Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2022

Thời hoa đỏ

Thời hoa đỏ

Trò dại
1. - Hồng!
Nó bước đến gần Hồng và gọi.
Hồng quay sang nhìn nó bằng cặp mắt cảnh giác.
- Hồng, ờ ờ... Tôi yêu em...
Cả lũ con gái há mồm, không hiểu nổi đang xảy ra chuyện gì. Nó thản nhiên như không, nhìn về cuối lớp, nơi ba thằng ngự lâm đang thích chí theo dõi sự việc, nháy mắt cười rồi mới thủng thẳng tiếp:
- Ừ, “Tôi yêu em” là... bài thơ của Puskin hay Tagor nhỉ?
Cả lũ cười ồ.
Hồng mặt mũi đỏ bừng, vớ cây thước trên bàn, nhưng nó đã vọt ra ngoài. Ba thằng ngự lâm cũng lập tức ra theo.
Hôm ấy, nó thắng cuộc.
2. Ai lạ gì nó đâu, chẳng mấy hôm là nó không bày trò. Như giờ kỹ thuật hôm qua, lúc cả lớp đang chăm chú ghi bài thì nó ngồi vẽ linh tinh. Vẽ chán, nó quay xuống bàn sau hỏi thằng Tuấn, thằng Nam:
- Đố chúng mày A-đam có rốn không?
Cả bọn cười rúc rích. Cô giáo bắt đứng lên còn cố cãi:
- Em đang hỏi một vấn đề kỹ thuật.
Nó thông minh, hài hước, nhiều tài lẻ. Nếu học hành tử tế chắc chắn nó giỏi toàn diện, giỏi hơn Hồng nhiều. Là lớp trưởng, lại ngồi cùng bàn, Hồng hiểu điều đó hơn ai hết.
Bạn bè ai cũng quý mến nó, cả thầy giáo, cô giáo dù ai luôn nhắc nhở, đe nẹt nhưng thực ra ai cũng nuông chiều nó.
3. Trong lịch sử - thì cứ nói thế cho oai - giữa Hồng và Huy đã từng có một trận “tỉ thí võ công”.
Đó là một buổi sáng.
Huy với con trai lớp A1 túm tụm ở hành lang tán chuyện và thỉnh thoảng lại trêu bọn con gái A2, A3 đi qua.
Nhìn thấy Hồng từ xa, bọn chúng bảo Huy:
- Này, con bé lớp trưởng A3 của mày kia, ghê gớm lắm, mày trêu nó vài câu đi.
Hồng nghe thấy bọn con trai A1 nói vậy thì thủng thỉnh đi đến, đứng lại trước mặt chúng, thản nhiên bảo:
- Này tớ đứng đây, cậu nào muốn trêu thì trêu đi!
Quá bất ngờ. Thật sự choáng. Bọn con trai A1 im tịt, lưỡi như bị rụt lại.
- Hóa ra không phải là “trai” mà là... “hến”!
Hồng choang thêm câu nữa rồi nhún vai quay đi.
Lúc ấy, Huy mới hết “sốc”, gọi với theo:
- Hỡi Xuân Hồng, ta muốn cắn vào em...
Cả bọn con trai A1 bừng tỉnh, cười ầm ầm. Tưởng Hồng chịu hòa. Ai ngờ cô nàng quay lại bảo:
- Thế cậu đã tiêm phòng dại chưa?
Huy thảm bại!
4. Giờ sinh hoạt lớp, sau phần “thủ tục hành chính” là “trang văn nghệ” hàng tuần. “Bỏ bom” quanh quẩn, cuối cùng đến Hồng. Hồng hát bài “Rừng cây đời người” của Trần Long Ẩn. Cả lớp vỗ tay ào ào.
Đợi ngớt tiếng vỗ tay, Huy đứng dậy:
- Thường thôi, vỗ tay gì lắm thế? Tôi có ý kiến đây.
- Gì thế? Thôi, đừng làm trò, bố ơi!
- Hồng hát hay, nhưng mà sai! - Nó bảo.
- Sai đâu mà sai?
- Sai chứ! Đấy, cái câu Chân lý thuộc về mọi người ấy! Không phải thế đâu, phải là: Chân gỗ thuộc về thằng què, không chịu sống đời một chân...
Nó gân cổ lên hát. Cả lớp cười ồ. Chợt, Hồng chạy vụt ra khỏi lớp.
- Cậu là một thằng tồi! – Bí thư Chi Mai hét vào mặt nó.
- Ơ ơ... - Nó ngây người ra.
- Cậu không biết bố Hồng bị mất một chân à?
Nó ngơ ngác. Cả lớp lặng thinh. 
Đông Ki-sốt
Tự nhiên, con chiến mã lại giở chứng, thế là mất toi 15 phút, dù nó đã phi nước đại đến trường.
Hai tên cờ đỏ tươi cười chờ nó ở cổng.
“Đồ mắc dịch” - Nó rủa thầm. Vâng, thì thẻ đây, ghi tên vào. Ghi rõ vào nhé! Sung sướng lắm phải không?
Quẳng con chiến mã vào nhà xe, nó nhảy ba bậc cầu thang một. Thầy dạy sử lớp nó rất “ghê gớm”. Một hai ba, nào, nó đã đứng trước cửa lớp. Ôi, Chúa ơi! Không phải bố già. Một cô giáo trẻ mới về trường. Chắc là dạy thay.
- Xin cô cho em vào lớp.
- Sao bây giờ mới đến?
- Dạ, em gặp tai nạn giao thông...
- Nói cho nghiêm túc. Em có làm sao đâu?
- Dạ, không, em chỉ nhìn thấy thôi.
Cả lớp cười ồ. Cô giáo nhíu mày nhưng vẫn cho nó vào. Nó ngồi xuống ghế. Diễm quay sang lườm “Hiệp sĩ xứ Man-tra”:
- Ông làm mất hết điểm thi đua của tổ.
- Khổ quá! Gặp tai nạn thật mà.
- Ở đâu? - Hà kều không nhịn được, bỏ dở quả ổi với những vết cắn nham nhở hỏi với lên.
- Chỗ đầu chợ ấy, hai cái xác nát bét.
- Kinh quá. Ô tô đâm à?
- Chắc thế, chắc là đi qua đường bị ô tô cán chết - Nói rồi nó quay lên.
- Đã có ai đến nhận chưa? - Hà chọc cây thước kẻ vào lưng nó và hỏi.
- Làm gì có ai!
- Công an lập biên bản rồi à?
- Chẳng biết!
- Thế ông không đỗ lại xem à?
- Chỉ thấy hai xác chết nằm sóng soài.
Cô giáo nhìn xuống. Nó quay lên. Được một lúc Hà lại lấy thước chọc vào lưng nó:
- Này...
- Gì thế? - Nó làm bộ cau có.
- Hỏi một câu nữa thôi. Con trai hay con gái?
- Ai mà biết được.
- Sao lại không, không nhận được dạng cơ à?
- Thì tôi nói là hai... con chuột bị ô tô kẹt chết mà. Làm sao biết được chuột đàn ông hay chuột đàn bà?
Diễm bụm miệng cười.
Hà quật một thước vào lưng nó:
- Đúng là Đông Ki-sốt, làm người ta cứ tưởng...
- Tưởng gì. Tưởng... Giới Thạch ấy à?
Nó nhe rằng cười và lục lọi tìm vở.
- Quên mất rồi, chán thật.
Cô giáo đang giảng về một cuộc nổi dậy nào đó, từ thời xửa thời xưa. Ai sống ở thời ấy mà biết đúng hay sai? Có bằng chuyện cái xe tăng húc vào cổng dinh Độc Lập không? Có bằng “Một chuyện có thật” của An-đéc-xen không? Tam sao thất bản. Mà tại sao cứ phải học... lịch sử nhỉ? Không còn chuyện gì để nói mà phải bới móc quá khứ lên? Cuộc sống thì đang thay đổi ào ào. Thật là phí thời gian trong khi ngoài kia người ta đang băm bổ lao về phía trước!
Mệt mỏi với những ý nghĩ quái đản của mình, nó lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Ngoài đường vọng lên tiếng loa rao bán thuốc tẩy Hoàng Tiến. Cũng chẳng có gì thú vị hơn. Nó lại nhìn lên bảng, cô giáo đang viết một cái gì đó. Gục xuống bàn nó giả tiếng mèo, “meo” một tiếng rất to.
Lớp học ồn ào.
Cô quay xuống hỏi:
- Cái gì thế?
Im lặng. Nó nhìn cô bằng đôi mắt trong sáng ngây thơ đến không thể tả.
Cô quay lên.
Nó lập tức meo meo hai tiếng nữa hệt như mèo con gọi mẹ.
- Ai mang mèo vào lớp, đứng lên!
Cả lớp cười như chợ vỡ.
Vừa kịp trống hết giờ.
Vân béo và Hà kều chụm đầu vào tờ Người Đẹp. Nó đi qua lật bìa ra:
- Ái chà Người Đẹp cơ đấy!
- Thì sao? - Bốn mắt sư tử nhìn nó chằm chằm.
- Không sao! Nhưng mà tờ Người Béo chưa ra số nào à Vân?
- Đồ hiệp sĩ đánh cối xay gió! Có biến đi không!
Nó đi ra cửa, quay lại nheo nheo mắt và hát: Đừng nghe những gì Vân béo nói! Hãy nhìn vào đôi guốc Vân đi, ta sẽ hiểu rằng Vân giống viên bi, ta sẽ hiểu rằng Vân ngắn tí ti...
Vân gầm lên:
- Đứng lại, Đông Ki-sốt!
Giờ Giáo dục công dân khô không khốc rồi cũng qua. Ra chơi giữa giờ là khoảng thời gian nó mong đợi nhất.
Lượn xuống căng-tin làm một cái kẹo cao su rồi nó đi lên, nện gót giày trịnh trọng như một VIP thực sự. Vừa nổ kẹo cao su bôm bốp, nó vừa đảo mắt nhìn quanh. Bọn cái Thảo, cái Nga đang xúm xít bói bài. Nó lặng lẽ tiến đến. Thấy nó, Nga bảo:
- Đông Ki-sốt, xem bói không?
Nó ngồi xuống:
- Bói hả? Ừ, xem cho một quẻ.
- Muốn bói gia trạch, hung cát hay nhân duyên thì nói để chị xem cho nào! - Thảo vỗ vỗ vào bộ bài.
- Tình yêu.
- Ôi, em còn bé thế này mà đã muốn lấy vợ à? Kia, nàng Đun-xi-ne của em đang ngồi một mình kia kìa.
- Vớ vẩn! - Nó chọn ra bốn cây Q. - Có xem không thì bảo?
- Em đặt tên đi rồi chị xem cho - Thảo vẫn gọi em xưng chị ngọt xớt.
Nó phớt lờ:
- Xong rồi. Cả bốn cô.
- Xong.
Thảo thoăn thoắt tráo tráo, lật lật rồi làm bộ nghiêm trang:
- Thành tâm vào, bắt đầu nghĩ đến cô ấy đi. Cô bé này hình thức khá, thông minh, nhưng có nhiều chàng bám lắm, em không đủ sức đâu. Cô bé này thì cũng được nhưng hơi đanh đá đúng không?
- Đúng, đúng, nó hay... cào lắm.
- Còn cô này có vẻ hơi bị lắm lời. Cô này thì có vẻ yêu em đấy nhưng mà xấu lắm, béo như voi ma mút.
- Đúng, đúng.
- Chị đã phán, sai làm sao được? Nào, bây giờ thì mau mau khai tên các em ra.
Nó cố nhịn cười.
Nga túm lấy tóc nó:
- Khai mau!
- Rồi, khai. Ái, bỏ tay ra!
- Có thế chứ. Nói đi!
- Cây này là Milu - chú chó cảnh nhà tớ, còn cây này là tên con mèo Ba Bớp - nó rất hay cào. Đây là Thảo. Còn cuối cùng, béo như voi ma mút là Nga.
- Cái gì? - Nga gào lên.
Nó chạy biến ra cửa, quay lại thè lưỡi lêu lêu.
- Quỳnh đâu! Mày dạy thằng Đông Ki-sốt nhà mày thế đấy à?
Quỳnh rời mắt ra khỏi tờ báo, ngẩng lên, rồi lại cúi xuống chăm chú đọc.
Nó bị đình chỉ học ba ngày và bị phụ huynh mắng cho một trận nên thân. Nó có ba ngày ở nhà để hối hận về những việc dại dột nó đã làm. Sáng nay, trước khi đi làm, mẹ nó bảo: “Con lớn rồi, đừng làm khổ bố mẹ nữa. Ngồi đấy mà suy nghĩ về những việc con đã làm”. Thì suy nghĩ, nhưng càng nghĩ nó càng thấy sự việc chẳng có gì nghiêm trọng. Mà sao mọi người cứ thích thổi phồng nó lên nhỉ. Đời chán thật! Có quái gì đâu, chỉ tại cô Sâm dạy Văn lớp nó cứ hay cho đề bài viết giống hệt nhau ở cả ba lớp mà cô dạy. Mà nó thì luôn chẳng biết viết gì trong chín mươi phút kiểm tra văn. “Thời thế tạo anh hùng, anh hùng phải biết chọc nước, khuấy bùn để tạo ra thời thế”. Nó học mánh của thằng Tuấn lớp C, xem trước đề ở lớp B, làm sẵn ở nhà. Trót lọt hai lần. Đến lần thứ ba, nó lặp lại kịch bản ấy khi cô Sâm ra bài viết về “Tống biệt hành”. Hôm ấy, giờ kiểm tra, nó ngồi rất nghiêm và chăm chú viết lăng nhăng. Nó đã viết những gì nhỉ? À, đầu tiên là “Đưa người ta không đưa qua sông, sao nghe tiếng sóng ở trong lòng”. Nó đã viết: “Vì ngài ăn nhiều thịt mỡ lại uống nước lã chứ sao?”. Rồi đến đoạn: “Một giã gia đình một dửng dưng”, nó bình: “Không biết tác giả giã gia đình bằng cái gì, sao ông ta không dùng... máy xay cho tiện. Ôi! Chắc là bị giã đau lắm nên các chị của ông ta mới khóc nhiều đến thế”. Viết đến đấy, nó nhìn sang, Diễm đã viết gần kín hai trang, nó đọc thấy cái gì mà... “gợi không khí của một ngày gió lạnh, thái tử Đan tiễn Kinh Kha qua sông sang đất Dịch”. Đúng là chắp vá, vay mượn. Kinh Kha với chả Kinh kheo. Nó cảm thấy cô giáo đang nhìn nó, vì thế nó quay về hí hửng viết liên tiếp một hồi: Thâm Tâm... Thâm Tâm... Rồi chẳng hiểu sao, nó lại liên hệ đến tên... cô giáo. Tâm và Sâm chung nhau cái vần âm. Nó lại nhớ rằng, hôm qua, nó thấy trong quyển Đàm Thiên Thuyết Địa Luận Nhân có một câu là: “Để cho con một đống tiền không bằng dạy cho con một nghề, dạy cho con một nghề không bằng đặt cho con một cái tên đẹp”. Cô tên là Sâm thì quý và... bổ lắm, nhưng mà cũng còn tùy loại, nào là sâm Cao Ly, sâm Quy tinh, sâm Đại hành...
Ô, sâm Đại hành và... “Tống biệt hành”. Nghĩ thế nào làm thế ấy. Nó hí hoáy vẽ một... củ sâm to uỵch vào phần còn lại của tờ giấy, rồi ghi thêm một dòng nữa ở dưới: “Sâm nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Mau lên kẻo hết”. Nó gật gù, rồi lại thấy câu ấy có vẻ cũ kỹ thế nào. Nó bèn viết một câu khác: “Bạn đang sống trong một thế giới cạnh tranh, bạn đang sống trong một môi trường sôi động. Hãy ăn sâm để tự tin, hãy ăn sâm để thành đạt. Dù bất cứ nơi đâu, đừng chần chừ, đừng chần chừ... Sâm đại bổ, sâm đại bổ...”.
Thế rồi, mọi việc đã không như nó mong đợi. Nó hoàn toàn không biết rằng thằng Tuấn hôm qua đã bị bể mánh và hai con 7 bên cạnh đội quân điểm 4 thường trực đã đưa nó vào diện bị... tình nghi. Không, nó không có ý nói cô giáo, nó chỉ nói củ sâm thôi. Chẳng ai chịu nghe nó cả.
Giờ sinh hoạt sau đó, nó bị phê bình. Người lên án nó nhiều nhất chính là Quỳnh - bí thư chi đoàn. Chắc Quỳnh ghét nó bởi vì bọn chúng gọi Quỳnh là Đun-xi-nê, tình nương của Đông Ki-sốt. Thật ra thì nó ít khi nói chuyện với Quỳnh. Trong mắt nó Quỳnh là đứa con gái lạnh lùng nghiêm nghị, học giỏi nhưng nó thấy khó gần. Thật là một dịp may hiếm có để Quỳnh trút giận.
Chiều, nắng trải một màu vàng mênh mang, tít tắp. Nó đạp xe ra đường đi lang thang. Cứ ngồi ở nhà mà suy nghĩ thì ươn người ra mất. Thật khó chịu, cái gì cũng quy tắc với quy định. Tại sao không thể sống thoải mái hơn.
- Đông đi đâu đấy?
Nó quay sang. Quỳnh đạp xe bên cạnh nó từ bao giờ.
- Ừ. Quỳnh đi chợ à?
- Ừ.
Nó im lặng.
- Đông giận Quỳnh lắm phải không?
- Chẳng có gì.
Đi một đoạn nữa thì Quỳnh rẽ.
- Về nhé.
- Ừ.
Chỉ có ba từ cho cái sự chia tay.
Nó đạp xe thêm một vòng nữa rồi bỗng nhiên lại vòng lại, mắt nhìn theo bóng Quỳnh cứ xa dần.
Ngày mai, nó lại được đến trường với những trận cười.
Liệu có bao giờ nó thấy tiếc vì những tháng ngày tào lao, hời hợt ấy không?
Tình yêu oái oăm
Nó nhấn chuông một nhịp ngắn, một nhịp dài, lịch lãm như Việt kiều về thăm Tổ Quốc. Con chó cao lênh khênh đón nó bằng một tràng gâu gâu - khúc dạo đầu của bản tình ca lãng mạn. Sau đó thì nàng xuất hiện, tóc búi cao, guốc đỏ quai tím. Thấy nó, nàng cười khe khẽ, rất khẽ như sợ rằng cười to sẽ làm đau... không khí.
- Vào đây. Hỗn nào!
- Đang làm gì đấy? - Nó cũng hỏi nhỏ như sợ nói to lên thì sẽ làm vỡ đi niềm hạnh phúc mơ hồ.
- Mù à, câm mồm!
Nó ớ người ra...
Nàng nhìn nó, cười:
- Con chó này hôm nay hung hăng quá!
- Không sao đâu! - Nó nói cứng trong khi hai chân lập cập, toát mồ hôi tây, mồ hôi ta vì vừa cảm thấy cú đớp gió phía sau lưng.
- Có mỗi mình Hoài ở nhà à? - Hai hàm răng nó đã thôi không chơi trò chọi nhau.
- Ừ.
Nàng rót nước mời nó:
- Uống đi, chè cây đa đấy.
Có lẽ, đấy là di tích đẹp nhất về mối tình đầu. Bởi vì cuối cùng thì Hoài đã từ chối tình yêu của nó bằng một cú đá bọc đường. Nó đã được nàng chiêu đãi nào là “xôi xéo”, nào là “bánh cuốn”, “trứng cút”, “cá chuồn”, “kem ly”, đủ để no nê những niềm đau. Thẫn thờ như mộng du kẻ sĩ, gió xốc nách nó dìu đi. Tâm thức nó như những váng sóng trôi về nơi vô định. Ở đó, rơi dưới chân Hoài - sừng sững như tượng nữ thần tình yêu và sắc đẹp - là sáu mươi ba bài thơ tình nó viết trong hai mươi mốt ngày ngồi nghe gió vuốt ve từng chiếc lá, hai mươi mốt đêm nó trồng si. Ôi, giờ chỉ còn lại trong tim nó những giấc mơ lởn vởn hàm răng chó. Thượng đế chí tôn ơi! Sao người không cứu rỗi đứa con bé bỏng này? Thế mà bảo cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Tình yêu của nó đấy, thơ của nó đấy, đều xuất phát từ trái tim, sao lại chui vào sọt rác?
- Ê, Đông Ki-sốt!
Nó nhìn sang bên kia đường, bọn Long “Đan-cô”, Thực “dân” và Lưu “chiến mã” ơi ới gọi.
- Đi đâu mà buồn thỉu buồn thiu thế này?
- Em Hoài đâu? Em Phí thị Hoài đâu?
- Hoài với chả tiếc gì. Có mà hoài công thì có. Đứt rồi.
- Đứt hẳn rồi à?
- Em bảo là em còn phải học, bao giờ đỗ đại học em sẽ trả lời.
- Bao giờ đỗ đại học... Tinh vi con cu li, cứ nói trắng phớ ra là tôi đếch thèm anh có hơn không.
- Quên nó đi. Đời là cái đinh, tình là cái que. Uống đi!
Nó ngửa cổ uống ly trà đá.
- Buồn làm cái gì? - Thực “dân” vỗ vai - Thi sĩ thì phải thất tình mới ộc ra thơ được chứ.
- Em Hoài trông cứ như cục cơm - một sản phẩm quá đát của Chúa. Bỏ là phải.
- Sao, nó mời mày uống chè cây đa à? Thâm thật. Ý nó muốn chửi mày là dạng si lì mặt đấy. Láo, láo quá! Phải tay tao...
Một cục tự ái nghẹn ở cổ. Ừ nhỉ, thế mà nó không nghĩ ra. Nàng lại còn mượn cớ mắng chó để chửi nó nữa chứ. Căm thù, căm thù. Thằng Thực “dân” móc túi trả tiền và ngửa cổ hát:
Năm, mười, mười lăm, hai mươi, con cua có càng anh không dám bắt, con cua gãy càng anh bắt cho em xem. Này em ơi có thấy anh tài không...
Hai cô bé ngồi ở bàn bên kia bấm nhau cười rúc rích. Nó cũng phì cười. Thằng Thực “dân” mới chuyển về được hai tháng mà hòa đồng nhanh thật.
- Nói tóm lại là, kẻ chinh phục E-vơ-rét có khi lại ngã trước một gò đất thấp. Nam nhi hảo hán phải biết xơi món... tim xào.
Cả bốn thằng cùng cười.
Có những trái tim bị sinh ra thiếu tháng, điều đó thật là tệ. Bởi vì ngay cái sản phẩm hoàn hảo nhất, một trái tim khỏe mạnh, cũng đã là lỗi lầm công nghệ của đấng tối cao. Giá như Chúa cho mỗi con người khốn khổ hẳn hai trái tim thì nó sẽ có bầu có bạn, sẽ chẳng đến nỗi cô đơn phải lồng lên đi tìm tim kẻ khác. Đằng này, Chúa làm có độc một trái tim, đã thế lại còn tỉ mẩn chia nó ra thành bao nhiêu ngăn tí tẹo, ngăn nào cũng rỗng, cũng đòi được lấp đầy.
Thế nên cái thằng ranh Ê-rôt [1] mới có dịp mà tung tẩy. Cái công ty của ông tơ bà nguyệt già cố đế đại vương mới có đất làm ăn. Mỗi năm trên trái đất này tốn bao nhiêu là tiền bạc, giấy mực cho cái việc ấy. Nào là nhà tư vấn ơi! Em Lo Ve một nàng. Nào là chị Thương Thương ơi, em Xì trum một đứa. Chị Tầm Thư ơi, tôi muốn chết quá. Rồi 108 đấy à? Tôi đang chán cơm, thèm đất, thích nghe kèn. Tôi biết chọn ai bây giờ... Hu... hu... Sao không ai yêu tôi thế này... Gừ... gggừ...
Kể ra thì một phần cũng tại người ta nuông chiều trái tim một cách quá đà, nên nó liên tục kêu ca: không ngủ yên, rồi hoang vu, ngục tù, băng giá. Cứ xem lá phổi kia kìa, nó bị hun bởi khói thuốc, bởi bụi và khí độc mà nó có lắm lời thế đâu, cùng lắm cũng chỉ vài tiếng khọ khẹ khô khốc, chẳng tạo được chút mỹ cảm nào.
Nhưng thôi, hãy quay lại với anh chàng Đông Ki-sốt vô tích sự của chúng ta, cái gã có trái tim sinh thiếu tháng và có nhiều ngăn. Gã chưa đủ thời giờ để lành vết thương thì đã kịp nhưng nhức một mầm yêu mới.
Nàng học sau nó một lớp. Cùng trường nhưng khác buổi. Nó gặp nàng trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ của trường. Câu lạc bộ ba bốn tháng mới sinh hoạt một lần, mà trước đây thì mắt nó bị cái bóng của Hoài to như cái liếp che đi tất cả vẻ đẹp của trời xanh.
Nhưng nay, mây mù đã bị quét đi rồi. Trời sáng lên rồi. Đời lại có điện rồi, em ơi!
Nó đã gặp nàng. Ôi! Lần đầu tiên nó biết thế nào là bão từ. Nàng như là nam châm, còn nó như là mạt sắt. Hôm ấy, nó đọc thơ trong niềm xúc cảm vô biên. Cao hứng, nó đọc luôn bài tứ tuyệt không đề nó vừa cảm tác để ngầm tặng cho nàng:
Em về bên sông con sóng hát
Em về vườn cũ cỏ đơm hoa
Về tắm hồn anh sa mạc khát
Sỏi đá hồn anh biết hát ca.
Cuối buổi, thật bất ngờ, nàng lại gần nó và tặng nó một bông phăng đỏ. Hoa thì nhẹ nhàng mà hạnh phúc thì quá nặng, bất ngờ đè bẹp rúm tâm hồn nó. Nó lặng đi, mãi đến khi tay trưởng nhóm nhe cái hàm răng vổ ra nhắc “Về đi”, nó mới choàng tỉnh mộng, nhớ ra rằng chưa kịp hỏi tên nàng.
Có lẽ, đây mới là tình yêu đích thực của nó, thiếu Hoài, ấy quên, thiếu nàng thì nó không thể nào sống được. (Ái chà, thế ra mười mấy năm nay, bao nhiêu cơm gạo bố, mẹ nó đổ ra là để nuôi cái... xác chết đấy!).
Một tuần nó trồng cây si âm thầm ở cổng trường. Cây si được tưới bằng nước mía. Hạnh phúc là phải biết đợi chờ, cũng như muốn ăn quả phải biết chờ người ta gọt vỏ. Nó hiểu được điều đó khi những phút đợi chờ thì dài dằng dặc, còn phút thấy nàng thì lại rất tí hon.
Ừ, nhưng “gọi là tí xíu mà chẳng bé đâu”, bởi chỉ cần thấy nàng thôi là tim nó hét lên rầm rộ, nó hóa khờ, hóa dại, tâm hồn nó thì vọt lên trời như phần trên của quả pháo thăng thiên.
Cứ thế, cho đến một hôm, nó thấy nàng ngồi sau xe của một đứa con trai cùng lớp. Nó hoảng. Nó tự trấn an rằng: con gái vốn không thích con trai cùng tuổi. Nhưng nó vẫn không an tâm. An tâm làm sao được, nhỡ đâu nàng là một ngoại lệ thì sao? Hay là nàng biết nó trồng si nên cố tình trêu nó, con gái hay thế lắm. Nhưng, dù thế nào đi nữa, cũng phải tiếp cận nàng thôi. Làm thế nào bây giờ? Nó chợt nghĩ đến Thực “dân”...
Thứ sáu mưa lã chã. Thứ bảy mưa lê thê. Chủ nhật mưa dầm dề, thút thít. Nó tìm được nhà Thực chẳng mấy khó khăn. Thực gật gù:
- Hừ, em tặng mày hoa nghĩa là em đã cảm mến mày. Bây giờ phải tiếp cận. Đập chết luôn!
- Nhưng tiếp cận thế nào? - Nó sốt ruột.
- Thì cứ trực tiếp luôn, gây ấn tượng mạnh. Bọn con gái dễ bị xúc động vì một lý do rất lãng nhách. Mày cứ đợi một hôm nào mưa gió như hôm nay, chặn xe nàng lại trao cho nàng một nụ hồng. Rồi im lặng, khoảng một tuần sau đó xuất hiện lần thứ hai ngay trước cổng nhà nàng, trao một nụ hoa nữa. Lần thứ ba, mày lại xuất hiện và nói...
- Anh yêu em?
- Không. “Anh yêu em” thì xoàng quá. Mày là thi sĩ cơ mà. Mày phải nói rằng: “Anh muốn gặp em để tặng vạn nụ hồng, anh muốn tặng em cả thế gian này, tặng em cuộc sống của anh. Em biết không, em đẹp như một huyền thoại, như một di tích lịch sử đã... xếp hạng. Anh ước được làm giọt mưa trên mi mắt em. Chỉ xin em đừng để trái tim anh phải chết vì cô đơn trong giá lạnh...”. Đấy, mày phải nói như thế. Có hơi hạ thấp mình một chút cũng không sao. Đi câu mà. Đi câu thì phải nghĩ đến mồi của cá là con giun chứ đừng nghĩ đến món ăn của mình là cá.
- Hay, mày nói văn hoa quá. Ghi lại cho tao.
- Tao học lỏm trong cuốn 999 lời tỏ tình hay nhất thế giới đấy. Không cần phải ghi. Mày tập luôn đi, tao nhắc cho. Nào bắt đầu... Ấy ấy... chưa được. Khi nói câu: “Đừng để trái tim...”, mày phải đặt tay lên ngực, người hơi đổ về phía trước, mắt nhìn lên, lại đi, thế, thế có hồn rồi đấy. Nào lại lần nữa, thế, hơi khuỵu gối xuống...
- Em đẹp như một huyền thoại...
- Ơ, anh Đông. Anh với anh Thực tập kịch à?
Nó giật bắn, quay lại. Há hốc mồm. Nàng! Nó lắp bắp:
- Đây là... Đây là...
- Đây là Hằng, em gái tao. Hằng biết anh Đông rồi à?
- Ơ...
Các bạn độc giả yêu quý của tôi ơi! Bây giờ, nó không còn mong gì “đập chết” người khác. Chính nó đang bị “đập chết”. Thằng anh nó to cao đến thế cơ mà. Ngay cái tên cũng đã làm cho bạn hãi rồi, phải không?
Làm sao bây giờ, mách cho tôi với nào...
Chú thích:
[1] Thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp.
Ba mối tình đầu của tôi
Tôi bị Thần Tình điểm danh từ năm lên bốn tuổi, lúc đang học mẫu giáo nhỡ ở trường Mầm non. Ngày bé, tôi khá nhanh nhẹn, xinh xẻo và sạch sẽ, nói tóm lại là trông tôi có vẻ sáng bóng hơn lũ bạn, điều đó dễ hiểu thôi vì mẹ tôi là giáo viên mà lỵ. Tôi nhớ như in rằng, ngày ấy, tôi được cô giáo chọn làm tổ trưởng tổ Gà Con. Tổ trưởng nghĩa là oai lắm, được đứng đầu hàng, được khám tay các bạn xem có vệ sinh và được cầm cờ thi đua cho tổ. Mỗi lần chơi trò đoàn tàu hỏa lại được làm đầu tàu, tay xoay tròn như người ta cuộn dây, miệng kêu tu tu, xình xịch, oai đáo để.
Ngày ấy, trái tim non nớt của tôi như bị sặc nước trước nàng - Thủy ngố - tổ trưởng tổ Chim Non.
Nàng cũng đáp lại tình yêu của tôi. Hôm nào tan lớp về hai đứa cũng nắm tay nhau, lũn cũn và ríu rít trên con đường đất gồ ghề đầy ổ gà, ổ cẩu.
Bố tôi đi bộ đội xa tút lút, hết giải phóng miền Nam lại sang Campuchia. Thỉnh thoảng, có người cùng đơn vị với bố tôi ghé qua nhà lại cho gói kẹo. “Ngày xưa kẹo không dễ kiếm như bây giờ”, vì thế, mỗi lần có kẹo, tôi đều tìm cách giữ cho người yêu. Sợ bị mẹ phát hiện, tôi thường ngậm kẹo trong mồm rồi nhân lúc mẹ không chú ý, nhè ra, gói vào giấy, bỏ vào túi và mang đến lớp, rủ nàng vào một góc, hai đứa cùng mút chung chiếc kẹo. Tôi ngậm một lúc rồi lại tới phiên nàng, cứ thế đến bao giờ chẳng còn gì để mút nữa.
Một hôm, mẹ tôi đi vắng, tôi quyết định tự tay làm cho Thủy ngố một món kẹo đặc biệt. Tôi mở lọ đường thốt nốt, xúc một thìa lớn, cho vào một cái chén con, đổ thêm một ít muối và cho một chút mì chính [1] (bấy giờ mì chính hiếm lắm), cuối cùng xúc thêm một thìa mắm tôm, trộn đều tất cả lên và gói vào một tờ giấy. Tôi giấu kín món kẹo đặc biệt của mình và mong ngày mai đến lớp. Hôm sau, tôi vừa khoanh tay chào: “Cô ạ!”, vừa đảo mắt tìm nàng. Nhìn thấy tôi đến, nàng phập phồng cánh mũi, gạt những đứa bạn gái sang một bên và chạy đến tôi. Tôi dúi vào tay nàng một gói giấy ướt nhèo. Nàng mở ra:
- Kẹo gì thế?
- Kẹo đặc biệt đấy. Chúng mình liếm đi.
- Bạn liếm trước đi! - Nàng nhìn món kẹo của tôi bằng cái nhìn e ngại.
Tôi thè lưỡi. Kinh quá. Nhưng lại sợ nàng chê, tôi nói:
- Ngon cực. Thủy liếm đi!
Nàng cười, thè cái lưỡi đo đỏ, nho nhỏ, xinh xinh ra và quét một nhát khá là “đường cày đảm đang”. Ô kìa! Mắt nàng méo rẹo méo rọ, miệng nhổ phì phì. Nàng gào lên:
- Kinh quá! Tao không thèm chơi với mày nữa!
Khốn khổ chưa! Nàng lại còn xưng tao với tôi đấy. Chẳng bù cho mọi hôm chơi trò cô dâu chú rể, bố mẹ búp bê, nàng gọi tên tôi ngọt xớt. Tôi đứng ngẩn tò te, hết nhìn nàng lũn cũn chạy vào trong lớp lại nhìn món kẹo đặc biệt của mình.
Suốt ngày hôm ấy, nàng không thèm chơi với tôi. Nàng cặp kè với thằng Tuấn bệu. Cái thằng Tuấn bệu thì có ra cái gì cơ chứ, suốt ngày thò lò mũi xanh, có hôm còn đùn cả ra ghế, chẳng biết chơi trò gì cả. Chơi trò “chim bay cò bay”, cô giáo hô gì nó cũng bảo là bay. Gà bay, bò bay, nhà cửa nó cũng bảo là bay. Thế mà nàng lại chơi với nó mới cay chứ. Hễ tôi cứ lảng vảng đến gần là hai đứa chúng nó hát:
- Cạch từ nhà, cạch ra đến chợ, cạch con trâu, cạch con gà, cút thật xa là cút thật xa...
Tôi tức lắm, chỉ mặt thằng Tuấn bệu bảo:
- Mày cút đi. Thủy ngố là vợ tao chứ!
Thằng kia thấy tôi hung hăng thì dường như cũng hơi sợ, lùi lại, nhưng ai dè nàng vênh mặt, cong môi lên chua chát:
- Tao không thèm chơi với mày nữa. Hôm nay, tao với Tuấn là cô dâu chú rể.
Hừ, tôi xì vào mặt nàng:
- Cô dâu chú rể đội rế qua cầu.
Rồi quay ngoắt đi. Ấy là tôi đã ra cái điều khinh chúng nó, không thèm chấp chúng nó, thế mà tôi vừa quay đi được hai bước thì chúng nó hát:
- Quạ quạ quạ... Bố mày chết trên cầu Việt Trì. Đêm 30 đánh điện về nhà, cả nhà mày làm một đám ma...
Ơ, quân này láo! Tôi quay ngoắt lại:
- Tao đấm mày chết!
Ngờ đâu, thằng kia ra tay trước.
Tôi ngã vật xuống.
Lần ấy, tôi bị gãy răng và ngất xỉu. Sau này, tôi thấy bảo Thủy ngố đã khóc như mưa vì tưởng tôi “vong mạng”. A thế ra...
Nghỉ một tuần, tôi mới lại đến lớp, chẳng thấy Thủy ngố đâu. Lại phải mấy hôm sau, tôi mới dám hỏi mẹ. Mẹ tôi bảo nhà Thủy đã đi vào Lâm Đồng. Lâm Đồng? Trong trí óc tuổi thơ tôi, đó là một nơi nào đó tít tắp xa xôi. Lớn lên, tôi mới biết gia đình Thủy đi xây dựng vùng kinh tế mới. Mối tình ngậm kẹo của tôi thế là tan vỡ. Nó có cả dư vị ngọt ngào lẫn đắng cay, cả máu và nước mắt...
Suốt thời gian từ Mẫu giáo lớn đến năm lớp bốn, trái tim tôi ngủ yên. Nhưng năm lớp 5 thì “trái tim mùa đông” của tôi đã trở thành “trái tim biết khóc”. Tôi và Hà, một lớp trưởng, một lớp phó văn nghệ cùng được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Chúng tôi phải về huyện tập trung ôn luyện một tháng liền. Cả lớp có mười đứa thì tám đứa kia đều loanh quanh ở thị trấn, chỉ có tôi và Hà ở xa, phải trọ học. Nhiều lúc nhớ nhà, Hà khóc hu hu, tôi - con trai - bản lĩnh có thừa, dỗ dành Hà và cầm khăn lau nước mắt cho hai đứa.
Tôi và Hà yêu nhau. Nhiều lúc tôi ước ao giá có thể biến Hà thành con búp bê để giấu vào tủ kính. Còn Hà yêu tôi như yêu con gấu bông của nàng. Tôi vẽ vào sổ của Hà cây dừa có bốn tàu lá lơ phơ cùng hai vòng tròn làm quả. Hà chép cho tôi bài thơ “Đám ma bác giun”. Khóa học kết thúc, tình yêu của chúng tôi càng đằm thắm hơn. Cái bím tóc đuôi gà của Hà bao lần ngọ nguậy trong những giấc mơ tôi. Lên lớp sáu, chúng tôi vẫn học cùng nhau.
Một lần tôi đến nhà Hà chơi. Nhà Hà khá khang trang với mảnh vườn nhỏ xinh xinh trước cửa. Cạnh bờ rào có cây cam Đường Canh sai trĩu quả. Tôi thèm ăn mà nàng đâu có hay! Ngồi bên nàng, cạnh bàn học mà lòng tôi mơ hoài về trái cam. Nước bọt tôi ứa ra. Nàng vẫn chăm chỉ làm bài ngữ pháp. Tôi vụt nghĩ ra một kế. Tôi chỉ tay ra cổng bảo:
- Ơ, có bà ăn xin ngoài cổng kìa!
Nàng bảo:
- Bịa, ngồi đây nhìn sao được.
- Có thật không nhìn được không?
- Thật!
- Chắc chứ?
- Chắc!
Chỉ chờ có thế, tôi đứng lên nói với nàng:
- Ừ, tớ đùa đấy. Thôi tớ về, chiều đi học.
Nàng gật đầu. Tôi nhẹ nhàng như một chú mèo đi ra cổng, cẩn thận ngoái đầu lại, rồi khẽ khàng vạch rào, chui nửa người qua, tay với một quả cam. Chợt:
- Gâu!
Tôi chưa kịp định thần thì đã nghe mông đau nhói. Con chó Vàng vạn lần đáng nguyền rủa nhà nàng đã ngoạm tôi không một chút nể nang. (Mà sao tôi lại quên không để ý nó nhỉ). Tôi sợ tái mặt, hét ầm lên. Vừa lúc ấy bố nàng về đến cổng. Bị bắt quả tang, lại bị chó cắn, thế là tình tan.
Năm tôi học lớp 9, tôi bắt đầu quậy phá. Là lớp trưởng, tôi đồng thời là kẻ cầm đầu của những phi vụ phá phách. Nhớ một lần nhà trường sửa lán để xe, vôi vữa ngổn ngang. Mà lán để xe thì ở ngay trước cửa nhà vệ sinh. Cũng phải nói thêm rằng tôi là một trong số ít những học sinh mang xe đạp đến trường, vì chúng tôi học ở trường xã, bọn nhà gần dĩ nhiên là không đi xe. Hôm ấy, ra lấy xe cùng hai thằng bạn, nhìn thấy cảnh vôi vữa tung tóe, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ. Tôi lấy gạch non viết lên tường nhà vệ sinh một dòng to đùng: “Đang sửa lại nền. Cấm vào nhà vệ sinh”. Thế là bao nhiêu đứa tưởng thật. Nhất là bọn lớp sáu cứ đứng ngoài mà phun như vòi cứu hỏa.
Có một lần, vì sợ bị ghi vào sổ đầu bài, tôi đã nháy bọn chúng giấu tịt sổ đi. Lan - cô bé giữ sổ - tưởng mất, ngồi khóc ti tỉ. Tôi nhìn thấy em khóc, bỗng thấy thương vô hạn. Một tình cảm đặc biệt sóng sánh trào dâng. Tôi bắt đầu để ý đến em.
Tôi yêu Lan cháy trụi cả tâm hồn và tôi đinh ninh rằng tôi sinh ra là để cho em, à không, em sinh ra là để cho tôi. Rằng vì Lan, tôi có thể chết ngay lập tức. Tôi muốn quan tâm đến em, tôi muốn cho em chép bài, nhưng tôi không biết làm thế nào. Thế là tôi cố tỏ ra lạnh nhạt với em, thù oán em. Trong lớp có tên Long cũng thích em. Hắn luôn sán lại gần em, trêu chọc em, giấu dép của em. Đúng là trẻ ranh. Tôi cắn răng vào gán ghép Long - Lan. Người ta không ai biết rằng tôi cay cú tới mức nào. Ngày ấy, tôi hay phải băm bèo cho lợn và mỗi lần băm tôi lại nghĩ rằng tôi đang nện vào mặt tên tình địch. Gương mặt em cứ ám ảnh những giấc mơ của tôi. Cái gương mặt mà tôi vẫn bảo với bạn bè là kênh kênh, đáng ghét. Cái gương mặt mà tôi nhớ đến quắt tai mỗi lần em nghỉ học. Một buổi tối, sau khi đã viết tên em kín sáu trang giấy, tôi đã quyết định phải nói thẳng vào mặt em là: “Tôi thích em”. Và tôi đã viết một bài thơ, một bài thơ tình “vô thiên lủng”. Tôi viết như thế này:
Lan là bông hoa thơm ngát
Giữa cuộc đời khoe sắc tỏa hương
Tớ mong được hái về bên nớ
Cho lòng tớ thỏa những nhớ thương.
Ở trên, tôi vẽ một bông hoa và cẩn thận ghi chú là hoa hồng. Ở dưới, tôi vẽ một mũi tên xuyên qua hai trái tim và trích dẫn hai câu thơ bất hủ: “Bỏ tiền trong túi làm chi? Mua chai thuốc chuột phòng khi thất tình”. Ý tôi muốn thông báo rằng nếu nàng từ chối thì tôi sẽ... tự tử. Và thế rồi, hôm sau, tôi đã kẹp lá thư của tôi vào cuốn vở của nàng. Tôi đợi. Một, hai, ba, bốn ngày mà nàng vẫn lặng thinh. Đúng lúc tôi định gửi cho nàng thể loại văn xuôi thì thứ bảy...
Giờ sinh hoạt, cô chủ nhiệm sau khi nhận xét công việc của lớp đã thuyết giảng rất lâu rằng thì là còn bé chưa được nghĩ đến chuyện yêu đương nhăng nhít. Cô nói chung chung như thế mà tôi có cảm giác cô chỉ nói cho một mình tôi nghe. Cuối cùng cô hạ giọng để kết thúc vấn đề:
- Tôi biết lớp ta có một vài anh đã yêu, lại còn làm thơ gửi bạn Lan, làm ảnh hưởng đến học tập của bạn. Rất may, Lan đã thấy những thứ ấy thật nhố nhăng nên đã đem nộp cho tôi và xin tôi không kỷ luật người viết. Có đúng thế không Lan...
Lan đứng lên:
- Thưa cô, em cũng thấy là nhố nhăng...
Mọi con mắt đổ dồn vào Long. Tội nghiệp cho thằng bé...
Còn tôi, những gì tôi mộng tưởng về Lan ầm ầm đổ vỡ. Một tấm lòng mà đáng gọi là nhố nhăng sao? Tôi thấy ân hận, ân hận vô cùng. Thế là xong một tình yêu!
“Tháng năm - những dấu chân người cũng bụi mờ”. Có phải ai cũng có một thời khờ khạo, những tình yêu chưa phải tình yêu, những buồn vui ấu thơ một thuở, để xa rồi còn mãi nhớ dấu yêu?
Chú thích:
[1] Bột ngọt.
Kẻ si tình ngớ ngẩn
1. Nó chẳng thể nào nhớ được mình đã yêu bao nhiêu người: một, hai, ba hay năm, bảy. Nói vậy cho oai thôi, bởi thực ra nó chưa biết tình yêu mùi vị ra sao nữa. Là chết một tí tẹo, là sự rung cảm của hai quả tim đang đập huỳnh huỵch, là mật ngọt hay quả đắng? Ôi chao! Lý thuyết tình yêu nhiều vô tội vạ, nhan nhản như cỏ dại mà đọc vào thì cứ như là con kiến leo cành đa...
2. Nàng đẹp thật. Bọn con trai quay quanh nàng như những electron quay quanh hạt nhân. Nàng là “trung tâm của vũ trụ”, là “tiêu điểm của trường”, là “niềm tự hào của lớp 12A1”.
Phải tội, nàng là lớp trưởng.
3. Thầy giáo dạy Văn vốn dĩ là người vui tính, hôm nay - một ngày đẹp trời - có nắng vàng và gió thổi thế này, thơ của cụ Nguyễn Du thì tài tử thế kia...
- Tôi cho rằng tay Kim Trọng là một tay hèn hoặc ít nhất anh ta cũng chẳng có yêu cô Kiều mấy mẩu.
- Sao lại thế, thầy?
- Yêu cái gì mà dễ dàng chấp nhận chuyện thế chỗ như vậy? Vớ được cô Thúy Vân rồi thì chẳng buồn ỏ ê gì đến cô chị nữa.
- Nếu thầy là Kim Trọng thì sao ạ?
- Hơ hơ... - Thầy cười sảng khoái - Thế thì đời Kiều đã khác, tôi sẽ chối từ tất cả để đi tìm bằng được nàng Kiều.
- Hì hì, ha ha... - Lũ quỷ sứ vỗ tay ầm ầm - Thầy muôn năm!
- Thôi thôi... - Thầy xua tay - Trật tự, tôi nói vậy chỉ để khẳng định rằng, nếu có cuộc bình chọn Top ten những tình yêu lớn trong văn chương thì chắc chắn Kim - Kiều bị loại.
- Chí, Nở được không ạ?
- Chí, Nở à? Khả dĩ đấy chứ.
- Chắc Romeo và Juliet chiếm ngôi quán quân?
- Không!
- Sao thế ạ?
- Romeo - Juliet cũng bị loại vì cô cậu này yêu sớm quá.
- Lại thiếu hiểu biết nữa! - Nó nói leo.
- Ôi! Ha ha...
- Mời em, mời em.
- Vâng thưa thầy, em cho rằng Romeo không có kiến thức y khoa sơ đẳng đến nỗi không biết được người sống với người chết.
- Nếu em là Romeo?
- Em sẽ vạch mắt xem đồng tử, kiểm tra xem nạn nhân còn thở, tim còn đập không.
- Rồi sao nữa?
- Hô hấp nhân tạo! - Đứa nào đó hét toáng lên.
- Hoan hô, Huy “cận” muôn năm! Lớp trưởng hơi bị “tinh mắt” đấy.
4. Nó với nàng học cùng lớp, ngồi cùng bàn với nhau đã hai năm (đúng ra là hơn hai năm học). Lưu Thanh Châu là tên nàng, mười một năm học sinh giỏi, từng ấy năm đạo đức tốt và bấy nhiêu năm làm “sếp trưởng”. Chao ôi là xủng xoẻng, nghe mà phát sốt. Chẳng bù cho nó Toán, Lý, Hóa chẳng kém, chỉ có Văn với ngoại ngữ thì quá tệ. Chỉ có một lần duy nhất từ trước đến nay nó được khen là “văn hay chữ tốt”. Lần ấy, thầy đọc kỹ lắm, rồi bảo: “Ôi văn hay chữ tốt thế này mà suốt ngày đi viết kiểm điểm thì có phí không?”. Lần ấy nó có bị hạ một bậc đạo đức nhưng mà lòng vẫn âm ỉ tự hào.
Mẹ nó trách “gần đèn thì rạng” sao mà chẳng “rạng” chút nào? Nó âm thầm nghĩ: “Mẹ ơi không rạng thì chắc cũng là mực cả thôi, với lại thời nay gần mực thì... bia, gần bàn đèn là... thằng nghiện, chứ đâu có phải...”.
5. - Anh Huy nói dối. Hôm trước em bảo trẻ con mới sinh đều khóc chào đời thì anh nói có đứa mới sinh không khóc mà chỉ kêu nghé ọ, lại còn có cả sừng nữa.
- Chứ sao! Con bé ấy là lớp trưởng lớp tao. Nó là “trâu” mà lị, mà nói nhỏ thôi, nó nghe thấy nó húc chết!
- Nhưng em hỏi rồi. Anh nói dối.
- Mày hỏi ai?
- Em hỏi thằng Tuấn là cháu của chị Châu.
- Hừ thằng ấy biết qué gì.
- Nhưng mà Tuấn hỏi chị Châu rồi. Chị ấy bảo là anh Huy nói dối.
Nó giật bắn mình.
- Anh nói dối.
6. Hôm sau đến lớp, gặp nàng ở gần cầu thang, tự dưng nó có một cảm giác ngại ngần. Nàng đi trước nó hai bậc, tóc dài, mềm và mượt. Cái ba lô nhỏ đính một cái đề can hình con gấu đáng yêu nhất trường - Nó tin là như thế. Trong giờ học thỉnh thoảng nó liếc sang chỗ nàng, có lần nàng tủm tỉm cười: “Có phải nàng cười nhạo mình không nhỉ?”.
Đột nhiên, Lâm còi ghé tai nó thì thào:
- Này sếp có bồ rồi đấy.
- Thế à? Tao tưởng có từ lâu rồi chứ? - Nó nhả chữ lạnh lùng dù lòng như vừa chạm vào lửa bỏng.
- Mới.
- Thằng nào thế?
- Thằng Viện ở 12A4.
- Có phải cái thằng đẹp trai, trăng trắng, lúc nào cũng chải chuốt không?
- Đúng, chính nó đấy. Lớp phó 12A4, chúng đồn: thằng ấy làm cả tập thơ tặng sếp mình.
- Sao mày biết?
- Úi giời! Mày buồn à?
- Không, làm sao có chuyện ấy được.
- Tưởng mày đau khổ?
- Không.
- Không thì thôi, quan tâm làm gì, biết thì nói chơi.
Đang giờ Vật lý.
- Độ lệch pha là gì, Huy?
- Dạ, thưa cô...
- Anh để ý đi đâu vậy?
7. Sao nó lại như mất hồn thế nhỉ. Mọi thứ nhão nhoẹt xám xịt. Nó nằm vật trên giường nghe Khánh Ly. Buồn!
Sao Châu lại yêu Viện nhỉ?
Con trai gì mà suốt ngày gương lược, chải chuốt, đỏm dáng đến phát tởm. Học hành thì lẹt bẹt. Châu mà yêu Viện thì Châu sẽ khổ.
Ô hô! Đôi khi con người ta lại giàu lòng nhân ái đến không ngờ! “Lo cho người ta sẽ khổ”, ở đời dễ được mấy “tấm lòng vàng son” đến thế.
... “Nơi em về ngày vui không em, nơi em về trời xanh không em”. Nơi em về rồi em sẽ khổ đấy em!
8. Giờ sinh hoạt cuối tháng. Các tổ bình bầu đạo đức. Châu phê bình nó: “Sao nhãng học tập, thiếu tập trung, liên tục bị nhắc nhở”. Châu nói xong, nó bảo:
- Đúng rồi. Tôi tự nhận loại trung bình nếu chưa được thì xếp tôi loại yếu.
Châu phản ứng:
- Tôi nói vậy là để Huy rút kinh nghiệm.
- Thì tôi có nói gì đâu. Trung bình là bình thường mà, tôi chỉ muốn là một người bình thường.
- Mọi người thấy thế nào? - Tổ trưởng hỏi.
- Tôi nghĩ nên châm chước trường hợp của Huy. Tháng này là tháng tổng kết thi đua... - Châu nói.
- Tôi không cần ai thương hại cả. Thi đua với chả danh hiệu, toàn là thứ hão huyền, vớ vẩn. Nếu không có đợt thi đua với danh hiệu thì không cần làm gì à? - Chẳng biết nó sẽ nói đến bao giờ nếu Nam không huých vào người nó.
Nó nhìn thấy Châu rơm rớm nước mắt.
Cuối buổi, cô chủ nhiệm bảo nó ở lại.
- Nhà em có chuyện gì không?
- Dạ không.
- Em không ốm đau gì chứ?
- Dạ không ạ.
- Thế sao cô nghe phản ánh em học hành thiếu tập trung lắm. Cô cũng cảm thấy hình như em có vấn đề. Hay là em với Châu có xích mích?
- Dạ, không, không.
- Hai đứa chúng mày phải giúp đỡ nhau, sắp thi đội tuyển đến nơi rồi.
- Dạ.
Cô cười đầy ẩn ý:
- Ừ, thôi về đi.
- Thưa cô. Hay là cô chuyển chỗ cho em?
- Làm sao? Ừ, thôi được rồi, cứ về đi rồi cô sẽ nghiên cứu.
9. Thứ hai, giờ Toán của cô chủ nhiệm, nó chuyển chỗ. Nó cố cười, nhưng mà lòng đắng nghét. Giờ ra chơi, Lâm còi nhăn nhở bảo:
- Chúc mừng người anh em đã trở về với chính nghĩa huynh đệ. Thế nào, sổ lồng rồi, khao chứ?
Suốt giờ Sinh, thỉnh thoảng nó lại liếc mắt về bàn cũ. Lợi - kẻ thế chỗ của nó - lúc thì đưa cho Châu cây thước, lúc thì chỉ vào vở hỏi điều gì đó ra chiều thân mật lắm. Thế đấy, thế mà ngày trước nó ngồi cạnh, mặt Châu lúc nào cũng lạnh tanh. Suốt hai năm, hai tháng, một tuần chẳng nói với nhau quá mười câu. Mà mười câu ấy thì đến sáu câu là từ quãng đầu năm học lớp 10. Nhưng mà Châu là cái quái gì cơ chứ. Nói chuyện thì nói, không nói thì thôi, nghĩ làm gì cho mệt. Tình yêu là cái cóc khô gì. Không có người yêu không phải vì không có ai yêu ta mà bởi vì ta cóc thèm yêu đứa nào. Mà Châu thì cũng chẳng xinh mấy, cho dù có xinh thì cũng chưa bằng Lee Young Ae...
10. Trời chuẩn bị mưa, mây xám xịt và gió lạnh. Nó ngước nhìn trời: “Sắp mưa mất rồi, hôm nay họp các lớp trưởng ở trường, chẳng biết có mang áo mưa không? Nhà thì xa, người thì gầy gầy, yêu yếu dầm mưa mà ốm thì khổ”. Nó lẩn thẩn nghĩ, đi vào rồi lại đi ra. Nó đã định lấy áo mưa mang đến cho người ta, rồi lại thấy ngại. Lỡ đâu... “Thôi tốt nhất là trời đừng có mưa”. Mà Châu nghĩ về nó như thế nào nhỉ? Giá như nó đọc được ý nghĩ của Châu. Đã bao lần nó tự nhắc nhở là không nghĩ về Châu nữa, thế rồi vẫn nghĩ, vẫn tơ tưởng đến người ta. Còn người ta thì...
Lời người viết:
Ngày còn bé tôi đã đọc đi đọc lại chuyện Alibaba, cũng từng ước ao một lần nào đó khi niệm câu chú “Vừng ơi, mở ra!” thì phiến đá có vẻ vô cảm và lạnh lẽo kia sẽ mở ra kho báu... Có thể các bạn cũng đã từng mơ ước như tôi, nhưng đôi khi ta đã quên điều vô cùng quan trọng: Alibaba là chàng trai có trái tim dũng cảm. Sẽ chẳng có cánh cửa nào mở ra cho những người không dám thừa nhận chính mình.
Mối tình đầu
Bộ răng yêu bóng đá của nó chìa vào tờ báo, ra vẻ chăm chú lắm, nhưng nếu ai để ý sẽ thấy nó chẳng đọc được chữ nào. Tai nó vểnh lên. Nàng đến. Nó vờ bỏ tờ báo xuống, nở một nụ cười. Thế rồi cái nụ cười đã không thể nở được vì bị sâu cắn. Mà con sâu là gã kia. Cái gã ấy thì hơn gì nó chứ. Một cách thật khách quan nhé. Thằng kia hơi giàu hơn nó, hẳn rồi, nhưng chỉ về vật chất thôi chứ tình cảm thì... thằng kia học giỏi hơn nó - có gì đâu, chẳng qua cần cù bù thông minh, nó mà phát huy hết cái sạn trong đầu nó thì... còn cái khoản hình thức ấy à, thằng kia cao 1m70 nó cao 157,63cm nhưng chiều cao của con trai tính từ đầu lên đến trời kia, nói tóm lại thằng kia khá đẹp trai, nhưng nếu như nó không có bộ răng vổ thì chắc chắn nó ăn đứt cái vẻ bề ngoài. Một điều quá đúng là: Thằng kia kém hiểu biết hơn nó, hẳn rồi. Có nghĩa là nó chẳng kém cạnh gì, vậy mà nàng lại kết thằng kia. Thật là mù quáng. Người ta bảo: tình yêu bắt đầu từ trái tim, trái tim lại ở bên trái, thành ra khi yêu hay làm điều dại dột. Nó thấy đúng thật. Nàng có vẻ dại dột khi kết thằng kia mà không yêu nó.
Nàng ngồi xuống cạnh thằng kia và hai đứa (nó gọi nàng là đứa) bắt đầu bình luận bóng đá Việt Nam cùng với “năm con quỷ H.”: Hằng, Huyền, Hà, Hương, Huệ ở bàn trên. Không thèm chấp, cái kiến thức về “bóng đá học” của lũ kia so với nó thì khác gì giọt nước so với biển cả. Rõ thật là thùng rỗng kêu to.
- Sắp đến vòng loại châu Á rồi đây, Việt Nam mình đá hay phết, không biết có hy vọng gì không? - Hình như tiếng cái Huyền.
Hừ, hay, hay cái cóc khô gì, bóng đá Việt Nam mà cũng khen hay. Đúng là trình độ lùn. Bóng đá hay phải là Braxin kìa, hoặc ít ra cũng phải là Hà Lan, Ý còn tàm tạm. Chứ cái thứ bóng đá Việt Nam thì... Hôm nào xem đội tuyển quốc gia đá nó cũng phải gào thét, chửi rủa: ngu thế, kém thế, vậy mà cũng có khá lên được đâu. Bóng đá Việt Nam kém lắm, kém lắm, toàn thua thôi. Thắng cũng chỉ là ăn may, kỹ thuật quái gì, cứ sút hú họa rồi thì mèo mù vớ phải cá rán. Nó vẫn còn ấm ức, hậm hực về trận Việt Nam thắng Thái Lan 3-0. Chẳng qua là do đội Thái Lan lần ấy là đội hình hai, nó thả mình, nó không thèm đá chứ mình sức mấy. Mà xét cục diện trận đấu thì Thái Lan vẫn giữ thế thượng phong, chủ động. Nó vẫn vờ chăm chú gắn mặt vào tờ báo dù trong lòng sôi lên.
- Hồng Sơn của tớ mãi vẫn chưa khỏi chấn thương, anh ấy không thể có tên trong danh sách dự tuyển - Tiếng Huệ léo nhéo. Hừ, Hồng Sơn yếu dề, ngứa mắt, nếu nó là huấn luyện viên trưởng nó đã đuổi Hồng Sơn từ lâu rồi.
- Huỳnh Đức của mình với Tuấn vẫn là quân át chủ bài - Nó nghe thấy tiếng nàng.
Mình với Tuấn, gớm chưa, cứ như là bỏ tiền ra mua Huỳnh Đức không bằng. Mà Huỳnh Đức thì đã giỏi gì, nhằm nhò gì so với Ronaldo, hay Vieri, đúng là... chập!
Giờ lịch sử, thầy giáo hỏi:
- Tại sao công xã nguyên thủy lại tan rã?
Nó đứng dậy:
- Thưa thầy tại vì thực dân Pháp đàn áp dã man, bắt nhổ lúa trồng đay, đi phu, đi lính ạ.

Cả lớp cười. Nàng cũng cười, trái tim nó kêu binh boong như chuông chùa. Chợt nó thấy thằng kia cũng cười. Đồ khỉ, tao nói là để cho mày cười đâu. Nó rủa thầm. Ước gì thằng kia va răng vào bàn giống như con trâu trong chuyện cổ tích.
- Đông có bị làm sao không đấy? - Thầy giáo hỏi. Nó vẫn đang trong trạng thái lâng lâng.
- Đông bị man man thầy ạ.
Ôi! Nàng nói kìa, nàng nhận xét về nó, man man mới nhẹ nhàng, êm dịu làm sao.
Nó ngồi xuống, bồng bềnh như người say. Nàng bảo nó là man man nghĩa là nàng quý nó. Con gái hay nói ngược, với lại nó xem phim thấy các cô gái nói người mình yêu là: anh ngốc lắm. Thì ra nàng vẫn chưa yêu thằng kia.
Tan trường, nàng và thằng kia ở lại họp cán sự lớp. Nó đạp xe về, lòng không một chút ghen tuông nào như mọi lần. Nó tin rằng dù ở gần thằng kia nhưng nàng chỉ quý mình nó thôi.
Bố và mẹ chờ nó, cả nhà ngồi vào bàn ăn cơm. Nó và lấy và để. Mẹ nhắc: từ từ thôi con, chiều phải đi học à? Nó lắc đầu. Nó muốn nói với mẹ, nhưng nói thế nào cho mẹ hiểu nhỉ. Thôi vậy. Nó buông bát đứng lên, chạy thẳng vào phòng mình. Tự dưng nó muốn gào thật to câu thơ của ai đó. “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan”. Vì trong câu thơ ấy có từ Lan là tên của nàng. Nàng có yêu nó không nhỉ? Lòng nó đột nhiên chùng lại. Phải bói một quẻ xem ý nàng thế nào. Nó rút ngăn kéo lấy bộ bài. Mỗi khi có điều gì phân vân nó hay làm thế. Trước hết phải kiểm tra tính chính xác của quẻ bói. Nó nghĩ trong khi tay tráo bài đủ chín lần.
“Lạy trời, lạy Phật, lạy quỷ thần hai vai chứng giám nếu trưa nay con ăn cơm rồi thì trong ba quân bài con rút sẽ có từ hai quân màu đỏ trở lên”.
Nó lầm rầm khấn, đoạn rút ra ba quân bài, rồi lật: J cơ, tám cơ, chín rô. Tuyệt! Rất chính xác. Nó lại tráo đủ chín lần rồi khấn: “... Nếu Lan yêu con thì trong ba quân bài này sẽ có từ hai quân màu đỏ trở lên”. Nó lật lần thứ nhất: Chín nhép, hỏng, ba cơ - đỏ rồi, tim nó run bần bật, hồi hộp đặt tay lên quân bài thứ ba: sáu bích.
Vô lý. Như thế là vô lý. À, mà phải rồi những việc hệ trọng như thế này thì phải bói ba lần. Nó lại tiếp tục tráo và lật, lần thứ hai là sáu cơ, năm bích và K nhép. Mặt nó sầm lại sao thế nhỉ. Hay là tại mình chưa thành tâm. Nó bói tiếp lần ba. Cả ba cây đều đỏ. Thế chứ, tại lần này mình thành tâm nhất, đúng là nàng yêu mình - nó nghĩ - rồi khoan khoái leo lên giường chui vào chăn. Giấc ngủ đến rất ngon lành.
Ba giờ chiều, nó tỉnh giấc, ngồi vào bàn học lại thấy nhớ nàng ghê gớm, nỗi nhớ như muốn xâu xé trái tim, quay cuồng trong đầu nó. Con mèo đen nhảy lên bàn và nghịch ngợm hộp bút. Nó vuốt vuốt vào lưng con mèo. Còn mèo khoái chí gừ gừ, mở đôi mắt tròn xoe trong veo nhìn nó. Meo, tao sẽ gọi mày là Hương Lan nhé. Meo, con mèo nghếch mặt lên kêu.
Mẹ nói cái gì to tiếng dưới bếp. Nó thò mặt ra.
- Đông, con có thấy con mèo đâu không?
- Dạ, con Hương... dạ con mèo ạ, nó ở đây ạ.
- Nện cho nó một trận, ăn vụng hết cả xoong cá rồi.
Cái gì? Hương Lan? Không, nó ném con mèo xuống đất. Mày không thể là Hương Lan được. Đồ ăn vụng!
Tim nó như vụn vỡ.
Chủ nhật, không được gặp nàng. Chẳng biết nàng có nhớ nó không? Nó chợt nghĩ đến nàng khi làm xong một lô bài tập hình không gian xương xẩu. Nó mở máy thu hình, đài truyền hình đang tường thuật một trận đấu trong giải vô địch quốc gia. Giá mình là một cầu thủ siêu sao nhất thế giới – nó nghĩ – một mình sẽ giúp đội tuyển quốc gia đoạt cúp vàng. Nàng sẽ ngồi xem mình thi đấu, nếu mình bị phạm lỗi chắc nàng xót lắm. Nàng sẽ bảo: Cố lên Đông, Hương Lan luôn ở bên Đông. Rồi trận chung kết với Braxin mình không ra sân được vì bị chấn thương. Đội Braxin tấn công ác quá ghi bốn bàn thắng liền. Mình xin vào thi đấu. Ông huấn luyện viên trưởng lo ngại nhưng mình vẫn vào sân, mình sẽ ghi năm bàn thắng, không, ghi hẳn mười tám bàn thắng với lưới Braxin. Sau trận đấu mình sẽ nói với các phóng viên truyền hình là: tất cả các bàn thắng hôm nay của tôi đều để chúc mừng sinh nhật cô bạn gái tôi, Hương Lan. Ơ, nhưng mà sinh nhật nàng lại vào ngày 18 tháng 12, có bao giờ World Cup muộn thế đâu? Có thể hôm ấy mình đang đá cho một câu lạc bộ nào đó ở châu Âu...
19 giờ 29 phút, không gặp nàng thì không chịu được, nhưng phải có lý do gì chứ. Giá mà nàng ốm có tốt không, giá nàng bị tai nạn phải vào bệnh viện... Đằng này... Đành phải lấy lý do là đến hỏi bài. Nó vừa đạp xe vừa tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ giữa nó và nàng.
Đón nó ở cổng là mẹ nàng.
- Dạ thưa bác cháu là Đông bạn của Lan.
- Cháu học cùng lớp với Lan nhà bác hả? Vào đi, Tuấn cũng vừa đến.
Nó như một quả bóng xì hơi, định quay về nhưng chẳng lẽ...
- Vâng ạ! - Nó đáp như một cái máy.
Cả nàng và thằng kia đều chào nó. Nàng bảo:
- Ngày mai có bão không đấy?
- Tớ không xem dự báo thời tiết - Nó gượng gạo. (Câu này không có trong kịch bản). Nàng cười.
- Đùa thế thôi, ngồi xuống đây Đông.
Nói rồi nàng dịch vào trong. Nó ngồi xuống cạnh nàng. Tuấn rót nước mời. Nó cười mà lòng như có ai dùng dao lam rạch vào. Nó thấy trên bàn có một bông hồng nhung đẹp mỹ mãn. Tự nhiên nó ghét hoa hồng. Tại sao hoa hồng lại có nghĩa là tình yêu nhỉ, không, hoa thì chẳng có ý nghĩa gì. Người ta cố tình gán ghép thế thôi. Mà sao nàng nhận bông hồng của thằng kia nhỉ. Nàng yêu thằng kia. Chắc thế. Mà chưa chắc, có khi nàng chỉ nhận theo phép lịch sự thôi.
- Đông làm hết bài tập chưa?
Nó giật mình:
- Hả, bài tập à, còn một số.
- Mình với Tuấn cũng còn một bài nữa chưa xong. Bài quỹ tích phần đảo khó quá. Đông làm chưa?
Nó lắc đầu. Nó đang định vờ hỏi nàng bài ấy. Ngờ đâu...
Nàng và thằng kia quay ra bình luận về ông thầy dạy thêm ở đâu đó. Nó ngồi im, thỉnh thoảng gật đầu cười phụ họa.
Bỗng một con muỗi vo ve đậu vào gót chân xinh xắn của nàng. Nó nhìn thấy và khẽ dùng mũi chân của mình xua con muỗi đó đi. Con muỗi bay lên, rồi lại vòng trở lại. Nàng vẫn không biết. Không thể để cho nó đốt nàng. Nghĩ vậy nó bèn chìa chân mình ra, con muỗi đổ xuống chân nó. Nó lặng yên cho muỗi hút máu mình. Chưa bao giờ nó thấy muỗi đốt ngọt ngào đến vậy. Thật là ngọt ngào - con muỗi của tình yêu. Khi con muỗi thứ ba hút căng máu si tình của nó thì nó quyết định về. Thế là đủ, không thể khao muỗi nhà nàng nhiều hơn được nữa. Nó vờ vịt hỏi mượn nàng cuốn “Để học tốt Văn” rồi đứng lên.
Nàng tiễn nó ra tận cổng, dặn với theo: lúc nào rảnh thì đến chơi. Nó thấy mấy chỗ muỗi đốt đỡ ngứa hơn. Nó đạp xe về, lòng buồn tênh, trống rỗng như cái bao tải rách. “Thôi Đông ơi, quên nàng đi” - Nó tự nhủ lòng. Rồi mình sẽ trở thành người nổi tiếng, một lần gặp lại nàng thì đã lấy chồng, còn mình vẫn chưa yêu ai. Có thể nàng ngoảnh mặt, giấu một tiếng thở dài. Cũng có thể nàng bị một bọn cướp tấn công và mình xông vào cứu...
Huỵch, nó ngã văng ra, xe đổ vật.
Nó thấy đau ê ẩm, xe nó vừa đâm vào một tảng đá lớn.
Gượng đứng dậy, dựng xe lên. Ôi! Giá mà nó chết thì nàng có khóc không nhỉ? Hoặc nó bị thương nặng phải vào bệnh viện chắc nàng sẽ nói với nó như chị Shin Huyng nói với anh Chae Hoo trong phim “Thành thật với tình yêu”.
Nhưng thôi, nó phủi áo rồi lên xe, dù sao cũng phải về đến nhà cái đã.
Thần tượng và ...
Hoàng tử của nó và con bé kia sóng đôi đi dưới sân trường, lượn lờ trước mắt nó. Từ trên tầng bốn nó thấy ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải lắm. Nó tức đến nổ ruột ra mất. Nó đấm mạnh vào lan can. Ái dà! Sao bê-tông lại rắn thế không biết. Nó nuốt nước bọt cái ực. Nó nuốt theo cả một khối căm hờn. Không thèm chấp. Tình yêu mà. Nó quyết tâm độ lượng. Nó không thèm chấp... gì gì nữa nhỉ, à, không thèm tính tiền.
Nó quày quả vào lớp, thả như quăng cái khối lượng ngót nghét sáu chục ký lô xuống ghế. Cái Hạ ngồi cùng bàn trợn mắt quát nó: “Vừa vừa thôi, gãy ghế bây giờ”. Nó không thèm nói gì, giở bậy một quyển sách. Những con chữ nhảy tâng tâng. Con bé ấy và chàng vào, tíu tít kể chuyện. Nó ngồi im, mắt dán vào sách, tai khẽ dỏng lên. Không, nó không thèm nghe con bé kia, nó chỉ nghe chàng nói thôi. Giọng con bé kia chua chua, oi oi đáng ghét làm sao. Mà sao con bé ấy nói lắm thế không biết, cứ loét choét, loét choét, ghét thế không biết.
Giờ kiểm tra đại số. Một niềm hạnh phúc bất ngờ ghé qua chỗ nó. Chàng quay xuống mượn bút xóa của nó. Giọng chàng mới ấm áp làm sao. Mắt chàng như có những tia lửa, tia lửa ở mỏ hàn làm trái tim nó dường như nóng chảy.
Nó vội vã, lập cập cầm cây bút xóa đưa cho chàng. Nó cảm thấy dường như nhịp đập của tim chàng truyền qua cây bút, lan tỏa vào tim nó. Nó không nói được gì. Lòng nó như lụt trong hạnh phúc. Nó muốn gào lên. Đấy, chàng cứ xóa đi, xóa hết luôn cũng được. Nó cúi xuống mà lòng như muốn vỗ đôi cánh mỏng để bay lên. Nó múa bút - cái đồ thị hình sin.
- Mày vẽ cái gì thế này? - Hạ hỏi làm nó bừng tỉnh mộng.
Ôi! Cái đồ thị hình sin. Nó ngẩng đầu lên định đòi (à không, lấy lại) cây bút xóa. Nhưng nó thấy chàng vẫn đang tẩy tẩy. Nó nén lòng. Một phút, hai phút. Nó tưởng tượng ra phút giây tắt thở khi cầm cây bút còn đầy hơi ấm tay chàng. Nó... kìa chàng dừng lại rồi. Nó gọi chàng, rất khẽ. Nhưng mà hơi bị khẽ quá thì phải, thế nên tên chàng mới mắc ở cổ họng nó không bắn ra ngoài được. Nó hắng giọng chuẩn bị gọi lần hai thì đột nhiên chàng đưa bút xóa cho con bé kia. Nó thấy cay sè như bị ai đổ cả chai tương ớt đỏ hoét vào mũi.
Con bé kia dùng bút xóa của nó tự tin như dùng bút của chính mình vậy. Nó thấy căm thù vô hạn. Xóa gì mà lắm thế. Hơn chục ngàn đồng một cái bút chứ có ít gì đâu.
Lòng nó còn ấm ức đến tận tiết năm và sẽ còn ấm ức tiếp cho đến chiều, nếu không có sự can thiệp của cơn đói cồn cào. Hạ rủ nó xuống cổng trường và nó tạm để con đói của trái tim ngưng lại, để làm thỏa mãn những nhu cầu được pháp luật bảo trợ của cái dạ dày... kiểu Úc.
Nó đứng lên khi bốn hộp sữa chua với hai cốc chè dìu nhau nằm xuống. Hai đứa ì ạch leo lên lớp thì gặp chàng và con bé kia ra. Một cơn dông xộc qua mặt nó. Hạ hỏi: Nghỉ à sếp? Chàng gật đầu.
- Thầy ốm. Hạ với Thu vừa đi đâu đấy?
Con bé kia hỏi nó - cái giọng nhõng nhẽo nghe thấy ghét thế không biết. Ra cái vẻ, thỏ thẻ con ngan già.
Nó ngồi vào mâm cơm mà nuốt chẳng nổi. Vùng vằng ăn hai nửa bát cơm rồi đứng dậy. Mẹ đặt tay lên trán nó.
- Sao thế con?
Nó không nói gì, tu một ngụm nước rồi leo lên giường. Hình ảnh chàng lại hiện ra trước mắt nó. Ôi, mái tóc, đôi mắt mới nghệ sĩ làm sao, mới lãng tử làm sao. Thật là kỳ diệu. Chàng học giỏi, lại tài hoa. Chàng chơi ghi ta điệu nghệ lắm. Có lần nó đã nghe chàng lừng phừng bản nhạc Sòn Sòn Sòn Đô Sòn... chàng còn biết làm thơ nữa, thơ chàng cũng tuyệt. Nó đã được đọc một thi phẩm của chàng đăng trang trọng trên trang nhất tờ báo tường, số đặc biệt chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam của chi đoàn 11G. Hôm ấy nó đã đọc thơ chàng bằng cả sự rung động của một con tim biết yêu tha thiết. Nó đã gần như ngay lập tức thuộc lòng 2 trong số 26 câu lục bát của chàng:
Ờ, gì nhỉ:
Ai về thăm lớp 11 Gờ
Khí thế học tập đang chờ bốc lên.
Chẳng còn nói chuyện triền miên.
Chẳng còn quay cóp mà quên học bài.
Chàng ơi! - Nó thầm nói, lòng đầy xúc động. Thơ chàng hay như thơ của một “đại thi hào nhớn”. Nếu sau này có dịp làm tiếp Thi Nhân Việt Nam, em sẽ tuyển chàng đầu tiên như ông Hoài Thanh tuyển thi sĩ Tản Đà.
Nó ngưng lại, cơn xúc động dịu đi - Em sẽ viết một bài về chàng như ông Thanh đã viết về ông Đà. Gì nhỉ? À, cung chiêu hồn anh Tản... Không, chiêu hồn anh Quốc Dũng chứ - chàng tên là Quốc Dũng mà lại.
Nó thấy nhớ chàng quá. Nó lôi quyển album dưới gầm giường, moi ảnh chàng ra ngắm (nói thế cho oai chứ nó làm cóc gì có ảnh chàng). Nó ngắm chàng trong tấm ảnh tập thể lớp. Chàng đang cười, hừ, lại con bé kia. Sao con bé ấy cứ bám lấy chàng thế nhỉ. Rõ ghét. Nó chỉ tay vào mặt con bé kia mắng sa sả. Rồi vớ lấy cuộn băng dính đen dán mặt con bé kia lại. Nó thấy đỡ bực bội hơn. Lòng nó dịu lại. Mắt nó phát tia bức xạ tình yêu tới ảnh chàng. Nhỏ quá, nó mở tủ, lục lọi ngăn kéo và lôi ra một chiếc kính lúp. Rồi, bây giờ thì mặt chàng đã được phóng đại hai chục lần. Nó nhắm một mắt lại. Mắt kia mơ màng ngắm chàng qua thấu kính.
Chàng đứng dưới đường bóp còi bim bim gọi nó. Nó chào mẹ rồi leo tót lên ngồi sau xe chàng. Đi Hồ Tây bơi thuyền nhé.
- Ứ, hứ.
Tây hồ, Tây hồ. Tím huyền hoặc như cổ tích. Nó xòa tay, vốc một vốc nước, nghe hạt hạnh phúc rỏ long tong. Thuyền bỗng chòng chành. Nó hoảng hốt níu lấy chàng. Ôi! Em sợ.
Đừng sợ! - Chàng bảo nó - Chúng mình sẽ chết cùng nhau. Em hát My heart will go on trong Titanic đi. Nó không sợ nữa mà chỉ run run bắt đầu hát bài “Trái tim em sẽ đập mãi”. Thuyền chìm dần... Nước tràn vào mặt mũi nó. Hình như nó uống một ngụm nước thì phải. Ngọt quá. Nó hét. Chàng ơi! Mình chết đi. Chàng bảo: Ừ, hai, ba nào chúng mình cùng chết thôi. Nó lại uống thêm một ngụm nước nữa. Chợt nghe đau nhói. Nó giật mình, mở mắt ra. Hạ cầm cốc nước và cái thìa con ngồi cạnh nó cười nhăn nhở: Mày mơ thấy gì mà hét khiếp thế.
- Mơ thấy cái con khỉ. Mày đổ nước vào mồm tao hả.
- Ừ! - Hạ lại nhăn nhở cười.
- Có vụ gì đấy.
- Hôm nay rằm, đi chùa rút thẻ đi.
- Rút thẻ...?
Hạ bảo:
- Mày vào trước, tao vào sau.
Bà vãi già mắt toét ba vành sơn son chìa cho nó cái đĩa bảo tùy tâm đặt tiền lên, rồi hỏi họ tên nó đoạn lầm rầm khấn: “Tấu lạy thánh ngài! Cô Nguyễn thị Hoài Thu không quản đường xa dặm thẳm đến trước cửa ngài. Xin ngài chỉ bảo, ban cho sức khỏe công danh rạng rỡ, chồng thuận vợ hòa, con ngoan, cháu khỏe, trong ấm ngoài êm...” rồi hi hóp lễ. Nó cũng bắt chước bà vãi, ngoan ngoãn vái ba vái như xỉa tay vào mặt Thánh. Xong đâu đấy, nó rút một thẻ tre. Số 18.
Hạ cầm lá thẻ của nó đọc rồi giảng giải một chập. Nó chẳng hiểu gì cả. Nhưng có một câu nó tin. Bởi nó đoán đấy là việc thần linh xui nó với chàng. “Tiền duyên phối hợp đến nay thành”. Thế đấy, hóa ra kiếp trước nó và chàng còn duyên nợ với nhau. Lòng nó vui như cái bỏng ngô vừa nổ.
Giờ ra chơi tiết bốn, chàng ngồi trong lớp đọc báo, vì thế nó chẳng muốn xuống cổng ăn quà. Nó ngồi lại ngay sau lưng chàng. Thằng Tuấn ở đâu chạy đến chỗ chàng ghé mắt vào tờ báo. Đột nhiên Tuấn tóm tóc chàng bảo.
- Sếp có nhiều tóc sâu quá.
- Bác nhổ cho em với! - Nó nghe thấy tiếng chàng. Giọng chàng trầm ấm như hòa quyện của ngàn tia nắng, ngàn tiếng sóng.
Tuấn nhổ sợi tóc của chàng quay xuống đặt lên vở nó:
- Bà nhìn này, toàn tóc sâu.
Ừ nhỉ. Nó gật đầu. Khi sợi tóc thứ ba của chàng được Tuấn đặt lên vở nó thì trống vào. Nó vội vã gấp cuốn vở lại cho vào trong cặp, rồi cúi xuống vờ tìm thứ gì đó trong ngăn bàn, nhưng thực ra cố nén để trái tim không nổ tung như bộc phá.
Không thể đợi được đến lúc tan trường. Nó xin phép thầy nghỉ học tiết kỹ thuật cuối cùng. Thầy sửa cặp kính dày cộp đeo trên mắt nhìn bộ dạng như người thăng đồng của nó.
- Em ốm à?
Nó đạp xe như bay về nhà. Mở cửa ào ào rồi chạy băng băng lên phòng nó, mặc cho cái xe đạp khốn khổ đổ kềnh ra giữa sân, giơ bánh lên giãy giãy. Nó nhảy ba bậc cầu thang một và trong lúc vội vàng nó giẫm vào đuôi con Kiki làm con chó tội nghiệp gào lên một tiếng kinh hoàng.
Nó chẳng kịp mắng con Kiki là đanh đá như mọi ngày. Chẳng kịp dạy con Kiki phải yểu điệu thục nữ như mọi hôm. Nó lao vào phòng. Đóng cửa lại. Lôi cuốn vở ra. Tay run như kẻ tìm vàng vừa tìm ra kho báu.
Nó say sưa ngắm ba sợi tóc sâu của chàng. Nó nhìn chăm chăm vào ba sợi tóc. Có thể rồi mai ngày xa lắm gặp nhau, lúc ấy tóc chàng đã bạc. Nó sẽ đưa tặng chàng ba sợi tóc, ba sợi tóc không phai màu với thời gian, như bằng chứng về một tình yêu mãi mãi. Nó nghĩ và lòng buồn lắm. Hai hàng nước mắt ào ào chảy. Nó nức nở và chợt nhớ có một câu chuyện cổ tích rất xúc động về tình yêu trong đó cũng có dính dáng đến ba sợi tóc. Hình như là trong truyện cổ Grim. Nó vội lau nước mắt, đi ra phía cầu thang gọi xuống.
- Minh ơi, Minh mang cho chị quyển truyện cổ Grim lên đây.
Thằng cu Minh - học lớp ba - mang quyển truyện chạy lên.
Nó hỏi vội vàng:
- Này Minh, có phải trong này có câu chuyện gì mà có ba sợi tóc.
- Đúng đấy, em thích nhất truyện ấy. Truyện ba sợi tóc vàng của con quỷ sứ chứ gì?
Nó sững người.
- A chị có ba sợi tóc ở đây à? - Minh reo - Tóc của quỷ đây à. Trong giống như sợi lông ở đuôi bò ấy nhỉ. Khiếp quá để em mang đi đốt.
Nói rồi Minh vớ lấy ba sợi tóc.
- Không được! - Nó hét. Nhưng không kịp nữa rồi.
Sinh nhật con bé kia. Nó chối không đi vì không biết nhà, thì chàng bảo: không sao. Thu đi với tớ. Nó thích mê ly nhưng làm bộ nhăn nhíu. Chàng lại bảo: đừng sợ, thì nó gật đầu nhanh như chớp. Trên đường đạp xe đến nhà chàng nó khoái chí nghĩ về món quà của nó. Mười bảy thanh kẹo béo – chúc một tuổi mới ngọt ngào như vòng tay âu yếm (ồ không, ăn kẹo béo sẽ phát phì ra em ạ).
Mặt chàng trắng bệnh như người chết. Đang mời nó uống nước thì chàng quay lại gọi: “Mẹ ơi! Tiếp khách cho con”, rồi ôm bụng phi thẳng đến khu vực “Đáp bờliu xi”.
Mẹ chàng lắc đầu bảo nó:
- Thôi thì cháu đi một mình vậy. Thằng Dũng bị Tào Tháo đuổi từ đêm. Lớn thế mà cứ hốc nhằng hốc nhịt vào...
Nó lí nhí chào rồi dắt xe ra cổng. Ôi, thần tượng...
Xuân Tân Tỵ, 2001
Luyện thi
Khi cái nắng mùa hạ oi nồng bắt đầu đổ xuống, khi phượng ở góc đường nghi ngút đỏ, khi ve kêu rỉ rả, hả hê, tôi mười tám tuổi bước vào một “giải đấu” quan trọng của cuộc đời. Qua “vòng đấu bảng” - tức là kỳ thi tốt nghiệp - tôi sẽ phải dốc sức chiến đấu ở cả ba mặt trận: hai “cúp” đại học và một “cúp” Cao đẳng sư phạm của tỉnh. Tôi thì có vẻ không thích lắm với cái “cúp” cao đẳng. Nhưng bố, mẹ tôi bảo: “Phải chiến đấu vì phong trào”.
Lúc đầu, tôi định tự đóng cửa tập luyện rồi đi thi nhưng bố tôi bảo: “Mình là cầu thủ chân đất, tỉnh lẻ. Trình độ kỹ thuật, ý thức chiến thuật chưa cao, phải ra ngoài thành phố học hỏi thêm, với lại cũng phải cọ sát cho quen với sân bãi, với áp lực lớn”. Mẹ tôi không nói gì, lặng lẽ sang nhà bác hỏi xem ông anh họ tôi có về thì cho tôi ra ở nhờ. Bao giờ cũng vậy, mẹ tôi luôn là người quan tâm nhất đến chúng tôi.
Và tôi đi, lòng phơi phới lắm, ông bác ra đón tôi ngoài ngõ bảo: Cố lên, cố lên, tất cả vì màu cờ sắc áo nghe không. Tôi rưng rưng nắm chặt quai ba lô mà nói với mọi người rằng sẽ làm tất cả sức mình.
Tôi tá túc ở nhà anh chị tôi dưới Thanh Trì - trong một khu tập thể. Nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau tôi đạp xe theo anh lên Cầu Giấy. Thành phố to lớn, ồn ào quá, tôi thấy mình lạc lõng đến thảm thương. Tôi ghi tên vào lớp A6 ở lò luyện thi Sư phạm I. Nghe “giới chuyên môn” bình luận rằng lớp này toàn “huấn luyện viên” danh tiếng, chất lượng cầu thủ được đào tạo chẳng kém gì cầu thủ được huấn luyện ở Ajax Amxtecdam thuở nào. Ghi tên và nộp lệ phí xong tôi nhận được một tờ giấy coi như thẻ xuất trình để ra, vào lớp. Đang lơ ngơ nhìn sau, nhìn trước thì thấy ai đập mạnh vào vai. Tôi giật mình ngoảnh lại thấy một cái kính cận cười toe toét. Đông à?
- Ơ, ơ, anh.
- Anh Việt đây mà, mày ra đây ôn thi à?
- A, a, anh Việt, anh học ở đây à?
- Ừ, anh đang học trường này. Vào đây, vào đây.
Anh Việt kéo tôi vào quán, ấn xuống ghế cạnh hai anh khác đang phì phèo hút chung một điếu thuốc lá. Ê, đây là em tao, cùng xã đấy, nó ra ôn thi.
Hai anh kia gật gù hỏi tôi đủ thứ, đúng là cầu thủ ngoại hạng có khác - đầy kinh nghiệm. Tôi tròn mắt lên mà nghe chuyện của các anh. Đột nhiên anh Việt hỏi tôi:
- Mày ở đâu?
- Em ở bên Thanh Trì.
- Thanh Trì à? - Anh nhăn mặt.
- Làm sao anh? - Tôi thảng thốt.
- Không, không sao... nhưng hơi xa, phải “di chuyển” nhiều.
- Nhưng an tâm về tư tưởng - Anh gầy gầy nói - Thôi cũng được.
Sáng hôm sau, tôi đến lớp. Chao ôi là đông, phải đến một trăm người chứ không kém. May mà chị dâu tôi lo xa sợ tôi lạc đường nên bắt đi từ sớm không thì chỉ còn nước đứng ngoài. Nóng như một cái chảo lửa. Vẫn những bài bản cũ, những cách thức cũ mà tôi đã từng được rèn tập, hay là tôi chưa đủ trình độ để hiểu được những cái tinh vi, huyền diệu từ vị “huấn luyện viên” kia?
Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, hình như toàn “cầu thủ phong trào” như tôi, có những cặp mắt chăm chú, có những cặp mắt lờ đờ, mệt mỏi pha trộn với lo lâu. Tan học, tôi theo dòng người chảy từ tầng bốn xuống đất, bỗng thấy ai dẫm vào chân mình. Quay sang, nghe một giọng miền Trung nặng nặng. Đại ý là cậu ấy xin lỗi vì sơ ý.
- Không sao. Cậu quê ở đâu?
- Thanh Hóa.
- Tớ ở Hải Hưng. Cậu học trường nào?
- Lam Sơn.
- Ôi - Tôi suýt la lên - Chuyên Lam Sơn. Chuyên Lam Sơn là siêu lắm đấy. Chuyên Lam Sơn mà vẫn đi ôn thi lớp cấp tốc à?
- Ừ thì không muốn nhưng bố mẹ cứ ép - Cậu ta nói với một câu đại ý như thế.
Sáng hôm sau tôi đến thì gặp Hùng và Tuấn. Mừng như bạn bè lâu năm mới gặp nhau. Chúng nó cũng đăng ký học lớp A6, tại sao lại thế nhỉ, lớp tôi đã quá tải rồi mà. Chúng tôi kéo nhau đến khu nhà học - giảng đường khoa kỹ thuật công nghiệp thì phải. Một gã chừng ít tuổi hơn chúng tôi, mũ lưỡi trai đội ngược, không cài hai cúc áo ngực, ngồi lên một chiếc ghế chắn ngang lối đi cầu thang. Thì ra gã soát vé. Nhưng mà mắt gã cũng lờ đờ lắm. Cô trông xe hỏi: Hôm qua có xem bóng đá không? Thấy hàm răng gã cười cười. Hùng bảo tôi và Tuấn cứ lên trước, còn nó lừng khừng đi ra phía cuối dãy nhà. Tôi và Tuấn leo lên cầu thang. Vừa bước đến tầng hai, Tuấn rẽ trái.
Ở tầng bốn cơ mà! Tôi nghĩ Tuấn không biết. Nó ra hiệu cho tôi im lặng. Tôi ngơ ngác đi theo một đoạn xa, Tuấn gọi Hùng ở dưới sân. Hùng nhìn quanh. Tuấn móc trong túi ra một viên sỏi cuộn cái thẻ vào viên sỏi rồi ném xuống. Tôi bừng tỉnh. Thế mà chúng mày không bảo tao trước, đỡ phải nộp lệ phí.
Một chiều, tôi đạp xe về đến Mai Động thì gặp Trọng cùng lớp.
- Mày ôn ở đâu đấy?
- Bách Khoa, cùng chỗ bọn thằng Anh.
- Ăn chè không, tao khát quá.
Hai đứa ngồi dưới một gốc cây to. Bà cụ hàng chè kể đã bán hàng hơn bốn mươi năm.
- Chỗ mày có đông không?
- Đông lắm.
- Cũng đông lắm à. Bọn lớp mình có mấy đứa?
- Bốn. Tao, Tú, Anh với Hương.
Tôi thấy mặt nó khác khác khi nhắc đến tên Hương, nên tiếp:
- Hay nhỉ!
- Hay cái gì?
- Ờ, ở chỗ tao có một thằng chuyên Lam Sơn cũng đi ôn thi cấp tốc.
- Sao mày biết nó là chuyên Lam Sơn.
- Thì nó bảo với tao.
- Nó cho mày đi chợ Kỳ Lừa rồi! Được cài vào đấy! Cho thêm danh tiếng í mà!
Đang mùa bóng đá nhưng chị tôi cấm không cho xem. Lại ra lệnh cho ba đứa cháu tuyệt đối không để tôi mó tay vào việc gì, chỉ có học, học và học. Chị tôi là bộ đội thông tin đã về nghỉ hưu, sáng nào cũng chở rau lên phố bán, chiều muộn mới về. Bốn chú cháu ăn sáng xong tôi vơ quyển sách rồi đi liền.
- Trưa chú có về không?
- Không, tối chú mới về, hôm nay chú học cả ngày.
- Vâng, tối chú về bọn cháu bảo cái này, hay lắm.
Tôi đi đến khu lớp học hôm trước. Sao vắng tanh thế nhỉ. Thôi chết chuyển địa điểm rồi. Tôi cuống lên mãi mới tìm ra A6.
Hùng và Tuấn trọ ngay trong ký túc xá của trường Đại học Sư Phạm I. Buổi trưa, chúng rủ tôi vào. Ăn cơm về, Tuấn nhăn nhó kêu đau bụng. Tôi đứng ngoài hành lang. Mấy anh sinh viên vừa chuẩn bị hòm xiểng ra về, vừa trêu các cô bạn gái. Cái gì mà “Tình yêu có từ khoa Sinh, tỏ tình toàn bằng cóc nhái...”. Hùng bảo hôm sau về sẽ xem điểm thi tốt nghiệp, nó kể lại hôm qua có cậu bạn quê Thái Bình được tin trượt tốt nghiệp khóc mếu ra về.
Tối, tôi về hai đứa cháu túm lấy, thì thào: Này chú biết không? Biết gì? Ở nhà bên có chị Minh cũng ôn thi giống chú. Thế thì sao chứ?
Chị ấy hơi bị xinh đấy, cũng thi Đại học Sư Phạm. Chú sang cưa đi. Tôi cười. Cháu bảo thật, chị ấy chưa có người yêu đâu. Thằng em chị lúc chiều vừa sang đây. Chúng cháu bàn nhau rồi, vừa nói đã thấy thằng kia thập thò ngoài cửa. Tôi cười, ừ, chúng mày giúp chú nhé. Đúng lúc ấy, chị tôi về, nghe chuyện mắng át đi: Rõ trẻ con vớ vẩn, để cho chú tập trung vào học.
Rồi thì lũ trẻ vẫn cứ tìm mọi cách để cho tôi và cô bé ấy gặp nhau. Đầu tiên là đứa em sang nhà nói với tôi là mang cho chị nó mượn tờ giấy có in sơ đồ các địa điểm thi của trường Đại học Sư Phạm. Tôi cũng muốn biết cô bé ấy mặt mũi ra làm sao nên mang sang tận nơi. Phải thừa nhận Minh khá thông minh và sắc sảo, dĩ nhiên là xinh xắn. Chúng tôi nói vài ba câu xã giao. Bỗng nghe: Ối! Vội đứng lên. Thì ra bọn trẻ hai nhà chen chúc nhau theo dõi chúng tôi đến nỗi ngã díu vào nhau.
Thấm thoắt đã là chẵn mười năm. Tôi đạp xe bao buổi mưa, buổi nắng trên tuyến đường Thanh Trì - Cầu Giấy, để bây giờ cứ nghe những tên phố, tên đường ấy lại thấy thân thương, nhưng có những người cùng luyện thi với tôi, đến bây giờ vẫn không gặp lại nên đã trở thành xa lạ...
Thời hoa đỏ
Cô giáo dạy Văn gấp sổ điểm lại, ngay lập tức nó rời mắt khỏi cuốn sách giáo khoa. Phù, thế là sóng gió đã qua. Trời thương kẻ có đức. Nhưng làm gì ba mươi phút nữa đây? Cô giáo viết đầu bài lên bảng và bắt đầu thao thao về một cái ông nhà thơ nào đó. Nó chẳng thấy hứng thú gì. Ôi dào! Cô bảo hay thì vâng, hay; cô bảo có tư tưởng thì dạ, có tư tưởng. Cô bảo là có phong cách riêng, riêng như thế nào? Đã không ít lần nó thấy cô giảng đại loại là: “những câu thơ rất, rất Xuân Diệu”. Ô hay! Thơ của Xuân Diệu mà không rất Xuân Diệu thì sao? Chẳng lẽ cô lại nghĩ là Xuân Diệu đi chép thơ của người khác à? Bình luận thế thì khác gì “Mèo lại hoàn tiểu hổ”. Bình luận phải được như anh Long Vũ trên truyền hình ấy, hài hước mà sâu sắc, thế mới “năm bờ oăn” chứ.
Nó che một cú ngáp, nhìn sang thằng Long “Đan-cô” [1]. Cái biệt danh “Đan-cô” ra đời từ bao giờ? A, có lẽ là từ năm nó học lớp 6 hay lớp 7 gì đó, cũng trong một giờ Văn, Long đang gà gật thì bị cô giáo hỏi:
- Đan-cô dùng cái gì để soi đường cho bộ lạc?
Long hốt hoảng, thành thử đáng ra phải nói là dùng trái tim thì hắn nói nhịu thành: “Đan-cô dùng... cái chim”. Hôm ấy, khối đứa suýt đứt ruột vì cười.
Long “Đan-cô” cũng ngáp liên khúc như nó, đúng là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Bỗng thằng Hoàng quay xuống vứt cho nó mảnh giấy vo tròn. Nó khẽ khàng giở trong ngăn bàn và đọc:
- Đố mày biết ông nhà văn nào có tên tây nhất?
“Anh Đức” - Nó viết ngay xuống dưới rồi ném trả Hoàng. Hoàng lại hí hoáy viết:
- Đố mày có ông nhà thơ nào có tên tròn nhất?
- “Chế Lan Viên chứ gì?”.
- Ừ, thế tao đố mày ông nhà văn nào mê vẽ nhất? - Hai đứa bắt đầu chuyển sang thể loại văn nói.
- Mê vẽ nhất à à... Tô Hoài. Tô Hoài đúng không? - Nó thì thào.
- Đúng!
- Đến lượt tao. Tao đố mày: Ông nhà thơ nào đỗ đạt nhất?
- Nguyễn Khuyến - Hoàng đáp.
- Hừ - Nó xì một tiếng.
- Văn Cao? Đoàn Giỏi?
- Sai toét!
- Thế ai?
- Trần Đăng Khoa. Đăng Khoa chẳng là đỗ đạt thì gì?
- Đông!
- Dạ! - Nó bật dậy như lò xo.
- Mang vở ghi lên đây tôi kiểm tra!
- Dạ, em quên! - Nó lại nói dối, không sao, nói dối là thuộc tính của con người và sinh giới nói chung.
- Anh làm gì có vở mà quên. Anh coi thường môn Văn không thèm học phải không?
- Dạ không ạ!
- Không cần học chứ gì?
- Dạ không ạ!
- Không là không như thế nào?
- Dạ là không phải thế ạ. Em xin lỗi cô ạ!
- Không phải xin lỗi, xin lỗi mà lần sau vẫn thế thì xin làm gì. Anh ngồi xuống!
- Hừ, chuyện nhỏ như con thỏ ăn cỏ, bỏ qua! - Giờ ra chơi, nó ngắm cái tên mình trong sổ đầu bài và nói.
- Chẳng nhỏ đâu, phải đọc bản kiểm điểm trước lớp thì da mặt cũng hơi bị dày đấy! - Diễm vừa lấy lại cuốn sổ vừa nói.
- Ít dày lắm. Đây quen rồi!
- Không biết ngượng với Đun-xi-nê à?
- Tí ngượng thôi.
Thằng Tuấn sà đến bảo:
- Bác viết luôn cho em một bản!
- Vụ gì?
- Thì đấy, giờ Sử hôm thứ ba.
Trong mọi thứ văn chương, có lẽ sở trường của nó là viết... kiểm điểm. Mà nói cho cùng, văn chương kiểm điểm mới là đỉnh “E-vơ-rét” của văn chương. Một bản kiểm điểm hay chẳng dễ viết chút nào. Bởi vì nó phải làm rung động tâm hồn người nghe, làm người nghe thấy được sự thành khẩn, sự đáng thương và những hoàn cảnh khách quan, những diễn biến tâm lý xô đẩy một con người trong trắng đến chỗ lỗi lầm. Một bản tự kiểm xuất sắc là một bản kiểm điểm có tính chiến đấu cao, hướng thiện và có tính nhân văn cao độ. Quyết chiến với thói hư tật xấu, quyết đoạn tuyệt với những lỗi lầm, quyết làm một cuộc cách mạng bản thân. Viết làm sao để mọi người thấy rằng tác giả dù đang ở trong bóng tối nhưng tâm hồn luôn hướng ra ánh sáng. Viết làm sao để không lặp lại giữa bản kiểm điểm tuần này và bản kiểm điểm tuần sau. Viết làm sao để vừa kế thừa được tính truyền thống song lại kết hợp được tính hiện đại. Có tài không thôi chưa đủ, còn cần cả cái tâm nữa. Và điều quan trọng hơn cả là phải định hình được một phong cách riêng, rất... rất gì nhỉ? Nó cười để kết thúc những ý nghĩ giễu cợt bằng những ngôn từ nó nhặt được trong các giờ Văn, kết thúc chuỗi ý nghĩ vẩn vơ trong đầu nó.
- Bài kiểm tra làm Văn đây bà con ơi! - Thủy ào ào.
- Của hiệp sĩ đây này!
- Mấy đấy?
- Ba!
- Lại ba! - Nó chẳng thấy buồn. Nó liếc qua lời phê. Gì thế này? “Chỉ bình tán lung tung, không nắm được tác phẩm”. Cô phê đúng thật! Bởi vì cho đến tận bây giờ, nó vẫn chưa biết cái tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” ấy viết về cái gì. Hôm kiểm tra, nó lờ mờ đoán rằng tác phẩm này viết về trăng. Lại nhớ có lần cô bảo ánh trăng như sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Mà tác phẩm này nằm trong dòng văn học thời chiến tranh. Thế thì phải có tính chiến đấu, tính cách mạng, phải đặt lý tưởng trước cái tôi cá nhân, phải hòa tình yêu lứa đôi vào công việc, chứ không thể là sáng trăng của Nam Cao, không thể giống “vầng trăng ai xẻ làm đôi” trong truyện Kiều, không thể như một công thức ăn chơi Cầm - Kỳ - Thi - Họa... của các Đông phương tài tử. Cũng không thể là quả bóng bạn nào đá lên trời như trong thơ của họ Trần.... Và cứ thế là nó tán, cuối cùng cũng bôi ra được hai trang. Hai trang ba điểm, bình quân điểm rưỡi một trang, trong khi bọn kia viết tám trang đẫy đà mới được bảy điểm. Như thế, nếu xét về chất thì văn chương của nó xứng đáng là... số một.
- Mấy? - Nó hỏi.
- Năm - Tuấn càu nhàu - Có bao giờ khác đâu. Nhìn đến tên em là cô giáo cho năm hoặc bốn.
Nó lắc đầu:
- Không phải thế đâu!
- Lại còn không à? Văn này có phải văn của em đâu! Em chép từ ba quyển những bài văn mẫu đấy!
- Thợ lắp ráp à? Công năm điểm là ngon rồi!
- Ngon gì, xe máy Việt Nam cũng... lắp ráp đấy, sao vẫn đắt thế? Bác xem, cả cái trường này có đứa nào tự mình làm một bài văn không? Đều là đầu thầy A, đuôi thầy B cả đấy ạ. Sao chúng nó vẫn được điểm cao?
Nó cười không nói gì.
- Bác mấy?
- Ba. Kỳ này dễ yếu quá.
- Không sao, lại dùng cái bài hôm trước bác giúp em.
- Sợ cô giáo nhớ!
- Sợ quái gì. Nếu lộ, em bảo là em nhầm, có liên quan gì đến bác đâu?
- Ừ, thề nhé!
Thế là nó phi ra ngoài quán ngồi. Lát nữa vào giờ, cô giáo gọi điểm, đến tên nó, Tuấn sẽ réo: Năm.
Trót lọt 2 lần rồi. Quá hay, đấy chính là kế “biến không thành có” trong tam thập lục kế của các binh gia thời xưa. Mà nó nghĩ ra cách này từ bao giờ nhỉ? Bắt đầu có lẽ từ cái lần cô bảo sẽ không ghi điểm vào sổ ngay. Để cho bọn chúng xem lại bài xem có cái gì cần trao đi đổi lại không. Ôi dào! Vẽ chuyện. Nhưng mà thế lại hóa hay. Lại hóa ra là cô đã tạo cho chúng một cách về đích an toàn. Nó nhớ có ai đó nói rằng: “Mọi lối đi đều ở ngay dưới chân mình”. Chí lý quá! Chí lý quá!
Xét cho cùng thì nó cũng là kẻ mê văn chương chữ nghĩa. Nhưng những thứ nó mê như Ba người lính ngự lâm, Bá tước Mông-tơ Cristo hay Trăm năm cô đơn... lại không được đưa vào sách giáo khoa. Ngay cả cách ra đề Văn nữa. Tại sao không ra một đề kiểu: Em hiểu gì về Tản Đà? hay Em đánh giá như thế nào về Hoàng trong “Đôi mắt”. Có nghĩa là phải làm sao cho học sinh nói lên được những điều họ nghĩ, họ trăn trở. Đây thì: Bằng lập luận hãy chứng minh tính chiến đấu của tác phẩm..., không thì lại: Có ý kiến cho rằng... Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. Ý kiến à? Ý kiến hay danh ngôn thì cũng chỉ thể hiện góc nhìn các nhân vật. Mọi vật đều vận động, tại sao lại bắt công dân thế kỷ XXI có cách nghĩ như người thế kỷ trước nhỉ? Thế mà ở đâu cũng thấy nói lấy người học làm trung tâm. Trung tâm gì? Trung tâm của sự nhồi nhét à?
Thứ bảy. Nó đến lớp sớm hơn lệ thường. Nó phải mang bản kiểm điểm đến cho Tuấn sao lại. Nhìn thấy Diễm và Hà kều, nó bảo:
- Ê bọn này vẫn ngồi ở đây à. Cái Lan “thùng phuy” đang khóc lóc sụt sùi ở dưới nhà xe kia kìa.
- Sao?
- Làm sao, người tình của nó dứt áo ra đi chứ làm sao!
- Láo toét!
Nó chẳng thèm đáp, nói bâng quơ: “Kể cũng tội, vừa chiều qua đến nhà “thùng phuy” vẫn thấy nó nằm bên cạnh Lan. Tỉnh dậy nó còn cọ râu vào mặt Lan. Thế mà tối qua nó đã đi rồi!”.
- Láo toét!
- Đừng có nói bậy!
- Lại còn không à? Đây này, “thùng phuy” vào đây này!
Lan “thùng phuy” bước vào mắt vẫn hoe hoe.
- Sao thế? - Cả Hà và Diễm cùng đứng lên.
- Con mèo tam thể của tao ăn phải bả tối hôm qua chết rồi!
- Đấy, thấy chưa? - Nó đắc chí.
Hà lườm nó:
- Đồ hiệp sĩ phải gió, làm chị mày cứ tưởng...
- Tưởng gì! Đầu óc toàn những ý nghĩ đen tối!
Nó quăng cái cặp đánh rầm xuống bàn và ngồi vào ghế. Có một tờ giấy gấp nhỏ, gài ở ngăn bàn, có vẻ cố tình dành cho nó. Gì thế nhỉ, nó vội vàng mở ra:
Đ.K.S nghĩa là Đời - Khổ - Sở
Mang cái danh hiệp sĩ mà hèn
Lừa thầy, dối bạn thường xuyên
Ba thành năm, ai bắc thang lên hỏi trời.
Nó tức tím ruột, đỏ mặt vì ngượng. Đứa nào thế không biết. Mẹ cha thằng Bá Kiến. Nó mà biết đứa nào thì nó nhổ hết ba mươi sáu cái răng nanh, răng cửa, răng hàm. Cả giờ học nó ngồi ngay như phỗng. Ức quá, gừ gừ, ức quá. Đứa nào, đứa nào nhỉ. Nó muốn cãi nhau quá. Cuối cùng thì nó viết vào bên dưới tờ giấy ấy một dòng to đùng: “Có giỏi thì ghi tên xem nào, đừng có lén lút như đồ ăn cắp. Không dám xưng tên thì ngươi cũng chỉ là đồ hèn”.
Sáng thứ hai. Nó lại đi học muộn. Suốt cả đêm hôm qua nó đoán già, đoán non. Cái nét chữ ấy chắc chắn là chữ con gái, chắc là ở lớp nó rồi. Có phải là của Quỳnh không nhỉ? Không, chắc là không bao giờ có chuyện ấy đâu!
Hết giờ chào cờ nó mới vào trường, phi vội lên lớp, lùa tay vào ngăn bàn.
“A, thế ra ngươi vẫn còn một chút sĩ diện, nhưng ngươi tiểu nhân quá, muốn tìm ta để trả thù có phải không, Hiệp sĩ hèn? Ký tên: Cúc Trắng”.
A, a. Nó lại bị chửi rồi. Cúc Trắng à... Cúc Trắng... Nó lại bắt đầu đoán mò đoán mẫm. Cuối cùng nó viết vào mảnh giấy: “Gửi Cúc Trắng. Xin cảm ơn vì nhờ bạn, tôi đã nhận ra lỗi của mình. Xin lỗi vì những gì không phải. Mong được biết tên”. Ấy là nó đã dùng đến chước “Khổ nhục kế” để dụ địch.
Sáng hôm sau nó nhận được thư.
“Ta thấy thất vọng vì ngươi vẫn chưa muốn hối cải. Đừng hòng lừa được ta”.
Thế là 3-0. Nó bị dẫn bàn liên tục. Đã đến thế này thì... được rồi, nó sẽ làm toáng lên một mẻ. Cái đứa nào xưng danh là Cúc Trắng kia sẽ phải một phen xấu hổ.
Giờ ra chơi, nó cho phát thanh trên những cái loa chạy bằng cơm của lớp rằng: có một cô nàng xưng danh Cúc Trắng viết thư để ở ngăn bàn để cưa cẩm nó.
- Thế bác tính thế nào? - Tuấn hỏi.
- Mèo nào lại chê mỡ. Đây, tớ gửi cho nàng một lá thư hơi bị mùi đấy! - Cả bọn chuyền tay nhau đọc oang oang, cười như nắc nẻ. Nó liếc kẻ bị nghi ngờ. Kẻ ấy cũng cười.
Bẵng đi một thời gian nó không còn nhận được thư từ ngăn bàn nữa. Nó đinh ninh diệu kế “dĩ độc trị độc” của nó đã thành công mỹ mãn. Nó không làm cái trò cũ nữa. Nó học văn cẩn thận hơn vì dẫu sao, kỳ thi tốt nghiệp cũng đang tiến lại gần. Những ngày học cuối cùng đã có phần uể oải. Lưu bút cũng đã đầy ắp những sắc màu mùa hạ.
Một hôm đột nhiên nó nhận được thư Cúc Trắng: “Hẹn gặp buổi chiều hôm tổng kết”.
Tự nhiên, nó thấy bồn chồn.
Buổi liên hoan chia tay kết thúc lúc ba giờ. Khóc lóc, sụt sùi, chúc tụng. Nó cố tình nấn ná ở lại. Quỳnh Đun-xi-nê cũng vẫn chưa về. Nó xoay xoay cái chìa khóa trong tay. Quỳnh hỏi nó:
- Đông có bận gì không?
- À, ừ, có, sắp phải về đây.
- Thế à? - Quỳnh lưỡng lự - Chúc thi tốt nhé!
- Ừ. Chúc Quỳnh thi tốt.
Quỳnh đạp xe về.
Nó đợi, nhưng Cúc Trắng không đến. Và nó đinh ninh đó chỉ là một chuyện đùa.
Đôi khi người ta cứ mải cầu mong những điều tốt đẹp ở đâu đâu mà chẳng hề biết rằng hạnh phúc vừa tuột qua tay.
Chú thích:
[1] Nhân vật trong thần thoại Nga, người đã móc trái tim mình ra làm đuốc đưa bộ lạc đến với ánh sáng, tự do.
8/8/2012
Đàm Huy Đông
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...