Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

Thị trấn trong sương

Thị trấn trong sương

Bước chân tôi nhanh hơn cho dù tôi chẳng có gì để vội vàng. Đơn giản là tôi đang đi xuống con dốc. Sương mù vãn còn dày đặc phía trước mặt. Núi gần lắm, như với tay một cái là tới. Tôi đang đi vào một khúc quanh, mà khi nãy nhìn thấy màn sương mù trắng xoá, cứ nghĩ là mình đi vào con đường cụt. Đứng trên đầu dốc khó xác định được đâu là lối rẽ, nhất là một lối rẽ khuất. Buổi chiều hôm qua có mưa, mưa kéo dài suốt đêm nên sáng nay sương mù đậm quá. Sương thấm vào vai không thấy lạnh mà chỉ có cảm giác mỏi. Tối hôm qua, tự dưng tôi không ngủ được. Trong tiếng mưa rỉ rả lẫn tiếng nỉ non của ếch nhái, những giấc mơ cứ chập chờn kéo về, khi tôi thấy tôi thế này, khi tôi thấy tôi thế khác. Hết giấc mơ này, chợt tỉnh, đủ đẻ định hình đó chỉ là một giấc mơ rồi lại chìm vào giấc ngủ để kéo theo một giấc mơ khác. Có những khuôn mặt thật gần kề, rồi bổng tan biến đi thật nhanh, tôi chấp chới giữa những giấc mơ không liên tục. Cứ thế cho đến sáng. Bình thường mở mắt ra là thấy núi bốn bề vây phủ, có cảm giác như mình đang ngủ trong một chiếc nôi xanh của núi rừng. Thế nhưng, sáng nay tỉnh dậy trong cái cảm giác mệt mỏi vì thiếu ngủ, nhìn qua cửa sổ tôi chỉ thấy một màu trắng đục. Núi không ngủ trong chiếc màn tuyn mà ngủ trong một chiếc màn may bằng một loại vải dày, thô.
Tôi tham gia đoàn thanh tra của tỉnh, thanh tra công trình xây dựng cơ bản một bệnh viện miền núi. Đoàn tám người, chỉ có tôi và Linh là nữ. Hôm lên đây, hai đứa cứ nghĩ là buồn lắm, thế rồi chẳng có thời gian nào để buồn. Ban ngày cắm đầu vào công việc, đo đạc, đối chiếu thiết kế, kiểm tra khối lượng đã thi công, ghi nhận tình trạng hiện tại... Buổi tối, nếu không rủ nhau nhậu nhẹt, hát karaoke, thì cũng kéo nhau đi uống cà phê, tán gẫu cho đến khi hết phim trên truyền hình mới về nhà khách. Mệt nhoài sau một ngày làm việc chỉ có đứng khi thì trong nhà, khi thì ngoài nắng, tôi và Linh chỉ kịp thả cái màn, nói vài câu là chìm vào giấc ngủ. Khí hậu miền núi này mát, mọi người cứ nói đùa đây là Đà Lạt thứ hai. Đêm ngủ chẳng cần quạt, về sáng phải kéo vội tấm chăn quấn vào người nếu không muốn bj cảm lạnh. Hai tuần trôi qua thật mau, đã đến ngày chuẩn bị về phố.
Thị trấn là một thung lũng nhỏ, nằm trong lòng dãy Trường Sơn Tây, ở độ cao cách mặt nước biển năm trăm mét, nhiệt độ trung bình quanh năm dao động từ sáu đến hai mươi lăm độ C. Sông chảy về hướng mặt trời lặn. Từ đây, nếu băng rừng đi thẳng lên cao nguyên Lang Biang chỉ mất hơn hai giờ, trong khi đó đi theo quốc lộ phải mất cả ngày. Có hai mùa mưa và khô trong năm, với lượng mưa rất lớn. Và tôi đang ở vào thời điểm giao mùa, ngày nắng rất muộn, chiều tối mới có mưa, những cơn mưa núi dai dẳng và buồn nỉ non suốt đêm khuya.
Có một con đường chính với nhiều nhánh rẽ. Một phía con đường là khu chợ chỉ rộn lên đến mười giờ sáng mỗi ngày, rồi trở lại buồn hiu hắt, chỉ còn những hàng quán cố định, những người chạy xe thồ ngồi dưới bóng cây, hy vọng tìm kiếm một khách hàng hiếm hoi của buổi chợ chiều. Một vài quán cà phê thỉnh thoảng lại xập xình lên tiếng nhạc, không đủ đánh thức sự trầm mặc muôn đời của núi. Một phía con đường là những nhánh rẽ đi vào các xã, vào sâu hơn nữa là những bản làng của người dân tộc Raglai, quê hương của những bộ đàn đá nổi tiếng. Hôm ngồi nghỉ giải lao ở bệnh viện, một người dân tộc Raglai kể cho tôi nghe cách làm bộ đàn đá. Đá để làm đàn phải là đá trên núi Hòn Gầm hay Dốc Gạo. Làm được bộ đàn rất công phụ Đi rừng lấy búa gõ vào viên đá nào có tiếng kêu "ma la", đánh dấu để đó, rồi hàng ngày vào rừng đập bể dần. Một bộ đàn phải có ít nhất từ chín đến mười một tảng đá, có nhiều làm nhiều. Đá được cột bằng hai sợi dây, loại dây mây chỉ có ở trong rừng, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Tảng đá lớn nhất (ma la mẹ) có thể bằng chiếc bàn và nhỏ nhất (ma la con) có thể bằng hai bàn tay. Để thử đàn, phải làm một máng nước cho nước chảy từ trên suối xuống, đổ vào đàn đá. Tùy theo con suối xa hay gần, có khi để thử một bộ đàn đá phải kéo một cái máng dài cả trăm thước. Đá con kêu ttrước, đá mẹ kêu sau, rồi phải kéo dây cho các viên đá cụng vào nhau để kiểm tra âm thanh của toàn bộ đàn đá.. Một bộ đàn đá phải làm mất nhiều năm mới xong. Đặc biệt không được để gần lửa đá sẽ bị hự Ngày trước đá còn nhiều, bây giờ muốn tìm được đá để làm đàn phải vào tận rừng sâu mới thấy. "Rừng bây giờ buồn lắm", ông già Raglai nói với tôi như vậy.
Tất cả các cơ quan hành chính đều nằm trên con đường chính của thị trấn. Mấy năm qua, tỉnh tập trung đầu tư cho miền núi. Nhà cửa xây cất mới với tiện nghi bình thường của thành phố. Bộ mặt thị trấn khang trang đến không ngờ. Cạnh Uỷ ban Huyện là Kho bạc, Thuế, Bưu điện... với cùng một kiểu kiến trúc thống nhất trong cả nước. Cư dân thưa thớt làm cho thị trấn có một vẽ yên tĩnh gần như tuyệt đối. Buổi sáng chúng tôi được đánh thức bởi tiếng gà gáy, buổi trưa uể oải tiếng ve, thỉnh thoảng có con bò nào đó làm nũng mẹ, nghé o, nghé ọ suốt và buổi tối rền rỉ một bản hợp tấu của các loài côn trùng. Hai tuần, tôi thuộc lòng chu kỳ sự việc diễn ra trong một ngày, cố gắng tận hưởng khí hậu trong lành và sự yên tĩnh hiếm hoi trong cuộc đời. Buổi sáng, tôi đi bộ hết hai con dốc rồi quay về. Sau đó tôi nghiệm ra một điều rằng: lên dốc và xuống dốc là một sự luyện tập vô cùng lý thú, khi lên dốc cả cơ thể được đánh thức bởi sự chuyển động của các khớp, lượng máu tuần hoàn nhanh hơn, làm cho người nóng lên và khi xuống dốc là sự vận động của các cơ bắp với những bước nhanh và gấp gáp. Từ dó, tôi liên tưởng đến sự thăng trầm trong cuộc đời, thành hay bại đều là những sự việc có ý nghĩa.
Có một bóng người lờ mờ trong làn sương trắng trên con dốc. Tôi bước vào một khúc quanh, một bên là vách núi được sơn một màu xanh của cây dại. Những cây dương xỉ kiêu hãnh xòe nhô ra ngoài cố thoát khỏi đám cỏ dại dày đặc, lau nhau. Phía bên dưới, thung lũng bạt ngàn một màu xanh, cây rừng nhấp nhô lượn sóng. Đây là khúc quanh đẹp nhất của thị trấn, và cũng là nơi tôi bắt đầu quay trở về. Bóng người phía trước mặt rõ dần lên. Tôi bỗng dưng không tin vào mắt mình, một bóng dáng quen thuộc lắm hiện ra trước mắt. Tôi dụi mắt, cố trấn tỉnh. Không lẽ nào... Tôi chưa bao giờ tin dị đoan, càng không tin những gì mình chỉ nhìn thấy lờ mờ hay suy đoán mơ hồ. Trong cuộc sống có những điều rất thật, nằm trong tầm tay mà còn vụt mất một cách không thể tin được, huống hồ gì những điều dị đoan, hư ảo. Bóng người chạy gần đến. Tôi đứng lại nhìn kỹ một lần cuối để xác định đó chỉ là một sự nhầm lẫn của thị giác.. Nhưng không, đúng là hình dáng đó rồi. Một hình bóng đã đi theo tôi trong suốt cả những năm tháng dài, kèm theo đó là một nỗi buồn và một nỗi đâu đớn khôn nguôi. Không biết có phải là vì hình bóng này mà cho đến bây giờ đã qua hai phần ba cuộc đời tôi vẫn một mình, đơn độc và lẻ loi, đứng bên lề nhìn hạnh phúc của mọi người rồi quay đi với một nụ cười buồn bã.
Người đang chạy dừng lại đột ngột trước mặt tôi. Khoảng cách bây giờ gần lắm. Năm mét. Một con số chiều dài nằm trong dung sai cho phép nếu so với khoảng thời gian hai mươi mốt năm trời. Đúng là Nguyên rồi. Nét ngạc nhiên không chỉ có ở tôi, khuôn mặt người đối diện căng thẳng, ngỡ ngàng, một chút bối rối và cuối cùng giãn ra, òa vỡ. Hình như tôi nghe tiếng la thật to:
- Phải Hằng không?
Tôi cố kìm chế một sự vui mừng khôn tả (mà cho đến bây giờ tôi vãn không hiếu sao mình lại kìm chế như vậy):
- Anh Nguyên!
Tại sao lại gặp nhau ở đây? Quả đất đúng là tròn thật rồi.
Nguyên bước tới, nắm lấy hai tay tôi lắc thật mạnh. Chúng tôi nhìn thẳng vào nhau. Nguyên ôm lấy hai vai tôi. Cuối cùng sự vui mừng được biểu lộ xong, hai chúng tôi đi bộ chầm chậm xuống con dốc. Câu chuyện bắt đầu xâu kết khoảng thời gian đã quạ Hóa ra tôi và Nguyên ở cùng một nhà nghỉ mà cả tuần lẽ tôi không hề hay biết. Nguyên ở trong một đoàn làm phim, đang quay khung cảnh miền núi cho một bộ phim truyền hình. Nguyên nói:
- Hôm lên đây, thoáng thấy, anh đã ngờ ngợ là em, nhưng hôm nào về cũng không gặp. Ngày mai, đoàn anh cũng về. May mà ngày cuối cùng lại gặp nhau.
Không phải là những câu hỏi như: "Bây giờ em sống thế nào?" để tôi có thể trả lời một điệp khúc thuộc nằm lòng: "Như mọi người vẫn sống...". Nguyên kể cho tôi nghe tại sao ngày ấy, Nguyên lại "mất tích" sau khi ra trường. Cuộc tình của hai chúng tôi tưởng là "chắc như bắp" lại để lại trong tôi những khoảng trống to lớn và sự nghi ngờ về tình yêu của tất cả mọi người.
Ngày ấy, vừa tốt nghiệp xong, ba mẹ anh kêu về nhà gấp để thọ tang ông nội. Khi anh về, ông nội đâu có hề hấn gì. Có một người bạn cũ của ông, giữa hai người có những món nợ ân tình khó hiểu gì đó. Cuối cùng, người trả nợ lại chính là anh. Hai người đã gán ghép cho anh và cháu của bạn ông nội. Sau đó, tất cả mọi việc nhận công tác ra Hà Nội, lấy vợ, mua nhà... của anh tất thảy đều có người sắp đặt. Hai mươi ba tuổi, anh như một con cờ trên bàn cờ của hai người lớn, tha hồ cho họ tính nước nay, đi nước khác... Phượng, vợ anh cũng may mắn là một người biết điều và sống tốt. Anh có một con trai và một con gái. Cuộc sống tưởng là tốt đẹp hết thảy, nhưng tất cả mọi sự việc đều kết thúc cách đây bốn năm.. Đứa con trai lớn của anh đang là một đứa học trò giỏi, ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ. Học phổ thông ở một trường chuyên, đậu Đại học bách khoa với số điểm khá cao, tương lai rộng mở. Học hết năm thứ nhất, đùng một cái, gia đình anh bật ngửa vì nó dính vào ma tuý. Ba má Phượng vội vàng đưa cháu qua Mỹ để cách ly với đám bạn bè xấu. Thời gian đầu, mọi việc đều ổn. Phượng đi đi, về về những chuyến đi Việt Nam - Mỹ, để chăm sóc, động viên cháu. Gia đình anh bắt đầu bước vào một khúc quanh của cuộc đời với nhiều lối ngang, ngõ tắt, đường gập ghềnh. Cuối cùng, vào một ngày mùa đong ở Mỹ, khi ấy Phượng đã về lại Việt Nam. Thằng con anh ở bên đó bỗng dưng bị bệnh rất nặng, và mất đột ngột, không có người thân nào bên cạnh. Nghe tin cháu mất, Phượng ngất xỉu, nhập viện, bệnh tim tái phát, cuối cùng cũng mất theo cháu lớn. Anh hụt hẫng mất hai năm trời. Cháu gái còn lại đã trở thành trụ cột cho anh dựa vào đó. Sau đó, chán nản vì cuộc sống bao nhiêu năm bó hẹp ở thành phố, anh chuyển qua làm kỹ thuật của một hãng phim truyền hình, nay đây mai đó, tìm lại khoảng thời gian mình đã mất, đã dựa dẫm vào nhiều người...
- Thế còn con gái của anh?
- Cháu đã lớn, năm nay tốt nghiệp ra trường. Thấy anh suy sụp tinh thần, nó động viên anh đi đây, đi đó cho vui.
Sương mù bắt đầu tan dần. Núi đang vén chiếc màn tuyn, có cô gái nằm xoa? tóc trong đó. Tôi và Nguyên ngồi xuống bên lề đường. Một khoảng trống im lặng bao trùm. Con đường yên tĩnh quá, có tiếng hót của một con chim lạ nào đó, lùm tre thức dậy cựa mình, bẻ răng rắc những khớp xương. Ngày xưa, tôi cứ nghĩ rằng, một lần nào đó trong cuộc đời tình cờ gặp lại Nguyên, tôi sẽ thế này, tôi sẽ thế khác. Thế nhưng giờ đây, tự nhiên người hụt hẫng cũng chính là tôi... Tôi với tay bứt một cọng cỏ lau, cọng cỏ trơn tuột lên một cách nhẹ nhàng, ngỡ như mình đã nhổ được nguyên cả bụi cỏ lau mọc trên nền cát, nhưng không phải,đó chỉ là một cọng cỏ vừa được bứt rời khỏi một khớp của thân. Có một loài hoa dại thân gầy và dài ngoằng, đính trên đầu những cánh hoa màu tím nhỏ xíu. Đã là hoa mà dại nữa thì uổng phí cả một đời, có ai chưng hoa dại bao giờ. Tôi không phải là hoa dại mà cũng chẳng có người nào cắt để về chưng. Rồi lại tự trách mình sao muôn đời cứ hay nhầm lẫn hay ví von giữa sự này với việc nọ. Tôi nhìn sang khuôn mặt Nguyên, một khuôn mặt không biểu lộ được điều gì cho người ta đoán biết. Có bóng tối và ánh sáng trên gương mặt đó. Cuối cùng, Nguyên đứng lên kéo theo tôi cũng đứng lên:
- Anh vẫn biết tin tức về em, biết là cuộc sống của em không thay đổi trong từng ấy năm. Nhưng anh không có can đảm để liên lạc với em.
Bao năm qua, tôi vẫn nghi ngờ về những lời nói trơn tuột của cuộc sống. Nhưng bây giờ tự nhiên tôi lại thấy mình là một người dễ tin, dễ tính. Nguyên đưa chân đá một hòn sỏi trên đường, hòn đá lăn xuống con dốc và nằm lại bên một hòn đá khác lớn hơn. Một vài con gà đang bươi những đống phân bò trên đường. Mấy con chó đang đùa giỡn, chúng chạy đuổi nhau ăng ẳng quấn cả vào bước chân tôi. Nguyên nói:
- Tối nay em rảnh không, anh mượn một chiếc xe máy đưa em đi vào một buôn làng coi sinh hoạt của bà con, hay lắm. Mình cũng còn nhiều điều muốn nói với nhau phải không?
Tôi trả lời rằng không chắc lắm, nhưng sẽ cố gắng.. Chúng tôi chia tay nhau ở trụ điện thoại trước nhà nghỉ để Nguyên gọi về hỏi thăm con gái. Có tiếng hát phát ra từ chiếc loa phóng thanh ở trên trụ điện: "Trên bãi biển đời, chúng ta tìm nhau...". Tự dưng tôi thấy buồn, có cảm giác như mình là một lữ quán. Tại đó, tôi đã gặp được nhiều người, có người còn quay trở lại lần hai. lần ba, nhưng cũng có người chỉ đến một lần duy nhất. Tôi đã gặp quá nhiều những khuôn mặt, để tôi thấy rằng chẳng chọn được khuôn mặt nào cho mình làm viên đá nhỏ, dừng lại bên cạnh một hòn đá lớn. Mọi người trong đoàn đang sửa soạn đi ăn sáng. Linh đứng trên bậc thềm nhìn tôi:
- Sao sáng nay chị không rủ em đi bộ cho vui?
- Thấy em ngủ say quá, chị không nỡ.
Phòng bên cạnh, có tiếng một người nào đó trêu tôi:
- Chị Hằng sáng nay có thấy con cọp nào xổ ra không?
Hôm trước, khi lên đây, lúc đi trên con dốc thật vắng, tôi có đem ý nghĩ là sợ bị cọp vồ, để bây giờ mọi người cứ thê mà trêu.
Tôi gặp lại Nguyên lần nữa với cái vẩy tay kèm theo cái nheo mắt. Đã gặp được một lần, người ta còn có cơ hội gặp lần thứ hai. Tôi nhủ thầm như vậy.
Buổi trưa, chúng tôi không về nhà khách, ăn qua quýt, rồi tiếp tục, cố gắng cho xong công việc để ngày mai về phố, buổi chiều lúc này thường hay mưa sớm. Một nghi vấn đặt ra mấy ngày nay về hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện không hoạt động được, cuối cùng cũng đã tìm ra: thiết kế không phù hợp quy chuẩn; công trình do nhiều đơn vị thi công làm cho việc thi công không đòng bộ; một phần nước thoát bị ngấm ở các hố ga; nước thải không vào được bể trung hòa... Cả nhóm thở phào nhẹ nhõm. Trưởng đoàn nói lớn:
- Tối nay, có thể ngủ yên rồi đó.
Có tiếng người nào đó:
- Làm như bữa giờ không ngủ yên, tối nào tôi cũng nghe ông ngáy thật to. Ngủ như Địch Nghi mà còn làm bộ.
- Như Địch Nghi là sao?
- Ngày xưa bên Tàu có một người tên là Địch Nghi, ngủ một giấc khi tỉnh dậy thấy học trò râu, tóc bạc hết
Cả nhóm ồn ào:
- Ông này tổ xạo.
Mọi người thu dọn đồ đạc, cười nói lào xào, tất cả mọi gánh nặng mang trong hai tuần bây giờ được trút vào trong những tiếng cười òa vỡ. Tôi đứng ở mô đất cao nhất nhìn lên bầu trời. Mây trắng tinh khôi ôm vòng lấy núi. Ánh nắng chiếu vàng một vạt núi, trông như một khuôn mặt nhìn nghiêng. Những đám mây màu xám ở phía Tây đang di chuyển chậm dần đến. Mưa đang đi đường vòng theo núi, một lát nữa thôi thị trấn chìm trong mưa. Mọi người giục giã nhau về. Tôi cúi xuống, ôm lấy chồng bản vẽ nằm trên đám cây mắc cỡ đang cụp lại buồn hiu hắt. Đám cây mắc cỡ màu vàng xanh ở phía xa vẫn còn xòe căng lá đón ánh nắng chiều. Tôi cuộn tròn một bản vẽ quơ gạt thêm một đám cây mắc cỡ khác. Hình như loài cây này bao giờ cũng gợi sự đụng chạm của mọi người và tôi lại thích nhìn nó cụp xuống. Những cái hao màu tím nhạt tròn xoe ngó nhìn tôi, trông dễ thương như những chú gà con mới nở.
Cơn mưa đến khi chúng tôi vừa về đến nhà khách. Trưởng đoàn mời mọi người qua hội ý để sáng mai ghi biên bản. Cuộc họp kéo dài đến khi hết cơn mưa. Cả đoàn không đi ăn cơm mà rủ nhau vào một quán nhậu với ời biện minh: liên hoan bữa cuối. Linh đưa tay bụm miệng cười với tôi: "Ngày nào cũng có lý do để liên hoan... ". Sau cuộc nhậu rồi đến Karaokẹ Tôi và Linh ngộp thở trong căn phòng đầy mùi khói thuốc với những âm thanh điếc tai. Mọi người giục giã, tôi cầm lấy micro, chọn đại một bài hát. Những dòng chữ trên màn hình hiện ra: "Tình ngỡ đã quên đi, như lòng cố lạnh lùng, người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang...". Có tiếng người nào đó hát theo: "Mình ngỡ nó đôi gi, ai ngờ nó đôi xì, mình ngỡ nó ba con ai ngờ nó hai con...". Mọi người cười ào, nâng ly trăm phần trăm. Cuộc vui tan. Con đường về tối một màu đen, thăm thẳm đêm của núi. Thị trấn yên tĩnh quá, mọi người im lặng, chỉ nghe tiếng những bước chân vang trên con đường láng nhựa. Sau một cuộc vui bao giờ cũng là sư im lặng. Tôi đã quên lời hứa không chắc lắm lúc sáng với Nguyên. Tôi có lỡ một dịp may nào đó trong đời không? Hình như đoàn làm phim vẫn chưa về, một dãy phòng tối thui, im lìm chờ đợi.
Tôi không còn gặp lại Nguyên một lần nào nữa ở thị trấn ấy. Buổi sáng hôm đó, tôi ngủ dậy muộn, lúc thức dậy đã đến giờ đi ăn sáng. Đoàn của Nguyên đã đi lại vào trong bản từ sớm. Có tiếng hát nào đó phát ra từ loa phóng thanh một trong những bài hát tôi rất thích và thuộc nằm lòng: "Hội ngộ rồi chia ly cuộc đời vẫn thế dẫu là mặt trời nồng nàn khát khao hay đêm mịt mù lấp lánh ngàn sao...". Tôi vừa rửa mặt, vừa hát theo.
Sau đó, tôi còn lên thị trấn miền núi một lần nữa vào đúng giữa mùa trăng để kiểm tra những chi tiết không thống nhất giữa các bên thi công và thiết kế. Ở lại một đêm cuối cùng. Lần này, mọi người đổi "tông" mang theo cây ghita thùng. Buổi tối, cả nhóm trải chiếu ngồi trước sân nhà khách. Những chai bia lại được khui ra. Có bia vào, mọi người dành nhau cây đàn. Tôi ngạc nhiên là ai cũng biết đánh đàn, vậy mà khi hát karaoke có người lại hát sai nốt nhạc. Thế mới biết, những phương tiện hiện đại làm con người hư đi, không thèm luyện tập. Trăng sáng lắm, tháy rõ cả dáng núi đang nằm nghe chúng tôi hát. Trăng sáng như thế này, sáng mai sẽ thấy núi ngủ trong chiếc màn tuyn... Đêm đó, tôi không ngủ được. Sơn, một người trong đoàn, ngồi ngoài hành lang ôm cây ghita khảy một khúc trong bản "Sonate ánh trăng" của Beethoven, tiếng đàn vang vang trong đêm, thổn thức và buồn bã. Tôi bước ra ngồi bên cạnh. Thị trấn đã ngủ, chỉ có tôi, Sơn và núi là thức cùng với trăng. Ngày mai tôi sẽ đi bộ lên con dốc cao nhất để nhì một lần nữa thị trấn trong sương, sẽ ngồi lại bên vệ đường chỗ tôi và Nguyên ngồi hôm trước, nghe một lần nữa những âm thanh trong trẻo của rừng, để bứt một cong cỏ lau hay ngắm loài hoa dại màu tím có thân gầy và dài ngoằng. Nhưng đó là ngày mai, còn bây giờ núi gần lắm, với tay một cái là tới. Dưới ánh trăng, núi cô đơn và bí ẩn làm sao. Trăng không ngủ mà chọc ghẹo núi suốt đêm, còn suồng sã mơn man núi. Hình như núi không bao giờ ngủ được vào suốt những mùa trăng.
23/6/2013
Đào Thị Thanh Tuyền
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...