Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Một người bị bỏ quên

Một người bị bỏ quên

Tôi là phóng viên của một tờ báo tỉnh. Theo yêu cầu của tòa soạn tôi trở về vùng căn cứ cách mạng hồi chống Mỹ, nơi nuôi giấu bao trung đoàn quân giải phóng trong vùng rừng lá thấp của mình, để viết một loạt bài về những chiến tích năm xưa, về những anh hùng hồi chống Mỹ và nay đang giữ vững vị trí của mình trong giai đoạn mới. Sau chiến thắng, chúng ta khẩn trương lao vào cuộc sống mới với bao nỗi lo toan mới mẻ, vùng đất này có vẻ như bị bỏ quên. Nhưng những người lính chiến năm xưa, trong đó có tôi, thì không bao giờ quên. Và nhiều người không quên, trong đó có thủ trưởng đơn vị của tôi. Nên mới có chuyến đi viết này.
Trước tôi có thời gian dài hoạt động ở vùng đất này, điều đó thuận lợi cho tôi không ít. Tôi đến một cù lao nhỏ có tên là cồn Bà Tư nằm chơi vơi nơi cửa sông đổ ra biển. Đó là cù lao mới nổi lên từ ít chục năm nay, dân cư ở đây thưa thớt, sống chủ yếu bằng nghề trồng dưa hấu và đánh cá. Những người bám trụ từ kháng chiến trên cù lao nhỏ này tới nay không còn mấy, người ta trở lại vùng đất để làm ăn trước kia của mình, trong khi một vài người từ thành phố, có thể là những người chưa hòa nhập được với cuộc sống mới, trở về đây dựng tạm túp lều sinh sống, như là muốn chạy trốn cuộc sống mới. Cồn Bà Tư nằm cách khá xa cù lao lớn có dân cư đông đúc, thành ra ít người muốn về đây. Cũng ít có sự chú ý của chính quyền. Hồi kháng chiến cù lao nhỏ này đông vui hơn, vì nó như bị bọn giặc bỏ quên, thỉnh thoảng mới có đôi ba trận càn chiếu lệ, khi bằng trực thăng, khi bằng tàu đổ bộ, bom pháo cũng ít hơn so với những nơi khác. Chính vì vậy cù lao này có điều kiện thuận lợi nuôi giấu cán bộ, bộ đội, có khi cả trung đoàn, có thể cung cấp số lượng lớn lương thực, thực phẩm, kể cả một vài phương tiện chiến tranh bằng cách mua lại của địch. Bọn giặc biết nhưng chúng cũng không thể làm được, hoặc là muốn lơ đi cho nhẹ việc. 
Một người bạn của tôi hy sinh tại cù lao nhỏ này trong một trận đánh ác liệt. Anh tên là Hà, người tỉnh Thanh Hóa, vô Nam chiến đấu từ năm 1966, cùng tiểu đoàn với tôi. Thực ra chúng tôi cũng không thân nhau lắm, thỉnh thoảng có gặp nhau nói đôi ba câu chuyện quê nhà, rồi thôi. Lần ấy, sau những trận đánh ác liệt, tiểu đội của Hà có nhiệm vụ đưa thương binh qua sông giấu trong rừng đước gần đó. Hà ôm cây B.40 đi chiếc xuồng sau cùng có nhiệm vụ bảo vệ cả đoàn, và chiếc xuồng của Hà đã đụng tàu địch. Một trận chiến đấu ác liệt xảy ra trên sông, giữa một bên là tàu địch được trang bị hiện đại và một bên là chiếc xuồng ba lá nhỏ bé được trang bị hai cây A.K và một cây B.40 của Hà. Hà đã kề súng vô mạn xuồng bắn trả tàu địch kềm chế hỏa lực địch trên tàu để đồng chí điều khiển máy nổ, cũng là người giữ lái, đưa xuồng đi đúng hướng. Do hỏa lực của ta mạnh, và phải nói cũng nhờ có cây B.40 của Hà, tàu địch đã không dám tới gần, chỉ đứng từ xa nhả đạn. Nhờ thế, chiếc xuồng của Hà chạy được vô mí sông. Phát đạn Hà bắn làm chiếc xuồng chao nghiêng đi, nước ồ vào, chiếc xuồng có nguy cơ bị chìm. Anh em thương binh phải vừa nằm tránh đạn vừa tát nước ra. Những người sống sót sau này đã kể với tôi như thế. Hà hy sinh sau khi bắn phát đạn thứ ba. Một viên đạn địch xuyên qua bả vai anh, một viên nữa xuyên qua ngực anh làm anh gục xuống mạn xuồng. Mặc dù đau đớn, Hà vẫn gào lên với đồng đội trong lúc chiếc xuồng mở hết tốc lực chạy vô con kinh nhỏ “đừng lo cho tôi, hãy lo cho các đồng chí thương binh đi”. Lời nói sau cùng ấy của Hà sau này được anh em trong đơn vị nhắc lại mãi với một sự kính trọng đặc biệt. Trong một lúc người lái xuồng mất bình tĩnh, chiếc xuồng chao mạnh đi, Hà rơi xuống nước. Mãi khi tình hình êm anh em mới cử người bơi xuồng kiếm tìm thi thể Hà nhưng không thấy đâu. Có thể là bọn giặc đã lấy được và đưa lên tàu đem về “triển lãm” hoặc giở một trò gì đó. Sau trận ấy Hà được truy phong danh hiệu “dũng sĩ quyết thắng” được truy phong một cấp quân hàm cùng với việc gởi giấy báo tử về gia đình. Chính nhờ chiến công ấy của Hà mà tôi quan tâm tới anh nhiều hơn. Tôi ân hận vì những ngày Hà còn sống chúng tôi ít có dịp cùng nhau tâm sự. Kỷ niệm về Hà càng trở nên thiêng liêng hơn trong tôi.Trước chuyến công tác này tôi có dịp trở ra ngoài Bắc, có dịp ghé thăm gia đình Hà. Vợ Hà đã có chồng sau thời gian nhận giấy báo tử đã âm thầm đau đớn một mình. Con trai anh lúc anh đi mới có mấy tháng nay đã lớn, cháu rất giống bố, đặc biệt ở đôi mắt. Chúng tôi có chụp chung với nhau một kiểu ảnh kỷ niệm. Cháu được mẹ lấy tên bố đặt tên cho, là Hà. Cháu cứ đòi được đi cùng tôi vô trong Nam để tìm lại dấu tích của bố, người bây giờ đã trở thành niềm tự hào của cháu, sự động viên hàng ngày của cháu trong lao động, học tập. Tuy nhiên chẳng ai để cho Hà đi, cháu đang theo học lớp cuối phổ thông, trường đại học đang mở cửa chờ cháu. Hồi còn sống bố cháu chỉ mơ ước có thế, và cả nhà, cả người chồng sau này của mẹ cháu, quyết không để người hy sinh thất vọng. Hà mất cha mẹ từ nhỏ, anh sống với người cô ruột, người cô này lại mất trước khi anh đi bộ đội vì chứng bệnh hen suyễn. Thành thử Hà chủ yếu sống với gia đình bên vợ. Gia đình bên vợ coi anh như con ruột. Chính người cha vợ của Hà và cả người chồng sau của vợ Hà nhắc tôi cố gắng giúp tìm được hài cốt của Hà. Tôi đã hứa với gia đình là hết sức cố gắng.
Như thế là trong chuyến công tác này của tôi có cả chuyện công và chuyện tư. Ngay từ ngày đầu tiên đặt chân lên cồn Bà Tư tôi đã cùng cậu du kích ấp chèo xuồng ra thăm lại những nơi là trận địa năm xưa, những nơi bè bạn đồng đội của tôi đã ngã xuống, cả cái bến ghé của chiếc xuồng chở thương binh do Hà bảo vệ. Theo lời kể, chúng tôi lần đi theo vệt kinh, đoán chừng thi thể Hà lúc ấy có thể bị kẹt trong bụi dừa nước nào chăng. Cũng khó hình dung lại một cách chính xác. Từ ngày giải phóng bà con vô đây đốn lá, chặt củi, bắt cá... cây cối trống đi nhiều lắm, khác xưa nhiều lắm. Ở nơi ngày xưa là căn cứ quân y tiểu đoàn bây giờ là một cơ sở nuôi tôm của huyện, người ta đắp một con đê nhỏ ngăn nước mặn. 
Chúng tôi trở lại cù lao nhỏ lúc trời đã chiều. Tư liệu thu lượm được khá nhiều, những chiến tích chỉ mới nghe kể đã muốn rưng rưng khóc vì cảm phục, cảm động. Lúc này những người tưới dưa đã nghỉ, ở một hai căn nhà vọng ra tiếng ồn ào, chắc là đám nhậu nhẹt chi đó. Ở đây có khi cả năm mới được một lần xem chiếu phim, văn nghệ thì càng hiếm hoi hơn. Hòn cù lao nhỏ này ở quá xa các trung tâm văn hóa, đường giao thông không thuận tiện. Nhưng bãi phù sa ngầm di chuyển liên tục dưới lòng các con lạch lớn nhỏ, xuồng ghe lớn bị mắc cạn liên tục. Người ta ở đây chỉ còn có uống rượu, coi đó là một trò giải trí. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ cù lao nhỏ trù phú hồi kháng chiến đang bị quên đi. Thậm chí ở đây một dòng khẩu hiệu chào mừng ngày lễ nào đó, điều ở đâu cũng có thể bắt gặp, khi trên tường nhà, khi nơi cổng chợ, nhưng ở đây cũng không có.
Tôi gặp đồng chí trưởng ấp để quan hệ làm việc, nhờ đồng chí xác minh giúp một vài sự kiện, cũng nhân thể dò la manh mối hài cốt của Hà. Ấp cồn Bà Tư nhỏ, lẽ ra chưa đủ số dân để thành lập một ấp, do vị trí của nó mà được cấu tạo tương đương một ấp. Đồng chí trưởng ấp trước kia là Phó chủ tịch xã, bị kỷ luật, bị cách chức, được đưa về đây để “rèn luyện, tự kiểm”. Cái kỷ luật ấy tới bây giờ vẫn còn làm anh choáng váng. Gặp tôi anh buồn lắm, chẳng muốn nói chuyện, chỉ ngồi thở dài. Anh là người kháng chiến cũ, nhiều lần kết hợp với bộ đội chủ lực đánh tàu giặc. Nhưng khi tôi hỏi anh về các trận đánh năm xưa ấy anh đều lắc đầu, giới thiệu tôi đến gặp người khác. Anh thấy chán nản, hay thấy sợ chính những quá khứ tươi đẹp của mình thì tôi cũng chưa rõ lắm. Chỉ có điều, một người lãnh đạo như thế tất ấp này phải như thế. 
Đang còn ngán ngẩm với người trưởng ấp tôi lại gặp một bất ngờ nữa, cái bất ngờ làm tôi bàng hoàng cho tới mãi hôm nay, lúc ngồi kể chuyện với các bạn đây. Hà vẫn còn sống, ngay tại đây, với người vợ thứ hai của anh, sống thầm lặng, sống như một người đã chết, như là không cần biết chi tới sự đời. Thật không thể tưởng tượng nổi. 
Tôi gặp Hà lúc anh đi tưới dưa về, chiếc áo bà ba đen rách vai, đầu cúi giữa hai thùng nước toòng teng nhẹ hẫng. Tôi bật kêu lên một tiếng kinh ngạc. Hà! Nhưng người tưới dưa vẫn lặng lẽ cúi đầu đi, anh không hề phản ứng với cái tên Hà khiến tôi chưng hửng. Anh đã quên cái tên ấy của mình, hay cố tình quên cái tên xưa cũ ấy của mình? Chẳng lẽ... không thể... tôi chạy theo gặng hỏi, anh vẫn cúi đầu đi, vừa đáp lại bằng thứ tiếng địa phương Nam Bộ nghe không thể nhận ra được giọng của người Bắc Bộ. Kỳ lạ quá! Nhưng cái dáng đi, cái khuôn mặt... Chẳng lẽ người giống người? Sự lạnh lùng của anh khiến tôi nghi ngờ trí nhớ của mình. Nhưng giá anh vui vẻ nhắc tôi rằng tôi lầm rồi, hẳn tôi đã bỏ đi, yên tâm rằng mình lầm thiệt. Đằng này anh trả lời tôi một cách bắt buộc, có ý né tránh làm tôi sinh nghi. Hoàn toàn chỉ bằng linh cảm. Tôi tự nhủ, chẳng lẽ Hà còn sống? Vậy chừng ấy năm sau ngày giải phóng, không tin tức cho vợ đã đành, nhưng còn thằng con trai anh, còn bà con hàng xóm, còn quê hương... Chẳng lẽ cả vùng quê nơi anh sinh ra lớn lên,nơi cất giữ bao kỷ niệm thời thơ ấu của anh... không đủ sức gọi anh trở lại, ít nhất là một phong thư? Rồi cả chính quyền địa phương nơi Hà cư ngụ, người ta không có ý kiến gì ư? Lạ quá... Mà sao người tưới dưa này cứ muốn né tránh mình, càng gặng hỏi càng muốn né tránh... Tôi đâu có ngờ Hà cũng đã nhận ra tôi, cố ý tránh mặt tôi, cố ý không nhận tôi. Thật không thể hiểu nổi. 
Lúc ấy đang là buổi chiều, nắng nhạt dần trên sắc lá mắm mọc ngoài bãi biển. Đang mùa khô trời ở đây vẫn có vẻ như muốn mưa, gió đầy hơi nước lành lạnh, nền trời tai tái. Nhưng trời đất chỉ như thế thôi, chỉ có vẻ như sắp mưa thôi, sắp chứ chẳng khi nào mưa, cho tới lúc mùa chuyển thật sự. 
Trí nhớ con người ta thật kỳ lạ. Hà không có nét gì đặc biệt trên khuôn mặt để nhìn một lần là nhớ mãi, anh với tôi lại ít có dịp gặp nhau, những lần gặp nhau lại thường vào buổi tối. Hơn tám năm xa cách Hà có biết bao thay đổi. Mặc dù thế tôi vẫn nhận ra anh khi anh thoáng qua, dù anh cố ý tránh mặt. Có thể lúc đầu Hà chỉ muốn tránh mặt một cán bộ Nhà nước từ trên về công tác như lâu nay anh vẫn vậy, sau mới nhận ra tôi. Còn tôi... Ngày xưa gặp nhau, nói chuyện với nhau và toàn thể con người anh, từ giọng nói, khuôn mặt, cử chỉ... cứ toát ra một cái gì đó của riêng anh, không thể lẫn vào đâu được, cái gì đó thật trừu tượng, thật khó miêu tả cho người khác nhận thấy, chỉ ghi nhận cho riêng cá nhân mình. Tôi đã nhận ra Hà ở cái nét trừu tượng ấy, sự ghi nhận của linh cảm. Nhưng Hà vẫn né tránh tôi. Tôi tới nhà đồng chí trưởng ấp, anh Sáu Nhơn. 
Buổi tối, Sáu Nhơn ngồi uống rượu một mình dưới ánh trăng của cù lao nhỏ. Gió thổi lồng lộng từ bãi biển mọc đầy cây mắm làm dựng đứng những sợi tóc cứng của anh. Trăng tràn ngập đảo, ngỡ như nó là một giọt trăng từ trên trời rơi xuống chơi vơi nơi cửa sông này. 
- Nè, anh Sáu, cái anh Ba Bình ấy mà... (Ba Bình là tên gọi hiện giờ của Hà).
- Chi? 
- Quê ở đâu vậy? 
- Vậy anh chưa nói chuyện với giã à? Quê gốc ở đây đó. 
Sáu Nhơn nói mắt đăm đăm nhìn ra ngoài biển. Tôi quyết không tin. Một vài người ban nãy trước khi tôi tới đây cũng trả lời với tôi như thế, họ quả quyết một cách chân thành rằng Ba Bình sinh ra và lớn lên ở đây, xưa là thanh niên trốn lính, không có quan hệ gì với chế độ cũ, cũng không có quan hệ gì với cách mạng. Nghe cách nói của họ, tôi hiểu người ta rất tin vào điều mình nói. Hà đã làm cho tất cả mọi người quên hẳn quá khứ của anh, cũng có nghĩa là anh đã phải cố gắng bằng mọi cách rũ bỏ tất cả những gì liên quan tới quá khứ của anh. Nhưng vì sao lại như thế? Như thế để làm gì? Ngay Sáu Nhơn cũng muốn quên anh, không muốn nhắc tới con người quá khứ của anh. Tuy nhiên tôi không chịu thua. Nói chuyện với Sáu Nhơn khá lâu, uống đã hết phần chai rượu còn lại Sáu Nhơn đem ra, vỏ nghêu đầy dưới chân, tiếng sóng vỗ ngoài biển nghe rất rõ, tôi bỗng nhận ra một điều. Chính Sáu Nhơn ngày xưa đã có lần cõng tôi trong một lần tập kích tàu giặc chạy trong rừng mắm ở cái cồn này. Sự nhớ ra đột ngột làm tôi rùng mình. Tôi nhìn trân trân vô khuôn mặt anh dưới ánh trăng. Đúng rồi, lần tập kích ấy chúng tôi kết hợp với du kích địa phương dẫn đường đã bắn cháy hai tàu giặc. Tôi bắn B.40, bị thương sau khi nổ được hai trái, được người du kích cõng chạy rút lui dọc theo rừng mắm cặp bờ rạch lớn. Người du kích cõng tôi cũng bị thương. Đúng rồi, bị thương ở tay phải, còn tôi bị thương ở ngực. Trận ấy Sáu Nhơn tham gia bắn A.K kềm chế hỏa lực địch trên tàu, anh nằm cạnh tôi. Lúc ấy tôi không biết tên anh, chỉ nhớ mang máng khuôn mặt anh. Chúng tôi chưa kịp làm quen nhau, tổdu kích và đơn vị phục kích tàu giặc chúng tôi trao đổi phương án tác chiến trong tiếng tàu giặc không ngớt ì ầm xung quanh. Không khí căng thẳng khiến chẳng ai kịp hỏi tên nhau, cũng tính là như mọi khi, sau trận này còn có dịp gặp lại nhau. Có ai ngờ sau trận ấy mỗi người một phương trời, cho tới hôm nay. Tôi nhận ra Sáu Nhơn vì nhiều lẽ, nhưng đúng vào lúc anh cởi áo, vết sẹo nơi cánh tay đột ngột hiện ra dưới ánh trăng, tự nhiên một cái gì đó như tia chớp chợt bùng sáng trong trí nhớ tôi.
- Anh có tham gia trận phục kích tàu ở khúc quẹo con rạch Nghêu không? - Tôi đột ngột hỏi Sáu Nhơn. 
Nhưng Sáu Nhơn sợ nhắc lại chuyện cũ nên lắc đầu: 
- Hình như có thì phải, nhưng tôi không nhớ nỗi đâu ông nhà báo ơi. Đừng hỏi tôi nữa, uống đi. Uống đi! 
- Không, anh không nhớ nhưng tôi nhớ, tôi nhớ. 
Đúng là bữa đó anh cõng tôi chạy vô rừng mắm.Sáu Nhơn nhìn tôi một lúc lâu: 
- Vậy là bữa đó anh bị thương ở ngực? Đâu, vết sẹo đâu, giở ra cho coi. 
Sáu Nhơn nói với giọng soi mói khó chịu, ngỡ như tôi là một kẻ gian dối nguy hiểm. Tôi lột tung chiếc áo đang mặc, ưỡn ngực trước mắt anh. Sáu Nhơn đột ngột đứng dậy ôm lấy tôi. 
- Mầy đó hả. Tao tin rồi. Nhưng hồi đó mầy cũng tên như bây giờ à? 
- Không, hồi đó người ta gọi tôi là Năm Hưng. 
- Năm Hưng. Ừ. Vậy mà hồi đó tao hỏi mãi tên mầy mà chẳng ai biết hết. Mẹ! (Không hiểu sao anh lại buông một câu chửi thề vào lúc này). Lúc ấy tao chỉ biết mầy là người Bắc vì lúc ấy mầy mê sảng nói lảm nhảm hoài. Năm Hưng ơi, tao buồn lắm mầy ơi. 
Và đêm đó Sáu Nhơn đã kể hết cho tôi nghe chuyện của anh, chuyện của Hà.  
Hà bị thương sau phát đạn B.40 cuối cùng đó, rồi té xuống sông, mọi người cho là anh đã hy sinh, nhưng thực ra không phải. Sóng dội do tàu giặc chạy đã đẩy anh vô bờ, kẹt trong một lùm cây mắm. Sau khi im tiếng súng, chị Ba Bình vợ Hà bây giờ, vốn là cơ sở của du kích, chèo xuồng tới kiểm tra trận địa, công việc thường xuyên của chị. Chị Ba đã tìm thấy Hà kẹt trong bụi mắm. Thấy anh còn sống chị mừng quá đưa anh lên xuồng, ủ anh dưới đám lá cây khô cùng bao bố, đưa anh qua bót đầu Vàm, đưa anh về nhà mình chăm sóc. Nhà chị có căn hầm bí mật cũng thường giấu anh em thương binh như thế. Cũng do hồi đó chị được học nghề thuốc do cán bộ ta đào tạo nên chị biết cách chăm sóc vết thương. Chị cũng đã chăm sóc nhiều thương binh trong trường hợp tương tự, sau đó tìm cách gởi anh em về đơn vị. Nhưng với người thương binh lần này có hơi đặc biệt với chị, chị lỡ thương anh ta, lỡ ăn nằm với anh ta. Dạo ấy giặc bình định ác liệt chị liên lạc với căn cứ không được. Khi vết thương của Hà lên da non chị tìm cách đưa Hà trở ra căn cứ thì hết cách đưa. Thêm hai cái bót cất trên cái cù lao nhỏ nhoi này. Rồi có lần tụi bình định tới ở hẳn nhà chị tới ba ngày. Ấy là những ngày căng thẳng nhất cho cả hai người, cho cả nhà chị Ba. Chỉ ban đêm, và phải thật khéo léo mới đưa cơm, nước uống xuống hầm cho Hà được, rồi còn chăm sóc vết thương lúc ấy vẫn còn rỉ nước vàng. Rồi thay quần áo cho anh, giặt giũ, tắm rửa cho anh. Tình yêu, vâng, chỉ có thể nói như thế, đã làm chị quên hết nguy hiểm. Những lần ấy chị vừa chăm sóc vết thương cho Hà chị vừa khóc vì thương anh. Bao nhiêu ngày anh chưa được thấy ánh mặt trời, có lúc chị Ba phải đưa xuống hầm cho Hà một nắm cỏ non để Hà vò chúng ra mà hít thở cái hương vị đăng đắng muôn thuở của chúng. 
Chính trong những ngày ấy hai người đã bộc lộ tình cảm với nhau. Sau đó họ ăn nằm với nhau. Hà giấu biệt chuyện mình đã có vợ ngoài Bắc, đã có con, cả hai đang chờ đợi mình. Lúc ấy anh nghĩ, tình hình chiến sự như vầy biết khi nào mới hòa bình, mới được trở về quê. Ra thoát khỏi căn hầm bí mật này cũng đã vô cùng khó khăn. Còn chị Ba thì yên tâm, Hà từ nay, tuy chưa chính thức cưới xin, đã là chồng mình, chị là người vợ duy nhất của anh. Cả hai thật không ngờ... 
Do ta đánh mạnh khắp nơi, bọn giặc ở đây co lại, bọn giặc trong các bót trên cù lao này cũng co lại. Tình hình đỡ hơn trước, Hà được lên mặt đất vào ban ngày, được nhìn thấy mặt trời. Lúc ấy chị Ba đã có thai, sắp tới ngày sanh. Hà thương người đàn bà ấy quá, ơn người đàn bà ấy quá, càng không dám nỡ nói ra sự thật. Chị Ba giục Hà bắt liên lạc với đơn vị, Hà chỉ ậm ừ cho qua. Đơn vị chủ lực nay đây mai đó, biết đâu mà tìm. Chỉ có cách nằm đây mà chờ khi nào đơn vị qua, hoặc giả khi nào dò la được manh mối đơn vị,anh sẽ tìm về. Trước mắt tạm thời theo mấy người trốn lính, sáng sáng xách vỏ thùng đạn đại liên bên trong có sẵn cơm vắt, nước uống, trái lựu đạn hộ thân... trốn ra rừng mắm, chiều mò về ấp để tối lại được ngủ bên vợ, ăn chén cơm nóng, tô canh mát do vợ nấu, chờ ngày đứa con ra đời. Anh bàn với chị Ba như thế, và người đàn bà ấy lúc đầu có phản đối theo lý trí, nhưng sau đó đã đồng ý. Trong thẳm sâu chị cũng không muốn đứa con mình sắp sanh mồ côi cha. Hà đã sống những ngày như thế trên cù lao nhỏ này, những ngày mà đơn vị anh tác chiến ở vùng ven Sài Gòn, chuẩn bị giải phóng Sài Gòn. 
Cho tới ngày cù lao nhỏ này được giải phóng. 
Khi lá cờ Mặt trận bay phấp phới trên nóc chuồng cu của cái bót đầu ấp, rồi bay trên nóc nhà công sở, rồi ghe xuồng chạy giăng đầy cờ Mặt trận, rồi đài phát thanh công bố tin thắng trận, những bài hát anh quen nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam hồi còn ở đơn vị vang lên trên các loa treo trên ngọn cây cao... Rồi chính Sáu Nhơn chạy tới báo tin giải phóng cho anh, phải hét lớn vào tai anh, anh mới giật mình ngồi cười, ngơ ra một lúc, rồi cứ vậy đứng ngây ra giữa trời. Anh khóc. Anh chạy ra đám đông bà con đang vui mừng tụ họp nơi bến tàu, hét hò với bà con, rồi tự dưng anh bỏ về nhà. Ngồi một mình trên chiếc chiếu trải giữa nhà anh uống rượu. Chị Ba chạy cuống quýt tìm chồng ngoài bến tàu, không có mới chạy về nhà. Thấy chồng vậy chị la lớn: 
- Sao ba nó không ra vui với bà con người ta? 
Thằng con trai của anh lúc ấy đã ba tuổi bi bô hỏi anh:
- Giải phóng rồi ba ơi... 
Anh ôm lấy con, nước mắt ứa ra. Anh nạt vợ mấy câu, sau đó bỏ lên giường nằm ngủ. Có một lúc tiếng la hò của bà con nơi bến tàu lớn quá làm anh không ngủ được, không nằm yên được, anh lồm cồm ngồi dậy bước ra cửa đứng ngóng. Từng loạt đạn A.K bắn lên trời trong tiếng reo hò, tiếng hát, tiếng máy tàu chạy... Hòa bình rồi... Hà lẩm nhẩm một mình, lặng lẽ quay vô. Sau này vợ anh có động viên anh ra ngoài xã nhận công tác, anh lắc đầu. Chính Sáu Nhơn cũng nhiều lần mời anh ra làm việc vì Sáu Nhơn biết tường tận “lý lịch” của anh, tuy nhiên Hà vẫn lắc đầu. 
- Chuyện cũ thôi bỏ Hà ơi, tao thông cảm với mầy, tao hiểu mầy. Giờ ra làm việc lại với tụi tao, vì những thằng như mầy ở đây hiếm lắm. Chính quyền mới cần những thằng như mầy ra giúp, nói thiệt, như vậy tao mới yên tâm. Rồi từ từ tụi tao khôi phục Đảng lại cho mầy. 
Trong một bữa nhậu Sáu Nhơn đã bộc bạch với Hà như thế, hết sức chân tình như thế, Hà vẫn lắc đầu. Có một cái gì đó đã tắt nguội trong anh. Hà nhớ về người vợ ngoài Bắc cùng đứa con trai, chắc bây giờ đã lớn tướng, nghĩ tới người vợ hiện thời của mình bây giờ cùng đứa con trai nhỏ, anh thấy khó xử. Sau cùng đi tới quyết định như bây giờ, không nói sự thật cho người vợ sau hay. Một đôi lần chị Ba có nhắc chuyện về thăm quê hương của chồng, Hà chỉ ậm ừ cho qua, riết chị Ba cũng chán. Có lúc chị đã quên đi gốc gác chồng mình, quê quán chồng mình... Hà cũng muốn như vậy... 
Hà sống âm thầm một mình, ít quan hệ với xung quanh. Thế giới của anh là vườn dưa hấu, cái giếng nước ngọt, căn nhà lá ba gian có vợ con anh... nhiều khi anh muốn quên đi cả chuyện ngay cạnh anh, cách chừng vài trăm thước là biển, biển mênh mông, sóng lúc nào cũng náo động dội vô cái làng đảo nhỏ bé này.  
- Còn chuyện anh ra sao? 
Tôi hỏi Sáu Nhơn. 
- Uống đi Năm Hưng, chuyện tao dài lắm. 
Sáu Nhơn rót rượu cho tôi. Vợ anh bưng lên thêm một rổ nghêu mới luộc nữa, những con nghêu trắng đục lớn hơn đầu ngón chân cái chạm vỏ nhau lách cách. Thịt nghêu mằn mặn, ngòn ngọt, cái vị mặn của nó có lẽ bởi nước biển. Hình dáng hơi giống con trai, tuy nhỏ hơn, nhưng trong mỗi con nghêu không có một hạt ngọc nhỏ như ở một số con trai, bởi chúng không có khả năng làm ngọc như con trai, trong nó chỉ có một giọt nước biển nguyên chất mằn mặn, giọt nước biển đang đọng trên đầu lưỡi tôi, nhắc tôi về đại dương bao la nơi con nghêu sinh sống, đại dương ấy giờ đây đang ở ngay cạnh tôi, đại dương bao la để lại dấu vết trong mỗi con nghêu bé nhỏ. 
- Tao sẽ kể chuyện của tao cho mầy nghe, tao bị kỷ luật, mầy biết rồi. Tao sẽ kể, nhưng bữa nay thì chưa kể được. 
- Tại sao... 
- Bởi vì lúc đầu tao không muốn kể cho ai nghe hết, nhưng giờ thì khác rồi. Tao sẽ kể hết, cả chuyện tốt và chuyện hư của tao. Tao sẽ làm lại...
Sáu Nhơn nói và tợp một ngụm rượu. Dưới ánh trăng những sợi tóc của anh cứ dựng đứng lên một cách bướng bỉnh. 
Ngay tối hôm đó tôi đến thẳng nhà Hà. Có lẽ một phần do hơi rượu bốc lên khiến tôi không đủ bình tĩnh để đợi tới sáng mai. Tôi theo con đường lầy cát lấp lánh vỏ nghêu màu trắng đi về phía cuối đảo. Gió thổi tung vạt áo của tôi ra sau. Không biết đã mấy giờ, hẳn đã khuya lắm. Ngôi nhà Ba Bình lịm dưới bóng dàn dây leo trước cửa. 
- Hà, Hà! Dậy, dậy! 
Tôi gọi cửa, gọi khản cả giọng, trong nhà vẫn không có tiếng trả lời. Chẳng lẽ nó ngủ say đến như thế? Mặc! Không cho nó ngủ nữa. 
- Ba Bình, dậy, dậy, có chuyện quan trọng lắm. 
Mãi mới có tiếng cựa mình trên giường, tiếng Ba Bình, tức Hà, ngái ngủ hỏi vợ ai đó, tiếng bước chân ra mở cửa. Tiếng chị vợ lầu bầu: 
- Khuya lơ khuya lắc mà nhậu nhẹt chi. 
Chắc Hà bị dựng dậy giữa đêm như vầy nhiều lần, chỉ để tham gia cuộc nhậu nào. 
- Ổng say dữ lắm rồi, không nhậu được nữa đâu. 
- Không, tôi không kêu nó đi nhậu đâu, tôi có chuyện muốn nói với nó. 
Đến lúc tôi ngồi trước mặt Hà, ngọn đèn dầu soi rõ khuôn mặt anh, tôi vẫn còn nóng. Giận Hà vô cùng.Nó đã sống quá ích kỷ, quá hèn nhát, để mặc vợ con nó âm thầm đau đớn suốt bao năm nay. Nào ai có thể như nó được, dễ dàng rũ bỏ được quá khứ tươi đẹp của mình như thế. Ừ, thì mình có những sai sót, nhưng chẳng lẽ mỗi lần sai sót là mỗi lần gục luôn xuống, không gượng dậy nổi, hoặc không muốn gượng dậy, rồi chết luôn? Nhưng Hà ơi, mầy nên nhớ, tao còn giận mầy được là tao còn thương mầy. Và có nghĩa là tao còn hy vọng ở mầy... Tao, chính tao sẽ không cho phép mầy vứt bỏ quá khứ của mầy đâu... 
- Hà, đã đến lúc mầy không thể sống như vầy được nữa đâu. Mầy biết là tao còn nhận ra mầy, còn nhớ mầy, và không chỉ riêng tao. Và mầy cũng còn nhớ được khuôn mặt tao... 
Tôi thấy mình không cần phải dài dòng. Hà ngước nhanh nhìn tôi, lại cúi xuống. Lâu lắm. 
- Thôi, tôi xin, Năm Hưng à. Tôi đã vậy rồi, đã lỡ rồi, cứ để cho lỡ luôn, cứ coi như tôi đã chết rồi. 
Tôi càng nóng nảy: 
- Không, không thể như vậy được. Không ai cho phép mầy chết cả. Mầy không chết. Mầy phải sống trở lại. Không ai cho phép mầy... 
Hà càng im lặng, càng trở nên ủ rũ. Tôi nhìn anh nhìn chị Ba Bình vẫn ngồi im lặng nãy giờ, ngồi nép vô bóng tối ngọn đèn hồi hộp chờ nghe câu chuyện. Đột ngột tôi nói: 
- Trước lúc đi tao có ghé... 
Hà đứng dậy rất nhanh, điều tôi không ngờ, bước tới gần tôi nói nhỏ: 
- Ra ngoài mình nói chuyện với nhau, chuyện đàn ông con trai. 
Tôi đứng dậy theo Hà, hiểu rằng anh muốn giấu vợ chuyện đời tư của mình. Hai đứa tôi ngồi bên nhau trên con đập ngăn nước mặn ngoài mép biển. Gió mạnh làm chúng tôi không thể nói nhỏ được. 
- Trước lúc đi anh có ghé nhà tôi? - Hà hỏi trước. 
- Nè, ảnh của thằng nhỏ đây, mẹ nó đã có chồng. 
Mầy cũng không có quyền trách ai trong chuyện này. Chiến tranh... và cũng do nơi mầy một phần... 
Hà rút nhanh từ trong túi cây đèn pin anh đem theo từ bao giờ bấm lên soi vô tấm hình. Anh nhìn lâu lắm, rồi hỏi tôi: 
- Thôi, chuyện cũ vậy là xong, anh cho tôi xin tấm hình của cháu. Thằng nhỏ giống tôi lắm hả anh Năm Hưng? 
- Ừ, giống và cũng không giống... 
Hà lại ngồi im. Anh hỏi một vài chuyện quê hương, những câu hỏi rời rạc, chắp nối hỏi về người vợ trước của mình, rằng chồng cô ấy giờ là ai, về đứa con trai mình ngoài đó. Cũng bất ngờ như ban nãy, Hà đứng lên đưa trả tôi tấm hình nói giọng lạnh lùng; 
- Mọi chuyện kể như xong, cô ấy có chồng, tôi cũng đã có vợ, tôi yên tâm rồi. Giờ tôi về ngủ đây. 
Đoạn Hà cun cút bỏ đi mặc tôi đứng như trời trồng nhìn theo. Có thế thôi ư? Thế là xong? 
- Hà! 
Tôi gọi lớn. Hà đứng lại quay nhìn chút xíu, định đi tiếp, chẳng hiểu sao lại trở về bên tôi.
- Hà, mầy là một thằng tồi, thật tồi, mầy là một thằng không xứng đáng với chính mầy. 
- ... 
- Mầy tưởng mầy trốn ở đây mà được yên à? Tao không để cho mầy yên đâu. Đồ hèn. Mầy nên nhớ rằng mầy cũng phải có trách nhiệm, trách nhiệm lớn với chính những cuộc đời mầy đã góp phần tạo nên, góp công kiến tạo nên. Mầy không được sống vô trách nhiệm nữa.
Hà ngồi phịch xuống cát trân trối nhìn tôi dưới ánh trăng...
Tôi không nhớ mình đã nói những gì vào đêm hôm ấy, vào lúc hơi rượu bốc lên đầu như có lửa, tôi chỉ biết tôi đã nói rất nhiều với Hà. Sáng hôm sau, nghĩ lại chuyện xảy ra tôi thấy ân hận vì mình đã nóng nảy, đã hành động quá thô bạo.
Sáng hôm sau tôi tìm đến nhà Hà với ý định xin lỗi anh về những gì xảy ra đêm qua, và nói chuyện điều hơn lẽ thiệt với anh. Sẽ có cả vợ anh nữa, để chị có ý kiến của mình. Làm một người dân tốt cũng là có trách nhiệm với xã hội, nhưng cố ý để mọi người không còn nhớ quá khứ tốt đẹp của mình, tức là sự chối bỏ quá khứ là điều không thể chấp nhận được ở Hà. Anh phải thay đổi cách sống, cách nghĩ. Và tôi sẽ tình thiệt khuyên anh chấm dứt những ngày sống như vừa qua. Rằng tôi sẽ về nói với vợ con anh ngoài Bắc để họ có dịp sẽ vào thăm anh như một người cha tốt, người bạn tốt... Tôi đã thất vọng. Đến nhà tôi mới hay Hà đã bỏ đi từ sớm, anh đi biển, dặn vợ hai ngày mới về. Tôi hơi giật mình, chỉ khi nhìn thấy bộ quần áo bộ đội được vuốt thẳng thớm, còn nguyên nếp gấp treo nơi góc nhà tôi mới yên tâm trở lại. Chị Ba Bình cho biết, Hà giữ bộ quân phục này từ lâu lắm, cất kỹ lắm, buổi sớm nay chẳng biết sao lại lấy ra tính mặc, sau rồi để lại nhà. Bộ quần áo thơm phức mùi xà bông. Có thể là Hà đã đi tìm một nơi nào đó thật yên tĩnh để nghĩ ngợi một mình, có thể là một hòn cù lao nhỏ ngoài biển. Hồi còn ở bộ đội thỉnh thoảng gặp chuyện gì khó xử, Hà cũng làm như thế. Tôi nhìn chị Ba Bình, cuối cùng quyết định nói hết sự thật với chị, điều mà Hà cố tình giấu giếm. Tôi tin là chị ta sẽ lấy được bình tĩnh, bởi người vợ cũ của Hà ở ngoài Bắc đã có chồng. Nghe xong câu chuyện chị Ba Bình thở dài nói: 
- Thì ra là vậy, bây giờ tôi chỉ sợ ảnh nghĩ quẩn, bỏ ra biển rồi theo ai đi luôn thì khổ mẹ con tôi ở nhà. 
- Đi đâu, không, nó sẽ không đi đâu, không bỏ trốn đâu, nó sẽ trở về với chị, với thằng nhỏ, trở về với chúng ta. Chị cứ tin ở tôi. 
Tôi nói, và rất tin điều mình nói.
27/11/2004
Hào Vũ
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...