Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Nước nguồn xuôi mãi

Nước nguồn xuôi mãi

Vạ vật thêm một chút trên chiếc chiếu lác ngay dưới chân bàn viết, Dị ngồi bật dậy gập lưng trên hai đầu gối, kiểu ngồi ưa thích mỗi khi chị kết thúc một đêm làm việc. Chị hình dung và muốn bật cười, trong cái dáng khổ nạn này chắc mình giống một con mụ điên bên góc chợ, xem kỹ thì có vẻ giống một người tù trên nền xà lim. Thật là quá quắt khi tự so vì như vậy thật ra, dù ở xó nào, bao giờ người viết cũng cảm thấy thế giới chung quanh là một cái cũi đối với ước nguyện tự do của họ.
Ngồi như vậy thì xương sống được thể dục nhưng hai vai lại chúi xuống ê ẩm rõ rệt hơn. Dị thèm xiết bao một đôi tay, tay của má rất ân cần nhưng nếu mà ở gần thì bà đâu có ngơi việc, tay của con gái thì hối hả nghĩa vụ nhưng giờ cái nghĩa vụ ấy cũng không thể nữa, còn tay của một người đàn ông thì... Hình như ai đó từng tổng kết rằng xét về mặt làm chồng thì đàn ông xứ này thuộc loại chồng ích kỉ nhất thế giới, xem ra nhận định cực đoan ấy cũng không phải là quá đáng khi Dị so sánh với người từng là chồng của mình. Vậy thì tìm đâu ra một đôi tay có thể cất bớt chốc lát cái gánh năng sạu một đêm gò lưng bên máy chữ?
Tiếng xe máy từ ngoài trước cho biết những người đi làm trễ đang vội vã. Trời đất như một mụ luống tuổi ế ẩm hở tý là sụt sùi, đêm đêm tiếng gió lướt thướt kéo dài cùng với tiếng mưa trên mái tôn khi khoan khi nhặt. Dị đan hai cánh tay dưới đầu gối làm mấy động tác lăn lưng thư giãn, chiếc chiếu lác cũ ẩm mềm trên nền gạch cứng. Má chị từng tặc lưỡi: “Chết chết con ơi, cái nghề lấy đêm làm ngày ngủ vờ ngủ vịn nền nhà kiểu này cảm chết có ngày con ơi!” Chị nghe thấy má đi lại lục đục trên nền xi măng gian bếp, bà không quen đi dép nên tiếng chân lùi đùi lụi đụi khi chị nằm ở cái chỗ hàng đêm của mình. Chị không có nhiều con để biết lòng mẹ thường công bằng hay thiên vị nhưng hình như người mẹ nào cũng muốn san sẻ nhiều nhất cho đứa con yếm thế, thua thiệt, nghèo khó. Ở bên chỗ anh Bình thì má của chị được ngồi một chỗ mà sai khiến ôsin, được ăn đủ mọi thứ trên trời dưới biển, được nằm máy lạnh khi nóng bức còn đi đâu đã có xe hơi, xe biển xanh hẳn hoi đưa đón. Nhưng hở ra là má chạy qua với Dị và không hiểu sao bà chỉ thích đi bằng xe lôi chớ không phải thứ xe con mở cũng khó mà khi đóng lại thì phải hất mạnh tay nghe một cái sầm. Bao giờ trong túi xách má cũng có cái gì đó nhón từ đống quà cáp bổng lộc của anh con trai lớn, khi Dị bứt rứt, Dị cằn nhằn, Dị nài nỉ má đừng có làm như vậy kẻo anh chị biệt anh chị hiểu lầm cả hai má con thì bà chặc lưỡi: “Ôi, tụi nó người ta biếu xén cửa trước cửa sau ăn ngả nào cho hết! Hổng ai như mầy làm cái nghề gì quanh năm chẳng thấy thiên hạ biếu xén gì trơn.” Chẳng thấy thiên hạ biếu xén gì trơn là cụm tử bà thích định nghĩa cái nghề của con gái mình. Cô con gái Dị khen lấy khen để cách nói kiệm tiện mà hình ảnh của ngoại còn Dị thì chỉ lặng lẽ cười buồn; dù má chị không biết chữ, má không đọc được những điều chị gõ trên máy hàng đêm, má không hiểu được những câu chuyện bủ khú của đám bạn bè hay kéo đến nhà làm tốn hao cà phê của chị nhưng bà đã khái quát một cách thần kì cuộc sống khổ ải của con gái mình bằng sự mẫn cảm của một bà mẹ.
Căn nhà hình ống yên tĩnh một cách cố gắng, thanh bình. Dị lắng nghe và thấy hi vọng một cách dễ chịu vào một ngày mới có thể chưa tốt lên nhưng chắc chắn sẽ không tệ hơn hôm qua. Từ phòng ngoài, con gái Dị đi nhanh xuống, bước chân của con gà mái tơ sốt sắng với vai trò làm mẹ. Nó giống chị ở cái dáng tháo vát, tảo tần, loại người không chịu ngồi không an hưởng, nhất định nó sẽ phải khổ và cực vì cái tính độc lập và hay lo của mình. Vừa tháo giúp mẹ bốn cái dây mùng, nó vừa nói khéo: “Mẹ coi có cách nào chớ cái mùng nầy đêm nào cũng chiếm hết đường lên xuống toa-lét, vướng quá!”. Dị luống cuống: “Để rồi mẹ thu nhỏ nó lại cho vừa chiếc chiếu thước hai thôi” - chị hứa. Cái mùng ngoại cỡ tự tay chị may lấy này từ làu đã là không gian riêng tư, là một cái chuồng hàng đêm của chị, là vật dụng thiết thân của chị sau cái máy chữ. Nhà dài có mười một thước, hồi mới được phân phối, chị đặt bàn viết của mình ở sát cửa sổ phòng khách, trông ra khoảnh sân có những dây cát đằng bông tím đung đưa trong cái hàng rào sơ sài chị - lấn chiếm thêm cho giống với mọi người trong khu chung cư. Từ khi con gái chị có chồng, chị lui cái bàn của mình vào phòng ăn giáp với gian bếp cũng là chỗ cơi nới thêm sát với miệng cống. Phòng khách trở thành nơi công cộng cho ba thành viên vì ông con rể là khán giả say mê của mọi chương trình, trong đó có chương trình bóng đá thường lấn cả những đêm yên tĩnh trước kia của chị. Đàn ông chật nhà, đàn bà chật bếp mà. Từ khi chị có cháu ngoại thì chiếc mùng chụp bàn viết được tận dụng vì nhà có trẻ nhỏ không đốt nhang muỗi được. Cái mùng trong phòng ăn đã choán gần hết đường xuống toa-lét đã đành, cái chao đèn bàn viết dù đã cụp xuống hết cỡ cũng vẫn làm mất tự do của đôi vợ chồng trẻ ở phòng trong, nhất là những đêm cuối tuần, thời điểm mà con gái chị lóng la lóng lánh ngay từ bữa cơm chiều trong khi chị thì lại buồn hơn, muốn thức sâu hơn và chừng như lại viết được dễ dàng hơn. Chị hiểu nỗi ấm ức của con và chị luôn thấy có lỗi với nó vì cái nghề khổ nhọc của mình.
Cô con xếp gọn chiếc mùng, trước khi nhét vào tủ đã nán lại chỗ cái bàn của mẹ, nó không chú ý mẹ đang viết gì, đêm qua cuốn tiểu thuyết của mẹ thêm được mấy trang mà chỉ lật qua lật lại cái mép khăn lót dưới máy chữ để xem xem như vậy thì đủ dày chưa. Dị ý tứ lên tiếng trước: “Mẹ lót tới mấy xấp khăn. Lót cao quá thì cái máy bập bênh mà cũng mỏi tay hơn. Nếu ban đêm nó lách cách quá chắc tại mấy cái chân bàn nầy rơ, để mẹ kêu thợ mộc tới coi!”. Chị lưu ý cái chau mày của con rồi lặng lẽ đẩy nhẹ chiếc bàn sát vào tường, nhanh nhẹn cuốn chiếc chiếu dựng vào vách tủ “Cháu nó còn trong mùng hay ra nôi rồi, con?” chị hỏi với theo khi thấy con gái đi trở ra phòng ngoài. “Hổng biết sao hồi sáng nầy nó ọ ẹ hoài”.
Chị ra theo, đôi chân tỉnh táo và thoăn thoắt mỗi khi hướng về cháu ngoại, như chính chị là đứa trẻ, con nó, sự có mặt và cả cuộc sống của nó là một món quà trời ban cho chị. Đứa cháu trai mới ba tháng tuổi, hai ống tay căng hồng màu cà rốt để ngửa lên gối, tất cả toát lên vẻ tươi sáng diệu kì trên tấm nệm xanh, khăn đắp cũng màu xanh, một thiên thần bồng bềnh giữa những gợn mây xốp màu da trời. Con gái chị ngồi xuống cỗ vi tính, những sợi tóc mới ra loà xoà quanh cái cổ trắng mịn của gái một con khiến chị vừa mãn nguyện, vừa se lòng. Còn được mấy tháng phép thai sản, nó nhận bản thảo của một chi nhánh nhà xuất bản về làm word kiếm tiền phụ với mẹ với chồng. Ngày trước phía sau bàn viết của chị là đứa con trên chiếc võng vải dù kỉ vật kháng chiến và một sợi dây nylon nối cái mép võng với cổ tay chị. Bây giờ phía sau cỗ vi tính của con gái chị là chiếc nôi tự động đung đưa bằng điện. Hai thế hệ, hai hoàn cảnh, dù tiện nghi có đỡ đần cho đôi chút thì trên vai của người mẹ vẫn là chừng ấy gánh nặng và nỗi lo. Chị ghé vào bật cho con cái đèn bàn: “Mắt đàn bà mới đẻ ngồi vi tính sớm hại lắm. Đừng có tiết kiệm điện, đáng chuyện xài thì phải xài thôi”. Giọng cô con buồn hiu: “Phải chi mẹ viết trên vi tính được để khỏi làm máy chữ thì ban đêm đỡ ồn!”.
Chị lắc lắc đầu lui ra, im lặng. Lại một lần nữa cảm thấy mình có lỗi với con dù chị đã làm hết sức mình mấy chục năm nay, cái công việc yêu thích của mình để tồn tại, để nuôi dưỡng con trong môi trường lành tính chữ nghĩa, để làm một tấm gương nghị lực, để có thể tiếp tục độc lập với chính con mình khi đã về già, tất cả chung một lí lẽ làm mẹ và làm người. Nhưng quả là chị vẫn thấy chật vật, và sự chật vật ấy đã gây thua thiệt cho con. Chị thấy mình có một cái lỗi cụ thể không khắc phục nổi là không viết được trên vi tính. Chị không thể nhìn dán vào màn hình, trước mặt chị chỉ có thể là cánh đồng, hẹp thì một khoảnh sân hay cùng lắm là một bức tường yên lặng. Và cái máy chữ, nó đã gắn bó từ khi chị chỉ là cô văn thư vô danh trong rừng, nó là người bạn đường sống chết có nhau với chị và tiếng lách cách của nó như âm nhạc, như một thói quen không cắt nghĩa được.
Bỗng con gái chị chạy lại chỗ chiếc nôi con, hoảng hốt: “Mẹ, mẹ chạy xuống bếp coi ngoại làm gì mà dao thớt ầm ầm quá trời vậy”. Chị chạy đi như một người làm công ngoan ngoãn, vớ ngay cái thảm nhỏ chỗ cửa bếp đưa cho má: “Bà cố hổng chú ý gì trơn. Cố lót thêm cái nầy dưới thớt cho dầy nè. Cháu của cố đương ngủ bù, nó mà thức giữa chừng thì mẹ của nó cũng làm giặc luôn”. Bà má làm theo ý con gái như một cái máy. Dị ngồi xuống bên má, bà mẹ với lấy cái ghế thấp để không đẩy ngay cho con gái. Má chị thuộc thế hệ thích ngồi xổm trong bếp hơn là kê ghế hay lên ván hay đứng làm. Cũng như chị đã bị liệt vào thế hệ không say mê vi tính được, những thế hệ đành xếp hàng thui thủi ở sau lưng những con người hiện không thể thiếu mobile và computer. Chị nhìn dán vào hai bàn tay má, bà đang phân một con vịt xiêm trên thớt sao cho những chỗ nạc thì kho được một nồi với củ cải xá bấu, bộ lòng thì làm món xào gì đó, còn đầu giò cổ cánh thì bằm ra được một món khổ qua dồn thịt làm canh. Bà sẽ đặt những chỗ thịt bằm lên thớt, rồi nện bằng búa cho xương tơi ra sau đó mới dùng tới dao băm, hai bàn tay cầm chặt cán dao và chỉ xoay cái thớt khi cần để chỗ thịt luôn có hình mặt võng. Rồi bà sẽ ngồi bệt xuống nền nhà dùng cả hai tay nhồi nặn thật lâu để thịt thấm tiêu hành mắm muối. Má chị có tất cả những phẩm chất của một bà goá sớm đã ở vậy để nuôi con, mỗi khi nhắm mắt lại để nhớ má thì bao giờ Dị cũng nhìn thấy hình ảnh đôi tay chai sần, trong thau quần áo, trong thau bột hay trong những món cần nhồi và ướp như món này, lúc đó trông bà thật là tận tuỵ và say mê, tâm huyết. Trong buổi sáng mưa gió đầm dề này, tự dưng chị thấy sao mình cứ muốn khóc khi má vẫn phải vần một thớt xương để tiết kiệm hộ chị từng đồng một. Chị tìm một cái dao nhỏ, chị sẽ xát bắp cho má, chị sẽ cẩn thận gọt từng đường dao sao cho bắp không nát mà vẫn sạch tận lõi. Chị không nhớ má đã không thể cạp bắp được từ khi nạo, chỉ nhớ bà thường tự gọt bắp ra dĩa lấy muỗng xúc rồi trệu trạo nhai, những lúc ấy, chị nghe thấy tiếng thời gian rượt đuổi rất gấp từ phía sau cả hai má con. Nhưng chị vẫn phải thức đêm và má chị vẫn còn phải cầm dao băm thịt cho chị y như ngày nào.
Có tiếng con gái la toáng loáng ở ngoài trước. Hóa ra thằng nhỏ đang ngọ nguậy trong nôi thì bị ọc sữa, sữa trào lên mũi làm cho nó không thở được trong mấy giây. Dị chạy lên, bà cố cũng bỏ việc chạy lên nhưng con gái chị bồng ngoảnh đứa nhỏ đi, như thể cả hai người đàn bà là thủ phạm của một vụ vây bức nào đó. Dị rón rén: “Tại mưa gió sụt sịt, cháu nó lạnh bụng mà con.” - Bà cố chen vào: “Ngoại nói để cái nôi ngoài này ngay gió lắm.”. Cô con dục dặc: “Đêm nó đâu có yên giấc, vậy mà mới sáng sớm ngoại đã lộp cộp rồi, vầy hoài riết chắc chết hết!” Dị sực nhìn xuống mất cây nhang trong bàn thờ thần tài gần chỗ con đặt cái nôi: “Có phải thằng nhỏ dị ứng mùi nhang nầy không?”. Cô con áp đưa con lên vai bước tránh ra xa, chực khóc: “Mẹ thì lúc nào cũng kiếm chuyện với cái bàn thờ thần tài. Chồng con làm ăn, hổng thắp nhang mỗi sáng sao được?”. Quả là Dị không cần thần tài, không nhà văn nào cần bàn thờ thần tài cả. Nhưng ông con rể chị thì chăm chút mỗi sáng như chỗ đó là mạng sống của chúng nó vậy. Quả thật chị và vợ chồng chúng là hai thế giới nhưng xét cho cùng, phía trước cả hai đều có chung một ý nghĩa là khẳng định một chỗ đứng nào đó dù có thể phải nhón chân mà đứng.
Chị lẳng lặng theo má đi trở lại bếp. Bà cố của đứa nhỏ lật đật mở cửa sau đi sang nhà hàng xóm xin ngồi nhờ để băm cho xong chỗ đầu giò cổ cánh một con vịt, hi vọng tiết kiệm được một ít tiền moi tim moi óc của con gái. Chị thì đứng xát bắp thành những lát mỏng cho bữa lót lòng mà má chưa kịp ăn.
Sau khi việc trong bếp đã hòm hòm, bà má đến từ phía sao cô con đang ngồi bên bàn đọc lại những thứ đã viết được hồi đêm. Bà nói như thể dỗ dành: “Để má bóp vai cho, thức đêm thức hôm hoài vầy chịu sao thấu con!”. Dị tận hưởng sự chăm sóc của má mà tâm trí để ở phòng ngoài, nơi đứa con gái của chị đang ôm con ngồi ngóng ra trời mưa. Chắc là nó bận thả hồn theo người chồng đang phải phóng xe máy đi lại trong ướt sũng để chạy chọt, kết nối, xin xỏ làm ăn. Ba con người, má chị, chị và con gái như đang đứng trong cùng một đội hình, người này chỉ thấy cái ót của người kia mà phía trước là thời gian và những nỗi lo muôn đời. Nước vẫn từ nguồn chảy dốc ra từ phía sau như vậy róc rách, âm thầm, và cũng muôn đời như vậy.
5/12/2005
Dạ Ngân
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...