Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Làng tôi

Làng tôi

Từ lâu tôi muốn viết về làng tôi, nhưng mỗi lần định viết tôi lại suy đi nghĩ lại rồi lại cắn viết. Không phải tôi không biết về làng tôi, nhưng có lẽ tôi sợ tôi không có đủ từ ngữ để diễn tả làng tôi. Chỉ vì tôi quá yêu quý những điều từ mộc mạc đơn sơ nhất là cánh đồng, bờ ao, đến cảnh hùng vĩ núi non hiểm trở và nét đẹp lãng mạn của giòng sông sau làng. Tôi sợ, nếu tôi không chuyên chở hết những cái đẹp của ngày mùa với ngọn lúa, nương khoai, hay những cảm giác rờn rợn tóc gáy khi đứng trước vực nước sâu thẳm bên giòng sông sau làng qua bên kia bờ người đọc, sẽ làm buồn lòng người làng tôi và nhất là tôi.
Nhưng hôm nay tôi quyết định không cắn viết nữa. Cũng có thể tôi sẽ không làm người làng tôi hoàn toàn hãnh diện, mà có thể sẽ hụt hẫng khi nhìn lại bức tranh làng tôi vẽ, nhưng ít ra tôi sẽ không còn ấm ức rằng: sao tôi chưa viết về nơi chôn nhau cắt rún của tôi!
Tôi không sinh ra ở thành phố hay một thị trấn sầm uất nào trên phần đất quê hương Việt Nam, nhưng chỉ là một ngôi làng, một ngôi làng hẻo lánh ở miền Trung du nước Việt. Có lẽ vì là một ngôi làng hẻo lánh nên hai chữ “Làng Tôi” mang đậm chất thuần quê, và đủ để làm rung động lòng người mỗi khi nhắc đến. Vì nếu “Làng Tôi” là một phố thị hay một thị trấn nào đó thì sự rung động sẽ mất đi một phần chất phát của một miền quê.
Làng tôi mang tên Ba Bình, thuộc xã Nghĩa Thành (nay là Hành Thịnh), quận Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày xưa người quê tôi thường nói đến làng, rồi xã. Làng là một đơn vị của xã còn gọi là thôn hay ấp. Thôn Ba Bình chỉ là một thôn nhỏ nhất, kể cả diện tích lẫn dân cư, của xã Nghĩa Thành. Ở thời điểm 1965 xã Nghĩa Thành có những thôn: Thuận Phong, Thuận Hòa, Xuân Đình, Ba Bình, Đồng Xuân, Mỹ Hưng, và An Ba (quê hương của nhà cách mạng Lê Tựu Khiết). Ngày nay xã Hành Thịnh có 11 thôn: Xuân Hòa, Hòa Huân, Thuận Hòa, Xuân Đình, Ba Bình, Đồng Xuân, Mỹ Hưng, Xuân Ba, Châu Mỹ, Châu Me, và An Ba.
Để có cái nhìn tổng quát hơn, chữ “Làng Tôi” ở đây sẽ nói về xã Nghĩa Thành.
Làng tôi:
Đông giáp xã Đức Thạch quận Mộ Đức, với một phần sông Thoa làm ranh giới.
Tây giáp đèo Dưới thuộc núi Ngang.
Nam giáp núi Giàng, và xã Đức Sơn quận Mộ Đức.
Bắc giáp sông Vệ, bên kia bờ là xã Nghĩa Phước (nay là Hành Phước, quê hương của nhà học giả Khổng Đức - Đinh Tấn Dung) dưới chân núi Đình Cương.
Làng tôi cách trung tâm thị xã Quảng Ngãi khoảng 16 cây số đường chim bay về hướng Nam, và cách biển Đông khoảng 12 cây số đường chim bay về hướng Tây.
Làng thì có đầu làng và cuối làng. Nhưng ý nghĩa của chữ đầu làng và cuối làng có vẽ tương đối, tùy vào nơi người ta bước chân vào làng và nơi người ta bước chân ra. Nhưng với tôi, suốt quãng đời sinh ra và lớn lên ngắn ngủi ở làng như một con chim cuốc cứ lẩn quẩn trong làng cho đến một ngày tôi ra đi, là vĩnh viễn rời xa. Nên quan niệm về đầu làng của tôi là từ giòng sông nằm cạnh bên làng - sông Vệ, con sông gắn liền với tuổi trẻ của những người sống hai bên bờ. Nơi giòng nước trong xanh bắt đầu chảy vào làng, tôi gọi là đầu làng. Vậy đầu làng của làng tôi là thôn Thuận Phong, nơi giáp chân đèo Dưới, và cuối làng là thôn An Ba, nơi giáp sông Thoa và quận Mộ Đức.
Tôi sinh ra và lớn lên theo nhịp bành trướng của chiến tranh. Tuổi thơ của tôi, từ khi biết hấp thụ nét đẹp của quê hương vào ký ức, là chuỗi ngày bình an. Nhưng chuỗi ngày ấy không kéo dài được bao lâu thì chiến tranh ùa đến. Và một ngày nọ tội phải vội vã rời xa làng tôi. Một chuyến đi không được báo trước, không tính toán, không có dịp nắm tay nhắn nhủ với ngay cả những đứa bé tôi hằng chơi chung mỗi ngày, nên không có lời từ biệt! Tôi ra đi như một cơn bão lửa, lửa chiến tranh, lửa chiến tranh ngày ấy đã thiêu rụi làng tôi. Và tất cả hình ảnh “Làng Tôi” cũng chôn vùi trong ký ức kể từ ngày ấy.
Hôm nay, những trang ký ức về làng tôi của một thời xa xưa sẽ được mở ra. Và để bắt đầu cho cuộc trở về làng tôi qua ký ức, tôi nghĩ không đâu để bắt đầu tốt bằng đầu làng, đó là: Sông Ba Vực, Dinh Bà và đèo Mã Đao.
Đầu làng tôi giáp đèo Dưới, còn có tên gọi là đèo Quán Thơm hay đèo Mã Đao. Đèo không cao và dốc lắm, sau lưng đèo là núi Ngang, trước mặt là sông Vệ. Phần lớn đèo nằm bên sườn núi sát mé sông. Đứng trên đèo nhìn xuống sông cao thăm thẳm làm cho cảnh đèo trông có vẽ khí hùng, thế hiểm. Khúc sông Vệ trước mặt đèo mang tên sông Ba Vực, do khúc sông này có ba cái vực nằm kề nhau. Trong ba vực, vực nằm dưới chân đèo Mã Đao, khúc đầu đèo, là vực rộng và sâu nhất! Nước vực xanh dờn như màu đen và chảy vần như con xoáy. Đứng trên đèo nhìn ra sông Ba Vực như một con bạch xà khổng lồ, thân hình bóng loáng nằm uống mình im lìm bên sườn đèo như chờ nuốt trửng những ai lở chân trượt té xuống vực.
Vực rất sâu và nguy hiểm nên ít ai, kể cả nậu ghe, lảng vảng nơi đây. Độ sâu của vực không ai biết được. Ngày xưa có người thợ xe lặn giỏi muốn biết chiều sâu của vực nên đã có lần muốn tìm đến đáy vực. Người thợ lặn lấy dây buột vào mình, nương theo gành đá lặn xuống vực. Trước khi xuống nước, người thợ lặn dặn người trên bờ khi thấy sợi dây bị giật mạnh thì kéo người lên ngay. Khi dây đã thả ra được hơn ba chục sải thì người trên bờ thấy dây giật mạnh, vội vàng kéo lên. Người thợ lặn trồi lên mặt nước, thân hình tím ngắt và máu tai chảy ra! Phải hô hấp một hồi mới tỉnh dậy và nói năng được. Người thợ lặn cho biết chưa đụng đáy vực, nhưng thấy lạnh quá phải giật dây để trở lên. Dưới vực tối thui, không thấy gì hết. Càng xuống sâu càng thấy lạnh. Nếu để chậm thêm vài phút mới kéo lên thì chắc chết! Chết không những vì lạnh mà còn do áp suất cao làm vỡ mạch máu não (1).
Sau lưng Ba Vực khoảng chừng năm sáu chục thước vào hướng núi, có một vũng lầy rộng dưới một mẫu ta, gọi là cái Sình. Sình ăn liền với Hóc Thu (cách Ba Vực chừng 450 thước) nên tục gọi là Sình Hóc Thu. Sình Hóc Thu quanh năm bùn đọng sền sệt, ngay cả những ngày Hè nóng cháy nức nẻ ruộng đồng, sình cũng không khô cạn. Chung quanh Sình đất ẩm thấp và thu dần về trung tâm Sình chỉ còn đọng lại một vũng to như lỗ trâu lăn. Nhưng không ai biết Sình Hóc Thu sâu đến đâu! Tương truyền rằng Sình Hóc Thu có một lỗ ăn thông ra Vực ở đầu đèo. Ông bà xưa kể lại rằng: Xưa kia thường ngày có một con trâu trắng đến ăn bên sình, nhưng hể thấy động bóng người là trâu liền biến mất sau những bụi cây. Một hôm có người đến rình trong bụi rậm. Khi trời vừa sáng, trâu lại xuất hiện ăn cỏ lá bên sình. Bất thình lình người đó nhảy vụt ra chụp lấy đuôi trâu, trâu thất kinh liền nhảy ùm xuống sình, lôi cả người đó theo. Khi mặt trời lên cao người đi câu thấy xác người nổi nơi vực dưới chân đèo, vớt lên cứu sống lại. Hỏi thì đáp rằng: “Khi trâu nhảy xuống sình, tôi bám chặt lấy đuôi trâu, nhưng sợ bùn bám vào mắt, tôi nhắm nghiền đôi mắt lại. Nên không trông thấy gì hết. Nhưng cảm thấy rằng mình như đang bay trên không chớ không phải lội trong bùn đặc. Đi hồi lâu chợt lạnh điếng người… rồi không biết gì nữa cả. (2)”
Nghe truyền thế thì biết thế, chứ biện bạch mà chi. Huống hồ vạn pháp tự tâm sanh, thì có hay không, chỉ hỏi nơi tâm mình cũng đủ. Thêm nữa, cảnh đã có non cao vực thẳm, lại có núi thiêng rừng sâu, thì vật ở trong nơi tú mỹ linh thiêng, cũng phải có vật phi thường mới xứng (2).
Còn Sình Hóc Thu nếu có ăn thông với sông Ba Vực cũng không có gì làm lạ. Vì dưới mặt sình ấy biết đâu lại không phải là một con sông ngầm mà mạch lưu thông với vực. Hơn nữa nhiều hóc núi nằm dưới chân núi Giàng và núi Ngang sau lưng đèo không hiếm gì những mạch nước thanh khiết nhoi lên từ lòng đất, mà dân làng và trẻ chăn trâu thường ngày đến lấy nước uống. Ngày nay khoa học hiện đại, nên việc xác định thật hư thiết nghĩ cũng không gì khó.
Sông Ba Vực nơi đầu đèo rất sâu và vắng vẻ nên có nhiều cá lớn về ở. Loại cá nhiều nhất là cá Vượt và cá Gáy. Có nhiều cá Vượt cở bắp đùi người lớn và dài cả sải tay. Cá Gáy thì to lớn cỡ bằng ba gan tay. Ngoài ra còn có nhiều Chình và cá Trạnh thân hình to lớn như con Nưa, thỉnh thoảng nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Thời chiến tranh của những năm 1964-1965 người dân xã Nghĩa Thành thỉnh thoảng chèo ghe lên sông Ba Vực câu cá bằng vài ba trái “lựu đạn”. Họ đứng trên bờ Ba Vực, rút chấu lựu đạn quăng xuống sông, lựu đạn nổ tạo sức ép mạnh ép chết cá. Một hồi sau cá chết nổi trắng phếu trên vực, tha hồ mà vớt! Nhưng trong đàn cá chết vì “lụ đạn” đó không phải chỉ có những con cá Gáy, cá Trạnh, Chình to lớn mà có cả những cá con, cá có “chửa” chết la liệt! Chim trời cá nước là vật ăn thiên nhiên bang cho con người, nhưng nếu con người không biết vun xới, giữ gìn thì của đầy trời cũng phải tiệt chủng.
Nhưng đèo Dưới không phải nổi tiếng vì cảnh vực sâu, hiểm trở, mà chính vì cái dinh nơi đầu đèo.
Dinh gọi là Dinh Bà. Đối diện Dinh Bà, bên kia sông Ba Vực là Dinh Ông nằm trên đèo Đá Bàn (thuộc xã Nghĩa Phước).
Dinh Bà thờ Bà Lê Thị Tân, một nữ tướng thời Tây Sơn. Không ai rõ nữ tướng quê quán nơi nào. Bà cùng chồng đi dẹp giặc và đã giao chiến cùng quân triều Nguyễn tại đèo Mã Đao (đèo Dưới). Trận chiến kéo dài từ sáng đến chiều, ngựa không phút rời, kiếm không lúc nghỉ. Bất chợt một trận gió lớn thổi đến làm sổ tung búi tóc nữ tướng. Tóc bà dài, tay không rảnh để bới lại, nên, vướng phải vó ngựa, bà thất thế mà bỏ mình ở đèo Mã Đao.
Lòng uất ức không nguôi, hồn nữ tướng thường xuất hiện nơi vực đèo. Những khi trời chiều âm u hoặc những đêm trăng sao mờ ảo, người địa phương thường thấy bóng Bà đứng nhìn chăm chăm xuống bãi Hà, bãi cát trắng xóa nằm ở đầu làng, hoặc thấy Bà xỏa tóc mang kiếm đi thơ thẩn trên đèo, hay lướt trên mặt nước, vừa múa kiếm vừa hét chạy qua bên Dinh Ông. Những ai gặp Bà mà tỏ lòng tôn kính, tránh đi thì được yên thân. Còn những ai có ý dễ ngươi, ngạo mạn, hổn láo thì nhất định bị bắt đau có khi đến thiệt mạng! Từ đó, dân làng thấy sự linh thiêng của Bà mà lập nên dinh thờ. Và cũng từ đó, ít khi thấy hồn ma bóng vía Bà xuất hiện.
Dinh Ông trên đèo Đá Bàn không rõ thờ ai bên kia bờ Ba Vực. Hay có lẽ là dinh thờ đức lang quân đã cùng Bà bỏ mình bên kia đèo trên đương đi dẹp giặc!?
Dinh Bà được cất trên sườn núi nơi đầu đèo Mã Đao, trước mặt dinh là vực sâu. Trong dinh có thờ một búi tóc và một hột lúa lớn gấp bội lần hột lúa bình thường. Ngày xưa, mỗi năm vào mùa Xuân và Thu dân làng mổ heo, bò cúng tế Bà. Ai có điều gì xin cầu thì được linh hiễn. Cho nên, ngoài hai ngày lễ chính Xuân Thu, những này vọng dân làng cũng thường đến dâng lễ.
Sau khi vua Gia Long lên ngôi, theo lời tâu của quan cai trị địa phương, nhà vua sắc phong nữ tướng làm thần.
Từ ngày Dinh Bà được thành lập đến ngày chính quyên quốc gia tiếp thu Quảng Ngãi và mãi đến những ngày đầu cuộc chiến quốc - cộng của những năm 1963-1965 dinh rất linh. Những năm này, vì chiến sự khốc liệt, thiếu sự chăm sóc thường xuyên nên Dinh Bà trở thành âm u và lâu ngày cây cối mọc che lấp thành hoang vu. Cho nên người dân Nghĩa Thành lập một miếu nhỏ bên đường để bạn hàng đi buôn, và dân làng thờ cúng nhan đèn mỗi lần đi qua. Đèo Mã Đao là con đường độc đạo từ xã Nghĩa Thành lên miền trung du như Suối Bùn, Ba Tơ. Hằng ngày nhiều dân buôn thường mang mắm muối qua đèo Mã Đao lên miền thương du bán và mua hàng sơn cước về miền xuôi. Những người dân buôn mỗi lần ngang qua đèo đều dừng chân trước miếu để đốt nhan cúng vái, xong đi xà lùi ra, không dám quay lưng lại vì sợ thất lễ. Nếu không dừng chân để nhan đèn thì cũng ngã nón, cuối mặt âm thầm đi qua.
Sau lưng Dinh Bà là những tảng đá to, cao với những cây cổ thụ um tùm phủ trùm lên mái dinh. Những năm đầu thập niên 1960 miếu chính thờ Dinh Bà trở nên thâm sâu, dần dần thiếu bóng chân người bước đến. Núi non phía sau dinh là khu rừng già, cây cối rậm rạp, lại thêm có nhiều đá to tạo thành hang động làm cho thêm hoang vu, có cảm giác lạnh người!
Trước Dinh Bà, xéo về tay trái (hướng Tây) chừng vài chục thước có một tảng đá rất to, gọi là hòn Đá Chải. Đá Chải không như những hòn đá khác trên đèo đứng dựng lên như vách, mà bắt đầu từ đường đèo và lài lài dần xuống vực trước Dinh Bà. Đá Chải to bằng năm sáu cái nong gọp lại, mặt bằng phẳng và lài dần xuống nước.
Sự âm u, tịch mịch cộng thêm những hang động, hàng cây cổ thụ bên Dinh Bà, và thiếu vắng dấu chân người đã tạo Dinh Bà thành nơi trú ẩn của loài thú dữ cọp beo và rắn rít. Trong những năm chiến tranh, sự đi lại trên đèo càng ít và từ đó có con cọp rằn và một con đại xà thường xuất hiện nơi Dinh Bà. Những ngày sông nước im xuôi, dân làng thường thấy một con đại xà to khổng lồ không kém gì con trăn bơi qua lại giữa Dinh Bà và Dinh Ông trên sông Ba Vực! Mùa đường mía năm 1964, một người dân làng Xuân Đình, Bác Quới gái, gánh gánh cơm lên cho người làm mía trên Gò Huân. Khi Bác Quới đến Dinh Bà thì phát hiện Ông Ba Mươi rằn ri đang đi xuống hòn Đá Chải uống nước. Bác Quới sợ quýnh chưn, cứng miệng, liền chui vào bụi rậm bên đường nhìn Ông Ba Mươi uống nước xong rồi chễm chệ bước lên hòn Đá Chải băng qua đường, biến vào lùm cây sau Dinh Bà. Một hồi sau hoàng hồn, Bác Quới lật đật quảy gánh cơm cắm đầu chạy về Gò Huân, mà trên gương mặt không còn một chút máu! Chiều hôm đó mọi người và trâu bò đi ăn trên Gò Huân đều trở về qua đèo Dưới khi mặt trời vẫn còn hơn cây sào. Đến đầu năm 1965, những Ông Ba Mươi này đêm đêm mò về thôn Thuận Phong, Thuận Hòa ở đầu làng bắt heo, bò của dân!
Những năm 1964, 1965 thỉnh thoảng tôi cùng những đứa trẻ trong làng lừa trâu lên ăn ở Gò Huân. Con đường duy nhất để đến Gò Huân là đèo Dưới, nên bọn chúng tôi phải đi ngang qua Dinh Bà. Mỗi khi gần đến Dinh Bà là tôi không dám lớn tiếng, sợ run người lên! Sợ cọp, sợ rắn, sợ sự linh thiêng của Dinh Bà, sợ cảnh núi non hiểm trở, lau sậy hai bên đèo chờm ra lối đi muốn phủ lên người. Và sợ nhất là tiếng động. Tiếng động nơi đây im như tờ, chỉ có tiếng đi nhịp nhàn của chân trâu, tiếng gió rì rào lùa vào hàng lau bên đèo, và tiếng róc rách của dòng nước xoáy dưới vực sâu chen lẫn tiếng kêu của cheo chóc và chim rừng, làm cho bọn trẻ chúng tôi sợ đến… té đái!
Mười lần như một, tôi luôn luôn trèo lên lưng trâu, cuối đầu, lấy nón lá che mặt, chân thì luôn thúc vào hông trâu cho đi thật lẹ. Qua khỏi Dinh Bà một khúc thật xa tôi mới dám nghĩ đến cái thú vui chơi: hái sim, hái móc và giũ chà là trên những rẫy rừng ở Gò Huân. Đặc biệt là bụi tre bên cạnh hố Ỷ có rất nhiều khỉ, gọi là khỉ đàn, nó đu trên bụi tre đông như kiến và miệng kêu la inh ỏi. Trưa lại, tôi lừa trâu ra tắm trên sông Ba Vực sau Gò Huân. Khúc sông nầy không sâu như vực trước Dinh Bà, nhưng cũng đủ sâu và nước chảy xiếc, bây giờ nghĩ lại thấy ngày ấy sao tôi như… kẻ điếc không sợ súng! Và một điều thắc mắc nhiều khi như huyền bí về một ngôi nhà rất lớn và đẹp, đẹp như một ngôi biệt thự, nằm cheo leo trên một gò cỏ rộng bên bờ sông Vệ ở Gò Huân. Ngôi nhà dường không có đàn ông con trai lớn, tất cả chỉ có mấy người đàn bà, vài cô con gái rất xinh và những đứa bé trai. Họ ăn mặc lịch thiệp xinh xắn và sống giữa một nơi hoang vu, không chợ búa, xóm làng. Mỗi lần đến Gò Huân tôi vẫn tò mò muốn nhìn gương mặt xinh xắn của cô con gái trong ngôi nhà này, nhưng ít khi nào tôi bắt gặp đôi mắt hay bóng hình của người con gái huyền bí đó! Ngày tôi chưa kịp lớn thì chiến tranh đã đến, rồi tôi ra đi, và người con gái thật xinh với ngôi nhà huyền bí không biết có còn ở đó, hay cũng đã ra đi rồi!!??
Đứng trên đèo Quán Thơm nhìn ra sông Ba Vực, bên kia bờ là đèo Đá Bàn, và xa xa thêm một chút nữa là đèo Eo Gió. Bốn địa danh này chụm lại thành một nút (chai) đi vào miền cao nguyên Hành Thiện, Hành Tín, Ba Tơ, Súi Bùn,… những địa danh lý tưởng để chiêu mộ nghĩa quân và lập chiến khu trong thời chống Pháp. Đèo Eo Gió, đèo Đá Bàn, đèo Quán Thơm và sông Ba Vực đều là những nơi hiểm trở. Qua khỏi những địa danh này sẽ mở rộng ra vùng cao nguyên nhu một cái túi, có làng mạc, ruộng đồng, sông nước được bao bọc bởi những dãy núi cao chót vót. Vùng trung du thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi này tựa như cái túi Hồ Lô của con khỉ đột Tôn Ngộ Không, thuận tiện cho việc canh tác lương thực nuôi quân và huấn luyện nghĩa quân khán chiến. Quân thực dân Pháp đi vào và ra miền cao nguyên nói trên chỉ duy nhất bằng những con đèo này. Nếu những chặn đèo này bị phục kích thì như miệng túi Hồ Lô bị buộc lại và đường rút quân coi như tịt ngòi! Chính vì địa thế hiểm trở và là kho lương thực tự sinh này mà Ba Tơ đã là cái nôi sinh sản ra du kích từ thời khán Pháp.
Tại Dinh Bà và sông Ba Vực, những năm 1953-1954, trong trận phục kích binh lính thực dân Pháp, những người nghĩa quân Nghĩa Thành đã bắt một tên lính Tây. Trong khi di chuyển qua đèo Dưới, người tù binh này nhảy xuống sông Ba vực tìm đường tẩu thoát. Trong đám nghĩa quân có một người lặn giỏi, người ấy là bác Nguyễn Mậu Phụng, liền chèo ghe ra sông truy bắt người tù binh Pháp. Tên lính Pháp núp dưới lường ghe, khi ghe ra xa bờ Ba Vực tên tù binh lấy thế lật úp ghe. Vì người nhỏ con, sức yếu nên bác Phụng bị tên tù binh Pháp nhận chết chìm dưới sông Ba Vực! Thấy vậy, nghĩa quân huy động dân làng ra vây bắt người tù binh Pháp. Cuối cùng tên tù binh Pháp bị bắt lại, dân làng đập chết tại chỗ và đem chôn trên Bãi Hà, một bãi cát ở đầu làng.
Ngày nay Dinh Bà được tu sửa khang trang thống thoáng. Trang thờ bên đường không còn nữa. Dinh nằm trên triền núi. Dinh có hai miếu thờ xây bằng xi măng, mái ngói cong, nền lót gạch bông. Hai bên miếu thờ là hai sân nhỏ tráng xi măng, có mái tôn che nắng mưa, và mỗi sân có một bộ bàn ghế đá dành cho khách thập phương ngồi nghỉ, giải khác. Từ mặt đường đèo người ta đục vào vách núi xây hai bậc tam cấp hai bên Dinh để làm đường lên Dinh. Những cây cổ thụ âm u sau Dinh Bà ngày xưa nay đã không còn, nhưng thay vào đó là những tàn cây che phủ chung quanh, làm cho Dinh luôn có bóng mát. Dinh dường như lúc nào cũng có người viếng thăm, đốt nhan đèn khấn vái.
Cách đây không lâu tôi có dịp về thăm lại quê hương, có đến thăm và đốt cây nhan cho Dinh Bà. Nhìn cảnh quang sáng sủa, nền gạch bông lúc nào cũng bóng loáng và chung quanh Dinh Bà luôn có những chậu hoa tươi thắm. Dường như hằng ngày đều có bàn tay con người đến đây chăm sóc, quét dọn và nhan đèn để tỏ lòng sùng kính linh hồn nữ tướng, một thời chinh chiến gìn giữ quê hương. Tôi đứng trên Dinh Bà nhìn xuống hòn Đá Chải chạy dài xuống mặt nước, rồi thả mắt nhìn ra xa xa, một bên dòng sông nước xoáy vào vực thẳm, bên kia là bãi cát với những ngọn mía đang trổ cờ như những ngọn cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh tung bay trong gió. Và xa hơn nữa là những dãy núi trùng trùng điệp điệp.
Đứng trên Đá Chải ngắm cảnh non cao nước biết. Sau bìa rừng tiếng chim líu lo, dưới vực sâu sóng vỗ vào gành từng hồi dồn dập, lúc nhặt lúc khoan. Những âm thanh nghe buồn rờn rợn, khiến lòng như say như tỉnh. Chẳng khác nào dưới một đêm trăng gió mát thuở nào tôi thun người trong lòng cha, nghe kể chuyện một người bác họ đã bỏ mình trong lòng vực sâu để đánh đuổi bọn thực dân giành lại độc lập tư do.
Rồi một cơn gió mạnh rung rinh những cành lau bên bờ vực, lòng tôi tỉnh dậy, nghe chừng như tiếng vó ngựa, tiếng gươm reo, tiếng giày chạy đuổi giữa bóng quân nhà Nguyễn và Tây Sơn đã từng giao chiến nơi đây. Và nhớ đâu đó những dòng thơ của bậc tiền bối Trần Thúc Lâm (3), người làng Ba Bình, Hành Thịnh quận Nghĩa Hành, đã có lần cảm hứng, đề rằng:
“Cẩm Thành mười cảnh dấu còn nêu
Này Mã Đao thêm một cảnh đèo
Đá chởm non xanh chân ngựa ruổi
Sóng dồn vực thẳm tiếng gươm reo
Di phương gió mát hồn Lê Thị
Khuyến nghĩa mây giăng sắc Nguyễn triều
Mặc kẻ đuôi trâu lòng bám víu
Ngồi nương Đá Chải lắng chim kêu”.
Chú thích:
(1), (2): Theo ý “ĐÈO MÃ ĐAO” trong “Bước Lãng Du” của Quách Tấn, trang 280 và trang 282.
(3) Ông Trần Thúc Lâm, theo lời nhà biên khảo, dịch thuật Khổng Đức - Đinh Tấn Dung: “…con nhà dòng dõi nho. Chú bác từng đậu cử nhân, tú tài. Cha cũng là nhà nho. Cha mẹ mất sớm, nên ít được học hành. Nhưng rất thông minh, tự học chữ Hán, chữ Quốc ngữ qua sách báo mà thành kẻ thông nho. Viết chữ Hán khá đẹp, từng cọng tác với nhà thơ Quách Tấn trong khoảng cuối đời. Là đôi mắt đọc, viết và dịch nghĩa thơ văn chữ Hán giúp Quách Tấn. Có nặng khiếu thơ”.
18/2/2010
Đồng Sa Băng
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...