Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Mưa Đồng Cọ, Gió tu oa

Mưa Đồng Cọ, Gió tu oa

Về việc đặt tên cho các em bé sơ sinh, ngày nay, người Việt ta, dù ở quê nhà hay ở hải ngoại, đều rất quan tâm hơn ông bà cha mẹ chúng ta ngày xưa. Thật vậy, thời nay, người mẹ vừa có bầu là vợ chồng to nhỏ, bàn tới bàn lui, suy nghĩ tìm cho được cái tên thật tốt, thật ăn ý đặt cho con. Bầu bì mới vừa vài tháng, chưa rõ trai hay gái, vợ chồng cũng đã đồng ý với nhau, nếu trai thì đặt tên gì có dính líu đôi chút với bố, ví dụ bố tên Hùng thì con tên Cường chẳng hạn. Nếu gái, theo ý người mẹ thì lấy một tên có tính cách văn nghệ sĩ một tí vì mẹ nó rất thích ca hát, nhảy nhót v.v... Độ 6-7 tháng, người mẹ đi siêu âm được Bác sĩ cho biết chắn chắn là thằng Cu hay con Bẹp, dù nó chưa được sinh ra, nó cũng đã được bố mẹ đặt tên cho nó rồi. Đến ngày khai hoa nở nhụy, nó chính thức được bố mẹ đưa tên để Bác sĩ và Bệnh viện cấp giấy khai sinh cho nó. Nếu sinh tại Mỹ, chắc là Robert hay Tom gì đó và nếu gái thì Nancy hay Ketty chẳng hạn... Ngày xưa, trước năm 1930, nước ta chưa có Sở Hộ Tịch nên việc khai sinh cho trẻ mới lọt lòng không được đề cập. Do đó, việc đặt tên cho con hình như không mấy tha thiết và cũng ít có cha mẹ quan tâm. Đến lúc cần cho con đi học thì cha mẹ mới đặt cho nó một cái tên. Gia đình nào có chút ít chữ nghĩa thánh hiền thì theo sách vở mà đặt tên con. Ví dụ Ông Phan Văn Nhơn chọn cho thằng con đầu lòng là Lễ, sau đó sẽ đến Nghĩa rồi Trí, Tín. Nam Nữ gì cũng mặc. Nếu đã đến Tính rồi mà bà xã cứ lai rai sản xuất tiếp thì đặt tên Út, tên Thừa, tên Dư, tên Chót... Có gia đình chọn tứ binh: Mai, Lan, Cúc, Trúc; có người chọn tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng; có người chọn tứ quý: Xuân, Hạ, Thu, Đông đặt tên cho các con. Các nhà khoa bảng thì đặt tên con kỹ hơn. Có vị chọn những chữ Hán có bộ "Mộc", hoặc bộ "Thủy", hoặc bộ "Nhơn"... đặt tên cho các con trong nhà. Phần lớn và hình như hầu hết, việc đặt tên cho con đều do các ông sưu tầm hoặc suy nghĩ mà lựa chọn chứ các bà ít hoặc không tham gia (ngày xưa các ông độc đoán thật). Ở nông thôn thì bà con ta đặt tên con giản dị hơn. Cứ Giáp Ất Bính Đinh..., hoặc lấy tên thú vật: Tí Sửu Dần Mẹo..., hoặc nếu trai thì Lê Văn Cu, gái thì Mai Thị Bẹp... Trai lót chữ Văn, gái lót chữ Thị. Nhiều nhà con đặt lắm tên mộc mạc hơn, không tiện viết rõ ràng ra đây. Họ bảo đặt tên tốt, Ông Bà, Thần Thánh hay quở phạt, khó nuôi lắm! Những nhà phú hộ, hiếm con thì đặt tên con càng thô lỗ, càng khó gọi hơn! Hàng xóm cứ phải gọi là Cậu Ấm hay Cô Hai, Cô Ba cho đỡ ngượng miệng. Thời thơ ấu, thời chúng tôi được gọi là "Elève maison l'eau" (học trò nhà nước), Cours "Emfantin" (lớp Đồng ấu = lớp 1) của chúng tôi có trò tên là Trần Văn Truồng, theo bà con lối xóm nói lại thì từ nhỏ đến lúc cho đi học (8-9 tuổi mới đi học) anh ta ở trần như nhộng nên cha mẹ anh ta đặt tên như vậy. Đến năm lên Cours "Elémentaire" (lớp Sơ Đẳng = lớp 3), thời điểm phải làm Giấy Căn Cước (Carte d'identité) để chuẩn bị đi thi Sơ Học Yếu Lược (thuở ấy không có giấy khai sinh), thầy giáo mới đặt tên anh ta lại là Trần Văn Trường (thời bấy giờ sửa đổi tên rất dễ dàng). Cái Carte d'identité lúc đó có chữ ký và triện đen của "Le (lơ) Lý Trưởng" sở tại, có ông Tây "Le Resident de France" tại Nha Trang ký xác nhận và đóng dấu đỏ 1/2 trên hình của thí sinh và 1/2 trên chữ ký của "Quan Tây". Giấy căn cước này là bùa hộ mệnh của thí sinh trong các kỳ thi lấy bằng cấp Pháp Việt (Franco indigènes) hay bằng cấp Pháp (Francais)... (theo nghị định ngày 16-02-1925 của Toàn Quyền Đông Pháp). Nhớ hồi học ở cours "Préparatoire" (lớp Dự bị = lớp 2), có trò tên Phan Viễn Du, cứ 5, 3 bữa thì có một trò nào đó nghịch ngợm thêm dấu bậy bạ vào tên anh ta trên nhãn vở. Tội nghiệp anh ta bị thầy giáo khẻ tay và cho "mauvaises notes" (điểm xấu) liên miên. Thật là nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò! Bữa nọ, thầy giáo chấm vở "Rédaction" (vở luận), thầy thấy trò chơi ấy tái diễn trên nhãn vở của anh Du. Thầy tra hỏi mãi, cả lớp không ai chịu. Dại gì phải chịu cho bị ăn đòn hoặc có thể bị đuổi học? Hôm ấy, trước giờ ra chơi, thầy cho mỗi trò một thẻ tre chẻ nhỏ như cây tăm, dài bằng nhau. Thầy bảo: "Trò nào chơi nghịch thêm dấu vào tên trò Du thì sau khi ra chơi vô, cái thẻ này sẽ dài ra một tí"... Ba tiếng trống báo hiệu giờ chơi chấm dứt, tất cả học sinh sắp hàng vào lớp. Thầy giáo thâu các thẻ lại. Thầy vừa thâu vừa kiểm tra, chỉ có thẻ của trò L. ngắn đi vài ly mét. Thế là thầy giáo đã tìm ra ông "Quỷ" thủ phạm không mấy khó khăn! Trò L. có tật nên giật mình, nghe thầy nói tin thật, sợ cây thẻ dài ra nên cắn bớt đi một tí. Đương nhiên anh ta bị ăn đòn sưng đít và bị nhiều mauvaises notes. Sau đó thầy giáo sửa tên Du thành Dzu (có chữ Z ở giữa). Từ đó về sau trò Phan Viễn Dzu không còn bị chọc phá nữa. Đầu năm 1946, Pháp trở lại Khánh Hòa, nhiều người chạy vào rừng sâu lánh nạn, trong đó có chúng tôi. Bà mợ tôi chuyển bụng đẻ và sinh được một chú trai. Cậu tôi đặt tên cho anh ta là Nguyễn Văn Sanh Sơn (đẻ ở núi) để làm kỷ niệm thời loạn lạc. Sau tháng Tư đe, người Việt chúng ta lưu lạc khắp nơi. Vì lẽ sống, người thì nhập quốc tịch nước này, người thì nhập quốc tịch nước nọ... Riêng tại đất nước Hoa Kỳ, khi thi vào quốc tịch, ai muốn lấy tên Mỹ hoặc muốn giữ lại tên cha sinh mẹ đẻ cũng không sao (xứ tự do mà). Đa số các bạn nam nữ trẻ trung lấy tên Mỹ để vào làm trong các hãng xưởng, trong các cơ quan nhà nước không bị các sắc tộc khác khi dễ. Hầu hết các bậc cao niên còn giữ nguyên tên Việt Nam cũng là điều tốt thôi. Có bạn tên Tâm lấy tên Mỹ là Tamy (chỉ thêm chữ Y phía sau); có bạn tên Tồn lấy tên Mỹ là Tony (cũng chỉ thêm chữ Y); có bạn tên Lý lấy tên Mỹ là Lynn; có bạn tên Linh lấy tên Mỹ là Linda... Tôi nghĩ, khi đổi tên Việt ra tên Mỹ như nói trên, các bạn ấy đã có nhiều đắn đo, nhiều suy nghĩ về nguồn gốc, về cố hương, về quê mẹ... Vui miệng, tôi có hỏi một vị cao niên vừa thi đậu quốc tịch Mỹ: "Cụ lấy tên Mỹ thế nào?" Cụ vừa cười vừa đáp: "Chẳng qua vì vụ tiền SSI nên đã trên 15 năm sống trên đất Mỹ, nay tôi mới đi thi vào quốc tịch. Tuổi đời trên 80 rồi, lấy tên Mỹ lấy le với quỷ sứ chứ ích lợi gì với tôi đâu. Tuy nhiên, để kỷ niệm cái thời điểm răng tôi đã rụng hết mà còn phải thay đổi quốc tịch nên tôi lấy tên Mỹ là "HENRET" (đọc hăng rết tức hết răng) để làm vui!" Về Họ thì xưa nay cứ theo họ cha, không một ai theo họ mẹ, ngoại trừ người mẹ sinh con không có chồng thừa nhận. Nếu làm con nuôi cho ai, đương nhiên đứa con phải theo họ của dưỡng phụ (cha nuôi). Ngoài ra, theo sử sách, qua các triều đại Lý Trần Lê Nguyễn... nhiều công thần có công lớn với triều đình, được vua thương cho đổi họ theo nhà vua. Tại Vạn Ninh (một huyện cực Bắc tỉnh Khánh Hòa, hướng Đông Bắc thị trấn Vạn Giã có một hải đảo nhỏ cách bờ độ hơn mười km gọi là Hòn Bịp. Nay là thôn Điệp Sơn thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Đầu thập niên 30, quan huyện địa phương gọi tất cả cư dân ở hải đảo này vào ghi danh lập "Bộ Đinh" của làng. Quan huyện hỏi đàn ông trước, đàn bà sau... (hầu hết đều mù chữ). Tên thì có mà Họ thì không một ai biết họ gì cả! Cuối cùng quan huyện mới bảo: "Thôi thì đàn ông lấy họ Đinh, đàn bà lấy họ Trần." Đây là câu chuyện thật. Để khỏi mang tiếng là hư cấu bậy bạ để mua vui đồng hương trong mấy ngày xuân, tôi xin nói qua về việc hình thành ngôi làng chài lưới này như sau: Hồi sinh tiền, Ngoại tôi thường kể cho bạn bè của ông nghe và tôi được nghe lóm nhiều lần. (Nếu năm nay Ngoại tôi còn sống, Ngoại cũng gần một trăm ba mươi tuổi). "Hòn Bịp" là một hải đảo nhỏ, đi bộ một ngày là giáp quanh. Cây cối lúp xúp, xung quanh có nhiều bãi cát. Dân đánh cá trong vùng đôi khi ghé vào đó lấy nước uống vì có mấy khe đá có nước ngọt quanh năm, hoặc vào đó phơi lưới, hoặc nấu ăn chốc lát... Không rõ vào thời gian nào, có một số ít người, đàn ông có, đàn bà có đến đó lập nghiệp. Họ có nước da ngăm ngăm đên, tái tái giống người Raglai, hoặc người Chàm (Chăm). Đặc biệt là đôi mắt họ trắng xác, họ rất ít nói. Thoạt đầu thấy họ dễ sợ lắm. Hoàn toàn họ không giống người Việt (Kinh) mình chút nào cả. Về sau, người ta mới đoán họ là dân chài lưới từ Indonesia, từ Singapore, từ Mã Lai hay từ Thái Lan... bị bão lụt trôi tấp vào đó và sanh sôi nảy nở thành làng xóm. Thuở ấy, người dân ở đất liền Vạn Ninh thường gọi họ là "Dân Đàng Hạ). Các bạn thử nghĩ, thời đó (thế kỷ 17, 18 hoặc trước đó nữa) phương tiện giao thông không có, dân chài lưới bị bão lụt trôi tấp từ nước này đến nước nọ; sống được là may mắn lắm rồi; làm gì có chuyện nghĩ đến ngày nào đó sẽ quay về cố quốc? Sau ba bốn thế hệ, sống biệt lập ngoài hải đảo, làm sao họ nhớ Họ, nhớ gốc gác? v.v... Hiện nay, cả nam phụ lão ấu cư dân làng đó (Điệp Sơn) độ chừng vài trăm nhân khẩu. Mọi sinh hoạt, ăn uống, thờ cúng, ngôn ngữ, nghề nghiệp... hoàn toàn như dân bản xứ. Về nhân danh (tên người), họ tên người Việt chúng ta có nhiều thay đổi theo thời gian, không gian, lịch sử, xã hội, trình độ văn hóa... Về địa danh (tên địa phương) cũng không khác gì hơn. Ví dụ: vùng đất Khánh Hòa chúng ta ngày nay, trước kia là một phần đất của nước Tây Đồ di, sau bị Chiêm thành (Chàm) đánh chiếm sáp nhập vào nước Lâm Ấp của họ. Năm Quý Tỵ (1653), chúa Hiền chiếm lấy phần đất từ Đá Bia mũi Nại (cap Varella) đến sông Phan Rang rồi chia thành 2 phủ: 1. Phủ Thái Khương gồm 2 huyện: Quảng Phước và Tân Định. 2. Phủ Diên Ninh gồm 3 huyện: Phước Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu. Năm 1690, Phủ Thái Khương đổi thành Phủ Bình Khương. Năm 1742, Phủ Diên Ninh đổi thành Phủ Diên Khánh. Đồng thời đặt Dinh Bình Khương và cho 2 Phủ lệ thuộc vào. Năm 1773, Tây Sơn chiếm Dinh Bình Khương. Năm 1793, Nguyễn Ánh thu phục Bình Khương và cho xây thành Diên Khánh. Năm 1803, Dinh Bình Khương đổi thành Dinh Bình Hòa. Năm 1808, Dinh Bình Hòa đổi thành trấn Bình Hòa. Năm Nhâm Thìn (1832), Vua Minh Mạng đổi Trấn Bình Hòa thành tỉnh Khánh Hòa. Năm 1901, tỉnh Khánh Hòa chỉ có 2 Phủ và 4 Huyện. 1. Phủ Diên Khánh có 2 huyện: Phước Điền và Vĩnh Xương. 2. Phủ Ninh Hòa có 2 huyện: Quảng Phước và Tân Định. Tỉnh lỵ đặt tại thành Diên Khánh. Chính quyền Nam Triều đóng tại thành Diên Khánh. Chính quyền Pháp đóng tại Nha Trang. Mãi đến năm Ất Dậu (1945), sau khi Nhật đảo chánh Pháp, Nha Trang mới chính thức là tỉnh lỵ của Khánh Hòa. (Theo địa bạ triều Nguyễn). Một số địa danh trong tỉnh Khánh Hòa xuất xứ theo hình tượng như Hòn Chồng vì có nhiều hòn đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau tạo ra một cảnh tượng thật đẹp mắt, du khách ngắm mãi không thấy chán. Gần đây Sở Du Lịch Cộng Sản Nha Trang có viết gần đó (Hòn Chồng có Hòn Vợ! Tôi nghĩ rằng họ sai lầm. Vì "Chồng" là Chồng chất lên nhau chứ không phải là chồng vợ? Cứ hiểu như họ, sau này con cháu của họ, có đứa sẽ bịa đặt viết thêm là còn nhiều "Hòn Con" quanh đó... Từ Lương sơn trông ra biển có một Hòn Đảo giống như con Rùa. Dân địa phương gọi là "Hòn Qui" hay là "Hòn Rùa". Trước mặt bờ biển Nha Trang có mấy Hòn đảo toàn đá, có nhiều chim yến tụ tập, trú ẩn làm tổ và sinh sản triền miên. Người ta bảo vệ đảo để lấy tổ yến làm thức ăn cao cấp nên gọi là Hòn Yến. (Địa danh này xuất xứ từ chữ Nôm). Ngay trên đỉnh núi Ao Hồ bán đảo Cam Ranh, có một hồ nước ngọt thiên nhiên, luôn luôn có trữ lượng hàng chục vạn mét khối; dưới chân núi hình thành làng "Cam Linh xưa" (Cam nghĩa là nguồn nước ngọt, linh là linh thiêng). Sau này (không rõ là từ năm nào), người ta đọc chệch âm Linh thành âm Ranh - Cam Linh thành Cam Ranh - Theo chữ Hán hoặc theo chữ Nôm thì Cam Ranh không có ý nghĩa gì hay ho hoặc phù hợp gì với địa phương cả. (Địa danh Cam Linh xuất xứ từ chữ Hán). Năm xưa, phía nam thành Diên Khánh độ 7,8 kim có con suối; hai bên Suối và gần đó có khu rừng toàn cây Dầu cho nên có tục danh là Suối Dầu (chữ Nôm). Thời xa xưa khí hậu nơi đó rất độc. Từ Nha Trang lên, độ 1 km nữa là đến Thành có Cây Dầu Đôi thật to (nay vẫn còn), người ta gọi là Xóm Cây Dầu Đôi (chữ Nôm). Từ Đèo Rọ tượng đi ra Ninh Hòa độ 5 km, có cây cầu tên là Cầu Suối Ré (chữ Nôm) vì cầu ấy làm trên con Suối, hai bên toàn là Cây Mày Ré (cùng loại khoai môn). Năm 1952, Pháp đóng đồn bên đầu cầu ấy. Trước đồn có một Cây Găng rất lớn người ta lại gọi là Cầu Cây Găng (chữ Nôm) hay là Đồn Cầu Cây Găng. Năm 1953 hay 1954 gì đó, Việt Cộng về đánh đồn đó và đốt cháy cầu ấy. Người ta lại gọi là Cầu Cháy. Bây giờ người ta gọi là Cầu Phong thạnh vì ở đầu cầu phía Nam có ngôi trường Tiểu học Phong thạnh, thuộc thôn Phong thạnh, xã Ninh Lộc, huyện Ninh Hòa. Từ Ninh Hòa đi ra độ 4 km, có cái Đèo tên là Đèo Bánh Ít. Nghề đâu, thời xa xưa có một bà già hằng ngày ngồi trong túp lều tranh ngay trên đỉnh đèo bán bánh ít. Bánh ít của bà ngon có tiếng. Khách qua đường (bộ hành) thường ghé quán bà ăn bánh ít và xin nước uống. Với mục đích làm phước, bà để một bùng binh nước lã trước quán, ai khát cứ múc uống chứ không có bán. Khi ra đi khách không quên mua một số bánh ít của bà về cho gia đình... Đèo Bánh Ít có tên từ đó và xuất xứ từ câu chuyện dân gian. Từ Lạc An đi ra độ 5 km có một khu rừng gọi là "Chín Cụm" vì nơi đây có 9 ngọn núi nhỏ bao quanh. Ngày xưa thung lũng này rất nhiều cọp. Do đó có câu "Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận." Cực Bắc tỉnh Khánh Hòa, dưới chân phía Nam Đèo Cả, có Núi và Biển Đại Lãnh, Núi non xanh tươi, hùng vĩ, bãi biển phẳng lì, mơ mộng; non xanh nước biếc thật là Sơn Thủy hữu tình. Phong cảnh Đại Lãnh từ xưa đã được liệt vào hàng những danh lam thắng cảnh của đất nước. Năm 1836, Vua Minh Mạng cho thợ chạm hình phong cảnh Đại Lãnh vào một trong chín chiếc đỉnh đồng lớn (cửu đỉnh) trang trí trước Thế Miếu. Thửa xưa, rừng núi nơi đây rất rậm rạp chạy ra tân biển nên khí hậu rất lạnh (Lãnh là lạnh, đại là nhiều, là lớn). Đại Lãnh là lạnh lắm (Địa danh này xuất xứ từ chữ Hán). Một thung lũng có chiều dài độ 15 km dọc theo Quốc Lộ 1 bây giờ, phía Nam có Mũi Gành Bà (cách thị trấn Vạn Giã 6 km) - một nhánh nhỏ của dãy Trường Sơn đâm ra gần tới biển - Phía Bắc có Đèo Cổ Mã - một nhánh nhỏ của dãy Trường Sơn đâm ra tận biển. Thuở xưa vùng này rất hoang vui vì rừng núi rậm rạp chạy ra tận biển. Mắt trước là biển, cách bờ không bao xa có Đụn Cát trắng Tuần lễ, có các hải đảo như Hòn Mao, Hòn Một, Hòn Ong, Hòn Điệp Sơn, Hòn Lớn che chắn... Cuối thu, sang Đông, mùa gió Bấc thổi qua Kẻ "Eo Gió" như quạt máy cho chạy trong một cái hồ. Gió không thông, thổi giật tới, giật lui, cây cối oằn oại, cành lá xào xạc phát ra âm thanh "Tu oa, Tu oa" như trẻ sơ sinh khóc nên người ta gọi địa phương này là "Tu Oa" (dân địa phương phát âm là tu qua hay tu va). (Địa danh này xuất xứ từ tượng thanh). Theo "Đại Nam liệt truyện," năm Bính dần (1806), Vua Gia Long tuyển Bà Hồ Thị Hoa, con của Phúc Quốc Công Hồ Văn Bôi người làng Bình An (Biên Hòa) làm vợ vua Minh Mạng. Bà có đủ 4 đức tính: Thục, Thân, Hiền, Trinh. Năm Đinh Mão (1807, bà sinh Hoàng tử Nguyễn Phúc Tuyền (tức Vua Thiệu Trị), chỉ 13 ngày sau khi sinh, Bà mất mới có 17 tuổi. Vua Gia Long thương tiếc vô cùng. Ông xuống dụ cấm thần dân không được gọi tên Hoa. Mỗi khi gặp chữ này thì chữ này thì đọc trại ra là Ba, Huê, Hóa, hay Bông... Có lẽ vì thế, từ Gia Long trở về sau một số nhơn danh (tên người), một số địa danh (tên địa phương) bị thay đổi cách đọc, cách gọi. Ví dụ: Chợ Đông Hoa gọi là Chợ Đông Ba; tỉnh Thanh Hoa gọi là tỉnh Thanh Hóa; Hoa kỳ gọi là Huê Kỳ; Hoa lợi gọi là Huê lợi; Hoa Dung Đạo gọi là Huê Dung Đạo; Hoa Sen gọi là Bông Sen; Hoa Lài gọi là Bông lài; Tu oa (Tu qua) đổi là Tu Bông ngày nay. Ở quê tôi, thập niên 40 có ông phú hộ tên Hoa (từ Bình Định trở vào, người ta phát âm Hoa thành Qua hay Va), dân địa phương gọi trại ra là Ông Quơ, ruộng của ông Quơ, trâu của ông Quơ... hôm qua thì nói là hôm quơ... Tôi đã có dịp làm việc tại đây (Tu Bông) khá lâu (hơn 5 năm). Tôi rất hiểu rõ vùng này. Từ cuối thu "Bấc rải" (bắt đầu có gió bấc), rối suốt cả mùa đông, rồi đến tháng giêng "động dài", tháng hai "động tố", suốt cả sáu bảy tháng trời, gió thổi suốt ngày luôn đêm. Ngọn cỏ đứt sạt sạt, tàu chuối (lá chuối) te tua, hoa trái rụng đầy gốc, lúa má ngã rạp; gặp kỳ lúa trổ, hột rụng hết chỉ còn trơ cộng ra! Một gia giống cấy tại Đồng Điền cách đó vài ba km, người ta gặt được ba bốn chục giạ lúa, còn tại vùng này chỉ gặt được năm bảy gia là cùng! Những ngày gió to, trên đường cái quan (quốc lộ 1) không có một loại xe nào dám di chuyển, ngoại trừ ô-tô và xe bò. Xe ngựa cũng không dám đi. Còn xe đạp thì dắt cũng bị gió hất lọt xuống ruộng nói chi là ngồi trên xe! Về mùa gió, cứ trông lên "EO GIÓ" ở dãy núi phía Tây bắc Tu Bông (dãy Trường Sơn): không có mây là có gió ít; có mây trắng là gió nhiều; có nhiều mây trắng lẫn mây đen là vừa mưa to vừa gió lớn. Những ngày mưa to gió lớn đừng hòng đội nón lá hoặc đi dù! Nông dân địa phương này, kể cả các em chăn trâu, chăn bò đều dùng áo tơi lá, nón gụ. Áo mưa nylon không chịu nổi sức gió ở xứ này. Gió ở đây khiếp thật! Chắc chắn trên toàn cõi Việt Nam ta không có nơi nào có gió mạnh thổi từ ngày này qua ngày nọ suốt sáu bảy tháng liền như ở Tu Bông. Đó là tôi chưa đề cập đến mùa gió lào (địa phương gọi là gió Nam), từ tháng tư đến tháng bảy âm lịch, gió thổi nóng như lửa, cát bụi tung bay mù mịt. Mùa hè, mùa gió Nam, nhiệt độ nơi đây cao nhất so với tất cả các nơi khác trong tỉnh! Bạn đọc không tin, cứ hỏi đồng hương quê Tu Bông sẽ rõ là tôi không vẽ rắn thêm chân chút nào? "Đồng Cọ" (Phú Yên) là vùng đất đỏ ở miền núi phía Tây Nam tỉnh Phú Yên; mùa mưa cũng khủng khiếp lắm! Mưa to cả ngày lẫn đêm từ cuối thu cho đến hết mùa đông. Mưa dầm thúi đất, giặt cái áo phơi cả tháng không khô! Thừa Thiên, Huế có tiếng mưa dầm gió bấc rỉ rả suốt tháng rất khó chịu nhưng so với Đồng cọ không bằng một nửa. Mưa như Đồng Cọ mới đối xứng được với gió Tu Bông. Trong phạm vi viết cho Đặc San Nha Trang - Khánh Hòa quê tôi nhân dịp Xuân Canh Thìn, tôi không dám đề cập đến tỉnh bạn nhiều. Hỡi các đồng hương quê quán Tu Bông, Quê ta khí hậu quá khắc nghiệt: nắng, nóng, gió, mưa đều ở mức thượng thặng, hệ thống đê điều quá nghèo nàn, con sông Tô Hà (có người gọi là Tô Giang) quá hẹp và quá hẹp và lại cạn không đủ nước tưới khắp các vùng ruộng xa. Ninh mã, Tiên ninh còn nhiều đất ruộng ăn nước trời. Mong sao thế hệ thứ hai, thứ ba của chúng ta cố gắng học hành cho thật giỏi để mai kia mốt nọ về canh tân lại quê hương: mở rộng sông ngòi, khai thông đê điều, khắc phục thiên nhiên, khai thác lại Núi Thơm (trại Thơm) ở Trại Trảu, lập nhà máy Thủy tinh tại Đụn Cát Trắng Tuần lễ để giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào địa phương và nâng cao đời sống bà con quê ta...
Cát Hạnh 
Theo http://etruyen.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...