Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Kiếp người xuống xuống, lên lên

Kiếp người xuống xuống, lên lên

Chương 1
Ông Nguyễn Hòa VCV thân mến.
Tôi chân thành cảm ơn ông đã gửi cho tôi một cái tin động trời. Một nhà hàng đã tra tấn nhân viên giống như thời trung cổ. Tôi đã nuôi ý tưởng viết một cái gì về dòng tin ấy. Ban đầu, chỉ định viết một truyện ngắn. Nhưng sau đó, trong một cuộc nhậu với bạn bè ở một nhà hàng. Ở đó tôi gặp Diễm, một cave. Câu chuyện của cô và dòng tin của ông đã giúp tôi viết cuốn tiểu thuyết KIẾP NGƯỜI XUỐNG XUỐNG, LÊN LÊN. Tôi xin phép cô, cho tôi lấy tên thật của cô làm tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này. Xin gửi ông 6 chương trong tổng số 20 chương của cuốn tiểu thuyết để giới thiệu trên Vanchuongviet. Cảm ơn ông.
 
1
           
Dân thị xã T. xôn xao. Họ tìm báo đọc. Lần đầu tiên tờ báo tỉnh T. lại có nhiều người tìm đọc như vậy. Có thể gọi được là đắt như tôm tươi.
 
Tờ báo dăng một cái tít lớn ngay trên trang nhất, đập ngay vào mắt người xem: TRA TẤN NHÂN VIÊN NHÀ HÀNG BẰNG PHÂN VÀ QUE SẮT NÓNG. Người ưa chuyện giật gân bu đầy các sạp báo. Họ còn photo coppy để chuyền tay nhau đọc. Đọc xong, ai cũng lắc đầu khủng khiếp. Không lẽ có một khoảnh đất ở xứ này đã trở về cái thời trung cổ. Không cần phải mất công, chép nguyên ra đây để cung cấp thêm cho những ai chưa đọc:
 
 “Qua đường dây nóng báo T. nhận được nguồn tin: Diễm, một nữ nhân viên bị chủ nhà hàng đặc sản thú rừng Xuân Đào (Thị xã T.) đánh dập dã man. Hồ sơ bệnh án tại Trung tâm y tế thị xã ghi: “ Bệnh nhân Diễm bị đa chấn thương phần mềm do bị đánh. Khắp người bệnh nhân đau nhừ, có nhiều vết bầm tím, sưng nề, có chỗ rớm máu. Vùng kín của nạn nhân có dấu vết của vật cứng nung nóng áp vào, gây phỏng. ”.
 
Chiều ngày, 8/ 5, bác sĩ phó khoa ngoại cho phóng viên biết thêm: sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân Diễm vẫn hoảng loạn tinh thần. Khám bệnh lần sau còn cho thấy, vùng kín của bệnh nhân do bị đánh và chọc que sắt nóng đã bị tổn thương trầm trọng. Sau khi bị tra tấn bằng kìm, chọc que sắt nóng vào vùng kín cho đến ngất xỉu, Diễm đã phải leo tường trốn  ra ngoài đường và được người dân đưa đến bệnh viện.” 
 
Buồng số 2 khoa Ngoại ( Trung tâm y tế thị xã T.), nơi Diễm,  nạn nhân trong vụ hành hạ dã man nói trên, mấy ngày qua luôn đông nghẹt người. Họ không phải là người nhà bệnh nhân, mà là những người dân quanh đó. Họ bất bình trước việc cô gái này bị ông chủ nhà hàng Xuân Đào hành hạ dã man nên đến thăm hỏi, động viên. Nhiều người còn quyên góp tiền, quà, giúp đỡ cô. Nhưng cũng có cả những người vì tò mò mà đến.”
 
Tờ báo có được cái tin đắt giá ấy bắt đầu từ một đêm có tiếng thét kinh hoàng của một cô gái. Tiếng lao xao nguyền rủa của đám đông. Không thiếu những tiếng chửi thề tục tĩu. Trước mắt mọi người, cô gái bèo nhèo như một chiếc lá nướng và những vết thương còn đang rỉ máu.
 
2.
Hình như trời mưa suốt đêm.
Xứ này mà có một đêm mưa như thế quả là hiếm hoi. Thường thì mưa vào buổi chiều rồi tạnh. Hoặc tối đến có thể mưa dập vùi, nhưng rồi đến nửa đêm cũng tạnh. Còn đằng này mưa dai dẳng, mưa hoài không dứt. Rả rích, rả rích, rồi bỗng oà lên, nước xối như vòi xuống mặt đất. Tối tăm trời đất vì trận mưa.
 
Gã co mình lại. Mưa mặc mưa, gã ngủ. Nói ngủ, chớ ngủ quái gì được. Sao mà lạnh thế. Lạnh làm đầu gã nhức bung bung. Cái đầu chỉ biết nhức, mà không biết nghĩ ra cách nào làm cho gã hết bị lạnh. Bất tài vô dụng thế này chặt cha nó đi, ném cho chó gặm. Gã nghĩ như thế. Ấy chết, đâu có được, không có nó ngày mai sẽ ra sao. Thiên hạ sẽ nhìn gã như thế nào khi phía trên cùng của cái xác gã không có cái đầu. Thôi lạnh thì cũng ráng mà chịu đi. Gã có cảm giác như người ta mang nước đá đến bao quanh mình. Người gã sao run lên một cách lạ lùng. Gã đã cắn răng lại, thế mà có cái gì đó cứ tách hàm răng gã ra rồi bắt chúng nó gõ vào nhau lập cập. Thôi thì mặc xác chúng mày va vào nhau. Tao phải ngủ. Gã tự nhủ. Và gã ngủ. Xin nói nhỏ với mọi người một điều: loại như  gã ấy mà, ngủ hay thức chẳng có gì quan trọng hết. Có lúc rõ ràng đang thức đó mà lại là ngủ rồi. Đâu có phải nhắm mắt, nằm co, ngáy khò khò mới là ngủ. Lúc con người ta trong đầu rỗng tuếch không nghĩ ngợi được điều gì tức là ngủ chứ còn gì nữa. Loại người gã có cái tật như vậy. Người đời nhìn gã bằng con mắt lạ lắm. Ánh mắt chẳng ra cười với, chẳng ra thông cảm với. Có cái vẻ đáng ghét lắm kìa. Người thì sờ sợ, người thì khinh miệt, người thì kèm với một cái lắc đầu. Những lúc như thế chỉ thích đám  trẻ con. Chúng chạy theo chọc ghẹo, bắt gã phải cười. Rồi khi cười được rồi, tức là gã đã bừng thức.
 
Trong cái đêm có trận mưa sầm sập đúng là gã đã ngủ. Một giấc ngủ chẳng lấy gì làm ngon lành  trong tiếng mưa và nơi gã chọn để ngủ là một vỉa hè. Gã chọn vì muốn được mát mẻ, chớ không phải là để chịu đựng những cơn mưa như thế này. Người gã lắc lư như đang đánh võng. Nhưng  không phải là cánh võng đung đưa mà giống như con tàu đang băng băng chạy khiến gã bị lắc lư mạnh hơn. Mà con tàu  thiệt chớ còn gì nữa. Gã nghe cả tiếng sóng vỗ thân tàu. Lại nghe tiếng gầm rú của gió. Gã không thể ngủ được, đứng dậy đi về phía trước tính kiếm một chỗ nào thoáng hơn để ngóng nhìn ra ngoài biển khơi cho thanh thản. Không hiểu biển ở đâu hiện ra vào lúc này. Nó mênh mông, cồn cào sóng vỗ. Nó mịt mờ xa và mông lung trong mắt gã. Bỗng bàn chân gã không còn vững nữa. Nó trượt dài trên sàn tàu. Gã rớt ra ngoài. Thân xác gã rớt hoài, rớt hoài. Tất cả nhẹ bỗng, giống như chiếc lá mỏng manh bị lốc cuốn. Gã há miệng hét lên. Nhưng cổ họng gã như có ai tống vô đó một nùi giẻ. Càng la càng không ra tiếng. Gã vùng mạnh cánh tay, đạp mạnh cái chân. Thời may, bàn tay gã bám vào được thành tàu. Gã muốn bám thật chặt vào thành tàu nhưng không được. Thêm một lần trượt nữa, gã lọt xuống gầm con tàu đang vun vút lao đi. Hai tay gã gồng lên giữ cho mình không rớt xuống.
 
Mà lạ chưa kìa, đâu có phải là tàu biển. Rõ ràng là tàu hoả. Nghe rõ tiếng bánh xe sắt, nghiến vào đường ray. Ken két, lạch cạch và khét lẹt. Hai chân tôi gá được vào một vật gì đó thò ra ở gầm tàu. Không biết gã sẽ chịu dựng được bao nhiêu lâu nữa đây. Chỉ cần buông tay, người gã sẽ thành cám khi đập vào những viên đá lổn nhổn phía dưới. Bỗng con tàu trườn qua một khe nước. Hình như con tàu không chạy mà đang bay. Nó bay là là mặt nước. Mặt nước ngay sát lưng tôi. Cơ hội thoát thân đây rồi. Gã buông tay. Có cái gì đập  vào đầu gã. May quá. Không hề hấn gì. Gã lặn sâu xuống nước để con tàu trôi qua. Thời gian lặn dưới nước kéo dài hàng thế kỷ. Mặc kệ tiếng lạch cạnh trên đầu, gã mở một cuộc ngao du dưới lòng biển khơi. Kể cũng lạ thật. Đang trên tầu biển, bỗng trôi sang tầu hỏa, bây giờ lại dưới lòng biển sâu. Từng bãi san hô muôn mầu khoe ra trước mặt gã. Những con cá đủ màu, đủ loài bơi lượn quanh gã. Có con còn chạm vào người gã nữa. Những con bạch tuộc và những cái vòi. Những con cá mập và những hàm răng nhọn hoắt. Chúng đón gã như đón bạn bè. Nhưng thời gian không cho phép. Gã xua tay như để nói: thôi, tạm biêt, tạm biệt tụi bay nghen.
 
Trên đầu đã hết tiếng lạch cạch inh tai, gã ngoi lên. Gặp ngay một vách đá. Vách đá gập ghềnh. Những phiến đá lô xô chập chồng như những mũi tên nhọn hoắt. Bám vào những phiến đá đó, gã leo lên. Chân tôi đau nhói vì những cạnh đá sắc lẹm cứa vào. Không còn cách nào khác, tôi phải ráng mà leo. Lên hết vách đá, tôi gặp một căn nhà lá nhỏ. Trong đó có người? Mà có người thật. Hai người bước ra cửa nhìn gã bằng cặp mắt ngơ ngơ, vô hồn. Gã bảo họ:
- Tôi mới gặp nạn, các anh thông cảm, cho tôi ở nhờ vài bữa. Khi nào có thể, tôi sẽ đi.
             
Cả hai không nói nửa lời. Lẳng lặng bước vào nhà. Gã bước theo họ. Trong nhà còn hai người đàn ông nữa. Một người nhìn gã có vẻ thiện cảm. Miệng hơi cười. Nhưng hai mắt vẫn lạnh tanh. Người thứ  hai, có bộ râu cứng như chổi cọng dừa. Thấy gã vào, ông ta ùa đến ôm lấy và phủ vào mặt gã những cái hôn tới tấp. Gã rùng mình vì râu đâm phải da và miệng anh ta hôi hám kinh khủng. Sợ làm mếch lòng anh ta, tôi cắn răng chịu. Bỗng nghe tiếng động loảng xoảng. Một người nữa ở đâu về. Trên lưng anh ta là một chiếc ba lô nặng trĩu. Không biết trong đó có gì, nhưng phía trên lòi ra một cái báng súng. Gã ráng nhìn xem đó là súng gì. Chẳng thấy nòng đâu, chỉ thấy phía trên loe ra một cái miệng, giống như loa kèn. Thấy gã, anh ta lừ mắt. Mắt như mắt chó điên. Gã hoảng. Chết rồi, gã đã chui vào một cái trại nhốt những người tâm thần rồi. Kiểu này chắc họ bóp tôi chết mất. Gã vội vã tìm đường ra. Con đường chỉ vừa lọt bàn chân vắt vẻo trên sườn vách đá, có thể chỉ trượt một cái là rớt xuống vực sâu dưới kia. Nhưng làm sao được, phải chạy trốn, chạy trốn cho nhanh. Một lọn mây ở đâu bay tới, gã bước đại vào đó và mặc kệ số phận, chết thì thôi. Sợ gì. Không ngờ, lọn mây kia đã mang gã đi, lơ lửng giữa trời. Nắng. Những tia nắng rọi vào mặt gã rát rạt. Rõ ràng trời vừa bị mưa kia mà. Mưa lạnh lắm. Sao tự nhiên lại nắng. Mà thôi. Nghĩ làm gì cho nhức đầu, nắng mưa là việc của trời. Trời muốn nắng thì cứ nắng, rồi muốn mưa thì mưa, mặc kệ ông ta. Là ông trời đó. Mặc kệ những bờ vách đá, mặc kệ con tầu chút nữa thì giết chết gã. Mặc kệ những thằng điên trong cái trại cheo leo trên vách đá. Mặc kệ tất cả, tôi cứ trôi đi. Bỗng đám may tan ra.  Hai chân gã buông vào khoảng không. Gã rơi xuống, rơi xuống. Gã hét lên kinh hoàng. Tiếng ai đó quát the thé giận dữ:
- Trời ạ. La hết gì mà ghê thế. Sáng bảnh rồi cha! Dậy! Dậy đi chỗ khác để chỗ cho tui còn làm ăn! 
 
Ô hay, ra gã ngủ. Đến cả giấc ngủ của gã cũng không bình yên. Có khi chính bản thân gã cũng không biết những chuyện xẩy ra trong giấc mơ kia là thật hay giả nữa kìa… Vì gã là một thằng điên. Điên mà gã cũng biết kể chuyện đó. Chuyện sau đây là do hắn kể, không thêm, không bớt một tý nào hết.
 
*
Tôi muốn bước ra khỏi nơi vừa là chỗ ngủ của mình. Ngó quanh, không thấy đôi giầy da mới vừa đánh bóng hôm qua. Tôi cằn nhằn: “Mới đó mà mất rồi. Khỉ thật, sao bây giờ nhiều kẻ cắp đến thế. Thôi được, để hôm nay ta sẽ mua một đôi thật mới, thật mốt, để xem tụi bay có đến lấy nữa hay không. Mày cứ lấy, tao cứ mua. Đ. má, xem cuối cùng thì thằng nào thua”. Tôi giơ tay vả vào miệng mình: “ Đã bảo không chửi thề nữa, sao còn…”. Nhưng mà không có giầy. Tôi ngó quanh. Đây rồi. Tôi sẽ tạo cho tôi một đôi giầy tuyệt hảo, không có bất cứ ai trên đời này có được. Đó là một miếng vải vốn để làm bọc nệm ghế. Tôi nhìn thấy nó nằm rất mất trật tự ngay cạnh chỗ tôi nằm ngủ. Thật là vô dụng. Phải làm việc hiểu chưa. Tôi bảo với miếng vải như thế và túm ngay lấy nó, lấy hết sức bình sinh xé toạc nó ra làm hai, đặt mỗi bàn chân một miếng. Công nhận, mình giỏi. Nhắm chừng thế mà vừa y. Chỉ cần thêm mấy cọng dây nữa là êm. Mà dây thì thiếu gì. Quanh tôi, có bao nhiêu là dây. Tôi lượm được mấy cọng vừa ý. Vài phút sau, tôi đã có thể khoan thai bước ra ngoài đường.
 
Đường phố hôm nay sao mà đẹp đến lạ lùng. Thỉnh thoảng tôi có nghe người ta thì thầm với nhau, phố này là phố cổ. Cổ là cái gì? Thì cũng đường, cũng người ta đi. Cũng nhà nhà cạnh nhau. Cổ gì mà nhà thì cao, nhà thì thấp coi thật dị hợm. Có nhà thì cao lút tầm nhìn. Nhà thì thấp chủm. Mấy nhà còn để những mái ngói thâm xì, coi dơ dáy con mắt. À tôi biết rồi, tại sáng ra nhà nào cũng có một bát nhang. Nhang cháy toả khói dài dài theo phố. Tới đâu cũng thấy mùi nhang. Mà nhang thì chỉ dành cho những người khuất mày, khuất mặt, những người đã đi vào thiên cổ, nên mới gọi đây là phố cổ chớ gì. Người ngợm phố này hay thật. Sống thế mà sống được sao? Người sống, người thiên cổ lúc nào cũng bên nhau. Tôi ở phố cổ này từ bao giờ không nhớ. Ban đầu không biết, tôi chẳng quan tâm. Sau này, nghe nói đến phố cổ, tôi mới nghiệm ra những điều trên. Hoảng lắm. Sống với người đang sống còn khó, lại sống với người khuất mày, khuất mặt, chẳng biết đâu mà lường. Biết lúc nào họ vui, biết lúc nào họ buồn. Sợ nhất là lúc họ giận mình không biết, họ bóp cổ mình chết như không. Ở riết thành quen, nỗi sợ hãi vơi dần, rồi quên luôn.
 
Riêng hôm nay thì khác. Dưới trời nắng vàng tươi, tôi thấy quanh tôi ai cũng vui.  Mặt ai cũng tươi rói. Họ nhìn tôi bằng cặp mắt thân thiện đến nỗi không thể thân thiện hơn. Có những chú bé gặp tôi còn cúi đầu chào rất lễ phép. Những tiệm, những cửa hàng, cửa hiệu lộng lẫy với không biết bao nhiêu hàng hoá, thứ nào cũng gây cho tôi sự thèm muốn. Thèm muốn một bộ quần áo đủ sắc màu. Thèm muốn một chiếc nón chụp lên mái tóc đẹp tuyệt vời của tôi. Thèm một đôi giày láng o. Những chiếc bánh kia chắc là thơm phức. Mùi phở, hủ tiếu sao mà thơm. Thơm đến mức làm tôi thèm ăn. Nhưng lúc này không phải là lúc ăn. Phải đi dạo đã.
 
Tôi bỗng phát hiện một chuyện rất lạ.Tiền. Sao mà nhiều tiền thế. Tiền rải dọc con đường. Toàn là những đồng đô la xanh xanh, đỏ đỏ. Ai mà phung phí thế. Ai mà hào phóng thế. Ai mà thương nhân loại thế. Tiền rải ra đường cho ai muốn lượm thì lượm. Thế này thì đời đẹp quá rồi còn gì. Mắc gì mà tôi không lượm lấy vài tờ làm dấn vốn cho mình. Hình như túi tôi lâu nay rỗng tuếch thì phải. Không một đồng xu. Từ ngày tôi không tiền, người ta thương tôi nhiều hơn. Đến đâu đói là có người chia đồ ăn cho liền. Chỉ cần mặc thôi chớ gì? Đâu cần phức tạp. Quân tử nhất bộ vẫn sống đàng hoàng. Chỗ ngủ ư. Đâu phải cứ giường chiếu sang trọng. Miễn có chỗ ngả lưng là được. Còn cái khoản lấy những thứ cặn bã trong người ra hả. Tự nhiên. Nhất quận công, nhì… đồng. Sướng như tiên, gió thổi mát đít. Nhưng hôm nay tiền nhiều thế này không lượm cũng uổng. Thế là tôi lượm. Lượm được một tờ, tôi tiện tay lượm tờ thứ hai. Được tờ thứ hai tôi lượm luôn tờ thứ ba. Vừa lượm tôi vừa nhận ra một điều rằng: hình như với con người tiền bao nhiêu cũng là thiếu. Như tôi nè. Tôi có dùng đến tiền đâu. Thế mà tôi cứ lượm. Có nghĩa là trong buổi sáng hôm nay, tôi không còn chuyện gì phải nghĩ nữa, ngoài tiền. Này đừng bảo tôi là khoe mẽ nghe. Hình như có lúc tôi nhiều tiền lắm đó. Tiền nhiều đến mức không biết xài vào việc gì nữa. Có một người đàn bà đã sống bên tôi. Người ta bảo cô ấy là vợ tôi. Vợ cái cóc khô. Tôi lấy vợ làm quái gì cho nặng nợ. Thế mà tôi có vợ đó. Cái người đàn bà gọi là vợ tôi, rất thích ngắm tiền và đếm tiền. Cô ta có thể ngồi ngắm những đồng tiền rất lâu, lâu như không thể lâu hơn. Hai mắt cô ta đắm đuối nhìn những đồng tiền trước mặt. Có lúc cô ta sắp những đồng tiền như những con bài, chuyển qua chuyển lại, lật lên, lật xuống. Tội nghiệp cho những đồng tiền. Chúng bị vật vã cho một sự thích thú của một người đàn bà. Lật đã, cô ta xếp lại những đồng tiền cho thực ngay ngắn. Vuốt từng xấp tiền thật phẳng phiu rồi đem cất nó thật cẩn thận trong một cái két sắt. Tôi biết trong két sắt ấy, cô ta có đến mấy  bọc bột chống ẩm và không quên xức vào trong đó ít giọt nước hoa đắt tiền. Loại nước hoa cô ta thường dùng. Để đám người làm mà ăn cắp, thì có thể tìm được ngay thủ phạm. Cô ta giải thích với tôi như vậy. Với cô ta, bất cứ người làm nào, cô ta cũng cho là một kẻ cắp. Cổ ghét người làm lắm. Cả tôi cổ cũng ghét, cũng coi tôi là một thứ kẻ cắp trong nhà. Nhưng lúc này sao không thấy cổ đâu há. Tôi bỗng thấy nhớ cổ khi cúi lượm những đồng tiền trên đường. Tiền quá trời nè, sao không đến mà ngắm, mà đếm. Hôm nay tôi sẽ lượm thật nhiều để nay mai cho cổ đếm mệt nghỉ luôn. Mà dạo này cô ta ở đâu, sao tôi không gặp cổ? Nghĩ cho cùng, cũng chẳng cần gặp cổ làm gì. Gặp cũng như không.
 
Trong đời, có lẽ chưa ngày nào tôi làm việc chăm chỉ như hôm nay. Không thể ngẩng đầu lên được. Những đồng tiền cứ trải theo con đường và tôi không thể ngưng cuộc đuổi bắt những đồng tiền. Khi nó nằm sát lề đường. Khi nó nằm trên đám cỏ bên vệ đường. Khi thì nó nằm ở giữa lòng đường. Tôi bươn ra để lượm. Những chiếc xe ào qua mặt. Tôi nghe có tiếng chửi. Tôi trợn mắt ngước lên toan mắng cho người vừa văng tục kia, nhưng chỉ còn thấy có cái lưng của người ta. Ngu gì mà đi chửi cái lưng. Phí hơi.
 
Này, hình như ngày xưa vua chúa ra đường, người ta rải hoa hồng theo từng bước chân. Hoa hồng ăn nhằm gì. Tiền. Tiền tung ra trên đường tôi đi. Sao mà tôi muốn hát thế. Thì hát. Thế là tôi hát. Tôi thấy được một mô đất cao nằm ngay bên đường. Tôi ôm cả đống tiền leo lên đó và cất tiếng hát vang trời. Hình như ai cũng nhìn tôi hát. Những người chạy xe đạp. Những người chạy xe mô tô.Có cả những anh lái xe tắc xi, lái xe tải, cũng ngó đầu ra khỏi cửa xe mà nhìn tôi hát. Mấy đứa trẻ bu lại quanh tôi. Hai mắt chúng như những hòn bi ve ngóng nhìn lên tôi. Ô hay, sao từ lâu nay tôi không hề biết tôi lại có thể hát hay như thế chớ. Có cảm giác tiếng hát của tôi xuyên thật sâu vào trời, vào đất. Nếu không những người đi ngang qua tôi, nhìn tôi làm gì. Thật tuyệt vời .Nhưng không được. Hát thế thôi. Còn những đồng tiền. Tôi gạt những đứa trẻ ra và lại bước xuống đường. Vừa hát, vừa lượm tiền, một công đôi việc. Lũ trẻ hình như thấy tôi ngộ lắm thì phải. Chúng cười, líu ríu chạy theo tôi. Có một thằng mất dạy nào đó la lên: “Thằng điên hát hay quá kìa”. Tôi đứng dậy, trừng mắt tìm thằng mất dạy. Nhưng làm sao tìm. Tôi mà điên ư? Ai dám bảo tôi điên. Chưa lúc nào tôi thấy mình sáng suốt và tỉnh táo như hôm nay. Tất cả đang diễn ra hồn nhiên trước mặt tôi. Những đồng tiền. Những đứa trẻ và giọng hát tôi đang vang lên. Thế mà đứa nào dám bảo tôi điên. Nhưng mà thôi, khỏi chấp. Phía trước còn những đồng tiền và tôi đang đang còn phải đi.
 
Ô kìa, sao trước mặt tôi đông người thế kia. Họ đón tôi. Phải rồi, họ đón tôi. Kẻ tài ba lang thang đến mà. Nhất định là họ đón tôi rồi. Đông quá. Họ đứng chen chúc bên nhau. Nhưng chẳng có ai quay sang phía tôi cả. Họ quay lưng lại phía tôi. Mà còn có nhạc nữa kìa. Những tiếng kèn tò te, tò te. Có tiếng mõ lốc cốc, lốc cốc. Có ai đó hát. Mà không phải hát. Hát gì mà cứ đều đều buồn ngủ muốn chết. Tôi bước lại phía họ. Thôi rồi, đám ma. Chiếc quan tài đỏ đang nằm trên miệng huyệt. Trước quan tài những người đội khăn trắng đang quỳ mọp. Một ông sư đang gõ mõ tụng kinh và những người đội khăn trắng lạy như  tế sao. Buồn quá. Buồn quá. Trời ơi sao người ta cứ phải chết. Tôi quỳ xuống. Chết rồi là hết. Chết rồi thì còn cái gì có nghĩa nữa đâu. Cả những đồng tiền. Chết rồi ai cần đến tiền nữa. Tôi bò lại bên mép huyệt, thả từng đồng tiền xuống cái hố lát nữa sẽ chôn người chết. Đồng thứ nhất cho người chết. Đồng thứ hai cho tôi. Đồng thứ ba cho người chết. Đồng thứ tư lại cho tôi. Những đồng tiền xanh đỏ, xanh đỏ bay bay, bay bay… Có ai lôi tôi ra. Có ai đang khóc. Họ khóc cho tôi. Phải rồi, họ khóc cho tôi… thế là tôi oà khóc, khóc thiệt lớn. Lớn hơn cả những người thân có người đã chết sắp xuống huyệt.
 
Tư xưa đến giờ hình như tôi chưa bao giờ khóc. Hay nói cho thật đúng là tôi chưa biết khóc là gì. Thế mà hôm nay tôi khóc. Nước mắt tôi chảy ra. Miệng tôi cứ hụ hụ giống như có ai móc họng tôi khiến tôi cứ bật ra những tiếng nức nở. Ban đầu tôi khóc cho người nằm trong cái áo quan màu đỏ, có những đường hoa văn sơn vàng choé. Nhưng một lúc sau, tôi chẳng biết vì sao tôi khóc. Hay là tôi đang khóc cho tôi. Khóc cho thân phận trôi dạt, lang thang của chính mình. Phen này nhất định tôi phải làm lại tôi mới được. Tôi bèn nhẩy ngay xuống cái hố sắp chôn người kia. Không biết tại sao người ta níu tôi lại. Níu tôi lại làm gì, để tôi nằm xuống đất, rồi đất sẽ giúp tôi mới lại. Tôi vùng vẫy. Nhưng không lại với người ta. Họ ném tôi vào một bụi cỏ. Tôi lại khóc. Tiếng khóc của tôi chìm đi trong những tiếng cầu hồn của ai đó văng vẳng vang lên. Đều đều. Trầm uất. Đắng đót. Cho ai thế? Cho người chết dưới hố đất kia, hay cho tôi. Không biết nữa.
 
Người ta đã về hết. Còn lại một mình tôi với đống dất còn mới tinh khôi. Nó được phủ trên đó những vòng hoa. Những vòng hoa đã được xé ra. Người ta ngắt nhũng bông hóa trên những vòng hoa đó ném xuống cái hố khi hồi cùng với những đồng tiền tôi lượm. Bây giờ không còn tiếng khóc nữa. Cũng không còn những tiếng kèn tò te, không còn ai rì rầm trò truyện. Tôi ngơ ngác. Sao người ta lại bỏ tôi một mình ở đây? Hình như lúc nãy có người gọi tôi là thằng điên. Tôi mà điên ư. Tôi không tin. 
 
Lại nghe tiếng khóc kìa. Tiếng khóc của ai thế? Của đàn bà? Không phải là tiếng khóc mà là tiêng gào thét. Chói tai. Nhứn óc. Thôi đi mà. Tôi van xin đấy, đừng gào thét nữa. Các người muốn giết tôi hay sao? Có ai đó không bớ người ta, cứu tôi, cứu tôi với.
 
Tôi cũng gào lên. Nhưng hình như chẳng ai nghe thấy tiếng tôi. Biết cầu cứu ai đây? Mà đúng rồi, đến lão nhà báo ngã tư. Chỉ có lão mới cứu được tôi thoát ra khỏi tiếng gào thét đáng sợ này. Nào, lên đường, lão nhà báo ngã tư ơi… 
 
*
Gã tâm thần xuất hiện trên đường phố thị xã T. ít lâu, sau khi có dòng tin trên báo kia. Gọi thế cho lịch sự, người ta quen gọi gã là thằng điên. Lúc ban đầu cũng làm vài người  người tò mò. Gã có mái tóc dài, xù lên. Hai mắt lúc nào cũng lơ lơ, láo láo. Anh mắt có lúc sợ hãi đến cực điểm. Có lúc lại lấm la, lấm lét giống một kẻ gian giảo. Cũng có lúc trầm ngâm, vẻ suy tư. Lại có lúc vằn lên, rõ ràng biểu lộ sự ác độc và còn có cả sự  hằn thù… Nhưng thiên hạ chẳng ai sợ hắn, và hình như cũng chẳng có ai khinh ghét gã. Hay nói cho đúng: cái thứ người như gã khác gì những cọng rác vương vãi trên đường, chẳng đáng để ý làm gì… Câu chuyện trên đây được ghi lại vào lúc gã chợt tỉnh huyên thuyên kể với mọi người. Chẳng biết có thật hay không, đã là thằng điên thì tỉnh hay điên chẳng có gianh giới gì. Nên chuyện có thật hay không, chẳng cần biết.  Nhưng có một chi tiết là thật. Cái người mà gã gọi là nhà báo ngã tư là có. Ông này có vẻ thảm hại hơn gã. Tóc rậm, đỏ ké vì phơn nắng, phơi sương và chỏng lên như nắm rơm gặp gió. Ong ta ngồi ở một góc đường, nơi có một ngã tư. Ong ta ngồi đó suốt ngày. Suốt ngày mỉm cười và chờ những thứ đồ ăn mà những người đi qua thương tình ném cho. Còn tại sao gã gọi là ông nhà báo ngã tư thì chịu. Chắc chỉ mình gã biết thôi.
           
Hãy quay lại với những dòng tin trên tờ báo địa phương được giật tít đập mắt người ta trên đây. Chuyện ấy có khi còn hấp dẫn hơn cả chuyện thằng điên nữa kìa.
 
3.
 
Một tiếng thét xé toang không gian. Đêm đang tĩnh mịch bỗng nứt toác ra vì tiếng thét ấy. Sau tiếng thét là tiếng khóc. Rồi tiếng tức tưởi:
- Các người là ai? Tôi van các người, tôi lạy các người, xin các người đừng bắt tôi về. Các người bắt tôi về không khác gì giết tôi. Tôi van các người, tôi lạy các người. Không… đừng đụng vào người tôi. Xin tha cho tôi…
 
Đó là một cô gái mảnh dẻ. Tóc tai bù xù. Áo quần rách bươm. Mặt mũi thâm tím. Tanh tưởi vì những vệt máu nhớp nhúa trên những mảnh vải còn đeo trên người. Những người đi tuần tra phát hiện ra cô ở ven đường. Khúc đường này lâu nay đèn chiếu sáng bị hư chưa ai sửa. Lúc đó cũng đã khuya rồi, người qua lại cũng ít. Cô nằm đó tự lúc nào không ai biết. Khi những người đi tuần phát hiện ra, tưởng đó là một xác chết, nhưng lại gần thấy thân người cô còn nóng, khuôn ngực vẫn còn phập phồng, bèn dìu cô vào một căn nhà ven đường. Chủ nhà là một người đàn bà dễ dãi, thấy vậy, không nề hà gì, mở cửa, xếp chỗ cho cô nằm trên một chiếc ghế bố. Nhưng khi thấy trên người cô bê bết máu thì hoảng quá. Nhưng sự đã rồi bà không thể tránh né. Bà vội vã chạy đi nấu nước nhờ mấy người đỡ cô dậy lau qua loa những vệt máu trên người cô. Khi đụng đến những vết thương, đau quá làm cô bừng tỉnh và đã hét lên. Thấy vậy, một người nói với cô:
- Không sao. Cô yên tâm đi. Chúng tôi đang giúp cô rửa những vết thương thôi. Nhưng cô là ai? Ai đánh cô ra thương tích thế này…
- Không… các ông đừng hỏi. Tôi sẽ không nói gì đâu. Sẽ không nói gì đâu… Nhưng, các ông là ai mới được chớ?
- Cô yên tâm đi mà. Chúng tôi là công an phường cùng đi tuần tra với mấy anh dân phòng. Lúc đi tuần, chúng tôi đã bắt gặp cô nằm ngất xỉu bên đường. Nhưng cô là ai?  Vì sao lại thương tích đầy mình thế này?
- Xin các ông đừng hỏi. Tôi không thể nói được.
Chỉ nói được như thế cô lại tức tưởi khóc. Một người có vẻ bực dọc nói:
- Ít ra thì cô cũng phải cho chúng tôi biết cô là ai, cô ở đâu, chúng tôi mới giúp được cô chớ.
           
Vẫn chỉ là tiếng khóc. Tất cả những người có mặt ở đó đều lúng túng. Cuối cùng có người lên tiến, giọng có vẻ sẵng:
- Nào, cô hết khóc được chưa? Bây giờ cô có thể đứng lên được chưa? Nếu được, đi với tôi về công an phường.
Cô gái rên rỉ:
- Không! Xin các ông các bà tha cho em. Em không làm gì nên tội,  em không lên công an phường. Thả em ra. Để mặc em. Em van các người…
Một người đàn ông đã luống tuổi vẻ như là người chỉ huy nói với cô:
- Cô đừng sợ. Cứ lên chỗ chúng tôi. Cô nói cho chúng tôi biết ai đã làm cô ra nông nỗi này. Chúng tôi không thể bỏ mặc cô như thế này được.
- Nhưng em sợ lắm. Chúng nó giết em mất.
- Không ai dám giết cô. Chúng tôi sẽ bảo vệ cô. Nghe chúng tôi đi. Lên công an phường chúng tôi sẽ có cách giúp cô. Vả lại, cô không thể ở nhà này được. Họ cho cô ở đây từ nãy đến giờ đã là ơn phước lắm rồi. Mà người ngợm thương tích như thế kia, ai dám để cho cô đi. Nghe chúng tôi đi. Ráng lên…
           
Cô gái ráng ngồi dậy, nhưng vừa đứng lên, cô bỗng sụm xuống, hai chân cô hầu như không thể đứng vững được. Hai ba người vội xúm lại đỡ lấy cô.
Trong chốc lát, tin một cô gái bị đánh đập dã man và bị ném bên lề đường đã loang nhanh khắp dẫy phố. Người ta mở cửa chạy sang, đứng bu kín cửa nhà người đàn bà tốt bụng, chen lấn xô đẩy nhau để có thể nhìn thấy người bị nạn. Bỗng có người la lên:
- Ủa, ý trời ơi. Cô này làm ở nhà hàng Xuân Đào mà. Sao lại ra nông nỗi này?
Cô gái hốt hoảng:
- Nhà hàng Xuân Đào… Nhà hàng Xuân Đào… Ở đâu?
- Gần đây thôi. Cách đây vài trăm mét. Để chúng tôi đưa cô về bển nghe…
- Tôi xin các ông, các ông đưa tôi  đi càng xa càng tốt. Tôi van các ông!
- Ô kìa sao thế? Cô làm việc ở nhà hàng, chúng tôi đưa cô về bển, để họ chăm sóc. Họ đưa cô đi bệnh viện trị vết thương, không tốt sao.  Ngày mai, chúng tôi sẽ đến gặp cô, lấy lời khai….
- Không. Xin các ông đừng hỏi gì hết. Thân xác tôi như thế này là vì cái nhà hàng đó đó. Chúng đánh tôi. Chúng cắn xé tôi…
- Trời đất! Người trong nhà hàng đánh cô?
- Nhưng tại sao chúng lại đánh cô?
- Cô có làm gì người ta không mà để người ta hành xác cô vầy nè?         
- Làm gì thì làm chớ, ai cho quyền họ hành hạ con người ta như thế này…
- Nó bắt cô đi tiếp khách phải không? Cô không đi chớ gì? Chuyện trong phim không ngờ lại có thiệt… Ghê gớm quá.
- Con người chớ có phải con vật đâu mà hành hạ người ta thế này. Đòn chết người chớ giỡn sao…
           
Mỗi người một tiếng làm cho cả góc phố ồn ào. Có người bốc máu chửi thề. Có người rên rỉ xót thương. Có người căn vặn hỏi han…
Người đàn ông luống tuổi hỏi cô gái:
- Sao, cô đứng dậy được chưa? Đi với chúng tôi chớ?
Lại tiếng khóc. Khóc nức nở. Lúc thì oà lên, lúc thì nghẹn lại. Lúc chỉ là những tiếng nấc. Thân xác bấy bá của cô gái ban đầu còn run lên bần bật, nhưng rồi từ từ lả đi, rũ xuống, bèo nhèo.
           
Những người xung quanh hoảng lên. Người hoảng nhất chính là chị chủ nhà. Chị năn nỉ:
- Thôi, thôi, thôi, các ông ơi. Các ông chuyển giúp cổ đi bệnh viện đi. Không thể đưa cổ về nhà hàng Xuân Đào được đâu. Sao lại nên nông nỗi này chớ? Ác đức quá trời vầy nè. Đưa cổ về coi chừng cổ mất mạng đó.
Người đứng tuổi đúng là công an phường. Xem ra anh cũng có vẻ rất bức xúc. Anh hối những người xung quanh:
- Mặc kệ cái nhà hàng Xuân Đào, bây giờ phải đưa cổ lên bệnh viện cái đã. Bọn ấy tính sau. Người hay súc vật mà đối xử với người ta như  vầy nè. Không còn ra hồn người nữa.
Chị chủ nhà chạy vào gọi điện thoại kiếm xe cấp cứu. Lát sau chị quay ra:
- Từ ngày cái nhà hàng Xuân Đào này đến đây, thấy cái gì cũng chướng mắt hết á. Dân thì làm ăn đổ mồ hôi hột, mà thấy người ăn chơi nghênh ngang không hà. Mà họ tiền đâu ăn uống dữ vậy chớ. Bước chân vào thì xôn xao, bước chân ra thì chệnh choạng. Từ ngày có được cái hàng rào, rào kín mít lại, đỡ chướng con mắt. Mà bây giờ ai theo cổ lên bệnh viện đây.
Anh công an phường nói ngay:
- Để đó cho tôi. Lên trển, tôi còn ghé sang công an thị xã  báo cáo luôn.
Chị chủ nhà can:
- Thôi, chuyện đâu biết đấy, đưa người ta lên viện rồi báo cho nhà hàng lên mà chăm sóc. Họ phải có trách nhiệm chăm sóc cho người ta. Ai đâu đánh đập người ta thế này rồi bỏ sao? Báo cáo làm gì ngại lắm, lỡ có sao tôi lại phải đi làm chứng, lôi thôi lắm.
Nghe chị chủ nhà nói, cô gái như bị kích động, hé mắt nói thì thào:
- Không, không, con xin các ông, các bà. Xin đưa con đi nơi nào cũng được. Nếu không cứ thả con ra đường, con tự đi. Thà chết ngoài đường ngoài chợ, chớ nhất định con không về cái nhà hàng ấy nữa đâu. Về đó, chết cũng chết nhục…
Cô gái đã tỉnh dậy. Cũng lúc đó, tiếng còi ủ của xe cứu thương ào tới. Anh công an xã dìu cô gái lên xe. Anh hỏi:
- Cô tên chi?
- …
- Mấy cô nhà hàng nhiều tên lắm. Chắc cô không muốn nói tên thiệt của mình chớ gì? thôi không sao. Trước sau gì tôi cũng sẽ biết tên cô thôi.
 
Anh công an phường muốn chọc ghẹo cô để cô bớt đi sự hoảng loạn, nhưng hình như cô chẳng để ý gì đến câu nói giỡn chơi ấy, cứ rúm lại, sợ hãi… 
Chiếc xe cứu thương lao đi.
Khúc đường nơi ấy được trở về với tĩnh lặng của những đêm bình thường.
Không ai biết trong số những người tò mò bu quanh nhà người đàn bà tốt bụng kia có một người của nhà hàng Xuân Đào. Hắn bươn bả chạy về đập cửa rầm rầm. Trong nhà có người bước ra, quát:
- Thằng nào mà đập phá rầm rầm vậy bay. Tao thả chó rồi đó nghe.
- Em nè ông chủ. Chết rồi, ông chủ ơi. Con Diễm…
- Con Diễm làm sao. Con Diễm cái gì?
- Người ta đưa nó đi bệnh viện rồi…
Im lặng. Nghe tiếng cánh cổng sập lại một cái rầm. Nhà hàng Xuân Đào!
 
*
Phòng công an thị xã đêm ấy nhộn nhạo cho đến gần sáng. Những ngọn đèn mở sáng suốt đêm. Không chỉ là những bóng đèn bảo vệ, mà hầu như các phòng đều có ánh đèn sáng. Anh Ba Phận, trung tá trưởng phòng ngồi trầm ngâm ngay sau khi nghe báo cáo toàn bộ sự việc. Nhà hàng Xuân Đào không chỉ là nơi quen thuộc với anh mà ở một góc nào đó, nhà hàng còn là nơi giúp anh trong vài cuộc đón khách bất ưng. Xét cho cùng, vào thời điểm này, có một nhà hàng làm ăn như nhà hàng Xuân Đào cũng là hiếm. Tất cả làm đúng theo mọi quy định hiện hành, không thể bắt bẻ được bất cứ một điều gì về cái nhà hàng này. Vậy mà khi không sinh chuyện. Anh tưởng tượng ra gương mặt của ông chủ nhà hàng. Tròn, đầy đặn, tóc hớt cao, hai mắt tinh nhanh, sáng. Miệng lúc nào cũng mỉm cười với khách. Khách quen, thế nào cũng bước vào nhấp môi ly rượu hoặc ly bia, hơi cúi người chào trước khi bước ra. Luôn có câu cửa miệng: “Nhà hàng còn nhiều chuyện vụng về nhờ các đại ca góp ý”. Không thể tin được một gương mặt như thế với cách cư xử như thế mà lại có thể nghĩ ra được những trò hành hung con người ác độc đến như vậy. Anh đã kịp liên hệ với bệnh viện qua điện thoại. Cô gái đưa đến bệnh viện đã được kiểm tra sơ bộ những vết thương ngoài da. Nhưng chỉ với những vết thương ngoài da đã thấy nghiêm trọng rồi. Thâm tím toàn thân. Còn hằn rõ những lằn cây đánh vào người. Mặt bị thương sưng vù nhiều chỗ. Có cả những vết thâm tím trên bụng. Nhiều chỗ vết thương hằn sâu vào da thịt và vẫn còn rỉ máu. Chốc chốc cô ta lại bị sốc, lả đi và khó thở. Chưa kiểm tra nội thương song nhất định phải có vì ngay trong khi đưa đến bệnh viện nhiều lúc cô muốn xỉu đi vì mệt mỏi và đau đớn. Cô đã chịu nói ít nhiều về chuyện vì sao nên nông nỗi như thế. Chủ nhà hàng đã hành hạ cô. Anh còn nhớ như in gương mặt căng thẳng của anh công an phường khi trình bày sự việc với anh. Đó là một người đàn ông đã ở độ tuổi ngoài bốn mươi. Cuộc sống chắc không mấy dư giả, nên nét khắc khổ hiện ra trên từng đường nhăn ở đuôi mắt, trên trán và khoé miệng. Thời gian trao đổi không nhiều mà có tới ba, bốn lần anh gằn giọng: “Các anh coi đóng cửa cha nó cái nhà hàng đó đi. Dân người ta ngứa mắt lắm rồi. Đóng cửa rừng cái gì mà thịt thú rừng bán công khai. Tiếp viên thì cả đống. Ăn mặc hở hang, khó coi quá hà. Các anh nói nhà hàng không vi phạm hả? Nói đùa. Các anh có biết vì sao đàn ông mắc tội không? Cái thứ đàn bà con gái gì mà mặc đồ cứ phơi ra. Hở rốn, hở vú, hở lưng. Có đui con mắt cũng phải ráng mà ngó. Ngó rồi nghĩ bậy, nghĩ bạ. Từ nghĩ bậy nghĩ bạ đến làm bậy làm bạ mấy hồi!”. Lúc đó Ba Phận chọc: “ Ông có coi phim Tàu không? Có hả. Ngày xưa người ta cũng uống rượu ôm đó. Bây giờ bằng một góc của ngày xưa, ăn nhằm gì?” Anh công an phường trợn mắt: “Anh còn nói vậy, xã hội này tiêu đến nơi rồi”. Ba Phận vội xin lỗi anh ta. Xem ra anh ta có vẻ bảo thủ. Song cũng chẳng trách được. Xã hội mới bắt đầu, cái mới đang hình thành. Có cái mới chấp nhận được, nhưng cũng có cái mới khó mà chấp nhận.
 
Thị xã này không lớn. Vào loại nhỏ nhất nước. Nếu không tách địa giới thì có chỉ vỏn vẹn gần năm chục ngàn dân. Bốn phường, một xã. Dân thị chẳng đáng là bao. Dân thôn vẫn là chính. Ruộng lúa bao kín lấy thị xã. Mấy năm gần đây mới mở mang được chút chút. Trước hết là những công sở đã được xây cất lại bề thế hơn. Những người giàu đã nghĩ đến việc tạo dựng nơi ở cho sang. Nhiều dịch vụ hình thành. Mà chắc không ở đâu như thị xã này. Từ ngày xu thế làm ăn cởi mở người người ra đường làm ăn. Nhiều nhất là những quán tiệm ăn uống. Nói không ngoa, cứ vài chục mét đường lại có một quán. Toàn quán nhậu. Lẩu bò, lẩu lươn, lẩu mắm, lẩu cá, bê thui, dê bảy món, bò nướng, cá lóc nướng, heo mọi quay, gà ác tiềm thuốc bắc… món nào nghe đến cũng thấy ngay những người say xỉn. Tất cả những vị trí thuận lợi đều được tận dụng làm quán nhậu. Ngoài đường chính thì quán nhậu lớn. Trong hẻm thì quán nhỏ hơn. Sâu trong xóm ấp thì nhậu bình dân. Mọi thành phần trong xã hội đều có thể tham gia nhậu tuỳ theo túi tiền của mình. Sang trọng thì khỏi phải nói. Thấp hơn một chút là những công chức nhà nước, những người làm ăn nhỏ. Kể cả những người trước đây tụ tập tại nhà xị rượu với vài trái cóc, trái ổi, nay cũng có những quán đáp ứng để hợp với những túi tiền bèo bèo.
 
Sau nhậu là đến quán cà phê, giải khát. Cũng đủ kiểu quán cà phê. Ngày xưa, ở xứ này người ta uống cà phê “cháo”. Có nghĩa là cà phê được bỏ vào nồi, nấu lên. Ai đến uống chủ quán múc cà phê đổ vào ly, bưng ra cho khách. Sau cà phê “cháo” là đến cà phê “vợt”. Chủ quán đổ cà phê và một chiếc vợt thường được làm bằng vải mùng. Nhúng cái vợt vào nước sôi. Chờ cà phê tan, cũng lại múc cà phê vào ly, trong đó có bỏ sẵn ít đường. Ai uống cà phê sữa thì có chút sữa và không thiếu muỗng đường. Hồi đó ai kêu cà phê phin, được coi là khách sộp. Nay, tất cả những kiểu “cháo”, “vợt” đều đã biến mất. Tất cả là phin. Hình như những người uống cà phê dạo này nhiều thời gian hơn. Họ nhâm nhi cà phê và chuyện phiếm cả giờ đồng hồ. Họ gọi hết ấm trà này sang ấm trà khác. Chủ quán chiều khách, hễ có người kêu là te te, tái tái chạy tới và không phiền hà gì đến chuyện khách ngồi quá lâu. Cà phê cũng đủ loại quán. Có quán rộng rãi thoáng mát, cũng có quán thấp lè tè với những mái nhà lợp lá dừa nước và những chiếc bàn, chiếc ghế con con. Ly cà phê cũng vì thế mà có giá khác nhau. Quán sang giá gấp đôi quán bình dân mặc dù cà phê chỉ do một chủ nào đó bỏ mối.
 
Gần đây có cả những quán kín đáo dành cho những cặp gái trai đang yêu nhau. Đó chỉ là những chiếc lều con con, đủ kê được một cái bàn và hai cái ghế bố. Ánh sáng chỉ cần một ngọn đèn nhỏ xíu chừng năm oát. Tiếp viên chỉ biết mang cà phê vào, nhận tiền rồi quay ra, mặc cho trai gái trong đó ngồi đến bao giờ thì ngồi. Xong chuyện yêu đương là về, khỏi nhìn lại chủ quán. Có người thêm chuyện quảng cáo trên truyền hình nữa mà lập thành một công thức sống của người thị xã này: “Gội đầu cho thơm bằng những loại dầu gội hảo hạng trên truyền hình, tắm cho thật sạch bằng xà bông thật xịn cũng như quảng cáo, rồi đi uống cà phê, sau đó là đi nhậu, thế là hết ngày”. Không biết công thức này có phổ biến hay không, chớ lúc nào các quán cà phê cũng đông vào những buổi sáng và buổi tối, còn quán nhậu thì đông đúc suốt ngày. Quán nhậu, quán cà phê nhiều như vậy nhưng xem ra mỗi ngày một lạc hậu. Lý sự: cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn, sự ăn, sự mặc không cần phải lo nữa mà phải lo đến sự chơi. Nói đến sự chơi thì chỉ những người đàn bà là thiệt thòi. Ngày trước còn có nhà hát, còn có rạp chiếu bóng.
 
Bây giờ, nhà hát chẳng mấy khi có những đoàn hát lôi cuốn người xem, rạp chiếu phim thì không thể hoạt động được. Công nghệ băng hình giết chết những thước phim nhựa rồi. Không có nhà hát, không có rạp chiếu bóng các bà chỉ còn có việc đi sắm đồ ở những cửa hàng, sau đó về lo cơm nước cho chồng con và cuối cùng thuê mấy băng hình về đút vào đầu máy ngồi đến nở mông đít ra mà coi. Chỉ sướng cho cánh đàn ông. Cà phê, nhậu, tưng bừng. Nhu cầu ngày càng cao hơn, ít nhất phải được như những công tử, những đại nhân khi nhậu phải có người lau mặt, lau tay, có người rót rượu, có người mớm đút. Và thế là xuất hiện những nhà hàng. Không phải quán, mà là nhà hàng. Ở đó có mọi nhu cầu. Nhu cầu gì thì xin nhường cho những đàn ông tự khai ra. Mà ngu gì khai. Để êm ái mà tận hưởng cho sướng. Chính vì thế thị xã thì không lớn mà công việc của những người giữ trật tự xã hội hình như mỗi ngày một nhiều hơn.
 
Thêm nữa, người thị xã này lại hay chơi ngông. Họ muốn sống kiểu thành phố lớn cho sàng điệu. Chỉ sướng những ông khách từ nơi khác đến. Công việc có khi chỉ giải quyết trên bàn giấy chừng vài chục phút. Sau đó thì: “ Mời qúy anh đi dùng đặc sản”. Vì thế mơi có chuyện giống như hài hước thế này. Một ông cán bộ của thị xã này có việc sang tỉnh bạn làm việc. Công việc xong tỉnh bạn mời cơm. Bữa cơm tất nhiên cũng có mấy giọt cay cay. Nhưng nhìn vào mâm, thấy cũng cá, cũng gà, bò, ông cán bộ thị xã hỏi: “ Thế này thôi sao? Tưởng các ông có đặc sản gì chớ?” Vài phút sau, tất cả được dọn đi và những ông khách được mời sang một chỗ khác. Một phòng lạnh, một dĩa trái cây và… ùa vào một bầy con gái. “ Anh, sao lâu quá hôm nay mới ghé em”. “ Anh, để em lau mặt cho nào, dễ thương chưa?”. “ Anh, nhớ quá hà”. Túi bụi, loạn xà ngầu. Ông khách từ thị xã ngơ ngác. Ông ta vốn là người được xem là đứng đắn. Một cô gái đến bên ông ta, hôn vào má ông cái chụt. Ông trợn mắt: “ Này, tao biết cả ông nội mày đó nghe!”. Cô gái xững người rồi òa khóc. Mấy người vội vàng đưa cô gái ra ngoài, và ông ta cũng bỏ mâm ra ngoài luôn. Người cùng đi với ông chẳng ai chịu ra theo. Họ mắc ông ngồi đợi ngoài xe với cái bụng rỗng tuếch. Vài năm sau, khi ông ta nghỉ hưu. Trong chuyến đi chơi vét trước khi nghỉ, ông lại đến tỉnh kia. Rồi người ta lại mời tiệc. Ông ghé tai hỏi nhỏ anh văn phòng đi theo: “ có tiệc như hôm trước không?”. Anh ta ngạc nhiên: “ Tiệc gì?”. “ Thì như bữa các cậu bỏ đói mình đó!”. Anh văn phòng cười ngất: “ anh muốn tụi em chiều!”. Thế đấy, chí ít lúc này, kiểu nhà hàng Xuân Đào vẫn cần. Người ta sao mình vậy, không thì quê chết.
 
Nên mới có nhà hàng Xuân Đào. Trong tất cả những nhà hàng ở thị xã này, thì nhà hàng Xuân Đào được liệt vào hạng sung mãn. Không ai tính sung mãn ở đồ ăn nữa, nhưng chính nhà hàng này khiến người ta phải nghĩ đến tác dụng của đồ ăn trong cuộc sống mỗi ngày một đòi hỏi cao hơn này. Bò hả? Thường quá nếu chỉ mang xào nấu. Cá hả? Quá bình thường nếu chỉ nấu lẩu, chiên giòn. Dê ư? Cũng bình thường thôi, nếu chỉ làm bảy món như trước đây… Ăn tinh chế mãi rồi, phải ăn như thời kỳ mông muội mới ngon. Thịt bò nướng lụi. Các lóc nướng trui. Bộ dái dê hầm với một thang thuốc bắc với những vị nghe nhắc đến là cánh đàn ông đã nổi gân, nổi cốt. Thế vẫn chưa sung. Nhà hàng Xuân Đào có một nguồn cung cấp thịt rừng hầu như không cạn. Bé thì có… côn trùng: bọ cạp, dế, ve ấu trùng đến ốc núi, thằn lằn núi. Lớn hơn một chút thì cheo cheo, kỳ đà, rắn. Lớn hơn thì heo rừng, mễn… Không kể nhiều, bước chân vào nhà hàng là thấy ngay quầy rượu. Rượu Tây là đồ bỏ. Rượu thuốc, bỏ luôn. Có chừng năm bình chứa cỡ năm chục lít rượu trong đó có những chiếc bao tử nhím còn nguyên. Vài bình cũng ngần ấy rượu, mỗi bình hai bộ chân gấu còn cả lông. Vài bình nữa mỗi bình có một con hổ mang chúa, con nhỏ nhất cũng năm ký. Oai nhất là một bình có chứa một con hơn mười ký. Nhìn cái mang nó bành ra mà khiếp, bằng cái quạt vậy. Có một vài bình nghe chủ nhà hàng nói mọi người còn nghi ngờ đó là những bình rượu cao hổ cốt. Nhưng chủ nhà hàng thề sống thề chết: “ Không tin đại ca thử coi. Ngày hôm nay uống, ngày mai gân cốt cứng ngắc, đi đứng khoẻ mạnh. Còn vụ kia, khỏi nói… êm lắm”. Có người tò mò tính thử, quầy rượu của nhà hàng Xuân Đào vứt đi cũng vài trăm triệu đồng. Nhưng đã nói rồi: sự ăn, sự uống không quan trọng. Sự chơi mới quan trọng kìa.
 
Xuân Đào tên vợ của chủ nhà hàng. Còn chủ nhà hàng tên là Phước Luôn. Chẳng biết bằng cách nào mà anh ta có vốn liếng làm ăn lớn như vậy. Có người cho rằng, anh ta lấy vốn từ gia đình mình. Xứ Trảng, một thị trấn của tỉnh này nằm ngay cửa ngõ vào Sài Gòn. Từ mấy đời nay, gia đình Phước Luôn vừa bán cháo lòng vừa bán bánh tráng, bánh canh. Khi còn chiến tranh, bom đạn liên miên, gia đình anh ta làm ăn rất khá nhưng chẳng xây cất gì, cứ cái quán nhà xây sơ sài mà buôn bán. Lúc này cũng tấp nập người ăn uống. Thời Tây có khách ăn của thời Tây. Thời chính quyền thân Mỹ thì có khách của thời chính quyền thân Mỹ. Không ai đi qua Xứ Trảng mà không ghé lại quán cháo lòng, bánh tráng, bánh canh của gia đình Phước Luôn. Bom đạn ì xèo vậy, nhưng người ăn cứ ăn. Dân Xứ Trảng dư biết chủ quán rất giàu, nhưng họ không ngạc nhiên khi thấy quán cứ bình dân như vậy hoài. Việt Cộng đánh ra, quốc gia đánh vào như vậy, tai hoạ giáng xuống lúc nào ai biết. Cho đến khi hoà bình, mới thấy chủ quán mở mang thêm nơi buôn bán. Thêm hai quán mới, quán nào cũng đất đai rộng rinh rang. Một quán cả mấy chục bàn ăn. Và vẫn thế, lúc nào cũng đông nghẹt khách ăn. Nên nhiều người cho rằng: nhà hàng Xuân Đào nhất định được hưởng lợi từ gia đình dưới xứ Trảng. Vì thế mới có một nhà hàng với đầy đủ lợi thế như vậy. Nằm trên con đường chính đi Sài Gòn. Ngay ngã ba, một đường lên trung tâm thị xã, một đường đi Sài Gòn và một đường chạy vào trung tâm một huyện lớn nhất tỉnh. Trời lại phú luôn cho nhà hàng thế đất. Chẳng cần phải cải tạo, tự thân nó đã có ba tầng rồi. Chủ nhà hàng chỉ việc dựa vào thế đất mà hình thành từng khu vực cho phù hợp với từng thực khách. Đông đúc thì tầng trên, nơi có những dãy bàn ăn sáng choang, mát mẻ. Đi từng nhóm đã có tầng thứ hai với những phòng ăn riêng biệt, nhưng cũng đủ sức chứa mươi, mười lăm người. Ít hơn có những phòng ăn cho đủ một bàn. Hồ nước, cây xanh rủ bóng, những bức tượng đá, tượng xi măng… làm cho không gian thơ mộng. Khách đến nhà hàng Xuân Đào đông cũng bởi lẽ nó nên thơ, trữ tình. Trong nhà hàng có tới gần mười phòng đặc biệt. Nó đặc biệt vì không có những bàn ăn bình thường mà là một bộ salon da đắt tiền. Chiếc bàn trong đó cũng khác với những chiếc bàn khác, dài hơn và thấp hơn. Bàn đặc biệt để tiếp khách đặc biệt. Những người vô ăn trong những căn phòng đó hầu hết không cần biết giá các loại rượu bia và những món ăn. Khách như thế bước chân vô phòng có cách gọi giống như hảo hán trong Thuỷ Hử. “Có cái gì ngon nhất thì mang ra đây. Rượu hả, đặc biệt. Thứ nào uống tê mình, tê mẩy thì mang tới. Nhớ có thêm mấy em phục vụ. Trẻ, đẹp, Không trẻ không đẹp là đi chỗ khác chơi. Biết không?”. Tiếp viên chạy cuống giò. Tiếng dạ rân lên cũng không khác gì tiểu nhị trong Thuỷ Hử. Đương nhiên là thực khách loại đó không nhiều, tuần chừng hai ba chầu. Nhưng chỉ cần hai ba chầu ấy cũng tương đương các phòng khác tất bật làm cả tuần. Người ta đã nghiệm ra rồi, sau những loại hàng hoá buôn lậu trốn thuế thì bán hàng ăn uống là lời nhất. Không bán một lời mười thì cũng lời được năm, sáu. Vì thế, nhà hàng Xuân Đào phất lên rất nhanh. Còn một điểm nữa thành lợi thế cho nhà hàng Xuân Đào. Là một tỉnh có tiếng là cái nôi của cải lương. Kể sơ sơ cũng vài ba đào kép danh nổi như cồn là người tỉnh này. Thế nên, rất nhiều người đủ mọi thành phần rất mê cải lương. Nhà hàng Xuân Đào có thêm mấy phòng nữa dành cho những người mê loại hình nghệ thuật này. Ở đó có một dàn tăng âm, loa, micro. Người ta vừa nhậu vừa ca. Ban đầu là mấy em ca. Khi rượu vào tưng tửng rồi là đến khách ca. Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tô Ánh Nguyệt, Tình anh bán chiếu… thôi thì ai thuộc gì ca nấy. Quán thì sôi lên mà giọng hát thì thê lương hết biết.
 
Ba Phận cũng là người mê cải lương. Công việc nhiều khi anh cũng phải đi nơi này, nơi khác để tiếp cận cuộc sống. Và anh chủ quán nhà hàng cũng là một anh chàng mê cải lương. Bình thường ai hát cũng không lôi cuốn được anh ta. Riêng Ba Phận, mỗi khi đến nhà hàng, khi anh cất tiếng ca cải lương, chỉ vài phút sau là anh ta đã có mặt, bỏ việc ngồi nghe. Ba Phận có giọng ca mùi mẫn khiến nhiều người thèm. Hồi tuổi còn trẻ, mấy lần hội diễn văn nghệ quần chúng anh đã dành huy chương vàng. Người ta đồn rằng khi đoàn cải lương Sài Gòn 1 đi tuyển diễn viên đã gặp anh.  Ông trưởng đoàn bỏ mấy ngày lên thuyết phục gia đình cho anh theo đoàn. Nhưng ông già anh, người tham gia kháng chiến từ lúc mới mười lăm tuổi gạt phắt: “ Nó sinh ra không phải để làm kép. Nó phải đi bộ đội, phải phục vụ trong quân đội”. Anh đi bộ đội thật và hết nghĩa vụ, anh chuyển sang ngành công an. Cải lương hình như thấm vào máu anh nên lâu lâu anh lại thèm hát. Mỗi lần thèm hát, anh lại đến nhà hàng Xuân Đào. Vô tình, anh giống như người bảo kê cho nhà hàng, bóng dáng của anh khiến chẳng có ai dám quậy phá nhà hàng Xuân Đào. Vậy mà hôm nay có chuyện. Anh nhấc máy điện thoại gọi:
- A lô. Cậu Hiểu đó hả. Sang phòng tôi một lát nghe.
 
Lát sau, thượng úy đội trưởng đội điều tra xét hỏi đã có mặt. Hình như cậu ta chưa kịp chợp mắt. Nghe anh công an phường báo cáo sự việc xong, cả hai không ai muốn về nhà tiếp tục giấc ngủ dở dang nữa. Họ cùng ở lại chờ sáng.  Dáng vẻ vâm váp của Hiểu làm cho căn phòng của trưởng phòng có vẻ chật chội hơn. Ai mà có thể chợp mắt được. Kể từ lúc anh công an phường chạy lên gặp trực ban. Trực ban gọi điện cho thoại cho Ba Phận, Ba Phận triệu tập tất cả những ai có trách nhiệm đến cơ quan, thế là cơ quan bắt đầu sôi lên. Bộ phận chuyên án được thành lập gấp. Vụ này không mấy phức tạp. Kẻ gây án đã lộ rõ. Chỉ còn việc làm rõ động cơ gây án là xong. Thế nhưng hình như ai được phân công thực hiện chuyên án đều có một cái vẻ rất lạ. Ngay lúc đó, có người đã thốt lên: “Sao giống con người ta ở thời trung cổ thế”. Giống thật. Lấy kìm dứt da thịt. Lấy dùi nung đỏ áp vào chỗ kín. Cho chó cắn xé. Còn gì ác hơn thế nữa. Những người nhận nhiệm vụ quên mất cả việc phải thật khách quan khi điều tra. Một nỗi xót thương cô gái hiện ra gương mặt mỗi người. Con khi nhắc đến cái tên Phước Luôn, ai cũng lộ rõ vẻ căm giận. Thượng uý Hiểu vừa bước vào đã nói ngay:
- Quái lạ thiệt, anh Ba. Mọi khi gặp công chuyện, có thời gian là tôi tranh thủ ngủ được liền. Còn lần này hả, hai mắt cứ trơ trơ ra.
- Tôi cũng vậy - Ba Phận tiếp lời - Tôi cứ nghĩ hoài: cậu công an phường kể liệu ta có thể kết luận được chính chủ nhà hàng Xuân Đào đã hành hung cô ta như vậy được chưa? Sao tôi cứ không tin. Con người kia mà, sao có thể ác như chó sói như thế. Theo cậu thì sao?
- Khó nói lắm anh Ba. Liệu có phải thằng cha muốn chiếm đoạt cô gái, cô gái cưỡng lại, để hắn nổi xung lên mà đánh đập cô ta? Không thể. Nhìn thằng cha, ai tin được hắn lại dã man như vậy. Hay cô ta ương bướng, cãi chủ, làm biếng, thì hắn cứ việc đuổi phắt. Mắc gì phải đánh đập cô ta đến như thế. Hay là cô ta ăn cắp đồ, ăn cắp tiền của nhà hàng. Ăn cắp cái gì trong mấy cái chuồng nuôi thú rừng ấy? Thật không hiểu nổi tại sao lại như thế nữa.
- Cậu liên hệ với bệnh viện chưa? Từ lúc cô Diễm đến bệnh viện tới giờ, nhà hàng có người đến thăm cổ không?
- Tôi đã điện cho giám đốc bệnh viện rồi. Tôi yêu cầu họ ráng chăm sóc cho cổ và đừng để người lạ vào thăm cổ. Tôi cũng đã yêu cầu báo cho nhà hàng Xuân Đào biết chuyện Diễm đang ở bệnh viện. Không có tin tức gì từ phía nhà hàng. Họ làm như không biết chuyện gì xẩy ra với Diễm. Thế mới lạ. Riêng cô Diễm, cổ nhắc đi nhắc lại là không được để cho ai biết cổ đang điều trị vết thương ở đó nữa. Nhắc đến nhà hàng là cô ta như bị dị ứng. Nhưng hỏi gì cô ta cũng không nói thêm. Nhất là từ lúc cô ta biết người ta đã báo tin cổ được đưa vào bệnh viện cho nhà hàng Xuân Đào. Tôi đã cho thông báo đến nhà hàng. Cứ báo, để xem phản ứng của họ ra sao. Được không anh? Vả lại, chuyện ì xèo như thế làm sao giấu? Chưa có lời khai của cô Diễm nên mình chưa thể làm gì được. Càng không có cớ để gọi Phước  Luôn lên xét hỏi…
- Đúng vậy. Trong lúc này,  cô Diễm đang ở bệnh viện, chủ nhà hàng Xuân Đào đang rất hoang mang. Này, đợi trời sáng, tôi và ông xuống gặp trực tiếp cổ xem sao. Hả?
- Được. Nhưng liệu ta có thể kêu Phước Luôn lên thẩm vấn được chưa?
- Theo tôi thì chưa. Dù sao, bây giờ ta mới có lời kể của anh công an phường. Cô Diễm chưa cung cấp tin tức gì. Ngày mai, sau khi nói chuyện với cô Diễm một lần nữa, xong ta quyết định.
Hiểu đưa mắt nhìn ra sân. Ngoài trời ánh sáng vàng vàng của những ngọn đèn bảo vệ đã yếu dần. Ánh sáng trắng của một buổi sớm mai đã lan rộng ra, mọi thứ hiện ra rõ ràng hơn.
Ba Phận bảo Hiểu:
- Thôi, ra kiếm chút gì bỏ bụng, rồi ta đến bệnh viện. 
20/8/2008
Nguyễn Đức Thiện
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...