiệc có khiêu vũ.Tuy nhiên, lần này Hạ không có cảm giác sợ sệt như lần trước bởi vì người dự tiệc không phải ngồi gò bó, im lặng hoặc thì thầm như dạ vũ đầu tiên Hạ dự ở Công Hoan. Giữa khu cát biển rộng là căn phòng nhỏ nơi mà gia đình Bích Lan đặt chiếc bàn dành cho bánh sinh nhật và quà. Một vài chiếc ghế được đặt sát vào tường, chung quanh khoảng trống giữa phòng mà được coi là sàn nhảy. Chỉ vài người thân trong gia đình Bích Lan đứng trong phòng để tiếp khách, còn lại bạn bè trai gái tụ tập từng nhóm nhỏ ngoài sân cát. Đưa quà cho Bích Lan và chào vài người bạn xong, Hạ trốn vào một góc tối ngoài sân. Ngồi một mình trong tối, Hạ yên tâm và thú vị vì tin rằng không bị ai nhìn trong khi có thể quan sát mọi người ngoài sân cát hay trong phòng nhảy. Đây đó trên sân cát, một vài cặp thưởng thức vẻ man dại của biển đêm. Những nhóm khác tâm sự to nhỏ, rì rầm. Xa hơn chỗ Hạ ngồi, Đoan Hạnh và Hương đang trò chuyện với hai anh chàng nam sinh trường Võ Tánh mới quen. Anh và Trang cười nói hồn nhiên với bạn gái của lớp.
Viễn, bạn Trang, và ban nhạc “Blue Sky” không tham dự nên dạ vũ của Bích Lan phải sử dụng “nhạc chết”. Khi nhạc trổi lên từ chiếc máy cassette, Bích Lan cùng với bạn trai biểu diễn những bước nhảy lả lướt để khai mạc dạ vũ. Chiếc váy ngắn của con bé tung phồng ra theo các bước xoay làm Hạ hình dung Bích Lan như tượng cô gái múa ba lê mà mỗi lần tết Trung Thu Hạ thường thấy bày bán trong các gian hang thủ công mỹ nghệ. Chủ nhân nhảy được nửa bản nhạc thì vài người lần lượt bước vào phòng nhảy để biểu diễn tài.
Khác với lúc dự dạ vũ Công Hoan, không một ai trong đám “ngũ cô nương” bước vào phòng khiêu vũ. Không có Viễn, Trang không nhảy với người lạ, có lẽ vì sợ bị hiểu lầm. Anh với nhóm bạn gái trong lớp tụ tập rì rầm trò chuyện, thỉnh thoảng cùng reo lên, vui cười nắc nẻ. Hai anh chàng nam sinh “tài tử” Võ Tánh, Vân và Hoàng, không hề nhảy bản nào mà “lợi hại” hơn là cả hai giữ Hương và Đoan Hạnh không cho họ có cơ hội bước vào phòng nhảy. Trên tay của bốn người này là bốn ly nước ngọt. Họ nói chuyện rì rầm và cười khúc khích như thể buổi tiệc sinh nhật hôm nay không có dạ vũ. Hạ cảm thấy lạnh vì những cơn gió đêm từ biển thổi vào, nhưng không muốn vào phòng. “Thà chịu lạnh còn hơn bị mời nhảy”. Chưa dứt được ý nghĩ, một bàn tay đưa mời trước mặt. Ngước mặt lên nhìn người con trai ấy, Hạ nhíu mày, lắc đầu, và thầm nghĩ: “Ngồi trong tối mà cũng không được yên.” Người con trai này bỏ đi, tiến đến nhóm bạn lớp Hạ, phân bua điều gì đó với Anh, thế rồi Anh đến bên Hạ.
- Đan Hạ, người mà mời Đan Hạ khiêu vũ vừa rồi là Quân. Anh ta là người chở Hạ đến đây đó. Quân hỏi Anh sao cùng đi đến đây mà mời Hạ không chịu nhảy.
- Ủa, anh ta là người chở Hạ đến đây sao? Hạ không nhớ mặt, hơn nữa ở đây tối quá. Sao Anh không nói với anh ta là Hạ không biết nhảy?
- Anh nói rồi, nhưng Quân cứ khăng khăng đòi nhảy với Hạ.Thôi thì Hạ nhảy bản này với Quân đi.
- Thôi đi, Hạ sợ lắm.
- Đừng sợ, anh ta sẽ bày cho Hạ. Đã thường múa cho lớp thì Hạ sẽ đi được điệu tango này. Hạ cứ đi theo bước chân của Quân là nhảy được thôi.
Sợ xì xào mãi làm những người xung quanh để ý, Hạ đành nhận lời khiêu vũ với người có công đưa Hạ tới đây. Đầu tiên trong đời Hạ đặt bàn tay mình lên tay người con trai nên Hạ cảm thấy rất ngượng, nhưng Hạ cố giữ khuôn mặt thật tự nhiên. Cũng may đây là điệu nhảy mà những bước chân đi theo nhịp không cần phải thành thạo khi được dìu dắt bởi một người đã thạo. Người này có lẽ thường đi dự các buổi dạ vũ nên anh ta di chuyển những bước chân rất thành thạo và tự tin. Mặt anh ta điềm tĩnh, và lạnh lùng. Anh ta không nhìn thẳng vào Hạ. Đôi mắt xa xôi như đang tập trung vào tiếng nhạc để giữ đúng những bước nhảy nhẹ nhàng và chính xác. Hạ cũng bấm gan, tự nhiên như người con trai này để giữ những bước chân cho khỏi ngập ngừng và nhất là tránh phải đạp lên chân anh ta. Không một ai xung quanh để ý hai đứa vì người nào cũng giữ những bước đi hòa theo tiếng nhạc. Hạ cố nhìn thẳng vào mặt anh ta một lần nữa để cố tìm một đặc điểm nào cho dễ nhận diện. Bệnh cố tật của Hạ là lơ đễnh, bởi vậy phải cố nhớ mặt người này để sau này chào hỏi. Không hiểu người con trai này đang nghĩ gì mà tay anh ta run lên. Mặc dù cả hai đều giữ bước chân theo nhịp của bài nhạc, nhưng bàn tay của anh ta run không ngừng làm Hạ thấy ngượng vô cùng. Hạ ngạc nhiên nhìn anh ta và nhủ thầm, “Là người ăn chơi, nhảy thành thạo như vậy mà run với ta ư?”
Bàn tay người này không thể ngừng run làm Hạ muốn bỏ anh ta đứng một mình và chạy ra khỏi sàn nhảy. Nhìn anh ta thêm lần nữa, Hạ tự hỏi sao người run không phải mình mà là anh ta? Điều này làm Hạ bình tĩnh và tự tin hơn để cùng anh ta tiếp tục các bước tango cho đến hết bản nhạc.
Đêm ấy, Quân đưa Hạ về. Vẫn im lặng như khi đi đường, Hạ chỉ cảm ơn rồi vào nhà mà không hề mời anh ta đến nhà hay hẹn gặp lại.
Chương Năm
Buổi sáng đến trường thật là thanh thản bởi vì hôm nay Hạ không có bài làm. Giờ chơi, Hạ và Anh vào quán cô Luận để ăn chè khoai thập cẩm. Hạ rất yêu những món chè do cô nấu vì cái vị ngon là lạ. Mỗi lần có chuyện vui, buồn là Hạ vào quán này. Dù là chỉ vào quán một mình, Hạ cũng không phải lo lắng gì.  Quán chè này tuy nằm ở ranh giới giữa hai trường Nam Trung Học Võ Tánh và Nữ Trung Học Huyền Trân nhưng bọn con trai dường như sợ bọn con gái áo trắng nên ít dám đến ăn.
Vị ngọt của chè cô Luận không át được câu chuyện kể của Anh.
- Đan Hạ biết không, Triệu đòi đánh Quân vì Quân đã chở Hạ đi sinh nhật Bích Lan. Triệu nói là anh ta đã nhờ Anh giới thiệu Đan Hạ cho anh ta trước rồi mà sao Quân còn có ý định đưa Hạ đi tiệc.
- Sao Anh không giải thích cho Triệu hiểu là Anh nhờ Quân đến nhà chở Hạ?
- Có chứ, nhưng anh ta không chịu hiểu.
Chăm chú nhìn Anh, Hạ chuyển đề tài:
- Quân là ai?
Anh hồn nhiên nói không ngừng:
- Quân là bạn Anh. Anh ta ở gần nhà Anh và Triệu. Tụi Anh rất thân nhau. Mỗi lần có sinh nhật hay dạ vũ là tụi Anh thường đi chơi chung.
Trầm ngâm một lúc, Anh nói tiếp:
-Thực ra Quân và Triệu rất thân với nhau, không hiểu sao lần này hiểu lầm đến như vậy.
Hạ nói lớn, biện bạch:
- Nhưng mà Hạ chưa có quen Triệu, chưa gặp mặt nữa. Đâu phải là lỗi của Hạ!
Xuống giọng nhỏ hơn, Hạ hỏi tiếp:
- Rồi Quân nói sao?
- Quân giải thích với Triệu là Quân đã thấy Đan Hạ trong dạ vũ Công Hoan cho nên khi Anh nhờ Quân đến chở Đan Hạ là anh ta giúp ngay. Nhưng mà, Quân nói rằng Triệu là bạn Quân cho nên Quân nhường Đan Hạ lại cho Triệu.
Hạ rất ấm ức nhưng cố gắng nghe Anh kết thúc câu chuyện:
- Quân còn  nói với Triệu là: “Tao không đánh nhau vì gái. Nhường Đan Hạ cho mày, tao có thể tìm con nhỏ khác hơn nó rất nhiều.”
Lần đầu tiên, Hạ bị làm đề tài mà con trai so sánh, bàn bạc với sự đánh giá thấp; cảm thấy chơi vơi và xúc phạm,  tự hứa với lòng là sẽ không bao giờ tiếp xúc với những người bạn trai rắc rối của Anh.
Cuộc sống của Hạ lúc này dường như bị thay đổi. Thỉnh thoảng Hạ lại nhận được những bức thư, những bài thơ nói về răng khểnh, những tiếng hát tỏ tình và những tiếng kêu tên bất chợt khi đi đường. Tuy nhiên, sự thay đổi này không làm cho Hạ mất đi nỗi trống vắng và buồn tẻ của những buổi trưa im lặng bên khung cửa sổ. Hạ không có thói quen ngủ trưa. Giá mà ngủ được, những điều mơ ước trong Hạ có thể hiện ra trong giấc ngủ và Hạ bớt cô đơn hơn. Đánh đổi những ước mơ trong giấc ngủ, Hạ thường chìm mình mơ mộng theo những giọt nắng xuyên qua các tán lá dừa, lung linh nhảy nhót trên những cánh mai đỏ cạnh cửa sổ. Hạ cảm thấy bâng khuâng và buồn vơ vẩn. Không hiểu Hạ muốn gì trong cái mơ mộng trên những giọt nắng long lanh ấy. Có cái gì thật mơ hồ trong ý nghĩ. Hình như không phải là những mơ mộng và ước ao của những ngày trước đây.
Bất chợt, tiếng nhỏ Anh lảnh lót ngoài thành phá tan cái yên lặng của buổi trưa.
- Hạ ơi! Hạ ơi!
Đút vội chân vào đôi dép nhựa, Hạ chạy ra khỏi nhà. Nhón chân trên bệ thành để nhô đầu cao hơn bức tường, Hạ dáo dác tìm con nhỏ:
  - Gì đó Anh?
Con nhỏ cũng nhón chân trên cái bệ thành phía ngoài đường để nhô đầu lên đối mặt với Hạ:
- Cho Hạ cái này.
- Gì vậy?
- Chè khoai sáp với nước dừa.
- Đâu? Đâu?
- Đây nè. Nhìn xuống cái lỗ thành đó.
Hạ bước xuống lùi ra sau để nhìn những cái lỗ hình vòng cung như những cái hộp rỗng trong bức tường. Một cái chén kiểu xinh xắn nằm gọn trong cái ô trống của lỗ thành.
Cười thích thú, Hạ hỏi:
- Sao Anh  lái xe được? Sao Anh cầm cái chén này được?
Anh vuốt ngược mái tóc ngắn:
- Không nhớ Anh đã thắng Hạ “lái xe đạp không tay” trên đường biển sao?
Nhớ lại buổi chiều tan học từ trường tư thục Hưng Đạo về, vì làm le với đám “Ngũ cô nương”, Anh và Hạ không nắm tay lái, thi nhau đạp xe thật nhanh, cuối cùng Hạ bị té trầy đầu gối, hai đứa cười khanh khách. Tiếng cười chưa dứt, tiếng kêu của cô Út vang lên khắp khu vườn:
- Hạ ơi. Vào bà nội biểu.
Lấy vội chén chè, Hạ hấp tấp nói:
- Cảm ơn Anh. Ngày mai đi học gặp lại nghe.
- Không đâu, Anh muốn Đan Hạ đi chơi với Anh chiều nay.
- Sao được?
- Từ lúc mấy đứa Trang, Hương, Hạnh không đi chơi chung với tụi mình như xưa, Anh buồn lắm. Anh muốn Hạ đi chơi với Anh tối hôm nay.
Nhìn chén chè trong tay, Hạ ngập ngừng hứa:
- Được rồi. Anh đến Hạ khoảng năm giờ chiều, nhưng kêu Hạ nho nhỏ thôi.
Đặt chén chè trên chiếc bàn học, Hạ chạy  thật nhanh qua cái vườn cây để vào nhà nội.
- Dạ, thưa bà nội gọi con.
Uy nghiêm trong cái ghế sa lông, bà nội hỏi:
- Con mô kêu mi rứa?
Hạ ngập ngừng:
- Dạ bạn con.
- Bạn mi là cái con chi?
Thấy Hạ im lặng, bà nội la không ngừng:
- Con gái chi mà la oang oang ngoài đường giữa trưa như rứa? Bạn mi như rứa hỉ?
Hạ cãi lại:
- Anh, bạn con, rất đàng hoàng. Tại nó sợ chó nên không đi vào nhà. Nó đem xuống cho con chè.
Bà nội như không nghe Hạ nói, tiếp tục càu nhàu:
- Bạn bạn, bè bè, cứ rượt rượt ra ngoài đường. Mi liệu mà lo học hành đàng hoàng. Đừng thấy mạ mi đi làm cả ngày mà theo bạn, theo bè chơi suốt ngày. Thứ con gái như rứa không tốt mô!
Hạ lí rí trong miệng:
- Dạ. Con cũng có học thêm nữa.
- Có học chi cũng phải phụ việc nhà. Giúp o Sáu với o Út gói mấy cái bánh phục linh và đậu ngự rồi đi học.
Dạ rối rít, Hạ vội vã chuẩn bị giấy và hồ, rồi gói mấy chiếc bánh nhỏ vuông vắn của o Sáu thật nhanh cho kịp giờ hẹn với Anh.
Câu nói của Anh nói rất đúng. Từ lúc cái cảnh  “em tan trường về, anh theo Ngọ về” xuất hiện hàng ngày trước trường Huyền Trân, Trang, Hương và Đoan Hạnh không còn có thời giờ thăm vườn, thăm biển như trước đây. Giống hoàn cảnh con một của Anh, những buổi học ở Huyền Trân và học thêm ở các trường tư thục không đủ làm cho Hạ bận rộn để khỏa lấp sự đơn độc trong căn nhà không có má và Thảo Vy. Thỉnh thoảng có giờ rảnh rỗi, Hạ thường vào nhà nội để chơi với Ái hay đến phố Độc Lập, ghé tiệm Vĩnh Thạnh chơi với một số bà con của Hạ. Những đứa em bà con của Hạ đối xử với Hạ rất tốt nhưng bởi vì họ không học cùng lớp, và không hiểu cảm giác cô đơn của Hạ nên Hạ thích chơi với đám bạn của Hạ nhiều hơn. Hơn nữa, Anh là học sinh giỏi của lớp. Chữ viết của Anh thuộc loại đẹp nhất trường. Chơi với con nhỏ, Hạ học được rất nhiều thứ.
Hôm ấy là ngày thứ ba, Hạ không có lớp học thêm buổi chiều. Đúng năm giờ, vừa thấy bóng Anh qua các lỗ hình vòng cung của bức tường thành, Hạ vội vàng đóng cửa nhà và dắt xe đạp ra khỏi khu vườn. Anh và Hạ đạp hai chiếc xe đạp mini song song nhau lòng vòng trên những con đường trong thành phố, ra biển rồi đến nhà Anh. Ngồi trên cái xích đu bên cạnh khóm hồng, hai đứa tán gẫu đủ thứ rồi đến đề tài hoa.
- Vì sao hoa hồng tượng trưng cho tình yêu Đan Hạ biết không?
Hạ đoán mò:
- Không biết! Có lẽ nó có gai.
Anh gật đầu
- Đúng vậy. Bởi vì khó có ai tìm được tình yêu trọn vẹn mà không bị chảy máu.
Hạ hỏi:
- Vậy hoa “pensée” tượng trưng cho cái gì?
Anh hỏi ngay:
- Bộ ai tặng cho Đan Hạ hoa này hả?
Hạ lắc đầu:
- Không. Chỉ hỏi cho biết thôi.
- Hoa “pensée” tượng trưng cho sự thương nhớ bâng khuâng. Bởi vì động từ “penser” là “nghĩ đến”, “nghĩ về” đó mà.
Hạ hơi mơ hồ nhưng tin lời Anh nói vì con nhỏ thường sưu tập ý nghĩa của các loại hoa. Mỉm cười bâng quơ, Hạ thầm chúc may mắn cho nhỏ Đoan Hạnh không bị gai tình yêu đâm chảy máu.
Tiếng chuông cổng reo lên làm cắt đứt câu chuyện bàn tán về các loài hoa của hai đứa. Ba người con trai cao ráo, áo quần thanh lịch đẩy xe vào sân sỏi nhà Anh. Ánh đèn lờ mờ bên cạnh giàn hoa hoàng anh cho Hạ nhận ra một người là Quân, còn hai người kia có hai mái tóc hết sức ngắn.
Chờ cả ba dựng mấy chiếc xe xong, Anh kéo họ đến trước mặt Hạ giới thiệu:
- Đây là mấy người bạn gần nhà Anh đó Đan Hạ.
Lần lượt chỉ từng người, Anh nói:
- Đây là Long. Và đây là Quân, người mà Hạ biết rồi.
Ngừng một lúc, Anh vừa cười, vừa nói:
- Còn đây là Triệu, bạn gần nhà nhất của Anh. Hạ cần nhớ mặt cho kỹ. Còn đây là Đan Hạ, bạn học cùng lớp với Anh.
Vẫn im lặng ngồi trên ghế xích đu, Hạ gật nhẹ đầu, chào từng người. Quân nhìn thẳng vào mặt Hạ rồi quay lại nói với Anh:
-Tưởng Anh rảnh nên cả bọn kéo đến chơi, không ngờ Anh có khách.Thôi Quân về.
Anh nhăn mặt:
- Mới vào nhà sao lại về ngay vậy?
- Quân có chút chuyện nên phải về. Chúc các bạn một buổi tối vui vẻ.
Nói xong, anh ta đẩy chiếc xe Vespa Sprint ra khỏi cổng. Sự bỏ đi đột ngột của Quân khiến cho mọi người yên lặng. Để phá tan cái im lặng nặng nề ấy,Long nhanh nhảu nói:
- Long gặp Đan Hạ rồi!
  Hạ lo lắng:
- Ở đâu?
  - Trong dạ vũ Công Hoan.
  Cắn môi một lúc Hạ giải thích:
  - Vô tình Hạ đi cho vui chứ Hạ không biết nhảy đâu.
Vẫn giọng nói vui vẻ nhanh nhẩu, Long đối ứng ngay:
- Đan Hạ không phải lo. Anh là người nhảy đẹp nhất thành phố Nha Trang này đó. Nếu Đan Hạ muốn, Anh sẽ dạy Hạ nhảy.
Nheo mắt nhìn Triệu, Long nói thêm:
- Nếu không, Triệu sẽ tình nguyện dạy cho Đan Hạ.
Nhìn đôi mắt nai ngơ ngác và mái tóc ngắn của Triệu, Hạ bật cười. Miệng Long không ngừng:
- Bằng lòng với lời đề nghị thứ hai rồi phải không?
Thấy Hạ im lặng lắc đầu. Anh dàn xếp:
- Khi nào có tiệc Anh sẽ kéo Hạ đi. Không từ chối Anh được.
Triệu ôn tồn hỏi:
-  Một ngày nào đó, Đan Hạ có thể đi chơi với tụi này không?
Ngập ngừng Hạ gật đầu:
Có thể.
Chương Sáu
Vài ngày sau, Hạ nghe Anh báo tin Quân đã có bạn gái. Bạn gái của Quân là Anh Thư. Đúng như lời khẳng định của anh ta, Anh Thư là một cô bé rất đẹp. Anh Thư không những là hoa khôi trường Quốc Tuấn, cô ta còn là một trong những người đẹp nhất của thành phố biển này. Quân quen được người đẹp của thành phố đã khiến cho một số con gái trong trường Hạ bàn tán về tính tình và đời sống của anh ta. Mấy đứa con gái lớp B, ban toán, ca ngợi anh chàng là người rất rộng rãi và hào hiệp xứng đáng có người yêu đẹp và ngoan hiền như vậy. Qua những bàn tán xung quanh trường, Hạ có thể hình dung được cái ân cần săn sóc của anh ta với Anh Thư khi hai người bị cảnh sát bắt bởi vì họ đi dự một buổi dạ vũ sinh nhật không có giấy phép của sở cảnh sát. Hạ còn hình dung hình ảnh Quân dùng áo khoác trao cho Anh Thư để cô bé khỏi bị lạnh và hiểu được vì sao cô bé dễ thương như Anh Thư có thể cảm động trước mối chân tình của anh ta. Hai người thật sự là một đôi tình nhân lý tưởng như những nhân vật chính trong phim tình yêu.
Thời gian này, thành phố biển vào những buổi chiều, buổi tối và những ngày chủ nhật thật là vui nhộn. Khu phố Độc Lập rộn ràng ngày lẫn đêm với sự buôn bán phồn thịnh và sống động. Thương xá Độc lập có mở khiêu vũ ban ngày gọi là “Ma ti nê” và khách sạn Nha Trang có dạ vũ hàng đêm. Ngoài những dạ vũ có giấy phép tại nhà, những cứ điểm này là những nơi tập trung của những thanh niên nam nữ thích biểu diễn khả năng khiêu vũ của mình, khoe khoang những kiểu áo quần lạ, giới thiệu người mình yêu hoặc tìm bạn khác phái. Nha Trang quả là nhỏ. Mỗi lần dự tiệc, hay vào các vũ trường như thế thì những người đi nhảy lại gặp nhau. Nhảy đầm không là sở thích của Hạ nhưng Hạ bắt đầu tham gia những buổi đi chơi với Anh và nhóm Long, Triệu. Hạ chưa được ai bày một điệu nhảy nào để có thể ra sàn nhảy với sự tự tin nhưng Hạ không còn sợ hãi trước những cánh tay mời để lặng lẽ ngồi nhìn những ánh đèn lung linh quay cuồng, và những cặp tình nhân dìu nhau. Trong tất cả, Hạ đơn giản chỉ muốn nhìn người có cánh tay run ngày nào. Vì điều này, Hạ đã bỏ thói quen của mình. Những buổi sáng chủ nhật, thay vì ghé vào tiệm Vĩnh Thạnh, nhà của cô ruột thứ bảy của Hạ, ở  đường Độc Lập để chơi đùa với đám em họ, Hạ đã đi thẳng đến thương xá Độc Lập với Anh và nhóm bạn của Anh. Không những thế, Hạ còn dự rất nhiều dạ tiệc đến độ Hạ có thể đoán được điệu nhạc thuộc loại nào và bước chân di chuyển của từng điệu khác nhau  ra sao.
- Đan Hạ nhảy với Triệu bản này nghe?
Hạ gật đầu ưng thuận. Len lỏi xuyên qua các cặp trai gái, Hạ và Triệu đến một chỗ trống, đối mặt, và đặt tay lên nhau để hòa theo tiếng nhạc. “Slow” là điệu nhảy dễ dàng nhất nhưng thường dành cho những đôi nhân tình. Chơi vơi dưới ánh đèn mờ và những đốm sáng đầy màu sắc quay tròn, Hạ quyết định sẽ nhờ Anh bày cho Hạ nhảy để sau này có thể cùng Triệu biểu diễn bất cứ điệu nhạc nào.
Cũng từ đó, Hạ thường đi dạ vũ với Anh, Triệu và Long vào ngày thứ ba và thứ năm. Hai ngày này không có lớp học thêm, cho nên dù có đi chơi, má cũng nghĩ là Hạ đi học. Mỗi lần đi chơi với những người bạn trai của Anh, Hạ thường gặp sự hiện diện của Quân và Anh Thư. Mỗi lần như thế, Hạ luôn luôn khiêu vũ với Triệu và chỉ duy nhất với Triệu mà thôi. Tuy nhiên thời gian Hạ khiêu vũ với Triệu thì ít, trái lại thời gian Hạ bí mật ngắm đôi nhân tình đẹp như trong truyện cổ tích thì nhiều hơn. Hạ tự hỏi nhiều lần về mẫu người của Quân. Anh ta là người như thế nào? Ngang tàng, tự cao, tự đại? Hay tình cảm, nhân hậu như lời đồn của mấy đứa con gái trong trường Hạ? Nhìn anh ta nhảy cùng người đẹp. Hạ không hiểu bàn tay của anh ta có run như lần nhảy với Hạ không. Mỗi lần dự dạ vũ, những câu tự hỏi của Hạ không bao giờ được trả lời, thay vào đó, những làn khói thuốc lá bám chặt vào tóc, vào áo và sự trống trải mơ hồ lại đến bất chợt trong Hạ.
Hạ không phân tích được lòng mình. Có một cái gì đó đau buồn khó diễn đạt được. Từ một cô bé luôn cười vui, Hạ trở nên trầm lặng. Sợ mọi người nhất là bạn bè biết được nỗi buồn của mình. Hạ cố giữ sự hồn nhiên vui vẻ để tham dự mọi cuộc vui, và cố tạo cho mình có một vẻ bất cần dửng dưng.
Lúc này Hạ được rất nhiều người để ý. Tuy nhiên, những lời ca, tiếng đàn, thư tỏ tình, và sự chờ đợi đưa đón của những người con trai ở các trường tư thục chỉ là sự vô nghiã đối với Hạ. Và một người nào đó, người ta hiểu Hạ được rất nhiều người chiếu cố, nhưng với người ấy Hạ không là gì bởi vì người bạn gái của họ có một nhan sắc không ai bì.
Hạ luôn luôn tự tìm quên nỗi buồn của mình nhưng mà nỗi buồn này luôn bị khơi động vì những điều không thể lường trước được. Một buổi chiều trên đường đến nhà Anh dự tiệc sinh nhật, Hạ gặp Quân. Anh ta dừng xe trước mặt Hạ rồi dịu dàng nói:
- Hôm nay Đan Hạ mặc chiếc áo rất dễ thương nhưng Quân chỉ thích là hai chiếc răng khểnh. Đan Hạ nhớ giữ hai chiếc răng khểnh cho Quân nghe!
Hạ bàng hoàng vì từ lâu lắm Hạ mới nghe anh ta nói chuyện riêng với Hạ. Lần này Hạ nghe rõ giọng nói của anh ta hơn. Giọng nói này rất là đặc biệt đến độ Hạ thắc mắc không hiểu nó là tiếng bắc hay tiếng Huế lai Nha trang. Còn lời nói thứ hai của anh ta khiến Hạ nghĩ ngợi và  cảm thấy hy vọng điều gì mơ hồ. Nghĩ đến người bạn gái đẹp như tranh của anh ta, Hạ cố quên những câu nói vừa nghe được để tin rằng tất cả chỉ là những âm thanh không thực sự hiện hữu. Chúng thoáng qua như những cơn gió nhẹ, man mác và xa vời. Hạ cười buồn một mình: “Con trai thật là khó hiểu.”
Buổi tối hôm ấy, dạ vũ sinh nhật của Anh được tổ chức với nhiều người tham dự. Triệu đến trễ nên Hạ đã bỏ thói quen ngồi nhìn Quân và Thư  dìu nhau trong tiếng nhạc, để bước ra sàn nhảy với cánh tay mời. Hạ không muốn nhìn hai người này, không muốn thắc mắc về cánh tay run, cũng như không muốn nghĩ đến những lời nói bâng quơ, vô vị vừa nghe được. Hạ đặt bàn tay mình trên tay người con trai lạ mà thấy hồn mình nặng trĩu. Điều này làm Hạ nhận thức rõ là mình đã không thay đổi được sự hiện hữu của nỗi buồn. Triệu đến nơi, là lúc Hạ vừa chấm dứt điệu nhảy với người con trai lạ trong bữa tiệc. Hờn giận, anh ta hỏi:
-Vì sao Đan Hạ nhảy với người lạ?
Hạ không trả lời được câu hỏi. Và nếu anh ta hỏi vì sao trước đây Hạ đã bằng lòng nhảy với anh ta, thì Hạ cũng không hiểu vì sao. Phải rồi. Hình như Hạ muốn cả thành phố nghĩ là Hạ đã có bạn trai. Hạ muốn cả cái người có cái tay run ngày nào biết rằng Hạ đã thực sự tìm cái Hạ muốn. Nhưng, tại sao hôm nay Hạ nhảy với người khác? Phải chăng Hạ muốn có cơ hội để nhìn đôi nhân tình đẹp như mộng kia thật gần hơn? Cho dù Hạ có lý do gì, Hạ không thể giải thích được với Triệu. Cử chỉ không vui của anh ta làm Hạ bỏ ra khỏi phòng khiêu vũ.
Ngoài vườn nhà Anh thật dịu và yên tĩnh. Hạ ngồi một yên một mình trên chiếc xích đu khuất trong bóng tối. Không tìm giải pháp thích đáng nào cho nổi buồn bất trị, Hạ quyết định về nhà ngủ sớm. Đi ngang qua cụm hoa hồng, bất chợt gặp Quân, Hạ hỏi:
- Mấy giờ rồi hả Quân?
Quân lạnh lùng:
- Tôi không nên nói chuyện với cô.
Dứt lời, anh ta lạnh lùng lách mình vào phòng khách. Hạ cảm thấy chơi vơi như ở trong mơ. Câu nói ban chiều vẫn còn đó vậy mà chỉ vài giờ thôi đã thấy khác lạ. Chào Anh và một số bạn bè, Hạ ra về.
Người ta thường nói: Trái tim luôn đi ngược lại với những ý nghĩ của khối óc. Hạ muốn thay đổi câu nói ấy bằng cách luyện cho khối óc mình minh mẫn để khống chế trái tim lắm chuyện. Hạ đã tìm quên qua việc học ở trường Huyền Trân và các trường tư thục. Hạ ghi danh học thêm lớp Pháp văn do thầy Hoàng Trạc tổ chức. Nhà thầy ở ngay trên đường Duy Tân đối diện biển. Từ cổng đến các lớp học trong nhà thầy được trải toàn đá cuội cho nên với con nhỏ lười như Hạ cũng phải bước xuống xe đạp để dắt vào tận nhà. Căn nhỏ xinh xinh với chiếc xích đu giữa đám hoa đủ màu sắc là nơi Hạ thường ngồi ôn bài hoặc mơ mộng những điều mơ ước. Những lúc buồn, Hạ khóa xe trước nhà thầy, ra biển, ấn chân trần trên cát ướt và chờ những cơn sóng vuốt ve, mơn trớn dưới chân. Sóng biển thường cuốn trôi những dấu chân buồn trên cát chứ không xóa tan được nỗi buồn sâu kín trong tâm hồn của Hạ. Vì thế, tâm nguyện không để cái buồn mênh mông trong tâm trí, và không để trái tim khống chế lý trí sáng suốt  không phải là việc dễ dàng. Hạ còn ghi danh học thêm Anh Văn ở trường Kim Yến với Anh và một số con gái trong lớp 12C. Dù học chăm và tranh nhau từng điểm như thế nào chăng nữa, bọn con gái không quên rủ nhau đi vòng vòng sân quần vợt để nhìn những người đánh banh trước khi vào lớp. Mỗi buổi chiều, phố biển thường có những cơn mưa, vậy mà mấy đứa không hề bỏ thói quen lội bộ xung quanh sân quần vợt. Mặc cho nước mưa rơi, cả bọn xăn quần, che dù và lội nước. Hơn bao giờ hết, Hạ yêu thật nhiều cái tuổi mình đang có. Bạn bè hồn nhiên ngây thơ với những mối tình bạn, tình yêu nhẹ nhàng cao thượng. Tất cả đều là những kỷ niệm mà trong các lưu bút, bọn Hạ thường ghi:
“Kỷ niệm không là gì khi thời gian bôi xóa
Kỷ niệm là tất cả khi lòng ta muốn ghi”
Hay là:
“Cái gì cũng mất
Cái gì cũng qua
Duy chỉ có kỷ niệm là còn lại mãi mãi” 
Nỗi buồn vẫn còn trong Hạ, cho dù Hạ cố quên đi. Thời gian này Hạ không muốn nghĩ đến  những buổi dạ vũ hay “Ma ti nê”, không muốn nghĩ đến cánh tay run hay nhìn người nào đó nhảy với bạn gái của anh ta nữa, Hạ đã dồn thời gian cho việc học của mình.
- Hạ uống sữa rồi đi ngủ đi. Khuya rồi.
Má đứng bên cạnh bàn học, chờ Hạ xếp sách vở. Hạ nài nỉ:
- Để con học thêm chút nữa. Ngày mốt con có bài kiểm tra rồi.
Má phàn nàn:
- Chiều tối sao không học để đến mãi khuya mới học? Học khuya như vậy có nhớ được gì đâu?
Lời của má đã làm Hạ nhận thức được từ lâu Hạ thường có thói quen học đêm sau giờ đi học thêm hay đi chơi. Có lẽ má không thích Hạ đi ra ngoài nhiều mà không muốn nói, hoặc là, má hiểu sự cô đơn của Hạ mà im lặng để Hạ tự ý làm những điều Hạ lựa chọn. Dù Hạ đi chơi hay đi học thêm, Hạ luôn nói với lòng là phải học ôn thật kỹ trước khi kiểm tra để đạt điểm cao như Anh. Anh luôn luôn lý luận rằng “Đi dạ vũ, nói tiếng Pháp và tiếng Anh mà học dốt là 'nhục' lắm!” Hạ rất sợ từ “nhục” mà con nhỏ dùng bởi vì Hạ đã “lỡ” dự các buổi dạ vũ rồi.
Thấy Hạ im lặng, má nhắc:
- Ngủ đi con. Mai má kêu dậy sớm.
Hạ gật đầu ưng thuận và tự hứa là sáng sớm ngày mai sau khi đóng cửa cho má đi làm, Hạ sẽ học tiếp.
Bằng hết sức cố gắng Hạ đã vượt những giây phút mơ mộng trong lớp để nghe giảng, làm bài đầy đủ và học ôn mỗi buổi tối. Lần này Hạ đã đạt điểm cao trong các môn học và cảm thấy tự hào vì không phụ lòng má và không thua sút Anh. Qua việc học, Hạ đã thực sự tìm cái thú vui của sự thành công mà quên nổi buồn riêng. Oái ăm thay, Hạ càng cố tránh gặp mặt cái người gây cho Hạ nỗi buồn thì Hạ lại quen Anh Thư.
Những buổi chiều đi học thêm trường Kim Yến, Hạ cố tình đạp xe thật nhanh trên đường Hoàng Tử Cảnh trước quán cơm chay để không phải bất chợt gặp người nào đó chở bạn gái đi và về. Hôm ấy không may mắn như mọi hôm trước! Vì cố tình đạp nhanh, xe Hạ đã bị vấp ổ gà và Hạ té văng ra khỏi xe. Những người con trai đang ngồi trong căn nhà mà Hạ cố tình tránh né ấy, vội vàng chạy ra khỏi nhà, đến chỗ Hạ đang ngồi bệt, hỏi han ân cần và giúp Hạ sửa lại ghi đông và sên xe. Còn chính Anh Thư là người chăm sóc những vết trầy trên đầu gối cho Hạ.
- Bồ có đau không? Còn lái xe được nữa không?
- Được chứ, cảm ơn Anh Thư.
Anh Thư tròn mắt:
- Sao bồ biết tên mình. Bồ tên gì?
-Biết chứ, Quân quen với Triệu, bạn Đan Hạ.
-A! Triệu hả? Bồ là bạn gái của Triệu? Bồ đã gặp Anh Thư  trong các buổi dạ vũ phải không? Thảo nào Thư thấy bồ quen lắm.
Sau ngày  ấy, Anh Thư và Hạ trở thành bạn nhau. Hạ không hiểu Quân đã nói gì và tâm sự gì về mối quan hệ giữa Hạ với anh ta nhưng lúc nào Anh Thư cũng dịu dàng và ân cần với Hạ. Hạ cảm thấy vui khi làm bạn với Anh Thư vì cô bé đẹp và hiền thục như thiên thần. Mỗi lần nhìn Anh Thư, Hạ hãnh diện được giao tiếp với cô bé. Tự nói với lòng: “Anh Thư là bạn của ngươi đó, đừng bao giờ tầm thường với chính mình cũng như đừng bao giờ vẩn đục tư tưởng nghe Đan Hạ.” Từ đó, sau mỗi buổi tối đi học thêm ở trường tư thục Kim Yến, Hạ thường ghé nhà Anh Thư nói chuyện đôi ba  câu rồi mới về nhà.
Chương Bảy
Nha Trang bấy giờ mới đầu tháng ba vậy mà những cơn mưa vô tình bất chợt kéo về thành phố. Dù mưa hay nắng, sau buổi tan trường Hạ thường xuyên ngồi bên chiếc bàn học nơi mà Hạ có thể nhìn ra khu vườn của nội. Ngoài trời, những hạt mưa đuổi nắng đi để thi nhau nhảy nhót trên các cành lá. Tiếng mưa rơi đều đều trên mái nhà làm Hạ có cảm giác buồn ngủ. Phải chi có Thảo Vy, hai chị em Hạ sẽ đội dù đi mua bắp nướng hay đậu phọng rang rồi quấn mình trong chăn vừa nhai vừa tán dóc.
- Đan Hạ ơi! Đan Hạ!
Hạ reo vui trong đầu: “Anh đến thật đúng lúc. Không hiểu có chuyện gì?”
Thay vì đi ra khỏi nhà bằng cái cửa bên hông nhìn ra vườn nội, Hạ mở cánh cửa trước nơi mà Hạ có thể nhìn cái bức tường chắn trước mặt nhà và có thể nhìn ra đường. Anh, Triệu và Long đứng ngoài bức tường. Anh vẫy tay nói thật nhỏ:
- Đi uống nước với tụi Anh.
- Đi lúc này sao?
- Mưa nhẹ mà! Hạ chỉ cần đem theo dù thôi. Anh chở Đan Hạ đi.
Dùng quyển sách mỏng được bọc nhựa đủ để che đầu, Hạ rời khuôn viên nhà đi theo các bạn. Long chở Triệu và Anh chở Hạ. Hai chiếc xe băng qua năm ngã tư trên đường Hoàng Tử Cảnh để đến tiệm nước gần rạp hát Nha Trang.
Vừa ngồi xuống ghế, Hạ nhận ra sự im lặng khác thường của cả ba. Đưa mắt nhìn từng người, Hạ dò hỏi:
- Hình như có chuyện gì?
Long nói:
- Gọi nước đã. Hạ muốn uống gì?
- Sprite. Triệu trả lời thay.
Hạ gật đầu biết ơn. Không tin được là sau mấy ngày giận dỗi, anh ta vẫn còn nhớ đến sở thích của Hạ. Nhìn từng người, Hạ cảm thấy thương thương và hối hận vì đã tuyệt giao một thời gian.
Hớp một ngụm nước, Triệu nói:
- Triệu có giấy tuyển quân dịch.
Hạ giật mình:
- Thật vậy sao?
Mọi người đều gật đầu. Nhìn mắt Triệu long lanh như đầy nước, Hạ quay sang Long:
- Còn Long?
- Chưa có giấy gọi, có thể sẽ nhận nay mai hoặc là số Long được học luôn ra kỹ sư.
Hạ lo lắng:
- Như vậy khi nào Triệu mới nhập ngũ?
- Không biết, có lẽ chờ đến tháng năm. Nếu thi rớt tú tài, phải đi lính thôi.
Sau những lời này, không ai nói với ai điều gì, mỗi người chìm mình trong ý nghĩ riêng. Đây là lần đầu tiên cả nhóm đi chơi trong thời gian thật ngắn với không khí thật buồn. Chia tay trong tiệm nước, chỉ mình Anh đưa Hạ về nhà. Trên đường về, Anh hát nho nhỏ: “Khi người yêu tôi khóc, trời cũng giăng sầu. Cho từng cơn mưa lũ xoáy trong tâm hồn.”
Hạ cấu nhẹ vào lưng Anh:
-Bài này là của con trai dành cho con gái.
Anh cãi:
- Gái, trai gì! Đúng tâm trạng ai, người ấy chịu!
Ngừng xe trước nhà Hạ, Anh hỏi:
- Nếu Triệu đi lính Hạ sẽ ra sao?
- Hạ sẽ là Hạ.
-Nói gì khó hiểu vậy? Nghiã là sao?
Hạ thở dài:
-Hạ không hiểu Hạ là sao nữa.
Lạc giọng hơn, Hạ tiếp:
- Ngay cả lúc Triệu không đi lính, Hạ cũng không biết làm sao.
Tin Triệu sắp nhập ngũ lan ra trong đám bạn bè. Anh Thư an ủi:
- Triệu hiền lành, không gặp chuyện xấu đâu!
Thấy Hạ gật đầu, Thư tiếp tục:
- Anh Quân luôn luôn khen tính tình của Triệu. Anh ấy  cho rằng Đan Hạ và Triệu là một cặp nhỏ nhắn dễ thương, và thánh thiện con nít.
Hạ nhíu mày:
- Anh ấy còn nói gì không?
- Có chứ, anh ấy nói nếu lúc Triệu đi lính mà Đan Hạ quen ai, anh ấy sẽ đập người đó.
- Anh ấy có quyền gì đập người khác?
- Thư đã nói với Đan Hạ rồi, anh Quân nói là coi Hạ với Triệu như em ruột.
Hạ suýt thốt to lên: “Ai cần làm em ruột của anh ta.” nhưng thay vào đó, Hạ chỉ nói:
- Hạ không thích có anh đâu.
Đúng như Quân nhận định, giữa Hạ và Triệu có một cái gì rất trẻ con và rất e dè. Khi hai đứa khiêu vũ, bàn tay của cả hai đặt lên nhau rất ngập ngừng, ý tứ và lịch sự. Tuy nhiên, đối với Hạ, người trong thành phố biển có nghĩ hai đứa là một đôi nhân tình thì cũng không hề gì. Sau này, nếu Triệu phải đi lính, Hạ sẽ tiếp tục đóng vai trò của mình bởi vì Hạ hiểu là mình không tìm được tình yêu nào khác thay cho nỗi buồn thầm kín. Những mơ mộng có tiền để xây nhà, giúp má và đưa Thảo Vy về ở chung của Hạ dường như bị ngủ quên. Còn mấy tháng học lớp mười hai nữa là Hạ sẽ vào đại học. Hạ chưa biết rõ mình sẽ chọn ngành gì, học những môn gì, và làm gì. Trước hết, Hạ phải cố gắng thi đậu Tú Tài. Nhất quyết phải thi đậu mới tiếp tục mơ ngày đưa Thảo Vy trở về.
24 tháng 06 năm 2004
Cung Thị Lan
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...