Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Sự tích ông Trạng Quỳnh

Sự tích ông Trạng Quỳnh

THIÊN TRÊN
Thủa học trò
Truyện này viết vào năm 1930. Vì tính cách thời sự của nó, nên Người đánh máy vẫn giữ nguyên những từ, chữ như trong sách đã in.
Ông Nguyễn Quỳnh sinh về đời Hậu Lê, là người làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa (trong Trung kỳ). Năm 16 tuổi đã thi đỗ Cử Nhân (Hương Cống khoa Cảnh Hưng, thời vua Hiến Tôn). Vì ông có văn chương hay và nhất là giỏi về khẩu tài cho nên người ta gọi là Trạng. Ông có khiếu khôn ngoan tai quái từ thủa nhỏ; một hôm nhân buổi tối trung thu, cùng với lũ trẻ chơi đùa, ông bảo với lũ trẻ rằng:
- Chúng bay làm kiệu rước ta, rồi ta đưa chúng bay đi xem một người đầu to bằng cái bồ.
Lũ trẻ nghe nói đều háo hức muốn đi xem, bèn xúm nhau lại làm kiệu rước Quỳnh, một lúc anh nào anh nấy đều mỏi mệt cả. Quỳnh nói:
- Chúng bay hãy ngồi nghỉ một lát, rồi ta đưa đi xem.
Đoạn đưa cả chúng vào trong một cái buồng tối, bảo chúng đứng đấy để mình đi lấy đèn soi. Lũ trẻ thấy tối đều ù té chạy, chỉ có mấy đứa nhớn đứng lại chờ xem; Quỳnh đốt đèn xong bèn chỏ vào bóng mình ở vách mà bảo rằng:
- Đấy chúng bay xem đi, ông to đầu đã ra đấy. Lũ trẻ nhơ nhác trông vào vách thì chỉ thấy bóng Quỳnh đầu to lù lù như cái bồ, bấy giờ mới biết là Quỳnh đánh lừa.
Lại một ngày kia, nhà Quỳnh có giỗ, mổ lợn. Quỳnh đang đứng xem, có ông Tú tên là Cát đến béo tai mà rằng:
- Ta ra cho một câu đối, hễ mày đối được thì tao tha.
Quỳnh hỏi ra thế nào, ông Tú ra:
Lợn cấn ăn cám tốn, [1]
Quỳnh đối ngay:
Chó không chớ cắn càn [2]
Ông Tú không bằng lòng lại ra:
Giời sinh ông Tú Cát [3]
Quỳnh lại ứng khẩu đối ngay:
Đất nứt con bọ hung [4]
Ông Tú bẽ mặt dại, xem thế đủ biết Quỳnh có tài ứng đối ngay từ thủa bé.
Một buổi quan Tư thiên ở kinh đô Thăng Long xem thiên văn thấy về địa phận Thanh Hóa có một ngôi sao đẹp, đoán hẳn có người tài nhưng không biết rõ là ở về làng nào. Quan Tư thiên vào tâu với vua, vua giao cho đình thần phải xét việc ấy. Có một viên quan tâu rằng:
‘‘Việc ấy xin Bệ hạ giao cho tỉnh thần, Thanh Hóa sức cho trong hạt mỗi làng phải dâng một con dê đực chửa, hẹn một tháng không được thì trị tội, như vậy có thể xét ra được người tài’’
Vua ưng nhời. Sau khi giấy sức về các làng thấy thế chỉ phàn nàn oán trách nhà vua sao lại đòi những vật oái oăm, tìm đâu cho được. Mà nếu không lo được dê đực chửa thì tất mình phải mang tội; vì vậy cho nên sắc mặt ông cũng kém tươi.
Quỳnh thấy cha có vẻ buồn rầu bèn sẽ hỏi rằng:
‘‘Thưa cha, chẳng hay cha có việc chi lo nghĩ mà nét mặt buồn rầu như vậy? Ông bố đang tức mình, thấy hỏi, bèn mắng rằng:
‘‘Ta đang bực mình, mày biết gì mà hỏi?’’
Quỳnh thấy cha không nói cứ nằn nì hỏi cho kỳ được. Bất đắc dĩ người cha bèn phải nói hết cho con nghe, Quỳnh thưa rằng:
‘‘Con tưởng việc gì khó, chứ nếu việc ấy thì cha không ngại, để con nhận việc ấy cho. Nhà vua đòi dâng một con chứ nhiều nữa con cũng có thể mua được; cha cứ ra bảo với làng trồng tiền cho con để mai con đi mua sớm. Nếu con không mua được, con xem chịu tội thay cho cả làng.’’
Ông bố trong lúc vô kế, thấy con nói quả quyết cũng đánh liều ra nói với làng thu xếp cho 100 quan để đi mua dê đực chửa. Quỳnh nhận tiền rồi bảo cha thu xếp mai trẩy kinh sớm.
Sáng mai cha con vác tiền ra Thăng Long: Quỳnh bảo cha đi dò la xem hôm nào Hoàng Thượng ngự chơi ngoài phố. Biết đích được ngày giờ ấy. Quỳnh dậy thật sớm, ra nằm phục trước ở dưới cái cống đàng cửa Đông. Đến trưa mới nghe thấy tiếng xe loan đi gần tới nơi, Quỳnh ở dưới cống liền khóc váng cả lên. Vua nghe tiếng khóc sai lính xuống tìm thì bắt được Quỳnh. Vua phán hỏi:
- My chui xuống cống làm gì mà khóc ầm lên thế?’’
Quỳnh giả vờ không biết là vua, dớ dẩn nói:
- Thưa ông, tôi thấy ngựa xe rộn rịp, sợ bị đè chết nên phải trốn xuống đây.
- Mày đã trốn xuống đây, sao lại còn khóc?
Quỳnh lại sụt sịt thưa rằng:
- Thưa ông, tôi khóc vì tôi nghĩ cực thân tôi, mẹ tôi chết đã mấy năm nay thì không đẻ đã đành, nhưng còn cha tôi cũng chẳng thấy sinh đẻ gì, bao giờ tôi được có em mà ẵm, vì thế tôi cực thân tôi mà khóc.
Vua nghe nói, cả cười mà rằng:
- Thằng bé này dở hơi quá: Cha mày là đàn ông thì đẻ làm sao được. Xưa nay có đàn ông đẻ bao giờ.
Quỳnh nói:
- Thưa ông, thế sao vừa rồi tôi thấy vua sức cho dân tỉnh Thanh Hóa tôi, mỗi làng phải dâng một con dê đực chửa, dê đực còn chửa thế thì cha tôi cũng có thể đẻ được chứ sao?
Vua và quan đều bật cười và đoán hẳn đứa bé này chính là người tài xuất hiện ở vùng Thanh; ứng vào ngôi sao sáng ấy. Bèn thưởng tiền cho Quỳnh rồi lập tức bãi cái lệnh dâng dê. Quỳnh được hưởng không trăm quan tiền của làng và tự đấy ai cũng gọi là ông Trạng.
Nhà Quỳnh rất nghèo, một hôm ông đến chơi đền Sóng thấy đền có nhiều tiền bạc thật để đó, bèn khấn rằng:
‘‘Em độ này túng bấn quá mà chị thì có tiền để không chẳng tiêu gì, vậy chị cho em mượn để em kiếm cách sinh lời họa có đỡ được cơn túng thiếu’’.
Nói rồi khấn vái âm dương; khi khấn thí khấn rằng:
‘‘Nếu chị cho em vay một phần tư thì cho tiếu sấp, cho vay một phần ba thì cho tiếu ngửa, nếu cho vay nửa thì xin cho nhất âm, nhất dương’’.
Dáng chừng đức chúa Liễu nghĩ thế thì phần nào Trạng Quỳnh cũng được, nên mới cứ quay tít đồng tiền, Quỳnh thấy thế vỗ tay reo lên rằng:
‘‘Tiền múa chúa cười, thôi chị thương em lại bằng lòng cho em vay cả rồi’’.
Nói đoạn đem tất cả bạc về.
Ông Quỳnh sinh đồng thời với bà Thị Điểm. Hai người đều nổi tiếng hay chữ một thời. Quan Bảng Đoàn là thân phụ ngồi dạy học ở Kinh sư, Quỳnh khi học ở Kinh sư hằng ngày giả cách đến xem bình văn để ngấp nghé bà Thị Điểm, Quan Bảng biết ý, sai học trò bắt vào hỏi. Quỳnh thưa rằng:
- Tôi là học trò thấy tràng quan lớn bình văn nên tôi đến nghe trộm.
Quan Bảng nói:
- Ta biết anh chỉ đồ giả dạng học trò để giả tuồng chim chuột. Nếu phải học trò thì phải đối ngay một câu đối ta ra sau đây, hễ không đối được thì ta sẽ đánh đòn.
Quỳnh vâng nhời. Quan Bảng bèn ra:
Quan Bảng thấy Quỳnh đối nhanh mà giỏi như vậy, lấy làm yêu mà rằng:
- Ta xem nhà thầy là người có tài học, nếu có chịu ở thì ta sẽ giúp nhà thầy mà nuôi cho ăn học ở đây. Nhà thấy có bằng lòng không?
Quỳnh bằng lòng, từ đấy bèn ở nhà quan Bảng để học tập, mỗi ngày tấn tới lắm, kỳ văn nào cũng thường được ưu được bình, Quan Bảng yêu tài có ý muốn gả bà Thị Điểm cho, hỏi ý Thị Điểm thì Thị Điểm cũng bằng lòng lắm. Quỳnh biết rằng Thị Điểm tất và ô tay mình, trong bụng khấp khởi mừng thầm sẽ được thỏa lòng ao ước.
Khi Quỳnh ở nhà quan Bảng, lúc vắng thường hay lấy chữ nghĩa mà thử thách Thị Điểm. Song lại gặp phải Thị Điểm cũng không phải tay vừa.
Một hôm Quỳnh thấy Thị Điểm ngồi khâu trong nhà, cũng chạy vào buồng học, ngồi cách bức vách có hai cái cửa sổ trông ra sân, định cợt ghẹo. Thị Điểm liền đọc một câu rằng:
‘‘song song’’ là hai cửa sổ hai người ngồi trong cửa sổ song song’’.
Quỳnh chịu không đối được, lảng mất. Lại một buổi, Quỳnh đi chơi đâu về, vừa gọi cổng, hai ba con chó giữ chạy sổ ra cắn. Thị Điểm chạy ra thấy vậy, mới ra một câu, hễ đối được thì đánh chó cho xuống.
‘‘Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, dái đỏ hồng hồng’’.
Quỳnh chịu không đối được, mãi tối mới được xuống. Có khi Quỳnh lên chơi trên phố Mía Sơn tây về. Thị Điểm đọc một câu rằng:
Lên phố Mía, gặp cô hàng mật, cầm tay kéo lại hỏi thăm đường.
Quỳnh cũng lại chịu nốt. Thị Điểm thường hay đi chợ, một hôm Quỳnh sai người đưa gửi 30 đồng tiền và một mảnh giấy trong có 4 chữ ‘‘chiến chiến căng căng’’. Nghĩa là: năm nắm nơm nớp (ý lo sợ), nhờ trông giấy đó mà mua hộ. Thị Điểm tán nghĩa ra mà mua năm nắm cơm nếp, Quỳnh phải chịu là giỏi. Lại một lần Quỳnh gửi 10 đồng tiền và viết hai chữ ‘‘đà cuống” nhờ mua hộ. Lần ấy Quỳnh định mua cà cuống, Thị Điểm biết nhưng cố trêu ngươi không mua cà cuống mà lại mua cuống cà đem về đưa Quỳnh, Quỳnh bắt đền. Thị Điểm bảo rằng:
- Đà cuống đọc ngược lại chẳng phải cuống cà ư?
Quỳnh cũng phải chịu Quỳnh có tính hay cợt nhả, một buổi tối Thị Điểm rũ màn rải chiếu sắp sửa đi ngủ. Quỳnh liền lên trước và vào nằm, giương cột buồm lên. Thị Điểm lên giường vô tình sờ phải, giật mình ngỡ rắn, sau mới biết là Quỳnh, bèn đọc ngay một câu đối để chữa thẹn:
‘‘Trướng nội vô phong phàm tự lập’’ Nghĩa là: Trong trướng không có gió mà buồm dựng. Quỳnh đối liền ngay rằng: ‘‘Hung trung bất vũ thủy trường lưu’’. Nghĩa là: Trong bụng không mưa mà nước chảy xiết. Điểm lại đọc câu nữa:
- Cây xương giồng, giồng đất rắn, long vẫn hoàn long [5] (Long là rồng)
Quỳnh lại đối ngay:
-  Quả dưa chuột, chuột thẳng gang, thử chơi thì thử (Thử là chuột).
Quỳnh tuy chớt nhả thế nhưng đối xong liền đi ra ngay. Hôm sau Thị Điểm tắm, Quỳnh gõ cửa đòi vào xem, Điểm dẫy nẫy không cho vào. Quỳnh cứ đứng kè nhè mãi, Điểm tức mình mới đọc một câu bảo hễ đối được thì mở cửa cho vào xem:
Da trắng vỗ bì bạch.
(Bì bạch là da trắng)
Quỳnh nghĩ mãi chịu không sao đối được, vừa tức vừa thẹn, đâm khùng lên mà nói rằng:
- Đã cậy hay chữ như thế thì rồi ông làm cho lấy phải một anh dốt đặc cán táu cho mà xem.
Đoạn rồi ra nói với quan Bảng xin về, quan Bảng thấy Quỳnh có lắm cái tính nết trẻ con, cũng chán ông đông sàng hậu bổ, mà chẳng muốn chứa làm gì, bèn bằng lòng cho Quỳnh về. 
Quỳnh khi ra về, giọc đường gặp một anh thợ cầy, mặt mũi coi cũng sáng sủa, liền lân la trò chuyện rồi hỏi rằng :
- Anh đã có vợ chưa? Sao mặt mũi thế không chịu đi học mà lại đi cầy?
- Thưa ông, tôi chưa có vợ. Nhà tôi cũng đủ ăn. Trước cha mẹ tôi cũng có cho tôi đi học, nhưng tôi học dốt quá nên phải bỏ học mà đi cầy.
- Thế anh có muốn đi học nữa để thi đỗ và lấy vợ con gái quan Bảng nhãn không?
- Tôi cũng muốn học thêm cốt để cho thông văn tự mà thôi chứ còn sự thi đỗ thì dám mong gì nữa. Đến như lấy vợ con gái quan Bảng thì đến như ông Trạng Quỳnh cũng còn chưa chắc, nữa chi là thằng tôi.
- Anh đừng nghĩ thế, chính ta là họ thân với quan Bảng đây. Quan Bảng Đoàn trước thấy Trạng Quỳnh hay chữ nên đã định gả cô con gái Thị Điểm cho, sau thấy Quỳnh là người vô hạnh nên thôi không gả nữa. Nay chỉ định chọn con nhà thường dân mà có nết na lễ phép thì gả. Như anh, ta xem mặt mũi cũng khá, nết na cũng tốt, tuy rằng dốt nhưng học mãi rồi cũng phải hay. Vậy nếu anh bằng lòng thì ta có thể làm mối cho anh được.
Anh thợ cầy nghe nói mừng lắm, nghĩ bụng như mình mà lại lấy được cô Điểm con quan Bảng nhỡn thì thật không khác gì chú cuội lấy được chị Hằng, bèn mời Quỳnh về nhà dọn rượu thết đãi rất là tử tế và lưu Quỳnh ở lại để dạy mình học. Quỳnh ở đấy sai sắm hai cái hòm sách sơn đỏ, mua một bộ cổ văn, ngày ngày dạy anh thợ cầy nghêu ngao vài chữ, nhưng cần dạy về cách ăn nói, đối đáp và viết chữ nhiều hơn. Được ít lâu, Quỳnh bảo anh ta vào tập văn ở trường quan Bảng, mỗi kỳ văn anh ta lấy đầu bài về, Quỳnh lại làm cho anh viết, thì kỳ văn nào cũng được bình. Quỳnh lại lấy mẹo xui anh ta tìm một người bạn học mới thân đem về nhà để làm bạn đọc nhưng vẫn giấu kỹ không cho biết mặt Quỳnh. Đến kỳ văn sau, Quỳnh lại làm văn cho cả hai người, nhưng để cho anh thợ cầy giả là làm hộ. Kỳ nộp quyển, quan Bảng xem văn, thấy anh bạn xưa nay văn lý tầm thường mà lần này rất là xuất sắc, mới gọi ra hỏi. Anh bạn trước còn chối, sau phải thú thực là anh thợ cầy gà cho. Quan Bảng từ đấy càng tin anh thợ cầy là hay chữ thật, không kém gì Trạng Quỳnh ngày trước, mà tính hạnh thì đúng đắn hơn nhiều, bèn đổi tấm lòng yêu Quỳnh ngày trước mà yêu anh thợ cầy. Được ít lâu, anh thợ cầy bỗng có một hồi bẵng đi vài kỳ không làm văn. Anh em gặp hỏi thì anh ta nói là chỉ học như thế cũng đủ. Quỳnh lại xui người đồn đại ra rằng anh ta dục dịch đi hỏi vợ. Quan Bảng nghe được tin ấy, mượn bắn tin muốn gả con gái cho. Quỳnh biết quan Bảng đã mắc mưu rồi, bèn bảo bố mẹ anh thợ cầy đem trầu cau đến hỏi thì quả nhiên được. Quỳnh sợ để lâu lộ chuyện bèn xui xin cưới ngay. Khi sắp đến ngày cưới, Quỳnh bảo anh đem những cầy cuốc cưa ra từng đoạn, mà bỏ vào đôi hòm sách khóa lại. Quỳnh lại dặn rằng:
‘‘Tôi có việc phải đi vắng độ một vài tháng mới về, sẽ không dự việc cưới anh được, nhưng tôi dặn mấy điều thì anh phải nhớ: khi cưới vợ về mà nhập phòng thì cứ làm ra mặt nghiêm trang chứ đừng lộ chuyện gì với vợ; nếu nàng có rở đến chuyện văn chương chữ nghĩa thì nên tìm đường thoái thác chứ đừng bắt nhời mà thò chuôi dốt ra thì hỏng to’’. Dặn xong đi thẳng.
Thị Điểm từ khi cưới về nhà chồng, thấy chồng ra mặt nghiêm trang, nên cũng không dám rở đến chuyện văn chương chữ nghĩa, ngày ngày chỉ thấy xem đi xem lại một bộ cổ văn, nghĩ bụng chồng mình có tiếng hay chữ mà sao không thấy có gì là những sách văn chương thơ phú chỉ loanh quanh có một bộ cổ văn, bụng lấy làm lạ, bèn làm một bài thơ khuyên chồng siêng học mà đưa cho chồng họa, nhưng chồng tiếp bài thơ, xem xong bèn vứt bỏ đi. Một hôm nhân chồng đi vắng, nàng mới mở trộm hai cái hòm sách sơn son ra xem thì thấy đầy hòm toàn là những cầy cuốc cưa ra từng khúc, nàng xem xong chết điếng người đi. Chợt lúc ấy chồng ở ngoài về, bước vào buồng học, thì thấy vợ đương ngồi đấy mà những khúc cầy cuốc thì để ngổn ngang trên mặt giường, sắc mặt liền tái xám đi.
Vợ hỏi duyên cớ, anh ta lúng túng không giả nhời được. Vợ dỗ ngọt rằng:
‘‘Một ngày là nghĩa, huống hồ vợ chồng lấy nhau đã bấy nhiêu lâu, còn ngại điều gì mà cứ giấu nhau không nói’’.
Bấy giờ anh ta phải thú thực mọi chuyện sau trước, Thị Điểm nghe xong tê tái cả người biết là mắc phải mưu Quỳnh, nhưng tay đã nhúng chàm còn biết làm sao được nữa, từ đấy bèn đóng cửa dạy chồng để rửa tiếng tăm. Đến khi nhà quan Bảng có giỗ, Quỳnh biết thế nào tất vợ chồng Thị Điểm cũng đến, bèn cũng đến lễ, trông thấy vợ chồng Thị Điểm, cười bảo Điểm rằng:
- Đã biết tay Quỳnh này chưa? Có còn nhớ câu ‘‘da trắng vỗ bì bạch’’ không?
Thị Điểm giận không thèm nói và bấy giờ anh chồng mới biết thầy học mình chính là Trạng Quỳnh.
Trong vùng Quỳnh ở có một cái tượng đá đàn bà trần truồng tô hô, đứng ở giữa đồng, miệng tủm tỉm cười, tay lại trỏ xuống hạ bộ tựa như phô đồ, hễ người nào đi qua trông thấy mà cười thì phi méo mồm cũng đau ốm; Quỳnh nghe nói bèn đi xem, đến nơi thấy tượng bèn đề một bài thơ vào tượng ấy rằng:
Khen ai đẽo đá tạc nên mày,
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây,
Trên cổ đếm đeo trăm chuỗi hạt
Dưới chân đứng sững một đôi giầy
Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay là bốc gạo thử thanh thầy?
Có ngứa gần đây nhiều gốc rứa
Phô phang chi ở đám quân này.
Đề xong, tượng đá chảy toát mồ hôi mà từ đấy không thiêng như trước nữa.
Lại một hôm có việc lên chơi trên Tuyên, thấy có cô con gái chua ngoa đang đứng trông gặt lúa, Quỳnh giả là anh đồ kiết đến xin lúa, cô ta bảo làm thơ mới cho anh đồ kiết đến xin lúa, cô ta bảo làm thơ mới cho. Quỳnh nói rằng:
Tuyên Quang, Hoằng hóa cũng thờ vua,
Nắng cực cho nên phải mất mùa.
Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị.
Chị nỡ lòng nào chị chẳng cho.
Cô ra xấu hổ lủi về mất, hết cả chua ngoa.
Khi Quỳnh về đường vào nghỉ quán thấy một ông quan cũng vào nghỉ mà đương ngồi bệ vệ, Quỳnh dụng ý định sỏ bèn mon men đến gần hễ ông quan ấy ăn dầu ném bã ra thì lại cúi xuống nhặt lấy. Quan hỏi, Quỳnh xưng mình học trò. Quan bảo:
- Học trò sao mà lại lẩn thẩn thế?
 Quỳnh nói:
- Tôi thấy câu phương ngôn vẫn nói ‘‘miệng người sang nói có gang có thép’’ nên tôi nhặt để xem gang thép nó thế nào.
Quan thấy Quỳnh có ý xước mình bèn ra oai thét rằng:
- Nếu phải học trò thì phải lập tức đối ngay câu phương ngôn ấy, nếu không đối được thì ta sẽ đánh cho mấy chục roi. Quỳnh nói:
- Bẩm khó lắm ạ,
Quan lại thét:
- Khó cũng phải đối.
Quỳnh giả cách sợ hãi thưa rằng:
- Bẩm ngài, tôi xin đối.
- Đối mau.
- Tôi xin đối ạ, xin đối là: Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.
Quan đỏ mặt nói rằng:
- Ừ! Đối chọi đấy, nhưng phải cái khiếm nhã.
Quỳnh bẩm:
- Vậy xin ngài nghĩ hộ xem có còn câu nào hay hơn nữa không?
Quan lẳng lặng rồi đứng dậy đi.
Chú thích:
[1] Cấn là quẻ cấn! Tốn là quẻ tốn: nghĩa là lợn cấn (chửa) ăn tốn hết nhiều cám.
[2] Không là quẻ khôn! Càn là quẻ càn; thế là đối chọi với quẻ cấn tốn.
[3] Có ý tự phụ mình là ông Tú.
[4] Ông Tú Cát đối với con bọ hung thật khéo đối chọi, nhưng rất xược.
[5] Cây mà giồng và đất rắn thì sống sao được, có ý bảo Quỳnh làm rể ở đấy mà nghịch ngợm thế thì bền sao được.
THIÊN DƯỚI
Khi hiển đạt
Gặp năm nhà vua mở khoa thi, Quỳnh ra ứng thí, khi đi qua đền Sòng, bèn vào yết đền, khấn xin chúa Liễu phù hộ cho được đỗ đạc thì khi về sẽ xin giả lễ. Khoa ấy quả nhiên đỗ thật, lúc về Quỳnh mua hai con bò mẹ con đem đến giả lễ. Quỳnh khấn xong, buộc con bò mẹ vào tay ngai, rồi dắt con bò con về, con bò mẹ thấy mất con liền nhảy lồng lên mà chạy theo, làm đổ gãy cả ngai của Chúa. Quỳnh thấy thế cười mà rằng:
- Cám ơn chị, chị có bụng thương em nghèo, nên giả không lấy, vậy em xin giắt nó về vậy.
Đến khi thi hội, Quỳnh không muốn đi nhưng Trịnh vương ép Quỳnh phải đi để lấy Trạng. Quỳnh vì không thiết nên khi làm văn xong, còn thừa giấy bèn vẽ voi vẽ ngựa kèm vào rồi lại đề bốn câu thơ rằng:
Văn chương phú lục đã xong rồi,
Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi.
Nhắn nhủ một nhời cho chúng biết,
Ai mà cười tớ, nó ăn bòi.
Quỳnh định làm thế để phạm trường quy cho khỏi đỗ.
Lại khi Quỳnh vào trường thi, cứ nhấp nhổm đứng lên luôn chứ không chịu ngồi yên trong lều, vai đeo cái ống quyển lủng lẳng mà đi qua đi lại ở chỗ quan trường đóng. Quan trường vốn biết tiếng Quỳnh hay chữ, thấy đi tung tăng mới hỏi đã làm xong bài văn nào thì đưa xem. Quỳnh nói:
- Bẩm mới xong được vài đoạn, nhưng thối lắm không thể chịu được, xin các quan đừng xem.
Quan trường cho là Quỳnh nói nhún mình, cứ cố đòi xem. Quỳnh nói:
- Quả là thối thực, đưa ra chỉ sợ các quan bưng mũi không kịp thôi.
Các quan không nghe nhất định đòi xem cho được. Bất đắc dĩ Quỳnh phải đưa cho xem mà nói to lên rằng:
- Tôi nói thực mà các quan không nghe, vậy tôi mặc đấy.
Không ngờ trong ống quyển, Quỳnh đựng những vật dơ bẩn và bắt châu chấu mà bỏ vào, các quan vừa mở thì châu chấu bay vù cả ra bậu vào quần áo, ai nấy đều phải bịt mũi chạy không kịp. Quỳnh cũng cười ầm lên mà rằng:
- Tôi bảo thực mà các quan không nghe; đừng trách tôi là không bảo trước nhé.
Các quan đều giận lắm, nhưng không lấy nhẽ gì mà bắt tội được.
Khi Quỳnh đi học, tập văn ở nhà Quốc học (thời bấy giờ ở tại Hà nội) kỳ văn nào cũng hay hơn hết các học trò, bởi thế cậy tài hay có tính tự đắc. 
Một buổi, Quỳnh gặp một người học trò ước độ 19, 20, trông người phong nhã, cùng ngồi bên mình làm văn, chỉ cúi đầu một lát viết được năm sáu trang giấy, Quỳnh bấy giờ đương nghĩ ngợi luẩn quẩn chưa biết làm ra thế nào, trông sang người học trò bên cạnh, thấy văn viết đã xong, lấy làm nhanh lạ, bao nhiêu cái tư tưởng kiêu ngạo lại đổi ra lòng kinh sợ. Sau mượn bài vở của người học trò kia xem qua một lượt, thì thấy giọng văn lưu loát như mây bay nước chảy, lời lẽ như nhả ngọc phun châu, không những là nhanh trông lạ thường, mà lại có tài hơn mình thập bội. Xem xong gác bút phục là văn chương cẩm tâm tú khẩu, Quỳnh bấy giờ có ý muốn làm quen, hỏi thăm tính danh quê quán.
Người học trò đáp:
- Tôi là một kẻ học trò nghèo ở tỉnh Hải Dương, nhân chơi Trường An, cho ở dưới thành, học hành non, kiến thức hẹp, vậy không dám nói rõ tính danh sợ dác tai người.
Sau Quỳnh lại cùng ngồi bàn luận văn chương với người ấy, thấy xuất khẩu thành văn, học lực rộng rãi, hỏi đến đâu nói đến đấy, thuộc lòng cả thiên kinh vạn quyển. Quỳnh lại càng thêm kính phục mời người ấy về chơi nhà trọ. Người ấy từ chối, nói rằng:
- Nay tôi còn có chút việc riêng, chưa tiện đi chơi được quan bác như có lòng yêu, thì xin đợi ba ngày nữa, mời quan bác đến Quản văn Đình, bấy giờ tôi sẽ đón quan bác cùng về chơi nhà tôi một thể. Nói xong liền từ biệt mà đi.
Nguyễn Quỳnh y ước ba ngày đến Quản văn Đình, khi tới nơi đã thấy người học trò ấy đứng đợi trước rồi. Đôi bên trông thấy nhau lấy làm vui vẻ, dắt tay cùng đi, ra ngoài thành ước hơn một dậm rồi rẽ vào đường tắt đến một cái nhà tre, ngoài cổng đóng chặt. Người học trò lên tiếng gọi, có ông già ra mở; Quỳnh theo vào, chỉ thấy mấy gian nhà lá, trong kê hai cái ghế trường kỷ bằng tre, vài cây đèn gỗ và mấy cái nồi đất; còn không thấy quyển sách quyển vở nào cả. Quỳnh lấy làm lạ, hỏi chuyện thì người học trò ấy đáp rằng:
- Tôi vốn vô tâm, không thiết gì vinh hoa phú quý, nên không học nghề làm văn, nghề làm văn đã chẳng học thì làm gì còn có sách vở.
Quỳnh hỏi:
- Quan bác không học sao hôm trước làm văn lại hay đến như thế?
Người học trò đáp:
- Tôi vốn mộ cái tiếng hay chữ của ngài đã lâu, nhưng không biết lấy gì làm quen được, vậy phải làm bài văn để lấy đường đi lại.
Truyện trò hồi lâu, người học trò lưu Quỳnh ở lại ăn cơm. Một lát thấy bưng cơm lên, chỉ có hai bát cơm trắng, bát canh rau, với dĩa nem mà thôi. Cơm nước xong, Quỳnh từ giã ra về, người học trò nói rằng:
- Nhà tranh chật hẹp, không dám cưỡng lưu quan bác.
Nói xong, lấy ra 24 đồng tiền tặng Nguyễn Quỳnh và dặn rằng:
- Lần sau không biết bao giờ anh em ta lại gặp nhau nữa, vậy có ít tiền giúp quan bác dùng làm lộ phí.
Nguyễn Quỳnh nghe nói mỉm cười mà rằng:
- Nhà tôi cũng ở trọ ở phố gần đây, còn muốn sớm tối anh em đi lại với nhau còn nhiều. Sao quan bác lại nói những lời trường biệt như vậy? Vả từ đây đến nhà tôi có xa xôi gì mà phải dùng đến tiền?
Người học trò cười, không nói gì; chỉ cầm tiền đưa vào tận tay Nguyễn Quỳnh.
Nguyễn Quỳnh thấy ân cần, không tiện từ chối mãi phải nể bạn cầm lấy, rồi hai người vái chào tương biệt.
Nguyễn Quỳnh đi ra được mươi bước, đoái trông giở lại, thấy mấy dẫy non xanh cao ngất lưng trời, té ra mình đứng dưới gốc cây thông bên sườn núi, chẳng có nhà ai gần đấy cả. Lần đường đi mãi xuống đến gần chân núi, mới gặp một người đi kiếm củi, hỏi đây là xứ nào? Người kiếm củi đáp:
- Đây là núi Phượng Hoàng.
- Thuộc về địa phận tỉnh nào?
- Thuộc về tỉnh Hải Dương
- Cách Hà Nội bao xa?
- Độ hơn 200 dặm.
Nguyễn Quỳnh bỡ ngỡ lần xuống chân núi thì thấy đồng lúa mông mênh, liền kề chân núi có đường cái lớn, mới hỏi thăm lối về Hà Nội. Tiền đi đường có ít chỉ sợ thiếu thốn, nhưng lúc đi đường thấy trong bụng không no mà cũng không đói, thành ra không phải mất tiền ăn, chỉ khi qua bến sông phải giả tiền đò mất ít nhiều mà thôi. Về đến Hà Nội còn thừa được 8 đồng, cất kỹ một chỗ để làm kỷ niệm, nhưng cách dăm hôm sau tìm đến mấy đồng tiền thì không thấy đâu cả.
Từ đấy Quỳnh cũng đỡ kiêu ngạo không giám tự đắc như trước nữa. 
Khi Quỳnh ra làm quan, vua cử Quỳnh đi sang sứ Tầu. Vua Tầu thấy nói sứ An Nam hay chữ, mới bầy ra một cách để thử tài, kén những quan Hàn lâm hay chữ vào thi với Quỳnh, phán cho Quỳnh ngày mai thì vào chầu.
Khi Quỳnh vào chầu đã thấy các quan Hàn lâm ngồi sẵn cả đó trên án thì có những đồ văn phòng tứ bảo. Quỳnh chưa biết ra sao thì chợt thấy một người thị vệ ra đánh một tiếng trống rồi cầm dùi trống trỏ lên giời mà vào. Quỳnh thấy thế không hiểu đầu đuôi ra sao, trông sang hai bên tả hữu thì thấy các quan đều cầm bút mài mực sắp viết, Quỳnh nghĩ ngay ra rằng: hẳn họ bắt mình thi văn nhưng dùng cách hiểm mà giấu đầu bài đây; liền nghĩ ngay ra được một cách cứ viết nhăng viết nhít đầy giấy không còn ai trông được ra chữ gì nữa. Viết xong liền đem nộp, nhác trông thấy đầu bài của họ là ‘‘Thơ trống, vần thiên’’, bấy giờ mới hiểu mà nghĩ ngay một bài để sẵn trong bụng. Khi vua Tầu rở quyển của Quỳnh ra xem thì thấy nhăng nhít không còn biết chữ gì mà đọc, bèn phải đòi Quỳnh lên để hỏi, Quỳnh tâu:
- Đó là lối thảo riêng của hạ thần, xin viết lại để thánh thượng coi.
Quỳnh bèn viết ngay bài thơ đã nghĩ sẵn ra thì hay hơn tất cả mọi bài, vua cùng triều đình ai nấy đều phải phục cả. Vua mới hỏi Quỳnh rằng:
- Nước An nam những người có tài như nhà ngươi được độ bao nhiêu?
- Ở nước tôi thì văn như Đổng Giả, võ như Tôn Ngô kể cũng có hàng trăm hàng nghìn, còn như hạng tôi thì là một hạng xe chở đấu đong, biết đâu mà kể cho xiết được.
Vua Tầu nghe nói phải lấy làm thán phục.
Sau khi Quỳnh đi xứ về, gặp năm có sứ Tầu sang phong vương cho vua nhà Lê, vua chúa sai Quỳnh giữ việc tiếp sứ. Quỳnh lập một cái quán ở bên kia sông Cái, xin vua triệu Thị Điểm ra ngồi quán bán hàng và xin đóng một chiếc thuyền để Quỳnh chở sứ, còn ở cửa thành thì bầy đồ hành nghi rất oai vệ, trên đề 4 chữ ‘‘An Nam quốc môn’’. Sứ đi qua hàng Thị Điểm thấy đề 3 chữ ‘‘ Ẩm nhân quán’’, lấy làm lạ, đứng lại xem thì thấy cô hàng ăn mặc lẳng lơ đi ở trong ra có ý như phô phang với các chú. Sứ Tầu trông thấy khúc khích cười rồi si sô bảo nhau rằng:
‘‘Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh’’ [1]
Thị Điểm hiểu tiếng Tầu ứng khẩu đáp rằng:
‘‘Bắc triều chư đại phu giai do thử đồ xuất’’. [2]
Sứ nghe đọc giật mình và sượng mặt, không ngờ một chị hàng nước mà lại có tài học đến như thế.
Lúc sứ Tầu xuống đò, Quỳnh đã ăn vận giả làm anh lái đò. Sứ nhỡ phát ra tiếng bủm vội đọc ngay một câu để chữa thẹn rằng:
‘‘Lôi động Nam bang’’; nghĩa là: (Sấm động nước Nam)
Quỳnh nghe tiếng liền chạy lên mui thuyền đứng đái mà rằng:
‘‘Vũ qua Bắc hải (mưa qua bể Bắc)
Sứ nghe lấy làm kinh quá, nghĩ bụng chị bán hàng, anh lái đò mà còn hay chữ như thế và hết bênh vực danh dự nước nhà mà chống chỏi với người như thế thì đủ biết nước Nam này thật chúng ta không thể khinh thường được, lại càng tin nhời Quỳnh khoe trước là thật. Từ đấy vào đến cửa thành các chú không còn dám tuy toe rở chữ mà nói những câu hổn xược nữa. Khi vào đến thành vua và các quan ra tận cửa thành nghênh tiếp, sứ trông lên cửa thấy có bốn chữ ‘‘An Nam quốc môn’’ nghĩ bụng rằng mình là sứ giả Thiên triều mà lại cúi luồn dưới bốn chữ này chả hóa ra mất thể diện lắm du! Bèn nhất định không chịu đi qua mà bắt phải xây cầu vồng qua cửa thành thì mới chịu vào; ai nói thế nào cũng không được. Bấy giờ nhà vua nghĩ nếu chịu bắt cầu qua cổng thì chả hóa ra thất quốc thể lắm, bèn phải triệu Quỳnh vào để bàn! Quỳnh tâu rằng:
- Việc đó hạ thần đã biết trước xin bệ hạ cứ yên tâm, hạ thần chỉ xin dùng một chước cỏn con bắt buộc hắn phải vào.
Quỳnh bèn giả làm một người lính hầu cầm quạt lông đi theo hầu một ông quan đem đồ cung ứng ra sứ quân. Đến nơi; Quỳnh cầm quạt phe phẩy mấy cái rồi giơ ngay cán gõ vào đầu sứ mà nói:
‘‘tỉu nà ma cái nị’’ rồi ù té chạy mất. Sứ Tầu vô tình thấy đứa hỗn thế, tức giận điên ruột liền vùng đứng dậy đuổi theo, phó sứ và các quan hầu thấy thế cũng đều chạy đuổi theo Quỳnh. Quỳnh chạy tọt vào cửa thành thế là bọn họ cũng chạy theo cả vào thành. Quan quân ta cũng thúc voi đuổi hộ, sứ nghe tiếng voi hét sau lưng lại càng đuổi dấn. Khi sứ bộ đã qua khỏi cửa, Quỳnh liền quay lại vừa cười vừa nói rằng:
- Thế là các ông chui qua cửa rồi nhé, chả nhẽ lại còn quay ra nữa ư!
Nói rồi chạy mất.
Sứ bấy giờ biết là mắc mưu đứng ngẩn người ra một lúc rồi đành phải vào thành. 
Một hôm sứ Tầu đi chơi với Trạng xem hàng vẽ tranh. Sứ Tầu là người vẽ nhanh, sứ đố Trạng rằng:
‘‘Đố Trạng nghe xong một tiếng trống mà vẽ được một con vật mới tài’’.
Trạng nói thoắng ngay rằng:
‘‘Một tiếng trống vẽ xong mười con vật mới tài. Chứ một con có gì là tài’’.
Sứ vẽ thi với Trạng, nghe một tiếng, sứ chưa vẽ xong một con vật, Trạng dúng luôn cả mười đầu nhón tay vào mực rồi ngoằn lên giấy mười vạch ngòng nghèo bảo là mười con giun, sứ Tầu bị thua cuộc, chịu là láu cá.
Bấy giờ có viên quan thị vốn là một kẻ nịnh thần thường hầu hạ trong phủ Chúa; được chúa Trịnh yêu thương lắm, thường hay thậm thọt nhà Quỳnh hễ thấy Quỳnh có quyển sách gì hay là lại mượn xem mà ít khi chịu đem giả, Quỳnh vẫn thấy làm ghét lắm. Một lần Quỳnh thấy hút quan thị từ ngoài xa đến, liền giả cách cầm một quyển sách xem, đợi hắn vào gần đến nơi thì bỏ giấu vào trong cháp. Quan thị trông thấy Quỳnh giấu thế, ngỡ là sách quý đòi xem, Quỳnh bảo:
- Đó là sách nhảm có gì mà xem.
Quan thị nằn nì mãi không được liền về hót ngay với chúa Trịnh. Một lát có tin Chúa đòi Quỳnh vào hỏi, Quỳnh biết là chỉ vì việc ấy liền lấy bút viết mấy câu vào quyển sách, rồi bỏ vào cháp khóa lại.
Khi vào đến phủ Chúa, quả Chúa hỏi về việc quyển sách. Quỳnh thưa rằng:
- Có sách gì quý đâu, hẳn viên thị thần lại tâu man điện hạ, đó thôi.
Chúa thấy Quỳnh chối thế lại càng chắc là sách quý thật, sai lính về nhà đem cháp vào phủ. Chúa mở ra xem thì chỉ thấy có quyển sách nhỏ và mỏng. Quỳnh rụt rè không dám đưa. Chúa truyền:
‘‘Cứ đưa ta xem! Sách hay thì ta thưởng, có can phạm gì thì ta cũng xá tội cho! Đừng sợ!’’
Quỳnh đưa lên, Chúa mở xem thì chỉ thấy có mấy câu rằng:
‘‘Chúa vị thị thần viết: vi cốt tứ địch, vi cốt tứ địch thì thần quỵ nhi tấu viết: Thần phùng chỉ phát, thần phùng chỉ phát’’.
Chúa xem xong, ngẫm nghĩ không biết là làm sao, bèn bảo Quỳnh cắt nghĩa.
Quỳnh cứ dụt dè mà rằng:
- Đó là quyển sách nhảm nhí của hạ thần, cắt nghĩa ra, sợ thêm rác tai điện hạ.
Chúa Trịnh nhất định không nghe, bắt Quỳnh phải cắt nghĩa cho được, Quỳnh bèn cắt nghĩa rằng:
‘‘Chúa hỏi thị thần rằng: ‘‘Làm xương cho sáo? Làm xương cho sáo?’’ Thị thần quỳ mà tâu rằng: ‘‘Tôi may ngón tóc, tôi may ngón tóc.’’
Chúa Trịnh nghe cắt nghĩa như vậy cũng vẫn chẳng hiểu ra làm sao, lại hỏi:
- Vẫn hay rằng nghĩa đen thì thế nhưng mà ý tứ ra làm sao.
Quỳnh cứ ngần ngừ không dám nói.
Chúa lại cố gặng và anh quan thị cũng cố gặng mãi, Quỳnh mủm mỉm cười mà nói rằng:
- Xin Chúa thượng cứ đọc đảo lên thì tự khắc ra nghĩa. Song nghĩa nó tục lắm, Chúa thượng chả nên nghe làm gì?
Chúa nói:
- Tục thì tục nhà ngươi cũng cứ đọc đi cho ta nghe. Ta đã bảo không can chi mà!
Quỳnh bèn đọc ngược lại rằng:
- Chúa bảo thị thần rằng: ‘‘làm sao cho sướng?‘‘ làm sao cho sướng?’’ Thị thần quỳ mà tâu rằng: ‘‘tôi móc ngón tay, tôi móc ngón tay.’’
Chúa Trịnh và anh quan thị biết là Quỳnh lỡm liền bảo Quỳnh mang sách về. Quỳnh ra, viên quan thị cũng theo ra trách Quỳnh xỏ xiên cả Chúa, Quỳnh nói:
- Tôi đã chối mãi mà nhà ngươi cứ hót hỉnh để Chúa bắt phải đem ra, đó là lỗi tại nhà ngươi chứ tại ai mà còn trách quẩn,
Quan thị tịt mất.
Bấy giờ trong cung có bà công chúa tính hay kiêu ngạo, mỗi khi đi ra đường hễ ai trái ý thì liền sai lính đánh ngay. Quỳnh nhân khi đi chơi, gặp kiệu Chúa gần đến, bèn xuống ngay cái ao cạnh đường mà đá nước chơi, Chúa trông thấy Quỳnh chơi lẩn thẩn mới hỏi:
- Quỳnh làm gì thế?  
Quỳnh đáp:
- Tôi ở nhà buồn, nên ra đây để ‘‘đá bèo’’ chơi.
Chúa thẹn đỏ mặt tía tai mà đi.
Một hôm giời mùa hè, nóng nực, Quỳnh cùng mấy người bạn đi chơi, đến một cái quán bán hàng, bèn rủ nhau vào nghỉ mát thấy cô hàng ăn nói lắm giọng chanh chua, mà hơi vọc vạch biết chữ, Quỳnh trông thấy có mẹt bánh nếp, khen rằng:
‘‘Cô hàng có mẹt bánh ngon nhỉ?’’
Cô hàng chào:
‘‘Vâng, bánh ngon lắm, mời các ngài xơi đi’’
Quỳnh đón nhời ngay mà rằng:
‘‘Kìa cô ấy mời, chả nhẽ chúng mình không ăn để phụ lòng tốt của cô ấy;
Bèn bảo nhau ăn hết cả mẹt bánh; Ăn xong, Quỳnh bảo với bạn rằng:
- Cô hàng có bụng như thế chả nhẽ chúng mình lại không có chút gì tạ lại thì sao cho phải,’’
Liền đọc ngay mấy câu thơ rằng:
Đương cơn nắng cực đói lòng thay,
Thết đãi ơn cô có bụng này,
Giầy biết lấy chi mà tạ lại.
Xin quỳ hai gối chống hai tay.
Rồi rủ nhau đi. Cô hàng đắng cay chịu mất mẹt bánh, không dám rở ngón chua ra nữa.
Khi ấy trong phủ có lũ quan thị thường hay thích chọi gà, thấy Quỳnh có con gà chọi được gà của sứ Tầu, bèn rủ nhau đem gà đến nhà Quỳnh để xin chọi thử. Quỳnh vốn ghét lũ quan thị, từ chối là không có gà.
Nhưng bọn họ cứ lằng nhằng mãi, Quỳnh phải ừ mà hẹn ngày mai đem gà đến chọi.
Bên láng giềng nhà Quỳnh có con gà trống thiến, khi bọn quan thị đem gà đến, Quỳnh bèn mượn đem về chọi, có ý xỏ bọn quan thị.
Vừa giao phong được vài miếng gà của quan thị liền đá ngay một cựa vào ức con gà thiến chết ngay.
Quan thị vỗ tay reo rầm lên, bảo: ‘‘thế mà cứ đồn gà của Trạng tốt, chọi thắng gà Tầu, giờ mới biết là họ đồn hão.’’
Quỳnh chẳng hề cãi cọ gì cả chỉ thủ thỉ nói rằng:
- Vâng, các ngài nói phải. Trước gà của tôi tốt thật nhưng từ khi tôi thiến nó đi thì nó đâm đốn ra như thế đấy.
Đoạn lại ôm lấy gà mà nói rằng:
- Khốn nạn thân mày, sao mày không biết phận mày không giái mà chịu trước đi cho thoát đời, lại còn ngứa nghề mà tranh chọi làm gì cho nó khổ thân như thế. Thôi, chết cũng đành, còn ai thương cái đồ khốn ấy làm gì!
Bọn quan thị động nọc ôm gà cút mất. 
Trong cung nhà vua có một con mèo quý lắm, vua sắm một cái xích bằng vàng mà cho ăn những đồ cao lương mỹ vị. Quỳnh vào triều trông thấy liền bắt trộm mà đem ngay về nhà, tháo cái xích vàng cất đi mà buộc bằng một cái dây chuỗi, đến bữa thì để hai bát cơm, một bát có thịt cá và một bát có rau, mèo xưa nay vẫn quen ăn ngon, liền chạy đến bát cơm thịt cá để ăn, Quỳnh cầm cái roi, cứ hễ mèo ăn bát ấy thì đánh. Mèo đói quá phải đến ăn bát cơm rau, như vậy trong vài mươi ngày, con mèo đã vào khuôn vào phép mới thả ra cho người ngoài biết.
Vua Lê từ khi mất con mèo lấy làm tiếc lắm cho người đi tìm mãi, không thấy đâu. Mãi gần một tháng, mới tìm thấy ở nhà Quỳnh có một con mèo giống mèo của vua bèn bắt Quỳnh phải đem mèo vào triều. Vua trông thấy mèo nhận phải, hỏi mua từ bao giờ, thì Quỳnh nói mua đã lâu. Vua hỏi:
- Sao con mèo này giống con mèo của trẫm lắm hay là nhà ngươi bắt của trẫm? Quỳnh nói:
- Bệ hạ ngờ cho thần bắt trộm mèo thì thật oan quá, xin bệ hạ sai đem thử xem thì biết mèo của thần hay của bệ hạ.
Vua hỏi thử thế nào, Quỳnh nói:
- Bệ hạ phú quý thì thường cho mèo ăn những thịt cá, còn mèo nhà dân, nghèo khó thì thường cho nó ăn rau, nay xin để hai bát cơm, một bát có thịt, một bát có rau để xem nó ăn bát nào thì sẽ biết.
Vua bèn sai lấy cơm mang ra thử xem thì con mèo liền chạy đến ăn bát cơm rau, chỉ một lúc thì hết. Quỳnh liền tâu rằng:
- Xin bệ hạ lượng xét cho; người ta phú quý thì cao lương mỹ vị, nghèo hèn thì cơm hẩm rau dưa, mèo cũng vậy nó cũng phải theo cách chủ.
Đoạn vái tạ mà đem mèo về.
Quỳnh có một ông bạn cống sinh làm giáo thụ ở tỉnh Bắc. Một khi gặp người học trò của bạn cầm bức thư ngỏ, giựt lấy xem, thấy bạn viết thư về thăm vợ ở Nam liền chơi ranh viết bức thư khác đổi cháo vào.
THƯ RẰNG:
Này nhời giáo thụ gửi về quê
Nhắn nhủ bà bay chớ ngứa nghề!
Cõi Bắc, anh mang thằng củ lẳng,
Miền Nam, em giữ cái chai he.
Vẫn còn vướng vít như hang thỏ,
Hay đã tò ho quá lỗ chê?
Dù có thế nào thì chịu vậy,
Một hai ngày nữa đợi anh về…
Tính Quýnh hay đùa cợt xiên xỏ, thật không từ một người nào. Một buổi chiều đánh chén ngà ngà say, bèn đi lông bông ra đường phố; chợt qua giẫy nhà thổ, các chị trông thấy tưởng là quan trạng đú mỡ, đều chạy ra nắm áo mời chào để chực gạ nhân tình. Song Quỳnh cũng không thiết, thấy các chị giằng co nhả quá, muốn đánh tháo mà không được mới nghĩ ra một chước mà nói rằng:
- Muốn tử tế thì buông ngay ra, ta sẽ mách cho một món bở: Có mấy ông quan thanh về chơi nhà ta, thấy đồn ở đây lắm thú vui nên các ngài ấy định đến thưởng thức, ta toan đánh tiếng cho các người, nhưng chơi nhã thế nầy thì cũng chịu thôi, chịu thôi. E rồi mang tiếng!
Các chị thấy nói các quan Thanh Tra chắc là món bở, chị nào chị ấy buông ngay ra mà kính cẩn chào mời, chỉ sợ chượt mất một món hẩu. Quỳnh nói:
- Các chị muốn được tiếp các quan thì phải cho lễ phép mới được. Các quan, chứ không phải người thường đâu. Nếu hỗn hào thì chẳng những không được gì mà lại có tội nữa.
Các chị nghe nói vâng dạ rối rít rồi thì chị nào chị ấy tắm rửa gội đầu sạch sẽ, dọn giường trải chiếu, tô son chát phấn, điểm trang cho cái bộ mặt răn reo, xông hương cài hoa, chải chuốt cho cái mái đầu hôi rích. Rồi đi bách bộ đứng tựa hiên, chỉ chuyên đợi các quan ngài đến. Có mấy chú lính đi qua trông thấy chị em, muốn vào thưởng thức thì liền bị chị em mắng ngay:
- ‘‘Hôm nay sắp có các quan đến chơi, các anh không vào được!’’
Sau khi ở phố nhà thổ về. Quỳnh liền đi gọi ngay bốn thằng sẩm đến bảo rằng:
- Các anh có muốn đi chơi thổ không?
Sẩm ta cả đời đói khát, lo lấy miếng hồ khẩu chưa xong, còn đâu có tiền mà đến lầu xanh để đùi non du xuân, nay thấy nói thế bên kêu rằng:
- Quan lớn cho ăn thì chúng con xin vâng, còn việc ấy thì không dám.
Quỳnh nói:
- Các anh dở lắm, các anh cứ ừ đi, rồi ta sẽ cho cơm no rượu say nữa.
Các chú sẩm thấy nói vừa được ăn vừa được chơi, đều mừng rỡ mà nói:
- Quan lớn có lòng thương đến kẻ mù lòa chúng tôi như thế thì chúng tôi dù chết cũng không còn hối hận gì.
Quỳnh bảo:
- Được, vậy thế ta dặn những nhời này thì phải nhớ mà nói nhé, nếu sai sẵn gậy ông phang cho què!!!
Lũ sẩm đều dạ dạ, Quỳnh mới dặn đủ cả các nhời đối đáp rồi cho bọn họ đánh chén thực say, sai người nhà đi mua 4 bộ quần áo giấy cho mặc mà sắp 4 cái võng mà võng sẩm đi, lại bất vài anh lính sắm sửa điếu cháp đi hầu. Giời vừa sâm sẩm tối, đường đi bước thấp bước cao, mấy ông quan sẩm ngồi trên võng những giật mình thon thót. Quỳnh bắt võng đi thong thả mà mình đi lên trước, hất hơ hất hải đến phố nhà thổ, thấy các chị em đương đứng bên cửa ngấp nghé. Quỳnh quát to lên rằng:
- Quan đến! Quan đến, vào cả đi, chỉ để mụ đầu ở lại ngoài này thôi.
Võng hoa đỗ đến mái ngoài, Quỳnh chắp tay vái mà nói rằng:
- Xin mời các quan xuống võng.
- Không dám vô nhà mô?
- Lấy nhà này! Đây có bực cửa xin các quan bước cao lên kẻo vấp.
- Mần răng! Tối mỳ tối mịt như rứa chẳng còn biết đường sẩm nào mà vô.
Mụ đầu nói:
- Bẩm, để con xin lấy đèn.
Quỳnh gạt đi:
- Thôi! bất tất phải đèn, mụ cứ cho vào đi.
Các chị ở trong nhà trông ra thấy nhấp nhoáng áo giấy, thì thào bảo nhau rằng:
- Sao các quan đi chơi lại mặc cả áo trào thế kia nhỉ?
Một chị khúc khích cười mà nói:
- Vậy thì khi các quan vào chầu vua, sẽ đem theo cả hơi hướng chúng mình vào trào.
Mụ đầu vội bưng ngay miệng các chị kia lại kẻo sợ quan nghe tiếng, ngài quở.
Quỳnh đưa mỗi anh sẩm vào một buồng, cởi áo giấy xếp lại rồi ra kén lấy 4 chị có nhan sắc và mũm mĩm hơn cả, cắt mỗi chị vào một buồng. Đoạn, đứng ngoài, nói to lên rằng:
- Rước 4 quan lớn đi giấc, sáng mai tôi sẽ xin đến đón.
Bốn quan nói:
- Ấy sao quan lớn không ở đây chơi để đồng lạc cả, lại về!
Các anh sẩm lâu nay không được biết mùi đời, nay vớ được chị em chẳng khác gì trâu bò được ngày hoại đỗ, thôi thì anh nào anh nấy cố mãi, cố mãi, cố cố mãi. Các chị chiều các quan giở hết cả bảy chữ tám nghề ra mà tiếp đãi. Mãi quá canh ba các quan mới chịu thả ra, chị nào chị nấy đều mệt lử cò bợ.
Các quan thì cũng thừ ra, cái muỗi đốt cũng không buồn xua. Ngày hôm sau đã đến giờ trưa mà vẫn không thấy các quan dậy, người nhà đi lại phải dón dén từng bước, e rằng đi mạnh làm các ngài động giấc rồi ngài quở cho. Mãi quá trưa cũng không thấy các quan dậy. Mụ đầu mới đánh bạo mở cửa vào buồng thì thấy có mấy bộ bộ áo giấy để đó, liền gọi các con vào xem thì ra một lũ sẩm, chúng lấy gậy phang vào các quan chan chát mà rằng:
- Này quan lớn! Này quan lớn! Này đánh cho bỏ mẹ các quan đi.
Nhà thổ sai người bổ đi tìm Quỳnh, nhưng chẳng thấy tăm hơi Quỳnh đâu.
Các anh sẩm trần như nhộng cuống quýt chẳng biết đàng nào mà chạy, đau dừ xương lại còn gượng cười mà rằng:
- Anh em ơi! đau thì đau nhưng sướng lắm! sướng lắm! 
Tại làng Quỳnh có mấy người tấp tửng công danh, vẫn nói nhờ Quỳnh chạy chọt giùm cho may ra có được tý phẩm hàm để khoe mẽ với họ hàng làng mạc. Một hôm Quỳnh ở Kinh đô về, sai người mời những người ấy lại bảo rằng:
- Bây giờ có một dịp tốt, nào các anh có muốn làm ông nọ bà kia thì bảo để tôi giúp cho.
Bụng anh nào anh ấy đều như mở cờ, thấy Quỳnh nói thế nhao nhao lên mà tranh nhau nhận trước. Quỳnh nói:
- Được, các anh hẵng về nhà mà thu xếp hành lý, rồi lại đây uống rượu mừng với ta, sáng mai sẽ theo ta chẩy kinh sớm.
Mấy anh đều hý hửng ra về vênh váo đắc chí lắm. Có anh về đến cổng thấy vợ đương làm ăn lam lũ, bảo vợ rằng:
- Thôi đi, nay mai lên ông này bà kia phải ăn mặc cho sạch sẽ, chứ đừng cẩu thả quá như thế mà người ta cười cho đấy.
Vợ hỏi:
- Bao giờ thì làm nên?
Anh ta nói:
- Chỉ độ nay mai thôi, đi vào sắp sửa hành trang đỡ tôi để mai trẩy kinh sớm.
Sau khi sắp sửa xong mọi đồ hành lý mấy anh lại vội đến nhà Quỳnh, Quỳnh dọn chén cho các anh ăn uống, anh nào anh nấy đều say mèm rồi mỗi anh nằm quay ra một xó mà ngủ. Quỳnh thấy bọn họ ngủ đã say, bèn sai người nhà đem võng ra, cứ anh nọ thì võng về nhà anh kia, anh kia thì võng về nhà anh nọ, nói dối người nhà họ rằng họ say rượu ngộ cảm phải bôi dầu xoa thuốc ngay không thì oan gia. Các bà vợ đương ngủ say, thấy người gõ cửa mà nói những sự giật mình, người nào cũng mắt nhắm mắt mở chạy ra ôm xốc chồng vào trong giường mà đánh gió, mà xoa dầu khắp cả chân tay mình mẩy vừa bóp vừa lẩm bẩm:
‘‘Rượu đâu mà rượu khốn rượu khổ thế! Ngày mai đã trẩy kinh mà bây giờ còn say rượu thế này. Nhờ giời đất, tổ ấm có làm nên được ông nọ bà kia mà cứ rượu chè be bét thế này thì cũng buồn lắm!
Vất vả về chồng suốt từ đêm đến sáng, sáng dậy chả hóa không phải chồng mình.
Ông láng giềng! Bấy giờ anh đàn ông cũng thẹn mà chị đàn bà cũng thẹn, các anh đều lui lủi cút về đến nhà cũng thấy vợ đương đỏ mặt tưng bừng, hỏi ra mới rõ sự bí beng như thế. Anh nào cũng đều oán Quỳnh về sự Quỳnh giúp cho làm nên ông kia bà nọ. Từ đấy, kệch đến già không còn dám ngấp nghé đến chuyện công danh võng lọng. 
Một hôm kia Quỳnh vào hầu trong phủ Chúa, Chúa Trịnh nói rằng:
- Ta hằng ngày ăn những của ngon vật lạ, thế mà vẫn không biết miếng gì là ngon, người thử nghĩ xem có cách nào cho ta ăn được ngon miệng không?
Quỳnh nói:
- Vậy Chúa đã xơi vị mầm đá bao giờ chưa?
- Vị ấy ngon à?
- Dạ ngon lắm ạ.
- Có phải thế thì cho làm để ta nếm thử xem.
Quỳnh bèn bảo viên thị thực đi lấy mầm đá đem ninh dừ để làm đồ ngự thực, còn mình thì lẻn ngay về nhà lấy một lọ tương ngon, một đĩa muối trắng: lọ tương thì bịt thực cẩn thận, ngoài đề hai chữ ‘‘Đại Phong’’ đem sang giấu một nơi. Chúa đợi lâu thấy bụng đã đói mới hỏi mầm đá đã chín chưa? Quỳnh thưa chưa được; Chốc chốc Chúa lại hỏi, mãi đến canh khuya Quỳnh biết Chúa đã đói lắm mới tâu:
- Xin điện hạ hãy xơi tạm vài thứ giã vị, còn mầm đá xin để dâng sau, rồi truyền dọn cơm tương muối dâng lên. Chúa đương lúc đói, ngon miệng ăn mãi, trông thấy cái lọ đề hai chữ ‘‘đại phong’’ lấy làm lạ. Hỏi Quỳnh:
- Mắm đại phong là mắm gì mà ngon thế?
Quỳnh bẩm:
- Đó là thứ giã vị thường dùng.
Chúc hỏi:
- Tên thứ ấy là gì nói cho ta biết.
- Bẩm tên nó là tương ạ.
- Tương ư? Thế nhà ngươi lại đề hai chữ đại phong là nghĩa làm sao?
- Bẩm đại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương, ạ.
- Vậy sao tương mà ngon thế?
- Bẩm vì Chúa đói cho nên ăn thấy ngon. Người ta thường lúc đói thì ăn gì cũng ngon mà lúc no thì ăn chẳng biết vị gì là ngon cả.
Chúa cười mà rằng:
- Nhà ngươi nói phải lắm! À thế ra nhà ngươi cốt làm cho ta thực đói để ăn cho biết ngon đó thôi chứ mầm đá thì đun tới đời nào cho chín được.
Bèn truyền cho bỏ đi 
Vợ Quỳnh ốm, thuốc thang chạy chữa mãi không thấy có công hiệu gì, người nhà đi xem bói nói là động về thành hoàng bản thổ? Quỳnh ra đình khấn xin cho khỏi thì sẽ lễ tạ. Được vài hôm quả nhiên bà vợ khỏi. Nhà giục làm lễ tạ. Quỳnh bảo được, rồi vào ổ gà lấy hai quả trứng sai đem luộc. Người nhà ngỡ là để đánh gió, một chốc thấy Quỳnh chít khăn mặc áo vào bếp vớt hai quả trứng đem đi. Đem ra đến đình bèn bầy đĩa trứng lên hương án rồi đọc một bài văn tế nôm rằng:
‘‘Chú là kẻ cả ở làng, ta là người sang trong nước, đôi bên chức tước, chẳng kém chi nhau. Vì vợ tớ đau phải ra khấn vái. Phiên chợ thì trái, không mua được gì, có con gà di, nó vừa nhảy ổ, bắt ra mà mổ, thì cũng thương tình, chú có anh linh, xơi hai trứng vậy.’’
Khấn xong, chẳng lễ bái gì cả, giở ra về. Người nhà thấy thế đều sợ, nghĩ thế nào ông thành hoàng làng cũng vật lại, song vẫn bình yên không hề gì.
Quỳnh đi đò ngang qua sông Cái thường chịu nợ tích kiếm của anh sãi đò. Anh sãi đến đòi, Quỳnh bảo thong thả mai kia rồi ta sẽ giả. Ngày hôm sau Quỳnh mua tre nứa lá làm một cái nhà bè ở giữa sông, trong đề một câu rằng:
‘‘Đù mẹ thằng nào bảo thằng nào’’
Ai đi qua thấy cái nhà bè cũng hỏi thì anh sãi đò đáp:
- Ấy là cái nhà bè của trạng Quỳnh ở làm thơ đấy.
Nghe nói Trạng ở đấy làm thơ ai cũng nô nức ra xem. Anh sãi đò chở hết chuyến nọ đến chuyến kia mà vẫn không vơi khách, luôn ba bốn ngày anh ta được vô số tiền. Vì người này đi đò ra xem thấy câu ấy, chán quá mà lại đi đò giở vào, người khác gặp hỏi trong ấy có câu thơ gì, đương lúc tức mình bèn lại đọc một cách gắt gỏng rằng: ‘‘Đù mẹ thằng nào bảo thằng nào’’. Người hỏi tưởng họ thiểm họ chửi đứa nào bảo lại cố lần mò vào xem. Vì thế anh sãi đò rất là đắt khách. Được mấy hôm rồi vắng người vào xem, Quỳnh bèn rỡ nhà bè mà bán lại cho anh sãi ấy. Anh chực trừ tiền nợ trước, Quỳnh mắng rằng:
- Anh còn nợ ta thì có chứ ta nợ gì anh. Nếu ta không bầy trò như thế thì anh lấy đâu mà mấy hôm chở được bấy nhiêu tiền đò?
Anh sãi nghĩ ra bèn cảm tạ, mà không dám trừ tiền nữa.
Quỳnh thường cậy tài mà làm nhiều sự quá đáng. Một hôm Quỳnh vào triều chợt có người dâng vua một mâm đào, gọi là đào trường thọ, Quỳnh thủng thỉnh lại gần cầm lấy một quả mà ăn, thản nhiên đứng trước mặt vua và đông đủ các quan. Hoàng thượng cả giận, bèn giao cho đình thần nghị tội. Các quan chiếu luật xin trảm quyết, Quỳnh quỳ mà tâu rằng:
- Đình thần nghị tội tôi như vậy, thật là đúng luật không sai. Song, xin hoàng thượng rộng lượng cho tôi được nói mấy nhời thì dù có chết cũng thỏa.
Vua bằng lòng cho nói, Quỳnh bèn tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, tôi vì tham sống sợ chết nên thấy quả gọi là quả trường thọ thì thèm quá mà tưởng ăn vào sẽ được sống lâu để thờ vua cho tận trung, không ngờ nuốt chửa khỏi miệng mà chết đã đến cổ. Vậy tôi trộm nghĩ quả ấy nên đặt là quả đoản thọ và bệ hạ nên trị tội kẻ dâng đào trước để làm gương răn cho người sau.
Vua nghe nói bật cười, rồi truyền tha tội cho Quỳnh.
Một hôm đương buổi trưa, Quỳnh vào hầu Chúa Trịnh; không thấy Chúa đâu cả, hỏi các thị vệ thì ra Chúa đương ngủ trưa. Quỳnh không được yết kiến, sẵn có bút mực ở trên án đề luôn hai chữ vào tường rồi ra về. Chúa dậy, ra trông thấy ở trên tường có hai chữ ‘‘ngọa sơn’’ nét mực hãy còn chưa ráo, không biết là ai viết, lại không biết là ý nghĩa ra làm sao, hỏi các thị vệ mới biết là Quỳnh đề. Đến buổi hầu triều đông cả các quan; chúa hỏi cũng không ai hiểu được hai chữ ấy, Chúa lập tức cho triệu Quỳnh đến mà hỏi rằng:
- Có phải nhà ngươi đề hai chữ kia không? Thế là ý nghĩa ra làm sao?
Quỳnh thưa:
- Hai chữ ấy có nghĩa gì sâu sắc đâu, hạ thần cứ lấy sự thực mà đề, không dám có ý gì hiểm sâu cả.
Chúa bảo cắt nghĩa cho ta nghe, Quỳnh ngập ngừng mãi mới nói rằng:
-Chữ ngọa nghĩa là nằm, nằm tất phải ngủ, ngủ tất phải ngáy; sơn nghĩa là núi, núi phải có đèo, vậy hợp nghĩa hai chữ ấy lại thì là ‘‘ngáy đèo’’.
Nghe xong Chúa và thị thần ai cũng bật cười.
Lúc tan hầu trở ra, các quan trách Quỳnh là mạn thượng may nhờ Chúa thượng rộng dung chứ không thì hôm nay mất đầu Quỳnh cười mà nói:
- Thật là vô phúc nhà tôi mà các anh lại không tán tỉnh, chứ nếu các anh tán tỉnh giúp vào thì can chi tôi còn phải đeo nặng mãi cái đầu ở trên cổ này.
Quỳnh vì tính nết cuồng bội cớt nhả ngông nghênh nên nhiều lần thất lễ với Chúa Trịnh. Lòng Chúa trước quý trọng bao nhiêu sau đều đổi ra ghét gở bấy nhiêu. Quỳnh thấy Chúa ghét lại càng hay trêu tức, một hôm Chúa giận sai lính đến kéo đổ nhà. Quỳnh bảo lính rằng:
- Chúa sai đến kéo đổ nhà ta thì các anh cứ kéo nhưng ta cấm không cho ai được cười nói reo hò, nếu trái ta sẽ cắt mũi.
Trò kéo nặng thì tất phải reo hò, không thì ai kéo được, vì Quỳnh cấm như thế mà bọn lính không thể kéo được phải chịu về không. Lại lần nữa Chúa sai lính đến ỉa vào nhà Quỳnh, Quỳnh cầm dao ra bảo rằng:
- Ta cho ỉa, nhưng hễ anh nào mà đái thì ta cắt giái ngay!
Sự thường ỉa tất phải đái, Quỳnh cấm thế thành ra bọn lính lại phải trở về. Có một vài anh láu lỉnh lấy cái gáo đeo vào giái mà đến ỉa, Quỳnh thấy nó lập mưu như thế phải chịu nhưng nghĩ căm lắm định kiếm cách để xược lại Chúa Trịnh. Được ít lâu sai người đi ra chợ mua một cây cải thực lớn đem vào hiến Chúa để làm cơm Chúa sơi. Khi Quỳnh vào hầu, Chúa hỏi cải đâu mà to thế? Quỳnh thưa:
- Đó là cải nhà tiểu thần giồng khi trước nó cũng không to, mới độ nọ có lính đến bón nên nó mới tốt bồng lên như thế. Của nhà lá vườn, vậy xin đem hiến để Chúa xơi.
Chúa thấy thế, giận lắm, từ đấy có ý muốn giết Quỳnh.
Sau đó mấy hôm, Chúa đòi Quỳnh vào hầu yến, quyết đánh thuốc độc cho chết. Quỳnh biết trước rằng lần nầy đòi vào hầu yến hẳn có sự không hay, lúc đi gọi vợ con mà dặn rằng:
- Hôm nay ta vào hầu Chúa, xem chừng lành ít, dữ nhiều; nếu ta chẳng may có mệnh nào thì đừng phát tang. Cứ đặt ta nằm trên võng mà cắt hai đứa đầy tớ đứng quạt hầu rồi gọi nhà trò về hát, đợi hễ có thấy trong phủ Chúa phát phục thì ở nhà hãy phát tang.
Dặn xong lên võng đi. Vào đến cung đã thấy Chúa ngồi đợi rồi. Chúa nói:
- Mấy bữa nay không gặp mặt Trạng, nhân có người đem tiến đồ hải vật, vậy ta nhớ đến nhà ngươi mà cho vời vào ăn yến, nhà ngươi chớ từ.
Quỳnh biết không chối được, vừa nếm một miếng Chúa hỏi:
- Bao giờ Quỳnh chết?
Quỳnh tâu:
- Bao giờ Chúa mất thì Quỳnh mất.
Quỳnh thấy khác trong mình cáo thoái xin về. Vừa đến nhà thì tắt nghỉ. Vợ con cứ làm theo nhời dặn trước.
Chúa sai người đến xem Quỳnh có việc gì không, thì sai nhân về tâu là Quỳnh đương nằm võng nghe hát mà người nhà vẫn đi lại vui vẻ như thường. Chúa thấy Quỳnh không chết, liền gọi đầu bếp lên mắng và sai đem cả các món đồ ăn để ngửi xem.
Chúa vừa ngửi xong được một lúc cũng mất. Nhà Quỳnh nghe thấy trong phủ Chúa phát phục bèn cũng làm lễ phát tang; Chúa với Trạng cùng đưa ma một ngày, Thành có câu rằng:
Trạng chết Chúa cũng thăng hà,
Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn.
Chú thích:
[1] Nghĩa là: Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cầy.
[2] Các đại phu Bắc triều đều ở đường ấy ra.
Hà Nội 1930
Trúc Khê
Nguồn: Quán ven Đường - Huỳnh Chiếu Đẳng 
Xuất Bản Quảng Thịnh Hà Nội 1930
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...