Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Những buổi chiều bình yên ấy

Những buổi chiều bình yên ấy

Trước đó là quãng thời gian đầy sóng gió với gia đình chúng tôi (tôi, Khang và Nhím), đặc biệt là Khang, anh phải gồng toàn bộ gánh nặng gia đình khi ấy. Thế nhưng với tôi, không thể có khoảng thời gian và không gian nào êm đềm hơn thế trong cuộc đời của mình.
Mùa hè năm đó Nhím chuẩn bị vào lớp 9. Chúng tôi dọn về Th. sau khi Khang vấp một cú lừa, gần như trắng tay trong một phi vụ làm ăn, không dính vào vòng lao lý là may! Tôi, cách đó không lâu, một ngày, chợt phát hiện mình không còn khả năng làm mẹ vĩnh viễn bởi một khối u hiện hữu trong cơ thể có nguy cơ chuyển thành K. nếu không phẫu thuật sớm.
Tôi suy sụp nhìn Khang đầu bù tóc rối, ánh mắt vô hồn. Bé Nhím nhìn ba mẹ và mím môi xếp sách vở vào thùng, lấy băng keo dán kín, chờ đợi một chuyến chuyển nhà, quyết không rơi một giọt nước mắt và không bước chân ra khỏi nhà dù bạn bè nó suốt ngày gọi điện thoại rủ đi đâu đó để chia tay.
Đêm trước ngày phẫu thuật, tôi chỉ nói với Khang một câu rằng biết đâu tôi không qua khỏi và Khang hãy gắng nuôi Nhím đến bờ đến bến, sau đó giữa chúng tôi là khoảng không im lặng đến ghê người. Tôi không hiểu Khang nghĩ gì và tôi biết chắc chắn rằng khi ấy, tôi không quan tâm đến điều đó nhiều lắm. Những suy nghĩ trong đầu tôi bị chẻ vụn, xáo lên, trộn xuống lộn xộn.
Đêm dài như vô tận! Ánh đèn néon cùng với màu tường sơn trắng tạo thành một màu chói lóa. Tôi nhắm mắt. Không nôn nao, không chờ đợi. Phía trước mặt là bức tường chắn ngang, không có con đường đi tiếp nhưng cũng không thể ngoái về phía sau, nơi có những con đường đã đi qua nhiều gập ghềnh, xô lấn; vinh quang cũng có mà đắng cay cũng từng.
Thỉnh thoảng có tiếng chuông điện thoại reo lên và giọng khàn đục của Khang trả lời ai đó, rồi mọi thứ chìm vào yên lặng khiến tôi có cảm giác tiếng máy điều hòa dường như to quá, nó vang lên rồi ong ong trong đầu tôi những âm thanh hỗn tạp không phân biệt là của đường phố, hay tiếng sóng biển, hay tiếng gió mưa gào thét. Rồi bỗng dưng những âm thanh ấy chợt tắt ngúm và tôi như người đang chạy nước rút, bị hụt chân, mất thăng bằng ngã chúi nhủi.
Sau này, Khang nói có lúc anh thấy tôi lim dim, lơ mơ, rồi tôi nói thầm điều gì đó, rồi lại mở to đôi mắt nhìn lên trần nhà không chớp và anh bỗng thấy tôi xa lạ, một người nào rất khác chưa hề một lần quen biết!
Sáng hôm sau, Khang tiễn tôi một đoạn ngắn trong hành lang bệnh viện, tôi không quay đầu lại bởi bước chân và ánh mắt tôi phải bám theo tấm áo blouse trắng trước mặt. Mọi thứ sau đó diễn ra rất nhanh cho đến khi tôi thấy lạnh, rất lạnh, run lên từng cơn, lập cập, tôi lập bập trả lời cô y tá những câu hỏi gì đó rồi chìm vào vô thức cho đến khi những cơn đau dồn dập thúc tôi tỉnh dậy.
Những ngày sau đó, tâm trí tôi chỉ chú mục vào cơn đau và cố gắng làm mọi cách xoa dịu nó. Tôi hoàn toàn không quan tâm Khang làm thế nào để có cho tôi những chén cơm mềm, canh nóng hay Nhím ở nhà ăn gì. Mối quan tâm của tôi lúc đó chỉ là nhịp thở. Tôi tập trung vào nó, hít thở và đếm, và cảm nhận được sự huyền nhiệm của thời gian qua từng giây, từng phút, từng giờ đồng nghĩa với cơn đau lui dần từng chút một cho đến ngày tôi đi đứng bình thường và chúng tôi dọn về Th.
Nơi gọi là nhà chúng tôi khi ấy là một dãy nhà cấp bốn, gồm ba phòng mà Khang ký hợp đồng thuê trong thời hạn mười năm của một trung tâm thể dục thể thao sau khi anh trúng thầu quản lý sân quần vợt cũng từng thời gian ấy. Trung tâm có một nhà thi đấu, câu lạc bộ bóng bàn, quần vợt, võ thuật và một sân bóng đá đúng tiêu chuẩn cho những trận thi đấu cấp thành phố. Khang đem tiện nghi về cho gia đình chúng tôi sao cho mọi người không cảm giác đang ở nhà thuê.
Bé Nhím có một phòng riêng đầy đủ mọi thứ phục vụ học tập và giải trí. Kế đó là phòng tôi và Khang, còn lại một phòng dành cho bạn bè thân thiết đến chơi, ở lại. Phòng nào Khang cũng sửa sang thật đẹp, ấm cúng, anh muốn khách đến với gia đình chúng tôi được thoải mái như ở nhà họ. Khang còn chu đáo mang về hai con chó nhỏ đẹp như hai con chó bông, một con Nhím đặt tên là Lu, một con tôi đặt tên là Rem.
Phía trước nhà có cái sân rộng, Khang mua vài cây lớn về trồng tạo bóng mát, trong đó có một cây sa kê. Anh đặt bên dưới gốc cây một cái xích đu, mấy bộ bàn ghế thấp, thế là có ngay một nơi để anh tiếp khách và phục vụ nước giải khát cho khách chơi thể thao.
Từ vị trí giám đốc một doanh nghiệp, dưới tay có vài chục nhân viên, Khang chấp nhận và vui vẻ lui về làm ông chủ hàng nước, chủ yếu có tiền cho tôi đi chợ, cho Nhím đi học thêm. Việc chính của anh là những cú (mà anh gọi là) “áp-phe” anh có được từ sân quần vợt. Với một người chơi quần vợt giỏi và dễ tạo mối quan hệ thì đây rõ ràng là một thuận lợi.
Phía sau nhà là sân bóng đá, cỏ xanh trải dài ngút mắt, chưa bao giờ tôi đi bộ hết một vòng. Tôi thích ngồi hàng giờ ở đó những buổi chiều thả suy tư mình đi từ miền này đến miền khác của ký ức. Tầm năm rưỡi chiều, nắng vừa tắt, trong khi chờ Nhím đi học thêm về và Khang vẫn còn hào hứng với những pha cắt bóng ở sân quần vợt thì tôi lững thững ra sân cỏ. Lu và Rem lũn cũn chạy theo.
Nơi ấy có sẵn hai cái ghế dài cùng một cái bàn và một cái ghế dựa là những thứ phục vụ cho trận bóng đá còn lại chưa dọn dẹp. Đến tối có người mang tất cả vào nhà và sẽ mang ra vào hôm sau để phục vụ các trận bóng đá khác.
Khi tôi ra sân, lúc nào cũng có một nhóm con nít đi học bóng bàn sớm tranh thủ tạt vào chạy nhảy, hay mang banh vào đá, hay chơi với Lu và Rem. Chúng mê hai con chó đến nỗi có đứa sẵn sàng hi sinh gói bánh snack hay ổ bánh mì thịt để dụ Rem chạy theo chúng lòng vòng trên sân cỏ, có đứa thích thú ngã lăn quay theo Rem và Lu khi chúng đùa giỡn nhau.
Những suy nghĩ của tôi cứ miên man, khi thì theo bước chân chạy nhảy của bọn trẻ, khi thì say sưa với trò vật lộn của Lu và Rem, khi thì dõi theo đường lăn của trái banh quần vợt màu xanh mà bọn trẻ quăng ra để nhử Lu. Tôi kéo hồi ức về tuổi thơ, về tuổi dậy thì, về những ngày trong trường đại học và về Khang.
Ngày tôi đưa Khang về nhà, mẹ tôi, một phụ nữ đơn thân, có cái nhìn hơi kỹ tính về đàn ông nói với tôi rằng Khang có gương mặt hiền, nhưng đôi mắt lại đầy tham vọng. Người như thế không bao giờ bằng lòng với những ngày thật bình yên. Với anh ta, đó chỉ là những năm tháng phí hoài hay để dừng lại chờ một cơ hội khác. Khi ấy tôi không quan tâm nhiều đến lời nhận xét của mẹ bằng cái gật đầu của bà chấp thuận cho chúng tôi có một đám cưới.
Rồi Nhím ra đời, lúc nào cũng cười. Mẹ tôi nói nụ cười của Nhím sẽ giúp chúng tôi làm ăn khá, nhưng liền sau đó bà lại chép miệng bảo đôi mắt của Khang sâu quá, khi tối, khi sáng quá!
Quả đúng vậy, Khang làm ăn lên như diều. Một phân xưởng rồi hai phân xưởng, một miếng đất rồi hai miếng đất... Tôi nghỉ việc, về nhà quản lý sổ sách, lo toan gia đình, đưa đón Nhím đi học...
Nghĩ đến quãng thời gian đó, tôi thường phóng tầm mắt nhìn bao quát hết sân cỏ rộng có tiếng cười giòn tan của lũ trẻ. Có mùi cỏ ướt vừa được tưới nước lẫn với mùi đất và mùi nắng nương theo gió lúc nhạt, lúc nồng. Và gió. Gió mơn man, lúc nhẹ nhàng, lúc suồng sã, khi nồng nàn, khi âu yếm, khi phóng khoáng, lúc bao dung... Tôi hít mãi mùi cỏ ướt, ngắm mãi mặt sân cỏ, tâm trạng không buồn, không vui, chỉ thấy lòng rất thanh thản.
Đến khi chiều dần sụp xuống hết, lũ trẻ lần lượt được ba mẹ đón về nhà, Lu và Rem mỏi mệt, lười biếng, nằm phục dưới chân tôi vụt ngẩng đầu, nghe ngóng rồi phắt nhanh phóng ra phía trước khi có tiếng chuông xe đạp leng keng của Nhím đi học về. Tôi trở về phòng chuẩn bị cơm nước cho ba người. Tham gia một chút với Khang cùng bạn bè ngồi uống bia sau trận đấu, chấm hết một ngày. Những ngày có những buổi chiều rất bình yên.
Hè năm sau đó Nhím thi đậu vào trường chuyên. Khang nghĩ xa hơn là Nhím cần nên đi du học sau này và tôi thấy anh có những buổi tối ngồi ở bộ bàn ghế dưới cây sa kê đốt thuốc liên tục. Tôi chợt nhớ lời mẹ tôi đã ra người thiên cổ rằng đôi mắt Khang khi thì tối quá và lúc thì sáng quá!
Hai năm sau, Khang để lại cho tôi sân quần vợt cùng quán nước, anh trở lại S. nói là cần phải gầy dựng lại những gì đã mất.
Những buổi chiều thật bình yên của tôi thưa dần dù sân bóng vẫn còn bọn trẻ chơi đùa với Lu và Rem và mùi cỏ lúc đậm, lúc nhạt phảng phất đến chỗ tôi ngồi trên cái xích đu. Tôi không còn thì giờ ra ngồi trên cái ghế dài trên sân bóng đá, tôi bận thu tiền, tính giờ và phục vụ nước cho khách.
Nhím đi học thêm nhiều hơn, những bữa cơm của chúng tôi hoặc sớm quá hoặc tối quá. Chúng tôi không còn những sinh hoạt gia đình giống như những gia đình bình thường khác. Thỉnh thoảng Khang về, nếu không làm vài set với bạn bè thì anh lại ngồi rất lâu dưới gốc cây sa kê và hút thuốc. Giữa chúng tôi khi ấy chỉ là những kế hoạch cho Nhím, thỉnh thoảng Khang nhắc đến khoản tiền tích lũy để gia đình có thể trở về những ngày xưa ở S.
Tôi nói với Khang rằng tôi thấy mỏi mệt, tôi thích những ngày thật bình yên có Khang, có Nhím và tôi có cái sân cỏ rộng để thả suy tư của mình trong buổi chiều tắt nắng. Khang nhìn tôi lạ lẫm, trong ánh sáng nhập nhoạng chiều chuyển sang đêm, tôi vẫn cảm nhận được những luồng tối sáng hiện ra trong đôi mắt anh, đó là lần đầu tiên tôi lờ mờ hiểu được những điều mẹ tôi đã dự đoán.
Mọi sự trôi đi như thế...
Ngày có tin Nhím đậu vào đại học y khoa thì tôi là người sau cùng biết tin Khang có người đàn bà khác cùng một đứa bé mới sinh. Nhím hình như không còn biết cười từ ngày ấy. Từ một đứa linh hoạt, vui tính, hồn nhiên, sôi nổi, nó bỗng nhiên trầm xuống và ít nói hẳn đi. Tôi đóng cửa quán nước buổi chiều và trở lại sân cỏ cùng với Lu và Rem giờ đã lớn không còn thích thú gì với những trò chạy nhảy của bọn trẻ ngoài mấy gói bánh snack.
Tôi ngồi mãi cho đến khi bóng tối phủ đầy cùng tiếng muỗi vo ve bên tai và Nhím bước ra ôm vai tôi, hai mẹ con vào nhà ăn cơm rồi tắt đèn đi ngủ sớm. Cả Nhím và tôi đều biết chúng tôi sẽ có những đêm rất dài, triền miên không ngủ được!
Khang trở về ngày tôi chuẩn bị đưa Nhím vào trường. Tôi đưa cho Khang tờ đơn ly hôn đã viết sẵn. Khang sang lại câu lạc bộ cho người khác quản lý khi chưa hết hạn hợp đồng. Tôi làm một con tính trừ, những buổi chiều bình yên của tôi chỉ có được hai năm. Quá ngắn cho một đời người, nhưng có lẽ quá dài cho một người như Khang. Với tôi, tôi không biết mình đã thật sự tận hưởng hết những buổi chiều thật bình yên đó hay không, chỉ biết mọi thứ đã chấm hết, một phần đời ngắn trong một đời dài...
Hai năm sau, Nhím có được học bổng đi học nước ngoài. Tôi quay lại Th. mua một miếng đất ở vùng ngoại ô và cất ngôi nhà nhỏ. Tôi tìm lại dãy nhà ba phòng ngày xưa và vòng ra sân cỏ. Mọi thứ vẫn vậy, sân cỏ vẫn êm đềm và mùi cỏ vẫn lẫn mùi đất cùng mùi nắng, nồng nàn. Hết bọn trẻ này lớn lên có bọn trẻ khác tìm đến câu lạc bộ bóng bàn.
Tôi ngồi lại một chút rồi đứng lên khi thấy lồng ngực mình nặng trĩu và mắt cùng sống mũi thì cay quá! Và đêm ấy, tự dưng tôi bật tiếng khóc thật to trong căn nhà còn nồng mùi sơn mới. Tôi, Khang, Nhím, Lu, Rem và sân cỏ... Những ngày bình yên ấy sao ngắn ngủi đến vậy? Tôi tự hỏi nhiều lần câu ấy cho đến khi thiếp đi trong một giấc ngủ đầy mộng mị...
Ba năm sau, tôi nhận được tin Khang bị ốm nặng khó qua khỏi. Báo tin cho tôi là một người bạn thời đại học. Anh nói với tôi rằng Khang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Tôi nên đi thăm Khang, nếu không còn tình nghĩa vợ chồng thì cũng là bạn bè những năm trong trường đại học.
Tôi sắp xếp mọi thứ, quay lại S. và ở với Khang ba tuần cuối cùng trong bệnh viện. Người phụ nữ sau này của anh cũng là một người quen biết cũ của chúng tôi. Giữa chúng tôi không còn thù hận, hờn ghen khi Khang nằm đó, gầy gò, dúm dó trong những cơn đau. Tôi nhớ lại những chén cơm mềm, canh nóng quãng thời gian tôi phẫu thuật. Đã trải qua, tôi biết chắc chắn giờ đây Khang chẳng nghĩ gì xa hơn đến việc làm sao dứt khỏi sự đau đớn. Trong mắt Khang, bóng tối phủ đầy, thảng hoặc lóe lên vài luồng ánh sáng rất nhạt và yếu ớt!
Có một lần, duy nhất, Khang tỉnh táo sau giấc ngủ dài không bị cơn đau hành hạ, Khang hỏi tôi Nhím sau này sẽ về hay ở lại? Tôi nói không biết. Giữa ba chúng tôi dường như từ rất lâu đã muôn trùng xa cách rồi!
Tôi điện thoại cho Nhím: ba có thể không qua khỏi, con thu xếp về gặp ba một lần cuối. Nhím chưa sắp xếp được ngày về thì Khang ra đi vào một buổi chiều có nắng vàng thật rực rỡ bên ngoài khung cửa sổ. Một chiếc lá chao nhẹ, rơi xuống, sau đó nhiều chiếc lá thi nhau lìa cành bởi một cơn gió ở đâu đột ngột thốc đến. Vợ Khang gào khóc. Tôi không khóc được như vợ của Khang, hình như nước mắt chảy ngược vào trong đã từ lâu lắm rồi!
Nhín nghẹn ngào với tôi qua điện thoại rằng mấy năm rồi con chưa thấy ba, mẹ thì con vẫn thấy hằng ngày qua webcam... Trước khi chấm dứt, Nhím bỗng nói: “Có bao giờ mẹ nghĩ ngược lại rằng mẹ có lỗi với ba?”.
Tôi không có thì giờ suy nghĩ về điều Nhím nói bởi còn phải phụ với vợ Khang lo cho Khang lần cuối.
Đêm cuối cùng ở S., tôi và vợ Khang có một bữa tối cùng nhau trong một không gian thật yên tĩnh, có tiếng nhạc nhè nhẹ, có bình hoa thật đẹp trên bàn và có cả nến. Vợ Khang nói với tôi những điều tương tự như lời của Nhím. Chị nói chính tôi đã đẩy Khang vào cuộc đời chị.
Những ngày đó, khi mà tôi chìm đắm trong khoảng trời bình yên của riêng mình thì Khang đã rất cô đơn. Ở tuổi 45, Khang còn quá trẻ để cột mình vào những buổi chiều nhàn nhạt ấy. Cuối cùng chị nói tôi chưa bao giờ yêu Khang như Khang đã yêu tôi. Tôi chỉ yêu khoảng trời nhỏ bé mà tôi cho rằng đã rất bình yên đó, và ôm một hi vọng hão huyền là có thể trói người đàn ông nhiều tham vọng, không bình thường bằng những điều tầm thường đến vậy!
Tôi trở về Th. và tìm lại sân cỏ ngày trước. Ngồi trên ghế dài, tôi chợt nhớ vô cùng tiếng chuông xe đạp leng keng của Nhím và tiếng cười to của Khang trên sân quần vợt. Chẳng lẽ đời người không có quyền tìm cho mình chốn bình yên? Ngày xưa có lần mẹ tôi cũng nói nhiệm vụ của tôi là phải đi theo những bóng tối và ánh sáng trong đôi mắt Khang, như Rem và Lu luôn phải nghe ngóng tiếng chuông xe đạp của Nhím.
Tôi ngồi mãi không muốn đứng lên dù bóng tối đã phủ đen sân cỏ và những con muỗi bắt đầu bản nhạc rất khó chịu bên tai khi nhận ra một điều, trong những ngày tôi cho là bình yên đó, cả tôi, Khang và Nhím đều cô đơn! Khang đứng trong bóng tối khao khát về ánh sáng.
Nhím cô đơn trên con đường đi tìm tương lai và tôi, tôi cô đơn bởi (vô tình hay cố ý) không muốn nhận ra ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng để hiểu về người đàn ông có một thời là của tôi giờ vĩnh viễn dừng lại trên con đường đi không dài của đời người.
23/6/2013
Đào Thị Thanh Tuyền
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...