Thứ Ba, 1 tháng 3, 2022

Đến với thơ đương đại - Một góc nhìn mới về thơ hôm nay

Đến với thơ đương đại (*)
Một góc nhìn mới về thơ hôm nay

Đây là cuốn sách thứ mười lăm của tác giả. Sách có hai phần: Phần một, bàn luận về đổi mới thơ trên các bình diện hình thái tổng hợp thẩm mỹ, thể tài cùng các thủ pháp nghệ thuật đặc trưng;  Phần hai , giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Vũ Quần Phương, Trần Quang Quý, Phạm Đình Ân, Hoàng Vũ Thuật, Lê Quốc Hán, Phan Vàng Anh, Vi Thùy Linh, Duy Thảo, Nguyễn Ngọc Phú...
Trong chiều dài lịch sử, những thời kỳ có giao lưu văn hóa thì văn hóa bản địa đều có những thay đổi, thơ Việt qua các thời kỳ là một minh chứng cho điều đó. Thời trung cổ chịu ảnh hưởng văn hóa Hoa hạ ta có dòng thơ luật Đường, thời Pháp thuộc ảnh hưởng thơ Pháp phong trào thơ Mới nảy nở, thời hai cuộc kháng chiến thơ ta cách tân nhiều với sự tác động của Nga và thơ phương Tây. Sau ngày thống nhất điều kiện giao lưu càng rộng mở sự tiếp biến với nền thơ thế giới càng đây đặn, các trào lưu thơ Âu Mỹ du nhập làm thay đổi nhiều diện mạo nền thơ đương đại Việt. Tác giả tập sách khảo sát sự thay đổi này không bằng con mắt nệ cổ hoặc phục mới tùy hứng mà trên một căn bản truyền thống và cách tân có quan hệ biện chứng với đời sống.
Ngay từ đầu tác giả đã đưa ra nhận định:
“Xã hội Phương Tây, có thể vào những thời điểm nhất định các vấn đề nội dung xã hội, nội dung nhân đạo, dân chủ của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng coi như đã rõ ràng, thống nhất, đã tạo một đương “pit” cho nghệ thuật. Cái mới  chủ yếu là sự tìm tòi phương thức biểu hiện, cho nên họ hướng mạnh vào hình thức, vào các phương thức biểu hiện; còn ở phương Đông, đặc biệt ở các nước từ chiến tranh bước ra, từ nghèo nàn lạc hậu đi lên, nhiều cải cách về nội dung xã hội về đời sống tinh thần đang ở giai đoạn phân tranh, nên Cái Mới hình thành và phát triển vẫn có một quy luật riêng, Cái Riêng này tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam trên con đường độc đáo để xây dựng kinh tế cũng như văn hóa của mình. Nói một cách khác trong Cái Mới cần chú ý Cái Riêng của Việt Nam. Xóa nhòa hoặc quên điều này tác phẩm sẽ không có sức sống bền lâu!“
Với những luận điểm đó làm cơ sở tác giả phát triển tập sách của mình trên các vấn đề khá thời sự nhưng cũng khá cơ bản của thơ ca Việt.
Sự đổi mới của Thơ đương đại, tác giả trình bày đầu tiên là sự mở rộng đề tài và biên độ cảm xúc. Việc mở rộng biên độ cảm xúc trong Thơ gắn liền với việc mở rộng phạm vi đối  tượng thẩm mỹ. Đề tài của Thơ không còn độc tôn cho những vấn đề thời sự chính trị, những vấn đề gắn với thông tấn báo chí, Thơ có thể đề cấp đến mọi vấn đề của đời sống con người miễn là với “cái nhìn của Thơ” để tái hiện chân lý cuộc sống. Không có gì thuộc về con người xa lạ với Thơ! Hay nói như cụ Nguyễn Du hai trăm năm trước: Trên mặt đất nơi nào chẳng có văn chương! (Đại địa văn chương tùy xứ kiến). Nhiều sự kiện đời thường được thể hiện và để lại dấu ấn thật sâu sắc trong thơ. 
Tác giả đánh giá cao vai trò độc giả công chúng trong công cuộc đổi mới và phát triển thơ, nhiều hiện tượng văn học công chúng đọc khen chê trước sau đó các nhà phê bình tổng hợp lại nâng cao lên mà thành dư luận chung (phong trào Thơ Mới, hiện tượng thơ Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ…): Sự phê bình đánh giá của công chúng đối với thơ ca như vậy diễn ra trên hai bình diện: một là ý kiến trực tiếp thổ lộ nhận xét khen chê, hai là sự chấp nhận và quảng bá sự phê bình đánh giá của người khác, nhân rộng làm nó sống theo thời gian.
Nói về đặc trưng hình thái tổng hợp thẩm mỹ trong thơ (xây dựng hình tượng), tác giả nêu nhận xét: “Hình tượng trong Thơ đương đại, để biểu đạt trọn vẹn sâu sắc các thông điệp tác giả gửi tới bạn đọc, thường là một phức thể kết hợp nhiều yếu tố, nhiều biện pháp, từ miêu tả hiện thực một cách cụ thể - lịch sử, thể hiện cuộc sống như vốn có, tiến một cấp chấp nhận các yếu tố tượng trưng, ước lệ, kỳ ảo, đến bây giờ các thủ pháp tổng hợp thẩm mỹ của văn học đặc biệt là thơ đã tiến thêm một bước vào địa hạt tâm linh siêu thực.”
Nguyễn Việt Chiến khi xây dựng hình tượng Nguyễn Du trong bài thơ cùng tên cũng đã xử dụng cách xử dựng các chi tiết có màu sắc siêu thực:… trước mùa trăng sinh nở/ Nguyễn Du là người mộng du ân ái cùng trăng/ nhưng chưa đến nửa đêm thì Truyện Kiều đã viêt xong/ và Nguyễn Du đạp mây trở về sông Tiền Đường./ để lại môt bông trăng thức trong chiếc bình đêm/ thức chầm chậm/ đến sáng thì nở/ nở thành một nàng Kiều trắng trong/ giữa vẫn đục cõi người./ (Nguyễn Việt Chiến - Trăng Nguyễn Du )
Tác giả đề cao sự cách tân các thể tài nhưng luôn tỉnh táo trước sự chạy theo mode xa lạ ở xứ người. Đối với hiện tượng Thơ trình diễn, tác giả viết:
“Tác phẩm nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, sức mạnh và lẽ tồn tại của nó nằm ở chính “hình tượng nghệ thuật”. Hình tượng nghệ thuật thơ được tạo nên bởi ngôn ngữ. Nó có màu sắc cũng do ngôn ngữ, nó giàu âm thanh cũng nhờ ngôn ngữ, và có hình khối cũng bởi ngôn ngữ. Sự tồn tại và phát triển của nó không thể thoát ly khỏi ngôn ngữ! Ấy thế mà giờ đây cái chỉnh thể tồn tại của Thơ đã thay đổi, từ Hình Tượng Thơ Ngôn Ngữ, chuyển sang Tác Giả Thơ Vũ Nhạc, từ một thể loại nghệ thuật thời gian sang nghệ thuật không gian. Liệu như vậy có còn gọi là phát triển, làm đẹp thơ hay không!“
Về các thủ pháp nghệ thuật, trong các tác phẩm thơ đương đại tác giả chú ý đến sự gắn bó giữa các thành tố ý thức và tâm linh, lý trí và bản năng, thực và ảo, đặc biệt sự chi phối của lý trí và yêu cầu thực tế đời sống. Đó là các yếu tố có tiền đề từ trước trong văn học cổ cũng như văn học dân gian, trong sự giao lưu văn hóa thời kỳ mới các tác giả tô đậm lên thành các đặc điểm nổi bật như tính biểu tượng, tâm linh, siêu thực, sắp đặt, lắp ghép làm  cho hình tượng thơ biến hóa đa dạng giàu sức biểu cảm, kích thích nhiều trí tưởng tượng người đọc
Những yếu tố này được thể hiện rõ đậm đặc ở các cây bút tiên phong. Nguyễn Quang Thiều chẳng hạn. Thế giới vạn vật trong thơ ông, đó là một thế giới đồng đẳng, tất cả mọi sinh linh trước ánh sáng của tư duy nghệ thuật đều chung một tư cách nhân sinh: người - vật, hữu cơ - vô cơ, hữu linh - vô linh... như nhau, chung suy nghĩ, chung cảm giác vui buồn. Cứ thế tác giả tṛò chuyện với tất cả, tất cả tṛò chuyện cùng tác giả và bày tỏ với độc giả cái thế giới kỳ diệu đó của mình. Chính cái đặc điểm này khiến thơ Nguyễn Quang Thiều, rất gần với lối suy cảm nghệ thuật phương Đông, cũng như truyền thống thẩm mỹ dân tộc. Đúng như nhận xét:
“Vũ trụ là một đại hòa điệu mà đức tính là sáng tạo nghệ thuật. Nghệ sĩ phải cảm thông được với đức tính ấy, qua cảnh vật biến ảo thiên nhiên tìm vào nguồn tâm sinh linh động không có trong và ngoài, chủ quan và khách quan nữa” (Nguyễn Đăng Thục - Thiền học Việt Nam - NXB Thuận Hóa 1997 tr.241.)
Tư duy phản biện đậm màu sắc triết lý nhân sinh mới được đề cao trong thơ. Phê bình thơ Phạm Đình Ân tác giả nói khá rõ nét nổi trội ở thi sĩ này:
“Con người đi qua bao thế kỷ cùng câu hỏi Sống hay không sống? Và nếu sống thì chọn thời nào để sống? sống thế nào giữa hai phân cực tốt - xấu.
Trong thực tại Phạm Đình Ân không thể chọn thời mà sống, anh phải sống với thời nay và chỉ có quyền chọn cách sống. Trong tâm thức tác giả luôn hướng về cái thật, bất bình với những nghịch lý nhưng nhập vào cuộc sống này thật khó khăn khi nhiều lúc nhiều nơi cái xấu cơ hồ lấn át điều thiện. Cuộc sống trong cảm nhận của tác giả nhiều nghịch lý: Cái thật, cái giả sao mà lẫn lộn nhiều đến vậy. Thân đó mà xa đó, thuận ở đây nhưng chống ở kia. Đen đỏ rối tung, ngọt đắng vào ra đổi thay trong khoảnh khắc:
… Đang thân, bỗng lạnh mặt mày/ Lạ xa, thoắt cái bắt tay hẹn thề.
 Rối tung đen đỏ, chơi cùng quỷ ma
Cuộc sống không chỉ lẫn lộn thật giả mà còn đầy những nghịch cảnh, Thấp: cạn nắng, cao: trũng mưa/ Đây dư đòn phạt, kia thừa lộc khen. Cái phi lý “kẻ ăn không hết người làm không ra”, “nước chảy về chỗ cao” một thời tưởng đã lùi xa nay lại xuất hiện. Con người không còn tin vào quy luật, tin vào bản chất cuộc sống mà chỉ còn tin vào số phận vào rủi may. Cái rủi may bám kiếp người - một thức nhận mà nhiều phận người đã bao lần thốt lên.”
Về ngôn ngữ, thể tài, tác giả lý giải sự đổi mới trên cơ sở lý tưởng dân chủ hoá nghệ thuật, chúng được đưa xích lại gần đời sống và độc giả, không còn là sự độc tôn biểu hiện của chủ thể. Ngôn ngữ đời thường, khẩu ngữ, câu thơ vắt dòng, leo thang, không dấu chấm, phẩy, tiết tấu tự do, đột biến… tất cả làm thơ đương đại có một âm hưởng mới về thính giác cũng như thị giác.
Trong thời đại mở cửa và có nhiều phương tiện thông tin hiện đại, người viết cũng như người đọc có điều kiện để tiếp cận nhiều khuynh hướng sáng tạo, học tập nhiều nền văn hóa tiên tiến. Các nhà văn, nhà thơ phải tiêu hóa tốt các thứ  mới mẻ và hữu ích thì viết có nhiều cái hay, còn ai vội vã, sống sít  thì viết ít cái được! Điều rút ra bài học là nhà văn trong đời sống hội nhập hiện nay phải biến thành máu thịt những quan điểm triết học, mỹ học tiên tiến, đồng thời cần thâm nhập sâu sắc vào đời sống cộng đồng mới có những sáng tạo giá trị. Nghe thì rất cũ nhưng làm được thì không dễ! Đó là một điều căn bản của quá trình sáng tạo nghệ thuật mà các nhà thơ cần tâm niệm vì rằng: Tác phẩm được viết ra với bao nhiêu mới lạ về câu chữ chỉ là  những mới lạ của văn bản, bao giờ những mới lạ đó đi vào được cảm xúc của độc giả để họ cộng hưởng đồng sáng tạo thì văn bản mới trở thành tác phẩm văn học đích thực. 
Chú thích:
(*) Hà Quảng, lý luận - phê bình, Nxb HNV 2017. 
20/6/2017
Yến Nhi
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...