Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Nơi mãi mãi mùa xuân

Nơi mãi mãi mùa xuân

Tôi hát Trương Chi. Tiếng hát buông ra, trôi đi ngoài kiểm soát của ý thức. Có lẽ bóng tối và khoảng không gian ẩm lạnh đã gợi thức ở tôi nỗi ngậm ngùi xa vắng, không mặt mũi. Vòm lá tối, những đốm đèn yếu ớt từ phía xa, những chiếc xe lặng lẽ trườn trôi trong im vắng, rạc rời, lẻ tẻ, cho tôi cảm giác cô đơn, hiu quạnh. Làm như những vòm lá tối, những đốm đèn chới với trên những trụ điện cao đã thả xuống trước mặt, đã bỏ lại sau từng bước chân tôi, những nhắc nhở buồn bã. Những ám ảnh về một cái chết gần gũi? Một chia lìa tan nát đón đợi? Dĩ vãng, nếu có thể nói được như vậy, hiện ra trong trí tưởng như một nhắc nhở của những mũi dao nhọn thọc sâu phần u khuất nhất của hồn tôi, nín lặng. Tuyệt vọng ở đó, tuôn chảy, như máu. Ê chề ở đó, thoát đi, như suối. Chan hòa.
Trạc nói, “Hình như mưa, trên những ngọn cây?” Tôi đáp, “Không. Gió chạy trên đời Quần Ngựa đó, anh.”
Con đường dốc xuống. Sương mù như khói dâng lên mỗi lúc một cao. Chàng quàng tay qua vai tôi, “Em lạnh?” Tôi lắc đầu, im lặng dầm mình vào khoảng tối sẫm của một bóng cây in đậm trên lề phố. Hồ nước hiện ra như đáy tròn của một thung lũng, xanh, đen. Bên kia hồ, dưới chân đồi, những đốm lửa bò sát mặt đường. Đó là những chiếc xe đang vòng quanh miệng hồ. Tôi bỏ tay mình vào túi áo veste của chàng, thấy như trong túi áo chàng, bàn tay tôi ấm áp hơn trong túi áo mình.
Xuống hết con dốc, chúng tôi đi ngang qua những luống cúc hai bên đường. Thành phố mở ra với những ánh đèn mờ, yếu. Tôi trông thấy cây cầu nhỏ dẫn tới Trại Hầm. Tưởng tượng bên tay phải, phía sau là nhà thờ Chánh Tòa. Tôi không hề muốn nhớ những điều đó. Nó chỉ làm tâm hồn tôi thêm trùng thấp.
Trạc đã nói với tôi về những chuyến xe hàng cũ kỹ, chất đầy người đi Trại Hầm. Trạc kể tôi nghe về ngôi nhà thờ có con gà trên chóp nóc. Đó là một số, những gì Trạc không thể quên ở thành phố này. Bây giờ, tới phiên tôi được sống trong nó.
Chuyến xe đem chúng tôi ra khỏi bến vào lúc bảy giờ sáng. Khi Saigon còn ngái ngủ, ngơ ngác những ngọn điện chưa kịp tắt nơi dãy hàng quán bao quanh khu bến xe.
Những cánh rừng bỏ lại. Đèo tiếp đèo đi lên. Núi chập chùng ẩn hiện. Chuyến đi, đến thành phố này, với tôi là một mơ ước được nói tới nhiều nhất trong một thời gian liên tiếp, những tưởng không thể thành hiện thực. Tới lúc chàng chỉ tấm bảng “Chào mừng quan khách”, tôi vẫn còn ngỡ mình đang trong một giấc mơ nào đó. Ngay giờ phút này, đêm đã xuống sâu trong lòng phố, sương đã lên quá cao trên đầu, những sợi tóc đã ướt, những bước chân đã lạnh, những ngón tay đã cóng, mà tôi còn tự hỏi nhiều lần, thực chăng, giấc mộng được sống với nhau, ở một thành phố khác? Thực chăng, khao khát được đi với nhau trên những con đường không tiềm ẩn những rình rập, âu lo thấp thoáng? Thực chăng, đêm đầu tiên đời tôi có Trạc, ở cạnh? Trọn vẹn. Hoàn toàn. Có thể Trạc không hiểu được niềm khát khao điên cuồng trong tôi đến mức nào, về một đêm, như đêm nay. Về một không gian, như không gian này. Tôi nói, “Em không còn gì để ân hận, nếu ngày mai em chết”. Trạc khựng bước, nhìn… Tôi dướn người ôm Trạc. Hôn vội. Tôi không muốn Trạc nói, lời quen thuộc “Anh yêu em”. Dù đó là điệp khúc có được lập lại nghìn lần, thì lần nào tôi cũng chới với xúc động. Đã quá đủ cho tôi. Đã quá đầy cho tuổi hai mươi một thời con gái. Đã quá thừa cho một cảnh đời mở ra, và một ước mơ bắt đầu khép lại. Tôi không đòi hỏi gì hơn. Bóng tối, những vòm lá, ánh đèn mù, những con đường chạy tới những nơi chốn xa lạ, như những cửa ngõ dẫn vào hư vô, đưa về biệt tăm, bằn bặt. Bước chân, mùi hơi, thịt da, ngay cả những làn khói khét, là những gì tôi sẽ mang theo một ngày nào, về cõi khác. Với tôi, đó là vốn liếng riêng một thời, vết tích riêng một kiếp. Hương giữ cho một đời.
Khi buông Trạc ra, tôi ngượng với hành động của mình, Hình như vì thế, tôi đã bước nhanh hơn?
Càng tới gần hồ, gió càng lạnh buốt. Sương sa dày đặc. Tôi như muốn dính chặt vào Trạc. Chàng đỡ và dìu tôi bước. Cơn ho tới. Tôi ôm ngực. Trạc nói, “Em muốn đau rồi đó”. Tôi gắng gượng, “Không sao đâu, anh”. Trả lời vậy, nhưng tôi thấy choáng váng, xây xẩm. Sương lạnh làm những mạch máu trong tôi như đông lại. Hơi thở trở nên nặng nề, khó khăn. Mặt tôi đang dần dần trở thành tảng băng, khi môi chàng nóng hổi ấp vào. Nhưng tôi chưa muốn trở về phòng lúc này. Nếu tiếp tục đi tới, để rồi sẽ phải vào nhà thương ngày mai, hay trở về phòng ngay, để tiếp tục được sống thêm nhiều chục năm nữa, tôi sẽ chọn cách thứ nhất.
Dang khỏi Trạc một chút, tôi cố đi vững, thẳng người. Đi một mình, tôi nghĩ, chàng sẽ yên tâm hơn. Chàng sẽ nghĩ tôi không sao hết. Tôi khỏe lắm. Mà đúng vậy. Tâm trí tôi hiện sáng láng như mặt gương. Các giác quan mở hết mọi ngõ ngách để đón nhận cái đời sống chỉ ẩn hiện trong tiềm thức suốt bao năm làm người của tôi. Rủi thay, tôi rời chàng không được lâu, gió đã lay tạt tôi, lao chao. Sương đã dập dềnh xô tôi nghiêng ngả. Chúng tôi dừng lại. Tôi giấu mặt trong ngực chàng. Trạc chỉ tay về một góc đường. Ngôi nhà mái đỏ, nằm giữa một vườn hoa, “Vào kia cho ấm”. Tôi gật đầu, húng hắng ho. Trạc lộ dấu lo ngại. Trạc muốn choàng, phủ hết người tôi bằng thân thể chàng. Bàn tay Trạc lần trên mặt tôi buốt, cứng. Những ngón tay cuối dừng lâu trên mi mắt tôi. Tôi bỗng thấy xót xa, đau đón, như thể có kẻ nào vừa khuấy động cái mặt nước ao tù che giấu niềm bí mật sinh tử của tôi, chen lẫn tình cảm thương chàng đến quặn thắt ruột gan, làm tôi muốn khóc. Tôi nói trong tiếng rì rào của gió chạy trên những vòm thông trong thung lũng tối thẳm bên kia hồ xám, “Anh! Thương em!” Chàng gật đầu. Miết nguyên bàn tay từ trán xuống mặt tôi. Trạc nói, trên mặt tôi có vài giọt nước. Tôi khóc chăng? Chắc vậy!
Trạc đẩy cửa quán cho tôi bước vào. Chiếc bàn kê sát lối đi vừa trống. Chàng kéo ghế cho tôi ngồi xuống. Tôi thu người, bỏ vào miệng ít tóc ướt. Sương bám trên tóc có mùi là lạ, không giống chút nào so với mọi khi. Trạc gọi cho tôi trà nóng. Ở chỗ ngồi này, tôi không thấy mặt hồ. Bù lại, tôi có thể nhìn xe cộ, người qua lại từ nhiều phía. Vườn hoa ngoài quán chìm vào màn sương như tro. Tôi nhận ra những bông cúc vạn thọ cánh to, vàng ối. Những thân huệ mảnh, vươn cao. Vượt hẳn lên là những bông hoa màu đỏ. Tôi phỏng đoán, đó là những nhánh thược dược, dù không chắc lắm. Trạc đốt thuốc liền tay. Chàng xa vắng, cách biệt với những tia nhìn đăm đăm gửi vào khoảng không, và cuối cùng là cây cầu xi măng. Chiếc cầu nhỏ dẫn về Trại Hầm. Hình như tôi bị treo lơ lửng giữa ý muốn: Mong chờ đợi chàng tiếp tục kể chuyện người con gái đã chọn sống những ngày quắt héo ở thành phố gía buốt này, và sự đau lòng, nghẹn tức ở tôi vì hành vi của Trạc cho thấy chàng đang sống lại quá khứ. Tôi nói, “Em muốn bỏ Saigon. Em muốn ở hẳn một thành phố nào khác. Nhưng đừng là thành phố này. Em không thể sống một mình giữa sương mù, giá rét, và rừng thông.” Trạc cười. Nụ cười thoạt tưởng vu vơ. Sau đó, tôi nghiệm ra, chàng dùng nụ cười kia để thay cho câu trả lời “Vậy mà có người đã sống đấy.” Tôi chợt thấy mình không còn đủ bình tĩnh, thản nhiên nữa. Bản chất phụ nữ, lòng nhỏ nhen, ghen tỵ ở tôi thức dậy. Tôi im lặng, cúi mặt, nắm chặt hai bàn tay mình. Tôi có thói quen tự nắm giữ tay mình để đè nén, hoặc biểu lộ điều khó chịu, đau đớn. Trạc lầm lì. Chàng ngả người vào thành ghế. Ánh sáng mờ từ ngọn đèn trên vách cắt ngang chóp mũi, biến chàng thành một người khác. Hung ác. Kỳ quặc. Tôi nghiêng người qua, đành phải tự đặt tay mình vào lòng chàng. Trạc giật mình. Chàng cúi xuống, nâng bàn tay tôi lên môi hôn. Cử chỉ chậm dãi, thánh thiện. Tôi ân hận vì những ý nghĩ vừa có. Lẽ ra mình không nên như vậy, dù thế nào. Phải. Tôi không được phép như vậy. Tôi đã tự hứa tôi là đứa con gái khác khác hơn những người đã đến với chàng. Tôi muốn chứng tỏ, ngoài tư cách người yêu, tôi còn là một người bạn, một tri kỷ, hay ít ra, cũng là một đứa em gái mà chàng có thể tin cậy, cho những tâm sự thổ lộ.
Nhớ lại, ngay những ngày đầu của cuộc tình, bắt đầu từ một đêm trên mặt sông, tôi đã làm được điều đó. Tôi đã để chàng thấy, tôi vững vàng, đáng tin như một người bạn hay một đứa em. Điều đáng nói là tôi rất thành thực với tôi lúc đó. Tôi mong chàng nói nhiều thêm, với tôi, về những người đàn bà đã đi qua đời chàng. Vậy mà tôi, giây phút này…Thật bậy. Không được…Tôi ơi!
Trạc vắt những lát chanh mọng nước vào tách trà. Chàng bỏ đường, bảo tôi uống thử. Tôi ngoan ngoãn vâng lời. Mùi chanh nồng, cay, lẫn với mùi hoa cúc thoảng. Tôi thở một hơi dài trước khi nhấp một ngụm nhỏ. Trong tách trà, tôi thấy gương mặt chàng, sóng sánh, Đặt tách trà xuống, tôi nói đủ chàng nghe, ‘Em muốn hôn anh!” Trạc cười. Chàng im lặng chờ đợi, tưởng tượng, với đôi mắt khép hờ. Chàng biết tôi không dám trong quán nước, trước hàng chục mắt nhìn?
Những ngày bước sâu trong tình yêu, không hiểu có phải bị ám ảnh bởi một chia lìa tan nát, hoặc tình yêu, tới một mức độ nào, sẽ không còn dè dặt? Chẳng còn biên giới che đậy? Hay bản chất tôi? Cái bản chất liều lĩnh với quan niệm: Sống như một đường gươm, chết như một chiếc lá…Khiến tôi dạn dĩ hơn. Đôi lúc tôi cũng kinh hoảng vì sự dạn dĩ quá trớn của mình. Chẳng hạn đi với nhau giữa đường, khi cơn yêu dấu như lửa nghiệt, cháy ran thân thể, tôi hôn chàng không suy nghĩ. Ngồi sau xe, tôi luồn tay vào ngực chàng, để nghe những ngón tay mình run, nhảy theo nhịp đập của trái tim, và mùi thịt da chàng nồng, khét.
Chưa một lần tôi dành thì giờ tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn dắt tôi tới những liều lĩnh ấy. Nhưng giờ đây, ngay phút này, ở xa, thật xa, lối của những con đường dẫn tới hư vô, phía của những cánh rừng tiếp núi chân mây, tôi nghĩ, có lẽ ám ảnh tháng ngày còn lại, quá ngắn ngủi, khiến tôi không còn muốn giữ gìn! Mặc dù tôi còn quá trẻ để nói tới cái chết. Nhưng cũng chẳng sớm sủa gì, để vẽ vời cảnh sống, tương lai! Có thể đó cũng là phản ứng vô thức, trả lời cho những năm tháng ấu thơ, cho những chuỗi dài niên thiếu rụt rè, co rút, ngu ngơ. Những năm tháng đã ở lại phía bên kia một phần đời, là những tháng năm mù lòa, những tháng năm củi vụn. Những tháng năm tôi sống nỏ khô như vỏ bào, cheo leo như đá dựng. Tôi không trải qua cái thời kỳ mà sách vở, mọi người gọi là tuổi dậy thì. Thiếu nữ.Tôi như một người nào vụt biến mất. Để một người khác thình lình xuất hiện. Tôi không có được trong tâm hồn khởi lớn của mình, những ước mơ về một người khác phái. Tôi không có được cho tâm tưởng hoa niên của mình, mơ mộng đem tới những rung động thẹn thùng, xấu hổ; quyến rũ với những tưởng tượng đụng chạm, cọ sát…
Những ngày bước chân vào thế giới bảng đen, phấn trắng, Nghi, một học trò gần bằng tuổi tôi, nói một câu, tôi nhớ mãi. Nghi bảo, “Nếu em là cô, em sẽ khác. Cô có cái bề ngoài của một đam mê sinh tử. Nhưng bên trong lại là một mặt ao phẳng lặng, lãnh cảm. Nếu em là cô, nếu em được là cô…”
Thật tình tôi không hiểu Nghi nói gì, tại sao? Tôi không hỏi lại Nghi, dù có nhiều cơ hội. Phần tư cách tôi không cho phép. Phần tự ái của một đứa con gái với bản tính tự tôn ngất cao như núi của mình. Nếu Nghi không là học trò trong trường tôi dạy, chắc tôi sẽ thân quý Nghi hơn. Âu cũng là điều đáng tiếc?
Sau này, tôi hiểu. Tôi hiểu trong ngỡ ngàng, choáng váng của những bật vỡ ý nghĩa bất ngờ. Nghiệm ra, tôi nhớ, đó là thời gian manh nha của tình yêu chúng tôi. Đó là thời gian chàng đến thị trấn lần đầu. Và, cũng lần đầu, một ánh mắt nhìn buồn, tìm đến với tôi, từ dưới thấp trông lên; hay nghiêm nghị trách móc từ trên cao ngó xuống. Đó là những lần Trạc đi tìm tôi ở trường. Và Nghi, trong một tình cờ nào đấy, có thể cũng đã rớt vào con trốt xoáy của những đăm đăm, chàng đứng. Tôi cười một mình khi nhớ lại. Trạc hỏi, “Em có điều vui?” Tôi kể chuyện Nghi, những ngày chưa xa lắm. Trạc chăm chú nghe. Vẻ mặt chàng không cho thấy chút biến đổi. Cuối cùng, Trạc nói “Nếu anh gặp được cô ta…” Không cần chàng phải nói hết câu, tôi có ngay phần tiếp theo bỏ lửng đó. Tôi nói, “Anh. Thương em!” Trạc vuốt tóc, kéo tôi, ngã về phía chàng. Thoáng lo sợ vẩn vơ như đám bụi đỏ tan nhanh.
Chúng tôi ra về lúc quán đông nhất. Khói thuốc bưng kín khoảng không gian hẹp. Tôi nghe mắt cay và tức thở. Những rời rã, mệt mỏi của gần sáu tiếng ngồi xe, giờ mới thực sự tác động cơ thể. Đêm rét ngọt. Những bước chân dẫn ngược lên cao. Phố chợ chìm trong quạnh quẽ. Chỉ còn những chùm đèn sáng. Thật sáng và rực rỡ. Sức sống mãnh liệt, dẻo dai tụ tập chung quanh vùng ấy sáng ấy? Trạc hỏi tôi có muốn ăn khuya? Tôi đáp, “Em không đói, nhưng nếu chưa phải về phòng lúc này thì vẫn hơn.”
Lại ngược dốc. Gió dữ. Tôi muốn bật ngã. Trạc đỡ lưng tôi. Tôi nghe được tiếng giầy hai đứa lẻ loi trên mặt lộ ướt. Tới lưng chừng đồi, Trạc nhìn đồng hồ. Chàng thở ra, bảo, “Em hát đi!” Tôi nói, “Anh muốn nghe lời gì?” “Gì cũng được.” Trạc đáp và tiếp, “Sao không trở lại với Trương Chi?” Tôi nói, “Anh không thích mà?” Trạc nhấn những ngón tay thương yêu trên lưng tôi, “Ai bảo em?” Tôi đáp, “Em nghĩ thế!” Và tôi hát, cho mình. Trương Chi. Tiếng hát tôi yếu, nhỏ. Đã bị gió ngược, lại phải giữ cho cơn ho đừng bập bùng trong ngực, tôi không biết Trạc có nghe? Vẻ mặt chàng đăm chiêu, thành khẩn, đượm chán chường.
Tôi ngưng ngang bài hát trước khi vào điệp khúc, lúc lên tới đỉnh dốc. Trạc chỉ những chiếc xe bên lề đường với mấy ngọn đèn đốt bằng khí đá. Tôi bước theo hướng tay chàng. “Xôi nhé.” Trạc hỏi cho có lệ. Tôi cũng đáp cho phải phép, “Gì cũng được. Anh” Tôi không đói, mặc dù đĩa cơm chiều trong nhà hàng Shing Ghai tôi đã bỏ hơn nửa. Sự quá đầy đủ ở phương diện tinh thần, chi phối lãnh vực dinh dưỡng? Nhưng khi đĩa xôi được bày ra nóng hổi, khói bốc, và những lát hành xanh thơm, bóng mỡ như những cọng rêu ướt sương quyến rũ tôi tựa những sợi khế chua. Tôi ăn ngon lành. Hết đĩa. Trạc tỏ dấu hài lòng thấy tôi không bỏ mứa. Bây giờ đến lượt tôi đòi Trạc cho tôi đi uống sữa đậu nành. Trạc vui với những bước chân nhảy nhót như chim của tôi. Chàng quàng tay qua cổ, kéo lôi tôi đi. Giống hai thằng bạn.
Chúng tôi về phòng trước giới nghiêm mười lăm phút. Dẫy hành lang mở ra thăm thẳm. Tôi yêu dẫy hành lang, như yêu tội lỗi mà một lần thêm, với chàng, tôi khát khao, tái phạm.
Tạp chí Văn, Saigon, Xuân Giáp Dần, 1974. 
9/2/2021
Du Tử Lê
Nguồn: Tạp chí Văn, Saigon, 
Xuân Giáp Dần, 1974
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...