Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Tiếng đàn

Tiếng đàn

Cũng vào lúc chân trời Tây hoàng hôn giăng đỏ như màu máu, trên đường phố này tôi sánh bước với một người, nhưng hôm ấy không phải là Mai. Nhiều tia nắng chiều hôm còn ngoảnh lại bệt lên chót mấy tòa lầu cao những sọc vàng rẻ quạt. Cũng khoảng đường này hôm nay tôi đi với một người bạn tù có mái tóc muối mè, trước họng súng đen ngòm của một tên công an áp tải. Một sợi dây luột lớn buộc tay chúng tôi vào nhau. Mặc dù không phải như trước, cắp sách đến trường hay ôm đờn đi đón bạn, tôi cũng vẫn ngẩng mặt nhìn cảnh chợ búa thân yêu của mình. Đâu cuối phố, đôi băng đá, hàng dương đứng mơ màng chải tóc, dòng sông Kiên hiền hòa chập chả chiếc đò ngang. Niềm riêng bồi hồi sống dậy. Tôi chép miệng thì thầm “Mai”. 
Chiếc xe chở hàng è ạch lết qua đường phun bụi mù mặt đất. Tiếng thúc giục của tên công an phía sau...tôi không thèm để ý. Mắt tôi cứ dõi vào một quầy hàng nhỏ cuối đường cạnh dốc cầu sắt. Tôi đinh ninh trong ấy có một người, người mà khi trở lại thị xã này tôi phải tìm gặp trước nhất. “Cửa sao không mở, bà mẹ đi đâu vắng?” Tôi hồi hộp nhưng rồi tự an ủi: “Còn bị giam ở đây thì mỗi ngày mình còn qua lại một lần”... Đã qua khỏi cửa mắt tôi cứ ngó ngoái lại ngôi nhà. “Có khi đang làm gì bên đầu xông”. Đi thêm vài chục bước nữa “Cũng có thể sau sàn nước”. Chân đã bước lên dốc cầu mà tôi cứ ngoái đầu nhìn mãi. Đúng rồi! Có một người đang xách thùng nước đứng sau hè. Tôi nôn nao. Người con gái. Cái lưng, mái tóc đen cắt ngắn ngang vai. Sao Mai buông xuôi thùng nước khi thấy tôi? Cũng đôi mắt chớp chớp, cũng gương mặt tròn tròn và hai má trắng hồng phụng lại như muốn khóc ấy. Mai chạy xô vào nhà kêu lên “Mẹ”. Cũng ánh mắt đen huyền và cũng ... “Mai”. 
- Đù mẹ! Mai! Mai cho mày biết tay. - Tên công an vừa chửi vừa thúc họng súng vào lưng tôi, đẩy tới. Không biết lúc ấy tôi quay lại nhìn hắn bằng ánh mắt thế nào mà khiến miệng hắn hả toang ra, chân thụt lùi lại. Tôi nhổ nước miếng, bước lên cầu. Tên công an lẻo đẻo theo sau, hắn cười khan và lập lại: 
- Mai! Ừ, mai mày sẽ được nếm thêm những ngón mới. 
Đang bực lại nghe nó nói lảng nhách, tôi sôi máu, gầm gừ lại: 
- Ừ! 
Hắn bường lên dộng bá súng vào ngực tôi. Cả thị xã Rạch Giá chao đảo. Chân trời đang đỏ bỗng như ai quét ngang một lớp mực tàu. Hai đầu gối tôi run bần bật, nghe máu trào lên miệng mặn chát. Chân sắp quỵ nhưng mắt tôi cố mở trừng nhìn hắn. Cái mặt rổ chằng, dài thượt của hắn trể dài thêm ra một cách dị hợm. Người bạn  tù già choàng tay đở tôi. Nhằm ngay chỗ quầng đen cao nhứt của tên công an, tôi  phun một búng máu. Không biết hắn nện vào tôi hay người bạn tù mà lúc nằm sải trên mặt cầu tôi còn nghe tiếng inh ịch đều đều!
Tiếng lóc cóc rời rạc. Tiếng rầm rì từ đâu xa rồi gần gần, rồi ầm ầm dữ dội, lại nhỏ nhỏ, xa xa... Một vầng lửa đỏ bầm cháy lên rần rật, phút chốc bể, bể ra lợn cợn, lớp nhớp. Một con rắn đỏ lừ dài thôi là dài quấn siết vào người tôi, miệng ngoạm cổ họng tôi, đuôi quọ nguậy vào mũi. Tôi nôn ruột, vùng vẫy kịch liệt, hắt hơi một tiếng lớn. Sự thức dậy lần lần trở về. 
Tay tôi tuy chưa cử động được nhưng qua cảm giác tôi biết có vật gì lành lạnh nằm trên mặt. Tôi cố sức xua đuổi những hình ảnh chập chờn ghê sợ vừa qua để tập trung trí nhớ lại. Mình đang ở đâu và làm gì? Tôi bắt đầu nghe được hơi thở khò khè của mình. Rồi lần lượt tôi nghe có ai quơ khăn đập muỗi. Có một chiếc xe hơi chạy rầm rì ngang qua đâu đây. Tiếng mõ canh lóc cóc, tiếng quát vơi vơi của người lính gác đâu đây... Tôi nhớ rồi! Mình đang nằm trong trại giam sau khu giáo đường. 
Sóng biển ngoài kia rầm rì to nhỏ, lùa ngọn gió lọt vào song sắt. Đêm chắc khuya lắm rồi. Ngoài đường phố im ắng lạ. Cả đến tiếng rao của chị bán chè đậu tôi cũng không còn nghe. Tay tôi từ từ cử động. Tôi sờ lên mặt để quệt bỏ vật gì lành lạnh lúc nãy: một mảng máu đặc. 
Có lẽ nghe tôi rục rịch nên người nằm bên ngừng tay phủi muỗi.
- Cháu tỉnh rồi hả? 
Không trả lời, tôi nằm ép sát lại người ấy. Bác Tám, người hồi chiều bị cột chung một sợi dây với tôi: 
- Hồi chiều trên cầu, nó đánh bác có nhiều không? 
- Cháu bị đánh nhiều, bác chỉ hứng đỡ cho cháu được chỉ chục báng súng. 
Bác quơ khăn phủi muỗi cho tôi nữa. Tôi cảm động, nép sát vào lòng bác thêm. Hơi thở của bác làm buồn buồn trên tóc tôi. Tôi quen với bác Tám đã mấy năm rồi. Bác là người dẫn dắt tôi đi chập chững từng bước trên con đường cách mạng. Họ bắt bác vào đây trước tôi một tuần. Hôm nay là lần thứ bảy bác bị đưa lên phòng công an, cũng là lần thứ nhất tôi được buộc chung với bác một sợi dây trên đường đi về khám. Tuần qua bác bị đánh nhiều lắm. Tội nghiệp bác, tuổi già, sức yếu mà phải bị đòn bọng liên tiếp, thân hình tả tơi, chừng như không còn sức để chịu nổi nữa, vậy mà hồi chiều bác còn phải gánh đòn thế thêm cho tôi. Tôi phải tìm cách gì để ngày mai chia bớt đòn cho bác đây? Tôi cứ nằm im suy nghĩ mãi mà vẫn chưa ra. 
Người tù, một chân bị còng treo lên, chỉ nằm được một nửa thân mình thôi. Tôi nằm đã tê phía ấy, và cứ trằn trọc hoài. Thôi thì cứ ngủ lấy sức rồi mai chuyện xảy ra đến đâu hay đến đó. Nghĩ thế tôi cố nhắm mắt để tranh thủ ngủ. Nhưng ngủ cũng không được. Chẳng biết vì mùi hôi hám của trại giam hay vì lần đâu mình mới vào tù mà cứ thao thức mãi. Bao niềm riêng tư nó kéo về ngổn ngang... Tiếng rên khe khẽ của ai, tiếng ngáy của ai?... 
Những chiếc còng sắt khua cọc cạch, mấy con chuột chù bò rục rịch cạnh chân tường… Khám giam, tường cao ngất mà gió biển cứ lọt vô hoài. Chiếc xe kéo nhà ai giờ này còn nhịp gót lách cách ngoài đường. Có lẽ đèn điện ngoài phố đêm nay vàng lắm nên chỉ lọt vô một vệt sáng mệt mỏi trên đầu tường. Mái ngói nhà giam vỡ nhiều mảng thành những bầu trời đen méo mó. Chẳng thấy trăng mà cũng chẳng thấy sao, hôm nay trăng đã già lắm rồi?... 
Gió biển đã giận dữ quật lên hù hụ.
Mưa bắt đầu rớt phây phấy. Từng hột mưa đánh rúc rắc trên mái ngói. Trận mưa đêm phá giấc ngủ tù nhân. Có ai ngủ được khi chân bị còng, mình bị mưa dột đổ. Bước đường cách mạng đi mới hơn một năm mà sao tôi gặp lắm chuyện vui buồn. Bao giờ đất nước bình yên, ta làm chủ thật sự cái thị xã của ta, chúng tôi được tự do đi dạo, tự do ngồi bên nhau trên những chiếc băng đá nơi có nhiều kỷ niệm thì tôi sẽ kể hết cho Mai nghe những chuyện của thời gian xa cách... nghĩ đến đây, tôi sực nhớ đến Mai, người con gái hồi chiều đứng bên hiên nhà. Tôi và Mai là đôi bạn thân nhau từ hồi nào không biết. Hai chúng tôi lớn lên bên nhau như đôi tay trong một thân mình. Mẹ tôi và mẹ Mai là hai người đàn bà góa chuyên bán rau tươi để nuôi chúng tôi đi học. Mặc dù hai nhà không ở khít nhau nhưng hai bà cùng bán chung một sạp ở chợ nhóm. Nghe rằng hai bà thân nhau từ lúc cả hai chưa có chồng. Cha chúng tôi bị Tây giết trong một chuyến hai ông đi mua thuốc lá vùng Cao Lãnh thuở mà chúng tôi chưa biết ăn đũa. Tại sao tôi bỏ cái thị xã chôn nhau cắt rún này mà đi đâu và làm gì hơn một năm nay, và khi trở lại thì bằng con đường như thế này? Cũng vì muốn biết cặn kẽ những lý do ấy mà suốt ngày qua mấy tên công an lấy khẩu cung phải vất vả với tôi. Chúng dùng nhiều cực hình để buộc tôi nhớ kỹ và cung khai. Đối với chúng thì tôi không cần phải khai gì và cũng không thèm nhớ gì cả... Có chăng là những lúc tâm sự ngổn ngang, đêm khuya êm lặng thế này tôi mới nhớ lại được... Những đêm trăng vàng trộn đầy mặt nước sông Kiên, bên này bờ có hàng dương đứng mơ màng xõa tóc lả lướt cùng gió biển, dưới rặng cây, đôi băng đá quỳ gối giỡn trăng mặt trắng như rắc bột. Bên kia bờ, gần bến đò chị Tư  Dang Dở, cái khám giam như động quỷ sa tăng nép mình sau ngôi giáo đường Giê-Su vút cao hực hỡ. Những đêm như thế tôi và Mai thường ôm cây đờn măng-đô-lin ra ngồi trên băng đá. Trong những bài chúng tôi thích nhất là bài ca “Chiến sĩ Việt Nam” của nhạc sĩ Văn Cao. Các môn học Mai rất sáng dạ, nhưng đến khi chơi nhạc nhứt là bài ca này, không biết Mai thật tình hay giả vờ mà cứ bắt tôi cầm tay dắt từng nốt nhạc, xướng giọng dẫn từ đoạn ca mà Mai vẫn không chịu thuộc. Mai ơ thờ tiếp thu, mà cứ kiếm chuyện ghẹo tôi, để hai đứa cùng cười rúc rích hoài. Chúng tôi học đờn, nhìn trăng nhìn nước chảy nhẹ nhàng... dĩ nhiên cũng có kể cho nhau nghe những chuyện không đầu không cuối và không tác giả... Một đêm cũng có trăng. Ánh trăng hơi gay gắt. Chúng tôi cũng ôm đờn ra ngồi chỗ ấy như thường bữa. Chúng tôi đang đờn, đang hát, bỗng bên kia sông, chỗ khám giam phía sau giáo đường có người la thét thất thanh sau một hồi chuông nhà thờ đổ. Rồi tiếp theo là tiếng đánh đập ình ịch. Chúng tôi biết rồi... lâu nay thỉnh thoảng chúng tôi cũng có một đêm bàng hoàng mà bỏ cuộc chơi cũng vì vậy. Tôi ôm đờn, đứng lên. Mai đứng sát bên tôi, cùng nhìn qua sông. Một tốp công an mặc đồ đen bên ấy tay cầm súng gắn lê đang lôi lả hai người tù. Chiếc xe “cát cát” mui bít bùng đậu ngay trước cửa giáo đường đang mở cửa chờ họ, hai người tù giẫy giụa, la thét. Có một người vuột ra, chạy ngang cửa giáo đường. Lũ công an rượt theo nắm đầu người tù lôi lại. Tóc người tù ấy bị tung xõa dưới trăng. Hai người tù phụ nữ! Một tên công an sấn đến gần hai tay bóp cổ chị, nó cắn, nó ngoạm ngầu ngậu vào cổ chị! Lòng ngực tôi nghe như bị ai giựt bổng lên. Tôi nghe hai vành tai mình nóng bừng. Có lẽ tay tôi đang run lên nên cây đờn bên hông bật lên tiếng kêu. Hồi chuông giáo đường đổ dài dã dượi chìm lẫn trong trăng. Mai hổn hển nắm cứng cánh tay tôi: 
- Mình về, anh Tùng!  
Đêm càng khuya, gió biển càng gào dữ dội. Có lẽ những người tù lạnh lắm nên tôi nghe chỗ nào cũng có tiếng động đậy. Bác Tám bây giờ nằm im, thở đều đều, không còn phủi muỗi cho tôi nữa. Tôi cứ nằm tê dại một phía mà nghe gió hụ bên ngoài. Gió giật ngọn như trốt. Gió bốc mọi thứ âm thanh bên ngoài tung lên, vật xuống nghe vất vưởng, đứt quãng. Tình cờ tôi nghư trong những luồng xoáy của gió hất tạt vào tai một thứ âm thanh gì là lạ. Chắc tiếng dế kêu dưới chân tường đâu đó? Không! Âm thanh ấy từ đâu bị gió đùa lại nghe phưởng phất trên nóc khám, lập vập và mỗi lúc một lớn thêm. Tôi thấy bồn chồn, khó hiểu. Chỏi tay ngẩng đầu lên tôi cố nghe cho rõ. Tôi muốn reo lên: “Tiếng đờn!” đúng là tiếng đờn măng-đô-lin. Đêm đã khuya rồi mà ai còn thức đờn vậy kìa? Tôi ngẩm nghĩ và nghiêng tai lắng nghe. Lúc sau tôi bỗng giật mình: Bài ca “Chiến sĩ Việt Nam”! Tôi nhổm cao lên thêm để định hướng tiếng đờn từ đâu đưa đến. Gió Nam non từ mặt biển thổi lên, người đờn ở gần hướng trên gió. Đây là trại giam sau khu giáo đường. Đó là bên kia đầu cầu sắt. A! Nhất định là Mai đờn! Tôi không thể đoán lầm chút nào cả. Đây, tiếng đờn từ bên ấy vẫn bay qua và cứ tấp vào đầu tường rơi xuống tận tai tôi đây. Tôi tự hỏi: sao đêm nay Mai đờn bài này? Mai vô tình hay cố ý mà dùng bài ca này gởi đến tôi chăng? Nhứt định là Mai cố ý mượn tiếng đờn “tri âm” ấy gởi đến thăm tôi đang nằm trong khám lạnh. Và tôi tập trung hết thính giác để tiếp nhận tiếng đờn của Mai đây! Gió bớt giật rồi. Mai đờn đến đoạn nào đó? Ừ: “Vung gươm ra sa trường, nguyền tranh đấu”. Mai đờn thêm nữa đi! Tôi xin hứa ngày mai tôi sẽ “đấu tranh” với bọn công an tàn bạo ấy trong những ngón đòn ác nghiệt nhất.
Tiếng gió biển lần lượt bớt gào, tiếng đờn của Mai cũng lần lượt lọt vào tai tôi từng đoạn rõ mồn một “... Nguyền tranh đấu cho giống nòi. Hận thù bao năm căm lòng đất nước. Tan tác...” Như hiểu được ý tôi, bên kia Mai cứ đờn hoài và gió biển cứ nhè nhẹ đưa sang. Giờ phút này Mai đang nghĩ đến tôi, tôi cũng đang nhớ đến Mai nhiều... 
Từ độ ấy, mỗi ngày tôi bận thêm nhiều việc riêng nên hay lãng tránh các cuộc đi chơi với Mai. Nhiều bữa chúa nhật Mai đến nhà chờ tôi đến phải ăn cơm chiều với mẹ. Có chuyện gì mà chúng tôi giấu nhau đâu, nhưng bây giờ tôi thường bị Mai buồn. Hai đứa thương chìu nhau lắm! Nhất là tôi, có lần sợ quýnh khi bị Mai giận. Có một lần sau đó tôi ân hận hứa rằng về sau nhất định không dám ghẹo phá điều gì làm Mai phật lòng nữa. Mai ngồi đánh đủa với vài bạn gái dưới hàng bả đậu trước sân nhà. Tôi rắn mắc lượn ngang phía sau đớp hòn chuyền của Mai, chạy trốn ra hàng me. Mai ngó quanh, thấy tôi và đuổi theo. Bắt được tôi, Mai chớp đôi mắt đen có ngấn nước, phụng khuôn mặt trắng hồng xuống. 
- Anh! Mai hổng biết đâu! 
Mai dậm chân. Mặt Mai lúc ấy dễ thương lắm chớ không phải đau khổ và sợ hãi như hồi nhìn tôi đi trên dốc cầu vậy. Tôi lí nhí xin lỗi. Mai cười, nắm tay tôi. Hai đứa dắt nhau đi dưới hàng me đầy những chùm hoa nắng nở rung rinh. 
Mặc dù Mai chưa có can đảm lắm, nhưng đến khi được tôi giới thiệu với bác Tám thì Mai cũng hoạt động được chút công việc... lâu lâu chúng tôi cũng có mang đờn đến ngồi trên băng đá chỗ hàng dương ấy. Một lần, cũng có ánh trăng vằng vặt, cũng dòng sông Kiên chảy lững lờ, nhưng tình cảm của chúng tôi đã đổi khác. Chúng tôi biết rồi: cuộc đời không phải đẹp như ánh trăng vàng trộn mặt nước sông xanh nữa. Tôi chỉ lớn hơn Mai có hai tuổi. Cái tuổi mười lăm, mười bảy ấy, chúng tôi cảm thấy có cái gì đang dồn đến cho mình nặng nề, ray rứt quá! 
Rồi một đêm, cũng gió mưa như đêm nay, tôi lén đến nhà Mai. Tôi không mang đờn và cũng không vào cửa trước. Mai đón tôi sau hiên hè, chỗ gặp Mai đứng xách nước hồi chiều ấy. Mai cầm tay tôi, và trong bóng tối nghe giọng mai nghèn nghẹn: 
- Anh! “Đi” rồi dì phải ở với ai? 
- Sáng nay cô Tư đến rước mẹ anh về miệt Vĩnh Hòa. 
Mẹ Mai từ trong bưng cây đèn cóc chầm chậm đi ra. Mai nắm chặt tay tôi hơn và ngước mặt nhìn mẹ: 
- Mẹ! 
Cũng kêu, cũng khuôn mặt và ánh mắt... Mai nhét chiếc khăn thêu và ít tiền vào túi áo tôi rồi đẩy nhẹ ra, nói lắp bắp:
- Đi đi anh! Đi nhanh lên!
Không dám nhìn Mai, tôi nắm bàn tay xương xương của bà mẹ: 
- Con đi dì nhen!
Bà mẹ có vóc mình mảnh khảnh và nước da trắng ấy, tiễn tôi bằng đôi mắt đỏ hoe: 
- Con đi bao giờ về? 
Nhìn qua những túp nhà lụp xụp nheo nhóc đang chìm mình trong đêm mưa gió dưới gầm cầu, tôi thở dài, không nói... “sống! Máu đang khơi ngòi. Tiếng than nơi nơi! Tháng năm dần trôi...”
Tiếng đàn của Mai vẫn còn cất cánh bên kia sông. Gió lặng rồi. Mưa cũng ngớt hột. Đêm khuya, sau một trận mưa, đêm trở lại êm ả lạ. Tiếng đờn của Mai cứ chấp chới bay lên, tôi hình dung như đôi cánh chim non đang vỗ vào màn đêm của thị xã. Tiếng đờn non trẻ nhưng có một sức sống mãnh liệt đang vượt qua sông, leo qua tường mặc kệ phải rơi vào nhà tù, vách khám:
“... Thề phục quốc, tiến lên Việt Nam! Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam...”
Tháng 5/1960
Anh Động
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Băn Khoăn Phần thứ nhất -  Chương 1 Cảnh rời trường Cao đẳng trở về nhà, lòng hớn hở, trí thảnh thơi: chàng vừa đến xem bảng và không ...