Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Chùa Ang Kor Raig Borei

 Chùa Ang Kor Raig Borei

Trà Vinh là một trong những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Người Khmer cư trú thành từng phum, sóc. Mỗi phum, sóc đều có những ngôi chùa. Toàn tỉnh có đến 142 ngôi chùa. Chùa của người Khmer ở đồng bào sông Cửu Long nói chung và ở Trà Vinh nói riêng là một trong những di sản văn hóa đặc sắc. Chùa Ang Kor Raig Borei (còn gọi là chùa Ang) là một công trình tiêu biểu.
Chùa tọa lạc cách thị xã trà Vinh hơn 5 Km về hướng Tây Nam, thuộc ấp Ba Se B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Nếu du khách theo quốc lộ 53, từ Trà Vinh đi Vĩnh Long thì ngôi chùa nằm phía bên trái, cách quốc lộ khoảng 400 mét. Chùa được xây dựng cạnh Ao Bà Om - công trình lao động, thắng cảnh nổi tiếng. Trong khuôn viên chùa và xung quanh Ao Bà Om có rất nhiều cây dầu lâu đời, tạo cho chùa nét cổ kính đầy quyến rũ. Đó là đặc trưng của các chùa Khmer miền đất cát duyên hải. 
Du khách rất ngạc nhiên khi đặt chân đến cổng chùa. Cổng chùa xây khá đồ sộ, phía trên cổng là ba ngọn tháp, hai bên được đúc hình chắn Yeak gương mặt dữ tợn, toàn thân mặc giáp trụ, đầu đội mụ nhọn, tay cầm chày vồ. Đấy là biểu tượng của cái ác,cái xấu luôn quấy phá gây sự đau khổ cho con người. Cùng với gương mặt Rea Hu ở giữa hai tay cầm (mặt trăng, mặt trời) nuốt vào là nhân vật có sứcmạnh phi thường. Hai nhân vật này được sử dụng trang trí ở cổng chùa, nói lên ý nghĩa là Yeak và Rea Hu đã được Đức Phật thu phục đưa về để bảo vệ an bình cho chùa, cho đức Phật, cũng như bảo vệ cho cái thiện, cái có ích. 
Hai bên trụ cổng, mỗi bên đúc một tiên nữ Ken Nar và một Krud có gương mặt rất đẹp, hiền lành, thân hình mền mại. Krud có hình dáng kết hợp giữa người và chim. Mình Krud là mình người nhưng có đôi cánh ở sau lưng, đầu và chân là chim. Đây là một biểu dạng của chim thần Garuđa.
Rời cổng chùa cảm giác ngỡ ngàng để đến với ngôi chính viện Vihia - công trình kiến trúc chính yếu nhất trong khuôn viên ngôi chùa. Những du khách tò mò lại hỏi vì sao chính diện của ngôi chùa nào cũng quay về hướng đông?. Người Khmer theo phật giáo tiểu thừa (Hinayana) quan niệm rằng: Phật ở phương Tây nhưng lúc nào cũng quay về hướng Đông để cứu vớt chúng sinh. Chính diện là nơi để thờ phụng đức Phật.
Mái của chính diện được cấu tạo gồm ba cấp, hai mái trên cùng thì dốc và cao hơn mái kia, ở hai đầu hồi được đóng kín bằng một tấm gổ Hocheang chạm khắc công phu, độc đáo. Trên các diền mái những con rồng - Phuchong nằm xoải dài theo bờ dãy, các vẩy uốn cong ngược lên làm cho đầu mái có cảm giác như nhẹ nhàng, cao vút. Xung quanh chính diện có rất nhiều tháp, thân tháp có nhiều tầng, nhỏ dần từ dưới lên trên. Trên đỉnh là đầu thần Mahaprum, tiền nhân của Brahma vị thần sáng tạo ra thế gian của Bà La Môn giáo. Mahaprum có sự tích như sau: Mahaprum là thần ở trên thiên đình. Một hôm nhìn thấy dưới trần có hoàng tử Thô Ma Bal tài giỏi được dân chúng tôn sùng, say mê mỗi khi nghe ngài thuyết pháp. Mahaprum ganh ghét xuống trần đặt ra câu đố, nếu Thô Ma Bal đáp được thì Mahaprum tự cắt đầu chịu thua. Bằng ngược lại thì bị tử tội.Câu đố được đặt ra và ngày trả lời được giao ước. Nhưng đã gần hết thời hạn mà Thô Ma Bal vẫn không nghĩ ra. Thô Ma Bal buồn rầu bỏ vào rừng ngồi dưới một gốc cây thì có đôi chim đến giúp đỡ. Thô Ma Bal vui mừng quay trở về. Đến kỳ hẹn, Thô Ma Bal đã trả lời đúng. Vì thế, Mahaprum đã tự cắt đầu để trên đỉnh núi So Me Ru giao cho 7 đứa con gái của mình luân phiên canh giữ. Câu chuyện dân gian này phản ảnh sự thắng thế của Phật giáo đối với Bà La Môn giáo.
Trước ngôi chính diện còn thấy một tháp 5 ngọn. Tháp 5 ngọn này xuất phát từ quan niệm An Độ giáo. Theo quan niệm Ấn Độ giáo, các vị thần trên đỉnh núi vũ trụ có 5 ngọn, xung quanh là đại dương và thành quách bao bọc. Cho nên, tháp tượng trưng cho đỉnh núi So Me Ru và những vòng rào hồi lan quanh chân tháp, cùng hào nước phía trước tượng trưng cho các lục địa và đại dương bao quanh núi vũ trụ. 
Bước vào ngôi chính diện, du khách có cảm giác như lạc vào một chốn thiên đình xa xôi, bí hiểm. Trước mắt là bệ thơ Phật với những tượng gồm nhiều dạng làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, nhưng chung quy vẫn là Phật Thích Ca. Tượng Phật chính rất to, khuôn mặt đôn từ, phúc hậu như muốn khuyên chúng sinh hãy gạt bỏ những dục vọng thấp hèn,hãy làm điều thiện, điều có ích.Bệ thờ phật đặt sau bao lam bằng gỗ chạm trổ công phu. Cùng với tượng Phật chính, bao lam này được sơn thếp vàng. Trên vách, trên trần được trang trí nhiều bức tranh với chủ đề xoay quanh cuộc đời của đúc Phật. Đặc biệt trên trần là bốn bức họa lớn: Phật Đản Sanh,Phật Xuất Gia,Phật Đắc Đạo, Phật Niết Bàn. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn rất nhiều công trình kiến trúc khác như: Sa la, Nhà tăng,… tất cả các công trình này dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Khmer đã tạo nên cho ngôi chùa có nét độc đáo riêng, mang bản sắc dân tộc.
Chùa Ang Kor Raig Borei ở Châu Thành cũng như nhiều ngôi chùa khác không chỉ là nơi tu hành, mà còn là một trung tâm văn hóa. Sau giờ làm việc hoặc những ngày lễ, tết, nhân dân đến chùa nghỉ ngơi, khai hội vui chơi. Chùa là nơi tồn trữ và phổ biến những kinh điển, giáo lý, sách báo, tác phẩm văn hóa nghệ thuật - là trường dạy chữ Khmer cho con em và sư sãi trong vùng. Chùa là nơi tập trung các công trình kiến trúc mỹ thuật, điêu khắc, là nơi thanh niên Khmer đến tu học để trở thành những người có trí thức và đức hạnh.
Chùa Ang Kor Raig Borei là ngôi chùa Khmer duy nhất ở Trà Vinh tính đến nay được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
5/5/2004
Văn Tường
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...