Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Lối sống Người Hà Nội qua ba thế hệ một gia đình trí thức

Lối sống Người Hà Nội
qua ba thế hệ một gia đình trí thức

I. Hạn định khái niệm Lối sống “Người Hà Nội” trong bài này: 
1/ Tôi muốn nói về lối sống một thời của “Người Hà Nội” mà người ta thường nhắc đến như “người Tràng An”, với “thanh lịch” là nét đẹp nổi bật của nó. Tôi cho đó là lối sống định hình trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, từ khi Pháp đặt xong nền móng hành chính, giáo dục của chế độ thuộc địa cho đến trước cuộc kháng chiến chống Pháp 1946-1954. 
2/ Lối sống ấy hình thành trong điều kiện xã hội tương đối ổn định. Hà Nội đã thành hình rõ nét một đô thị hành chính, văn hóa, thương mại mang tính thuộc địa nhưng còn giữ được nhiều nét truyền thống và mối liên hệ chặt chẽ với các làng xã. Thành phần dân cư gồm chủ yếu là tiểu tư sản thành thị: tiểu thương tiểu chủ, công chức viên chức, sinh viên học sinh.                                 
3/ Lối sống ấy kết tinh văn hoá “Kinh kỳ” của giới nho sĩ và thương nhân “kẻ chợ” (tập trung tại “36 phố phường”) hòa với những yếu tố của văn minh Pháp được tiếp thu bởi trí thức Tây học và viên chức nhà nước bảo hộ (sự hòa hợp này diễn ra từ mỗi gia đình với sự nối tiếp của hai thế hệ). 
4/ Lối sống ấy bị phá vỡ từng bước từ những năm 1960 với cuộc cải tạo tư sản và xây dựng “chủ nghĩa xã hội”, chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, sự phát triển hỗn loạn sau “đổi mới”, đến nay gần như đã bị thay thế bằng một lối sống hỗn tạp, còn lâu mới định hình; nhưng một số nét của nó còn in dấu bền bỉ trong những “người Hà Nội gốc” qua mọi thăng trầm. 
5/ Có thể chia thành ba thời kỳ thành-trụ-hoại của lối sống ấy: (1) Cuối thế kỷ XIX-đầu TKXX là thế hệ khởi sự xây dựng nên lối sống, trong đó nếp sống truyền thống vẫn là chủ đạo. (2) Đầu thế kỷ XX-trước 1946 là thế hệ định hình lối sống, có sự cân bằng giữa những yếu tố truyền thống với những yếu tố Tây phương. (3) 1946-1975 là thế hệ níu giữ một số nét của lối sống ấy qua hai cuộc chiến. Sau 1975, đặc biệt từ khi “đổi mới”, lối sống “người Hà Nội” có thể coi như bị phá huỷ, do sự thay đổi triệt để về thành phần dân cư cùng với sự quá tải của hạ tầng đô thị (với sự áp đảo của dân mới nhập cư) và sự “thay bậc đổi ngôi” trong nội bộ dân Hà Nội (với sự giàu lên “trong một đêm” của một bộ phận dân cư). Trong khi đó, sau cuộc di dân  lịch sử 1954, lối sống này được lưu giữ nhiều trong những người Hà Nội “lưu vong” (vào Sài Gòn, rồi qua Pháp, Mỹ). 
6/ Lối sống ấy không chỉ toàn ưu điểm theo con mắt “hoài cổ” (cái gì đã mất  bao giờ cũng đẹp); cần có cái nhìn khách quan và đối chứng (với lối sống của các đô thị như Huế, Sài Gòn cùng thời, và lối sống của người Hà Nội hiện nay) để nhận ra những hay dở của nó. 
Những nhận xét trên xin được thẩm định bởi các nhà xã hội học, văn hóa học, nhân học với các công trình đi sâu nghiên cứu của họ. 
Dưới đây tôi gợi ra một số nét mà mình được biết và trực tiếp quan sát qua thực tế đời sống ba thế hệ của gia tộc bản thân, một gia tộc trí thức ở Hà Nội trong suốt thế kỷ XX. Có thể coi đó là chút tư liệu sống cho các nhà nghiên cứu. 
II. Một số nét về lối sống của gia tộc Hoàng Thụy ở Hà Nội qua ba thế hệ trong suốt thế kỷ XX. 
1/ Thế hệ thứ nhất (sinh vào khoảng thập kỷ 1880): 
Đó là thế hệ ông bà nội của tôi. 
Cụ ông là Hoàng Thụy Chi, quê gốc thôn Phù Lưu (Chợ Giàu, nay là khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn), phủ Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn), Bắc Ninh, một làng đã đô thị hoá khá sớm, cách Hà Nội chỉ 19km. Đầu TK XX, trong khi làm quan Tổng đốc Bắc Giang, cụ đã bảo lãnh cho cụ bà vay tiền của Đông Dương Địa ốc Ngân hàng mua đất xây nhà ở Hà Nội. Ngôi biệt thự mang tên Villa Hoàng Thuỵ Chi ở 14 Đường Thành (rue de la Citadelle) có mặt bằng trên 1000 m2, hoàn thành năm 1926, và một dãy gồm mười mấy ngôi nhà phố kiểu Tây liền nhau ở phố Yết Kiêu (rue Bovet). 
Cụ Hoàng Thụy Chi (người thời đó quen gọi là Cụ Tuần Chi) giỏi Hán Nôm, là cử nhân trẻ nhất khoá thi 1900 (khi mới 19 tuổi), còn để lại nhiều biên khảo về văn hóa, địa dư (được lưu giữ trong Thư viện Hán Nôm). Cụ bà nhũ danh là Nguyễn Thị Hân, con gái một ông quan tri phủ sống ở phố Hàng Đào và cháu ngoại một vị quan đại thần sống ở phố Châu Long; cụ không biết chữ quốc ngữ, chỉ huy tính toán xây nhà toàn bằng bàn tính ta. 
Villa 14 Đường Thành của cụ Tuần Chi do KTS Hoàng Như Tiếp thuộc lứa KTS đầu tiên của Việt Nam thiết kế nhưng thể hiện rõ lối sống của chủ nhân: sinh hoạt tiện nghi kiểu Tây với thẩm mỹ trộn, lai Tây – Tàu: nhà 3 tầng tường bê-tông dày 40cm, bố trí phòng ốc kiểu nhà Tây, cổng trong bằng sắt trổ chữ Thọ, cổng ngoài có 2 cột mang đôi câu đối khảm mảnh sứ đỡ tấm hoành bê-tông trang trí cảnh sơn thuỷ kiểu Tàu với nhiều tượng sứ Tàu, mặt tiền nhà trang trí những miếng gốm màu hoa dây như ở Nhà Hát Lớn và các chữ triện Phúc Lộc Thọ, trong nhà có lò sưởi nhập từ Tây bằng cẩm thạch trắng, có bàn gỗ lim lớn kiểu Tây nhưng mặt bàn khảm 100 chữ Phúc Lộc Thọ các kiểu bằng đồng, có dàn cửa kính màu như trong nhà thờ Tây lại có cửa và bình phong gỗ khảm chữ nho, có bàn thờ đồ sộ sơn son thếp vàng truyền thống nhưng ảnh thờ là ảnh chụp in trên sứ, có bộ sưu tập đồ cổ bằng ngọc, sứ Tàu và trống đồng Lạc Việt... 
Cụ ông cụ bà và phần lớn các con ăn vận theo nam phục, chỉ có hai người con trai lớn học đại học Y và Luật thì mặc âu phục. Gia đình giữ nghiêm nếp nho phong, đáng chú ý là uy quyền và vai trò “nội tướng” của bà chính thất. Cụ ông có hai bà “thiếp” (“nàng hầu”) chỉ được các con bà chính thất gọi là “cô” và tên thì gọi bằng tên làng quê của các bà (cô Xuân, cô Vẽ). Các con được đặt tên một cách nôm na theo thứ tự ra đời (Ba, Tứ, Năm, Lục…). Việc hôn nhân của các con: vợ chính thất là do cha mẹ sắp đặt, những bà sau mà các ông con trai kết duyên một cách tự do không được các cụ công nhận chính thức, có thể cùng sống ở nơi khác nhưng không được đem về nhà. Tuy nhiên con cái của các bà này, đặc biệt là con trai, lại được các cụ yêu quý và đối xử bình đẳng như các con bà chính thất. 
Các cụ giữ quan hệ rất chặt chẽ với làng quê. Cụ Tuần Chi là nhà bảo trợ lớn của làng Phù Lưu, là người lát đá xanh toàn bộ đường làng, xây cổng làng, cổng đình, nhà thờ hương hiền, đồng thời xây cái lăng lớn với khuôn viên trên 3000 m2 cho gia tộc Hoàng Thuỵ kiêm luôn chức năng vườn hoa công cộng cho làng (những việc này được kể trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân). Người làng ra Hà Nội nhờ cậy mọi việc đều được giúp đỡ chu đáo.  
2/ Thế hệ thứ hai (sinh vào thập kỷ đầu thế kỷ XX): 
Bố tôi, Hoàng Thuỵ Ba và chú ruột là Hoàng Thuỵ Năm, là thế hệ Tây học. Ông Hoàng Thuỵ Ba là một trong hai bác sĩ đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội (cùng với ông Đặng Vũ Lạc), hai năm cuối phải sang Pháp học để lấy bằng bác sĩ (1927), sau đó về nước làm quan chức trong ngành y tế. Ông Hoàng Thụy Năm học Luật, ra làm quan chức hành chính của chính quyền Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. 
Tuy theo Tây học, trong quan hệ gia đình các ông vẫn giữ nếp gia phong truyền thống. Sự nghiệp công danh không lấn át bổn phận gia đình. Chữ Hiếu vẫn là đầu mọi sự. Ông Hoàng Thuỵ Ba đang giữ một chức vụ cao trong ngành y tế kháng chiến, nhưng khi bà mẹ sống trong “thành” (Hà Nội tạm chiếm) ốm nặng và gọi về, ông xin phép các cấp lãnh đạo đưa con cái về lại Hà Nội đề chăm sóc mẹ (sau khi “về thành”, để tỏ rõ thái độ chính trị, ông không nhận bất cứ chức vụ nào do chính quyền Bảo Đại sẵn lòng phong tặng mà chỉ mở bệnh viện tư; năm 1954, từ chối lời mời làm Tổng trưởng Y tế trong chính phủ mới lập của ông Ngô Đình Diệm, ông ở lại Hà Nội đón “Cụ Hồ”). Năm 1955, khi mẹ qua đời ở Sài Gòn, ông đã xin phép chính phủ VNDCCH vào Nam chịu tang mẹ - một sự kiện làm xôn xao người dân Hà Nội lúc ấy (nhưng cũng lại một lần nữa ông từ chối lời mời ở lại làm việc cho chính quyền Sài Gòn để trở ra Hà Nội). 
Đối với các bà vợ, nhất là bà chính thất mà cha mẹ sắp đặt cho, mặc dù không thuận, có thể ly thân, nhưng không ly hôn. Với con cái, mặc dù vợ nọ con kia, các ông luôn làm tròn bổn phận người cha là nuôi dưỡng cho ăn học, bảo đảm sự bình đẳng về mọi quyền lợi vật chất cho những người con các dòng. Tuy nhiên trong quan hệ hàng ngày, người cha luôn giữ khoảng cách, không gần gụi, hầu như không chuyện trò tâm sự với con cái, và để các con tự do đi theo con đường phát triển của chúng. 
Trước biến động ghê gớm của thời cuộc, từ đỉnh cao rơi xuống, nhưng thế hệ này có khả năng thích nghi với những thay đổi căn bản của điều kiện sinh hoạt, có khả năng chan hòa có mức độ với những tầng lớp khác nhưng vẫn giữ một cách thế riêng biệt, sự kín đáo riêng tư của đời sống gia đình, bản thân. Không ai hình dung nổi một “quan đốc” (docteur) quen đi xe hơi riêng, nhảy đầm, chơi mạt chược, tiệc tùng thường xuyên, nói tiếng Tây nhiều hơn tiếng Việt lại có thể sống ở nông thôn nhiều năm trong nhà nông dân trong 2 cuộc kháng chiến, hoặc ngày ngày đi ăn “cơm đầu gánh” (“cơm bụi”) ở chợ Hàng Da trong lúc các con phải đi sơ tán khỏi Hà Nội. Cũng thế, ông có thể sống chung hoà bình suốt mấy chục năm trời với mấy chục gia đình “cán bộ” mà ông phải chia sẻ ngôi biệt thự lớn của ông cha để lại. Nhưng khi quyền sở hữu của ông bị xâm phạm, ông lặng lẽ và kiên trì đấu tranh đến cùng để giành lại (vụ khiếu nại nổi tiếng của BS Hoàng Thuỵ Ba đòi lại 2 căn buồng cho một ông vụ trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mượn, kéo dài 20 năm mới giải quyết được). 
Trong khi đó, ông Hoàng Thụy Năm cùng phần lớn thành viên gia tộc Hoàng Thuỵ vẫn giữ nếp sống cũ ở trong “thành” (Hà Nội 1946-1954) cũng như ở Sài Gòn (từ 1954). Khi sang châu Âu, tôi có nhận xét nếp sống này được duy trì một cách đáng kinh ngạc ở các thế hệ con cháu sống ở Pháp, Thuỵ Sĩ, Anh. 
Tuy đi theo hai con đường chính trị khác nhau, điểm chung nhất ở hai ông là tình nghĩa gia đình. Dựa vào tình cảm này, chính quyền Hà Nội giao cho BS Hoàng Thuỵ Ba làm trưởng ban đấu tranh thống nhất của HĐND thành phố, đề nghị ông thường xuyên viết thư thăm hỏi người em ở Sài Gòn thông qua phái đoàn quốc tế kiểm soát đình chiến (lúc đó ông Hoàng Thuỵ Năm làm trưởng đoàn liên lạc của chính quyền Sài Gòn tại Uỷ ban Kiểm soát). Cũng có thể nhận thấy một điểm chung khác là sự thanh bạch, chính trực (qua lời ông Trần Bạch Đằng kể về ông Năm trong cuốn “Ván bài lật ngửa), và uy tín xã hội của hai ông (qua đám tang của BS Hoàng Thuỵ Ba năm 1994 ở Hà Nội và đám tang Đại tá Hoàng Thụy Năm năm 1961 ở Sài Gòn).  
3/ Thế hệ thứ ba (sinh vào những năm 1930-1940): 
Là thế hệ chúng tôi, những học sinh trung hoặc tiểu học thời Hà Nội tạm chiếm, tiếp thu nền giáo dục của “nhà trường xã hội chủ nghĩa” sau 1954; khi vào đời phải xa Hà Nội trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ (1965-1973), trở về Hà Nội và trở thành chủ gia đình ít lâu trước hoặc sau cuộc chiến. Trong thế hệ này, gia tộc Hoàng Thuỵ có một số tên tuổi như PGSTS Y khoa Hoàng Văn Sơn, Tổng thư ký Hội Sinh hoá Việt Nam; GSTS Y khoa Hoàng Văn Minh ngành lao - bệnh phổi; 1 nhà thơ – dịch giả.
Có thể nói, lối sống của thế hệ “người Hà Nội” này bị biến chất, pha tạp rất nhiều do hoàn cảnh xã hội, chịu tác động của ba yếu tố lớn nhất là: lối sống tập thể (quân đội, bệnh viện, trường học là những nơi họ làm việc và sống trong khu tập thể), lối sống thời chiến và lối sống tiểu nông (do về nông thôn sống trong thời chiến). Tuy nhiên, họ còn lưu giữ, tuỳ mức độ theo hoàn cảnh và bản tính từng người, một số nét của “người Hà Nội xưa” mà họ được thấm nhuần trong thời thơ ấu qua giáo dục của nhà trường và gia đình. Họ cố gắng hòa đồng với lối sống của các đồng nghiệp có gốc từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng vẫn nổi bật trong đó với những ứng xử văn hóa tinh tế hơn, ngược lại thường bị xem là khép kín hơn, “mở cửa sổ nhưng cửa ra vào thì đóng kín”. “Thiếu chan hòa với quần chúng” là khuyết điểm phổ biến mà tập thể thường phê bình họ. 
III. Thử nêu vài đặc điểm của lối sống “Người Hà Nội”.
Như trên đã nói, xin coi đây là những quan sát từ người trong gia tộc, bạn bè và người quen của gia đình, có nghĩa là hết sức chủ quan, phiến diện.
1/ Coi trọng đời sống gia đình. Một gia đình yên ổn, nền nếp, có trên có dưới, có tình có nghĩa. Khó hy sinh gia đình cho sự nghiệp, lý tưởng. Cũng không hy sinh gia đình cho những thú vui bản năng (“vợ cái con cột” bao giờ cũng ở trên “vợ lẽ con thêm”). Không muốn ai nhòm ngó vào chuyện riêng tư của gia đình mình (“đèn nhà ai nhà nấy rạng”). Cũng dễ trở thành ích kỷ, chỉ biết ôm lấy vợ con. 
2/ Có ý thức mạnh mẽ về lợi ích cá nhân, quyền tư hữu, không dễ để người khác xâm phạm, dễ bị coi là “khoảnh”, tính toán, nhưng cũng không thích xâm phạm lợi ích người khác, sòng phẳng, rạch ròi (“yêu nhau rào giậu cho kín”). Có thể giúp đỡ người khác nhưng có mức độ, không muốn bị làm phiền, khó “sẻ nhà sẻ cửa”. (Lưu ý: trong những hoàn cảnh đột xuất như cách mạng, kháng chiến, “người Hà Nội” đã vượt lên trên lối sống ngày thường, sẵn sàng hy sinh gia tài và cả tính mạng cho đại nghĩa. Một thí dụ: Trong kháng chiến chống Pháp, BS Hoàng Thuỵ Ba đem vàng của gia đình mua lương thực cho học sinh trường nữ hộ sinh ở Thanh Hóa mà ông làm hiệu trưởng). 
3/ Coi trọng tự do cá nhân của mình cũng như của người. Trong quan hệ ngoài gia đình như bà con, bè bạn, đồng nghiệp, hàng xóm… giữ giới hạn ở mức phải chăng, “thoang thoảng hoa nhài”. Ngại tranh chấp, đối đầu, “dĩ hòa vi quý”. Dễ bị xem là “khôn ngoan”, dễ trở thành ba phải, “hòa cả làng”. 
4/ Lịch sự, tế nhị trong giao tiếp xã hội, cả về ăn vận lẫn lời ăn tiếng nói. Ghét sự thô thiển, lố bịch, trắng trợn. Ngại “nói toạc móng heo”. Chỉ muốn làm người tử tế, biết điều, không phải người “chịu chơi”, không thật nhiệt tình, hồ hởi, hào sảng. Dễ bị coi là giữ kẽ, khách sáo, cũng dễ trở thành màu mè giả tạo. 
5/ Không chỉ cắm cúi làm việc mà biết hưởng thụ cuộc sống, và hưởng thụ một cách hào hoa, thanh nhã, có chừng mực, không mê đắm, sa đà hay “sả láng”. 
6/ Tôn trọng nền nếp có sẵn: gia phong, luật lệ, quy ước xã hội. Có thể thích nghi với sự thay đổi chứ không chủ động tạo nên thay đổi. Hầu như không có máu phá phách, “nổi loạn”. 
7/ Trọng danh dự, trọng chữ “tín” trong các quan hệ. Tự trọng trong công việc, có lương tâm nghề nghiệp. Có thể kiên nhẫn để vươn lên hoặc khôi phục quyền lợi, địa vị bị mất một cách từ tốn. Không thích mạo hiểm hay thành công bằng mọi giá. Không nuôi chí lớn, không có mưu sâu.
8/ Trung dung, một vừa hai phải. Ôn hòa, không cực đoan hay quyết liệt. Lý trí mạnh hơn tình cảm. Tư duy lô-gích mạnh hơn trực cảm, bản năng.
Nhìn chung, lối sống “người Hà Nội” hợp với thời kỳ xã hội yên bình, ổn định, với loại người làm ăn hay học hành trong những điều kiện bảo đảm, có mức sống dễ chịu, có thể nói là lối sống điển hình của lớp trung lưu một thời quen được gọi là “tiểu tư sản thành thị”, hỗn danh là “tạch tạch xè”!. 
6/6/2010
Hoàng Hưng
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...