Tình yêu thời bão táp
(Đọc tiểu thuyết Đoạn kết một chuyện tình của Hoàng
Tuấn - NXB Văn học, 2008)
Cuộc cải cách ruộng đất đã tạo ra những dấu ấn trong lòng những
ai quan tâm. Nó cũng để lại nhiều cái mất mát đổ vỡ làm đảo lộn các giá trị xã
hội. Đã có nhiều tác phẩm văn học miêu tả cuộc cải cách ruộng đất từ nhiều góc
độ khác nhau. Tiểu thuyết Đoạn cuối một cuộc tình của Hoàng Tuấn đã
giúp cho bạn đọc có thêm một cái nhìn mới mẻ về sự kiện đó.
Câu chuyện ly kỳ về cải cách ruộng đất đã được tác giả dẫn dắt
rất khéo léo. Mở đầu bằng việc y sĩ Lê Thu tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt đã
làm khơi lại trong lòng cô cả một thời bão táp. Trong lúc bạn đọc hồi hộp muốn
biết bệnh nhân kia là ai thì tình tiết bị treo ở đó. Câu chuyện chuyển từ hiện
tại sang quá khứ một cách tự nhiên khi tác giả trao quyền trần thuật lại cho
nhân vật. Cốt truyện được chia làm hai tuyến. Ở tuyến gia đình Lê Thu, tác giả
đặt điểm nhìn từ dưới lên để quay cận cảnh nỗi đau của những gia đình bị quy
oan trong cải cách ruộng đất. Tuyến này kết thúc khi cô dâu chạy ra khỏi nhà chồng
đêm tân hôn khiến bạn đọc ngỡ ngàng, không hiểu kết cục sẽ ra sao. Tuyến hai kể
về quá trình tham gia đội cải cách ruộng đất của Trần Sơn ở địa phương khác, từ
một thành viên của Đội, anh trở thành một nạn nhân của Đội. Tác giả đặt điểm
nhìn chủ yếu từ trên xuống để quay cận cảnh bản chất xấu xa của những kẻ cơ hội
trong đội cải cách như “Hùng lập trường”, “Tứ cảnh giác”, “Phú liên quan”...
Nhiều tình tiết gay cấn đến nghẹt thở. Câu chuyện có thắt nút, cao trào, mở nút
như một vở bi kịch.
Tác phẩm có hai đề tài chính: cải cách ruộng đất và tình yêu
đôi lứa. Ở đề tài cải cách ruộng đất, tác giả đã miêu tả chân thực diễn biến sự
kiện có kèm sự lý giải xác đáng để thuyết phục bạn đọc. Đội cải cách đã làm các
thao tác đổi trắng thay đen rất hoàn hảo, bởi lẽ trong Đội có những kẻ xảo quyệt,
ham thành tích và tiếp tay cho họ là một số bần cố nông xấu xa, dốt nát. Đội đã
làm được những chuyện mà không ai có thể tưởng tượng nổi: tất cả những cán bộ đảng
viên cộng sản trung kiên nhất và có thành tích cách mạng cao nhất tại địa
phương đều bị quy là “có vấn đề”, “phản động tay sai địa chủ”, “Quốc dân đảng”,
“liên quan tổ chức cũ”, “lịch sử không trong sạch”, “lập trường không vững
vàn”... Chủ tịch huyện Nguyễn Phan (cha của y sĩ Thu) bị đem ra bắn. Còn Trần
Sơn, huyện ủy viên, bí thư chi bộ thời chống Pháp thì bị quy là “địa chủ cường
hào gian ác”, “lịch sử tên Trần Sơn đầy tội ác... Bàn tay y đã nhuốm đầy máu và
nước mắt của nông dân”. Điều bất ngờ là đêm trước ngày tử hình, Trần Sơn đã được
các đồng chí cũ giải thoát. Chi tiết này làm ta liên tưởng đến cuộc giải thoát
rất ngoạn mục của nhân vật Thành trong tiểu thuyết Những ngày bão táp (1957)
của Hữu Mai. Cả hai nhân vật này đều được bố trí trốn trong cái hầm bí mật mà
trước đây mình đã từng ngồi để trốn giặc Pháp. Hóa ra, câu chuyện ngược đời này
không phải là cá biệt.
Tác phẩm còn làm rung động con tim bạn đọc bởi mối tình thấm
đẫm nước mắt của Lê Thu và Trần Sơn. Họ yêu nhau và được thử thách nhau trong
thời chống Pháp. Hòa bình lập lại, tưởng đoàn tụ nhưng phải cách xa. Lê Thu tưởng
Trần Sơn bỏ cô vì sợ liên quan tới gia đình địa chủ. Cả làng tưởng Lê Thu sẽ sống
hạnh phúc bên Quang, người chồng rất mực yêu cô. Sau ba mươi năm thầm nhớ về
nhau, họ gặp lại nhau trong bệnh viện nhưng “thời gian không trở lại”. Câu chuyện
tưởng chừng có hậu nhưng lại không có hậu khiến bạn đọc xót xa, khâm phục tình
yêu thánh thiện của họ. Đó là một mối tình đẹp bởi nó còn... dang dở.
So với các tiểu thuyết viết về đề tài cải cách ruộng đất
thì Đoạn cuối một cuộc tình có dung lượng lớn hơn cả. Nó cũng chú trọng
nhiều hơn tới đời sống nội tâm nhân vật, đặc biệt là bi kịch tình yêu. Dĩ
nhiên, mỗi tác phẩm đều có một thế mạnh khác nhau và Hoàng Tuấn đã biết tìm cho
mình một thế mạnh riêng khi viết về đề tài này.
9/4/2009 Phạm Ngọc Hiền
9/4/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét