Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Chân cảm một hồn thơ

Chân cảm một hồn thơ

Duy Thảo sinh năm Mậu Dần (1938), tại làng Đông Thái, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Học xong phổ thông Duy Thảo ra Vinh tìm kế sinh nhai. Đầu năm 1962 anh nhập ngũ vào binh chủng Phòng không, trung đoàn pháo cao xạ 280. Đấy là những năm tháng mà sau này nhớ lại anh nói, cái may mắn cho đời văn chương của anh là thời gian ở quân chủng Phòng không được chiến đấu, sinh hoạt cùng những người đồng đội yêu văn chương và tài hoa sau này có người trở thành nhà văn nổi tiếng. 
Anh là một người kín đáo và khiêm tốn, sự khiêm tốn thể hiện ngay ở cả cái bút danh anh chọn cho mình Duy Thảo - ngọn cỏ nhỏ. Khi đề tựa cho tập thơ 80 bài của anh nhà văn Đỗ Chu có viết một nhận xét về Thơ đầy ẩn ý: “Cái vùng ấy mênh mang như bãi nước bí ẩn không thể giải mã, lúc rủ nhau nhào xuống thì đông mà lúc ngoi lên sao muốn vắng. Vậy mà nó cứ rủ rê con người ta mon men đến” (Duy Thảo và tôi). Dòng sông thơ rất khắc nghiệt, bao nhiêu người nhảy xuống đều chìm nghỉm họa hoằn vài người nổi lên, nhà văn có ngụ ý tin rằng  trong số ngoi lên đó có Duy Thảo!
Xuất phát điểm là nhà thơ mang áo lính! Ghi nhớ thời trận mạc, “màu áo lính - màu xanh giản dị” xuất hiện rất nhiều trong thơ  anh. Khi là kỷ niệm “Một thời thắm thiết màu xanh/ Cái màu áo lính trở thành nhớ thương”, khi là niềm tin “Cái màu tin để mà yêu/ Xa rồi để nhớ, gặp nhiều để mong, là nguồn an ủi“ đời mà nặng gánh bão giông/ Gặp màu áo lính nghe lòng nhẹ rơi…” (Màu áo lính). Chính chất lính ấy giúp Duy Thảo bền chí, vững bước trước những thử thách cuộc đời thời hậu chiến, rồi thời đổi mới mở cửa “Bao điều bạc phếch lòng tin/ Chỉ còn quê kiểng giữ xanh lời thề” (Cõi về).
Thơ anh giai đoạn đầu thấm đượm chất hào hùng, cái âm hưởng chung của thơ ca bấy giờ Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng... Nó cộng hưởng với người đọc về tâm trạng hơn là kỹ thuật thơ. Về sau thơ anh chủ đề trải rộng nhiều chiều hướng, với chiều sâu của một vốn sống từng trải luôn có những câu thơ đằm sâu suy nghĩ. Anh nói về sự hy sinh mất mát của những bà mẹ, người chị trong chiến tranh: Ngày báo tử chị khóc không thành tiếng Rồi hóa thân làng xóm gọi bằng bà (Mưa ngâu), hay Để tâm linh thấm vào tận nỗi đau, Lời trăn trối mẹ già lúc vĩnh biệt, Nắm nhang thắp giữa chừng không cháy hết, Khúc đoạn trường lời cách biệt âm dương (Nhắn tìm đồng đội). Trước mất mát của cuộc đời, sự hy sinh của người đi trước, ta bắt gặp trong thơ của Duy Thảo một tâm trạng riêng khá nổi bật, đó là sự tự hối, thấy cái hạn hẹp, tầm thường của mình trong mối cộng cảm cùng thế sự. Một cái gì có phần ray rứt có phần hối hận, khi nhớ đến những người bạn đã đi xa, dang dở bao nhiêu ý nguyện. Cái cảm thức về sự suy tính thiệt hơn đầy toan tính cá nhân, thấy mình là người có lỗi luôn trở đi trở lại cùng tác giả. Gần hết cuộc đời nhìn lại: Ngoái lại đằng sau bao nuối tiếc/ Tự trách mình chưa làm được nhiều hơn/ Qua nắng mưa qua nóng lạnh đời thường/ Vẫn chỉ thấy mình là người có lỗi/ Những toan tính của một thời nông nổi (Trước xuân này). 
Chủ đề quê hương, gia đình cũng sâu đậm trong thơ anh. Trong chiều dài cảm hứng gia tộc, gia đình, tác giả tìm được sự kết nối, sự phát triển, từ bé đến lớn, từ nhạt nhòa đến sâu đậm, từ bóng tối ra ánh sáng, từ đau khổ đến sướng vui. Tất cả hiển hiện qua sự thay đổi của làng xóm, từ cái thuở lao đao giáp hạt ngược xuôi tảo tần, đến bây giờ một vùng văn vật nên thơ nên vần và qua sự thay đổi của chính bản thân, từ cậu bé quần đùi mò ốc rét cắt da/ mà nay đi giữa phồn hoa đô hội têt/ man mác ân tình xuân cố hương (Gặp lại tết xưa). Thơ tràn đầy tình nghĩa với cuộc đời, gia đình, bè bạn nhưng không chỉ có thế, với bao nhiêu năm tháng từng trải tác giả còn ý thức được cả những va chạm, những cọ xát đằng sau bao sự việc. Những ân tình trải qua thời gian bao thử thách không phải không có nghịch lý, nhưng với những nghịch lý đó tác giả nghiệm sinh một lẽ sống, một cách xử sự nhẫn nại, yêu thương và tin tưởng. Đó là cái mạch ngầm triết lý  mà người đọc nhận thức gián tiếp qua bề sâu thơ anh. 
Khi nhà thơ nhắc đến ông bà tổ tiên trong mạch cảm hứng truyền thống dân tộc: Chân hương bao lớp cắm dày/ Tổ tiên cha mẹ họ hàng nằm đây/… Cúi đầu cầu nguyện tổ tiên… hay nhớ đến  song thân: Cha đi biệt xứ quê người bao năm/ Một đôi vai mẹ tảo tần/ Gánh bao cay cực âm thầm ngày đêm, ta cảm thấy đã nói hộ cho tấm lòng của mình. Trong làn hương khói nhạt nhòa, sống lại với người đọc cái tâm thức một thời trôi nổi “nửa thì gia tộc, nửa thì quê hương” (Hồ Dzếnh). Nhiều câu thơ nói về tình cảm gia đình, làng xóm thật cảm động. Đón người vợ sau tai biến trở về, chưa hoàn toàn bình phục “nhìn em lóng ngóng cầm rơi đũa/ Anh thương nước mắt bỗng trào ra”, câu thơ không có gì to tát, một chi tiết đơn giản mà thấm đẫm tình thương yêu tấm mẵn, tao khang! Và có thật gắn bó với quê làng mới thấy được đời sống bà con Đồng tiền gom nhặt dân quê/ Còn lo đóng đậu nhiều bề ăn theo! Câu thơ khiến người đọc không khỏi quặn lòng!
Sinh trưởng trên một vùng đất đẹp như tranh họa đồ, có núi giăng tiếp núi, mây trôi kín trời, vùng đất hội hè, đình đám, hết Chùa Hương, đến Chợ Củi, hết chọi trâu đến đua thuyền… Vùng đất xinh đẹp, đầy hào khí song cái nghèo đeo đẳng ngàn đời nay. Tập quán thẩm mỹ nơi này không ưa những hào nhoáng, những phù vân những hình thức giả tạo.Thơ Duy Thảo cốt lấy cái tình thực làm điểm tựa mà thể hiện, mà tỉ tê cùng bầu bạn. Đứa con miệt quê nghèo khi nói về nơi chôn rau cắt rốn thật khiêm nhường, dung dị:... Thương mẹ già còng lưng lo chống chọi
Nước xiết chân lẩy bẩy chuyến đò đầy
Thương em thơ bụng đói, mắt thơ ngây
Chờ tấm bánh mỏi mòn chưa kịp tới…
(Gửi miền Trung).
Và trong cái thời buổi còn nhiều nhố nhăng, thật giả lẫn lộn, nhiều đua đòi thái quá, người đọc tìm thấy đâu đây một hơi gió lành khoan hòa, ấm áp, một nền nếp gia phong: 
Câu tục ngữ ôm vào câu thành ngữ/
Đời cho ta giàu tiền gạch, ngãi vàng/
Để lúc vui con biết cười ý tứ/
Để lúc buồn con biết khóc đoan trang/
(Thơ cho con ngày đi lấy chồng)
Duy Thảo thử thách trên nhiều lối thơ: năm chữ , thơ tự do, thơ  tám chữ, thơ lục bát, tứ tuyệt... đâu cũng gặp một cách nói ấy, chân thật, giản dị, không khoa trương, màu mè, không hô to, gọi giật. Đặc biệt các bài thơ về hoa lá cây cảnh. Thiên nhiên vốn trong sạch và vô tư. Người xưa khi tránh cái đời “đục” hay tìm về với thiên nhiên. Duy Thảo khi mệt mỏi cũng tìm về thiên nhiên để nghỉ ngơi Chân mỏi gót trần lên thiền viện/ Bỗng nhẹ thênh lòng một tiếng chim (Tiếng chim). Đời không bình yên, nhà thơ tìm về với hoa lá mong nhận được một sự thủy chung chân thật. Đến cái tuổi cổ lai hy, ngẫm nghĩ sự đời câu thơ anh thốt lên đầy vẻ nghiệm sinh xoáy vào tâm tư người đọc: Thủy chung còn lại nhành hoa bưởi/ Thơm ngát góc vườn giữ tuổi xuân (Hoa bưởi). Bao năm trăn trở lưu lạc với đời, về vườn xưa nhà thơ thấy mình trẻ lại bởi cành bưởi thơm ngát giữ tuổi xuân cho mình! Thời nào cái tình ngươi vẫn quý nhất, và quý nhất trong cái bể tình đó là sự thủy chung. Và chính sự thủy chung nó làm cho tình người chiến thắng thời gian!
Là nhà báo giúp anh đi và biết nhiều nơi nhiều vùng, nhiều cảnh đời, với tâm hồn thơ Duy Thảo gửi gắm vào đấy nhiều rung cảm. Nào Tam Soa, Cầu Ngúc, Suối Tiên, rồi Xóm Mồ Côi, Núi Thiên Tượng, Ngã ba Đồng Lộc… tất cả đều được gửi gắm trong những câu thơ đằm thắm, chân tình. Theo con đường đi của các gia đình Việt Nam từ làng quê ra phố phường, trong cuộc di chuyển mưu sinh nặng nhọc này cái được, cái mất thật khó lường. Duy Thảo thổ lộ theo cách của mình: Từ ngày ra bám phố, kẻ lạ rồi khách quen, đêm ắng im cánh cửa, ngày nhao nhác đồng tiền. Từ ngày ra phố lạ, chen đi với dòng đời, chút gia tài góp nhặt, biết mình đang đánh rơi (Tìm về). Ai đã qua rồi những thăng trầm, lên xuống, những được thua, vấp ngã hẵn không thờ ơ lật qua những dòng thơ:
 Rồi tất cả tan chìm cơn dĩ vãng
Những dại khờ, những lọc lõi phù du
 Xin lượm chút sợi vàng vương trên gối
 Khóe mắt nhìn âu yếm những thương yêu
(Lối rẽ)
Hơn năm mươi năm cầm bút, trải nghiệm bao nhiêu thăng trầm của đời sống, “có bao nhiêu là ký ức, cuộc sống tưởng đã nghìn năm”, tác giả chiêm nghiệm thổ lộ ra trên những dòng thơ chân chất đằm sâu tâm sự. Trăm năm mỗi cuộc đời như là bốn mùa thì cái tuổi “cổ lai hy” của tác giả đã là cuối thu sang đông; những cơn mưa giao mùa này không còn cái mát mẻ hay nồng ấm của thì xuân, không hào nhoáng cháy bỏng cái sự lạ mùa hạ hay trong trẻo hương đưa của mùa thu mà giao hòa giữa trầm lắng pha chút u hoài của cái gì đã qua và sắp tới ở mùa đông.
“Khép lại tập sách, những lo lắng, thấp thỏm ban đầu mờ dần, đọng lại là nỗi bâng khuâng vướng vít, vừa lạ, vừa quen trước một hồn thơ đa cảm và chân chất. Chính điều này đã cứu anh và giữ lại cho chúng ta cái khôi nguyên của khá nhiều rung động thơ sau bao nhiêu trải nghiệm vui buồn” (Hữu Thỉnh - Hồn thơ Duy Thảo).
Xin mượn câu nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh để gói lại bài viết này.
22/5/2021 
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...