Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Nhà văn của những mảnh đời bất hạnh

Nhà văn của những mảnh đời bất hạnh!

Đọc “Gió lẻ và 9 câu chuyện khác...”  * của Nguyễn Ngọc  

Trong số các nhà văn Việt Nam từng nhận giải thưởng văn học Asean Nguyễn Ngọc Tư có một vẻ riêng, không phải chị là nhà văn nữ trẻ nhất, mà chính vì cái tâm niệm  được thể hiện trong bài viết kỷ niệm về sự kiện này – giải thưởng năm 2008, chị nói “... nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đeo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt” [...] “những tác phẩm của tôi chưa có được sức mạnh của nước mắt nhưng tôi vẫn đang cố gắng hết mình”**.Chính bởi cái tín niệm nghệ thuật đó chi phối nên các tác phẩm của chị đều nghiêng đến những số phận, những mảnh đời bất hạnh“. GIÓ LẺ và 9 câu chuyện khác”, tập truyện mới phát hành của Nguyễn Ngọc Tư là một minh chứng. 
Tác phẩm không xuất hiện một nhân vật “số đỏ”, hay một con người hãnh tiến nào hết và hoàn cảnh sống trong tác phẩm cũng tầm thường, nhàn nhạt nếu không nói là vô vị. Tuy nhiên với cái nhìn nghệ thuật trên phương diện thẩm mỹ thì cuộc sống hiu hắt ở cái Xứ Sầu lại đem đến cho tác giả nhiều ấn tượng để viết thành văn. Nhờ cái “tài Văn” của tác giả mà những câu chuyện đơn giản bổng trở nên lấp lánh, xoáy sâu vào tấm lòng người đọc, làm vương vấn mãi dẫu khi trang sách đã gấp.             
Đây là câu chuyện về xóm nghèo Thổ Sầu hàng ngày đón khách du lịch tham quan. Niềm vui vì thu hoạch kinh tế du lịch cho lớp người này nhưng u buồn và chua xót cho lớp người kia, vì cứ phô bày mãi cái nghèo đói, cái hoang dã ra cho người ta tìm hiểu, xoi mói, người ta ngạc nhiên, thương xót thì quả thật cũng vạn bất đắc dĩ! (Thổ Sầu). Một cảnh núi lở làm tan hoang một vùng dân cư và bao nhiêu ngang trái, thô kệch ngẫu nhiên phơi ra. Cuộc sống lang chạ ê chề một cách tự nhiên hiện lên bất khả kháng trong đổ nát, hổn độn làm ngơ ngác cả những tâm  hồn bé dại (Núi lở). 
Tập truyện gợi buồn vì chúng ta gặp nhiều thân phận không may mắn. Một nỗi buồn khôn khuây trùm lên gia đình nọ khi trong cơn mê bà nội nhắc lại cái chết của thằng hai Út Hơn phía bên kia chiến tuyến bị người anh bắn chết. Nỗi đau lớn qua đi,đứa con nhỏ sót lại của Út Hơn dẫu được cả gia đình yêu thương đùm bọc, cuộc sống thơ ngây của nó vẫn có nhiều vết gợn (Vết chim trời). Một nỗi buồn khác vây lấy đoàn tàu chở hai cha con về quê xa, nơi có người đàn bà đang chờ cha thằng bé về làm đám cưới. Thằng nhỏ Sói đã xuống một ga lẻ bỏ đi, mặc người cha khốn khổ tìm kiếm trong hoảng loạn đau đớn.Nó thương cha lắm nhưng mà việc làm của cha nó, nó không san sẻ được (Ấu thơ tươi đẹp). Rồi cái chết của Vĩnh một thanh niên ưa phiêu lãng sau những tháng ngày lang bạt hoan lạc tiêu phí cả thời trai, muốn đi tìm cảm giác lạ trên núi Puvan, chờ xem “hoa sầu” nở để rồi nhận  một cái chết vô nghĩa, trốn chạy những tháng ngày trống rỗng đang đợi chờ trước mặt (Sầu trên đỉnh Puvan).           
Nhiều số phận không may mắn như mặt nước đầm hắt hiu buồn nhưng lại nổi lên những đóa hoa súng sáng trong, tươi tắn - những tâm hồn binh dị, tinh tế, phong phú.
Như chính Ngọc Tư thổ lộ, chị hướng ngòi bút đến những thân phận nhỏ bé, những mảnh đời bất hạnh nhưng ẩn sâu bên dưới là một nguồn năng lượng trầm tích khiến cuộc đời không mất đi hy vọng. Người đọc thông cảm với nỗi day dứt theo tháng ngày của người anh trước cái chết không may của người em, cho dù đứng bên kia chiến tuyến, hay tâm trạng băn khoăn của người cha trước ý nghĩa mập mờ của một câu thành ngữ khơi dậy trong ông một mặc cảm về sự kém hiểu biết, ít vốn sống của mình. Tấm lòng trắc ẩn của người ông trước đồng tiền kiếm được trên sự nhọc nhằn tủi hổ của dân làng... Những trang miêu tả tâm lý của tác giả đằm sâu và tinh tế: cô gái lái xe đã khước từ công việc quen thuộc êm, nhàn vì phải tiếp xúc hàng ngày với ông chủ hào hoa nhưng nhạt nhẽo và giả tạo. Một nhà nghiên cứu VHDZ cao tuổi sau những tháng ngày bươn trãi sưu tầm khi chia tay với một nữ cộng tác viên trẻ trung,phóng khoáng bỗng dâng trào nỗi nhớ nhung thuần khiết và một xúc cảm đằm thắm. Tất cả đều đứng ở bờ ranh của sự trong sáng và u tối, của cái thiện và cái ác, “cái tài” của Nguyễn Ngọc Tư là nơi mấp mé bờ vực đó vẫn giữ cho nhân vật một nét của thiên lương, để rồi chỉ chờ chút gió lành của cuộc sống thoáng qua là bùng lên ánh sáng của nhân phẩm.           
Ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư  trong tập truyện hướng nhiều đến trẻ em và phụ nữ. Những cậu bé như Vĩnh, Sói, và các em bé không tên khác hiện lên trong các truyện là những em bé nhạy cảm với nỗi u buồn về sự mất mát của bạn bè, người thân nhưng luôn tự chủ trong hành động. Hơn một lần chúng ta đã gặp và cảm động với những người phụ nữ đau thương mà nhân hậu ở vùng đất Cực Nam qua tác phẩm khá nổi tiếng “Cánh đồng bất tận” của chị. Trong tập truyện này vẫn hiện hữu những con người đáng mến đó nhưng ở nhiều lối rẽ khác của cuộc đời. Thật khó nguôi quên hình ảnh người đàn bà bất hạnh trong cuộc sống gia đình đến với người đàn ông yêu thương giữa mùa mưa bão (Một chuyện hẹn hò). Tình cảm chân thật mãnh liệt đã vượt khỏi những khắc nghiệt của lề thói cũng như sự hung bạo của thiên nhiên. Họ đến với nhau trong lo âu nhưng dịu ngọt, hiến dâng cho nhau một tình yêu đầy thảng thốt. Cái hình ảnh người đàn ông lao theo thất vọng trong mưa lũ và cái cảnh người đàn bà chới với cô độc, giữa đầm nước mênh mông, sóng cồn lên giận dữ đã gợi lên trong tâm thức người đọc một đau xót khôn nguôi về thân phận người phụ nữ nơi miền đất hẻo lánh, dẫu bao năm tháng đã đi qua với sóng gió bao cuộc chiến chinh nhỏ to chìm nổi!              
Đặc biệt hình tượng cô gái câm trong truyện “Gió lẻ”.Cảm nhận về thiên truyện này cũng như với “Cánh đồng bất tận” trước đây của người đọc không hoàn toàn giống nhau. Nếu người đàn ông từng trải trong “Cánh đồng bất tận” đã tìm cách trả thù đời một cách tàn nhẫn qua mối quan hệ với phụ nữ, cho đến khi đứa con gái yêu thương bị nạn ông mới thức tỉnh, thì trong “Gió lẻ” cô gái câm chỉ là một con chim sẻ nhỏ ngờ nghệch ngây thơ cho đến cuối chặng đường, mới tự phát  làm được một việc có ích là kéo tay lái của Dự cứu “đại ca Buồn” khỏi bị tông xuống vực. Trong cả hai thiên truyện đều không có người tốt một cách đích thực và hoàn cảnh sống đầy đủ “tính Người” dù chỉ thoáng qua, chỉ có mầm mống của cái thiện ẩn chứa trong bao số phận, có dịp mới bùng lên. Từ một cô bé ngây thơ trong sáng bị đẩy vào đời bởi ông Tám Nhân Đạo, rời khỏi miệt rừng hoang vu cô trôi nổi nhếch nhác trong các bến bãi cuộc đời, có lúc tưởng đã mất tăm, có lúc như được gặp một hạnh phúc may mắn nơi Dự - người “lơ” xe vô gia đình, nhưng lại sa vào bàn tay đại ca Buồn lái xe một cách vô cảm nhưng hữu lý trong cuộc đời bơ vơ bất lực trước mọi mưa gió của cô. Một cơn ghen trần thế mơ hồ xuýt gây thành án mạng. Nhưng trong giây phút hiểm nghèo cái “tính thiện” của cô gái bừng tỉnh, cô đã gan dạ mạnh mẽ “giằng tay lái của Dự và kiệt sức níu chiếc xe trôi nghiêng về phía mình, phía không ông”. Cái phút xuất thần mạnh mẽ, thiên lương nơi em bừng trổi dậy để rồi tắt đi vĩnh viễn theo số phận!. Cái phút giây đó làm cho em thành Người đúng bản chất, làm cho cuộc đời không mất hy vọng.Hai kẻ đi vào “bóng tối vô tận”, kẻ thứ ba “chơi vơi bên mép vực rã rời trong gió lẻ, sương mù, đá và cây”. Còn lại trong lòng người đọc không chỉ một nỗi xót thương dằng dặc mà còn một “đốn ngộ” về thiên lương về nhân phẩm trong những mảnh đời tưởng như đã bị bao bất hạnh làm thui chột nhân tính. 
Thông điệp mà thiên truyện gửi đi: Xin đừng đẩy những con người bé nhỏ vào nơi vô định. Hãy xót thương và tin tưởng cái tốt có ở khắp mọi nơi dù le lói hay bừng sáng.
Người không may mắn trong cuộc đời tìm được nơi tập truyện bao bầu bạn cùng cảnh ngộ. Kẻ may mắn yêu hơn cuộc sống mình đang thụ hưởng, nhưng biết thông cảm hơn với bao đồng loại đang khốn khó.    
Tập truyện khẳng định thêm phong cách văn chương Nguyễn Ngọc Tư: bình dị, chân thật, trong sáng, đậm đà hương vị miền Cực Nam từ chi tiết, hình ảnh đến ngôn ngữ. Ta từng biết những nhân vật Nam bộ thẳng thắn, ngoan cường, yêu ghét đến tận cùng gan ruột ở các tác phẩm thế hệ trước như Anh Đức, Trần Hiếu Minh, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng... nay Nguyễn Ngọc Tư bổ sung vào đấy những thân phận bé nhỏ, mảnh mai mà giàu tình thương và hy vọng.           
Tập truyện cũng ghi nhận một tiếp cận của Nguyễn Ngọc Tư vào trào lưu mới ở lối kết cấu đồng hiện (Sầu trên đỉnh Puvan, Núi lở, Gió lẻ) và sự hóa thân vào các ngôi 1, ngôi 3, và loài vật để kể chuyện (Vết chim trời, Ấu thơ tươi đẹp, Một chuyện hẹn hò) làm thay đổi tiết tấu tự sự ở từng thiên truyện cho thêm phần dí dỏm, hứng thú. Nhưng dễ nhận dạng một phong cách viết truyện khá ổn định của Nguyễn Ngọc Tư, chị không ồn ào chạy theo các mẫu mã tân kỳ mà âm thầm nuôi dưỡng một cá tính sáng tạo lấy sự chân tình, sự xót thương làm căn bản, lấy hương vị nắng gió của một miệt đất quê Nam bộ đầy gian lao trắc trở nhưng cũng lắm sắc màu làm điểm trang, Nguyễn Ngọc Tư nối tiếp cái cách thể hiện quê kiểng chơn chất mà sâu lắng của các nhà văn Sơn Nam, Đoàn Giỏi..., nhưng nó là cái phía này ồn ào sóng nước bổ sung cho cái phía kia trầm mặc núi non của quê Việt.
Văn chương chân chính mang lại cho độc giả niềm hạnh phúc lớn lao là sau khi đọc xong tác phẩm đều muốn tự soi rọi bản thân để nâng mình lên, đó là hiệu ứng cao cả và thiêng liêng giúp nó luôn đứng vào thứ hạng bậc cao trong kho tàng đời sống tinh thần nhân loại. Chẳng thế mà khi gặp những trắc trở trong cuộc đời có tác giả đã thốt lên: Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy!. Văn chương nhiều lúc được xem như vị cứu tinh trong cuộc đời gian khó. Có được vị thế đó là nhờ trực tiếp hay gián tiếp nó luôn tìm cách khơi dậy những suy cảm của độc giả về cái thiện và cái ác, về nỗi đau và niềm vui trong cuộc sống. Nó vừa có sự thuyết phục tức thời vừa có sự ám ảnh lâu dài đến đời sống tinh thần con người. “Gió lẻ...” đã ít nhiều mang đến cho độc giả cảm nhận đó. 
Chú thích:
* Nhà xuất bản Trẻ 9-2008
** Bài phát biểu tại lễ nhận giải văn học ASEAN 2008. 
Tháng 12/2008
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...