Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Vườn dừa có khóm hành xanh

Vườn dừa có khóm hành xanh

Cả làng ngớ ra khi bà giáo Trung góp tới 100 triệu đồng, đúng ra là 108. 967.230  vào việc trùng tu đình Đại Đồng. Người ta nghĩ, nhà ấy, có dư dã chăng là chút chữ nghĩa, chứ tiền bạc thì lấy đâu! Đến cọng hành ăn hằng ngày, bà giáo cũng phải trồng trong cái thúng sơn hết tuổi biển, xin của dân chài, chứa đầy đất, đặt dưới gốc dừa cỗi trong khu vườn có cả trăm gốc dừa. Mọi chi tiêu trong nhà trông vào dừa. Mà dừa thì cứ rớt giá. Bà giáo phải khéo thu vén lắm, bán từ tàu dừa khô rụng xuống tới viên kẹo dừa tự tay bà làm, mới có thể thay chồng báo hiếu cha mẹ chồng, rồi nuôi con, nuôi cháu trong cái làng chài nghèo tới mức cây dừa nào cũng ốm nhách, cao ngỏng lên như đang kiễng chân tìm đường chạy! Gọi là bà giáo nhưng từ khi về làm dâu làng biển này, bà đã dậy ai được một chữ! Chỉ là hưởng lây tiếng thơm của chồng. Ông giáo Trung con nhà họ Phan, dòng họ lập ra làng biển này. Cụ cố tổ họ Phan làng Đại Đồng, từ mãi ngoài Trung, chèo ghe tới đây thì mái chèo đứt dây cột, thay ba lần vẫn đứt! Vậy là cắm sào, lên bờ khẩn đất. Nhà ấy, đến ông Trung đã là đời thứ bẩy! Không muốn phá sơn lâm, đâm hà bá nữa, anh Trung, được gửi đi học mãi ngoài trường Bưởi, cùng một khóa với ông nhạc sĩ Khê, ông đại sứ Bộ. Học rồi thành giáo sư Pháp văn trường tỉnh! Bà giáo, chỉ ở với chồng được chừng mấy tháng thì ông theo kháng chiến, vào những ngày bà đang có bầu. Ông Trung đi miết, đến mặt con cũng chẳng biết, chỉ kịp để lại cho nó cái tên Phan Thành Đồng. Sau 30 năm chờ, bà giáo nhận được một bằng tổ quốc ghi công. Sau này bà biết, chồng mình đã được chọn làm thuyền trưởng con tầu không số mở đường biển trở về chính cái làng đồng khởi này! Thuyền chưa tới được bến đã tự nổ tung để xóa hết tung tích, giữ bí mật quốc gia. Những chuyện ấy bà hay kể cho thằng cháu nội Phan Thành Nam. 
Khác với chị Bắc, sống trong khu tập thể trường cấp ba trên thị xã với mẹ, Nam sống trong vườn nhà với bà Nội. Đó là cách bà giáo chia bớt gánh nặng cho con dâu. Vào những năm khó khăn nhất sau ngày giải phóng, đêm ấy mưa tầm tã, sáng ra những người đi chợ sớm nghe trong nhà bà giáo có tiếng trẻ khóc, thấy lạ vào hỏi thăm. Mừng lắm, thế là nhà họ Phan có người nối dõi! Đang trận chiến biên giới, hòn tên mũi đạn, chưa biết thế nào! Bà giáo nói, vợ lính chiến, nuôi một đứa đã cực lắm rồi, bà ở không, bắt cháu đích tôn về chăm bẵm. Tự tay bà khai sinh cho cháu ngoài ủy ban xã. Nó cũng đã dứt sữa! Với lại dù cần bú thét, thì làng này người ta đẻ sòn sòn, thiếu gì sữa mẹ! 
Hai bà cháu quấn quýt, Nam hay hỏi và câu hỏi nào, bà nó cũng có cách trả lời! Bà nội, sao nhà mình không xài ca mủ? Vì cái gáo đẹp hơn cháu à, mình tròn trùng trục, đuôi dài lê thê, khắp chợ cùng quê, đâu đâu cũng có. Uống nước thì cứ nên uống gáo dừa, gặp nước độc, gáo vỡ, gáo muốn cứu người đó cháu! Và cái gáo dừa vẫn hết ngày tới đêm nằm trên nắp lu nước sạch, đặt trong mái lá nhỏ ngoài cổng, chờ những người khát lỡ đường, ghé vào tránh nắng, đụt mưa. 
Học đến cấp hai, Nam đã biết hỏi, thiệt không nội! Cô giáo con kể, người ta tiếp nước dừa vào máu như tiếp huyết thanh! Sao không thiệt, chuyện ông nội con chứ xa lạ gì. Vào kệ sách, lấy cuốn hồi ức chiến khu ra đây! Thắng bé lấy sách, và trong tiếng sồn sột, bà nội nạo cơm dừa thắng nước cốt, nó tròn mắt đọc thầm “Trong lịch sử chiến tranh cách mạng, có quân y sĩ dám truyền nước dừa tươi vào cơ thể thương binh như truyền huyết thanh vô trùng. Chính tôi đã làm như thế với một tiểu đoàn trưởng, người Bến Tre tên Phan Thành Trung.Những người lính dám vén tay áo chiến để bộc lộ tĩnh mạch của mình những ngày gian khó ấy, thì nào có thua kém gì võ tướng Quan Vân Trường khi ông, cởi giáp trụ, ngồi đánh cờ để thầy Hoa Đà, róc thịt, tìm xương hư mà đắp  thuốc”. 
Khi Nam đã là một sinh viên mỹ thuật, biết nó đang học bài logo thương hiệu, bà nội kể, cháu biết chuyện người làng mình đáo tụng đình đòi thương hiệu không? Chuyện bà Tỏ 3 cây dừa phải không nội? Không phải 3 mà là  307. Làng mình có cái bia đánh dấu điểm hành lễ xuất quân tiểu đoàn 307 thì ai cũng biết rồi! Chuyện chú Sáu 307 làng mình là dũng sĩ diệt thương hiệu dỏm cơ! Học trò của nội con đó! Chú Sáu đã gù lưng tôm, vậy mà sau cữ trà quạu buổi sáng là lên xe đạp, tuần phố, tìm  thương hiệu nào không dùng tiếng Việt, bà con nông dân đọc không được, thì để nghị chỉnh! Lỗi kỹ thuật chỉ cần chỉnh sửa! Thương hiệu nào vi phạm quan điểm chính trị là tấn công, đánh đến cùng! Có nhà kia chọn đúng đường Đồng Khởi mà mở tiệm vải An Nam tơ lụa, chú Sáu cho là có âm mưu phục hồi quốc hiệu phản động của phong kiến thực dân, lên tận phòng thương mại đòi xóa tên ấy. Ngày nào chú Sáu cũng tới tận nơi hỏi, đã xử lý chưa? Có cần anh em cựu chiến binh chúng tôi kiến nghị ra trung ương! Vậy là nhà tơ lụa muốn yên chuyện phải đội mũ cho chữ A, thành Ân Nam. Nội ơi má con kể, ngày trước nhà nội cũng khổ vì thương hiệu phải không? Không chịu khổ đã chẳng có ba con! Nhà bà ngày xưa mở tiệm kẹo dừa nhưng biển hiệu CVM lại do ông nội con đặt. Đâu đuôi thế này, ông nội con với anh hai của bà là bạn học. Ông nội  khóai kẹo dừa nhà này, mới bàn, kẹo nhà mày ngon thế phải xuất khẩu mới được!  Phải tranh đấu thương mại với chocola! Trước tiên, phải có một cái tên thiệt mới, như tên đài BBC vậy đó! Tên mày là Châu Văn Minh sao tên tiệm kẹo nhà mày không là CVM! Cả miềm Tây hồi ấy, tên tiệm lạ hoắc như vậy, chỉ có nhà mình! Kẹo bán thấy ham! Những tiệm khác chẳng chịu yên, tung tin CVM là Chờ Việt Minh, Cầu Việt Minh, Chứa Việt Minh! Cu lít làm khó dễ đến mức tiệm  phải đóng cửa! Còn chuyện Chờ Việt Minh sinh ba con là sao? Thì bắn súng không nên phải đền đạn! Đang nghỉ hè ông nội con tìm đến nhà bà, bàn chuyện không cho làm kẹo dừa, thì mình làm kem dừa. Ông nội con nhờ bà ra công thức kem, ngày ấy trong trường nữ, một bà đầm dạy bà môn gia chánh mà! Rồi hai người cùng ăn thử que kém thứ nhất! Vài lần thử kem thì thương nhau, nên vợ nên chồng! Có đứa bạn gái nào cùng vẽ thương hiệu với con chưa? Nam đỏ mặt, cái bớt nhỏ như một chấm nốt ruồi nơi nhân chung biến mất! Nam muôn khoe với bà nhưng thấy khó nói lại thôi. Nam đang tìm cách vẽ cho thật đẹp thương hiệu DV - dừa Việt của người bạn tình. Anh muốn hai chữ cái ấy phải trắng tươi như cặp dừa xiêm mới phạt hết áo xanh, vừa mở làn da cơm dừa non, căng và mềm! Phải trắng hồng như đôi vú thanh nữ anh đang khao khát! 
Những câu chuyện của bà nuôi cháu lớn. Chuyện gì rồi Nam cũng vẽ thành tranh. Bức ông nội lẫm liệt giữa vừng lửa đỏ được giải nhất cuộc thi cấp tỉnh đem vinh hạnh về cho cả làng. Lại còn giải thưởng quốc tế, bức tranh Nam vẽ người cha liệt sĩ Phan Thành Đồng về với con trong một giấc mơ, trên tay là ngôi chùa tháp nổi tiếng, nhỏ xinh như món đồ chơi! Hai tấm bằng khen của Nam bà giáo treo trên tường, đối diện với cái bàn thờ có hai bằng tổ quốc ghi công, cùng một kích cỡ, nhưng cái thờ chồng, cái thờ con! 
Niềm vinh hạnh, không làm người ta no bụng! Ngày xa vườn dừa lên thành phố, Nam thưa với bà, con học làm ăn chứ không học vẽ vời! Nam  tìm cách mang miếng ăn, mang đồng tiền về cho Nội mình, làng mình. Số tiền 108 triệu cúng đình là của Nam. Hôm ấy có người tìm đến nhà Nam đang trọ học năm cuối  đại học mỹ thuật công nghiệp, tự giới thiệu là học trò của ông nội, nhờ vẽ logo cho doanh nghiệp Kim Hòan! Nam vẽ sau một đêm, những ba mẫu! Bà Kim Hòan chọn ngay được mẫu mình thích! Mắt Nam sáng lên: “Cô lựa giỏi quá! Mẫu này con vẽ cho Hằng! Nhẫn cưới của con đó! Cảm ơn cô!” Khi hỏi chuyện công xá, Nam ngạc nhiên! Ô kia, cô là học trò của ông nội con, bà nội con biểu con vẽ cho cô! Sao lại tính công! Ép mãi, Nam vừa nói vừa cười: “Nếu cô làm ăn khá lên nhờ logo này, mỗi sản phẩm, bất kể xuyến, nhẫn, bông tai, vàng cây, vàng thỏi, cứ thứ gì bán được cô cho con xin một ngàn”. Tưởng nói đùa, ai dè vài năm sau, vào đúng lúc Nam cần tiền thì bà Kim Hoàn, chủ một doanh nghiệp vàng bạc lớn vào loại nhất nhì trong nước, mang số tiền 108.967.230 tới bắt nó ký nhận.
Đấy là vào lúc cả nhà đang lúng túng vì sự thanh bần của mình! Mới đi thực tế khắp miền Tây để hoàn tất logo Dừa Việt, trở về thành phố, Nam nhận điện của mẹ từ Bến Tre. Giọng mẹ nhòe nước mắt, bà nội bệnh trọng, việc cứu chữa đã vượt khỏi khả năng của viện tim thành phố Hồ Chí Minh. Các bác sĩ áy náy lắm, phải tìm cách đưa cụ sang Pháp giải phẫu, trước mắt cần một trăm triệu đồng! Mẹ dặn đừng báo tin cho chị Bắc, Nam vẫn móc điện thoại cầu cứu chị gái, sau khi đã gọi cho Hằng. Chị Bắc đang là người giàu nhất nhà, chính chị Bắc thay mẹ nuôi Nam học hết đại học mỹ thuật! 
Phan Thành Bắc đang đưa khách tua xuyên việt từ Hà Nội vào. Cô hướng dẫn viên đang nhí nhảnh hót tiếng Anh như sáo trước tượng vũ nữ Trà Kiệu thì  lễ phép xin được nghe điện thọai, rồi bật khóc. Những người ngoại quốc lịch thiệp xúm lại thăm hỏi. Một ông bác sĩ Pháp còn trẻ khi biết chuyện thì tự giới thiệu mình chuyên khoa tim mạch và hứa tới tận nhà thăm bệnh cho bà cụ tội nghiệp. Ông giữ lời và chỉ vài hôm sau đã có mặt ở vườn dừa có khóm hành xanh trong lòng cái thuyền thúng rách. Trên kệ sách trong nhà, ông nhìn thấy những cuốn in ở Paris, năm ông còn chưa sinh! Bà chủ chọn sách, đề tặng ông tập thơ, nét chữ đã run, đã yếu lắm nhưng rồi vẫn thành dòng A mon ami, afin que Jacques Prevert... peut rentrer au pays natal *. Đầy hứng khởi, ông bác sĩ muốn chính tay mình cứu sống bà giáo già. Ca đại phẫu được ông tiến hành ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, những thiết bị cần thiết được chuyển gấp từ Paris sang. Bà giáo lành lặn. Số 108.967.230 còn nguyên gói, được thành tâm cúng đình!
Đình Đại Đồng vài chục năm trước từng là nơi tập trung cải tạo lính ngụy. Một bữa những người lính thua cuộc thui chó để ăn mừng còn được sống, bất cẩn để lửa thui một nửa căn đình! May mà ông từ cứu được cái rương gỗ đựng sắc phong của triều Nguyễn! Ngoài cái mõ cá bị lửa gặm cụt đuôi, muốn tìm vết tích vụ hỏa hoạn, phải lật mặt sau những tấm liễn. Ở mặt hậu ấy, nham nhở nửa than nửa gỗ chứ không sơn son thếp vàng như bên mặt tiền. Đình Đại Đồng sửa xong, vào đúng dịp doanh nghiệp Dừa Việt của Hằng ký được hợp đồng làm hàng lưu niệm cho ban tổ chức sea games 22. Ủy ban xã cho mượn sân đình để Hằng tập trung bà con ngồi đan cho bằng xong 2500 cái giỏ hoa trước ngày khai mạc. Cũng dịp này Bắc đưa khách ngọai quốc về thăm làng, thăm nhà rường 80 cây cột lim, thăm cửa sông nối đất Bến Tre vào đường Trường Sơn trên biển. Khách của Bắc đang hào hứng chĩa ống kính vào những ngón tay thoăn thoắt biến cọng lá dừa thành lẵng hoa, thành giỏ đựng chai vodka Tân Thạnh… Người nào cũng cầm trên tay một con chấu chấu tết bằng lá dừa. Bắc nhẩm đếm và thấy thiếu bà Việt kiều, người trên đường xuống đây hay hỏi cô về làng biển này! Bắc bổ đi tìm. Trên thềm nhà mình, thấy một đôi giầy lạ, cô chạy vào! Bà Việt kiều đang quỳ dưới chân bà nội cô: “Mẹ ơi, nếu con mang thằng nhỏ xuống biển đêm mưa ấy thì nó chết mất! Thằng bé đang sốt cao như thế. Con dứt ruột đặt thằng bé trước cửa nhà mẹ, bên lu nước có cái gáo dừa kia. Con lạy mẹ, nó đã là con của mẹ, của làng dừa này rồi! Con chỉ xin nhìn mặt cháu một lần! Nhìn cái vết bớt chỗ nhân chung ấy!”
Bắc bước tới cầm tay nội mình. Cô nghĩ đã chắc gì bà khách nhận Nam là con đẻ, bởi vì cứ mỗi khi xúc động, cái vết bớt giữa nhân chung của em cô lại biến mất, như bạn đọc đã từng chứng kiến!
Chú thích:
Tặng bạn tôi, để Jacques Prevert được trở lại quê hương.
3/12/2004
 Ngọc
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...