Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Đi Tây

Đi Tây

TRƯỚC KHI ĐI
Tập tiểu thuyết phóng sự trào phúng này đã đăng ở báo Phong Hóa vào năm 1935. Vì tính cách thời sự của nó, nên tác giả để nguyên những tiếng dùng cũ, mong cố giữ dấu vết riêng của thời đại.
Lời nhà xuất bản 

Đi Tây tức là đi tây!
Tư tưởng rất thâm thúy của Lãng Du, nhân vật chính trong truyện này.
TRONG LÚC ĐỢI
Tôi xin phép và dự định đi Tây ngoài ba tháng nhưng chưa đi được. Cả ngày hết ra lại vào, buồn chán lạ. Cứ năm phút, lại nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm những hàng quà bánh đi qua và ngâm:
... Non nước đang chờ gót lãng du.
Phải đến lúc có người bạn bảo tôi rằng độ ấy ông Thế Lữ chưa làm câu thơ đó, nên tôi mới chịu thôi không ngâm nữa. Nhưng bỗng tôi kinh ngạc mà nhìn ông bạn: nếu Thế Lữ chưa viết câu thơ đó ra thì sao ông bạn tôi lại biết là của Thế Lữ!. 
TẬP LÀM BỒI
Sau tôi nghĩ ra được một kế rất diệu: là xin làm bồi tầu. Làm bồi thì chắc không khó, vừa kiếm được tiền, lại vừa không mất tiền tàu sang Pháp. Thế là tôi bảo tình nhân tôi cho mượn một cái mâm đồng và hai cái cốc để tập làm bồi.
Cả ngày tôi mang cái mâm trên có để hai cốc đầy nước lã rồi chạy quanh nhà, tưởng như mình đương hầu trên tầu thủy. Thỉnh thoảng tôi lại đảo cái mâm nghiên ngả, tưởng chừng như đứng ở tầu, song đánh chòng chành. Tập mấy ngày vẫn chưa được thạo, lại phải cái khát nước tệ. Sau tôi mới phát minh ra rằng bồi không bao giờ hầu khách bằng nước lã. Tôi liền bảo tình nhân pha hai cốc cà phê nước đá, cho giống sự thực.
Từ lúc để hai cốc cà phê, tôi đâm khát nước luôn; sau tôi phải đặt bốn cốc mới đủ.
Uống cà phê mãi cũng chán, tôi bèn lấy rượu thay vào cà phê. Dùng rượu được cái lợi là lắm lúc thấy mình đảo quay, nghiêng ngả y như lúc tầu gặp bão. Âu cũng là một cách tập cho quen khỏi say sóng về sau.
Trên kia, tôi có nói: làm bồi vừa kiếm được tiền, lại vừa không mất tiền tầu sang Pháp, song tôi nhận ra rằng làm bồi theo cách riêng của tôi đã tốn tiền, lại có ngày kia hết cả tiền sang Pháp. Thế là tôi hết cả hy vọng làm bồi: thôi cũng là tại số phận cả.
Nhưng từ đó tôi nghiện rượu.
MƯU GIA CÁT
Gửi đến mười lá đơn xin phép đi mà không có một bức thư trả lời nào. Tôi nghĩ có lẽ là tại trong đơn mình nói xin sang Pháp để thâu thập lấy cái văn hóa tây phương, học lấy cái khoa học tối mầu nhiệm của nước Pháp, khảo cứu về thiên văn, địa lý, triết học, v.v... nên họ cho mình là một thằng vừa nói khoác vừa dở người.
Một hôm vì tình nhân đến rủ tôi đi chụp ảnh làm kỷ niệm, nên tôi thấy nẩy ra trong óc một cái mưu thần tình.
Tôi viết đơn gửi cho công sứ tỉnh tôi chứ không gửi lên tòa thống sứ như trước nữa. Tôi mặc quần áo ta, đội cái mũ trắng, rồi cầm đơn về tỉnh nhà: tôi khúm núm vào buồng giấy nói là xin phép sang Pháp.
Tôi cố nói bằng thứ tiếng tây ‘‘giả cầy’’.
Ông Sứ nhìn tôi như có ý bảo:
- ‘‘Ngài’’ muốn sang Pháp học mà  ‘‘ngài’’ nói tiếng tây y như một con bò I Pha Nho (tục ngữ Pháp)
Tuy bị gọi ngay là con bò - mà lại là con bò I pha nho nữa - nhưng tôi không tức, và cũng không thấy mình ngu, vì định ý của tôi là muốn biến thành con bò ngu, bò ngu nước nào cũng được.
Tôi hỏi tiếp:
- Tôi muốn sang Pháp để học nghề ảnh.
 Ông Sứ thốt ra một tiếng:
- À!
Nghĩa là trong bụng ông nghĩ:
- Ừ, có thế chứ,
Ông lại hỏi:
- Nhưng sao anh lại phải sang tận Pháp mới học được nghề ảnh?
Tôi đáp liều:
- Bẩm vì khách hàng của hiệu tôi phần nhiều là người Pháp; nên tôi nghĩ phải sang tận Pháp học chụp cho quen.
Cái lý của tôi không có lý một chút nào nhưng ông Sứ cũng cho là có lý và cho tôi đi Tây.
Ấy thế là tôi đương làm bồi tập sự nhảy ngay lên một người thợ ảnh thực thụ.
TIỆC TIỄN HÀNH
Được giấy phép đi Tây rồi thì lẽ cố nhiên là sắp phải cái sầu ly biệt. Mà khi biệt-ly lẽ thường bao giờ cũng có tiệc, tiệc để lấp cái sầu chia rẽ. Tòi bèn một mặt viết giấy mời tình nhân, một mặt thân hành ra hiệu mua bốn chai sâm-banh... Thế rồi hôm ấy hai chúng tôi vừa uống sâm banh vừa nuốt lệ,... nhưng uống nhiều hơn là nuốt. Dần dà đã hết một chai.
Tình nhân tôi, (tửu lực rất khá) vừa khóc vừa bảo tôi rằng:
- Em càng ứa nước mắt bao nhiêu thì em càng muốn uống sâm banh bấy nhiêu.
- Anh cũng vậy.
Thế rồi hai chúng tôi lại khóc. Một lúc đã hết chai rượu thứ hai.
Tôi nhìn lên tủ, chỗ để hai chai rượu chưa mở, có vẻ lo ngại. Tôi ngọt ngào bảo tình nhân:
- Thôi chúng mình không nên buồn nữa vì cái buồn tai hại lắm.
Tình nhân tôi, để ngón tay lên môi, có vẻ mơ màng, rồi như sực tỉnh, bỗng nói:
- Hay là thôi anh đừng đi Tây nữa. Đi làm quái gì?
- Em nói thế mà phải.
Tình nhân tôi cười nói:
- Anh ở lại thật là một sự đáng mừng cho em biết mấy! Vậy em lại xin uống nữa để mừng anh ở lại.
Thế là hết chai rượu thứ ba.
Uống hết chai thứ ba tôi mới nhận ra rằng không thể ở lại được. Đi, thế nào cũng đi. Giấy má đã xin xong rồi, các anh em bạn ai cũng biết tin mình đi Tây, không sao lùi được nữa. Nhân tình tôi cũng biết là không thể nào lùi được. Chúng tôi đương vui, lại trở nên buồn. Nhân tình tôi lại ứa nước mắt khóc mà chai rượu thứ tư lại theo ba chai rượu trước mà cạn nốt.
Uống hết bốn chai rượu rồi, chúng tôi mới thấy cái sầu vạn cổ của chúng tôi tạm nguôi ngoai.
TẦU NHỔ NEO
Sau khi đã uống cạn rượu và khóc cạn nước mắt, tôi nhứt định từ biệt tình nhân để hiến thân cho các anh em bạn. Trong ba ngày, tôi cùng họ đi chơi từ Khâm thiên đến Đông Hưng viên, rồi lại từ Đông Hưng viên đến Splendid hotel. Nếu cuộc đi Tây của mình cũng cứ quanh quẩn vài ba chỗ đó thì nghe cũng dễ chịu. Phiền một nỗi đã đến ngày phải xuống Hải-Phòng để kịp đáp tầu. Anh em bạn xuống tiễn đưa rất đông. Tôi và tình nhân tôi phải trốn họ ra ngồi ở vườn Bách thú Hải-Phòng và thơ thẩn đi trên con đường Thiên Lôi (1) để cùng nhau khóc một trận nữa cho hả dạ.
Bốn giờ chiều, tầu nhổ neo và kéo cầu. Mùi soa bay phấp phới. Tôi tưởng mình như một nhà đi sứ sang Tây để yêu cầu Chính phủ Pháp một việc có can hệ đến vận mệnh nước nhà. Sau tôi phải nghĩ đến rằng mình lấy tư cách một người thợ sang Pháp học chụp ảnh nên mới bớt kiêu ngạo.
Tầu ra xa dần, tôi quên cả anh em bạn, chỉ đăm đăm nhìn cô tình nhân. Cô tình nhân cũng đứng trông theo. Tầu càng xa, tình nhân tôi càng nhỏ dần, nhỏ dần. Trước bằng người thật, sau nhỏ hơn người thật, sau bằng đứa trẻ, bằng cái lọ lục bình, bằng cái cánh tay, bằng con ruồi, bằng con chấy...
NHỮNG NỖI KHỔ
Lẽ cố nhiên là tôi đi ‘‘Boong’’. Boong không phải là một cái cầu như ý tôi tưởng. Ở trên tầu thủy, cứ chỗ nào không phải là buồng ngủ, không phải buồng ăn, buồng khách, là boong ở đó. Đi boong tức là đầu đội trời, chân đạp gỗ  ‘‘Đội trời, đạp gỗ ở đời’’. Trời là màn mà chiếu là một cải ghế vải. Thật ra hạng đi boong cũng có buồng ngủ, có giường đệm, nhưng nếu xuống đấy thì thà nhẩy xuống bể còn hơn. Tôi bắc ghế, nhìn mây kéo trên trời cho quên đời để đợi giờ ăn cơm. Khát nước lần ra máy há miệng nuốt nước lã ừng ực, lại nhớ đến trận khóc đêm trước bên cạnh tình nhân và bốn chai sâm banh và ngâm:
- Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu...
Đển giờ ăn xuống bếp xin đĩa, xin cơm và đồ ăn; ngồi một xó nhai cơm, đếm sạn và lấy răng thử sức mấy miếng thịt bò mới thấu nỗi chua cay của câu kể trên.
Một buổi chiều, ăn uống no nê xong, tôi ra dựa vào bao lơn tầu ngắm mây nước, để tâm hồn về với tình nhân và để nước mắt sa xuống bể, nhất là khi nghĩ đến rằng có lẽ cũng giờ này, phút này, cô tình nhân của tôi đương ngồi uống sâm banh với một người trẻ đẹp khác để quên mình. Bên cạnh tôi, một ông lính tập người Huế, có lẽ cũng như tôi, đương nhớ tới tình nhân, nên vẻ mặt buồn như chấu cắn. Thỉnh thoảng, ông lại thở dài một cái thật mạnh và se sẽ cất giọng ngâm theo điệu Nam Bình:
- Kéo neo tàu chạy...
Tôi để ý thì cứ đúng năm phút, ông lại thở dài lên một cái và ngâm lên:
- Kéo neo tàu chạy...
Chiều nào cũng như thế. Tôi đã buồn lại thêm bực mình. Có lần, tức quá không chịu được, tôi lại gần bảo ông ta rằng; ‘‘Này ông, tầu đã chạy rồi’’, ông ta cũng nhất định không hiểu.
Được cái may rằng lúc ở Sàigòn, tầu kéo neo chạy đi Singapore, thì không thấy ông ta đâu nữa.
Từ đấy tầu sắp đến nước ngoài, quyển sổ tay của tôi mới bắt đầu ghi chép những chuyện lạ, Còn một sự lạ nữa mà không ai lấy làm lạ, là tôi thấy dễ thở vô cùng, không biết vì tại mình ở ngoài khơi hay vì cái không khí mình thở đây khác với bầu không khí vẫn thở bấy lâu.
Chú thích:
[1] Con đường vắng nhất ở Hải Phòng - đã dung làm đầu đề cuốn Bên Đường Thiên Lôi của Thế Lữ
BA KHỐI NƯỚC
SINGAPORE
Trước khi xuống Singapore, người bồi tàu dặn tôi:
- Ông có xuống ‘‘Sinh ra bò’’ thì nên cẩn thận, kẻo bị xe kẹp.
Lời dặn dò y như lời một người mẹ dặn đứa con nhỏ ra phố chơi, hay lời một bà nhà quê dặn Lý Toét khi Lý Toét lên tỉnh. Nhưng tôi chỉ lấy làm lạ về cái tên gọi thành phố Singapore của người bồi.
Tôi hỏi lại:
- Bác gọi Singapore là gì?
- Sinh ra bò.
- Lạ nhỉ.
- Ông chẳng nên lấy làm lạ. Tỉnh nào chúng tôi cũng đặt tên riêng, thí dụ như Colombo, chúng tôi gọi là Cô Lông bông, Djibouti là Đi bú tí, Port Said là Sà -ích.
- Thế còn Aden?
- Aden thì có hai tên. Một là Ả đen vì đó có lắm ả đen vô cùng, hail à Ả đến để diễn nỗi mừng đến bến sau sáu, bảy ngày trời lênh đênh trên mặt bể. 
Tôi xuống bến. Ngắm các nơi, tôi thấy tôi phục thầm cái tài xếp đặt của người Anh. Ra đến phố tôi mời thấy lời người bồi nói là đúng. Mỗi lần nghe còi xe, hể tôi cứ tránh về phía nào là thấy ô tô nó đâm về phía ấy. Sau tôi phải lên hè đứng, định thần trí mới nhớ ra rằng người Anh có lệ tránh xe sang bên tay trái. Tìm được chân lý rồi, tôi mừng rỡ vô cùng. Phiền một nỗi trước khi tránh xe phải mất một vài phút suy nghĩ. Gặp xe nào đến, trước hết tôi giơ tay phải tự nhủ: ‘‘Ở Hà Nội thì mình tránh sang phía này này… Ở đây mình phải tránh ngược đi, nghĩa là tránh sang bên phía bên kia…’’. Sau khi suy xét kỹ càng rồi, biết chắc mình không thể lầm được, tôi mới tự báo: ‘‘Đúng rồi’’ và quả quyết rẽ sang phía bên kia.
Tránh xong xe, tôi quay lại mỉm cười một cách tự đắc và cho mình là tài. Song những người cầm lái hình như không biết thế cho, họ thấy tôi đáng lẽ tránh xe lại không tránh, đứng giơ tay chỉ bên này, chỉ bên kia, đầu gật gù, miệng lẩm bẩm như một nhà triết học, họ cứ bóp còi luôn tay và chửi rủa luôn mồm. Được một cái họ chửi rủa bằng tiếng Anh hay tiếng Ấn Độ, mình không hiểu, nên cũng không hề chi.
Cứ mỗi ngã tư, tôi lại thấy một người mặc quần áo cộc, đội mũ vàng, có cánh chuồn (cánh chuồn ở lưng chứ không ở mũ) xoay đi xoay lại để chỉ đường cho xe qua.
Bỗng tôi thấy một cái xe ô tô và một cái xe điện như muốn đâm sầm vào nhau, rồi, trong khi cái ô tô cứ đi thẳng, thì cái xe điện ngoan ngoãn tránh sang bên. Tôi thấy hay hay và muốn thử nên đứng đợi chuyến xe điện sau. Tôi vờ đi sát vào xe điện, quả nhiên thấy xe điện luồn tránh ra một bên. Tôi nhìn xuống dưới mới hay rằng xe điện có bánh cao su.
Trước khi lên tầu, tôi vào một hiệu Ấn Độ mua một bộ áo ngủ:
- Mahomed abissiny, carry burutaury?
(ông cho tôi mua một bộ áo ngủ). Câu nói của tôi cố nhiên họ không hiểu, nhưng tay tôi chỉ vào bộ áo ngủ.
- Arry mataly beyti (ông lấy bộ này). Tôi lắc. đầu chỉ vào các bộ khác.
- No, podichery.
Tức thì người bán hàng cho tôi xem một bộ áo kẻ ngang dọc: ngang mầu tím và dọc mầu xanh rồi nói:
- Ông lấy bộ này tốt... ắm... rr…
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ông biết nói tiếng Annam?
- Có mà. Tôi ở Hànội mười lăm năm.
Thế là hai người bắt tay nhau, có vẻ hỉ hả lắm. Ông ta vồn vã tôi, than thở nhớ tiếc Hà nội và tỏ ý mừng rở được gặp một người Annam. Kết quả: bộ áo đáng giá 5$00, ông ta đòi 12$00. Mãi về sau tôi mới biết áo đó tốt và đáng giá. Đi đến Colombo thì những nét dọc mầu xanh phai hết, chỉ còn lại những nét ngang mầu tím, trông y như cái áo tù. Đến Aden thì những nét ngang cũng phai nốt. Áo của tôi biến thành một cái áo trắng. Được cái từ lúc thành áo trắng thì áo không còn mầu đâu mà phai nữa.
TRIẾT LÝ
Tôi nghiện ra rằng tầu càng đi xa nước Việt Nam và càng gần nước Pháp bao nhiêu thì người trên tầu càng tử tế mình bấy nhiêu. Ở Trung-Quốc hải, họ không thèm nhìn đến mình, đến vịnh Siam, họ nhìn mình bĩu môi như nhìn một con muỗi, đem sang Châu Âu những vi trùng bịnh sốt rét. Vào Ấn-độ dương, hai con mắt của họ bắt đầu nhiễm vẻ dịu dàng, từ bi, bắt đầu nhận ra rằng mình cũng là một người có tí óc. Sang Địa trung hải thì nghiễm nhiên họ thấy mình cũng văn minh như họ, và họ bắt đầu có ý sợ nể mình. Lúc đó tôi khoái trí lắm. Nhưng tôi còn lo đến lúc trở về!
HAI NGƯỜI BẠN
Từ  ‘‘sinh ra bò’’ trở đi, trên boong tầu - giang sơn của riêng mình tôi - thấy thêm hai người Ấn độ. Tôi cũng muốn làm quen với họ cho có bạn, nhưng sau xét ra không thể được, là vì từ lúc lên tầu, họ nói chuyện với nhau luôn mồm, tôi không thể nào chen một xâu vào được. Họ đến ngồi bên cạnh cái ghế tôi nằm. Thế rồi suốt ngày nọ đến ngày kia, họ ngồi quay mặt vào nhau nói chuyện.
Một người bắt đầu:
- Ả ra, ả ra, ả ra, ả ra, ả ra, ả ra, ả ra, ả ra.
Không biết nghĩa là gì, nhưng tôi nghe ra như vậy. Người bắt đầu đó khi nhận thấy mình nói đã đủ dài rồi, liền ngừng hẳn lại và đến lượt người thứ hai tiếp:
- Ả ra, ả ra, ả ra, ả ra, ả ra, ả ra, ả ra, ả ra.
Người thứ hai nói một hồi lâu rồi ngừng lại, và đến lượt người thứ nhất, cứ như thế mãi.
Tôi lẩn thẩn so sánh tiếng hai người với tiếng kêu ùng ục khi người ta rốc ngược chai nước lên.
Họ nói chuyện ham mê như vậy. Nhưng hễ cứ chiều đến, khi mặt trời sắp lặn là họ im ngay rồi cả hai đều quay về một phía - phía mặt trời lặn - và cúi đầu rạp xuống sàn gỗ vừa lễ mặt trời, vừa lẩm bẩm trong mồm. Tôi nghĩ bụng có lẽ phen này họ nói chuyện với mặt trời.
CÔ LÔNG BÔNG
Sau mấy ngày gió bão, tầu đến Cô Lông bông. Tôi xuống tầu thăm Cô Lông-bông và thấy họ đồn có món ca-ry cay (gà cà ry) nấu rất khéo.
Tôi xuống với một người học sinh Annam nữa, nhất định tìm ăn cho được món cary cay. Đi vài ba phố đến một cái nhà ngoài cửa có cái biển để mấy dòng chữ Ấn-độ mà chúng tôi đọc không hiểu. Trên biển có vẽ mội con gà đứng in vào một cái mặt trời đỏ chói đương vỗ cánh, há mỏ gáy. Nhìn vào trong nhà thấy có để một cái bàn con và mấy cái ghế.
Chúng tôi vào, treo mũ lên mắc, rồi ngồi vào ghế có vẻ khoan khoái. Thấy một người bồi tiến lại gần, tôi lấy giọng tự nhiên làm như mình đã qua Cô Lông-bông nhiều lần, dõng dạc gọi:
- Cary cay.
Chắc người bồi hơi nặng tai, vì tôi thấy anh ta nghiêng đầu như người chưa nghe thủng. Tôi nhắc lại to hơn:
- Ca ry.
Người ngồi cũng nhắc lại:
- Ca ry?
Trông vẻ mặt thì hình như anh ta không hiểu ca ry là gì - Tôi dở một tràng tiếng tây, và bạn tôi một tràng tiếng Ăng lê, người đó cũng lắc đầu.
Tôi mới sực nhớ ra rằng mình vô lý: ca ry! Nhưng ca ry gì mới được chứ? Chẳng lẽ ăn ca ry không, còn chữ cay là tiếng Tầu chứ không phải là tiếng Ấn-độ. Có lẽ người bồi thấy hai người khách vào đòi ăn ca ry, nên đứng giương mắt nhìn chúng tôi, không biết hai người này ở nước nào mà ăn uống kỳ khôi vậy.
Tôi liền gọi người bồi lại, rồi giơ hai tay vẫy vẫy như con gà đập cánh và kêu:
- Cúc cu... cu cu...
Nhưng người bồi cũng vẫn đứng đấy, hai con mắt ngạc nhiên lại mở to hơn trước. Lúc đó, chắc anh ta đang nghĩ thầm, hai người này hẳn là người điên.
Tôi thì phân vân lạ. Có lẽ gà bên Ấn-độ không biết gáy hay là gáy khác gà Annam. Tôi liền đổi ra tiếng gà tây gáy:
- Cô cô ri cô!
Người bồi nhắc lại:
- Cô cô ri cô!
Tôi cả mừng gáy luôn mấy cái:
- Cô cô ri cô..., ca ry cô cô ri cô!
Thật là rõ ràng, thật minh bạch, người đần độn đến đâu cũng phải hiểu cho Ca ry coco-rico = ca ry cay - ca ry gà. Nhưng người bồi vẫn chưa chịu hiểu cho. Anh ta mỉm cười giơ hai tay lên vẫy vẫy, mồm lẩm bẩm: ‘‘Cary cocorico’’, rồi lắc đầu. Chúng tôi cũng lắc đầu, đành chịu không được ăn món gà quý hóa đó, và đứng dậy cầm mũ đi ra.
Vừa ra cửa gặp ngay một người cảnh sát Anh, bạn tôi tiến lại hỏi bằng tiếng Anh:
- Ông bảo giùm ở đâu có gà cary?
- Đâu cũng có.
- Thế sao chúng tôi vào hiệu nầy, hỏi thì họ làm như chúng tôi là hai người điên.
Người cảnh sát nhìn lên biển rồi nhìn chúng tôi, mỉm cười hỏi lại:
- Các ông vào đây? Các ông điên?
- Vâng. Có gì làm ông ngạc nhiên?
Người cảnh sát khôi hài:
- Sao óc các ông lại có cái tư tưởng vào đây?
- Vì mắt chúng tôi thấy trên biển có con gà, biểu hiệu của gà cary, và cái mặt trời đỏ biểu hiệu của quả ớt cay.
- Thấy con gà là các ông vào đây hỏi ăn gà cary?
- Vâng.
Người cảnh sát cười to lên một thôi dài, rồi bảo chúng tôi:
- Đây không phải là nhà bán cary, đây là hội quán một hội đá bóng. 
Sau chúng tôi nhờ người cảnh sát chỉ cho một hiệu có bán cary cay. Lần nầy thì được ăn. Ăn xong no nê, chúng tôi mới để ý đến phố xá, thì thấy nhà cửa to lớn, đồ sộ hơn nhà cửa ở Sàigòn và Hànội nhiều. Có người mách đi xem một cái tượng Phật rất to. Chúng tôi đến thì quả nhiên to thật. Tượng không có gi lạ, cũng như mọi tượng khác: một bà nằm, tay chống đầu. Người dẫn đường bảo chúng tôi:
- Các ông trông thì không lấy gì là dài cho lắm, nhưng thật ra dài vô cùng, Có người sáng sớm đến xem ở đầu, rồi lần đi lần về phía chân, đến chiều mới tới đầu gối. Gần đến chân thì trời tối đen, đành phải đợi hôm sau đến xem nốt bàn chân.
Chúng tôi không tin. Người đó thấy chúng tôi dửng dưng, nên nói tiếp luôn:
- Nhất là đối với gà (thấy nói đến gà, chúng tôi lại nghĩ đến món gà cary) thì cái tượng này lại càng dài. Khi con gà ở phía đầu tượng gáy sáng, thì con gà ở chân tượng lên chuồng ngủ.
Chúng tôi cũng không tin.
Thấy người dẫn đường có tài nói khoác, nên tôi gọi lại hỏi:
- Có người nói: nhiều khi nửa đêm cái tượng này ngồi dậy, vươn vai, và ngáp mấy cái, rồi lẳng lặng nằm xuống. Có phải thế không, bác?
Bác ta đáp một cách rất tự nhiên:
- Cũng có, nhưng năm chừng mười họa thôi.
 Cái tượng người đàn bà mặt trắng chân tay trắng nằm dài dưới bóng chiều lúc đó có vẻ linh hoạt lạ. Dẫu kính trọng bà đến đâu thì kính, tôi cũng không sao giữ nổi lòng thương hại bà nằm dài ở đó như chờ đợi ai. Tôi ước ao có ai đem ông tượng đồng đen ở đền Chấn Vũ sang đây hầu chuyện bà cho vui.  ‘‘Đem bà tượng trắng gán vào cái ông tây đen’’. (1)
Oái oăm thay! bà tượng trắng thì nằm ở nước tây đen, mà  ông tượng đen Chấn-Vũ thì lại ngồi ở hồ Trúc bạch.
Ả ĐEN
Tôi đương sắp sửa xuống thuyền con để lên bộ, thì có một người đội xếp Á-rập vừa nhìn kỹ vào mặt tôi vừa tiến lại gần và giơ tay chào theo lối nhà binh. Tôi chào lại và toan hỏi thì người đó đã cất tiếng hỏi trước.
- Ông có phải là Lang-sư?
- Chính phải.
- Ông muốn xuống?
- Phải! tôi muốn xuống.
Tức thì người đó chụm hai chân lại, đứng thẳng người ra và thong thả nói:
- Tôi được lệnh của chính phủ Á Rập không để ông xuống.
Tôi sửng sốt:
- Vì cớ gì vậy?
- Vì cớ ông viết sách nói xấu người Á Rập.
Tôi lấy làm ngạc nhiên. Tôi không từng nói xấu người Á Rập bao giờ và không từng viết sách nào cả. Nhưng tôi cũng cứ để yên, vì mấy khi đã được cái hân hạnh bị cấm không được xuống bến. Những người trên tầu lúc do nhìn tôi ra vẻ kính phục, thèm thuồng. Tôi sung sướng lắm.
Mãi về sau tôi mới biết rằng họ lầm tên; ông Lang sư nào đó, không phải tôi. Mà câu chuyện này cũng không có thật nốt, nó chỉ là câu chuyện trong giấc mơ. Tôi tỉnh giấc, mới biết là hôm qua xem cuốn sách của ông Monfreid bị người Á-Rập cấm không cho xuống Pord Said, nên mới mê hoảng như vậy. Nhưng Aden mà tôi thăm độ hai giờ đồng hồ, không bao giờ tôi quên được, mặc dầu đến giờ tôi không nhớ rõ đã nhìn những cái gì. Tôi chỉ thấy Aden là một hòn đá to lớn bốc hơi nóng, đường cũng bằng đá, nhà cũng bằng đá và nếu có cây cối thì cây cối cũng bằng đá. Cả xe ô tô chạy ở các dọc đường, cả người ở đây cũng bằng đá, chỉ khác là đá biết cử động. Ở đây có người (người đây là người bản xứ) nhưng tôi có cái cảm tưởng là không ai sống ở đây cả, họ là những người ở một nơi khác cũng xa lạ như tôi đi qua đây vì việc cần (đem hàng hóa ở tầu lên cho hàng hóa xuống tầu) rồi họ đi không để một vết tích gì của sự sống của họ lên mặt đá cứng khô. Tôi cảm thấy nếu phải sống ở chỗ đó (ở chỗ không có đất và nóng khô đó) thà tôi xuống dưới địa ngục còn hơn. Aden là biểu hiện cả cuộc đời ‘‘ vị lợi’’ của Tây phương.
ĐI BÚ TÍ
Đi bú tí có hai đặc sắc:
1) Trời nóng bức.
2) Không khí trong sạch.
Trời nóng đến nỗi không có cây gì mọc được cả. Lúc chưa xuống họ báo rằng: hai bên vệ đường muốn cho có bóng mát thành phố phải làm những cây giả bằng thiết và sơn xanh, còn vào hàng cơm, lúc ăn món bít téc (Bifteck), họ đem ra một đĩa rau xà lách làm bằng bột nặn mỏng và nhuộm xanh. Tôi biết là họ nói khoác, nhưng có nói khoác như thế mới tả được cái nóng bức và khô khan ở Đi bú tí.
Còn không khí trong trẻo đến nỗi những người cận thị xuống bến không phải đeo kính nữa. Còn những người thường thì phải đeo kính viễn thị. Trên một cái núi cách xa 100 cây số, những hôm không có mây, người ta nom rõ cả những người kiếm củi trong rừng. Không thấy họ nói có nghe rõ cả tiếng nói chuyện và tiếng cười của những người đó không.
Riêng tôi thì vì không khí trong sạch, nên tôi trông thấy rõ những cái bẩn thỉu vô cùng của dân nơi đó. Đi qua những hàng quà ở chợ, nhờ không khí trong trẻo, nên tôi đã thấy được những miếng kẹo, những chiếc bánh nằm giấu kín trong đám ruồi đen. Nhờ không khí trong sạch, tôi đã ngửi thấy những mùi hôi hám ở các nhà dân lụp sụp bên vệ đường. Vì vậy tôi đâm ra nhớ quê hương và sự liên tưởng làm tôi nghĩ đến những cái chợ quê ở trong nước, nhớ những mẹt bún hay bánh đúc, những chậu mắm tôm, những rổ mít, mùi nồng nàn, sặc sụa hay tản mạn trong không khí lẫn với mùi mồ hôi ở các bộ quần áo không bao giờ giặt, lẫn với một đàn ruồi, nhặng vo ve. Tôi trông thấy cả một người ăn mày gầy hốc hác lê la cái gậy, kêu xin bằng một cái giọng mà ai đã nghe thấy một lần thì không bao giờ quên được nữa, Tôi có thể nói: tất cả những cái đó là ‘‘mùi quê hương xử sở’’ của tôi. Cái ‘‘mùi’’ đó, tôi đã thấy ở Đi bú tí. Vậy  tôi xin đổi câu:
Cũng nhân tâm ấy, há thiên lý nào!
ra câu:
Cũng cảnh thương tâm ấy, há thiên lý nào!
CÁI QUẠT NAN
Khi từ giã Đi bú tí lên tầu có mấy thằng bé con chạy theo bán quạt; tôi mua một cái quạt làm bằng nan tre, nhuộm xanh đỏ. Một người tây đi bên cạnh tôi khen cái quạt đẹp. Tôi nhìn một lúc rồi bĩu môi nói:
- Đẹp thì cũng có đẹp, nhưng mà là một thứ đẹp mọi rợ, xuẩn ngốc (beauté sauvage et idiote).
Người tây nghiêm trang bảo tôi:
- Nhưng cái quạt này chính ở bên Đông Dương bán sang.
Tôi nhìn kỹ thì quả là những cái quạt nan ở bên nước mình đem sang bán ở đây. Mặt tôi lúc đó chắc có một vẻ đẹp mọi rợ? xuẩn ngốc, hẳn không sai.
Tôi rời bỏ Đi bú tí với cái kỷ niệm êm đềm ấy.
KÊNH SEUZ
Khỏi Đi bú tí thì tầu bắt đầu vào vể đỏ. Người ta gọi nó là bể đỏ, có lẽ vì nước ở đấy xanh. Nóng quá không biên chép được chữ gì. Vào kênh Suez mải xem nên cũng không biên chép chữ gì nốt.
Ở bể rộng vào kênh, cái tầu hình như lấy làm bứt rứt khó chịu, kêu rầm lên cả ngày. Đi một quãng lại gặp cái tầu nạo đáy kênh kêu to hơn, Đêm đến hễ gặp một cái tầu khác ở phía trước đi lại, là cái tầu của tôi làm hiệu nhắng nhít. Đèn bật sáng lên, rồi lại tắt vụt đi: tưởng như hai cái tầu nháy nhau, bắt tin nhau; chắc chốc nữa chúng nó sẽ ôm choàng lấy nhau. Được cái khi đến gần thì một cái tránh ra bên (đã có chỗ riêng để tránh), còn cái kia vừa nhảy vừa đi thẳng.
HAI LÁ CỜ
Port Said - Tôi để ý nhất đến những lá cờ Ai-Cập. Ở chỗ nào cũng có, phấp phới, rải rảc khắp mặt bể. Đứng dựa vào lan can tầu bên cạnh người Ai-Cập đã mấy lần sang du học bên Pháp,
- Cờ kia là cờ nước Ai-Cập?
- Chính phải.
Tôi khen:
- Trông đẹp lắm, nhưng kiểu vẽ ba ngôi sao ở trong lòng một cái mặt trăng khuyết hơi vô lý. Vì mặt trăng lòng vẫn đặc, không thể trông thấy sao được, mà sao bao giờ cũng xa hơn mặt trăng.
Người Ai-Cập quay lại nhìn tôi xem chừng cho lời nói tôi là nói phải. Anh ta ngẫm nghĩ một lát rồi đột ngột hỏi tôi:
- Cờ nước anh hình thù thế nào?
Tôi đáp:
- Cờ vàng ở giữa có một cái băng đỏ.
- Băng đỏ?
- Phải.
- Băng đỏ như cờ nước Nga.
Rồi hai người nháy mắt như hiểu thấu nhau lắm. Kỳ thật chẳng anh nào hiểu anh nào.
- Thế còn màu vàng? Chắc là người nước anh da vàng.
Tôi đáp:
- Không phải, màu vàng là màu trời.
Người Ai-Cập sửng sốt:
- Da trời nước anh mầu vàng?.
- Không. Ở nước tôi, trời cũng xanh như ở đây. Nhưng trời vàng là dịch ở chữ Hoàng thiên (mình cũng dịch láo),
Anh ta đáp:
- Trời vàng! Vô lý quá,
Đây là anh ta báo thù tôi lúc nãy đã bảo kiểu vẽ ba ngôi sao ở long mặt trăng là vô lý. Ăn miếng trả miếng. Nhưng tôi cũng không chịu thua.
- Trời vàng, vô lý thật. Nhưng còn bể đỏ của các anh sao lại xanh? 
Tầu đã rời Port Said sắp vào Địa-trung- Hải. Hai người bạn Ấn độ của tôi lại bắt đầu nói chuyện luôn mồm - 15 phút sau, tầu đi ngang qua trước mặt tượng ông Lesseps (xin đọc: lép xép), người đã có công đào kênh Suez. Khi đi qua cái tượng, không thấy ông Lép xép nói gì, chỉ thấy hai người bạn Ấn Độ của tôi lép xép luôn mồm.
Vào Địa-trung-Hải, trời đã thấy lạnh, mà tôi thấy tôi văn minh hơn.
Tôi còn nhớ một đêm, khi đi qua núi lửa Stromboli, tôi lạnh run đến nỗi lúc đó chỉ mong cái núi kia phun lửa ra cho mình được ấm.
Vì không đem chăn nên phải chịu rét mấy hôm đằng đẵng.
Thế rồi, một buổi sáng, cùng với mặt trời mọc, tôi thấy mọc ra ở chân trời cái nhà thờ Notre Dame de la Garde và cái cầu treo của tỉnh thành Marseille.
Tôi đã đến nước Pháp
Chú thích:
 [1] Dựa theo thơ của Nguyễn Khắc Hiếu.
TRÊN ĐẤT PHÁP
Ở MARSEILLE
Bước xuống đất nước Pháp, nhìn phong cảnh, tôi không thấy gì lạ cả. Từ cây cối, vật, người, hình như tôi đã trông thấy ở trong kiếp trước của tôi. Vì vậy tôi mới đoán rằng: kiếp trước  ‘‘tôi là một người tây’’. Nói thế không phải là để khoe mẽ, vì theo thuyết luân hồi. Lúc tôi là người tây, chắc tôi đã mắc mưu tội lỗi gì, nên kiếp này mới phải đầy xuống làm một người thợ ảnh Annam đi tàu thủy hạng boong. Chắc lúc ở dưới địa ngục, ngục có cái trọng trách cho tôi uống cháo lú đã quên, người đó nhơn đói bụng đã húp cháo lú của tôi nên quên, quên không cho tôi uống cháo lú. Sau nghĩ kỹ mới biết rằng không phải vậy, tôi có cái cảm tưởng đó vì đã xem nhiều sách, nhiều tranh về nước Pháp. 
Lúc đến nước Pháp, điều thứ nhất là tôi đi tìm một cái phòng để ngủ, điều thứ hai là khi đã ngủ kỹ rồi, tôi đi tìm một hiệu cao lầu để ăn  ‘‘súp bát nháo’’ (La bouillabaisse) thứ súp này nổi tiếng nhất hoàn cầu và phải ăn ngay, ở Mạc-xây mới ngon.
Vừa ngồi vào ghế cao lầu, một người bồi (cố nhiên là người Pháp) ăn mặc sang trọng hơn tôi, từ từ tiến đến. Tôi giật mình đánh thót một cái, nhưng lại định thần ngay được.
Tôi đã biết rằng người ở Mạc-xây có tiếng là nói khoác, (1) nên tôi phải đề phòng trước:
- Cho tôi một đĩa ‘‘súp bát nháo’’. Bác phải biết tôi ở bên Đông-Dương sang đây chỉ cốt ăn súp đó. Tôi vừa ở tầu xuống và nhờ bác bảo làm mau lên một chút để ăn xong tôi kịp đáp ngay xuống tầu về Đông-Dương nhổ neo chiều hôm nay.
Người đó lấy làm phục tôi lắm:
- Ngài nghĩ chí phải, ở bên nước ngài chắc cũng có thứ ‘‘súp bát nháo’’, nhưng phải ăn ngay ở tổ nó mới ngon. Đã có câu tục ngữ ‘‘Ăn súp bát nháo mà không có gió Mít-tan (mistral) thứ gió lạnh ở vùng này) thì không, xong’’.
Phải cái hôm ấy, không khí yên lặng, không có lấy một ngọn gió nhẹ, thành thử tôi ăn súp tuy ngon nhưng thấy còn thiếu thứ gì. Tôi nhìn người bồi hỏi:
- Bác làm ơn cho một đĩa Mít-tan.
NHẬN NHAU
Sau khi đã ngủ một bữa ngon, và ăn một bữa ngon, tôi mới đi xem phố xá. Thỉnh thoảng tôi đương đi lại gặp một người da vàng. Nhưng tôi không biết là người Tầu, người Nhật hay người Annam. Lúc đó thì tôi đương cần gặp một người Annam. Sau tôi tìm ra được một mẹo mà tôi cho là thần tình. Hễ thấy một người da vàng đi trước mắt là tôi rảo cẳng tiến đến gần, rồi nhìn lên trời và nói một mình:
- Này ‘‘đồ mặt mẹt’’.
Nếu người đi trước tôi là người Nhật hay người Tầu, thì họ đi thẳng, vì họ không hiểu tôi nói gì. Nhưng nếu người đó là người Annam, thì tất nhiên quay lại ngay. Người đó cũng không, có cớ gì giận được tôi, vì người đó lúc quay lại chính mình đã tự nhận là ‘‘đồ mặt mẹt’’. Nếu không, ai bảo quay lại làm gì? Cái lối của tôi thật hiệu nghiệm. Một ngày hôm đó gặp mười người da vàng’’ thì có hai người quay lại khi nghe gọi ‘‘đồ mặt mẹt’’ nghĩa là đã tự nhận là người Annam. Hai người đó là học sinh cả, họ không giận tôi, vì họ cũng dùng câu ‘‘khẩu hiệu’’ đại khái như thế để phân biệt Annam với Tầu. Câu của tôi, họ còn cho là thanh nhã.
Hai người học sinh này về sau trở thành hai người bạn rất thân của tôi, mặc dầu lúc gặp gỡ, tôi đã tặng cho họ cái huy hiệu mỹ lệ, khả ái ấy.
ÔNG BẠN MẠC-XÂY
- Tôi lại chơi ông M..., một người trong hai người mà hôm qua tôi đã định tâm gọi là ‘‘đồ mặt mẹt’’. Ông M. ăn ở một cách rất cao thượng. Cái cao thượng của ông có thể đo bằng bực thang được. Từ dưới đất lên tới chỗ ở của ông, tôi đếm vừa đúng 125 bực thang. Ông M. đứng trên từng gác thứ năm nhìn xuống, mỉm cười vẫy tôi lên. Tôi lên tới nơi, ông giơ tay bắt tay và xin lỗi:
- Tôi cũng muốn giữ lễ phép với ông xuống đón tận dưới chân thang. Nhưng ông tính, sáng ngày ăn có một cái bánh tây sữa, nếu xuống thì khi lên đây, tôi phải ăn sáng lại.
Thấy nói vậy, tôi biết chắc là Ông M. ở Mạc Xây đã lâu.
Buồng ông M. có cửa sổ ở trên trần nhà,
vì ông ở sát mái cho thật cao; các bức tường
đều có dán giấy vẽ hoa. Tôi hỏi hoa gì thì ông
ta đáp ngay không nghĩ ngợi:
- Đó là hoa phù dung. Chỉ khác một cái là hoa phù dung thật thì sáng trắng, chiều đỏ, mà hoa phù dung này của tôi trước kia đỏ, bây giờ đổi ra trắng.
Tôi đưa mắt nhìn cái giường và thấy nó như thiếu một cái gì. Ông M. cười và ngâm một câu ca dao:
Thực đáng thương, thực đáng thương,
 Có bốn chân giường, gẫy một còn ba.
Rồi ông buồn rầu nói tiếp:
- Một trăm năm mươi quan, mười lăm đồng bạc hoa soè đấy! Tôi muốn tìm một cái buồng tồi hơn, nhưng không có. Không có cái buồng nào có giường hai chân cả.
Tôi hỏi:
- Ở bên nầy mùa đông rét đến bực nào?
- Cũng kha khá vậy thôi. Về mùa đông nếu vô ý để nước sôi đổ lên tay chỉ thấy man mát. Tập thể thao một lúc, mồ hôi toát ra, nếu không lau ngay thì nó đọng lại thành nước đá; lắm hôm rét quá, nhớ quê hương xứ sở, muốn khóc mà không khóc được, vi nước mắt đóng ngay thành nước đá ở khóe mắt, đành chịu.
Tôi ngây thơ hỏi nữa:
- Thế những lúc ra ngoài phố thì rầy rà lắm nhỉ?
Ông M. chép miệng:
- Tôi lấy một thí dụ hơi tục, xin ông tha lỗi cho: lúc đi tiểu tiện xong, phải lấy tay đập mạnh một cái mới bỏ đi được. Nếu có đội xếp gần đấy thì thế nào ông cũng bị phạt vi cảnh, vì cái cây nước còn đứng nguyên đó sẽ là một tang chứng chắc chắn.
Ông M. ngừng lại một lát rồi nhìn tôi để xem tôi có lấy thể làm lạ không. Tôi vẫn giữ nét mặt thản nhiên và chú ý lắng tai nghe ông M. nói nữa. Ông M. liền tiếp:
- Nhiều khi đi học từ bẩy giờ sáng, máu ở hai tai vì lạnh quá nên đông lại, vành tai thành ra cứng. Giá lúc đó bẻ mạnh một cái thì thấy tai giòn như bánh đa. Được cái vào lớp học có lò sưởi nên tai mềm dần lại.
Tôi sực nhớ đến việc mời ông M. đi ăn cơm tây. Tôi để ông M. tùy ý chọn, vì tôi mới sang còn bỡ ngỡ. Ông ta vội nói ngay:
- Bất cứ hàng cơm nào cũng được, miễn là không phải hàng cơm tôi ăn tháng.
- Cớ sao vậy?
- Vì hôm nay gió to.
Tôi ngạc nhiên không hiểu, Ông M. cười chua chát giảng nghĩa:
- Có một lần trời gió to, tôi vô ý một lúc, miếng thịt của tôi bị gió thổi bay sang đĩa của người bên cạnh. Người bên cạnh cắt thịt ăn liền. Nói thế để tỏ cho ông biết miếng thịt ở hàng cơm của tôi mỏng là ngần nào. Hễ gió to là nó bay vèo đi như chiếc lá vàng bay trước gió thu. Trông buồn thảm tệ. Bây giờ thì tôi đã có ý, hễ cô bồi của tôi đưa đĩa thịt rán lên là tôi vội cầm dao chặn ngay lấy... Ấy thế mà mỗi tháng hơn ba mươi đồng. Sau nầy rồi các ông cũng sẽ gặp những cảnh đó. Vậy hôm nay chủ nhật không gì hơn là chúng mình về nhà quê chơi, rồi vào một cái hàng quán nào ăn, vừa rẻ lại vừa được ngoạn cảnh thôn quê.
NHÀ QUÊ
Chủ nhật Dân thành phố kéo nhau đi chơi về các cánh đồng quá nửa. Tôi thấy vụt qua trước mặt tôi một cái xe bình bịch, trên có một người đàn ông với hai đứa con và một người đàn bà to béo bằng cả người đàn ông và hai đứa bé hợp lại. Ông M. nói:
- Cả một gia đình. Lát nửa trên bãi cỏ non bên bờ sông, chồng ngồi câu cá, vợ ngồi để nhìn phao, và hai đứa con thì để nó reo vui khi nào câu được một con cá.
Đi qua một công viên, tôi đứng lại ngắm một cái ghế kỳ khôi hơn cái xe bình bịch: trên cái ghế đó, một bà cụ tóc bạc phơ và một ông cụ râu bạc phơ, ngồi đưa lưng vào nhau há hốc mồm ngủ.
Ông M. nói:
- Trong khi cô con gái hay cậu con trai cùng tình nhân diễu lượn trong rừng, thì ông cụ, bà cụ cũng thắng bộ quần áo mới đi ra ngồi ở ghế công viên làm một giấc, đến chiều về. Ở bên này họ hầu bỏ cái thú trong gia đình, mà vui sống ngoài xã hội cả. Chỉ những người ốm mới chịu nằm nhà.
Nhà quê bên Pháp khác nhà quê bên ta nhiều thứ.
1) Con gái nhà quê để răng trắng nhỡn như me tây.
2) Không có nhà tranh lụp xụp và ẩm thấp.
3) Không có những đứa trẻ bụng ỏng, chạy theo ‘‘ông tây’’ xin xu.
4) Không có ăn mày ghẻ lở nằm lăn ra đất.
5) Ở bên ta chỗ nào có giấy vứt thì phải tránh cho xa; ở bên này những chỗ đó là những chỗ đã có người đến ngồi chơi, ngồi ăn uống, như vậy chắc là sạch sẽ.
Đó là về hình thức, dễ nhận ngay, còn như những cái hay ho về tinh thần: như tôn ti trật tự, chiếu trên ra chiếu trên, chiếu dưới ra chiếu dưới, người đáng ăn phao câu, thủ lợn thì ăn phao câu, thủ lợn, vân vân... thì đợi sau xem kỹ mới biết được. Dẫu sao, nhìn qua, cũng có thể biết được đại khái rằng kém xa không thể nào bằng bên mình được.
GIỐNG NGƯỜI GÌ
Chúng tôi vào một quán hàng sạch sẽ. Bàn chúng tôi ngồi đặt dưới một giàn nho lá xanh non: trên bàn phủ vải trắng có để một chai rượu đỏ mới lấy ở hầm ra.
Một cô bồi hầu chúng tôi, một cô bồi tóc hung, mắt xanh, da trắng, má hồng. Cô mặc một cái áo xanh da trời, trước ngực đeo một cái khăn trắng bong. Tôi vừa uống rượu vừa đưa mắt ngắm nghía cô bồi xinh đẹp và chạnh nghĩ đến những hàng quán bên nước mình, nghĩ đến những mẹt bún, mẹt bánh đúc đầy ruồi và cô hàng đen thui thủi, vừa lấy tay áo quệt mũi xong lại bốc bún vào bát cho khách ăn.

Cô bồi cũng nhìn chúng tôi, hơi lấy làm lạ. Có đặt đĩa trứng ‘‘lập là’’ lên trên bàn rồi hỏi:
- Hai ông là người Tầu?
Ông M. của tôi vội lắc đầu một cách dữ dội như có ý không bằng lòng. Vì người Tầu không có gì là danh giá cả. Cô bồi nói tiếp:
- Không người Tầu thì hẳn là người Nhật?
Tôi toan nhận thì ông M. đã lắc đầu nói:
- Chúng tôi là người Annam.
Cô bồi hơi ngờ ngợ như không hiểu là giống người gì. Cô hỏi:
- Các ông sang đây chắc đã lâu, nên nói tiếng tây tôi nghe thạo lắm.
- Tôi sang đây đã ba năm.
Cô bồi nhìn tôi hỏi:
- Còn ông kia sang đây chắc đã năm, sáu năm rồi?
Ý cô muốn nói một cách kín đáo rằng: Tôi nói thạo tiếng tây hơn ông M... Muốn cho cô phục tôi hơn nữa, nên tôi vội tiếp:
- Tôi vừa đến nước Pháp được hai hôm nay.
- Hai hôm, lạ nhỉ. Hẳn ông là một nhà ngoại giao và có giao thiệp với người Pháp nhiều lắm.
Tôi đáp:
- Tôi không phải là một nhà ngoại giao. Nhưng giao thiệp với người Pháp thì có giao thiệp.
Cô bồi ngây thơ hỏi:
- Ở bên nước ông không biết người Pháp ở có nhiều không. Ông vẫn gặp họ luôn đấy chứ?
Tôi cũng trả lời ởm ờ:
- Có, một đôi khi cũng có gặp. Người Pháp đối với chúng tôi cũng tử tế, mà vì thế nên tôi mới giao thiệp với họ.
Ông M. nhìn tôi như có ý bảo:
- Khá đấy, ấy là ở Mạc-xây mới có hai ngày!
Ý NGHĨ CHUA CHÁT
Sau khi cơm no, rượu say và trả chủ hàng hai mươi quan, tôi dúi vào tay cô bồi một tờ giấy năm quan để cô giữ lại chút kỷ niệm của một nhà ‘‘ngoại giao’’ đã lọt vào đôi mắt xanh của cô.
Ra ngoài tôi bảo ông M:
- Ra họ mặc kệ mình?
- Họ chẳng mặc kộ mình thì họ làm gì, Không những thế, họ lại không biết nước mình là nước gì nữa. Không cứ một cô con gái nhà quê này. Bao nhiêu người khác cũng vậy.
MỘT MẺ SỢ
Đi được vài cây số qua một cái cổng, chúng tôi gặp một người đàn ông đầu hoa râm. Người đó nhìn chúng tôi một lát rồi cất tiếng nói:
- Mao u lêên!
RỜI MẠC-XÂY
Tôi từ biệt ông M. để đi tỉnh khác. Ra ga tôi nhất định đòi lấy vé hạng tư, ông M. can thế nào cũng không được. Người phát vé để hai tay lên vành tai, hỏi lại một cách rất lễ phép:
- Ngài nói cái gì tôi không nghe rõ.
- Tôi nói: Ông cho tôi một cái vé hạng tư về tỉnh X...
- Thưa ngài không có hạng tư, chỉ có hạng ba thôi.
Tôi đành phải ngồi hạng ba, nghĩa là hạng ‘‘bét nhứt’’, ngồi ghế đệm cũng êm như hạng nhì bên nước mình. Tôi bèn bảo ông M:
- Thuê buồng không có giường gỗ, lấy vé không có hạng ghế gỗ, chúng mình muốn khổ sở, muốn đau lưng, đau mông mà nhà nước không cho. Nghĩ đến dân nước mình mà thèm.
Ông M. an ủi tôi:
- Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Ông chẳng nên so sánh đâm ra đau lòng vô ích.
Ông. M. bắt tay tôi một cái thật mạnh, rồi nói:
- Thôi chào ông.
Rồi ông giảng nghĩa:
- Tôi phải chào ông trước như thế, vì khi xe chạy, tôi chào ông, ông không nghe thấy tiếng tôi được, vì xe bên này chạy mau quá, tiếng nói của tôi không đuổi theo kịp tai ông.
Quả nhiên lúc tầu chạy, tôi chỉ thấy ông M. há mồm mà không nghe thấy tiếng gì cả. Ở Mạc-xây lâu có khác: nói khoác mà thành được sự thực. (Nhưng sự thực, ông M. chỉ há mồm mà không chào nói gì cả.)
Tôi lại tiếc cái xe lửa bên nước nhà, lúc nào cũng thong thả ung dung từ tốn như một cụ túc nho.
Trong toa tôi ngồi chỉ có một bà đầm. Bà nhai cái gì bỏm bẻm trong mồm. Tôi vội vàng rụt chân, chỉ sợ bà ta nhổ quết trầu bắn lên bần cả quần mình. 
Trông ra hai bên thấy những bãi cỏ đầy các thứ hoa đỏ, trắng, vàng, tôi lại nhớ đến lúc còn đi học lớp nhất, làm bài luận cũng bắt chước tả cánh đồng cỏ bên nước nhà lòe loẹt những hoa.
Mãi về sau nhìn phong cảnh chán rồi tôi mới khơi chuyện cùng bà đầm. Thấy tôi nói là người Annanr, bà mừng rỡ cuống quít:
- Tôi có thằng cháu cả ở bên nước ông. Ồ, quý hóa quá!
Tôi vội đáp:
- Đáng quý hóa thật. Ở bên nước chúng tôi, con bà là một quý quan.
Bà ta chắp tay để lên ngực, mắt nhìn lên trời:
- Mà ông lại ở cùng tỉnh với con tôi. Ở HA... NO... I? Thế thì lại quý hóa xiết bao. Nó mới sang bên ấy có hai tháng, mà tôi lo lắng quá. Ấy tôi vẫn ngày, đêm cầu trời, phù hộ cho nó đấy. Ờ, gặp ông đây, để tôi viết thư báo nó lại chơi nhà ông, để hai thân ông bảo ban, che chở giúp.
Bà cảm động ứa nước mắt khóc.
Tôi cũng cảm động quá, kiếm lời an ủi bà mẹ khốn nạn đó.
- Bà không lo. Người nước chúng tôi rất hết lòng với người ngoại quốc. Con bà đi đến đâu cũng có người giúp đỡ, che chở. Bà không lo ngại.
Tôi biết là tôi lại nói khoác rồi, nhưng đối với bà mẹ này thì nói khoác là một sự cần. Bà lau nước mắt, mỉm cười cảm ơn tôi:
- Được nghe ông nói thế, tôi mới vững tâm... Con tui đi đến đâu cũng có người che chở?
Chú thích:
[1] Người ở Mạc-xây nổi tiếng nói khoác trong thế giới, cũng như người xứ Ê cốt ở Anh nổi tiếng là hà tiện.
TRÊN ĐẤT PHÁP (tt)
TỚI HỘI HỌC SINH
Hơn bốn giờ chiều tôi đến tỉnh X... thuê xe ngựa bảo kéo đến hội Học sinh Annam. Trong một tỉnh lớn gấp hai Hà Nội, tìm được hội Annam cũng khó như ở Hà-nội hay ở Sài- gòn mà đi tìm hội ái hữu của những người tây Ma-ní.
Hội ở vào một cái phố nhỏ. Đi qua một con đường thông tối om, lên hai cái thang gác thì thấy trước mặt một cánh cửa có dán biển đề: Annam học sinh ái hữu hội.
Tôi gõ cửa. Ở trong có tiếng cười nói và mùi xào nấu đưa ra.
- Cứ vào.
Tôi đẩy cửa, buông va li xuống, thì một người kêu to:
- Lính mới các anh em ơi.
Tôi thấy vui vẻ trong lòng và không có cái cảm tưởng cô độc, trơ trọi nữa. Tôi dõng dạc hỏi:
- Ai là nguyên-soái?
- Nguyên-soái đi học vắng.
Tôi ngồi vào ghế khai lý lịch:
- Tên tôi: Nguyễn Văn Lãng Du. Tuổi: 22. Chưa có vợ, nhưng có tình nhân. Sang học nghề ảnh để về nước chụp cho tây.
Tôi vừa khai vừa lắng tai nghe tiếng người nói ở buồng trong:
- Cơm hỏng rồi chúng mày ơi. Trên sống dưới khê, tư bề nát bét.
Một tiếng thé thé gắt gỏng:
- Nước hàng để đâu để tao kho thịt, mày?
- Cho hai thìa thôi kẻo mặn.
- Món canh củ cái gừng ngon đáo để, mày ạ.
Tôi ngồi ở ngoài thèm chảy nước dãi. Anh Quang, người vừa hỏi lai lịch tôi, giữ chức cố vấn cho hội, hỏi tôi:
- Anh Lãng Du có biết làm bếp không?
- Không.
- Thế thì đáng tiếc. Vậy trước khi học ảnh hãy học làm bếp đi đã. Cần hơn.
Thấy tôi cứ nuốt nước dãi ừng ực, anh Quang thương hại.
- Thôi, hôm nay hãy mời anh ăn với chúng tôi một bữa cơm dưa muối... Mai thì phận sự của anh là phải thái thịt và rửa nồi, xoong, bát, đĩa.
Tôi toan cãi.
- Anh cãi vô ich. Đó là công việc của bất cứ tên lính mới nào. Vả lại, anh cũng nên tập cho ‘‘sáng mắt ra’’.
Tôi cúi đầu vâng lệnh, và xin phép vào thăm bếp. Bếp đun bằng hơi than nên sạch sẽ. Anh nào anh nấy quấn trước ngực một cái khăn trắng: người thì vần cơm trên lò, người thì mở vung gắp thịt ra bấm xem đã nhừ chưa, người thì đập trứng vào chảo, khéo léo như một cô tiểu thư Huế.
Ở góc bếp, một anh ngồi nước mắt giàn giụa. Tôi cảm động quá, hỏi anh Quang:
- Chắc thấy tôi sang, anh kia chạnh nhớ nhà, nên ngôi khóc thảm thiết tệ.
Anh Quang nghiễm nhiên bảo tôi:
- Không, anh ấy thái hành tây đấy.
Anh cười rồi nói tiếp:
- Đấy là anh Thái ở trường hóa học. Sang năm thi kỹ sư. Ở phòng thí nghiệm, anh ấy ngửi đủ các thứ hơi độc, nhưng hễ sờ đến hành là nước mắt nước mũi cứ chảy ra. Vì thế, nên bao giờ chúng tôi cũng giao cho anh ấy cái việc thái hành để anh ấy khóc cho vui.
Anh Quang chỉ một anh to béo đang ngồi thái thịt bò, bảo tôi:
- Xin giới thiệu anh Huy học trường thuốc. Mổ nhiều tử thi, nhưng cắt thịt bò vẫn ghê tay. Anh ấy vẫn bảo: sờ vào thịt bò rờn rợn tay như sờ vào thịt người. Được cái lúc anh ấy ngồi vào bàn thì ăn thịt ngon lành lắm. Một người không nên làm thân, nên tránh xa, vì anh ấy ăn mau lắm.
Anh Quang giới thiệu người xong rồi giới thiệu đồ ăn:
- Đây là món cá xào nấm hương, đây là dưa chua làm bằng bắp cải thái nhỏ rồi vắt chanh, đây là lạp xưởng rán, còn đây là thịt kho Tầu, món thịt kho Tàu nầy chỉ riêng ở bên Tây mới có.
Tôi hỏi làm cách nào lạp xưởng gửi sang đây không mốc và kho thịt không cần có nước mắm. Anh Quang đáp:
- Anh ở đây lâu rồi sẽ sáng mắt ra (chữ này tôi thấy anh ấy dùng đã hai lần). Lạp xưởng gửi sang đây cho vào mỡ nước thì không đời nào mốc. Cách ấy là của anh Minh, cử nhân cách trí nghĩ ra.
Tôi gật đầu thán phục.
Anh Quang tiếp:
- Cái lệ ở đây bao giờ cũng thế. Về mùa đông rét mướt, những hôm chủ nhật, anh em họp nhau lại nấu cơm Annam ăn. Vậy anh muốn có bạn thì việc cần nhất là viết thơ về nhà bảo gửi đồ sang: gạo tám thơm, lạp xưởng, ruốc, cả cuống, ca la thầu, nước mắm, vân vân...
Tôi buồn rầu đáp:
- Nhưng tôi không có nhà. Còn tình nhân tôi thì chắc ở bên Đông dương nó tự khuây khỏa bằng những việc lý thú hơn là việc gửi nước mắm sang cho tôi.
- Thế thì đáng buồn cho anh, vì một là anh không đời nào có bạn, hai là có bạn, nhưng suốt đời phải rửa xoong, bát, đĩa.
Tôi vẫn băn khoăn về ‘‘vấn đề kho thịt’’. Anh Quang hiểu ý nói tiếp:
- Ở bên nầy, nếu không có nước mắm thì chúng tôi dùng một thử gọi là ‘‘kuýp’’ thay vào. Y như nước mắm vậy. Người đã phát minh ra được việc đó thật là ân nhân của bọn mình.
- Thế ai đã phát minh?
- Tôi không biết tên, nhưng tục truyền lại rằng một người bồi Annam đã nghĩ ra. Chúng tôi còn đương dò lai lịch người đó để đúc tượng kỷ niệm, vì “ăn kuýp phải nhớ kẻ trồng cây” cổ nhân đã dạy thế.
Lúc vào ngồi ăn, họ nhường tôi ngồi giữa bàn, nghĩa là chỗ tốt nhứt chỉ để dành cho quý khách. Phiền một nỗi, đồ ăn họ lại để ở hai đầu bàn.
- Xin các cụ cầm đũa, và đừng ai nói chuyện.
Tôi tưởng tượng như mình ngồi ăn ở đình làng, vì họ ău mau lắm. Ăn một lúc, người nào người nấy ngừng đũa kêu bức.
- Ở bên thuộc địa này nóng lắm. Phải về quý quốc nghỉ mát mới được. Anh Lãng Du có thấy thế không?
Tôi, tôi vẫn thấy lành lạnh. Tôi cho họ làm bộ, làm tịch, nhưng lạ nhất là một lúc sau tôi thấy mồ hôi nhễ nhại, ướt đầm cả áo sơ mi.
Lúc ăn, tôi để ý đến một anh gầy gò, ngồi ở đầu bàn. Trông anh ta ăn ngon lành thì mắt anh ta lại luôn luôn chớp.
Anh Quang thấy tôi chăm chú nhìn anh đó nên giới thiệu:
- Quên không giới thiệu anh Tích, thi sĩ đã nổi danh và thương mại gia và không bao giờ nhận được đồ ăn ở nhà gửi sang. Vì thế nên không bao giờ có bạn thân.
Rồi anh ghé vào tai tôi nói khẽ:
- Anh ấy không đủ tiền ăn cơm Tây, nên ngày nào ở trường học ra cũng phả mua gạo và nấu cơm ăn cho đõ tốn. Sáng hôm nay khi mua gạo về, bao giấy chẳng may rách toạc ra, gạo đổ cả xuống đường, Anh ấy không dám nhặt vì sự xấu hổ, chạy một mạch đến đây nhận rửa bát.
Ngừng một lát, anh Quang tiếp:
- Nhưng chốc nữa tôi sẽ rửa bát thay anh Tích.
Tôi hiểu ngay. Chắc anh Quang nghĩ rằng: nếu bắt một anh em giầu có quen ăn bữa phải rửa bát để nghịch chơi là một sự hay thì bắt một người vì ít tiền đến nhờ ăn phải rửa bát là một sự bất nhã.
Anh Tích thấy anh Quang khen là thi sĩ thì đôi má đỏ bừng. Anh thẹn cúi mặt xuống, nhưng không quên gắp ngay một miếng thịt to bỏ vào mồm. Tôi nghiệm thấy anh nhai ngon lành hơn trước và mắt chớp nhanh gấp hai lúc nãy.
Tôi lại nhận ra rằng cứ mỗi khi nuốt xong một miếng đồ ăn thì anh Tích lại chép miệng một cái thật mạnh như để chứng nhận rằng miếng đồ ăn đó đã đích thực vào đến dạ dày rồi.
Ăn xong anh Tích toan rửa bát thì quả nhiên anh Quang nhận làm giúp. Anh Tích đội mũ rồi bắt tay tôi vội vã như có việc đã hẹn với ai.
Thu dọn xong, mọi người hỏi nhau;
- Ăn xong đi đâu?
Anh Quang đáp:
- Ra hàng cà phê để anh mản mọi xem xét cảnh văn minh cho ‘‘sáng mắt ra’’.
Anh mản mọi tức là tôi.
TRONG HÀNG CÀ PHÊ
Họ đưa tôi ra hàng cà phê lớn nhất tỉnh, chỗ mà họ gọi là đại bản doanh của Nguyên soái (tức là ông Hy, chánh hội trưởng). Gặp ông Hy tôi lại phải kể lai lịch một lần nữa. Khai xong, ông Hy vỗ tay gọi bồi :
  Tám cốc rượu! Hôm nay có quý quan ở bên quý quốc mới sang.
Tôi đưa mắt nhìn anh Quang một cách kiêu hãnh:
  Anh còn bảo tôi là mán mọi nữa thôi.
Anh Quang ghé vào tai tôi nói rất khẽ một câu làm tôi lạnh cả chân tay:
 Lệ ở đây, bao giờ người mới tới cũng phải đãi rượu anh em. Tám cốc rượu không là bao chỉ có 24 quan. Vì thế nên anh được gọi là quý quan.
Tôi nhìn tám cốc rượu vè đếm số anh em ngồi đó chỉ có bảy người, kể cả tôi nữa. Tôi liếc nhìn nói bâng quơ:
- Hình như thiếu một người... hay nói cho đúng, hình như thừa một cốc rượu.
Anh Hy nói tiếp ngay:
- Không thừa đâu. Cái lệ làm chánh hội trưởng bao giờ cũng uống hai cốc mới phải.
Tôi định sau này cố ra làm chánh hội trưởng.
DẠY KHÔN
Anh em bạn ngồi chung quanh tôi lúc đó làm việc rất nhiều thứ: họ vừa đánh bài vừa hút thuốc lá, vừa nói chuyện lại vừa thưởng thức rượu của tôi. Tai họ vẫn nghe đàn và mỗi khi xong một bài đàn, họ lại không quên vỗ tay một cách rất hăng hái. Trong lúc đó thì anh Quang bảo tôi ngồi với anh riêng ra một chỗ. Anh nói là để dạy khôn tôi.
- Anh phải biết, sở dĩ anh vào hàng cà phê anh bơ ngơ, bỡ ngỡ là vì...
Tôi cãi:
- Nhưng tôi có bỡ ngỡ gì đâu.
Anh Quang ngắt:
- Anh cãi vô ích. Cứ thí dụ là anh bỡ ngỡ. Anh bỡ ngỡ là vì anh không hiểu lệ luật ở hàng cà phê. Điều cần nhất là biết cách gọi ăn, gọi uống. Không phải là chuyện dễ như ý anh tưởng đâu.
Tôi cãi lại:
- Nhưng tôi có ý tưởng gì đâu?
- Thì cứ thí dụ là thế. Anh tưởng là dễ nhưng thật ra rất khó. Không có gì buồn cười bằng mới sáng bảnh mắt, anh đã gọi bồi lấy rượu tiêu cơm.
Tôi gật đầu:
- Như thế thì buồn cười thật.
Anh Quang thấy tôi biểu đồng tình, sung sướng lắm:
- Đấy anh xem có phải thế không. Nói tóm lại, gọi ăn cũng là một việc khó khăn.
Tôi định báo cho anh Quang biết rằng anh chưa kể hết cái khó khăn mà anh đã nói tóm lại ngay, nhưng tôi lại thôi vì cứ để anh ấy nói tóm lại còn hơn là để anh ấy nói dài dòng. Tôi đã lấy là khó chịu. Nhất là nhìn các cốc rượu của anh em đã thấy cạn quá nửa. Tôi chỉ sợ họ uống hết rồi lại làm một ‘‘ tua’’ nữa. Nhưng anh Quang vẫn nói:
- Đấy mới là kể cho anh em nghe một điều khó. Còn một điều khó nửa. Thí dụ anh muốn gọi uống rượu bia.
- Thì gọi rượu bia.
Anh Quang giơ hai tay lên trời:
- Thế không được. Nghĩa là cũng được. Anh được uống bia, nhưng người ta bảo anh là nhà quê, mán mọi. Anh phải nói: cho tôi một cái cốc, một góc, một nửa, một ‘‘nửa hung’’ hay một ‘‘nửa nâu’’  vân vàn... Anh muốn ăn kem như ở bên nhà nếu anh gọi kem thì họ đem ra cho anh cốc cà phê sữa, muốn ăn kem, anh phải gọi ‘‘nước đá’’.
- Lạ nhỉ.
Thấy tôi phục anh Quang lai sung sướng một lần nữa.
- Đấy anh xem, cái gì cũng khó mà thật dễ. Đằng nào anh cũng phải học cho biết. Tôi bảo anh để anh sáng mắt ra.
Thấy nói đến sáng mắt ra,tôi lại nhớ đến việc ngủ đêm nay.
- Này anh Quang, tôi cũng muốn học cho sáng
mắt ra thật, như bây giờ có một việc  này cần hơn, là đêm nay tôi chưa có chỗ để nhắm mắt ngủ.
- Anh không lo, anh về ngủ với tôi. Mai tôi không có giờ học, tôi sẽ đưa anh đi tìm buồng trọ, và nhân tiện chỉ bảo anh cách thức ăn ở bên này ra sao.
Tôi đoán thế nào anh cũng tiếp theo câu: ‘‘để cho anh sáng mắt ra’’, nhưng lần đầu tiên tôi không thấy anh dung đến mấy chữ đó. Có lẽ tại lúc ấy anh vừa buồn ngủ, vừa say rượu, hai con mắt anh lờ đờ, không có vẻ gì là sáng sủa. Mà tôi cũng vậy. 
- Tôi đi đã thấy mỏi chân mà anh Quang bảo còn lâu mới tới nhà.
Anh vừa bước thật mau vừa hát ra chiều khoan khoái lắm. Tôi nói:
- Hay ta thuê cái xe ô tô.
Anh Quang nói giọng khinh bỉ:
- Ở bên này anh phải tập đi bộ cho quen đi, không thể hư thân như ở nhà được, khi còn ở cái nước mà ông bếp đi chợ cũng nhảy lên xe ngồi. Ở bên này không có thứ ngựa người rẻ tiền ấy đâu. Chỉ có ngựa thực và mã lực. Hai thứ cùng đắt cả.
Bỗng tôi thấy trước mắt có hai người Annam đi tới, vừa đi vừa hát thật to những câu thô tục có thể làm xấu hổ cả bọn  ‘‘gái số đỏ’’ (không tiện chép ra đây). Gặp nhau anh Quang giới thiệu:
- Anh Trạch cử nhân triết lý.
Tôi mở to mắt nhìn. Người thứ hai mà có lẽ là người hát những câu thô tục lại là anh Tích thi sĩ, hay thẹn thò của tôi. Có lẽ bây giờ anh no rồi nên mắt anh có vẻ sáng hơn. Tôi hỏi khảy:
- Ý chừng vừa rồi có thi sĩ ngâm thơ?
Anh liền đáp:
- Đang ngâm thơ mà thơ hay. Có trong sách cẩn thận, không tin, anh cứ lại hội ta, dở cuốn Ca dao tục-ngữ của ông Nguyễn Văn Ngọc sẽ thấy. Có nhiều câu như thế lắm. Anh cố học thuộc lòng đi.
- Để làm gì?
- Để hát như chúng tôi. Vì anh tính, ở bên nước nhà chỉ được ngâm những câu thanh cao, cả đời không được nói một câu tục. Sang bên này nghêu ngao hát thật to ở giữa phố cho bõ, cho ‘‘hả cái dạ dầy’’. Nên cảm ơn ông Ngọc đã ghi chép cho ta những câu lý thú ấy.
Chúng tôi chia tay. Đi đã xa vẫn nghe rõ tiếng  hát của anh Tích. Tôi lấy làm phục anh Tích sao anh khéo tích được lắm câu tục như thế (xin nhớ đây là câu tục chứ không phải câu tục ngữ).
Anh Quang bảo tôi:
- Thi sĩ Tích chiều hôm nay chắc có gì buồn lắm. Mà khi anh ta buồn thì bất trị! bất trị! Anh nghĩ xem, tháng trước anh có tin buồn bên nhà sang, lại hết cả tiền ăn. Chúng tôi góp nhau mỗi người mười quan để cho anh ấy lấy tiền ăn. Ngay tối hôm ấy, vào hai giờ đêm, chúng tôi gặp anh ta nằm gục ở ghế vườn hoa, tay cầm điếu xì gà đã tắt và hơi thở sặc những mùi rượu  sâm hanh.
-  Anh ấy làm nghề gì mà anh lại giới thiệu với tôi là kiêm thương mại gia.
- Anh ấy làm quảng cáo cho một nhà bán thuốc tiêu và chữa bệnh đầy bụng. Muốn cho người khác khỏi đầy bụng và ăn dễ tiêu, nhưng bụng anh ấy thì không mấy khi đầy và có khi không có hột cơm nào để tiêu nữa.
Văng vẳng đằng xa vẫn cô tiếng hát của anh Tích:
- Chẳng yêu tôi nữa thời thôi
Mưa sơn…..
Câu thơ thật tục mà sao tôi vẫn thấy như nhiễm một vẻ buồn não nùng. 
Chúng tôi đi đến trước cửa hàng cà phê. Anh Quang đến gần một cái bàn đầy báo đặt ở ngoài hè chọn lấy một tờ báo, bỏ ra một quan rồi lấy bảy xu rưởi, tự nhiên như không:
- Không có ai bán?
- Không cần
Tôi bấm tay anh Quang:
- Giá bỏ vào đấy một quan rồi lấy ra hai quan cũng được đấy nhỉ?
- Được lắm chứ, hôm nào túng tiền, anh cứ việc lại tôi lấy một tờ báo xem, rồi lấy thêm vài quan tiêu. Chỉ sợ làm thế thì tiêu cả danh giá của anh đi thôi.

Anh Quang thuê cho tôi một cái buồng ở cùng nhà vơi anh. Xếp dọn xong, anh bảo tôi:
- Bắt đầu từ nay, anh sẽ phải như chúng tôi, sống một đời tạm bợ trong vài năm. Tuy anh có phòng ở cẩn thận, nhưng hình như anh là một thằng vô gia cư, cầu bơ cầu bất.
Tôi tiếp theo:
- Một thằng ma cà bông.
- Gần như thế. Ở bên này, anh đừng mong có cái thú gia đình. Buồng ngủ của anh chỉ để ngủ và học. Còn anh, anh phải luôn luôn sống ngoài xã hội: ở hàng cơm, ở hàng cà phê, ở tiệm nhảy đầm. Anh phải tập sổng thế cho quen. Bây giờ thì tôi để anh tự do đi chơi phố. Còn tôi, trong một tuần lễ tôi phải đóng khố học thi.
Tôi đáp:
- Tôi muốn đi chơi phố lắm, nhưng sang đây chưa lấy thẻ lỡ đội xếp bắt thì khốn.  
- Anh không lo. Ở bên này không có thẻ thuế thân. Thế anh có buôn bán gì không?
- Không.
- Anh có tiền của gì không?
- Tôi có một cái ví gần rỗng.
- Thế thì anh không phải đóng một đồng xu thuế. Anh cứ yên tâm. Nhưng ngày mai khi anh ra hội quán anh cúng vào cho hội độ 100 hay 50 quan. Lệ hội như vậy. Đó là một thứ thuế riêng, chúng tôi gọi là thuế ‘‘nhập cảng’’.
ĐỖ NGAY
Đến kỳ thi, Hội quán thành ra một cái đại bản doanh để thu nhặt tin tức ở các nơi, Anh Hy chánh hội trưởng luôn luôn ở đó, để săn sóc các tướng tá ở trận tiền về. Ở trên tường tôi thấy treo một cái biển thật to:
Anh đỗ kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ cúng vào hội:... 50 quan.
Đỗ một bằng đại học hay lên lớp... 50 quan,
Tú tài… 20  quan.
Đỗ vào học bất cứ ở trường nào… 15 quan.
Hễ anh Hy được tin ai đỗ là liệt ngay tên vào bảng vàng một cách rất nhanh nhẹn.
Tôi hỏi anh Hy:
- Còn anh?
Anh Hy hớn hở tiếp:
- Năm nay tôi rớt.
Bỗng anh Hy như sực nhớ ra điều gì, soi mói nhìn tôi, hỏi:
- Còn anh?
Tôi biết là anh Hy thế nào cũng nhắc đến số thuế ‘‘nhập cảng’’ mà tôi chưa nộp, nên vội nói ngay:
- Tôi định nói với anh để cúng vào hội 50 quan. Nhưng thấy anh bận về việc thi nên chưa dám nói. Bây giờ anh biên tên vào cái bảng những người đỗ, tôi xin cúng 50 quan. Cách ấy tôi cho là giản tiện hơn cả. Tôi thật vui lòng bỏ tiền ra ngay.
Anh Hy nhận lấy 50 quan của tôi.
Trên bảng dưới mấy dòng chữ:
-Những người đỗ kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ:
Nguyễn văn H…  50  quan.
Trần đình Q 50  quan.
Đào văn Ph… 50  quan.
Anh Hy viết thêm:
Nguyễn Văn Lãng Du… 50  quan.
Thế là tôi mới sang đã đỗ ngay tiến sĩ. Anh Hy bảo tôi:
- Bắt đầu từ nay anh có quyền tự xưng là ‘‘bản chức’’ nhưng trước khi có cái quyền ấy, anh phải đãi anh em bữa rượu...
Anh mỉm cười tiếp theo:
-... như hôm nọ.
CÔ TIÊN
Sáng hôm nay dậy sớm để đưa anh Quang đi thi. Lúc về nhà toan mở cửa buồng của tôi thì nghe có tiếng động ở trong. Tôi ngừng lại. Một tiếng hát trong trẻo đưa ra, tiếng hát của một nàng tiên... biết chữ Pháp, hát giọng đầm. Tôi xin dịch đại khái dưới đây:
Tôi vừa mơ một giấc mơ thần tiên.
Tôi mơ cùng với ai đi, đi xa lánh mọi người.
Và không có đôi tình nhân nào đã được hưởng những buổi chiều êm ái như chúng tôi.
- Tôi gõ cửa. Ở trong có tiếng một cô con gái hỏi ra:
- Ai đấy?
- Tôi.
- Tôi là ai?
- Tôi là tôi. Tôi hỏi ông chủ có nhà không?
Một tiếng cười giòn:
- Không có ông chủ ở nhà. Chỉ có cô chủ thôi.
- Thế tôi vào có được không?
- Không được.
- Không ai vào được? Thế ông chủ có vào được không?
- Ông chủ thì vào được.
Tôi vặn quả đấm cửa:
- Chính tôi là ông chủ. Vào xem ai dám cả gan nhận là cô chủ nào.
Một cô đầm, tóc vàng, mắt xanh, má đỏ, tay cầm cái chổi cán dài, vừa nói vừa chào tôi. Tôi biết ngay đó là cô Lina; cô bồi đến làm buồng cho chúng tôi, mà anh Quang đã nói chuyện với tôi tối hôm trước.
- Chào cô Lina.
Lina mở to mắt:
- Sao ông biết tôi là Lina, Ông Nguyễn Văn?
Tôi cũng mở to mắt:
- Sao cô biết tên tôi?
- Tôi có biết đâu. Tôi đoán tên ông, người Annam chín phần mười là Nguyễn văn... Văn Ty, Văn Ta, Văn Tô...
Rồi Lina vừa làm giường vừa nói cho tôi câu chuyện về Annam.
- Độ ẩy tôi làm cho một nhà nghỉ mát ở trên núi miền Savoie. Một hôm nhận được bức thư của hai người bảo giữ cho hai buồng. Mấy hôm sau, có hai người da vàng đến toan nhận nhưng tôi nhất định không cho, vì hai người gửi thư là hai người nước Hòa Lan, một người tên là Văn Hot, một người tên là Van Lan. Lẽ đâu người Hòa Lan lại người da vàng được. Tôi mời họ đi nơi khác, sau họ phải đưa giấy căn cước cho xem tôi mới tin. Nhưng tôi vẫn lấy làm lạ rằng người Hòa Lan vẫn có người da vàng mũi tẹt được. Tôi chắc có sự gì bí mật và suốt đêm hôm ấy không dám ngủ.
Tôi vừa nghe chuyện vừa ngắm cô Lina, vừa ngẫm nghĩ về cái ‘‘mực văn minh’’ của hạng người làm bồi, làm con nhài, con sen. Hỏi lẩn thẩn tôi biết được rằng cô Lina này đã đỗ được bằng cơ học tốt nghiệp, nhưng cũng như mọi người khác đọc sách, đọc báo và để ý đến mọi việc xẩy ra trong nước. Tuy cô ta làm một việc ở bên nước Nam cho là hèn hạ, nhưng tôi vẫn phải coi cô ta như một người ngang hàng, và lúc nói chuyện phải giữ lễ phép, như đối với một tiểu thư.
Lina quét dọn xong, cầm chổi và khăn, rồi chào tôi ra đi. Một lát sau ở buồng bên cạnh lại có tiếng hát đưa ra:
Tôi vừa mơ một giấc mơ thần tiên.
Tôi mơ cùng ai…
Tôi cũng mơ được là ‘‘ai’’đó.
THỰC ẨM VI TIÊN
Từ lúc đến tỉnh này chưa nghĩ đến việc học được. Cả ngày không ra ngồi ở các ghế dài trong sân trường Đại học xem họ đi thi, thì cũng la cà hết hàng cà-phê này đến hàng cà phê khác, nếm đủ các thứ rượu của anh em thi đỗ mời. Sang Tây học gặp được buổi đầu như thế này nghe cũng dễ chịu. 
Tôi đi với anh Quang đến nhà anh Minh, cử nhân cách trí, để mừng anh có người em mới đỗ. Tôi chỉ biết anh Minh là người nghĩ ra được cách gửi lạp xưởng không mốc, chứ chưa biết mặt anh ta. Nhà anh Minh ở ngoài tỉnh, đi hết một con đường dài hai bên trồng toàn ngô đồng thì tới nơi.
Lúc chúng tôi vào thì anh em đương ngồi
yên lặng như ngóng đợi một sự gì rất quan trọng. Sự quan trọng đó là việc mở nắp một chiếc hộp sắt tây, trong đó đựng toàn lạp xưởng ở bên nhà gửi sang. Đó là món chính của bữa tiệc hôm nay, và chính người nhà anh Minh khi gửi sang đã theo cách thức của anh anh Minh rất cẩn thận. Người nào người nấy vừa nhìn anh Minh mở hộp vừa nuốt nước dãi ừng ực.
Đến lúc mở được hộp, lấy nĩa kéo được vài đôi lạp xưởng ra mới biết có đại biến. Anh Minh mặt buồn xỉu, lẳc đầu một cách thất vọng. Tôi nhìn mấy đôi lạp xưởng để trên đĩa rồi buột mồm kêu:
- Lạp xương có râu!
Mọi người cười rộ, nhưng tiếng cười của chúng tôi lúc đó nghe buồn như tiếng khóc. Anh Hy nói:
- Hay ta cạo râu nó đi.
- Ừ thì cạo râu.

Nhưng càng cạo đi đến đâu, cái lạp xưởng càng mòn đi đến đấy. Sau cùng anh Quang bàn rửa cho sạch sẽ rồi để lên đĩa và đặt ở giữa bàn ăn. Cái món chính là một món chỉ dùng ‘‘để nhìn’’. Chúng tôi bảo nhau: ai ăn một miếng thì có quyền nhìn một lần. Thiếu món lạp xưởng chúng tôi ăn vẫn ngon như thường, nhưng từ hôm đó trở đi, chúng tôi không tin cái tài khoa học của anh cử nhân cách trí Minh nữa.
NGHỈ HÈ
Tôi thấy hội quán mỗi ngày một vắng dần. Đến chơi các nhà anh em thì họ đã đĩ nghĩ mát ở tỉnh khác cả: người ra bể, người lên núi. Nếu gặp được một học sinh Annam, toan nói câu chuyện thì người ấy đã hỏi ngay:
- Anh chưa đi à? Mai tôi đi Annecy.
Gặp anh thứ hai, anh thứ hai lại hỏi:
- Anh chưa đi à? Mai tôi đi Luçon.
Tôi cho họ là điên cả. Trời còn mát thế này can gì phải đi nghỉ mát ở đâu. Sau hễ gặp một người bạn nào quen, muốn cho họ khỏi hỏi như vậy, nên tôi vội vã nói ngay :
-  Anh chưa đi à? Mai tôi đi Vichy.
Tôi có ý, mỗi lần gặp một người thì lại chọn một tỉnh khác và chọn toàn những tỉnt sang cả. Tôi thấy anh em ra ý bảo:
- Anh là một người sung sướng.
Nhưng dần dần tôi cũng thấy ở lại là khó chịu và tự nhiên muốn đi như họ. Cái bệnh đi nghỉ mát là một bệnh rất hay lây.
Tôi quả quyết lên Paris. Tôi chỉ có một mối lo là không có tiền. Nhân thấy anh em bạn cứ đánh dây thép về nhà báo tin đỗ là y như mấy ngày hôm sau nhận được tiền gửi sang, tôi cũng muốn bắt chước. Phiền một nỗi tôi không đỗ gì cả. Sau tôi nghĩ được một kế rất diệu. Tôi liền đánh bức dây thép như sau nảy -:
‘‘Có một người bạn đỗ cử nhân, gửỉ thêm năm nghìn quan ngay lập tức‘’
Tôi chắc người ở nhà nhận được bức dây  thép này không khỏi lấy làm lạ và chắc phải hỏi nhau:
- Không biết có người bạn đỗ cử nhân thì có liên lạc gì đến việc gửi thêm tiền. Tôi đoán rằng ở nhà thấy bức dây thép ngộ nghĩnh nên…cứ gửi tiền sang xem nó ‘‘ra làm sao’’.
Nhưng nhà tôi không cần biết ‘‘ra làm sao’’. Thành thử tôi đã không nhận được thêm tiền, lại tốn thêm vài chục quan đánh dây thép.
Tôi đành phải ở lại và ngày ngày vào vườn Bách thảo ngắm cây cối cho qua thời giờ.
Vào Bách thảo, tôi học được một sự lạ: những cây mà bên ta gọi là cây tây thì ở bên này họ quý như vàng,- trồng vào trong nhà lồng kính, giữ gìn như giữ mả tổ. Nếu ở bên ta, có người dùng cái đời mình để giữ gìn và nghiên cứu mả tổ, thì ở bên ấy cũng có người dùng cái đời họ để giữ gìn và nghiên cứu các thứ cây đó, thí dụ như cây nhọ nồi, cây bèo ong. 
Thỉnh thoảng gặp cái biển trên đề: arbre indigène (cây bản xứ), tôi lại giật mình ngỡ cây ở bên Annam đem sang. Nhưng nghĩ kỹ tôi mới biết đó là những cây mọc ở ngay đây. Nhưng dầu sao thấy đề cây bản xứ, tôi có ý khinh những cây đó và trông hình thù chúng nó có vẻ tiều tụy, khốn nạn, không đáng để mắt tới.
Trong vườn có con đường, biển đề ‘‘allée des amoureux’’ (đường tình); hai bên đường có để ghế dài và cứ trên mỗi cái ghế lại có một cặp nhân tình; hình như họ đương thi nhau hôn. Lúc đó tôi thấy tôi thật là ‘‘lẻ loi chiếc bóng nơi đất tây quê người’’. Tôi ngậm ngùi bỏ đi chỗ khác và an ủi mình bằng một câu Kiều:
‘‘Tu là cõi phúc, tình là dây oan.’’ 
Thấy họ hôn nhau, không biết tại sao tôi nghĩ ngay đến việc học của tôi. Tôi chưa biết sang đây định học gì và mãi tới bây giờ tôi mới nghĩ tới điều đó. Tôi liền ngồi xuống một cái ghế và bóp trán tự hỏi:
- Ta định học gì bây giờ?
Tôi nghĩ ngay đến việc học nhẩy đầm, môn học mà tôi cho là khó khăn nhất. Còn khi nào có thì giờ nhàn rỗi, thì học máy móc để giải trí. Tìm được con đường mình đi một cách nhanh chóng như vậy, tôi lấy làm sung sướng lắm.
Tôi đứng dậy, vừa đi vừa nhảy theo một nhịp đàn tưởng tượng. Đến trước một tòa nhà lộng lẫy trên đề: Institut de botanique (Thảo mộc học đường). Tôi lại nảy ra cái ý học về thảo mộc. Thấy ở ngay cửa vào có dán giấy yết thị; tôi tò mò lại gần nhìn xem,
«Đến hôm 20 tháng 7,
Ông Paul X... sẽ trình luận thi tiến sĩ về tự nhiên học, lấy đầu đề là: Khảo góp thêm  vào cuộc nghiên cứu một cái vỏ đậu đen’’.
Thấy cái đầu đề vậy, tôi lại càng muốn học về thảo mộc, và tưởng tượng vài năm nữa, khi đỗ cử nhân xong rồi, tôi sẽ lại nghiên cứu như ông Paul X..., và ngay ở đây lại sẽ có dán tờ yết thị:
‘‘Đến hôm 15 tháng 6,
Ông Nguyễn văn Lãng-Du sẽ trình luận thi tiến sĩ về tự nhiên học, lấy đầu đề là: Khảo góp thêm, vào cuộc nghiên cứu về một cái vỏ đậu trắng’’.
Tôi nghĩ răng:
- ‘‘Ông Paul X... có thể khảo góp thêm về cái vỏ đậu đen thì được cái vỏ đậu trắng cũng có nhiều cái rắc rối để thôi khỏi góp thêm và đậu được ‘‘tiến sĩ’’
Thế rồi, khi về nước, tôi sẽ khảo góp thêm về vỏ đậu đũa, vô đậu nành, vỏ đậu Hòa-Lan, vỏ đậu ván, vỏ đậu khấu, vỏ đậu bạch biên. Vô số vỏ cho tôi khảo. Hết đậu lại có các thứ đậu: như đậu rán, đậu hấp, đậu bung, đậu kho tương, v.v... Khảo về những thứ đậu này thì không bao giờ lo đói. 
Trên thành một cái bệ trồng sen, tôi thấy ngồi xoay lưng về phía tôi, một người học sinh Annam đương mải cúi đọc một quyển sách. Tôi đoán là người quen, bèn lên tiếng để người ấy quay lại. Tôi nhận ra anh Thái, người mà hễ cứ thái hành là nước mắt chảy ra giàn giụa. Tôi nhìn kỹ thì mắt anh lúc đó có ngấn lệ. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Anh đương thái hành?
Anh Thái đáp:
- Không, làm gì có hành mà thái. Tôi đương học.
Tôi cũng cười:
- Học mà cũng chảy nước mắt được.
Anh cười gượng, gấp sách lại nói:
- Ừ nhỉ.  
Bỗng tôi thoáng thấy ở quyển sách của anh thòi ra một mẫu dây thép xanh. Tôi chợt hiểu, vội đặt tay lên vai anh Thái, ân cần hỏi:
- Anh có tin gì buồn?
Hỏi gặng mãi, anh mới đưa cho tôi tờ dây thép báo tin vợ anh ở bên nước nhà mới chết được vài hôm nay. Tôi hết cả tươi cười, cúi đầu. Ngay bên cạnh tôi, một bông hoa sen bé nhỏ tiều tụy, cánh rã rời, như đương cùng chúng tôi buồn rầu về thân phận lạc loài ở nơi đất lạ. Tôi nhìn anh Thái, rồi nhìn đóa hoa sen (ở bên Pháp chỉ ở vườn Bách thảo mới có sen) và đoán rằng anh ra đây để ngắm hoa sen và tưởng tượng đến những cảnh cũ ở bên nước nhà. Anh Thái hiểu ý vội nói chữa:
- Tôi ra đây để học cho quên đi, nhưng không thể được.
Một làn gió nhẹ đưa qua, thoang thoảng hương thơm của bông hoa sen tàn tạ. 
Muốn an ủi anh Thái, tôi rủ anh đi Paris chơi.
Anh Thái đáp:
- Tôi không có tiền.
Tôi đáp:
- Tôi cũng vậy.
Không đi Paris được, tôi đành tạm mời anh Thái ra hàng cà phê để an ủi anh. Trước khi vào hàng, tôi đếm lại tiền trong túi, thì còn vừa đúng bốn quan. Tôi bảo anh Thái:
- Anh muốn uống gì thì uống, miễn là đừng quá số bốn quan.
Anh Thái đáp:
- Anh không lo, tôi chỉ uổng đủ để nuốt cái sầu của tôi thôi.
Tôi chợt nhớ đến cô tình nhân của tôi và ao ước anh Thái không nuốt sầu nhiều như ô ả.
Tới hàng cà phê hai người lại trở nên vui vẻ và ngồi tính chuyện đi Paris.
Đương nói chuyện, tôi thấy anh Tích thi sĩ bước vào hàng. Anh tiến đến phía chúng tôi nói:
- May quá! Tôi đương buồn.
Tôi đâm lo, đếm lại số tiền trong túi, thì vẫn chỉ có bốn quan.
Tôi hỏi anh Tích:
- Anh cũng cần nuốt sầu? Nhưng anh có tiền đấy chứ?
Anh Tích thản nhiên đáp:
- Đấm ai ra! Bồi! Lấy ba cốc Porto.
Tôi không còn hồn vía nào nữa. Tôi bấm tay anh Tích, nhưng anh nhất định không nghe. Tôi lấy làm lạ về thái độ cứng cỏi của anh. Một lúc sau, khi trước mặt ba người đã có ba cốc rượu đỏ tươi, anh Tích mời bảo tôi:
- Anh Lãng Du có thư bảo đảm, ra hội mà lấy.
Có thư bảo đảm, tức là có tiền ở nhà gửi sang. Tôi mừng quá:
- Nhưng đào đâu ra được hai quan để cho người đưa thư bây giờ. Tôi chỉ còn có bốn quan để trả tiền rượu thôi.
Anh Tích nói:
- Còn bốn quan thì cho họ cả bốn quan.
Rồi anh đưa cốc rượu lên môi, uống một ngụm nhỏ, mắt chớp chớp có vẻ ngẫm nghĩ rồi gật gật đầu.
Tôi đến hội đợi một lúc lâu, thì quả nhiên có người đưa thư, đưa cho tôi một bức thư bảo lãnh. Tôi ký sổ, rồi trong lúc sung sướng đãi bác ta cả bốn quan trong túi.
Tôi bóc thư ra, nhưng lạ quá, trong phong bì không có ‘‘măng đa’’. Xem nét chữ mới biết đó chỉ là một bức thư của có nhân tình tôi gửi sang hỏi thăm. Đại khái bức thư nói:
- Em cô lời hỏi thăm anh. Từ độ anh đi không ngày nào là em không khóc giọt vắn giọt dài, trong lúc em viết bức thư này, em cũng không cầm được nước mắt. Anh cứ nhìn kỹ hai chữ ‘‘có lời’’, hai chữ đó sở dĩ nhòe như vậy là vì nước mắt em nhỏ xuống đó.
Tuy bực mình hết sức, tôi cũng cố lấy trí của một nhà trinh thám để xét đoán những chữ nhòe đó. Tôi tự bảo:
- Những chữ đó nhòe, một là vì có tình nhân tôi lấy nước bọt xoa cho nhòe, hai là lấy rượu sâm banh. Nếu nước mắt thì không đời nào lại kể lôi thôi vậy. Tôi sẽ nhờ anh Kim, một nhà hóa học phân chất hộ.
Nghĩ đến anh Tích và anh Thái đương ngồi trước mấy cốc rượu đợi tôi mang tiền về trả nhà hàng, tôi cũng muốn khóc như cô tình nhân của tôi. Tôi toan đuổi theo người đưa thư để đòi lại bốn quan, nhưng họ đã đi xa mất rồi.
Tôi phải vội vã đi vay các nơi. Lúc đem tiền về hàng cà phê thì hai anh Tích và Thái đã uống đến cốc thứ ba! Anh Thái xem chừng say lắm và hai mắt ướt đằm. Uống xong một tớp rượu, anh lại lè nhè bảo anh Tích:
- Tôi không bằng lòng thái hành đâu.
Anh Tích thì giơ cả hai tay đỡ lấy người anh Thái  đưa đi đưa lại như người ru em, miệng khe khẽ hát những câu thơ cũng tục như mọi lần. Anh ấy hát và có vẻ như là để giải khuây cho anh Thái nỗi buồn thương vợ.
Bà chủ hàng thấy tôi trở về bèn vội vàng hỏi (chắc bà đã hỏi nhưng hai bạn tôi không đáp).
- Sao một ông lại khóc và một ông lại ngâm thơ.
Tôi đáp:
- Ông nầy bao giờ cũng vậy, khi uống rượu là bao giờ cũng khóc như có vợ chết, còn ông kia thì hễ say là thích ngâm thơ thật buồn như để tả những nỗi sầu thương trong sạch và thần tiên (…les mélancolies pures et divines)
Tôi vừa nói vừa nghe anh Tích hát câu:
- Rạng ngày lên bãi hái chè,
Gặp thằng…
Và tôi không giữ nổi mỉm cười. Tôi vội nói tiếp với bà chủ hàng:
- Vì thế bao giờ uống rượu tôi cũng rũ cả hai ông nầy cùng đi. Một ông khóc, một ông diễn cái buồn của ông kia bằng những lời thơ ứng khẩu mà rất trang nhã du dương. Ông nầy là một thi sĩ đã nổi tiếng ở bên nước chúng tôi và cả ở bên nước Pháp này nữa.
Để hai anh tri kỷ với nhau, tôi gọi bồi lấy giấy viết mấy dòng cho tình nhân tôi. Viết xong, tôi nhúng ngón tay vào rượu xoa nhòe hẳn mấy chữ và để xuống dưới cùng.
- Lúc anh viết cho em bức thư này, nước mắt anh nhỏ xuống như mưa rào.
Về thi sĩ Tích tôi nói đùa như vậy mà sau thành sự thật. Khi về nước tôi được biết anh Tích nổi
tiếng ở bên Pháp ; anh có một ít bài thơ đăng ở các báo tây, lời lẽ thanh nhã, ý từ quả đúng câu tôi nói vời bà chủ hàng ‘‘trong sạch và thần tiên’’. Bẵng đi một dạo rồi tôi được tin anh ấy chết ở Paris, chết vì bệnh lao, vì phải chịu kham khổ nhiều quá. Con ve sầu suốt mùa hè ca hát (lúc trong lúc đục) nay gặp gió lạnh chỉ còn trơ cái xác trên cành khô. Rồi tôi vơ vẩn nghĩ: ‘‘Không biết lúc chết thì anh ấy xuống địa ngục hay lên thiên đường. Nhưng tôi tin là anh sẽ được lên thiên đường. Nhưng tôi chắc anh Tích không được ở lâu trên đó. Những lúc anh buồn và uống rượu rồi giữa đám tiên nữ anh ngâm những câu ca dao như:
- Xưa kia chị cũng như em,
Bởi chưng… tất họ sẽ tống anh xuống địa ngục ngay. Mà ngay ở địa ngục, cũng chưa chắc người ta đã cho anh ở.
Ở PARIS
TRÊN XE LỬA
Mấy hôm sau, tôi lại nhận được một bức thư bảo lãnh ở bên nước nhà gửi sang. Tôi đã lo, chỉ sợ cô tình nhân tôi lại nhớ tôi lần nữa! Nhưng may cho tôi, bức thư không có chữ nào nhòe cả? và có một tấm ngân phiếu nghìn rưỡi quan.
Tôi vội vã chạy lại nhà anh Thái để khoe. Anh Thái cũng nhận được một bức thư của vợ anh gởi cho trước khi chết. Bức thư này hôm đó đã làm anh Thái tôi khóc sưng cả mắt: những chữ trong thư đều nhòe cả, vì nước mắt nhỏ xuống., Nhưng cũng may cho anh Thái trong thư có một tấm ngân phiếu một nghìn quan. Anh ngắm nghía tấm ngân phiếu rồi nửa cười nửa khóc bảo tôi:
- Tôi không muốn lĩnh tiền, muốn giữ lại làm kỷ niệm.
Tôi lo lắng khuyên:
- Anh giữ lại bức thư cũng đủ,
Ngày hôm sau chúng tôi lên Paris, bỏ anh Quang lại một mình với nỗi buồn lẻ loi của anh. Lúc tiễn ra ga, anh Quang nói mát chúng tôi:
- Nghỉ hè, có là nhà quê mới lên ở Paris, vì ở trên đó nóng như ở Saigon. Nhưng các anh thì nên đi lắm, để xem xét ‘‘thành phố ánh sáng’’ (ville de lumière) cho sáng mắt ra.
Anh Quang ý muốn giễu chúng tôi là nhà quê.
Lúc xe huýt còi chạy, anh Quang đương cầm mùi soa vẫy, bỗng cúi đầu xuống, lấy mùi soa giụi mắt. Anh Thái cười xòa nói:
- Chắc anh Quang bị bụi than vào mắt.
Thế là xe lửa đã báo thù cho chúng tôi.
Hễ cứ lên xe lửa ở bên này, tôi lại nhớ đến xe lửa bên nước nhà. Tôi nhớ có đọc một câu thơ ở một cuốn sách: ‘‘Xe lửa ở bên Đông dương lúc nào hứng chí mới chạy, mà chỉ chạy chậm như rùa... ông Tiễu’’, (Hai chữ sau cùng tôi thêm vào). Hạng nhất xe lửa bên Đông Dương bằng hạng bét xe lửa bên này và ở bên Nhật, còn hạng bét xe lửa bên Đông Dương thì chưa hiểu bằng hạng gì.
Ngồi thấy êm hai bên mông, tôi nẩy ra nhiều ý nghĩ triết lý về sự tiến bộ. Ở bên này nếu có một người chủ ô tô hàng để ghế không có đệm, hành khách họ sẽ cự ầm lên, không chịu ngồi. Hôm sau chủ xe phải đặt đệm.
Ở bên mình lần đầu tiên ngồi ghế không đệm thấy đau hai bên mông toan cự nhưng tự nhủ: đau một tí cũng chả chết ai, thế nào xong thôi. Lân đầu không thấy đau, đến lần thứ ba không những không thấy đau mà lại thấy êm nữa. Hai cái mông của mình thế là đã tiến bộ về mặt chịu đau. Còn mình thì không tiến bộ gì cả.
XE ĐIỆN NGẦM
Lúc ở trên xe lửa, chúng tôi có hỏi một người hành khách về những cái đáng xem của thành Paris, Người đó nói:
- Có ba thứ: Tháp Eiffel, nụ cười của ông Doumergue (ông tổng thống) và bộ giò của cô đào Mistinguett.
Tám giờ chiều chúng tôi đến Paris. Vừa ra khỏi ga, chúng tôi chui ngay xuống đất, độn thổ, để nếm mùi xe điện chạy dưới hầm trước khi xem bộ giò của cô Mistinguett.  
Xuống hết ba mươi bực thang, tôi thấy xe điện vừa tới. Tôi mừng quá chạy vội vào ga, nhưng một cánh cửa sắt như bị gió thổi, từ từ đóng lại trước mắt tôi. Tôi giơ hai tay hết sức bình sinh đẩy, nhưng vô công hiệu.
Ngửng đầu lên thì thấy cái biển đề:
- Các ngài đừng cố đẩy cánh cửa này, vô ích, vì cánh cửa đó đóng bằng điện.
Chúng tôi dành nhẫn nhục đứng lại nhìn cái biển nó rủa mát mình. Cái cánh cửa nó cũng như bảo chúng tôi rằng: Xe đến các ngài vội chạy vào sân ga nhẩy lên có ngày gẫy cẳng. Vì muốn giữ cho các ngài đủ cả hai cẳng nên tôi phải làm phiền lòng các ngài một tý.
Cánh cửa sắt từ từ mở ra như mời:
- Bây giờ xe đã chạy rồi, xin mời các ngài vào.
Đi chơi bằng xe điện hầm, có cái cảm tưởng như đi chơi dưới địa ngục hay dưới âm ty có đèn điện.
Đi xuống đây vừa rẻ tiền lại vừa không phải đánh đồng thiếp.
Cứ việc bỏ bảy xu rồi chui xuống. Chui xuống rồi ở lì dưới đó. Nếu thò đầu lên la hỏng, lên rồi mất toi bảy xu ngay.
Vì thế nên ai cũng vậy, có đến nơi rồi mới thò đầu lên cho khỏi phí. Những ông có tính hà tiện, lúc đến nơi khi thò đầu lên, trông rõ có vẻ tiếc tiền. Tôi cũng vậy, những hôm nào trong túi chỉ có độ gần một quan, tôi lấy ngay một cái vẻ, rồi xuống ở lì dưới ấy mấy giờ đồng hồ để ngắm phong cảnh cho quên cái đói. Phong cảnh đây là phong cảnh ở trong xe, chứ ở ngoài thì tối om. Thứ nhất là những giờ thợ thuyền đi làm về, nhất là các cô thợ. Mình tha hồ chọn; tuy bụng đói nhưng thấy cô nào đẹp là đi theo đường cô đó. Nhưng đến lúc cô đó lên trên là mình băn khoăn lạ. Không lên thì mất một cái đẹp, mà lên thì tiếc một cái vé... Tôi đành lùi xuống vậy, rồi lại đi cò bơ cò bất tìm cảnh đẹp khác để khuây đói.
Có lắm ga lên rất ngộ: thí dụ như ga Muette (tạm dịch là câm), ga nhà tù Bastille, ga Lyon (tạm dịch là ga sư tử). Trước khi đâm đầu xuống hầm phải xem bản địa đồ để ở ga: trông bản địa đồ bối rối như mạng nhện sau trận mưa rào. Lấy ngón tay lần theo các đường xe y như bói quẻ vậy. Vui nhất là những lúc mình xem địa đồ có một cô đẹp đứng ngay bên cạnh cũng lấy ngón tay lần theo các đường xe như mình. Hỏi chuyện cô ta một vài câu bâng quơ, mà không thấy cô ta đáp lại, và thấy có vẻ khinh khỉnh thì mình nghĩ ngay cách báo thù. Cũng không khó gì; lấy ngón tay chỉ vào ‘‘ga câm’’, rồi nói to lên, có ta sẽ hiểu ý ngay. Có cô vì câu nói sâu xa ấy, mà phải mỉm cười rồi bắt chuyện, để tỏ ra mình không câm. Có cô tìm cách trả lời ý nhị: cô ta chỉ ngón tay vào nhà tù Bastille rồi cũng nói to lên. Ý cô ta muốn bảo nhẹ mình rằng chạm vào tôi thì tù ngay.
Tôi cũng vừa hiểu ý và liệu mau mau lấy vé. chui xuống hầm: độn thổ.
Có một lần gặp hai vợ chồng nhà kia đứng bên cạnh nhau xem địa đồ. Hai vợ chồng vừa xem vừa cãi nhau. Vợ mắng chồng tối cả mặt mũi. Tôi tức mình muốn rủa mát bà vợ, bèn chỉ vào ga sư tử nói thật to. Phiền một nỗi bà vợ là người Tây nên không hiểu câu nói mát của tôi. Bà vẫn mắng chồng dữ dội hơn sư tử Hà Đông.
CAO LÂU TÀU VÀ HẰNG CƠM BÌNH DÂN
Sau khi đã xuống địa ngục, chúng tôi lên Thiên đàng. Thiện đàng đây là các hiệu cơm 
Tàu ở Paris. Không gì thú hơn là ở giữa đất Tây được hưởng cao lâu Tầu, không gì sướng hơn được gõ đũa vào bát, trước mặt có một đãi thịt quay da đỏ hồng, mỡ trắng boong, nằm rất thứ tự bên mấy củ kiệu trong, mới trông cũng đủ chẩy nước dãi. Chung quanh đĩa thịt quay, các món xào (thịt bò xào nấm hương, gà xào hạnh nhân, xào măng, giá) mấy đĩa cá xào chua ngọt và bát canh đua nhau bốc hơi thơm. Khách ăn tưởng lạc loài vào chốn bồng lai, mây bay sương tỏa.

Chỉ phiền rằng xuống địa ngục mất có bảy xu, nhưng lên thiên đường mất những mấy chục quan. Vì lẽ ấy, nên chúng tôi ít được lên thiên đường, tuy rằng ngày đêm vẫn cầu nguyện và lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm đến những món ăn thần tiên đó.
Ở Paris tất cả có sáu hiệu: sang có, xoàng có. Nhưng có một điều đáng chú ý là hiệu nào cũng sạch sẽ ; ở dưới đất không có xương xẩu hay giấy bẩn, ở trên ghế không có những ông ngồi vén quần lên tận bẹn, vừa gãi vừa nạo cổ khạc nhổ xuống đất. Người Tàu sang đây đã ‘‘lây sạch’’ của người Tây. Lắm người bảo chính vì thế, nên ăn có một đôi phần kém ngon, đồ ăn giảm đôi chút hương vị cố hữu.
Có một điều lạ là những lúc thật giàu và những lúc túi gần cạn là chúng tôi được đi ăn cơm Tàu; những lúc giàu vào ăn rất nhiều món sang; những lúc nghèo vào gọi những món rất mặn và một bát canh, rồi và lùa cho đầy bụng, vì lệ ở đây tha hồ gọi cơm, không phải trả thêm. Ăn xong lúc đi ra ngoài, nhìn đến bộ áo đẹp và nghĩ đến cái dạ dầy đầy căng những cơm, chúng tôi thấy rõ chúng tôi lúc đó là những phường ‘‘giá áo túi cơm’’. Có người nói trước kia một hiệu đã đặt ra cái lệ: đem cân khách hàng lúc vào, lúc ra, rồi tùy theo số cân chênh lệch mà tính tiền. Cái lệ ấy đã bỏ hẳn. Vì có lắm người vào ăn rồi ở lỳ trong đó cho cơm tiêu hết mới ra.
Tôi không quên nói rằng trong những thiên đàng ấy có cả tiên nữ. Tiên nữ là những cô đầm, bạn của các học sinh da vàng và các bà chuộng lạ. Lắm cô ăn bằng thìa vì không quen cầm đũa; các cô bỏ đồ ăn lại, rưới nước mắm và  xì dầu vào cơm, trộn đều lên rồi ngồi nhai lấy làm ngon lành lắm. Lắm cô cầm đũa rất thạo, cũng gấp cũng chấm, cũng gõ đũa vào bát, cũng cắn sợi giá làm đôi, y như một tiểu thư Aunam. Tiếng nói chuyện, tiếng đũa bát chạm vào nhau làm cho ta tưởng như đương ăn một bữa cỗ giỗ mà trong đó có cả các ông tây, bà đầm. 
QUÁN CƠM BÌNH DÂN
Vào bất cứ hàng cơm nào ở bên Pháp hay ở bên ta, thì cũng có bồi chạy ra hỏi han, hầu hạ và đòi mình cho tiền. Tiền ấy ở bên Pháp gọi là ‘‘tiền để uống rượu’’ (pourboire); cho tiền uống rượu là một cái lệ không thể bỏ được. Nếu ai đãng trí quên thì người bồi tìm cách nhắc nhở một cách rất khéo léo. Đại khái họ nói:
- Tôi chắc ngài là một vị thông thái.
Mình nở mũi hỏi:
- Sao bác biết?
Người bồi cười một cách rất có duyên:
- Các vị thông thái hay đãng trí.
Tất nhiên mình sẽ móc túi đãi bác ta tiền ngay để tỏ ra rằng mình đã hiểu ý nghĩa sâu xa của câu bác nói: mình quả là một vị thông thái, nhưng không đãng trí.
Nếu mình nhất định bỏ cái lệ đó đi, thì người bồi tìm cách nhìn mình như nhìn một nhà cải cách nguy hiểm và đáng ghét, lần sau không thèm gặp nữa.
Vì cái lệ đó, nên bồi làm hàng cà phê không những không ăn lương của chủ, lại phải chia tiền cho chủ nữa.
Vì có cái lệ đó, cố nhiên là không dễ chịu cho khách hàng - nhất là cho chúng tôi những khi hết tiền. Vốn lệ phải cho mười phần trăm món tiền mình tiêu. Ăn bữa cơm mất năm hào thì phải trả năm hào rưỡi, mất năm hào ba, thì phải trả sáu hào cho ‘‘gọn số’’
Bằng bảy xu ấy, chiều có thể mua bánh tây ăn đỡ đói được, nhưng vì cái lệ phải mất bảy xu, nên chiều đành uống nước lã để ông bồi có ‘‘tiền uống rượu’’.
Nhưng ở hàng cơm bình dân thì không thế. Mình phải hầu lấy mình. Hàng cơm đó ở vào ‘‘khu học sinh’’ của thành phố, và chỉ để riêng cho học sinh dùng. Tuy vậy cũng có lắm người chuộng lạ vào ăn: như các nhà triệu phú Mỹ và chúng tôi.
Thoạt mới vào... phải đứng nối đuôi. Trước mặt mình có một cái lưng và sau lưng mình có một người khác cũng đứng ngắm lưng mình. Cái lưng trước càng tiến lên bao nhiêu thì mình lại
Trước khi đến bếp, mình phải lấy một cái mâm, một con dao, một cái nĩa và một cái thìa. Khi qua chỗ để đồ ăn, mình đưa mắt ngắm qua một lượt, chọn xem thứ đồ ăn nào vừa miệng và vừa tiền mình thì lấy tay chỉ. Một cò gái rất xinh sẽ đặt vào mâm mình đĩa đồ ăn đó và mỉm cười như có ý bảo:
- Anh có con mắt tinh đời.
Chưa hiểu con mắt tinh đời đó để ngắm đồ ăn hay ngắm cô hàng xinh. Sau khi lấy các thức, liền bưng mâm đi qua các cửa ải. Ở đó có một bà ngồi đợi, bà ta bảo mình đứng lại rồi nhìn lướt qua mâm để tính tiền: thí dụ, anh lấy một đĩa thịt bò, một quan mười lăm xu, một đĩa bắp cải mười lăm xu, một bát xúp mười lăm xu, một cái bánh mười xu, thì bà ấy nói luôn ba quan mười lăm xu (một quan bằng hai mươi xu). Học trò trường đại học toán pháp đã chịu thua bà ta về tính cộng. Bà ta đưa cho mình tờ giấy có in đủ các giá tiền từ một đến mười quan, rồi cầm máy bấm bấm vào chỗ để ba quan mười lăm xu. Ấy thế là số mình đã định, đố chạy đâu thoát, không còn cách gì tẩy xóa được nữa. Chúng tôi gọi bà là bà bấm số tử vi. Bà ta đã bấm ba quan mười lăm xu thì y như chốc nữa phải trả đúng ba quan, mười lăm xu mới thoát nợ đời.
Qua được cửa ải đó, liền bưng mâm vào bàn rồi tha hồ ăn, ăn cho kỳ hết. Nhiều khi có món không thích, mà thấy mâm của người bên cạnh có món chưa đụng tới, liền ‘‘lưỡng tương hoán cải’’. Lúc ở chỗ lấy đồ ăn, và lúc bưng mâm vào, thì tôi là một người bồi (khi còn ở nhà, tôi tập làm bồi, bây giờ mới biết là có ích lợi). Lúc đặt mâm xuống bàn, tôi nói một cách rất lễ phép:
- Xin mời ông xơi cơm.
Nói xong, tôi ngồi ngay xuống ghế, mồm lẩm bẩm:
- Thôi bây giờ cho anh lui xuống nhà dưới.
Làm như vậy đế cho thoả cái tính đài các rởm của mình khi còn ở bên nước nhà.
Ăn xong tôi gọi:
- Nhỏ, bưng mâm đây.
Tức thì tôi đứng dậy và, bưng mâm trả nhà hàng.
Muốn ra, minh cầm tờ giấy có lỗ bấm đến két trả tiền. Người giữ két sẽ phát cho mình một mẩu giấy để xuất hành.
QUẪN BÁCH
Hai chúng tôi ở một cái buồng, một buồng rất sang của một khách sạn ở khu La tinh.
Trước kia, chúng tôi tưởng khu La tinh là một khu riêng, chung quanh có tường bao bọc, và nhà cửa ở đây làm theo kiểu nhà La Mã đời xưa, khác hẳn các phố ở Paris. Sau chúng tôi mới biết rằng có khi đi qua khu đó cũng không biết rằng khu đó là khu La tinh.
Đời chúng tôi ở Paris thật là êm đềm và nhàn nhã, có bận họa chăng chỉ bận đi xem các nơi. Buổi sáng, sau khi đã đi thăm các hàng cà phê một cách quá ư cẩn thận, chúng tôi lượn ra bờ sông Seine mua sách và qua cầu xem các bảo tàng. Buổi trưa ăn cơm Tầu rồi, chúng tôi vào vườn Lục xâm bảo (mà chúng tôi gọi là vườn Tim sấm páo cho có vẽ Tàu) để ngắm ‘‘lá cây rơi từng chiếc một trên vai trắng các bức tượng’’ như nhà văn sĩ Anatole France đã viết. Phiền một nổi lúc đó về mùa hạ, lá cây không rơi. Thất vọng, chúng tôi bèn tự an ủi bằng cách nhìn vai trắng xóa phấn của các bức tượng hoạt động. Tối đến, chúng tôi đi xem các bộ giò có tiếng ở các nhà hát và ở các rạp chiếu bóng.
Chúng tôi đương sống những ngày rất đầy đủ, một buổi sáng… đang ngồi ở vườn ‘‘Lục xâm bảo’’, vừa ngáp vừa nhìn lũ trẻ nô đùa, thì anh Trạch, bạn học cùng tỉnh, ở đâu lù lù dẫn đến. Lúc đó chúng tôi chỉ biết mừng một người bạn, chứ không ngờ đâu đến những việc xẩy ra về sau.
Anh Trạch cho chúng tôi hay rằng anh lên đây vì cần mấy cuốn sách hiếm để khảo cứu. Chúng tôi gật đầu cho anh là phải, và mời anh đi ăn bữa cơm Tàu. Anh cũng gật đầu cho chúng tôi nghĩ thế là phải và nhận lời đi ngay. Chiều, anh lại gật đầu nhận ăn một bữa cơm nữa, và tối hôm ấy, anh lại gật đầu nhận ngủ nhờ giường của chúng tôi. Sáng hôm sau, anh Trạch từ biệt chúng tôi và lúc đi lại không quên mượn chúng tôi hai trăm quan.
Tôi gắt anh Thái:
- Chúng mình lấy gì mà tiêu bây giờ?
Anh Thái cười đáp:
- Mai thế nào tôi cũng nhận được tiền ở nhà gửi sang,
Mai không thấy gì, mà kia cũng không thấy gì nốt. Anh Thái đâm lo, tôi cũng vậy. Ba ngày hôm sau, hai chúng tôi lại ra vườn Lục xâm bảo. Nhưng đã quá giờ ăn mà chúng tôi vẫn không nhúc nhích. Anh Thái ngáp một cái đến chảy nước mắt, mỉm cười bảo tôi:
- Anh đếm lại xem.
Tôi đếm đi đếm lại vẫn chỉ có mười lăm xu. Anh Thái bỗng vỗ vai tôi một cái thật mạnh, làm tôi đói thêm mấy giờ đồng hồ.
- Tôi có một người quen ở Mont-Rouge.
- Ồ thú nhỉ! Nhưng Mont Rouge cách đây sáu cây số. Anh đi sao nổi.
- Tôi đi xe điện ngầm.
Ngẫm nghĩ một lát anh Thái buồn rầu nói:
- Tôi phải đi bộ. Chứ nếu đi ngay xe hết mười lăm xu này, lỡ không vay được tiền, thì tôi không còn sức nào về đây chết đói cùng anh được.
Hai giờ đồng hồ sau, tôi thấy anh Thái chui ở dưới đất lên.
- Người bạn tôi hiện cũng như chúng mình.  Nhưng giàu hơn một tí, nên cho tôi vay được hai mươi xu. Mất mười lăm xu mà vay được hai mươi xu, chúng mình côn lai nỗm xu, vậy còn hai mươi xu tất cả. Ta mua bánh tây ăn vậy.
Đến trước một cửa hàng bánh, chúng tôi lấy mắt chọn mãi, có cái bánh tây to một cân trông rất ngon, nhưng tôi không nhớ là một cân bánh giá hai mươi xu hay hai mươi mốt xu. Hỏi giá cái bánh to mà không mua thì ngượng lắm, chúng tôi bàn nhau vào mua bánh nhỏ vậy. Sau khi đã biết đích xác giá một cái bánh nhỏ là sáu xu, sau khi đã nhân ba lần sáu xu một cách cẩn thận, chúng tôi mới dám hỏi mua ba cái.
Chúng tôi vội vã về buồng, về cái buồng rất sang của chúng tôi để hưởng ba cái bánh quý hóa đó. Tôi vừa đi vừa băn khoăn nghĩ ngợi không biết chia cái bánh thứ ba thế nào cho thật đều.
Chúng tôi không ngờ đâu bữa ‘‘cơm tây‘’ đó là bữa cơm cuối cùng ở Paris.
Chúng tôi chưa từng bao giờ ăn bữa cơm ngon như vậy. Mỗi người ra máy rót một cốc đầy nước lã và cố ý đặt cốc thật thấp để cho nhiều bọt nổi lên; chúng tôi tạm nhận hai cốc đó là hai cốc sâm banh và chạm cốc mừng lẫn nhau một cách vui vẻ.
Thấy ngà ngà say, chúng tôi rủ nhau đi chơi cho hả rượu. Dạ dày tuy đầy căng, nhưng ăn bánh tây không, nên tưởng tượng như thiếu xương sống. Chúng tôi thấy cái tháp Eiffel lúc đó có vẻ mềm oặt, ẻo lả chứ không cứng cáp như mọi hôm.
Đi chơi về, chúng tôi để cả quần áo lên giường nằm. Anh Thái trước khi nhắm mắt, nhắc đi nhắc lại câu.
- Mai thế nào tôi cũng nhận được tiền.
Tôi bảo anh Thái:
- Ta cứ ngủ kỹ. Mai chín giờ người đưa thư sẽ đánh thức chúng ta dậy. Nếu ngủ đến mười một giờ là hết hy vọng đấy.
Quả nhiên chín giờ sáng có người vào đánh thức chúng tôi dậy.
Anh Thái mừng quýnh:
- Bác đưa đây tôi ký.
Tôi dụi mắt tự hỏi:
- Nhưng sao lại những hai người phắc tơ?
Nhìn mãi thì hóa ra hai người sen đầm. Tôi bảo anh Thái:
- Sen đầm đưa thư kia đấy. Long trọng chưa?
Hai người sen đầm không để ý đến câu khôi hài có ý vị ấy. Họ đưa cho chúng tôi xem một tờ giấy và nói:
- Theo lệnh của ông thượng thư nội vụ, hai ông bị trục xuất ra khỏi nước Pháp, xin mời hai ông xếp đồ đạc vào va ly theo chúng tôi về bót.
Anh Thái hỏi tôi:
- Cái gì ngộ dữ vậy?
Tôi cũng tiếp:
- Khá vui đấy.
Chúng tôi biết rằng phân trần với hai người sen đầm này là một sự tối vô ích, vì họ chỉ làm việc theo lệnh trên. Chúng tôi vừa xếp quần áo vào va ly vừa bàn tán về cách đối phó. Tôi cười:
- Miễn là lên bót họ cho mình chén.
- Cái đó đã hẳn.
- Thế thì còn lưỡng lự gì mà không lên bót?
Anh Thái bỗng nghĩ được một ý hay:
- Hay là nhân dịp này ta về thăm nhà, không mất tiền.
Tôi đáp:
- Nhưng về thì không sang được nữa. Nghề chụp ảnh của tôi đành phải bỏ sao?
- Nhưng chúng mình oan, sao lại không sang được nữa?
Lúc lên bót, chúng tôi đóng vai hai người phản động và nguy hiểm. Ngoài chúng tôi, cũng có đến gần chục người bị bắt. Họ cho chúng tôi là phái viên của tỉnh T... lên đây để hành động. Ông Cẩm hỏi:
- Ông Trạch có lại tìm các ông... các ông hẹn nhau ở vườn Lục xâm bảo để ăn cơm Tàu và lúc ông Trạch đi, hai ông lại không quên cho ông Trạch vay tiền. Có phải thể không?...Kìa, hai ông trả lời đi...
Tôi toan nói:
- Chính vì cho ông Trạch vay tiền, nên chúng tôi đói phải mò đến đây.
Thì anh Thái đã dõng dạc trả lời:
- Ông không cần phải hỏi lôi thôi. Ông đã biết rồi thì còn hỏi làm gì cho mất thì giờ.
Tôi trông anh Thái lúc đó có vẻ cứng cỏi lạ, tuy người anh lúc đó đói mèm. Sau tôi mới biết rằng cứng cỏi hơn là phải, vì phân trần cũng không bổ ích gì.
Sáng hôm sau chúng tôi đã ở Marseille.
Khi tầu đi ngang qua hòn đảo Côn Lôn, chúng tôi chỉ mong cho tầu tránh ra xa xa.
CHƯA CHẾT... NHƯNG MÀ...
Hôm nọ anh Thái đến tìm tôi, nhờ chụp một bức ảnh để gửi sang Pháp cho anh em bạn bên đó. Chúng tôi nhìn nhau cảm động.
- Thế mà thấm thoát đã...
Anh Thái vừa nói vừa lấy mùi soa lau nước mắt, tuy hai mắt anh lúc đó vẫn khô ráo như thường. Anh nói:
- Từ độ về nước nhà, mắt tôi chưa hề cho đẫm lệ bao giờ.
Tôi cười đáp:
- Có lẽ vì anh không có dịp thái hành nữa.
Tôi mời anh ở lại ăn cơm, do tự tay chúng tôi nấu lấy. Ăn xong rủ nhau đi chơi, tưởng tượng như khi còn ở đất Pháp. Vừa ra đến đầu phố, gặp ngay hai người đàn bà ngồi ở vệ đường đương bới tóc bắt chấy cho nhau. Tôi nói:
- Quê hương xứ sở!
Anh Thái thản nhiên đáp:
- Trông lâu cũng quen mắt, bây giờ tôi thấy cảnh ấy có một vẻ đẹp riêng.
Ngừng một lúc, anh bùi ngùi nói tiếp:
- Vả lại mọi người bạn học khác cũng vậy. Chúng mình đã biến thành những người khác rồi. Khác xa hồi bồng bột độ ấy. Chúng mình bị sa lầy... chìm... chìm dần.
Anh thở dài:
- Cuộc đời như vậy, biết sao?
Tôi nói chữa:
- Hoàn cảnh!
Đi qua một cửa hiệu sách, anh Thái như sực nhớ điều gì:
- Anh, tôi vừa xem báo được tin anh Tích chết.
- Ai?
- Tích thi sĩ ấy mà. Chết vì ho lao.
Tôi thấy nhói một cái ở tim:
- Thế à?
Và tôi lại thấy hiện ra rất rõ ràng nhà thi sĩ của tôi, nhà thi sĩ nhút nhát mà bừa bãi, thích ăn thích uống, thích cả làm thơ trong và hát thơ tục. Và nhất là cái nháy nháy mắt của anh khi đói được nuốt miếng thịt ngon, khiến tôi thương anh quá.
- Chết thật à?
Anh Thái không đáp và hai chúng tôi cùng đi chầm chậm trong một sự buồn thương.
Một lát anh Thái thở dài rồi nói rất nhẹ:
- Còn chúng mình... chưa chết... nhưng mà...
12/2/2022
 Khái Hưng
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...