Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Người tìm thuốc trường sinh

Người tìm thuốc trường sinh

Nhìn từ xa, đỉnh núi chìm trong mây. Dễ nghĩ rằng đây là nơi bắt đầu của bầu trời.
Các triền núi rậm rì một màu xanh ngút mắt. Từ dưới thung sâu giữa hai triền núi, từng làn hơi trắng ngùn ngụt dâng lên. Đứng ở trên này, nơi cao nhất, nhìn mây trắng bồng bềnh trôi quanh, tưởng như chính mình đang nhẹ bay trong một cõi mà thời gian không còn ý nghĩa. Bản hòa tấu râm ran thánh thót của loài chim rừng không làm tan biến đi cái tĩnh lặng của thinh không ban sớm: không ồn ào, không quấy nhiễu, nó làm sâu thêm cái tĩnh lặng thăm thẳm của tâm linh. 
Trên một phiến đá phẳng lì rộng khoảng chiếc chiếu, một ông già bé nhỏ, áo chàm, hài cỏ, ngồi. Ai biết được tự bao giờ và bằng cách nào lại có mặt ở đây, trên đỉnh cao chon von này, con người gày gò, có vẻ yếu đuối kia. Những kẻ tu tiên học đạo, giá như buổi sớm mai tình cờ bắt gặp ông già giữa cảnh cỏ cây mây núi này, hẳn phải có cái sửng sốt của một khoảnh khắc gặp tiên. Vóc người đẹp, dáng ngồi ung dung thư thái. Tóc chưa bạc hết. Dưới vầng trán thanh tao vẫn chưa xóa hết vết hằn thế sự, là cặp mắt tinh anh và thấu suốt. Mấy ai biết rằng đây là kẻ đã góp một tay dựng lên cơ đồ nhà Hán?
Con trai ông, mười lăm tuổi, làm chức quan thị trung trong triều. Cha con ít khi cùng nhau trò chuyện. Thằng bé học vấn uyên thâm, làu thông kinh sử, lại rất tài hiểu thấu lòng người. Có lần nó hỏi ông: Trong đạo làm người, cha cho điều gì là khó nhất?
- Khó nhất là tự biết mình là ai. Muốn thế, phải hiểu rõ cái thời mình đang sống...
Chàng trai trẻ nghĩ rằng mình ít hiểu cha. Khi Hàn tướng quân bị khép tội mưu phản, bị hoàng hậu lừa bắt giết ở trong cung, chàng biết cha mình tin rằng Tín vô tội. Nhưng ông không làm gì để minh oan cho Tín. Ông chỉ lặng lẽ bỏ đi và không muốn ai nhắc chuyện đó trước mặt mình. 
Thằng bé nó không hiểu, cứ hỏi tại sao không minh oan cho Tín. Tại sao ta phải thuyết phục vua rằng Tín không có tội, một khi chính nhà vua cũng vẫn tin như thế? Không biết Tín có lúc nào tự trách hay không? Trước kia, là một đại tướng quân vô địch, Tín rất tự biết mình. Giữa ba quân, Tín là cá ở trong nước. Thời thế đổi thay, Tín chưa kịp nhìn lại xem mình là ai. Trung tín mù quáng và tham vọng ngây thơ, tội của Tín là ở đấy chứ còn đâu nữa. 
Cha ta ít khi tự kể về người, nhưng lẽ nào ta không biết? Chính người đã thuyết cho Tín bỏ Sở về Hán, lại thuyết cho Hán vương dùng Tín làm đại nguyên soái phá Sở. Không có cha ta và Hàn tướng quân, làm sao nhà Hán thu được thiên hạ? Chưa diệt xong Sở, Tín xin làm giả vương Tề. Diệt Sở rồi, Tín thụ phong Hoài Âm hầu. Cha ta thì chối từ tước hầu ba vạn hộ nước Tề, chỉ nhận có đất Lưu cho phải phép. Bây giờ người thường đi vào nơi núi sâu vắng vẻ..Người ta bảo cha ta tu tiên, học phép trường sinh. Có kẻ lại cho rằng sợ tấm gương Hàn Tín còn treo đó, cha ta tìm chốn an thân. Thật không gì sai bằng: chắc chắn người không tham cái mạng sống của mình đến thế
Cái thời ta nuôi chí diệt vua Tần, ta cũng bằng trạc tuổi nó bây giờ, mà còn chưa hiểu biết được như nó. Ta chưa làm quan, nhưng nhà ta năm đời giữ chức đại phu nước Hàn. Nước Hàn tàn lụi, sống, ta chỉ mong giết được Tần Thủy Hoàng. Đi tìm kẻ hành thích, ta tiêu cả gia tài để kết giao.  Chàng trai ấy hơn ta năm tuổi, kết làm anh em:
- Tôi chưa bao giờ giết người, cũng không bao giờ giết một con vật nhỏ mà không có lý do. Căm giận Tần Thủy Hoàng, mến nghĩa công tử, tôi xin đem mạng sống của mình làm việc lớn. Trong thiên hạ có nhiều hảo hớn coi mạng người như cỏ rác, sao công tử không tìm?
- Không, tôi không muốn vậy. Việc này - giết tên vua bạo ngược ấy, phải là người lương thiện vô cùng, trong sạch vô cùng mới làm nổi. 
Việc không thành, thích khách bị giết. Ta lẩn trốn trong dân gian mấy năm trời. Lòng căm giận tên vua hung bạo của dân chúng đã cứu thoát ta. Nếu Thủy Hoàng ít tàn ngược hơn, chắc ta đã chết rồi. 
Người ta đồn ông đi tìm thuốc trường sinh. Sống lâu, sống đến ngàn năm nữa! Để làm gì nhỉ? Người ta bảo ông biết được mệnh trời. Mệnh trời ư? Có lẽ ông không biết, nhưng công việc của đời ông, ông biết. Món nợ - ông sinh ra ở đời - ông trả xong rồi. Công việc của đời ông - đã  xong! Chẳng lẽ lại không biết lấy làm đủ ư? 
Ôi cái thời trẻ trai, hăm hở. Chưa giết được vua Tần, ta sống mà coi như đã chết. Mãi đến khi gặp ông già áo cộc, mới lại thấy hồi sinh. Năm lần thử thách lòng kiên nhẫn, cụ già bảo: ‘Ờ thằng bé này dạy được đấy’. Năm ngày đêm chuyện trò đàm đạo, ta học đủ cho một đời. Cụ cho pho sách quý: ‘Đọc xong cái này thì có thể dạy dỗ được bậc vua chúa’. 
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ấy in vào tâm trí của ông suốt đời. Nhưng từ giã cụ như thế nào, ông không sao nhớ được. Sau chính ông lại nghe người ta kể rằng: trao cho ông pho sách xong, cụ già biến mất. Mọi người đều kể thế, nên rồi ông cũng nghĩ nó đúng là chuyện thật. 
Ở Quan Trung, ông nói với Hán vương: tôi sẽ tìm cho đại vương một viên tướng đủ sức diệt Sở. Việc dụ Tín về Hán không khó: ở với Hạng vương, Tín vốn không được dùng. Về Hán, ông khuyên Hán vương trao binh quyền cho Tín. Sau này Hán vương có nói “cầm quân trăm vạn quyết thắng ngoài chiến địa, ta không bằng Tín” Vua dám nói “không bằng” là bởi trong thiên hạ thật ra cũng chẳng có ai bằng. Từ đây, công việc đã định rõ: Tín sẽ phải đoạt lại giang sơn cho vua. Còn ông thì ông làm cho vua trở thành vua. Bằng cách nào? Một cách thôi: trong màn trướng, bằng những lời nhỏ nhẹ. 
Ông đã từng ở dưới trướng Hạng vương. Nếu muốn, ông đã để cho Hạng vương dùng. Trong mắt ông, Sở bá vương là con người kỳ vĩ. Nhà Tần diệt rồi, nhưng thiên hạ chưa đại định, mỗi đại vương hùng cứ một phương. Nếu không có một người xứng ngôi chủ tể, có thể thâu tóm giang sơn về một mối, thì thiên hạ mãi chìm trong cảnh binh lửa triền miên, trăm họ còn điêu linh, khốn khổ. Gồm thâu thiên hạ lúc này là một việc hợp với đạo trời. 
Người ta bảo ngôi vua là ở mệnh trời. Ông tin rằng, mệnh trời ấy, lúc này đang được gửi gắm nơi ông, để qua mắt ông, nhìn cho ra thiên tử. Hạng vương bản tính cương cường, thương yêu tướng sĩ thật lòng, nhưng khi vào việc chỉ làm theo ý riêng, chí đã quyết thì không gì lay chuyển được. 
Hán vương biết nghe người, khi thấy cái lợi thì dễ dàng đổi ý. Đó là cái đức lớn đầu tiên. Ngày trước, cụ già áo cộc bảo “Thằng này dạy được” Nay ông thốt lên “Thiên tử đây rồi” 
Tướng Phàn Khoái theo Hán vương từ ngày khởi nghĩa ở đất Bái, biết rất rõ tâm tính của vương. Bái công (tức Hán vương) tính phóng khoáng rộng rãi, thích làm việc lớn, mê rượu và hám gái. Là một trong rất ít người khởi nghĩa còn sót lại, Khoái thường kể: “Lúc ấy chỉ có hơn trăm người. Đang đi thì có con rắn trắng nằm chắn ngang đường, mọi người chùn lại. Bái công rút gươm chém rắn, nhờ thế mọi người đi qua được”
Ông có ý nghĩ rằng Khoái không biết cách kể chuyện. Cũng phải thôi, vì Khoái đâu có hiểu được điềm trời, biết ai sẽ là Thiên tử. Một bận nghe Khoái kể đến đó, ông điềm nhiên tiếp: “Mấy người đi cuối gặp một bà cụ tóc trắng đang khóc lóc. Hỏi thì bà cụ nói: ‘Con tôi là Bạch đế vừa bị ông Xích đế giết chết’. Nói xong, bà cụ biến mất” Khoái trố mắt hỏi: “Thật hả?” Ông cười lớn: “Trời, tướng quân mà còn hỏi thật hay không. Lúc đó tướng quân có ở đó mà”  Khoái giật mình, từ đó mới tin là thật. Rồi mọi tên quân đều biết câu chuyện thần kỳ này, chúng thường thích thú kể lại. Dân chúng gần xa cũng lưu truyền. Các nơi Hán vương đi qua, dân chúng bày hương án bái vọng. Lòng người đang chờ mong vị Hoàng đế của mình.   
Ông hỏi vị Hoàng đế tương lai: “Chúa công muốn cai trị như thế nào?” Hán vương bảo: “Trẫm muốn như Nghiêu Thuấn. Ông bảo: “Không được. Chỉ làm được Nghiêu Thuấn ở thời của Nghiêu Thuấn. Nay thời Nghiêu Thuấn không còn, làm như thế là chuốc lấy thảm họa. Vương bảo: Trẫm xin nghe Tiên sinh. 
Không có gì khó bằng sửa đức cho một người - dù là bậc hiền minh - đang nắm quyền tối thượng. Nhưng với kẻ đang thèm muốn ngôi vua thì đơn giản hơn: chỉ cần vạch rõ con đường dẫn đến ngôi báu, dù là kẻ ngu tối cũng trở nên dễ dạy. Huống chi Hán vương vốn là người rất sáng. 
Vương vốn rất ghét bọn kẻ sĩ. Vương không đốt sách, nhưng vương sẵn sàng đái vào sách. Ngài thường bảo “Lũ hủ nho chó đẻ ấy, ông cần gì chúng nó” Vương rất khoái trá khi làm nhục bọn nhà nho. Có lần ông đã thấy vương, trắng như một con lợn cạo, trên người độc có một manh vải nhỏ phủ ngang lưng, đang vừa nằm sấp trên sập cho bốn đứa con gái trẻ đẹp đấm bóp, vừa quát tháo để “tiếp” một kẻ sĩ vừa được tiến cử cho vương. Ông bảo: “Đại vương muốn lấy thiên hạ thì phải giữ lễ với kẻ sĩ. Bọn họ nắm được nhân tâm đấy” Vương nghe theo. Vương vốn dĩ là người có sức mạnh. Giờ đây chỉ cần bảo cho vương biết các đường lợi hại, cái trí của vương sẽ tự biểu lộ ra. Vương thừa sức mạnh để gọi một sĩ phu trí tuệ siêu quần là thằng hủ nho khốn nạn, nhưng giờ ngài đã đủ khôn ngoan để nói với kẻ sĩ tầm thường hèn mọn “Tiên sinh có điều chi dạy bảo quả nhân?”. 
Trong đời thường, Hạng vương là người sống có tình, nhưng ông ta hay dùng uy vũ để tới đích, lại ít lưu tâm ban thưởng kẻ có công. Hán vương hào phóng, thích ban thưởng, vậy Hán vương sẽ là vì vua Ân Đức. Vũ dũng như Hạng vương thì khó đương đầu, nhưng về lâu dài, Ân Đức sẽ thắng. Hào kiệt khắp nơi theo về với Hán, nô nức tranh đua lập công, vua thắng thì họ sẽ được phong thưởng. Vì thế thiên hạ nghiêng về Hán. 
Muốn thắng trong chiến trận để bình định thiên hạ, thì cần có tướng mạnh binh hùng, nhưng đó chưa đủ làm chỗ dựa lâu dài cho sự trường tồn của đế nghiệp - có lần ông luận bàn với Hán Cao tổ. Chỗ dựa ấy cần phải tìm ở nhân tâm, qua nhân tâm mà biết vận trời còn hết; suy thịnh, hưng vong chính là ở đấy” Thấy Cao tổ lắng nghe, ông tiếp. “Nhân” là tất cả những ai được kể là người, trong số đó chính những kẻ tiện dân bé mọn lại là đông đảo nhất, bệ hạ chớ nên quên họ”
Ông tin rằng đế vương thì không phải là người thường, cái đức của người thường cùng lắm chỉ động đến một nhúm người sống quanh, cái đức của vua chúa bao giờ cũng tỏa rộng, thấm sâu đến muôn dân. Lần này thì không phải ông răn nhà vua, chính nhà vua đã dạy cho ông điều đó. 
Lần ấy vừa thắng lớn ở Tam Tần, đại quân dừng chân tại một huyện lạ miền sơn cước. Xe Hán vương đi qua, hàng ngàn dân đổ ra chào đón, ai cũng muốn nhìn thấy mặt vị cứu tinh. Hán vương đến tận nơi úy lạo các bô lão, cả ngàn cặp mắt nhìn theo không chớp, cả ngàn người nín thở, không khí cực uy nghiêm. Bỗng có tiếng trẻ con khóc thét, người mẹ trẻ bế con trên tay mặt mày xám ngoét, đang cuống quít lẩn đi. Một bà già - ý hẳn mẹ chồng, gắt mắng bằng giọng cố nén đến nghẹn lại. Hán vương thong thả bước lại, ôn tồn hỏi han. Một bô lão đỡ lời: con nó bị bệnh, thuốc thang mãi chả khỏi, hôm nay vì khao khát chiêm ngưỡng mặt rồng mà nó liều lĩnh bế con ra, cúi xin đại vương xá tội. Đại vương bước đến lật tấm chăn, thản nhiên đưa tay sờ trán thằng bé: một cục thịt nóng bỏng đỏ rực đang khò khè. Ngài vẫy bảo lính đưa hai mẹ con lên xe của ngài về trại giao cho quan thái y chữa chạy, trước mấy ngàn cặp mắt chết trân vì kinh ngạc của quan, dân, lính... 
Không hiểu sao hôm nay ông lại nhớ đến đứa trẻ được cứu sống lần ấy bởi quan thái y và nhờ hồng đức của đại vương, trong lúc đi tìm hái mấy lá thuốc. Gần đủ vị rồi, không phải thuốc trường sinh như người ta tưởng, mà chỉ là mấy lá cỏ thường, để chữa cho mấy đứa trẻ trong một cái bản gồm mấy căn nhà xiêu vẹo dưới chân núi. Mấy đứa trẻ trần truồng, bẩn thỉu, đen đúa, suốt ngày lăn lê chơi đùa với trâu gà chó lợn, lúc nào cũng thấy chúng sống và vui. Vậy mà khi ốm đau, thiếu mấy lá thuốc vớ vẩn này, chúng cũng chết rất nhẹ nhàng.
Ông đứng thẳng lên cho giãn lưng. Xa xa, bên kia dòng sông Hoàng cuồn cuộn chảy, kinh thành đang ánh lên dưới nắng. Cung điện trông xa như bằng vàng thật, lại có mây ngũ sắc bao quanh. Ông dụi mắt nhìn xuống mấy triền núi xanh cho dịu lại, rồi từ từ khẽ nhắm. Một hơi thở nhẹ và sâu nâng ông lên khỏi một bờ vực sâu hun hút, mà trong một khoảng xa xăm nào đó, ông tưởng mình xuýt rơi vào. 
Vũng Tàu, 6/10/1989
Hiếu Tân
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...