Cảm nhận bài thơ
"Mẹ tôi chửi kẻ trộm"
Nguyên văn bài thơ của Tòng Văn Hân:
MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM
Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé !
Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa
Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ.
Ở
tỉnh lẻ báo chí về muộn, mãi đến gần đây thấy trên mạng fac có nhiều ý kiến
khác nhau về bài thơ này. Hình tượng thơ bao giờ cũng có tính đa nghĩa, tạo nên
nhiều cách hiểu khác nhau điều đó không lạ, chúng ta mong tiến đến cách hiểu
khá gần vẻ đẹp của bài thơ.
Chúng
tôi xin trình bày cách cảm nhận của chúng tôi về bài thơ trên.
Bài thơ có hai phần/ đoạn dưới cách nói (nhân xưng) ngôi thứ
nhất.
Phần một nói chuyện mất gà, lợn của gia đình, mẹ thường chửi thủ phạm. Cái lạ
là nội dung câu chửi khác những câu chửi thông thường mắng nhiếc, xỉa xói, cầu
cho thủ phạm bị tai nạn, tù tội, đau đớn cho đáng số, ở đây thì mong nó:
… Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!
… có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
… Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.
Nghĩa là mong nó đủ
ăn nếu không khá giả để khỏi đi trộm nữa! Bà mẹ có một tấm lòng nhân hậu, bà hiểu
kẻ trộm cũng có ba, bảy loại.
Giữa hai đoạn là một khoảng
lặng để cho người đọc tự kết nối.
Phần hai bài thơ nói
hoàn cảnh cô gái, tuổi cập kê nhan sắc bình thường nhưng nhiều đám dạm hỏi muốn
lấy làm vợ, phải chăng vì em là con một bà mẹ trung thực nhân hậu, là “con gái nhà lành”. Vì mến cái phẩm hạnh gia đình như vậy nên nhiều
trai làng muốn lầy làm vợ!
Thông điệp bài thơ
nghĩa đen là vậy, nhưng nghĩa bóng, nghĩa xa cuả nó khá sâu sắc, nó gợi cho người
đọc suy nghĩ nhiều vấn đề đạo đức cũng như thiết chế xã hội. Tấm lòng bà mẹ ẩn
dưới tiếng chửi là sự thông cảm, bà hiểu cái điều “ăn mày là ai, ăn mày là
ta, vì chưng khốn khó nên ra ăn mày”, trộm cắp cũng là vậy! Ta có thể liên hệ với Nguyễn Trãi về việc ông phân xử vụ án bảy tên trộm nhỏ tuổi, bảy tên
cướp vị thành niên bị quan hình sự xử tội chết, ông xin tha, nghĩ rằng khi yên ổn
no đủ khắp nơi chốn thanh bình thì nạn trộm cắp ắt không còn, hay liên hệ Nguyễn
Du nói về cái sự liều lĩnh phản loạn của người nông dân trong xã hội cũ
vì thiếu, khổ nên đi ăn cắp, đói nghèo đi làm loạn. Giải quyết tận
gốc vấn đề đó, đủ sống là hết nạn trộm cắp, loạn tặc. Cái tư tưởng này Nguyễn
Du nói nhiều lần “Dân đen không chịu nỗi đói rét/ Lo bát cơm manh
áo mà xem nhẹ tính mạng… Chỉ cần cứu tế một chút thì dân tự yên” (Tiểu dân
bất nhẫn hàn thả cơ/ Cẩu đồ bão úc than vi khinh/… Sảo gia tồn tuất đương tự
bình - Trở binh hành). Nó vừa bày tỏ nỗi cùng cực đến phải liều thân của kiếp dân đen trong xã hội cũ, nó cũng gián tiếp cho ta thấy phần nào cái
nguyên nhân sâu xa đưa đến các cuộc khởi nghĩa nông dân triền miên trong lịch sử.
Ý
nghĩa thứ hai: Bài thơ không chỉ qua tiếng chửi của bà mẹ mà còn qua tình
cảm, sự lựa chọn của trai làng thể hiện một lối sống lành mạnh trong cái thời
trắng đen còn lẫn lộn, cái bên ngoài lừa gạt bên trong, hình thức lấn át nội
dung. Bài thơ đề cao sự trung thực, nhân hậu của đạo lý ứng xử trong gia đình
cũng như ngoài xã hội, cái đạo lý luôn được đề cao trong nhân dân ta. Phần một
bài thơ là nhân, phần hai là quả. Chính tấm lòng nhân hậu của bà
mẹ đã đem đến vẻ đẹp phẩm hạnh của cô con gái khiến bao chàng trai muốn
gá ngãi trăm năm. Bài thơ làm sáng thêm cái triết lý đạo đức mà nhân dân ta thường
nói đến “cha mẹ ăn ở để phúc cho con cháu” hay “con nhờ phúc mẹ mẹ ơi”.
Hình
thức bài thơ mộc mạc, tươi mát được xây dựng bởi một ngôn ngữ đời thường
và bố cục kiểu cắt dán có khoảng lặng khá mới. Cái lối ẩn ý nói ngược ta
cũng thường quen gặp trong văn hóa dân gian kinh cũng như thượng, bên
ngoài là chửi nhưng bên trong là cầu mong, nghe qua là tầm thường nhưng
nghĩ lại là tốt đẹp cao quý, thoáng hẩng hụt ban đầu sau lại thấy giàu ý
nghĩa. Đặt bài thơ này vào trùng điệp các bài thơ dự thi khác nó nổi lên như một bông hoa đồng nội đầy hương thơm. Bài thơ có cấu tứ đẹp. Nói như
chơi mà thấm thía!.
19/4/2021 Yến Nhi
19/4/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét