Nha Trang dấu chân kỷ niệm 2
Chương Tám
Tiếng sủa dồn dập không ngừng của hai con Jack và Jick từ cổng
nhà nội đến tận trong vườn khiến Má và Hạ phải vội vã mở cửa nhà chạy ra.
Hai con chó quấn quít, nhảy chồm và xoay tròn quanh Thảo Vy. Hạ la lên mừng rỡ
rồi cùng má chạy đến phụ Vy đem mấy chiếc giỏ xách vào nhà. Má hỏi:
-Vì sao con được về? Làm sao nghỉ học được?
Thảo Vy thở hổn hển:
- Chú bảy Mỹ vào sài Gòn thăm bác Tư. Con xin nghỉ học ba
ngày về thăm nhà. Khi nào chú vào Sài Gòn lại, con sẽ đi theo.
Ngồi bệt xuống đất, lục lọi trong mấy chiếc giỏ, thỉnh thoảng
đẩy mấy con chó lùi ra khỏi mặt, con nhỏ nói không ngừng:
- Con mua xấp vải tơ này cho má nè. Con chọn màu lam vì con
biết má chỉ thích màu này thôi. Còn mấy cái áo thun này cho chị Hạ.
Hạ ngồi yên trên giường nhìn các thứ con nhỏ bày trên nền nhà
và ngắm nó. Thảo Vy không còn để tóc dài như thời gian còn ở Nha Trang.
Mái tóc cắt ngắn so le từ màng tang đến vai làm nổi bật đôi mắt đen tròn trên
khuôn mặt trái soan. Giọng nói của con nhỏ thay đổi là lạ. Giọng nói Nha Trang
pha Sài Gòn.
Đột nhiên Thảo Vy bỏ vung vãi các thứ xuống nền nhà và
đứng lên:
- Con phải vào nhà chào nội và các cô, các bác chứ không sẽ bị
la.
Dứt lời, Thảo Vy đứng dậy đi nhanh ra khỏi nhà. Hai
con chó theo sau con nhỏ, thi đua chạy vào nhà nội.
Niềm vui đến ập với Hạ. Mỗi lần Thảo Vy về, Hạ được rất nhiều
quà Sài Gòn. Con nhỏ không có tiền mua quà, nhưng thường để dành những món quà
mà con bác Tư từ Mỹ gửi cho. Ngày mai, Hạ sẽ dẫn Thảo Vy đến thăm Anh để khoe với
con nhỏ là Hạ có đứa em xinh xắn và đặc biệt này.
Ngày hôm sau, chị em Hạ đến thăm Anh. Hai người bạn trai của
Anh mời chị em Hạ đi uống nước. Anh luôn miệng khen ngợi:
- Thảo Vy xinh hơn Đan Hạ bao nhiêu lần. Vy vừa trắng, vừa có
cái miệng thật duyên.
Hạ không phản đối điều Anh nói và cảm thấy hãnh diện vì mình
có một đứa em gái dễ thương, xinh xắn.
Long cố tạo vẻ lễ phép:
- Hạ! Cho Long gọi Hạ bằng chị được không.
Hạ cười nhẹ:
- Thảo Vy không thích khiêu vũ đâu.
Long liến thoắng:
-Tuyệt vời! Những người biết khiêu vũ không thích có bạn
gái biết khiêu vũ.
Trầm ngâm và mơ màng một lúc, Anh nói:
-Nếu Long có bạn gái, Anh hết còn có dịp biểu diễn trong những
buổi dạ vũ nữa rồi. Làm sao có bạn đi nhảy đây?
Long “ba hoa”:
- Đừng lo! Bạn gái Long rất hiền và biết thông cảm lắm.
Mặc cho cả bọn cười nói, Thảo Vy không tham gia. Con nhỏ biết
mọi người để ý nên rất khép nép và nhu mì. Không ngừng quan sát thái độ của nó,
Hạ thấy thích tính tình nó vô cùng. Tuy sống ở Sài Gòn gần ba năm, con nhỏ
không ảnh hưởng lối sống ồn ào của thành phố lớn. Có lẽ đời sống ôn hòa của
thành phố biển, và của hàng dừa, biển xanh, cát trắng đã ảnh hưởng sâu đậm
đến tâm hồn con nhỏ ngay từ thời thơ ấu mà không hoàn cảnh nào có thể thay đổi
được. Suy nghĩ đến cái khép kín của Thảo Vy và nỗi buồn riêng của mình, Hạ
phân vân tự hỏi nhiều lần không hiểu có nên tiết lộ với Thảo Vy không. Cuối
cùng, Hạ quyết định không nói gì cả bởi vì Hạ thấy những điều bận tâm của Hạ
không đúng. Hạ cố giữ nỗi buồn này mãi mãi cho riêng mình và tự hứa là sẽ cố
quên đi.
Anh lên tiếng hỏi làm Hạ giật mình:
- Sao Hạ không giới thiệu Triệu với Thảo Vy đi?
Hạ đỏ mặt, nói lãng:
- Thảo Vy biết tất cả đều là bạn của Hạ rồi còn giới thiệu gì
nữa?
Anh cố tình không tha:
- Bạn đặc biệt đó chứ. Thảo Vy có biết anh Triệu là bạn trai
đặc biệt của chị Đan Hạ không?
Vy giương đôi mắt tròn ngạc nhiên:
-Vậy hả?
Hạ đỏ mặt hơn nhưng không phản ứng gì. Nhìn khuôn mặt
ngây ngô “tuổi hoa, tuổi ngọc” của Thảo Vy, Hạ chợt nhớ những lời
văn đơn giản và ngọt ngào của con nhỏ trong các bài báo Tuổi Hoa, rồi quyết định
để Thảo Vy sống ngọt ngào đơn giản như văn thơ của nó. Không muốn thanh minh
chuyện riêng tư của mình, Hạ chỉ cười xa vắng.
Sau buổi đi chơi, Thảo Vy thì thầm bên tai Hạ “Anh Triệu hiền,
và đẹp trai, xứng với chị Hạ ghê đi!” Hạ mỉm cười và cảm thấy rất hãnh diện.
Nhưng khi đặt mình trên giường và nhìn mái ngói loang lổ trên trần nhà, nụ cười
của Hạ biến mất đi. Hạ không nên nghĩ đến việc xa xôi. Gia đình, môn đăng hộ đối,
và sự chênh lệch trình độ của má với những người lớn khác trên đời tạo cho Hạ một
khoảng cách xa vời vợi.
Bài vở và cơn lười biếng khiến cho Hạ làm những việc tương phản.
Trải chiếc chiếu cũ dưới lùm cây khế, Hạ đặt một chồng sách vở xuống rồi nằm
dài chống cằm trên hai tay khoanh trước mặt. Hạ không biết mình nên làm cái gì
trước, cái gì sau. Học ôn lịch sử hay ôn các động từ của tiếng Pháp? Từ lúc Thảo
Vy trở vào Sài Gòn, Hạ thấy nhớ con bé và những ngày đi chơi với con nhỏ nhiều
hơn. Hạ thở dài, úp mặt trên chồng sách, ngửi mùi cà phê rang thơm ngào ngạt của
nhà bán cà phê Hương Hương bên đường bốc sang.
- Hạ ơi! Hạ ơi!
Tiếng kêu của nhỏ Ái đánh thức cơn lười biếng của Hạ. Hạ ngẩng
đầu lên, quay mặt về hướng nó:
- Gì vậy? Làm người ta hết hồn!
Nói xong Hạ lại cúi gục xuống trên chồng sách.
- Tui có chuyện quan trọng cần bật mí với bà đây.
Hạ lại ngẩng đầu lên:
- Gì mà quan trọng vậy?
-Tui đi xem phim với tụi bạn, thấy thằngTriệu đi với
con Anh.
-Có lẽ Triệu đi với Anh và bạn anh ta nữa đó.
-Ngoài hai đứa đó, tui không thấy ai nữa.
- Vậy thì sao?
-Là chuyện kỳ cục chứ sao nữa! Ái kết luận.
Nha Trang quả là nhỏ, bất cứ chuyện gì cũng được biết,
cũng bị đồn đãi. Hạ bâng khuâng không hiểu có gì đã xảy ra? Giữa Anh và
Triệu có chuyện gì? Nếu hai người có lòng với nhau thì Hạ sẽ vui lòng chúc phúc
cho cả hai, tại sao hai người đưa Hạ vào cái vòng luẩn quẩn, cái trò chơi đuổi
bắt trong tình yêu như thế. Hạ giận Anh, giận Triệu và tự giận chính mình. Hạ
giận Anh đã giới thiệu người con trai mà con nhỏ đã có tình ý. Hạ giận Triệu đã
cố giữ người anh ta thích mà không cần biết anh ta có xây được tình cảm không.
Hạ giận chính mình bởi vì Hạ có bao giờ yêu Triệu đâu sao lại đòi hỏi sự yêu
thương của anh ta. Hạ không hiểu những ích kỷ này xuất phát từ cái gì nhưng Hạ
thật sự bị hụt hẫng với những điều Ái thổ lộ ra.
Ái lên tiếng:
- Thôi để cho bà nằm ôm “cục buồn”. Tui vào nhà giã muối
ớt ra ăn khế.
Một lát sau, con nhỏ lộc cộc đi ra, đập vào chân Hạ,
nói lớn:
- Ngồi dậy, cho tui bỏ mấy cái này xuống coi.
Hạ uể oải ngồi dậy, nhìn Ái đặt các thứ dao, rổ và chén muối ớt
trên mặt chiếu.
- Bà suy nghĩ gì vậy? Có phải nghĩ đến bài hát đúng tâm trạng
của mình không?
Hạ nhăn nhó:
- Bài gì chứ?
Ái rống to, hát lộn xộn những lời dịch của bài nhạc ngoại quốc:
- “Những khi lỡ coi phim buồn thường làm tôi khóc ngất
ngây. Chợt trông thấy anh và cô bạn thân nói, cười cùng bước vô...”
Hạ nguýt thật dài:
- Cải lương chi bảo!
Ái lấm lét nhìn ra cổng:
- Bà nghĩ gì cũng được, còn tui thì đang nghĩ không hiểu
cô Út có đi chợ về bất tử không? Nếu thấy tui hái khế, bả ca hát bội chứ đừng
nói cải lương.
Hạ bật cười nhìn lên cây khế. Cây khế ngọt này là gia tài của
bọn Hạ. Những người lớn trong nhà Hạ ít khi hái hay ăn trái trong vườn. Chỉ có
cô Út thường quét vườn nên luôn luôn để ý những cây trái như nhãn, mãng cầu, ổi
sẻ, khế... Chỗ nào mất dấu là cô biết ngay. Khi phải quét những cành lá rơi
trên sân, trên đất cát, cô chưởi lung tung. Cô biết thủ phạm là hai đứa, nhưng
không rõ đứa nào, nên chỉ la um sùm, bóng gió. Mà thời gian la như vậy phải là
cả ngày, hay ít nhất là sáu giờ đồng hồ! Bởi cô có nhiều đặc điểm không bình
thường nên cả nhà ai cũng chiều cô. Hai đứa không muốn nghe ồn ào, nhưng trái
cây quyến rũ trong vườn luôn luôn cám dỗ tội lỗi. Cho nên, hái trước, nghe chưởi
sau là chuyện cả hai thường làm.
Ái gom các trái khế mọng nước vào một chỗ, lựa một vài
trái ngon nhất để qua một bên rồi đặt mấy trái còn lại vào cái rổ. Ái hỏi:
- Bà muốn chia một nửa khế này cho bạn bà không?
- Không! Bữa trước tui cho tụi nó rồi.
- Xì!!! Giận bạn bè giờ không cho tụi nó ăn khế nữa hả? Không
có quân tử chút nào!
Hạ cãi:
- Đâu phải như vậy! Bà đã hái thì lấy hết đi, để mai
cô Út có chửi thì ráng banh tai ra nghe một mình.
Lấy vài trái khế đem đến giếng để rửa, miệng con nhỏ
oang oang khắp vườn:
- Nói vậy chứ bà giận tụi nó cũng được thôi. Bạn bè chơi cái
kiểu gì kỳ cục quá à!
Hạ ráng gân cổ, nói to không kém gì nó:
-Bà biết gì mà nói! Mới thấy người ta đi xem xi nê đã nghĩ
lung tung. Đúng là đầu óc có sạn.
Ái đi lại, chìa trái khế trước mặt Hạ và nói:
-Mệt cho lũ con nít của bà quá à! Thôi ăn khế đi.
Hạ với người lấy cái dao cau gọt các đường gân của quả khế rồi
xắt lát nó thành các miếng ngôi sao mỏng. Nhón một miếng vào muối ớt, Hạ nhóp
nhép hỏi:
- Con nít là sao? Bộ bà lớn lắm hả?
Ái chanh chua không kém:
-Tui không lớn nhưng không thích quen tụi ngang tuổi.
Quen cái lũ con nít ngang tuổi chán chết! Tụi nó không biết ga lăng gì cả. Bà
đi chơi với tui còn có lý hơn.
Ngưng một lúc để nhai, Ái nói tiếp:
- Thực sự tui thấy thằng Triệu đi chơi riêng với con Anh tui
cũng ức dùm bà. Cái tụi nhỏ lóc chóc là vậy. Hạ nên đi chơi với Ái, quen với
người lớn tốt hơn.
Hạ nheo mắt cười khi nghe câu nói cuối ngọt ngào của
Ái. Con nhỏ này khi muốn Hạ làm gì thì thường xưng tên rất thân mật với Hạ. Tuy
Hạ là vai chị trong mối quan hệ bà con nhưng Hạ nhỏ hơn Ái một tuổi. Ái không
muốn gọi Hạ là chị và Hạ không muốn xưng chị với Ái nên hai đứa lúc nào cũng
xưng hô với nhau “bà” và “tui”. Những lúc đặc biệt, cả hai thường xưng tên nhau
như bè bạn.
Hạ hỏi cho qua chuyện:
- Đi chơi đâu? Với ai?
- Chiều nay anh Hoàng và Đoàn mời tui với bà đi uống nước ở
quán cà phê Lys.
Hạ trố mắt ngạc nhiên hỏi dò:
- Mấy anh không quân, anh của bạn bà đó hả? Sao lại mời tôi?
- Thực ra mấy ảnh chỉ mời tôi thôi nhưng tôi mời bà đi
nữa.
- Chuyện tức cười quá à! Mấy ảnh chỉ có mời bà, sao lại
kéo tui đi theo làm gì?
- Tui đi một mình ngại quá. Bà đi với tui đi mà! Đi
chơi với người lớn họ lịch sự hơn mấy đứa đang học trung học nhiều lắm.
Hạ nhăn nhó:
- Mấy người đi dạ vũ mà không lịch sự hả? Nhưng mà tui
chiều bà vậy. Chỉ có lần này thôi đó!
- Ừ, bây giờ tui phải dọn dẹp nếu không bị tế cả ngày.
Buổi chiều hôm ấy, Ái không ăn cơm để chờ bạn đến. Con
nhỏ rối rít gọi Hạ vào nhà nội khi thấy chiếc xe Jeep đậu trước nhà. Hai anh
chàng lính không quân đẹp trai, quân phục gọn gàng, hiên ngang vào tận trong
phòng khách của nhà nội. Sau khi lịch sự chào những người lớn trong nhà, họ xin
phép cho hai đứa đi chơi. Thấy họ khá tự tin khi giao tiếp với những người lớn
trong gia đình, Hạ thầm phục Ái đã nhận định quá chính xác về mấy người con
trai lớn tuổi này.
Chào những người lớn trong nhà xong, Ái ẻo lả bước theo hai
anh chàng lính không quân ra đến cổng. Hai người này thay nhau lịch sự mở rộng
cổng nhà, mở rộng cửa xe. Cử chỉ của họ làm cho Hạ có cảm tưởng như mình là
nhân vật quan trọng,hay quí phái nào đó.Và điều này khiến cho Hạ trở nên kín
đáo hơn; không biết hòa nhập vào đối thoại của mọi người như thế nào, chỉ ngồi
im lặng trên xe và trả lời khi bị hỏi đến.
Từ nhà Hạ đến quán cà phê Lys khoảng vài trăm mét thôi mà Hạ
cảm tưởng như xa lắm. Ngột ngạt vì không khí không quen thuộc, cho nên khi xe vừa
dừng là Hạ đã lách mình chui qua khỏi tấm bạt bên hông cửa xe để nhảy ra ngoài.
Ái chờ cho các anh này đến mở cửa mới từ từ, đủng đỉnh bước ra khỏi xe. Hạ nhìn
Ái, biết con nhỏ giận nên lảng lờ nhìn cảnh vật trước quán. Quán cà phê Lys này
nổi tiếng nhất Nha Trang vì trước cửa có một cây si rất đặc biệt. Cây si này rất
lớn với nhiều cành lá sum suê vươn tận đến mái nhà. Có rất nhiều dây rễ rũ xuống
từ các cành nên cây si vừa có vẻ thơ mộng của liễu rũ vừa có vẻ man dại của sự
cô đơn chờ đợi. Từ hình ảnh các dây rễ si dài vời vợi mà lũ con gái trường Hạ
thường chọc những anh chàng chờ đợi và theo đuổi dai dẳng ở các góc đường của
trường Nữ Trung Học Huyền Trân là “những người trồng cây si” hay là “những cây
si biết nói”. Nhưng mà, “những cây si” ở trước trường Nữ Trung Học Huyền Trân
thường sắp hàng dài trong giờ tan trường nhất định nên có bè, có bạn chứ không
đơn độc và cố định muôn đời như cây si của quán Lys này.
-Vào đi Hạ.
Hạ chớp mắt, gật đầu rồi bước theo các anh lính không
quân và Ái vào chỗ ngồi. Liếc nhìn Ái, Hạ bắt chước theo những cử chỉ của con
nhỏ để khỏi bị giận hờn phiền phức. Thấy Ái chọn món kem dừa, Hạ cũng vội nói
theo:
- Hạ cũng ăn kem dừa.
Gặp lại Triệu tại nhà Anh, Hạ mời anh ta ra một góc vườn để
tìm sự thật:
- Triệu đi xem phim với Anh phải không?
- Phải, vì Anh mời và nói có Hạ đi cùng. Đến nơi không
thấy Hạ, nhưng lỡ rồi nên đi luôn.
Đưa đôi mắt buồn nhìn Triệu, Hạ trách:
- Hạ nghĩ chỉ có những người có tình ý nhau như
nhân tình mới đi xi nê riêng với nhau thôi.
Triệu bực dọc:
-Triệu không có tình ý gì với ai cả; thích thì đi với
bạn, chứ không nghĩ xa xôi.
Hạ hỏi vặn:
-Triệu không nghĩ nhưng người khác nghĩ. Cả thành phố
đều biết Hạ thường đi dạ vũ với Triệu. Mọi người đều nghĩ Hạ là bạn gái của Triệu.
Hạ chưa từng đi xi nê riêng với Triệu, sao Triệu đi xi nê với người khác được?
- Phải, tụi mình chưa bao giờ xem xi nê riêng với nhau. Bởi
vì có mời, Hạ cũng không chịu đi. Mọi người biết Hạ thường nhảy với Triệu nhưng
người ta không hiểu là Hạ không có tình cảm gì với Triệu cả.
Hạ hoảng hốt và bối rối khi nghe những lời này. Chưa lần nào
Triệu nói nhiều và có thái độ bực tức như thế. Hạ thấy giận Ái đã tiết lộ những
điều không có lợi cho Hạ. Hạ không biết gì hơn là thành thực nói hết ý nghĩ của
mình:
- Đúng vậy, Hạ không có tình cảm. Nếu Triệu tìm được
tình cảm, thì hãy chia tay. Chúng ta không cần tạo một sự gượng ép.
Ngày hôm đó là ngày cuối cùng Hạ đến nhà Anh. Con nhỏ
vui tươi và vô tư đến độ Hạ hiểu rằng mình đã nhận định sai lầm về tình cảm của
hai người.
Hạ nhớ lại sự khó khăn của Anh trong những lần rủ Hạ
đi chơi và hiểu ra vì sao Anh không thể rủ Hạ đi xi nê như đã nói với Triệu. Hạ
cảm thấy hổ thẹn vì sự nghi ngờ của mình. Tuy nhiên qua sự việc, Hạ hiểu rõ Triệu
hơn để quyết định chấm dứt mối quan hệ không kết thúc. Trước đây, Hạ thường mơ
mộng sẽ có một mối tình cao thượng làm khuất phục trái tim của Hạ nhưng đến lúc
này, Hạ thấy rõ tình yêu dường như đặt trên nền tảng có qua, có lại. Hạ
còn thấy rõ là mình không thể đòi hỏi tình cảm người nào khác khi mình không có
tình cảm với họ.
Quyển sách mà Hạ yêu thích nhất là quyển “Uyên Ương Gãy
Cánh”. Câu chuyện trong sách đã làm cho Hạ trầm ngâm và suy tư về những tình tiết
không may của một mối tình dang dở và trái tim chân thành của người con trai. Lời
văn trong sách hay đến độ Hạ không hiểu tác giả viết từ một chuyện có thật hay
bịa đặt do trí tưởng tượng. Bởi vì người ta thường nói là những tình yêu chân
chính và cao cả luôn luôn xuất hiện trong sách vở chứ không bao giờ tìm thấy
trong đời sống, vì vậy, hy vọng có một tình yêu cao thượng để được xoa dịu những
ưu tư mơ hồ chỉ là ảo tưởng mà thôi. Hạ cảm thấy hụt hẫng như mất hết niềm tin
yêu. Còn lại, những lời bóng gió, vô vị, những bài thơ ca ngợi xa xôi chỉ là
khoảng không vô vọng. Những thơ mộng xa vời ấy chỉ thích hợp cho những cô gái đẹp
và giàu sang như các bậc vương giả mà thôi. Hạ biết thân phận và hoàn cảnh gia
đình mình nên không bao giờ muốn nghĩ đến những gì ngoài tầm tay với. Tìm một
người yêu mình và mình cũng cũng yêu người ấy không phải là một việc dễ dàng. Hạ
chỉ muốn tìm lại thói quen cũ là mơ mộng và thì thầm với biển hay với những
nhành dương.
Chương Chín
Nhưng, sự yên tĩnh của Hạ lại bị khuấy động. Hạ hết còn được
ngồi một mình dưới gốc dương để thì thầm hay mơ mộng. Những hàng dương của trường
Hạ bây giờ trở thành nơi cư ngụ của những người tị nạn Cộng Sản. Sân trường, lớp
học không còn là nơi duy nhất dành cho các cô gái học sinh áo trắng ngây thơ mà
lẫn lộn đàn ông, đàn bà, trẻ em với những đôi mắt hoang mang, khuôn mặt khắc khổ
và áo quần lam lũ, xốc xếch. Trong khi những người tị nạn khiêng những chiếc ghế
dài trong các lớp học để xếp lại thành chỗ nằm, giăng dây từ nhánh dương này đến
nhánh dương khác để treo quần áo, và chia nhau từng khu vực trong sân trường để
nấu ăn; cô hiệu trưởng và các giáo sư trong trường lăng xăng vận động chính phủ
cứu tế cho họ. Các giáo sư, lúc này, hầu như không quan tâm nhiều đến kỷ luật của
học sinh, cũng không tập trung tinh thần cho việc giảng dạy như trước đây. Mỗi
lần vào lớp, các giáo sư chỉ đề cập về chuyện xin lương thực, áo quần và thuốc
men cho những người tị nạn. Không một người nào có thời giờ để nói về chiến
tranh hay giải thích những gì đang xảy ra, bởi vì mỗi lần thầy, trò gặp nhau,
các giáo sư thường chia lớp thành từng nhóm để đi thăm những gia đình tị nạn và
ghi lại những gì họ cần để báo cho nhà trường biết.
Hạ linh cảm có một điều gì đó chẳng lành. Bạn bè Hạ, cũng như
Hạ không bao giờ quan tâm gì đến chính trị hay chiến cuộc, nhưng đến lúc ấy,
sau khi thăm các gia đình tị nạn xong, đứa nào cũng chụm năm, chụm bảy bàn tán
xôn xao. Thoạt tiên, cả bọn lấy tin từ nhỏ Thanh Trang, Trang “chính chị, chính
em”. Con nhỏ thường nghe lén đài Việt Cộng nên biết rõ mọi sự: “Việt Cộng đã
chiếm Buôn Mê Thuột, Pleiku và đang tiến vào Nha Trang.”
Mỗi ngày, số dân tị nạn vào trường Hạ ở ngày càng tăng và giờ
học các môn của các lớp càng ngày càng giảm. Có những tiết học phải hũy bỏ vì
không có phòng học, hoặc không có giáo sư. Bạn bè lớp Hạ rủ nhau đi xin xăm để
biết hậu vận. Cả bọn lóc cóc đạp xe qua cầu Xóm Bóng, đến tận Tháp Bà cầu xin.
Nhóm “Ngũ cô nương” không ai được như ý, đứa nào, đứa nấy chỉ được quẻ “Hạ Hạ”
hay “Trung Bình” mà thôi. Dị đoan thì ít mà tình hình di tản càng lúc càng
nghiêm trọng khiến cho mấy đứa con gái buồn não ruột.
Vài ngày sau, các lớp của trường Nữ Trung Học Huyền Trân bị dời
sang trường Nữ Tiểu Học Nha Trang. Sự xôn xao di chuyển từ trường này qua trường
khác và cảnh ba mẹ của bạn Hạ đến đón con về khi lớp đang học đã tác động nhiều
đến sự lo lắng và bồn chồn của Hạ. Dần dà, lớp học của Hạ chỉ còn chín
người. Ngoài Hạ ra không còn một ai trong nhóm “Ngũ cô nương” đến lớp. Hạ
càng hoang mang và lo lắng hơn khi thấy cô giáo chủ nhiệm kiêm dạy việt văn của
mình cũng chào tạm biệt để vào Sài Gòn. Hôm ấy tan học về sớm, đến nhà Hạ nghe
tin gia đình cô Mỹ chuẩn bị đưa bà nội vào Sài Gòn. Bà con xa gần tụ tập tại
nhà nội, xôn xao bàn tán về viễn ảnh tệ hại nếu thành phố bị chiếm và tình hình
khó khăn khi di tản để phân tích nên đi hay ở. Phần lớn mọi người quyết định ra
đi. Gia đình nào cũng tìm cách chạy vào Sài Gòn vì tin đồn: “Nơi chia đôi đất
nước không còn là vĩ tuyến thứ mười bảy mà sẽ là Phan Thiết.”
Nghe mọi người bàn tính bỏ đi mà Hạ cảm thấy như mình bị bỏ
rơi mà buồn muốn khóc. Hạ rất muốn chạy theo mọi người vào Sài Gòn để được sống
với những người thân của Hạ, với bạn bè, với thầy cô như đã từng. Vì tài chính
khó khăn của má, Hạ không thể đòi hỏi gì hơn. Nghĩ đến Thảo Vy, nghĩ đến giấc
mơ của hai đứa, Hạ thấy trái tim mình như tê liệt. Nhìn má giày vò, than khóc,
Hạ không bao giờ còn có hy vọng gặp lại đứa em gái duy nhất của mình nữa.
Dồn dập các tin xấu đến: “Việt cộng sẽ tiến đến
Nha Trang trong vài giờ”, “Tụi Việt cộng này có sức khỏe vô biên. Chúng có thể
đu từ cành đu đủ này nhảy đến cành đu đủ khác”, “Chúng sẽ tẩy não những người
dân miền Nam Việt Nam.”, “Chúng sẽ rút móng tay dài của những đứa con gái điệu
đà và sẽ bắt những đứa con gái miền Nam gả cho phế binh Việt Cộng.”
Những tin này hoàn toàn làm Hạ khủng hoảng tinh
thần. Mặc cho mọi người xôn xao lo lắng, Hạ muốn đi một vòng thành phố trước
khi Việt Cộng tấn công.
Anh dường như là người bạn duy nhất của Hạ còn lại ở
thành phố Nha Trang này. Con bé vẫn còn giữ cái lệ cũ là réo Hạ ơi ới ngoài bức
thành:
- Hạ ơi! Hạ ơi!
Hạ thò đầu ra bức tường thành:
- Ủa, không phải Anh đã đi rồi sao?
- Đi không được vì bà ngoại Anh không muốn đi. Má Anh
không nỡ để bà ngoại ở lại một mình.
- Hạ muốn đi một vòng thành phố. Anh muốn đi cùng
không?
Anh gật đầu:
- Anh xuống gặp Hạ cũng vì lý do này.
Như những lần trước, Anh đứng ngoài bức tường
thành nơi cách xa cái cổng gỗ trước nhà bác cả để chờ Hạ ra khỏi nhà. Hôm ấy
không như mọi hôm, Hạ ngang nhiên dắt xe ra khỏi khuôn viên nhà nội mà
không sợ sự kiểm soát nào. Những ngày này, người lớn trong
nhà không quan tâm gì đến sự đi lại của Hạ. Tất cả tập trung nghe tin tức và
các phóng sự của BBC hay VOA gì đó. Hạ có thể tạo tiếng kêu của cái khoen
gài cổng thật to mà không ai buồn để ý, kể cả hai con chó Jack và Jick.
Như thói quen, Hạ và Anh đạp xe hướng về trường Nữ
Trung Học Huyền Trân. Hôm ấy đáng ra là ngày mà tụi Hạ phải đến trường và ngồi
trong lớp học, nhưng thời cuộc đã làm hai đứa lang thang ngoài đường. Con đường
dẫn đến trường không còn thấy
những chiếc áo dài trắng thân thương mà còn lại chỉ là sự vắng
vẻ đến kinh sợ. Những ngày này, mọi người thi nhau tìm cách rời thành phố, một
số khác hoang mang không biết làm gì ngoài việc mua thực phẩm dự trữ và cố thủ
trong nhà, cho nên đường dẫn đến trường hầu như không còn bóng người.
Thay vì xoay tay lái về phía đường Đinh Tiên Hoàng, Hạ và Anh
tiếp tục đạp xe trên đường Bá Đa Lộc nơi mà trường Nam Trung Học Võ Tánh ngự trị.
Dọc hai bên đường, hai hàng cây trước trường thẳng tắp dài hun hút đến tận đường
biển Duy Tân. Các ngọn cây vươn cao vời vợi với cành lá sum suê đan vào nhau tạo
thành một vòm cây rất nên thơ. Bọn con gái trường Hạ rất thích đi dưới con đường
này bởi vì khi đi dưới vòm cây và nhìn biển xa xa trước mặt như thể đi vào động
thần tiên. Tuy nhiên, bọn Hạ không bao giờ dám bạo gan đi trước trường Võ Tánh
này khi trường có những đứa con trai quần xanh áo trắng. Bọn con trai “Võ Tánh”
thích tập trung ở các quán chè trước cổng trường để chọc các “nạn nhân
con gái” đi ngang. Bọn Hạ thường kháo nhau là bọn Nam Trung Học Võ Tánh “mua đứt”
đường Bá Đa Lộc vì ban ngày chẳng có “ma” con gái nào dám bạo gan đi qua lại. Bọn
Nữ Trung Học Huyền Trân vừa sợ bị chọc vừa sợ bị hiểu lầm đi ngang để “điệu”,
không ai bảo ai, để mặc cho bọn Nam Sinh Trung Học Võ Tánh làm chủ con đường dễ
thương nhất Nha Trang. Được đi trên con đường này trong giờ trưa như thế quả là
đặc biệt đối với hai đứa Hạ. Cái tĩnh mịch và vắng lặng trên con đường không tạo
cho Hạ cảm giác sung sướng khi được tự do đi lại. Trái lại, nó khiến cho Hạ nhớ
lại hình ảnh quần xanh, áo trắng ngày nào và mong ước ngôi trường này
sinh động ồn ào như xưa.
Anh đạp xe gần Hạ hơn và đưa tay với tới bàn tay trái của Hạ.
Bóp mạnh vào nó, Anh nói:
- Hứa với Anh đi Hạ. Bất kể sau này như thể nào đừng bỏ nhau
nghe.
Hạ nhìn Anh với tất cả thất vọng và buồn bã rồi lắc đầu. Hạ cảm
thấy nhỏ bạn của Hạ thật tội nghiệp và đáng thương như bản thân của Hạ hiện tại.
Làm sao Hạ có thể hứa với Anh được gì khi chính Hạ không hiểu những gì sẽ xảy
ra cho Hạ trong những ngày sắp tới.
Im lặng đạp xe hướng về Cầu Đá, hai đứa gặp Khánh, một
trong ba người con trai mà trường Nam Trung Học Võ Tánh gửi sang học Pháp Văn với
nhóm Pháp văn lớp 12C của Hạ.
Khánh hoảng hốt:
- Đến giờ này mà Anh và Đan Hạ còn ở đây sao? Việt cộng sắp tấn
công vào thành phố rồi đó. Hoặc là về nhà, hoặc là tìm cách nào vào Sài Gòn
ngay. Nếu không, thì không kịp nữa đó. Khánh về nhà lấy đồ để ra cảng Cầu Đá
theo tàu vào Sài Gòn hôm nay.
Hạ không muốn giải thích tình trạng của mình nên chỉ lắc
đầu và yên lặng. Anh hỏi:
- Sao ở đây đông người quá vậy Khánh? Mọi người
tính đến Cầu đá để đu tàu vào Sài Gòn hả?
Khánh hấp tấp:
- Một số thôi, còn lại là những người xuống kho vũ khí
gần cảng Cầu Đá để lấy súng đạn. Người ta phá kho nạn từ tối hôm qua.
Hạ thảng thốt:
- Lấy vũ khí? Họ là thường dân mà lấy vũ khí để làm
gì?
Khánh nhún vai rồi lắc đầu:
- Có thể là để chống lại Việt cộng, có thể là để tùy thân hay
là để tự tử. Nhưng mà thôi, Khánh phải đi đây. Đan Hạ và Anh nhớ cẩn thận.
Nhìn anh ta khuất bóng mà Hạ buồn vô hạn. Còn nhớ những
ngày trường Hạ chưa phải dời các lớp học đến trường Nữ Tiểu Học Nha Trang, ba
người con trai “tá túc” học Pháp văn thường lấp ló, chờ tất cả bọn con gái của
trường Huyền Trân vào các lớp mới chịu thò đầu vào lớp. Hôm nào ba anh chàng
may mắn thì vào lớp trước thầy nhưng xui xẻo gặp hôm thầy đã vào lớp thì thể
nào cũng nghe thầy giảng đạo. Thật sự là vào lớp sau khi thầy đã có mặt quả là
bất lịch sự, nhưng đối với ba người này, hình như cái sợ thầy la không át nổi
cái sợ khi đi giữa đám con gái trong trường Hạ. Chiều nay người bạn này sẽ vào
Sài Gòn và sẽ gặp những người bạn cũ “Huyền Trân”, “Võ Tánh”, và những người
Nha Trang khác, còn Hạ và Anh mãi mãi không còn có cơ hội nữa.
Hai đứa quay đầu xe lại và đạp xe đi dọc đường biển. Giống
như những con đường, biển cũng hoàn toàn bị bỏ rơi. Mọi người trong thành phố
lo sợ cho số phận và tính mạng của họ hơn là suy nghĩ đến những sự xa xôi.
Riêng Hạ, biển gợi lên niềm an ủi còn lại.
- Mọi người bỏ đi nhưng tụi mình vẫn còn có biển.
Anh nhìn Hạ với ánh mắt biểu đồng tình.
Dọc đường biển không còn những chiếc xe bán cóc, ổi,
xoài ngâm cam thảo và mực nướng. Cách hôm ấy vài ngày, Phong, người con
trai thường hát “ngày nào cho tôi biết tương tư” trong lớp học tư thục,
chào từ giã Hạ để vào Sài Gòn. Do buổi học thêm ở trường Kim Yến không có thầy,
anh ta mời Hạ ra biển nói chuyện. Dựng hai chiếc xe kề nhau xong, Phong mua hai
trái cóc, rồi trao cho Hạ một trái. Dù không một tình ý gì, lời chia tay của
anh ta như là sự mất mát lớn trong Hạ. Cắm quả cóc ngâm cam thảo được cắt khía
năm cạnh xuống bãi cát, Hạ rưng rưng:
- Thôi mình đi về đi. Hạ chúc anh đi ngày mai gặp nhiều may mắn!
Phong lặng lẽ cắm quả cóc của mình bên cạnh quả cóc của
Hạ rồi nói:
-Ừ! Thôi mình đi về!
Đẩy chiếc xe Honda lên đường, Phong dừng lại và nhìn
xuống bãi cát.
- Đan Hạ nhìn lại xem! Hai trái cóc trên cát biển
trông dễ thương không?
Hạ quay lại nhìn chúng rồi nhìn anh ta và lắc đầu.
-Mới chỉ vài ngày thôi mà bây giờ người bán cóc
không còn thấy nữa, người mua cóc cũng đã ra đi xa và hai trái cóc có lẽ bị cát
biển che lấp hết.
Hạ và Anh tiếp tục đạp xe hướng về đường phố Phan Bội Châu rồi
Độc lập. Vài chiếc xe qua lại trên đường, vài người hấp tấp qua lại trên hè phố,
các cửa tiệm đóng kín. Thành phố như đang từ từ chết trong sự hoang vắng và
tiêu điều. Cuối đường Độc Lập hướng về phía Mã Vòng thì hoàn toàn ngược lại.
Xe, người hoảng loạn, vội vã, chen chúc hướng về Quốc Lộ chính để tiến vào Sài
Gòn. Anh nhìn Hạ với đôi mắt buồn bã và chán chường, rồi lên tiếng:
- Anh muốn ghé thăm một vài người bạn xem họ còn ở lại
không. Hạ ghé nhà Quân với Anh nghe? Anh không hiểu Quân đã đi Sài Gòn chưa?
Hạ rất muốn nói “không” và từ chối nhưng vì sợ Anh
đoán được sự thầm kín của mình nên im lặng tán thành.
Hạ còn nhớ cách đây một tuần, Hạ đã đến nhà chị họ của Anh ăn
cưới. Chị Dạ Lan đã vội vã làm đám cưới với người yêu vì sợ những chuyện không
may khi cuộc chiến xảy ra. Chồng chị là lính không quân nên đa số người dự tiệc
là những người lính không quân rất cao ráo và đẹp trai. Một vài người ngồi cạnh
Hạ rót rượư mời. Hạ ngần ngừ nhìn ly rượu trước mặt rồi nhìn người đối diện xa
hơn. Hôm ấy Quân dự đám cưới một mình chứ không có Anh Thư. Anh ta nhìn Hạ với
ánh
mắt chẳng thiện cảm gì. Hạ đưa ly rượu lên miệng để tránh bối
rối.
Quân long mắt và lầm bầm:
- Con nhỏ ngu!
Những lời này làm Hạ điên tiết. Hạ liếc anh ta với cặp
mắt thách thức rồi rủa thầm “Quyền gì?” Hạ bắt đầu nói chuyện và cười cợt với
những người bên cạnh. Men rượu kích thích sự tức giận của Hạ thêm khi Hạ nhìn
Quân. Hạ nâng chiếc ly rượu đầy ắp lên rồi nốc hết toàn bộ. Hai gò má của Hạ rần
lên như chúng gần lửa. Hạ hiểu là mình không nên ngồi lâu ở tiệc cưới này vì
men rượu sẽ làm Hạ say mèm. Hạ đứng dậy vội vã chào mọi người đi về. Đạp xe
trên đường về, Hạ thấy lòng mình tê tái. Nhiều nỗi buồn hòa lẫn với men rượu
gây Hạ cho Hạ choáng váng và đau thương. Đến góc chùa Nghĩa Phương, mọi vật trước
mắt Hạ như mờ nhạt đi. Hạ cố gắng quẹo tay lái thật nhanh để mau đến nhà. Chiếc
xe hơi bất thần thắng gấp trước mặt Hạ và người tài xế hét lớn:
- Đi xe kiểu này muốn chết hả?
Nước mắt Hạ dâng lên, miệng lẩm bẩm: “Phải về nhà! Phải về
nhà!”
Dắt được chiếc xe đến cổng nhưng Hạ không kềm chế được
cơn say. Chập choạng trên lối đi, Hạ té sóng xoài bên cạnh chiếc xe đạp. Tiếng
ngã của chiếc xe kèm với tiếng sủa của hai con Jack và Jick đã làm cho tất cả
những người trong nhà Hạ chạy ra. Ái phụ má dìu Hạ lên giường. Hạ muốn giải
thích với má một vài lời nhưng cổ họng đắng nghét vì rượu cùng thức ăn trong bụng
cứ tuôn ra mãi không ngừng. Trước mắt Hạ chỉ là những cái bóng mờ nhạt và xung
quanh là những tiếng nói văng vẳng. Đầu Hạ nhức như búa bổ. Mặc cho mọi người
chăm sóc ra sao, Hạ thiếp đi. Sáng hôm sau, Hạ cảm thấy ái ngại khi đối diện với
má và cảm thấy hối hận rất nhiều khi nghe những tiếng thở dài. Không thể giải
thích được nỗi niềm đau khổ của mình, Hạ như rơi vào tận vực thẳm cô đơn. Nước
mắt Hạ tuôn rơi đầy gối. Hạ muốn có thêm một giấc ngủ thật dài để được quên đi
những gì xảy ra cho Hạ. Người ta nói rượu làm quên buồn, nhưng thực tế nó làm Hạ
đau khổ nhiều hơn. Đầu óc quay cuồng, Hạ không xác định được sự đau khổ dâng
tràn là do nỗi buồn cũ hay do cảm giác mất mát mà Hạ đang đối diện hàng ngày.
Bao điều vô vọng tràn ngập khiến Hạ không thể hứa với mình điều gì ngoài một ý
nghĩ cố gắng làm má không buồn lòng nữa.
Đến trước chiếc cổng sắt dưới giàn hoa giấy, Anh dừng lại.
Con nhỏ nghiêng đầu, ngó xuyên qua các song chắn rồi lên tiếng:
- Thưa bác, Quân có ở nhà không ạ?
Người đàn ông đứng tuổi đang đứng dưới giàn nho, nheo
mắt nhìn Anh qua các khung sắt rồi trả lời:
- Có! Để tôi gọi nó.
Anh liếng thoắng:
- Ba của Quân đó! Vậy là Quân vẫn còn ở lại
Hạ cảm thấy hồi hộp khi Quân xuất hiện trước cổng. Lẳng
lặng theo hai người, Hạ bước vào căn phòng khách. Căn phòng khá đẹp nhưng sự
bài trí thật đơn giản và không hòa hợp. Những ngày này mọi nhà trong thành phố
cố gắng tạo ra cái vẻ thật nghèo nàn để tránh sự để ý của những người tấn công
vào miền Nam. Nhớ cảnh dọn dẹp của mấy cô ở nhà, Hạ bật cười.
Quân nhíu mày nhìn Hạ cười với vẻ rất ngạc nhiên, rồi cất tiếng
hỏi:
- Chưa đi sao?
Hạ nhìn thẳng vào mặt anh ta, rồi nhìn Anh mà không trả lời.
Con nhỏ ríu rít nói đủ chuyện: nào là lính mũ đỏ về thành phố nhưng đã rút đi cả,
nào là thiên hạ phải dùng những phương tiện nào để vào Sài Gòn, đứa bạn nào đã
rời thành phố và đi lúc nào, bằng cách nào. Loáng thoáng qua đối thoại, Hạ lờ mờ
hiểu rằng bạn bè của hai người bỏ đi rất nhiều, trong đó có cả Anh Thư.
Hạ lơ đễnh nhìn xung quanh căn phòng rồi lên tiếng:
- Mọi người đều bỏ đi. Buồn quá!
Quân lạnh lùng và cộc lốc:
- Buồn à? Có muốn mượn cái này không?
Quân bước vào phòng bên cạnh rồi trở ra với một vật đen thùi
trên tay. Đặt chiếc súng lục trên bàn,
Quân nói:
-Nếu buồn và muốn tự tử tôi cho mượn khẩu súng này!
Hạ nhìn khẩu súng với vẻ khiếp sợ, nhưng cố trấn tĩnh
với nụ cười nhạt.
- Buồn vì cảm xúc trước những thay đổi bất ngờ chứ ngu gì phải
chết vì buồn.
Quân lặng lẽ cúi đầu xuống và không đối đáp một lời nào. Hạ
thấy ngột ngạt vô cùng vì sự im lặng của anh ta. Hối thúc Anh về, Hạ từ chối
không viếng thăm người bạn nào nữa.
Chương Mười
Tiếng nói xôn xao của mọi người trong nhà đã đánh thức Hạ dậy
sớm hơn mọi ngày.
- Chuyện gì vậy má?
Tối hôm qua tụi cướp bắn phá và lấy đồ ở các tiệm trên đường
Độc Lập và Phan Bội Châu. Má nghe bác Hiền nói chị Huế phải bỏ tiệm chạy qua
nhà bác ở cạnh rạp hát Nha Trang trốn.
Chị Huế là người giúp việc của cô Mỹ, cô ruột thứ bảy của Hạ.
Chị là người rất trung thành với gia đình cô. Ngày cô bảy Mỹ đưa gia đình và bà
nội của Hạ vào Sài Gòn, đáng lý chị cũng đi cùng, nhưng vì lo cho tài sản của
chủ và không muốn xa Nha Trang nên chị xin ở lại trông nhà. Trước khi rời Nha
Trang, cô Mỹ thì muốn chị có căn nhà và toàn bộ tài sản nếu có sự thay đổi xảy
ra. Còn chị Huế thì hy vọng là khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng, gia
đình cô trở về Nha Trang thì tài sản vẫn còn nguyên như cũ. Những ngày thành phố
chộn rộn di tản và chuẩn bị đối phó với chiến cuộc, không ai nhớ là chị chỉ ở một
mình trong căn nhà của cô Mỹ.
Hạ chạy qua khu vườn, gọi Ái:
- Bà nghe tin gì chưa?
Ái to miệng:
-Vụ cướp đường Độc Lập chứ gì? Biết rồi!
Hạ nhắc Ái:
- Chị Huế ở một mình trong nhà Cô Mỹ đó! Bà muốn đi ra tiệm của
cô xem sao không? Má tui đã cho tui đi rồi.
- Đi chứ nhưng chờ tui thay đồ đã!
- Mặc đồ bộ đại đi! Việt cộng gần vô rồi mà còn bày đặt quần
áo ngoài đường, quần áo trong nhà.
- Không được! Tui là vậy. Bà mà không thay đồ tui
không thèm đi chung.
- Được nhưng đi bộ chứ đừng đi xe đạp. Nếu không, tụi
mình ra khỏi nhà không được đâu.
- Sao bà mới nói là má bà cho đi rồi?
- Tui đi thay đồ đây không cãi với bà nữa.
Chờ má vào nhà nội bàn luận tin nóng hổi của vụ cướp, Hạ vội
vàng mở tủ lấy bộ đồ đồng phục học thể dục thay thật nhanh rồi cùng Ái đi bộ hướng
về đường Độc Lập.
Đường phố Nha Trang bừa bộn và dơ dáy chưa từng thấy. Vật dụng,
áo quần, giấy tờ, sách vở ngổn ngang dọc hai bên đường. Các cửa hiệu đóng cửa
im lìm. Một vài cái được khép hờ, thấp thoáng một vài người ra vô. Trên
các ổ khóa của các cửa sắt là dấu tích của vết đạn bắn xuyên qua. Đúng như lời
đồn! Quả thật, đêm hôm qua các tiệm lớn trên các đường phố đều bị cướp. Đến trước
tiệm Vĩnh Thạnh hai đứa thi nhau thò miệng vào chỗ ổ đạn bắn và réo to:
-Chị Huế ơi! chị Huế!
Ái nôn nóng:
-Bà có chắc chỉ ở đây một mình không?
Hạ bối rối:
- Chắc mà không chắc!
Ái tròn mắt:
-Là sao?
Hạ ấp úng và cố tìm cách giải thích:
- Tui biết chắc là chị ở đây một mình bởi vì hôm chia tay với
gia đình cô Mỹ, tui nghe chị ở lại giữ tiệm. Nhưng mà tui lại nghe má tui nói
là tối hôm qua có cướp nên hình như chị đã chạy trốn qua nhà bác Hiền rồi.
- Vậy bà gọi tui đi ra đây làm gì?
- Thì coi sự việc có đúng như lời đồn không? Hơn nữa, coi tụi
cướp còn bỏ lại gì thì mình lấy chứ uổng!
Ái quan sát cái cửa sắt:
- khóa bị bắn như vầy là thật sự có cướp. Nhưng mà cửa được
khóa lại với chiếc dây xích này chứng tỏ có người ở bên trong. Coi chừng có thằng
ăn cướp nào còn ở trong đó nó...
Chưa dứt lời thì tiếng động trong nhà làm hai đứa giật
mình. Cả hai vội vàng chạy xa cánh cửa sắt hơn nhưng còn cố hét ngược trở lại:
- Chị Huế ơi! Chị Huế ơi!
- Chị đây! Chờ chị mở cổng!
Đẩy cánh cửa sắt cho vừa đủ chỗ một người lách mình, chị Huế
hối hả giục hai đứa vào để chị xích cửa lại. Hạ bàng hoàng với những gì trước mặt.
Cái mỹ thuật trưng bày của tiệm Vĩnh Thạnh ngày xưa đã bị hủy diệt đi bởi sự
tàn phá khốc liệt và dữ dội Những tủ kính dọc theo tường chỉ còn là những
mảnh vỡ loang lỗ mất trật tự. Tranh xà cừ, quần áo thêu, quà thủ công nghệ văng
vãi lộn xộn khắp nơi trên nền nhà trộn lẫn với hàng ngàn mảnh chai bừa bãi, ngổn
ngang.
Chị Huế lên tiếng dặn dò:
- Đi cẩn thận coi chừng đạp mảnh chai. Chị mới về nên chưa dọn
dẹp được.
Ái nhìn lên trần nhà và hỏi:
- Tụi cướp chỉ cướp phá dưới nhà thôi hay các tầng
trên nữa hả chị?
- Toàn bộ căn nhà!
Hạ lo lắng:
-Vậy là lúc tụi nó cướp chị còn ở trong nhà sao?
- Ừ!
Đưa tay lùa số đồ bừa bộn trên chiếc ghế sa long, chị Huế ngồi
xuống, bật khóc nức nở:
- Chị ở trong nhà khi chúng cướp.
Hạ và Ái đồng ngồi bệt trước mặt chị lo lắng hỏi dồn:
- Tụi nó đã làm gì?
- Chúng có hành hung chị không?
Chị Huế không trả lời mà chỉ nhìn hai đứa với đôi mắt thất thần,
xa vắng. Một lát sau, chị từ từ thuật lại mọi chuyện
- Chiều tối hôm qua, khi ăn cơm tối xong chị nghe tiếng đập cửa
và tiếng la hét trước nhà. Sợ quá, chị lén đi lên lầu và nhìn xuống đường. Nhìn
thấy lóm nhóm những người đàn ông cầm súng trước các cửa tiệm, chị đoán ngay tụi
cướp đang hành động nên chị chun ngay dưới gầm giường của cậu mợ Bảy để
trốn.
- Như vậy là khi cướp chúng không biết chị ở trong nhà?
Chị Huế lắc đầu:
- Không phải, để chị kể tiếp. Khi không còn nghe tiếng la hét
và đập cửa, chị nghe tiếng súng nổ rất lớn và rất lâu. Hình như chúng bắn lâu
như vậy để phá ổ khóa cửa sắt. Sau đó, chị lại nghe tiếng súng nổ kèm theo tiếng
vỡ của các tấm kính, tiếng đập phá, tiếng cười, tiếng la hét. Tụi nó tràn lên
các phòng ở trên lầu, vừa đập phá vừa hét lớn “Người đâu ra đi!”. Chị cuộn mình
trong cái mền dưới giường tưởng đâu chúng không tìm ra, nào ngờ, một thằng phát
hiện được và kéo chị ra.
Hai đứa hồi hộp:
- Rồi nó làm gì chị?
- Nó gọi toàn bộ đồng bọn đến xung quanh chị và hỏi cung đủ
thứ. Chị lạy tụi nó quá chừng vì thằng nào cũng có súng. Chị nói cho chúng biết
đây là nhà chủ và chị chỉ là người làm công. Chị còn cho tụi nó biết gia đình
chủ đã đi hết chỉ còn một mình chị ở lại trông nhà, nhưng mà tụi nó không tin.
Một thằng ở lại canh chị, còn lại chúng đi lục lọi các phòng. Một lát sau,
chúng vây quanh chị.
Hạ sốt ruột:
- Chúng hành hung chị phải không?
Chị Huế lắc đầu nhưng nước mắt tuôn trào không ngưng:
- Chúng ra lệnh chị cởi hết quần áo.
Hai đứa hồi hộp nín thở nhưng không dám ngắt lời, chờ chị
ngưng khóc, nói tiếp:
- Chúng cười hô hố rồi đuổi chị ra khỏi nhà.
Hạ lo lắng:
- Chị có còn quần áo lót không?
- Không còn gì cả! Chị phải dùng tay che người và chạy đến
nhà Bác Hiền ở gần rạp hát Nha Trang xin tá túc.
Hai đứa lặng người sau khi nghe chuyện. Nhìn cảnh vật xung
quanh, Hạ tưởng tượng được cảnh hành hung của bọn cướp đối với chị như thế nào.
Hạ thấy được cảnh chị quỳ lạy, bò từ chỗ này sang chỗ khác để xin từng thằng ăn
cướp tha tội chết và được để yên thân. Hạ cũng tưởng tượng được cảnh chị trần
truồng, vừa khóc lóc vừa lấy tay che thân đi trên đường phố, băng qua các góc
đường để tới nhà người quen của chị. Hạ còn nghe được tiếng cười hô hố của tụi
cướp văng vẳng bên tai mà thấy rùng mình. Hạ nhìn chị rã rượi và kinh hoàng mà
cảm thấy thương chị hơn bao giờ hết.
Ái hỏi:
-Vậy chị về lại đây lúc nào?
-Sáng sớm nay. Chị về thấy nhà tang hoang từ trên xuống dưới.
Chị lấy cái xích khóa xe của cậu để xích cửa sắt lại.
Nơm nớp lo sợ, Hạ quay lại nhìn cái khóa xích nơi cánh cửa sắt
sau lưng, rồi nhăn mặt:
- Chị không sợ còn thằng nào nằm trong nhà sao? Sao chị gan
quá vậy?
- Ở nhà người ta lâu chị ngại. Hơn nữa, chị không nỡ bỏ
nhà và tiệm của cậu mợ. Nếu cậu mợ được trở về, bị mất nhà, mất của, thì tội
nghiệp lắm.
Ngưng một lúc chị nói tiếp:
- Nhưng mà chị chỉ nghĩ vậy thôi chứ không hy vọng gì gia
đình cậu mợ trở lại. Tụi Việt Cộng vào thì cũng mất cả thôi. Hai em coi có gì lấy
được thì lấy đi.
Chị đưa hai đứa lên các phòng đến tận lầu thượng. Tất cả mọi
nơi đều lưu lại dấu tích của sự phá hoại, lục lọi và vơ vét của bọn cướp. Dấu
tích tàn phá của trận cướp quá kinh khủng đến độ Ái và Hạ không muốn lấy một thứ
gì. Hạ tự hỏi tại sao trong thành phố biển dễ thương này lại có những người bỉ ổi
như thế. Câu chuyện chị Huế kể hoàn toàn ám ảnh trong tâm trí Hạ. Hạ có cảm
giác sợ và hồi hộp khi đi ngang các phòng và đạp lên các đồ vật ngổn ngang. Hạ
không hiểu chị Huế làm sao mà dọn dẹp hết cái bừa bộn của căn nhà và làm sao
can đảm để tiếp tục ở một mình với cái cảnh như thế.
Trong lúc chị lượm lặt những thứ tương đối có giá trị như một
vài xấp vải, cây viết, hay cái kẹp tóc,
Hạ cất lời khuyên:
- Chị không đi đâu. Hai em đi về đi, chứ mấy o
trông. Chị đã hứa điều gì thì chị làm đúng như vậy.
Từ giã cửa tiệm Vĩnh Thạnh mà lòng hai đứa nặng trĩu. Cả hai
không sợ những người lớn trong gia đình chất vấn đi đâu chỉ cảm thấy buồn mãi
vì câu chuyện vừa được nghe kể.
Chương Mười Một
Tiếng cười hô hố, tiếng vỡ của thủy tinh, tiếng súng nổ chiếm
cứ hoàn toàn trong cơn ác mộng của Hạ. Tất cả những âm thanh hỗn độn này làm Hạ
không còn phân biệt được tiếng kêu thất thanh của má:
- Hạ dậy ngay đi! Hạ! Hạ dậy nhanh đi con.
Hạ mở mắt nhưng vẫn nằm yên. Một vài tiếng nổ ở đâu đó rất
to. Hạ cố lục lọi trí nhớ xem mình đang ở nơi nào. Má thò đầu vào trong mùng và
kéo Hạ dậy.
- Mau đi con! Mình phải chạy vào nhà nội để tránh bom. Máy
bay đang bỏ bom đó.
Hạ bật dậy ngay và kéo tay má chạy ra khỏi nhà.
Ngang qua khu vườn tối, Hạ trông thấy những vệt sáng trên đầu. Tiếng máy bay
đang bay vòng xung quanh thành phố. Lại nghe những tiếng nổ thật gần.
Hạ đập cửa nhà nội, cầu cứu:
- Cô ơi mở cửa mau cho má con và con tránh bom.
Cô Sáu vội vã mở cửa và hối thúc:
-Vô nhà mau! Mau lên!
Dưới tấm phản là tất cả những người trong gia đình Hạ. Mọi
người đã chui vào núp từ lúc nào. Người nào, người nấy run cầm cập và không nói
gì với nhau. Khum người dưới tấm phản đông đúc chật chội, Hạ mới nhớ ra chuyện
nghe lời má chạy vào nhà nội tránh bom chung với toàn gia đình không phải là việc
làm thích đáng. Nếu tránh bom thì ở nhà Hạ vẫn tránh được; chỉ cần chui dưới gầm
giường là được ngay, hơn nữa, biết bom rơi chỗ nào đâu mà tránh. Hạ cảm thấy bực
má nên nhăn nhó và phàn nàn về cái chật chội của chỗ núp. Một lúc sau nghe má,
các cô và bác gái thì thầm bàn tán, Hạ hiểu được má muốn gì. Nếu những trái bom
kia có vô tình rơi trong khu vườn nhà nội thì tất cả sẽ cùng chết chung. Trước
đó mấy ngày, cô Út khuyên má nên dọn đến một trong những căn nhà đẹp mà hàng
xóm bỏ đi. Má kiên quyết không bằng lòng. Hạ hiểu tính má không thích lấy những
gì không thuộc về mình. Hơn nữa, má không bao giờ muốn rời căn nhà kỷ niệm do
ba để lại. Và lúc đó, Hạ chỉ nghĩ là má luôn luôn vì ba, vì những kỷ niệm của
ba để lại chứ không bao giờ nghĩ má muốn chết chung với những người trong gia
đình nội. Người lớn có nhiều cái khó hiểu!
Hạ dựa người vào sát bức tường sau lưng rồi từ từ chìm vào giấc
ngủ.
Tờ mờ sáng các cô rón rén ra lấy nước rửa mặt. Hạ lờ đờ
làm biếng không muốn đi đâu. Lúc này không còn nghe tiếng động cơ của máy bay,
cũng không còn nghe tiếng bom nổ. Những người lớn sau khi rửa mặt xong, chụm lại
bàn tán. Cô Sáu mở hé cánh cửa để nhìn ra ngoài. Trời đã sáng hẳn lên nhưng
không một người lớn nào nghĩ đến chuyện đi làm hay buôn bán. Cái sạp hàng của
cô Sáu ở chợ Đầm đã bị tụi cướp lấy phá tan tành. Tuy nhiên, nếu có còn cô cũng
không đi bán làm gì. Khi quyết định ở lại, cô Sáu thực sự không muốn mọi người
biết cô là người có tiền. Những ngày này, sinh hoạt hàng ngày hoàn toàn bị xáo
trộn. Những người bỏ đi rối rít hoảng sợ tính mạng khi đi đường đã đành, những
người ở lại còn phập phồng hơn vì không hiểu chết lúc nào và sống như thế nào mới
được yên.
Ánh nắng chiếu vào căn phòng làm Hạ thấy rõ từng người hơn.
Bác gái, cô Sáu, cô Út và má Hạ ngồi co rúm mỗi người mỗi góc với một túi nhỏ
trong lòng. Mặt người nào cũng hốc hác và phờ phạc. Có lẽ suốt đêm qua
không ai ngủ được.
Cô Út ngồi cạnh Hạ thì thầm:
- Nghe con Ái nói tụi Việt Cộng mà vào Nha Trang, tụi nó sẽ tẩy
não người miền Nam mình phải không Hạ?
Thấy Hạ gật đầu, cô tiếp tục:
- Nó còn nói là họ sẽ mổ đầu mình ra rồi lấy cục “gôm” để
“gôm” cho sạch, rồi may lại.
Hạ nheo mắt nghi kỵ nhìn Ái, bật cười và nói vào tai
cô:
- Cô đừng nghe lời con Ái! Nó chọc cô đó!
Con nhỏ này thì tỉnh bơ như không chứng kiến việc gì
đã xảy ra. Không hiểu tối hôm qua nó núp ở góc nào dưới tấm phản mà sáng ngày
nó đã ngồi chễm chệ trên ghế sa lông. Mặc cho mọi người ngồi co rúm mọi nơi
trên nền nhà, Ái co chân lên dũa và sơn phết các móng chân như không có chuyện
gì xảy ra trên đời. Trước mặt nó là những chai nước rửa móng tay và nước sơn
giăng đầy trên bàn.
Bác gái la:
-Giờ này mà còn để móng tay dài! Tụi nó mà vô thì tụi nó rút
móng tay hết.
Ái ngang bướng đáp lại:
- Khi nào tụi nó làm hẵng hay, còn giờ con thích, con vẫn để!
Hạ đưa mắt theo dõi từng động tác của nó. Con
nhỏ có bàn tay thon mềm rất hợp với móng tay dài. Ái biết bàn tay mình đẹp nên
thường trau chuốt và sơn màu hồng nhạt. Hạ thích nhìn Ái sơn móng tay như nhìn
họa sĩ vẽ tranh. Tuy nhiên, Hạ cảm thấy tù túng khi phải ngồi co rúm trong căn
phòng nên nằn nì má cho về nhà.
Hạ vừa về đến nhà là nghe tiếng gọi của Anh:
- Hạ ơi! Hạ ơi!
Hạ thò đầu ra khỏi tường:
- Anh không sợ sao mà xuống đây vậy?
- Anh nghe máy bay bỏ bom ở Cầu Xóm Bóng, không hiểu Hạ có bị
gì không, nên xuống tìm. Nhiều người bị thương vào bệnh viện Nha Trang lắm đó,
Hạ có muốn đến đó thăm họ không?
- Muốn!
Lần này, Hạ xin phép má:
- Cho con đi vào bệnh viện thăm những người bị thương và tìm
hiểu tin tức ra sao nghe má?
Má gằn giọng:
- Tình hình như vầy mà con muốn đi sao?
Hạ khẩn khoản:
- Anh đạp xe từ Phước Hải xuống đây không có gì, huống hồ nhà
mình gần bệnh viện. Cho con vào đó để con giúp những người bị thương mà má!
Năn nỉ một lúc, rốt cuộc má chìu ý cho Hạ đi cùng Anh.
Chiếc xe đạp vừa được tựa vào góc cột của khu chứa xe là Hạ
và Anh vội vàng chạy về phía khu cấp cứu. Nhân viên Hồng Thập Tự, trong áo trắng,
lăng xăng đi lại khiêng các bệnh nhân vào các phòng khám.
Hai đứa hớn hở bước nhanh chân hơn đến chỗ họ với hy vọng
trở thành những người cộng sự có ích. Chưa đến bậc tam cấp của khu khám bệnh, cả
hai phải khựng bước và đứng lặng người. Người bị thương nằm ngồi la liệt trên lối
đi hướng về cổng của phòng khám.
Lần đầu tiên trên đời, Hạ nhìn thấy nhiều người bị thương và
máu người chảy đầm dề. Toàn bộ các dây thần kinh trên đầu Hạ như cứng đờ khiến
Hạ thấy chóng mặt và choáng váng. Nhắm mắt lại một lúc để lấy bình tĩnh, Hạ rị
tay Anh rồi cùng len lỏi nhích dần đến phòng bệnh. Một người con trai
trong y phục Hồng Thập Tự hét thật to:
- Mấy cô làm gì ở đây?
Hai đứa lí nhí:
- Dạ, chúng tôi đến đây để giúp người bị thương.
- Giúp người bị thương sao đứng xớ rớ một chỗ vậy? Hai cô lo
tìm khăn lau máu cho các bệnh nhân đi.
- Dạ lấy khăn ở đâu và chăm sóc người nào trước?
- Nhiều người quá biết ai trước, ai sau được? Các cô xem ai cần
thì giúp không cần phải hỏi. Hai cô theo tôi vào đây lấy khăn lau và thuốc sát
trùng. Khuôn mặt của người nói khoảng độ tuổi của bọn Hạ, nhưng có lẽ vì công
việc hiện tại đã tạo cho anh ta tính khí cứng rắn và thẳng thừng không khác gì
người chỉ huy lính. Hạ cảm thấy ức vì không dưng bị con trai nạt nộ, nhưng cố gắng
bỏ khuôn mặt bất mãn để bước theo anh ta. Hai đứa len lỏi bước ngang qua những
người bệnh và theo anh ta vào tận căn phòng trong cùng.
Một người đàn ông ở trần để lộ nhiều mảnh bom trên mình với
máu me loang lổ, lết theo anh và kéo chân anh lại.
- Bác sĩ ơi, cứu dùm tôi. Tôi đau quá!
- Bác bình tĩnh ngồi một chỗ đi. Cháu không phải là bác sĩ
nhưng cháu và các bạn cháu sẽ cố gắng chăm sóc hết tất cả.
Hạ cảm thấy xây xẩm hơn khi nghe những tiếng khóc than và rên
xiết xung quanh, nhưng Hạ cố gắng giữ bình tĩnh để còn được giao nhiệm vụ.
Cầm chiếc khăn lau và thuốc khử trùng trong tay, Hạ và Anh đi
hai hướng khác nhau để lau máu và chăm sóc cho những người bị thương. Thoạt
tiên, Hạ chùi máu cho người đàn ông có nhiều mảnh bom trên người. Chân ông bị một
mảnh bom rất lớn làm cho máu ứ đọng xung quanh. Cố ra vẻ là người chuyên nghiệp,
tay Hạ thoăn thoắt dùng khăn chấm thuốc khử trùng để làm sạch vết thương nhưng
Hạ lại không dám đụng mạnh vào nó vì cảm tưởng nó như là vết thương ở trên da
thịt mình. Hạ từ từ lau những chỗ máu đã khô rồi bậm gan lau lần vào đường nứt
trên làn da tím bầm gần đầu gối nơi mà mảnh bom đen nằm ẩn dưới. Có lẽ mảnh bom
sát vào xương chân làm người đàn ông này đau đớn khiến ông ta rên xiết không ngừng.
Lau xong các vết thương ở chân ông ta, Hạ bắt đầu lau lên người. Có quá nhiều mảnh
bom nhỏ li ti gắn chặt vào da thịt ông ta đến độ Hạ không giữ nổi ý nghĩ trong
đầu:
- Sao bác bị thương gì mà nhiều quá vậy?
-Họ bỏ bom bi mà cô! Bom này mà nổ là nó vỡ ra thành ngàn mảnh!
Hạ nhíu mày ngạc nhiên vì không hiểu sao thành phố mới bị bỏ
bom mà ông ta biết loại bom gì. Muốn hỏi nhiều hơn nhưng vì sợ mấy người Hồng
Thập Tự, Hạ thì thầm:
-Ai bỏ bom vậyhả bác?
- Thì lính Cộng Hòa mình muốn bỏ bom cho sập cầu Xóm Bóng để
tụi Việt Cộng không thể tiến chiếm Nha Trang được chứ ai. Nhưng mà, cầu không sập,
bom lại nổ dưới chân Tháp Bà.
Hạ hốt hoảng:
-Vậy Tháp Bà có sao không? Có bị sập không?
- Không sao! Chỉ có những người chạy tị nạn từ miền Trung vào
như chúng tôi, sống ở đầu cầu thì mới bị thôi.
Rên vài tiếng như thể cho đở bớt đau nhức, ông ta lo lắng hỏi:
- Không biết khi nào bác sĩ mới đến hả cô? Tôi sợ nếu vết
thương để lâu quá, chân tôi phải bị cưa!
Lúc này Hạ nhìn ông ta kỹ hơn. Khuôn mặt lo lắng, hốc hác như
trải qua một cơn khủng hoảng kinh hoàng lắm. Chiếc quần cộc bạc thếch với những
vết bẩn của đất và vết loang của máu. Những vết thương ở chân và người chứng tỏ
ông là người bị thương nặng thế mà ông lại phải ngồi ở một góc phòng. Những chiếc
giường trắng của khu cấp cứu là nơi dành cho những người bị thương trầm trọng
hơn. Vài cái giường chen chúc bởi hai, ba người hoặc hai, ba gia đình. Người bị
nặng được ngồi hoặc nằm. Người bị nhẹ hơn thì đứng tựa gần đó. Nghĩ đến thân phận
của những người miền Trung phải bỏ nhà chạy vào tị nạn ở Nha Trang mà không được
yên thân, Hạ buồn bã trả lời:
- Cháu không biết gì cả bác ơi! Có lẽ mấy anh đó sẽ kiếm bác
sĩ cho bác.
Chào ông ta để đi đến chăm sóc cho người khác mà tâm
trí Hạ không được tập trung. Hạ không hiểu mấy anh Hồng Thập Tự làm sao tìm được
bác sĩ cho hết thảy số người bị thương la liệt. Những ngày này, bác sĩ cũng như
y tá thật là khó tìm trong thành phố. Nhưng mà, nếu lúc này thực sự có bác sĩ
hay y tá thì Hạ cũng không biết ai là bác sĩ, ai là y tá, bởi vì mọi người ăn mặc
như nhau ngoài trừ những anh chàng Hồng Thập Tự “hung dữ” này. Hạ không rành về
y học và cứu thương, vì vậy Hạ cảm thấy bất lực và thua sút với những người đồng
trang lứa. Với chai thuốc khử trùng và chiếc khăn, Hạ chỉ biết đi đến người này
sang người khác và lau máu. Ngoài những câu an ủi qua loa, Hạ không thể làm gì
khác hơn nữa. Hạ không dám quyết định việc gì ngay cả khi họ đòi uống nước. Hạ
cũng không dám hỏi là nên hay không vì sợ bị la. Cho đến khi nghe mấy người
mặc áo trắng la lớn, cảnh cáo: “Không được cho bệnh nhân uống nước!” thì Hạ lập
tức không chiều theo ý của bệnh nhân nữa.
Khác với những người bị thương xung quanh, một
đứa bé khoảng mười tháng nhoẻn miệng cười trong lòng mẹ. Hạ ngạc nhiên bước đến
và ngồi xụp xuống bên người mẹ trẻ, Hạ nói:
- Cho em bế em bé một tí nghe!
Nhăn mặt vì đau đớn, nhưng chị bằng lòng chuyền đứa bé sang
cho Hạ. Hạ đưa thẳng đứa bé lên quan sát, rồi xoay nó từ trước ra sau và cẩn thận
tìm vết thương khắp người. Ngạc nhiên và mừng rỡ, Hạ nói to:
- Em bé không bị thương chỗ nào cả chị ơi!
Chị gật đầu:
- Chị biết rồi! Bởi vì khi máy bay bỏ bom chị ôm nó gọn trong
lòng và lấy lưng đè nó xuống cho nên chị lãnh hết những mảnh bom trên lưng.
Xúc động với những điều nghe được, nước mắt Hạ tuôn trào. Hạ
nghẹn ngào chưa biết nói sao, chị kể tiếp:
- Nhưng mà chị có hai đứa con, chị chỉ ôm được một đứa, còn
con chị của nó thì bị thương.
- Chồng chị có ở đây không?
- Không! Anh ấy đi lính không biết giờ ở đâu.
Giao vội đứa bé lại cho chị, Hạ chồm người sang đứa bé gái
khoảng bốn tuổi đang nằm bên cạnh mẹ. Hạ lật áo nó lên để tìm những vết thương
và chùi máu. Con bé nằm yên thiêm thiếp. Thỉnh thoảng nó rên khóc rồi kêu mẹ
đòi nước. Khuôn mặt con bé đờ đẫn với cặp mắt mất thần sắc. Lau những vết
thương có mảnh bom nằm dưới làn da non, Hạ cảm thấy chua xót và tội nghiệp cho
con bé, còn nhỏ mà phải chịu đau đớn do chiến tranh gây ra. Chăm sóc cho con
xong, Hạ tiếp tục tìm vết thương và lau máu cho mẹ. Người thiếu phụ nức nở với
câu chuyện kể:
- Biết “mấy ổng” vào Nha Trang, tôi định đưa mấy đứa con tôi
trở về Buôn Mê Thuột rồi, nhưng vì không có đủ tiền nên mẹ con còn nấn ná ở lại,
không ngờ đến nông nỗi này.
Hạ ngạc nhiên:
- Việt Cộng đã vào thành phố Nha Trang rồi sao? Sao em không
thấy gì cả? Hôm qua em còn ra phố mà!
Chị khẳng định:
- Họ đã vào rồi cho nên bây giờ người ta chen nhau
thuê xe về lại quê cũ. Tiền xe mắc như lúc di tản.
Má Hạ đứng chờ trước cổng nhà. Đưa cho Hạ một cái túi nhỏ, bà
nói một cách cương quyết:
- Con vào chọn áo quần và những thứ cần thiết để đi ngay.
- Đi ngay? Mình đi đâu hả má?
- Đi Thanh Minh với hai cô. Mình sẽ ở nhà dì Tư.
-Còn hai bác và Ái thì sao?
- Bác gái đã đi Thanh Minh với bà con của bác rồi. Chỉ còn
bác trai ở lại với con Ái.
Hạ nằn nì:
- Con không muốn đi! Con muốn ở lại.
- Nha Trang bây giờ là chỗ giao chiến. Mình ở đây không yên
đâu. Con đừng chướng!
Hạ cố hỏi vặn:
- Thế tại sao bác cả và Ái ở lại được?
Má Hạ không trả lời. Bà hối hả gọi hai cô rồi giục Hạ mau ra
khỏi nhà để khóa cửa. Đến trước cổng, gặp Ái đứng trên hiên nhà bác cả, má Hạ
khuyên nó:
-Lấy đồ chạy với bác đi con!
Ái lắc đầu:
- Con không nỡ để bác trai ở lại một mình. Hơn nữa, con không
sợ chết.
Hạ không thuyết phục Ái, cũng không chen vào đối thoại của
hai người. Hạ trầm ngâm với ý nghĩ: “Mình không anh hùng như Ái. Mình không những
sợ chết mà còn sợ bị thương như những người trong bệnh viện ngày hôm nay. Tuy
nhiên, dù chết hay bị thương, bị ngay tại nhà vẫn còn tốt hơn là ở đâu đâu.”
Dù ý nghĩ có là ước muốn của Hạ, Hạ cũng không thể nào quyết
định độc lập như Ái. Má Hạ quá đau lòng khi mất Thảo Vy, Hạ không nỡ để bà bận
lòng thêm nữa.
Chương Mười Hai
Bốn người may mắn đón được chiếc xe lam để đi về Thành. Xuống
bến xe Thành, cô Sáu, cô Út, má Hạ và Hạ tiếp tục mướn xe đi về phía Thanh
Minh. Những người lớn than van với nhau về cái giá cắt cổ mà mấy ông tài xế
“chém.” Hạ thì buồn hơn những người này vì chiếc nhẫn vàng tây có hình
trái tim rỗng của Hạ bị rơi mất khi chen chúc trên những chiếc xe đò và xe lam.
Chiếc nhẫn này là vật kỷ niệm của Hạ. Hạ sắm nó với số tiền dành dụm mà Hạ móc
“crochet” những cái khăn trải bàn và khăn màn cửa gửi cho cô Sáu bán. Hạ muốn
nói về chuyện đánh mất chiếc nhẫn và trách má sao nỡ bỏ nhà đi, nhưng Hạ cảm thấy
lười biếng nên im lặng và bước theo mọi người vào căn nhà có cái sân xi măng rộng
và xung quanh có những khóm hoa trang. Vào đến phòng khách, Hạ vâng lời má chào
từng người trong nhà. Thoạt tiên là bà lão có mái tóc bạc, rồi đến người đàn
ông vạm vỡ có giọng to và vồn vã, rồi người đàn bà có nụ cười hiền lành, rồi một
anh con trai cao lớn, một đứa bé gái và ba đứa con trai nhỏ.
Qua giới thiệu, Hạ biết được người đàn ông vạm vỡ kia là chồng
của dì Tư. Dì Tư là bạn buôn bán với má Hạ. Ông bà có năm người con. Bốn người
con trai và duy nhất một cô gái út. Bà lão là mẹ của ông dượng Tư.
Tất cả mọi người trong gia đình này đều hiếu khách nên
má và hai cô của Hạ tự nhiên như ở nhà. Còn Hạ vẫn nhăn nhó như lúc rời
Nha Trang. Hạ cảm thấy không tự nhiên khi ở chung một nhà với người con trai bằng
tuổi mình và nhất là phải nằm ngủ trống trải trong phòng khách với má và các
cô.
Mỗi ngày, Hạ phụ giúp những người lớn nấu ăn, rửa chén rồi ngồi
yên nhìn những đứa nhỏ chơi đùa trước sân. Thỉnh thoảng Hạ đến cái góc bên cạnh
bàn thờ tìm sự yên lặng với quyển nhật ký, những bài thơ, những vật kỷ niệm và
hình của bạn bè. Hạ cảm thấy nhớ Nha Trang, nhớ bạn bè, nhớ thầy cô và những buổi
dạ vũ. Nhớ nhất là nhỏ Anh thân thương với giọng kêu ơi ới ngoài bức thành.
Chìm đắm trong nỗi nhớ, Hạ tìm những bài thơ dễ thương với chữ viết tuyệt đẹp của
Anh trao cho Hạ ngày nào. Hạ thích đọc đi đọc lại bài thơ “Răng Khểnh” được tặng
để mơ mộng như thể đang ngồi trên ghế xích đu bên cạnh khóm hồng nhà Anh:
“Ơi cái răng khểnh dễ thương dễ ghét.
Ơi tiếng cười rúc rích như chuột gặm nát trái tim anh.
Nhỏ trông buồn cười như trái ớt.
Ớt xanh nho nhỏ đo đỏ mà cay khôn cùng.
Cay mờ mắt anh...
Nhỏ, cho nhỏ chùm tỉ muội.
Đừng chớp mắt tội tình anh...”
Bên cạnh những cánh hoa ép khô, những bài thơ, bài nhạc và
hình vẽ, bài thơ năm chữ của người con trai mang kính cận trong lớp cha
Phương vô tình gợi lại cho Hạ những ngày thân ái xa xưa:
“O nớ mang răng khểnh.
Trông mê mệt vậy thê.
Mỗi khi cô nhích lệch
Mình cảm thấy lạnh tê
Bữa kia bạn cho kẹo
Cô vội cười mỉm chi
Nhưng trông lại cô héo
Cục kẹo có tí ti...”
Nhìn lại những kỷ vật, Hạ thấy nhớ Nha Trang và bạn bè
rất nhiều. Không biết bạn bè Hạ bấy giờ lưu lạc ở những nơi nào? Có phải họ
đang nhớ kỷ niệm cũ, những ngày xưa cũ như Hạ đang khắc khoải mong nhớ không?
Ngày mai của Hạ ra sao và tương lai của Hạ như thể nào khi Hạ không thể kết
thúc kỳ thi tú tài? Còn Thảo Vy nữa, có phải chị em Hạ mãi mãi không bao giờ được
gặp nhau không? Hạ không tìm được câu trả lời cho bao nhiêu câu hỏi trong đầu.
Niềm hy vọng trong Hạ càng lúc, càng trở nên nhỏ bé và mong manh. Nỗi buồn thầm
kín quyện với cái mất mát lớn lao của hiện tại làm Hạ cảm thấy chơi vơi và đơn
độc. Hạ muốn khóc thật nhiều để được vơi buồn và nỗi u uất trong tâm trí. Như
hiểu lòng Hạ, mỗi ngày má và hai cô của Hạ luôn nhắc khéo: “Tới ở nhà người lạ
phải luôn luôn vui vẻ nghe con.” Cho nên, Hạ không làm gì khác hơn là im lặng
và im lặng.
Buổi trưa thật là yên lặng. Những người lớn tụ họp ở vệ đường
trước mặt nhà để bàn tán về tin tức ở Nha Trang và túc trực nghe truyền thanh để
biết tin tức ở Sài gòn. Hạ thờ ơ nhìn những đứa nhỏ chơi đùa trước sân. Mỗi buổi
trưa, tụi nhỏ trong xóm thường tụ lại trước nhà để chơi lò cò hay nhảy dây.
Con bé gái của dì Tư lân la đến làm quen:
- Chị Hạ muốn chơi với tụi em không?
Hạ lắc đầu:
-Không! Cảm ơn các em!
Con bé và bạn nó ngồi sát vào Hạ:
- Tóc chị Hạ rối quá. Chị muốn tụi em chải cho chị không?
Thấy Hạ gật đầu, hai đứa nhỏ bỏ mặc bạn bè nhảy nhót trên
sân, chạy vào nhà tìm lược. Một lát sau, chúng chạy đến bên Hạ, chia ranh giới
trên đầu để chải bới. Mấy đứa khác thấy ngộ, ngừng chơi, lân la tới nhìn Hạ.
Chúng cười nói đủ chuyện rồi chia nhau hái hoa lá. Những bàn tay non, mềm mại
mơn trớn trên mái tóc, những chiếc răng lược quyện trong tóc, cộng với gió hiu
hiu thơm mát của vùng quê làm Hạ muốn rơi vào giấc ngủ.
- Chị Hạ, nhìn trong gương xem! Chị có giống công chúa
hay cô dâu không?
Liếc vào tấm gương, Hạ bật cười khi thấy khuôn mặt
mình thật tếu. Hạ không bao giờ thích đeo bông tai hay gắn bất cứ kiểu hoa nào
trên đầu, vậy mà tụi nhỏ gắn trên tóc Hạ đủ các loại hoa. Màu sắc rực rỡ của những
đóa hoa tương phản trên làn da nâu xẫm đã tạo cho Hạ một khuôn mặt giống cô gái
của người thiểu số. Nhìn những ánh mắt chờ đợi của chúng, Hạ gật đầu và nói dối:
Cả bọn căn dặn:
- Chị đừng gỡ tóc xuống nghe! Tụi em làm lâu lắm mới được như
vậy đó!
Hạ gật đầu và mỉm cười.
- Chị có thích ăn trái cây không?
- Chị thích lắm.
- Chị ngồi yên đây nghe. Tụi em về nhà hái trái cây
cho chị.
Suốt buổi chiều hôm ấy, Hạ ăn trái cây với mấy đứa nhỏ con dì
Tư và những đứa nhỏ trong xóm. Hết ổi, lại xoài, mít, rồi đu đủ. Tụi nhỏ cố gắng
lục lọi các loại trái cây trong vườn để làm Hạ vui và Hạ thì không từ một loại
trái nào mà chúng cho. Mê nhứt là những múi mít dừa! Hạ vô tư ăn hết nửa trái
mít và nghĩ bụng ăn để thế cho bữa cơm chiều. Tác hại thay, tối hôm ấy, tất cả
trái cây mà Hạ ăn biểu tình dữ dội. Hạ bị đau bụng và muốn ói nhưng lại không
thể ói ra được. Má Hạ, các cô và những người lớn trong nhà dì Tư lăng xăng tìm
cách chữa cho Hạ. Người cắt lể, người cạo gió, người xoa dầu. Mọi người xúm xít
bàn tán:
- Nó bị trúng thực rồi. Ăn nhiều trái cây mà không tiêu là bị
vật.
- Mít độc lắm, ăn nhiều không tiêu đâu. Bụng yếu mà ăn
nhiều mít thì làm sao tiêu được!
Dì Tư lo lắng:
- Cầu cho nó mửa ra. Chỉ có mửa ra được thì nó mới khỏe lại
thôi.
Những cơn ói khan làm Hạ kiệt sức. Dì Tư và dượng
Tư quyết định đưa Hạ lên nằm trên giường của người con trai lớn của ông bà. Hạ
quá yếu nên không thể từ chối. Người con trai lớn của dì Tư đã chạy đi tìm các
loại lá cây và vỏ măng cụt như lời mẹ anh ta nói: “Trúng thực thì chỉ có nước
uống nước vỏ măng cụt sao mới khỏi thôi.”
Khi anh ta đến bên giường và đưa cho Hạ chén nước thuốc do
chính anh ta làm, Hạ thấy sợ. Nhìn màu nâu xẩm của nước thuốc, Hạ muốn quay mặt
đi, nhưng rồi vị tình, nên Hạ đành nhận và cố uống cho xong.
Cô Sáu nói:
- Uống đi con. Anh Hùng phải đi tìm suốt buổi tối mới có mấy
cái vỏ măng cụt này đó. Tình hình bây giờ đâu có thể đi chợ được mà tìm thuốc dễ
dàng.
Nuốt đến ngụm thuốc thứ hai, chất đắng và mùi
hôi của thuốc làm cổ họng Hạ khó chịu. Hạ càng cố nén thì mùi nồng của thuốc
càng kích thích mạnh hơn khiến cho nước thuốc bộc mạnh lên cổ rồi ào tuôn ra khỏi
miệng kèm theo vô số thức ăn. Mọi người xúm xít dọn dẹp giường chiếu và cho Hạ
uống nước nóng. Lúc này cổ họng Hạ vừa chua, vừa đắng nhưng Hạ bớt mệt và
không còn bị ngạt thở để bắt đầu cho một giấc ngủ bình yên.
Sáng hôm sau Hạ tỉnh táo hơn. Nằm yên nhìn mọi người
lui tới chăm sóc, Hạ cảm động nhưng không nói gì. Mấy đứa nhỏ bẽn lẽn đến
cạnh giường xem Hạ ra sao và tỏ ý muốn nói chuyện. Lúc này, Hạ cởi mở hơn và nói
chuyện với từng đứa. Hạ không nhớ là đã nói với chúng những gì và đã kể cho
chúng nghe những gì. Nhìn những đôi mắt thơ ngây chăm chú nghe chuyện, Hạ thấy
thích thú, nghĩ rằng mình đã thu hút chúng bằng giọng nói Nha Trang chứ không
phải vì câu chuyện kể. Mấy đứa nhỏ dường như hãnh diện khi được làm bạn với Hạ.
Chúng cười vui tíu tít quanh giường và rủ Hạ đi sang nhà hàng xóm chơi với
chúng.
Những người lớn xầm xì, bàn tán về công lao của anh Hùng. Cô
Sáu nói bóng gió:
- Người lo cho mình lúc hoạn nạn sẽ là người chồng tốt. Mình
ơn nghĩa với gia đình chị Tư này không biết đến bao giờ mới trả được?
- Gia đình ảnh, chỉ thật tốt và phước đức ghê. Ai làm dâu nhà
này sướng lắm đó.
Chồng con? Lập gia đình? Chưa bao giờ Hạ nghĩ đến điều này. Hạ
vẫn còn rất nhiều ước mơ. Hạ vẫn còn chờ đợi và hy vọng. Hạ chỉ muốn kiếm lời
nào đó để cảm ơn người tìm thuốc cho Hạ, chứ không muốn nghĩ gì xa xôi. Ơn
nghiã của các cô con gái với các chàng trai nảy sinh tình yêu, và kết thúc bằng
đám cưới thường xảy ra trong truyện tiểu thuyết. Các câu truyện viết thường được
đơn giản hóa. Còn trong thực tế, Hạ thấy nhiều thứ tình cảm khác biệt nhau mà
không thể lầm lẫn được. Tình thương hại và ơn nghĩa không phải là tình yêu và
không thể nào khỏa lấp được tình yêu.
Niềm vui trong chốc lát của Hạ biến mất ngay sau đó và nỗi buồn
cũ lại trở về. Hạ thấy nhớ da diết Nha Trang và những ngày vui đùa cùng nhóm bạn
dễ thương. Hạ còn nhớ những người bạn không phải học sinh của Nữ Trung học Huyền
Trân và ao ước được đi dự những buổi dạ vũ để còn thấy được niềm đau hơn là mất
tất cả. Cảm giác không muốn ngồi dậy, không muốn đi đâu, Hạ xin lỗi mấy đứa nhỏ
để tiếp tục nằm yên trên giường.
Niềm vui hay nỗi buồn cũng phải bỏ lại sau lưng khi dượng Tư
báo cho mọi người về cuộc họp mặt với quân đội niềm Bắc ở đình làng.
Buổi tối hôm ấy, ngoài những đứa nhỏ ra, tất cả mọi người phải
tập họp ở sân làng để nghe “ bộ đội” miền Bắc nói chuyện.
Một số đông đàn ông mặc đồng phục xanh rêu bạc màu, đội
nón cối sắt ngồi thành một nhóm lớn trước những người dân làng. Hai người đại
diện thay phiên nói về những việc họ đã làm và sắp làm. Quan sát họ, Hạ không cảm
thấy sợ như lời đồn, nhưng khi nghe họ nói chuyện với những từ dùng mạnh mẽ và
lạ lùng như “ cách mạng”, “giải phóng”, “tích cực”, “phấn đấu”, “bác Hồ”, “Đảng
và nhà nước” thì Hạ cảm thấy sợ. Hạ cảm thấy sợ hơn và khó chịu hơn khi họ dùng
từ “Mỹ Ngụy đồi trụy” mà lờ mờ không hiểu mình có phải là “Ngụy” như họ ám chỉ
không. Chưa bao giờ Hạ nghe tiếng Bắc với âm thanh rắn chắc và nặng nề như giọng
nói mà họ sử dụng. Hạ thất vọng khi biết họ đã thật sự chiếm Nha Trang và chuẩn
bị tiến vào Sài Gòn. Hạ hồi tưởng lại hình ảnh người lính Cộng Hòa với quân phục
gọn gàng hùng dũng ngày xưa, nhưng rồi cảm thấy chán nản vì linh tính là những
người lính miền Nam không giữ được những sự nguyên vẹn cũ.
Má và các cô của Hạ quyết định trở về nhà. Trước khi trở lại
Nha Trang, má Hạ căn dặn: “Từ nay con phải giữ miệng, không được nói năng bừa
bãi, không được kêu Việt cộng mà phải là 'mấy ông Cách Mạng'. Áo quần tây, tàu
cũ cũng bỏ hết đi, má sẽ mua vải đen hay nâu về may đồ cho con mặc.”
Vừa đến nhà là Hạ tìm Ái ngay. Con nhỏ sống thản nhiên như
không có chuyện gì xảy ra bên ngoài khu vườn nhà nội. Con nhỏ khoe các món bánh
mà nó làm và mấy chiếc áo “hoa hoè, hoa sói” tự may. Đi ngang khi vườn thấy một
cái hố nhỏ có đậy tấm cửa gỗ cũ bên trên, Hạ hỏi:
- Cái gì đây?
- Chỗ tránh bom của bác trai.
- Ai đào lỗ này cho bác.
- Tui phụ bác đào.
Hạ ngẫm nghĩ về điều Ái tiết lộ mà không tìm câu trả lời
thích đáng. Ngày Nha Trang bị bỏ bom, bác cả của Hạ không hốt hoảng chạy trốn
như những người trong nhà, nhưng những ngày sau đó lại cố sức đào cái
hố nhỏ trong vườn để tránh bom. Quan sát nhìn cái “hầm tránh
bom”tí tẹo ấy, Hạ hỏi:
- Chỗ này chỉ đủ cho một người ngồi à! Vậy bà ở đâu?
- Tui ở trong phòng chứ ở đâu! Chạy trốn ở đâu chi cho mệt.
Bom rớt xuống, chết trên giường nệm sướng hơn ở cái hố cát này!
Hạ gật đầu:
- Đi đâu rồi cũng trở lại chỗ cũ nhưng mà cái sợ làm người ta
thiếu bình tĩnh.
Hạ không ngạc nhiên về tính bất cần của Ái. Biến
cố Mậu Thân năm 1968 và mùa hè đỏ lửa 1972 đã làm con nhỏ quá quen thuộc với chiến
tranh. Mệt mỏi và chán chường với tàn khốc đã từng chứng kiến, Ái thực sự xem
thường những gì mà người khác sợ hãi.
Chương Mười Ba
Ngày ba mươi tháng tư năm 1975, quân đội miền Bắc hoàn toàn
chiếm miền Nam. Cuộc chiến tranh kết thúc thật nhanh bởi vì sự rút chạy nhiều
hơn là chống trả. Những đoàn người hoảng hốt chạy vào Sài Gòn tị nạn trước đây,
bấy giờ thi nhau tìm cách trở về quê quán. Người thành phố Nha Trang cũng
như những người dân miền Nam ở các nơi khác đều hồi hộp chờ những
biến cố mới xảy ra.
Thành phố Nha Trang lúc này được chia thành các khóm, phường
rõ rệt. Các tên đường trong thành phố cũng bị thay tên mới. Và mọi người thường
bị kêu đi họp vào những buổi tối để nghe thông báo tình hình hay để tự kiểm điểm
và phê bình. Bản kê khai lý lịch và danh sách những người trong gia đình được
phát ra cho từng người, từng nhà.
Riêng Hạ, Hạ thực sự rơi vào thế giới hoàn toàn đảo ngược.
Những từ dùng dành cho Việt Cộng nay phải nói là “quân Cách Mạng” hay “quân Giải
Phóng”, còn quân lực Việt Nam Cộng Hòa cũ thì phải gọi là “quân bán nước” hay
“ngụy quân”. Hạ không tự giải đáp được vì sao quân đội Việt Nam Cộng Hòa
cũ là quân bán nước? Hạ cảm thấy sợ khi nghĩ đến hoàn cảnh của những người bạn
trai cũ của Hạ. Nếu ngày xưa họ rớt Tú Tài và đi lính để trở thành người của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì số phận của họ như những người “lính
ngụy” hiện tại là phải đi học tập cải tạo mà nôm na như cô Út của Hạ nói là bị
đi tẩy não ư?
Hạ cảm thấy buồn cười cho sự tương phản trong đại gia
đình của mình. Bà con trong gia đình Hạ có nhiều biệt danh khác nhau; người bị
coi là Việt gian bán nước hay tư bản mại sản, người được gọi là Việt Minh yêu
nước, người được vinh thăng, người bị đi học tập cải tạo, người phải chuẩn bị
đi kinh tế mới, người lo trốn ra nước ngoài. “Chiến tranh và hòa bình” của Việt
Nam đã để lại cho Hạ bao nhiêu câu hỏi mà Hạ không thể nào toại nguyện với những
câu trả lời thiên vị một chiều.
Tiếng của Anh vang ngoài bức thành:
- Đan Hạ ơi! Đan Hạ ơi!
Hạ thò đầu ra:
- Gì vậy Anh?
- Long chết rồi!
- Long chết? Hạ hốt hoảng la lên, rồi vội vã hỏi tiếp
- Vì sao?
- Long tự tử!
Hạ lặng người mà không hỏi thêm về nguyên nhân. Chuyện tự vận
trong những ngày sắp xảy ra chiến tranh và sau chiến tranh không là chuyện lạ,
nhưng hình ảnh của người bạn trai vui vẻ và hiền lành mới hôm nào, nay trở
thành người thiên cổ là chuyện không thể nào tin được. Hạ nhớ khuôn mặt Long và
những câu nói đùa muốn làm em rể. Hình ảnh ấy,lời nói ấy cứ như mới hôm qua.Lẽ
nào một người vui vẻ như Long có thể làm một việc đáng kinh ngạc như thế? Tin
Long chết như là chuyện đùa. Hạ ngớ ngẩn hỏi Anh thêm một lần nữa:
- Long đã chết?
- Anh nói rồi! Long tự tử và đã chết rồi! Ngày mai gia
đình sẽ đưa đám Long. Bây giờ Hạ đi lên nhà Long chia buồn với Anh nghe.
Hạ từ chối:
- Ngày mai Hạ sẽ đi với Anh đến nhà Long chia buồn và
đưa đám luôn.
Quá nhiều biến cố xảy ra đã khiến Hạ lạnh lùng
với tin dữ vừa nghe được. Hạ không muốn nhìn Long lần cuối để còn tin rằng Long
vẫn còn sống trên đời và cũng không muốn gặp những người bạn cũ để khỏi phải ngậm
ngùi trước những đổi thay.
Trái với suy tính, Hạ đã nhìn thấy Long lần cuối cùng khi Hạ
cùng Anh đến nhà đưa đám anh ta. Trong chiếc quan tài gỗ mỏng và đơn sơ, Long nằm
cứng đờ với đôi mắt nhắm nghiền như người đang ngủ. Đôi môi thâm tím trên khuôn
mặt trắng toát tạo cho anh cái vẻ lạnh lùng và huyền bí.
Hạ chưa bao giờ thấy một xác chết, cũng như
chưa bao giờ tưởng tượng người nằm trong quan tài là người bạn thân thiết với Hạ,
cho nên sự thật trước mắt gây cho Hạ kích động đến tột độ. Đứng trước quan
tài, xung quanh là những người mặc áo sô trắng lụp xụp quỳ lạy,than khóc
nức nở, Hạ lúng túng không hiểu mình phải có thái độ như thế nào cho thích hợp.
Chằm chằm nhìn vào quan tài một lúc Hạ đưa mắt hướng về chiếc ảnh bán thân khổ
sáu tám của Long trên bàn thờ. Bàn thờ Long được đặt sát ngay sau chiếc quan
tài mở nắp. Hai ngọn nến lung linh trên bàn thờ như muốn đưa những tia sáng nối
từ khuôn mặt trắng toát lạnh lùng của Long đến khuôn mặt tươi vui của anh ta
trong bức ảnh thờ. Không hiểu những tia sáng này muốn hòa hợp sự tương phản của
thực tế với quá khứ để động viên người chết “Cái gì mất thì trở nên đẹp mãi
mãi” hay là để gây thêm sự đau thương của những người còn lại trên đời.
Một anh con trai, có khuôn mặt giống Long như tạc, đốt hai
cây nhang rồi trao cho Hạ và Anh. Giọng anh ta trầm trầm:
- Hai em lạy từ giã Long để chuẩn bị đưa đám. Đến giờ đóng
hòm rồi.
Như cái xác không hồn, Hạ đón lấy cây nhang. Mọi thứ trên bàn
thờ gợi cho Hạ những buổi tối thắp hương cầu nguyện ba. Nải chuối, bình hoa, lư
hương, đèn cầy đặt trước hình thờ là những biểu tượng để người còn sống có thể
kết hợp với khói hương khấn nguyện và cầu xin với người đã chết. Hạ thường cầu
nguyện ba phù hộ cho Hạ học giỏi, gặp nhiều điều may mắn để trở thành con gái
ngoan mà không phải làm tủi hổ hương hồn ba dưới suối vàng. Với Long, Hạ không
biết mình sẽ cầu nguyện điều gì. Tương lai đối với anh ta mù mịt đến độ không
giải quyết được thì làm sao anh ta giúp Hạ đây? Tuy nhiên nếu có thể nói được với
Long, Hạ sẽ trách vì sao anh nỡ hủy diệt thân thể mà gây thêm đau thương cho những
người thân còn lại trên đời.
Vừa cắm cây nhang vào cái lư nhỏ, Hạ nghe tiếng khóc thổn thức
và nức nở của mọi người xung quanh lớn hơn và dồn dập hơn. Mẹ Long vật vã vói đến
nơi mà hai thanh niên lực lưỡng đang nâng cái nắp quan tài lên. Mặc cho tiếng
khóc thê thảm bao nhiêu, cái nắp hòm vẫn vô tình đậy kín thi thể Long trong mấy
tấm ván gỗ. Trong khi mọi người tiến gần đến chỗ quan tài, Hạ cảm thấy như mình
bị tuột về phía sau. Rồi như một cái máy, Hạ bước theo đoàn người đi theo
sau chiếc quan tài đến hai chiếc xe đậu trước cổng nhà.
Chỉ có hai chiếc xe đưa Long về nơi an nghỉ cuối cùng. Chiếc
xe lam nhỏ dùng để chở quan tài của anh và vài người trong gia đình. Còn lại mọi
người lần lượt leo lên chiếc xe lớn hơn. Chiếc xe nhà binh cũ của quân lực Việt
Nam Cộng Hòa ngày xưa. Dù là loại xe gì, xe đưa đám vẫn là xe đưa đám. Thế mà
hai chiếc xe này chạy nhanh hơn những đoàn xe tang mà Hạ từng chứng kiến trước
đây. Khi hai chiếc xe chạy đến ngã ba Thành và tiến về Suối Dầu, Hạ mới nhận ra
người ngồi đối diện là Triệu. Đầu tóc dài và nước da đen xạm tạo cho anh cái vẻ
dày dặn hơn xưa. Hạ đưa mắt nhìn từng người. Ngoài Triệu ra, không có người
quen biết nào trong đám thanh niên đứng ngồi trên xe. Khuôn mặt Triệu lạnh lùng
và im lặng. Khi chiếc xe dừng lại, mặc cho Hạ và Anh đứng sau lưng anh ta để chờ
leo xuống xe, Triệu vẫn lạnh lùng, không chào hỏi một ai. Trên đường đến nhà
đưa đám Long, Anh cho Hạ biết là Triệu đã có bạn gái và hình như sắp lập gia
đình. Cô gái này ở cùng chung khóm và phường nơi Triệu cư ngụ. Có bạn gái đâu
phải là gì mà anh ta không muốn tiếp xúc với hai đứa Hạ? Phải chăng cái
chết của Long đã gây cho anh ta xúc động cực kỳ khiến anh ta không còn muốn
liên hệ với những gì thuộc về ngày xưa. Nếu anh ta nghĩ như thế, thì đó cũng
chính là ý nghĩ của Hạ. Khi nhìn chiếc hòm đặt dưới lòng đất sâu và những thanh
niên lực lưỡng thi nhau xúc đất phủ đầy trên ấy, Hạ thực sự hiểu rằng không phải
Hạ chỉ mất một người, mà cả những người bạn còn lại của ngày xưa. Hạ sẽ trốn chạy
quá khứ để quên đi tổn thương trong Hạ.
Trên đường về, hai chiếc xe chạy còn nhanh hơn lúc khởi hành.
Trời nắng chang chang khiến cho ai nấy đều phải nhăn mặt vì chiếc xe nhà binh
không có mui trần. Ba người thanh niên lực lưỡng trên xe đột nhiên cởi áo rồi
dùng chúng lau mồ hôi. Cả ba đến mấy chiếc thùng chứa nước và múc nước uống.
Nước uống còn dư không biết làm gì họ tạt xuống đường và vô tình làm ướt người
đang đạp xe trên đường. Một vài tiếng chửi rủa vang lên. Tiếng chửi của những
người dưới đường kích thích mấy thanh niên lực lưỡng này có trò chơi mới. Họ
thi nhau múc những ca đầy ắp nước và tạt không ngừng. Lần này nước tạt không phải
là vô tình mà hoàn toàn cố ý. Một cô gái đang vô tư đạp xe, bất thần lãnh trọn
một ca nước lớn. Mặt mũi, tóc tai, và áo quần cô ướt sũng trông thật thảm thương.
Hạ cảm thấy thương hại khi nhìn thái độ hốt hoảng và kinh ngạc của cô ta trước
tình cảnh khó xử. Mấy thanh niên cười nói một cách khả ố và giành nhau những
cái thùng còn sót nước để đổ ập hết xuống người đi đường. Lúc này, ánh nhìn lạnh
lùng của Triệu dịu đi và thay bằng nỗi kinh ngạc. Không những chỉ có mình Triệu,
Hạ và Anh cũng đưa những con mắt hoang mang, im lặng nhìn nhau. Hạ không hiểu
những thanh niên lực lưỡng trên xe là ai và có quan hệ như thế nào trong gia
đình Long, nhưng thái độ của họ thật là không thích hợp. Cho dù họ giúp gia
đình chôn cất Long như thế nào chăng nữa, tạo nên những trò chơi gây tiếng cười
bất nhã sau đám tang là việc không nên làm.
Xe vừa tới nhà Long, Hạ và Anh lầm lũi đến chỗ để xe đạp. Mẹ
Long bước đến gần:
- Bác cảm ơn hai cháu đã có lòng đến đưa đám tang con của
bác. Hai cháu là bạn của Long phải không?
Hai đứa đồng trả lời:
- Dạ
Nói trong nước mắt, mẹ Long tâm sự:
- Bác đâu biết nó dại dột như vậy. Bao nhiêu thuốc trong nhà
nó lấy uống hết cả, đến khi phát hiện ra thì nó đã chết rồi, không còn cứu được
nữa.
Lúc này Hạ mới bạo gan hỏi:
-Bác có biết vì sao Long tự tử không?
Dùng vạt áo trắng lau nước mắt, bà nức nở:
- Vì thất chí đó. Nó nghĩ học hành dang dở, tương lai không
ra gì nên tuyệt vọng mà làm chuyện bậy bạ. Nó làm sao hiểu được bác đau khổ như
thế nào khi mất nó.
Về nhà, hình ảnh mẹ Long khóc vật vã vì thương tiếc con ám ảnh
mãi trong tâm trí Hạ. Hạ cảm thấy thương Long và mẹ của anh ta. Từ chuyện của
Long, Hạ tâm nguyện sẽ không bao giờ làm cho má Hạ đau khổ và chuẩn bị tinh thần
đương đầu với bất cứ tình huống nào xảy ra.
Chương Mười Bốn
Không như sự tuyệt vọng của Long, các trường trong thành phố
Nha Trang đã được mở lại và một số thầy cô làm việc trong các trường cũ vẫn giữ
tạm thời những công việc đang làm trong lúc “lâm thời” để chờ xét lý lịch. Hạ
trở lại trường để tiếp tục học tháng cuối cùng trước khi thi.
Tấm bảng tên Huyền Trân của ngôi trường bị lấy đi từ
lúc nào. Những người nữ sinh trung học ngày xưa xếp cất tất cả những chiếc áo
dài trắng cũ để rồi đến trường với những bộ áo quần đơn giản. Trường Nữ
Trung Học Huyền Trân xưa không còn là chỗ độc quyền của bọn con gái mà chen lẫn
sự hiện diện của học sinh nam của trường Võ Tánh với châm ngôn “Nam Nữ Bình Đẳng”.
Tất cả bất cứ là trai hay gái đều phải làm lao động. Công việc lao động cho những
đứa học sinh lúc này là sắp xếp bàn ghế và quét dọn các phòng, để chuẩn bị cho
những chương trình học của năm chưa được hoàn tất.
Vào một sáng thứ hai, tất cả học sinh nam nữ phải tập
trung tại trường Nữ Trung Học Huyền Trân xưa để dự lễ khai giảng cho những ngày
học dở dang của năm học 1974-1975. Toàn bộ thầy cô giáo và học sinh có mặt
trong trường phải làm lễ chào cờ và nghe những lời huấn thị. Trùng hợp thay, vị
trí xếp hàng của Hạ đúng ngay vào vị trí nơi mà Hạ đứng chào cờ trong những
ngày trước biến cố chiến tranh. Tuy nhiên, trước tầm nhìn của Hạ bây giờ là bao
nhiêu thay đổi: Những hàng áo trắng ngoan hiền ngày xưa thay thế bằng các học
nam nữ với đủ loại áo quần khác nhau. Lá cờ vàng ba sọc đỏ ngày xưa đã thay bằng
lá cờ đỏ chói với ngôi sao vàng.
Khi lá cờ đỏ lên tận đỉnh, tiếng hát khá cao của một số người
nào đó lanh lảnh vang lên “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến
bước. Diệt đế quốc Mỹ phá tan bè lũ bán nước...” Giọng ca quyết liệt, mạnh
mẽ của bài hát khiến Hạ cảm thấy gai ốc nổi đầy người. Sau khi bài hát này chấm
dứt, tiếng thét to của một người nào đó vang lên “Quốc ca”. Hai từ này làm Hạ
suýt thốt lên những lời hát quen thuộc “Này công dân ơi quốc gia..” như phản xạ
từng có trước đây, nhưng rồi giọng ca của ai đó lại cất cao vi vút làm Hạ giật
mình khựng lại, cố gắng giữ cho đôi chân đứng thật ngay trong cái im lặng ngột
ngạt. “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc...” Âm điệu của bản
nhạc này không mạnh mẽ quyết liệt như bài hát trước nhưng hùng khí dồn dập của
bài đã làm cho Hạ thấy sợ không kém.
Sau giờ chào cờ, học sinh của lớp 12C phải vào hội trường để
học. Lớp C là lớp học văn chương và sinh ngữ. Trước đây lớp 12C của Hạ có hai
nhóm học hai sinh ngữ chính khác nhau: Pháp văn và Anh văn. Nhóm Pháp văn của Hạ
chỉ có bảy đứa con gái và ba đứa con trai Võ Tánh, còn lại nhóm Anh Văn khoảng
hơn ba mươi đứa con gái. Mặc dù học chung các môn học khác và có cùng cô giáo
chủ nhiệm, hai nhóm Pháp văn và Anh văn rất ít thân nhau. Sau biến cố tháng tư
1975, số lượng học sinh trong các trường trung học Huyền Trân và Võ Tánh giảm
hơn xưa rất nhiều nên các lớp bị dồn lại để học chung trong hội trường. Lớp 12C
Võ Tánh và Huyền Trân đều dồn vào học chung tại “trường Nữ Trung Học Huyền Trân
cũ.” Sở dĩ phải gọi như vậy vì trường mất tên và phải chờ tên mới. Thời gian ấy,
không hiểu vì con gái không còn áo trắng như xưa hay vì cái nghĩa “ Nam Nữ Bình
Đẳng” mà con trai quên mất cái e dè của ngày cũ. Chỉ biết là từ lúc nam, nữ,
Pháp văn, lẫn Anh Văn học chung, bọn con trai và con gái lớp 12C trở nên
dạn dĩ hơn, gần gũi hơn và thân nhau hơn.
Mặc dù các trường ở Nha Trang đều được mở cửa nhưng do
hoàn cảnh mà nhiều học sinh phải bỏ học. Thay vì đi học, Ái xin được việc thư
ký tại trường để tìm phương kế sinh nhai. Con nhỏ may mắn được cấp chỗ ở ngay
trong trường nên có điều kiện cưu mang những người bà con bị mất nhà tại
Pleiku. Còn nhóm năm đứa con gái, chỉ còn Hạ và Đoan Hạnh đến lớp. Trang và
Hương quyết định lập gia đình chứ không muốn tiếp tục học. Anh nghỉ học không
hiểu lý do gì. Hạ chờ Anh từng ngày để mong tin về những người bạn cũ nhưng thời
gian họp tổ, khóm, phường ở mỗi địa phương khác nhau như là sự ngăn cách lớn giữa
hai đứa.
Sự thay đổi lớn nhất và thú vị nhất mà Hạ có được là sự trở về
của Thảo Vy. Trước khi Việt Cộng tấn công vào Sài Gòn, chị họ của Hạ đã bảo
lãnh gia đình bác Tư sang Mỹ. Vy ở lại cùng gia đình cô bảy Mỹ chăm sóc cho bà
nội rồi đưa bà nội về Nha Trang.
Từ ngày có Thảo Vy về, nhà Hạ vui hẳn lên. Chị em Hạ
nói chuyện tíu tít suốt ngày suốt đêm. Ngoài Thảo Vy ra, khuôn viên nhà nội còn
có nhiều người bà con cùng lứa tuổi của Hạ. Mặc cho những người lớn trong gia
đình lo lắng và buồn phiền vì cảnh mất nhà, mất việc, và tương lai mù mịt, tụi
nhỏ như bọn Hạ vô tư quây quần bên nhau.
Khác hẳn với Anh, mặc dù Đoan Hạnh phải dời chỗ ở xa hơn
nhưng Đoan Hạnh đến nhà Hạ thường xuyên. Ngay sau khi Nha Trang bị chiếm, những
khu gia binh và khu thương phế binh đều bị giải tán, như khu thương phế binh ở
trước ga xe lửa, khu gia binh Nguyễn Thiện Thuật và khu gia binh của không quân
gần phi trường Nha Trang. Từ lúc khu nhà Đoan Hạnh bị giải tán, gia đình Đoan Hạnh
phải tìm đến vùng đất trống vắng sau đường Nguyễn Thiện Thuật để dựng những tấm
tôn tạm trú. Hạnh thường đến nhà Hạ để kể tình trạng kém may mắn của mình
rồi lân la trò chuyện với Vy. Ngày ngày hai đứa Đoan Hạnh, Thảo Vy bàn bạc đủ
thứ về chuyện kiếm tiền để sinh sống và giúp đỡ gia đình. Thời gian này khoai
mì và bột mì gần như là thức ăn chính trong những bữa ăn. Hạ không dám hỏi má
vì sao không nấu cơm như những ngày cũ mà phải độn các loại khoai. Những khi thấy
má ngâm những miếng khoai khô là Hạ hiểu mình sẽ nhịn ăn hay chỉ ăn qua loa, lấy
lệ. Bị ăn khoai mỗi ngày và đi đâu cũng gặp mọi người ăn khoai độn với cơm hoặc
thế cơm, vậy mà, hai đứa Đoan Hạnh và Thảo Vy cứ lục đục tối ngày làm những món
bánh khoai mì để bán.
Cứ mỗi trưa sau khi đi học về, Đoan Hạnh đến nhà Hạ để
tìm Thảo Vy. Hai đứa lục lọi, lăng xăng trong bếp một lúc lại ngồi dạng chân mỗi
người một góc trên sân trước nhà để bóc vỏ và mài những củ khoai mì. Hạ không
thích nhìn cảnh Đoan Hạnh và Vy vất vả nhưng lại thích có Đoan Hạnh ở trong nhà
để nghe những bản nhạc của con nhỏ hát khi làm việc.
- “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? Tìm đâu những ngày xanh như
mộng? Tìm đâu những ngày thơ? Tìm đâu những chiều mơ? Tìm đâu biết tìm
đâu bây giờ...”
Tiếng hát đột nhiên ngưng bặt. Hạ thò đầu ra sân:
-Hát nữa đi Hạnh!
Đoan Hạnh đứng dậy, mang vỏ khoai đi ra giếng, hát tiếp:
“...Còn đâu những ngày chưa biết yêu. Chỉ thấy thấy lòng nhớ
nhung nhiều rồi đêm ta nằm mơ, Hồn say ta...”
Nhớ đến đóa hoa “pensée” của Đoan Hạnh ngày xưa, trái
tim Hạ như bị ai bóp nát. Hạ cắt ngang:
- Thôi, mi đừng hát bài này nữa.
Đoan Hạnh nói to vọng vào phòng:
- Hạ!
- Gì?
-Tau đập một cái là mi bẹp dí nghe chưa!
-Sao?
-Lúc thích, mi yêu cầu tau hát, lúc khùng khùng bắt tau
ngưng. Mi nỡ lòng nào đối xử với ca sĩ “nổi danh” như rứa?
Hạ bước ra sân. Đoan Hạnh chú tâm đập cái rổ tre xuống
sân giếng cho những mảnh vỏ khoai rớt ra. Thấy con nhỏ không chút mảy may nhớ
chuyện cũ, Hạ tiếp tục tranh cãi:
-Tụi bây khùng thì có. Thời buổi này thiên hạ ăn khoai mì đến
mòn răng vậy mà còn làm bánh khoai mì đem bán. Ai mà thèm mua!
-Vy ơi! Có lửa cho tau hui miệng con ni. Nó ăn mắm, ăn
muối, nói bậy bạ tụi mình bán ế mần răng?
Nhìn thấy đồ đạc nấu nướng ngổn ngang ngoài sân, Hạ chán nản
trở vào nhà.
Chiều chiều, sau khi chuẩn bị xong mọi thứ, Đoan Hạnh và Thảo
Vy thường đem các thứ đến góc đường Yersin để bán. Đến tối mịt, hai đứa kéo
nhau về, lục đục dọn dẹp, chia tiền lời và chia những chiếc bánh còn sót lại. Mặc
dù không thích Đoan Hạnh và Vy đi bán bánh khoai mì, không thích đến chỗ hai đứa
bán nhưng Hạ thích chờ xem kết quả lời lỗ của hai đứa. Hôm nào Hạ cũng được ăn
bánh dư và chờ Đoan Hạnh ra về mới đi ngủ. Càng buôn bán, hai đứa càng tròn trịa
như hột mít vì càng ngày bánh ế nhiều hơn tiền lời. Vì uổng công sức bỏ ra, hai
đứa cố ăn cho bằng hết bánh ế để “trả thù”. Hình ảnh “tuổi hoa, tuổi ngọc” của
Vy từ từ biến mất sau những lần ăn bánh ế. Hình ảnh nữ sinh trung học trong tà
áo dài trắng ngày xưa của Đoan Hạnh cũng tan biến như hình ảnh của Vy. Hai đứa
bây giờ thực sự trở thành hai em “bé bự”, nếu không nói là bự quá xá! Có hôm vì
bán quá khuya, Đoan Hạnh phải ở lại ngủ với chị em Hạ. Vậy là ba đứa có dịp đấu
láo với nhau suốt cả đêm.
Nằm trong bóng tối Hạ lên tiếng:
-Sáng mai hai đứa muốn ăn sáng thì dậy chiên cơm ăn mà đi học.
Hôm nay còn ít cơm dư. Ta không ăn sáng đâu, nhường cho hai đứa mi đó!
Thấy cả hai im lặng nên Hạ hỏi tiếp:
- Mi có thường ăn sáng không Hạnh?
Đoan Hạnh bốc khoác:
-Tau có ăn sáng chứ! Một là tau ăn sáng như phở, hủ tiếu hay
bún bò, hai là nhịn đói chứ không thèm ăn cơm chiên đâu. Mà tau thường nhịn đói
hơn là ăn sáng!
Hạ và Thảo Vy cười rũ rượi:
- Đúng mà! Mi là người “khoái ăn sang” nên sáng nào cũng ăn
khoai.
Những buổi tối như thế, ba đứa không hề hỏi hay nhắc gì
đến chuyện ngày xưa, chuyện trước ngày ba mươi tháng tư năm 1975. Hình như mỗi
đứa đều sợ khơi lại niềm đau buồn của sự mất mát.
Hạ nhớ những buổi đưa đón của Vân và Hạnh trước cổng trường
và tình yêu ngọt ngào của hai người mà cảm thấy xót xa. Sau di tản, Vân biệt
tin đã khiến cánh hoa “pensée” ngày nào trở thành cái gai “chia cách”. Còn Đoan
Hạnh dần dà quen với hoàn cảnh cực khổ và tìm vui với những chuyện tếu lâm tự đặt
ra.
Bởi vì không còn được đi học thêm và chương trình học thay đổi
hoàn toàn nên Hạ dành hết thời giờ cho việc học để chuẩn bị ôn thi. Song song với
việc bận học, Hạ dành thời gian cho quyển lưu bút. Mỗi ngày đến trường, Hạ thường
mang nó theo để đưa cho bạn bè ghi những giòng chữ kỷ niệm.
Một bàn tay tuyệt đẹp với những ngón ngòi viết thon mền đưa tập
vở trước mặt Hạ:
- Có phải Đan Hạ đang tìm cái này không?
Hạ ngước lên và hồi hộp. Ngọc Bích, người bạn lớp trưởng xinh
đẹp và duyên dáng nhất của trường đang đứng trước mặt Hạ. Hạ cảm thấy bối rối
khi gần người bạn gái có vẻ đẹp thanh tú như tây phương này. Cầm tập vở, lật vội
những trang giấy bên trong, Hạ gật đầu với ánh mắt biết ơn:
- Ngọc Bích thấy nó ở đâu vậy?
- Trên bàn của giáo sư đó! Đan Hạ để quên ở đó hả?
- Không phải! Hạ đưa cho Đoan Hạnh để Đoan Hạnh viết cho Hạ.
Chắc Hạnh để quên.
-Vậy Đan Hạ đưa lại cho Đoan Hạnh đi, nếu không Đoan Hạnh sẽ
đi tìm đó. Ngọc Bích không biết tưởng Đan Hạ bỏ quên nên đưa lại.
- Sắp đến tiết học rồi. Sau giờ học Hạ sẽ đưa lại cho Đoan Hạnh.
Hạ cảm ơn Ngọc Bích.
Nói xong, Hạ hy vọng Ngọc Bích sẽ đi ngay để khỏi phải ngượng
nghịu khi tiếp xúc gần gũi với con nhỏ. Sắc đẹp và sự học giỏi cực kỳ của Ngọc
Bích làm Hạ cảm thấy thua sút và mặc cảm khi phải tiếp xúc cận kề. Thế nhưng,
Ngọc Bích dịu dàng hỏi:
- Ngọc Bích có thể ngồi ở đây không?
Hạ nhíu mày nhìn chiếc ghế dài mà mình đang ngồi rồi nhìn những
dãy ghế trống khác trước mặt.
Trong lớp học cũ, Ngọc Bích thường ngồi ngoài dãy bàn cuối lớp.
Cô nhỏ này thường ghi điểm danh rồi đến văn phòng cô Tổng giám thị báo cáo. Mặc
dù ăn mặc đơn giản trong chiếc áo dài tơ trắng và đôi guốc gỗ vông với đôi quai
nhựa trong giản dị, nhưng cái mũi cao thanh tú cộng thêm mái tóc dài thẳng mượt
đã làm tăng thêm cho cô nhỏ hình ảnh cao sang và kiêu kỳ một cách đặc biệt. Hôm
nay Ngọc Bích không còn mặc áo dài tơ nữa nhưng cái áo ngắn trắng cổ thuyền và
chiếc quần tây đen đơn giản không làm giảm bớt cái vẻ đẹp cao sang ngày nào.
- Được chứ! Hạ miễn cưỡng.
-Vậy thì nhích vào cho Ngọc Bích ngồi đi.
Hạ nhường chỗ mình rồi ngồi cạnh nhỏ bạn xinh đẹp mà trong
lòng không hết ngượng. Ngọc Bích phá tan yên lặng:
- Đan Hạ có muốn Ngọc Bích ghi lưu bút cho Đan Hạ
không?
Hạ thật lòng:
Ngọc Bích cười:
- Sao lại không? Khi nào các bạn viết xong, Đan Hạ đưa
cho Ngọc Bích viết nghe.
Hôm đó, khi đi học về, Hạ cảm thấy vui vì được đối thoại
với cô bạn gái thần tượng của mình nhưng lo lắng vì khá lâu không gặp Anh đến lớp.
Hạ nhớ Anh, và muốn thăm Anh. Câu nói đầy cảm động của Anh khi hai đứa đi trên
đường Bá Đa Lộc, trước khi Việt cộng tấn công vào thành phố, ám ảnh mãi mãi
trong ký ức của Hạ. Hạ bị dằn vặt nhiều lần khi phủ nhận ý nghĩ tìm thăm con nhỏ.
Nhớ đến căn nhà Anh với sự lui tới của những người bạn trai cũ và sự lạnh lùng
của họ, Hạ bằng lòng cam chịu là người có tội hờ hững với bạn bè hơn là đau
lòng nhìn thấy sự thay đổi của những người xưa. Tin loáng thoáng, từ một số bạn
ở Nguyễn Hoàng và Phước Hải, là Triệu sắp lập gia đình càng làm cho Hạ nhất quyết
ẩn trốn những gì thuộc về quá khứ..
Sau buổi nói chuyện trong trường, Ngọc Bích thường đến
nhà chơi với Hạ. Cô bạn lớp trưởng kiêu kỳ ngày xưa như là thần tượng xa vời
nay lại là bạn thân của Hạ. Mỗi buổi trưa, sau khi đi học về, Ngọc Bích thường
theo Hạ ra chợ để đem cơm cho má và phụ má bán hàng. Hai đứa len lỏi qua các
dãy hàng “chợ trời” với hàng triệu vật dụng bày dưới đất. Những vật dụng mà người
ta thu nhặt trong thời gian loạn lạc khi chiến tranh. Những người buôn bán với
của không vốn thì không hồi hộp như má của Hạ. Người Nha Trang không còn muốn
mua hoa, quả. Cho nên, càng buôn bán thì má Hạ càng thua lỗ và có nhiều trái
cây cúng Phật hơn.
Thời gian này, nhiều sinh viên Nha Trang học ở các trường đại
học Sài Gòn và Đà Lạt kéo về rất đông. Họ thường mời Ngọc Bích đi chơi suối,
thăm vườn và tham quan nhà Thủy Tạ ở Suối Dầu. Mỗi lần được mời đi chơi,
Ngọc Bích thường kéo Hạ đi cùng. Và mỗi lần đi chơi như thế, len lỏi giữa những
vườn cây, Hạ cảm thấy nhớ nhóm bạn cũ, nhớ tiếng cười nói rộn ràng, tự nhiên
ngày nào. Nhóm bạn Ngũ cô nương “xóm nhà lá” của bọn Hạ thì hồn nhiên giành giựt,
nói cười ồn ào, trái lại, Ngọc Bích thì chừng mực, phớt lờ và bất cần. Mặc cho
vườn có nhiều ăn trái bao nhiêu, Ngọc Bích không thèm hái trái nào. Thỉnh thoảng
con nhỏ níu nhẹ các cành có trái để ngắm chúng rồi thả ra cho chúng trở về vị
trí cũ. Các anh chàng cựu sinh viên Sài Gòn và Đà Lạt dùng những bản nhạc tình
yêu ngoại quốc huýt gió liên hồi “ Tất cả tình yêu anh chỉ dành cho em...”,
“...yêu anh, yêu anh nghe em bằng muôn trái tim...” để mong thố lộ tình cảm
của mình. Họ thi nhau chăm sóc tận tình từ thức ăn đến nước uống, và tìm hái những
trái cây đặc biệt nhất để dành cho người đẹp.
Trên đường về, Ngọc Bích hành tội các chàng cùng đưa Hạ về đến
tận nhà. Tới cổng nhà Hạ, Bích đưa cho Hạ tất cả trái cây mà công trình các
chàng chọn lựa suốt cả ngày. Hạ vừa ái ngại khi phải nhận những cái mà không phải
dành cho mình, vừa thấy tội cho mấy anh chàng bị “hành hạ tàn nhẫn”. Vậy mà lời
nói của Ngọc Bích như là sự bắt buộc:
- Đan Hạ đem hết tất cả những trái cây này vào nhà đi.
Cho Thảo Vy nữa!
-Nhưng...
- Không nhưng gì hết! Ngọc Bích không thích lấy cái gì
cả. Ngày mai đi học, mình gặp lại.
Hạ như đối diện một đóa hoa lạ. Ngọc Bích không những
đẹp ngoài dung mạo mà sự cao ngạo của con nhỏ như là một đóa hoa với hương sắc
khó tìm. Những người đẹp trong trường Hạ thường bị theo dõi kỹ không kém gì những
ca sĩ hay diễn viên nổi tiếng. Mấy đứa trong trường đồn Ngọc Bích yêu anh chàng
nào đó rất “đẹp trai, con nhà giàu và học giỏi”. Anh chàng này được du học tại
Mỹ vì đậu ưu trong kỳ thi Tú Tài toàn tại Nha Trang năm 1973-1974. Với những lời
đồn đãi mà Hạ nghe trước đây, Hạ hiểu Ngọc Bích đang tự tạo một vòng vây đối với
những người có tình ý. Hạ chợt nhớ đến câu “Theo tình tình đuổi, đuổi tình tình
theo” và thầm buồn cho bạn. Biết đến bao giờ nhỏ bạn này của Hạ mới tìm được
người cũ? Ở Mỹ ư? Trái đất hình như không nhỏ như người ta nói. Hạ nhủ thầm:
“Hãy quên đi những mối tình của tuổi học trò, những mối tình đơn phương. Ta phải
nhất quyết đậu tú tài hay 'phổ thông cấp ba' gì đó để được vào Đại Học.”
Rốt cuộc, Hạ được đền đáp xứng đáng cho công sức mình.
Hạ được giấy báo đậu tốt nghiệp phổ thông. Đoan Hạnh và Ngọc Bích đều được thi
đậu như Hạ. Hạ cảm thấy mừng cho hai người bạn này vì họ được qua cái ải “lý lịch
không tốt.”
Trước chiến tranh, trường Đại Học Duyên Hải Nha Trang
rất nổi tiếng nhưng thời gian này trường không hoạt động nên những người
thi đậu như bọn Hạ tíu tít ghi danh thi vào trường Cao Đẳng Sư phạm Nha Trang
và các trường Đại Học Sài Gòn. Tình trạng thiếu giáo sư ở các trường và lối học
nam nữ bình đẳng lẫn lộn đã khiến cho nhiều trường trong thành phố phải dồn lại.
Trường Võ Tánh trở thành trường trung học cấp ba với tên mới là Lý Tự Trọng. Trường
Huyền Trân trở thành trường cấp hai Thái Nguyên. Trường Pháp Hàn Thuyên trở
thành Sở Giáo dục của tỉnh. Trường Đăng Khoa trên đường Lê thánh Tôn trở thành
Phòng Giáo dục của thành phố. Còn trường dòng Bá Ninh thì trở thành trường Cao
Đẳng Sư Phạm Nha Trang.
Cao đẳng Sư phạm Nha Trang là trường sư phạm đầu tiên
của chính quyền mới tổ chức. Hạ thích đậu vào trường này để được học gần nhà và
khỏi phải gây khó khăn tài chính cho má. Sau khi thi đậu Tốt nghiệp Phổ Thông
trung học, Hạ, Ngọc Bích và Đoan Hạnh rủ nhau cùng làm đơn thi vào trường Cao Đẳng
Sư Phạm Nha Trang. Như mơ ước, Hạ toại nguyện cầm giấy báo đậu trong tay. Đoan
Hạnh cũng được may mắn như Hạ. Chỉ có cô bạn thông minh nhất của lớp Hạ không
những bị rớt Cao Đẳng mà liên tiếp nhận những điều không may dồn dập xảy đến.
Ngày Ngọc Bích tuyệt vọng không thấy tên mình trên bảng điểm là ngày con nhỏ
cùng gia đình tìm cách chạy trốn ra khỏi nhà. Đến thăm Hạ, Bích nói vội vàng:
- Ngọc Bích tặng Đan Hạ cái này.
Hạ mở cái gói giấy nhỏ ra và kinh ngạc:
- Chiếc nhẫn cẩm thạch?
- Đây là chiếc nhẫn me Ngọc Bích cho. Ngọc Bích tặng Đan Hạ để
kỷ niệm.
Hạ cười:
- Hạ không lấy đâu. Hạ không thích đeo trang sức đắt tiền.
- Không lấy thì Ngọc Bích giận đó vì mai Ngọc Bích đi rồi.
- Ngọc Bích đi đâu?
Hạ không hỏi thêm vì không muốn khơi dậy nỗi buồn của bạn. Học
giỏi thông minh như Ngọc Bích mà thi rớt quả là chuyện khó tin. Hạ biết và tin
là những người chấm thi chấm cả lý lịch học sinh. Ba Ngọc Bích bị gán chức là “
Ngụy Quyền” nên phải lao đao với những xét duyệt gắt gao của chính quyền mới.
Ngọc Bích cũng là nạn nhân như ba mình.
- Gia đình Ngọc Bích phải vào Sài Gòn vì họ sắp lấy nhà.
- Lấy nhà? Vì sao vậy? Nhà của ba mẹ Ngọc Bích mà?
- Đúng vậy. Nhưng họ nói là họ sẽ tịch thu tất cả những nhà của
những người có chức vị lớn ngày xưa vì những người này có tội với nhân dân.
- Có tội? Tội gì?
Ngọc Bích mỉa mai:
-Tội là làm lớn, nhiều tiền, và “bóc lột nhân dân”. Vì chỉ có
những tội này nên gia đình Bích mới có nhà lớn để ở.
Hạ ái ngại:
- Làm lớn mà có tội sao? Hiền lành như ba Ngọc Bích mà hại
người nào?
Ngọc Bích thở dài:
-Người ta nói vậy, mình phải chịu vậy.
- Gia đình Ngọc Bích phải đi cả sao? Làm sao chuyển đồ đạc?
- Phải bỏ lại tất cả thôi Đan Hạ à! Gia đình Ngọc Bích trốn
đi để khỏi bị bắt, chứ đâu phải dọn đi đâu mà chuyển đồ.
Hạ lặng người không hiểu an ủi Ngọc Bích như thế nào. Vài
ngày trước đây, con nhỏ buồn tênh vì tin thi rớt, nay lại bị mất nhà. Hạ lo lắng:
- Rồi gia đình Ngọc Bích sẽ ở đâu trong Sài Gòn?
- Ngọc Bích chưa biết nữa. Có lẽ thuê nhà.
24 tháng 06 năm 2004 Cung Thị Lan
24 tháng 06 năm 2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét