Trăng cuối tháng
Bây giờ thì ông chỉ còn có một mình. Một mình trong căn nhà
bé như cái hộp diêm quẹt. Bà ấy không đến, và ông cũng không đi tìm bà. Giữa
hai người đã một lần, và chỉ có một lần bừng cuộn lên, nhưng rồi lại lắng xuống
một hòn đá ném xuống mặt ao, làm cho nó dềnh lên, nhưng khi những vòng tròn xoáy
nước khép lại, thì mặt ao lại phẳng lặng như tờ. Lâu lâu có ngọn gió thổi qua,
mặt ao gợn lên chút ít nhưng cũng đủ nổi lên những con sóng, nhấp nhô, nhấp
nhô.
Ông thắp nhang lên bàn thờ. Mỗi ngày ông thắp một nén, loại
nhang thơm. Không biết có khi nào ông có thể quên thắp nhang không. Nhưng đã
thành quen rồi, đêm khi đi ngủ ông không thể thiếu mùi nhang toả ra từ trên bàn
thờ. Có những lúc ông nghĩ, ông đang thắp nhang cho chính mình. Thì thế, mình
chưa chết mà thấy được những đốm nhang lập loè, hương nhang lan toả, thần bí.
Như cõi thiên đàng, như chốn chỉ thần tiên mới có quyền được sống. Lại
có lúc ông tưởng như đang thắp nhang cho một mối tình tưởng còn mà mất, tưởng mất
mà còn và tưởng có mà không. Một đời người chỉ thế thôi ư. Ngày nào còn tươi trẻ
là thế, nay đã nắng quái chiều hôm. Gắt gao đấy nhưng ngày đang tàn dần. Ông nhớ
bà, nhưng hình như cái nhớ nó cũng khác ngày xưa khi còn trẻ. Khi còn trẻ, nhớ ai
thì nhớ cồn cào, da diết và chỉ có nhớ người đó mà thôi. Nay nỗi nhớ cứ bị xen
vào bởi những suy nghĩ khác. Nhớ mà chẳng đắm đuối chút nào. Nó cứ vẩn vẩn, vơ
vơ, không như thời trai trẻ. Thèm gặp đấy nhưng rồi chợt nghĩ đến chuyện khác
thế là lại quên. Nhớ cũng vô tình mà nhớ, và quên cũng vô tình mà quên.
Khi không lúc này mà còn gặp nhau. Trời sắp đặt đấy. Chớ cái
tuổi ăn phải cái gì cưng cứng là phải trệu qua, trạo lại, mấy ai còn nghĩ đến
chuyện yêu đương. Vậy mà yêu đương mới lạ.
Bữa đó, ông buồn, ông cô đơn. Đâu có phải đến khi đó ông mới
buồn, mới cô đơn. Lần cuối cùng ông có gia đình cách nay đã hơn mười năm. Sau một
cuộc cãi lộn với người đàn bà mà ông để gần hết một đời người cung phụng, ông
đã ra đi. Cuộc cãi lộn không lớn nhưng ông bị xúc phạm. Người ta biểu rằng ông
chỉ là thứ người vô tích sự. Người ta biểu ông không lo toan được gì cho gia
đình, cả một đời ăn bám. Ông đã ra đi sau một đêm trằn trọc. Và cuối cùng thì
người ta ném vào mặt ông một câu: ông bây giờ thừa ra rồi. Thì ông đi, ông tự cắt
bỏ sự thừa thãi là mình, ra khỏi cái nơi một thời ông gắn bó, giống như người
ta tự nguyện lên bàn mổ, cắt đi khúc ruột dư ra khỏi cơ thể mình. Không lẽ ngồi
để mà kể ra người đàn ông đã làm ra những cái gì cho gia đình tồn tại ngần ấy
năm trời.
Đi với hai bàn tay gần như trống trơn. Bạn bè chỉ cho ông một
căn phòng nhỏ, vốn là nhà tập thể ở một cơ quan nào đó. Ông bỏ những đồng tiền
cuối cùng để mua căn phòng và làm lại từ đầu trong căn phòng chỉ có mười sáu
mét vuông kia. Làm lại từ đầu cho riêng mình thôi, chớ chẳng dại dột gì mà kháp
với người đàn bà khác. Đàn bà họ có thế mạnh của họ. Thường trong những cuộc
tình, lúc ban đầu thì quyền quyến rũ là của đàn ông, quyến rũ xong, quyền chủ động
bắt đầu chuyển sang cho đàn bà. Người đàn bà muốn sờ mó đến từng công việc dù
là rất nhỏ của người đàn ông. Họ cho họ cái quyền như vậy. Anh đi đâu? Anh làm
gì ở chỗ nào? Lương anh có bao nhiêu. Anh mang làm gì nhiều tiền trong túi thế?
Sao người ta điện cho anh ngoài cơ quan mà không thấy, giờ đó anh làm gì ở
đâu?… Hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Trả lời kiểu nào cũng không thoả mãn được người
hỏi. Khi im đừng trả lời nữa cũng không được. Người ta sẽ biểu: làm sao tôi có
thể sống được trong căn nhà cứ im lặng như nhà mồ thế này. Có người mong chế ra
được một sợi chỉ vô hình, cột vào chân người đàn ông, để đàn ông đi đâu, đàn bà
cũng có thể tìm thấy được nhờ sợi chỉ đó. Nên ông thề cuối đời ông sẽ ở một
mình, nhất định là một mình, mấy đứa con gả vợ, dựng chồng hết rồi. Một lũ cháu
nội ngoại lúc nào thích thì đến thăm ông, không thích thì thôi. Nhà cửa tài sản
ông đã để lại hết, không đòi cho mình cái gì, từ chối luôn phần thừa kế, khiến
ông chẳng còn nợ ai và cũng chẳng bắt ai phải nợ gì. Có người khuyên ông ly hôn
để để tạo dựng cuộc sống khác, ông cười: ngần này tuổi rồi, đưa nhau ra toà giống
con nít bày đặt chuyện làm nư quá.
Một hôm, đang ngồi uống cà phê thì có một đứa trẻ bán vé số cứ
bám lấy ông. Nó dai dẳng mời ông mua dùm một tấm. Để thoát khỏi sự mè nheo của
thằng bé, ông mua một tấm và ông trúng. Năm mươi triệu đồng, trừ hết năm triệu
đồng thuế thu nhập, còn lại ông chia làm hai. Một nửa gởi về cho bà vợ vì ông
biết, nếu không gởi về thì người ta cũng cho người tới hoặc có khi chính bà ta
sẽ đến. Phiền lắm. Đồng tiền đi trước, là đồng tiền khôn. Giữ bên mình, người
ta đến nói chuyện tình, chuyện nghĩa, rồi nợ không chỉ tính bằng tiền, trả
không bao giờ hết. Có người biểu ông dại dột, ly thân rồi thì thôi đi, mất công
gì mà lo hoài. Ông trả lời: đời người ta nhiều khi bị trói bằng một sợi dây vô
hình, khó cởi lắm. Ngày xưa vợ chồng ông về sống với nhau không cần đến mảnh giấy
hôn thú, nhưng không phải vì không giấy mà không sinh con, đẻ cái với nhau.
Sinh con và sinh ra của. Sinh xong con, sinh xong của, bắt đầu sinh đến tội,
sinh nợ. Mà các cụ đã dạy rồi: nhất tội, nhì nợ. Tội và nợ chỉ một trong hai
cái thôi cũng chết rồi. Tội thì ông nhiều vô kể. Chỉ cần một lần bà vợ nổi đoá
lên là ông gánh không biết bao nhiêu là tội. Tội đối xử với vợ con không ra gì.
Tội không biết chăm lo gia đình. Tội coi trọng người ngoài không coi trọng người
trong nhà. Tội nặng nhất là lúc nào cũng dấu dấu, diếm diếm tiền bạc cho con đĩ
ngựa nào. Thêm cả tội đi lên giường bất lực nữa. Thì ngày xưa, tức là khi còn
trẻ ấy, ngày nào cũng có, thậm chí có ngày tới hai, ba lần, sao bây giờ – tức
là lúc tóc đã bạc muối tiêu rồi ấy- sao cả tuần, có khi nửa tháng mới có một lần,
đem đổ đi đâu hết rồi. Ông mang sách ra giải thích, ông viện dẫn cả đến khoa học
tình dục, xong cũng không có được sự giải đáp thoả đáng. Thế các cụ biểu: càng
già, càng dẻo, càng dai là các cụ điên hả. Đúc kết cả ngàn đời các cụ đấy. Người
ta lý sự như thế là ông thua rồi còn gì. Trong mọi thứ tội, tội bất lực là nặng
nhất. Thứ đến là nợ. Nợ vô kể. Ngày xưa khi mới yêu ông hứa thế này, sao bây giờ
không có. Cả một đời chung sống với ông chưa bao giờ ông cho tôi một chuyến đi
coi một đại nhạc hội. Hình như ông không muốn đi chung với tôi. Bữa tôi đau bệnh,
nhờ ông đi kêu dùm người về làm móng tay, ông cũng chẳng chịu đi cho … Nhưng thế
vẫn chưa hết. Nợ nhiều nhất là nước mắt. Mỗi lần đụng chuyện là có nước mắt,
làm như ông là kẻ đốn mạt gây ra bao nhiêu nỗi oan trái trên đời này cho người
ta. Ông sợ cả tội và ông ngán cả nợ, nên ông mới một mình.
Và ông cứ làm theo ý ông, có nghĩa là chia tiền vé trúng số
làm hai. Một nửa gói lại gởi về cái nhà mà ông đã bỏ ra đi. Nửa kia ông chia
làm ba. Hai phần để mua vài thứ cần thiết cho người độc thân. Lát gạch lại cái
nền nhà cho sạch sẽ. Mua một cái nệm nằm cho đỡ đau lưng. Tút lại cái xe chạy
cho êm máy. Phần còn lại ông chuyển vào quỹ tế bần, để chuyển cho những người
cũng cô quả, nhưng nghèo khó hơn ông. Ông cũng không quên dành cho thằng bé bán
vé số một chút, thần tài lúc cuối đời ông mà. Nên ông có căn phòng bây giờ đang
ở, tuy nhỏ như hộp diêm quẹt, nhưng sạch sẽ. Có lúc ông tính biến cái phòng
mình thành cái am, rước tượng đức Phật về hằng ngày tụng kinh gõ mõ. Nhưng nghĩ
lại, ông không muốn mình tự ghép mình vào sự khắc khổ, nên thôi. Vả lại, phòng
này liền vách phòng kia, tụng kinh thì phải gõ mõ, gõ chuông, bất tiện lắm. Để
cho mọi người xung quanh sống yên ắng có khi lại là sự ban phước không chừng.
Vậy là ông cô đơn và buồn đã hơn mười năm trời. Thử nghĩ coi,
có một mình. Ra một mình, vô một mình. Làm cái gì cũng một mình. Những lúc tủi
thân khóc một mình và có những lúc chợt nghĩ ra chuyện đáng cười, thế là cười một
mình, giống y như thằng điên vậy. Hồi đầu tiên ra ở một mình ông hoảng lắm.
Không phải hoảng vì lo thiếu ăn, thiếu mặc mà hoảng vì thiếu tất cả những gì vốn
có của mấy chục năm trời trong căn nhà cũ. Thì bà ấy cũng quá đáng thực đấy,
lúc nào cũng muốn nhảy lên đầu ông bà mà dạy bảo. Có lúc nghĩ cũng phì cười.
Đàn bà không lo dạy con mà cứ lo dạy chồng. Con thì bắt chồng dạy bảo. Còn vợ
thì bao giờ cũng cao hơn một bậc, dạy khôn chồng từng nết ăn, nết ở, từng câu
nói, dáng đi. Toàn là chuyện lớn. Khi đụng chuyện ngoài cơ quan: thế sao anh
không nói như thế này, nói như thế kia cho người ta hiểu. Một lũ người ngu như
thế mà anh chịu sao. Chuyện nhà phải đi lo cũng: anh nói như thế này, như thế
kia nghe. Phải mở đầu như thế này, rồi kết luận như thế kia. Mà làm đúng như thế
thì cần gì phải ông đi. Hoặc máy móc hơn thì sắm cái máy nghe băng, ghi hết những
lời bà ấy lại, khi gặp người ta chỉ việc mở máy, chớ cần gì đến cái miệng của
ông. Ơ kìa, ông đâu phải là người ngu, có khi có trong tay cả chục người, ông
chỉ ai làm việc gì, người ấy làm tăm tắp, sao cứ bị coi là ngớ ngẩn để vợ dạy bảo
từng ly, từng tý một. Khi vợ nạt lên: anh là đồ ngu, thì ông không chịu nổi nữa.
Không lẽ mấy chục năm trời sống với nhau, bà vợ cũng chỉ coi ông là một thứ ngu
xuẩn thôi sao. Ông đi không tiếc nuối. Nhưng còn lũ con, lũ cháu. Bữa ông quyết
chí ra đi đứa cháu nội gái lăn vào lòng ông mà khóc. Nó đòi nghỉ học theo ông.
Còn thằng cháu nội thì vác cái cây đứng ngáng ngoài cửa. Nó tưởng ông nó cũng bằng
tuổi nó, nên nó tính lấy cây hù ông, không cho ông ra khỏi nhà. Nhưng ông vẫn
phải ra đi và bây giờ ông phải một mình. Những lúc phải nghĩ ngợi nhiều, ông tự
vấn mình: hay mình ngu thực. Làm cho đã rồi để hai tay không. Nếu không có tờ
vé số, không biết ông sẽ sống như thế nào. Ấy là lúc ông buồn. Còn
những lúc khác thì ông tự cho là mình thông minh. Một mình… Một mình ra, một
mình vào, một mình với nồi cơm, tô canh. Một mình khoả thân lang thang trong
cái khoảng trời tự do mênh mông mười sáu mét vuông của riêng mình…
Trở lại bữa ông buồn nhất, và cô đơn nhất. Ông bới đống giấy
tờ mốc meo của mình ra sắp xếp lại. Cho có việc, cho đỡ nghĩ ngợi lung tung
thôi. Không dè trong đó rớt ra một mảnh giấy đã vàng úa, bé bằng bàn tay, trong
đó nguệch ngoạc mấy con số của một máy điện thoại nào đó. Ông nâng nó trên tay.
Của ai vậy cà? Của ai mà ông cất giữ kỹ đến như thế. Cất kỹ đến nỗi quên luôn.
Bỗng nhiên ông nảy ra ý nghĩ, thì cứ gọi thử xem. Một người bạn cũ chẳng hạn. Một
người có thể chịu ngồi nghe những chuyện tầm phào cho đỡ cô đơn.
- A lô. Xin lỗi ai gọi đó.
Giọng nói của một người đàn bà có lẽ còn trẻ.
- Xin lỗi… Xin lỗi bà. Chuyện là thế này. Bỗng nhiên tôi có số
điện thoại này. Tôi nghĩ mãi mà không biết là điện thoại của ai. Nên tôi gọi,
xin lỗi bà, bà là ai đấy.
Có tiếng cười khúc khích bên kia đầu dây:
- Hay quá và lạ nữa. Ông gọi điện thoại mà không
biết gọi cho ai sao. Đầu ông có bị làm sao không đấy?
- Mong bà thông cảm. Tôi đang không có người để nói chuyện,
tôi mong từ số điện thoại này mà tôi kiếm được người quen chăng? Tôi cảm phiền
bà… Xin lỗi bà. Tôi xin phép gác máy… Đừng trách tôi lẩm cẩm nghe bà…
- Khoan, ông đừng gác máy vội. Ông biểu ông có số điện thoại
này trong tay?
- Dạ…
- Và do chính tay ông ghi?
- Dạ…
- Ông có nhớ trong trường hợp nào không?
- Thưa không?
- Để tôi nhắc thử xem ông có nhớ ra không nghe?
- Dạ.
- Tôi là…
- … Phải, bà có phải là…
- Đúng rồi… Vậy ông là…
- Một công chức nho nhỏ, một anh chàng hay đùa cợt, một kẻ mà
ai cũng biểu làm phách… Bà có nhận ra ai không?
- Rồi… Nhận ra rồi… A ơ ờ…
- Phải rồi, tôi biểu tôi sẽ đến thăm bà. Nhưng chẳng biết bà ở
đâu, không biết bà rảnh lúc nào và hình như cả tôi và bà đều không có nhu cầu
thăm nhau. Thế mà bà đọc cho tôi ghi lại số điện thoại này… Phải rồi… Mình còn
hẹn nếu không gặp nhau được thì gọi điện thoại cho nhau. Hôm ấy chúng ta toàn
nói chuyện quá khứ. Chỉ thỉnh thoảng nhắc chuyện ngày nay. Bà biểu tôi, có những
số liệu của hôm nay nhưng lại rất cần cho việc tìm về quá khứ?
- Còn ông thì biểu, quá khứ tạo nền cho tương lai, ông dặn
tôi khi nào cần ông sẽ điện thoại nghe tôi kể chuyện về quá khứ của vùng đất ấy.
Vậy mà ông không gọi lần nào. Mấy năm rồi há?
- Hơn chục năm rồi, phải không bà?
Hồi đó hình như hai người còn trẻ. Ông bất giác đưa tay vuốt
mái tóc mình. Mấy cọng tóc bạc vương trên đầu ngón tay. Chao ôi, bây giờ được gặp
người phía đầu dây bên kia thì hay biết mấy. Ông lựa lời buông mấy câu lỡm lờ.
Bên kia bà lỡm lờ hỏi lại. Hỏi lại, hỏi qua, và…
Rồi hai người đưa nhau đi uống cà phê. Mỗi người một chiếc xe
và họ lạc lõng giữa một quán cà phê, giữa những cặp tình nhân trẻ trung mặc kệ
xung quanh, hôn nhau quấn quýt và nhạc thì ầm ầm như quát vào tai. Một quán cà
phê chỉ dành cho những người còn trẻ. Một góc riêng, chỉ hai chiếc ghế bố, một
chiếc bàn con và một bóng đèn thiệt nhỏ, toả ánh sáng thật yếu đủ để hai người
có thể nhìn thấy nhau. Túp lều mái lá dừa nước, vây xung quanh bằng những tấm bố
mủ, kín mít. Bà thì thầm: “ Sao ông đưa tôi vào đây”. Ông thì thầm:
“ Tôi không muốn ai nhìn thấy chúng mình.” Bà thì thầm: “ Nhưng
kỳ thấy mồ.” Ông thì thầm: “ Có gì đâu mà kỳ. Thì mình cũng
như…”. Bà thì thầm: “ Ông muốn nói như bao cặp tình nhân khác… Ông
gian quá đấy.” Ông thì thầm: “ Gian dối gì đâu, biết đâu sau này
chúng mình không còn gặp nhau nữa thì sao? Mà đừng gọi tôi là ông nữa, già lắm
hả?” . Bà thì thầm: “ Già thì chưa già, nhưng sắp… lên lão. Mà thôi
“anh” cũng được. Tôi cũng không muốn… anh gọi tôi bằng bà, nghe ghê chết…”. Hai
người khúc khích thì thầm trong lúc chờ cô bé phục vụ mang cà phê đến.
Bà không ở một mình như ông mà có tới mấy đứa con. Một tay bà
nuôi mấy đứa con trong cả chục năm trời. Khi ấy thì chúng còn nhỏ, giờ lớn hết
cả rồi. Mới chỉ có một đứa đã đi lấy chồng, có cháu gọi là ngoại. Bà nói thực với
ông, bà buồn nhất là vào những đêm giao thừa. Đã cả chục năm rồi giao thừa nào
bà cũng có một mình. Buồn thực buồn. Những đứa con ngày nhỏ nó đeo lấy vú mà
bú, bú đến rát ruột. Nhưng khi không cho nó bú nữa thì hễ tay nó đụng đến vú
bà, là bà nhột nhạt cả người, ốc ác nổi lên như gai mít. Mà bây giờ chúng lớn hết
rồi, có đứa nào còn tơ tưởng đến hơi hám người bà nữa đâu. Bà cũng đã nhiều
năm, không vòng tay ôm ấp. Buồn đến chao chát của đời bà là những đêm giao thừa.
Cả chục năm nay rồi. Khi đốt xong nén nhang lên bàn thờ, trong khi những sợi
khói ẻo lả bay lên, khi mùi nhang toả bay phảng phất vào đêm giao thừa, sau khi
lẩm bẩm mời ông bà tổ tiên về ăn tết, bà mong sẽ có một ai đó, ngồi đối diện với
bà trong cái đêm cuối năm. Có thể là một ly rượu, có thể là một củ kiệu nhỏ, một
con tôm khô, có thể là một miếng bánh tét người này chia vào chén người kia sẽ
hạnh phúc biết mấy. Một ai đó… cả chục năm nay, cũng không có, cũng không có…và
có thể chẳng bao giờ có nữa. Một ai đó trong đêm giao thừa với bà. Bà đã nghe
cô bạn gái kể cho nghe: vào đêm giao thừa, sau khi làm hết những công việc linh
thiêng với ông bà, trời đất, hai vợ chồng đưa nhau vào phòng ngủ, giúp nhau cởi
bỏ đồ trên người, trịnh trọng nâng niu nhau, dắt nhau làm cái việc mà tổ tiên
xưa từng làm để hôm nay có họ trên đời. Đêm giao thừa, không tục tĩu, không ham
hố, mà khoan thai, trân trọng từng chút, từng chút cho đến khi cả hai hoà nhập
trong không khí tĩnh lặng đêm giao thừa. Bà không có chuyện đó, chưa từng có.
Nên bà thèm có ai đó. Ai đó cũng được bên bà trong phút giao thừa cô đơn. Người
đàn ông đã chen vào đời bà, với những cuộc tình như nó phải có giữa đàn ông và
đàn bà đã cho bà những đứa con, còn người đàn ông bỗng biến mất. Để lại cho bà
những đêm giao thừa cô quạnh. Nhiều khi bà tự hỏi không hiểu bà có bất hạnh lắm
không? Lớn lên, tất cả mới hình thành để biến cô từ một bé gái thành thiếu nữ
thì mọi cái đảo lộn hết. Đã từng lãnh giải xuất sắc trong kỳ thi văn chương, đã
từng tự lo cho mình cuộc treo tranh, bỗng nhiên thấy mọi cái chẳng còn ý nghĩa
gì đối với xã hội đổi khác này. Thế thì lấy chồng, làmvợ, làm mẹ cho xong một đời
con gái, cho qua một đời người, ai cũng phải thế thôi. Nhưng đâu có đơn giản vậy.
Làm gì có cái chuyện thông đồng, bén giọt đến như thế. Chỉ có một chuyện diễn
ra đúng quy luật đó là vợ chồng nằm với nhau, ít lâu sau cái bụng bà xồ ra, và
ít lâu sau, một đứa trẻ tách thân xác bà chui ra. Còn tất cả… như một chuyện
đùa dai dẳng.
Bà đi học nhưng có lúc không được làm cô giáo. Theo người ta
thì tim bà có vấn đề. Bà cũng thấy hình như tim mình đập nhanh hơn bình thường.
Khiến bà lúc nào cũng hồi hộp và thỉnh thoảng giật mình vì những lý do thật vô
cớ. Ban đầu, người ta không cho bà đứng trên bục giảng. Nhưng rồi khi thiếu người,
người ta lại gọi bà lên và bảo bà rằng bà phải làm cô giáo. Bà liều nhận lời.
Ban đầu cũng lo. Lỡ đang đứng lớp, một cơn xốc… Nhưng mọi chuyện trôi đi êm ả.
Bà xin đi học tiếp vào lúc tuổi đã lớn. Những bạn học trẻ trung cứ quấn quýt lấy
bà, đứa gọi là cô, đứa kêu bằng má. Học xong, được cái này, mất cái khác. Chồng
bà trong lúc vắng nhà, có người theo đuổi. Ông ta phụ bà. Khi ông đòi ly hôn,
buồn lắm nhưng bà ký. Thế là ly hôn. Ông chồng ra đi để lại cho bà nuôi tất cả
những đứa con. Và bà chật vật, vất vả ngần ấy năm trời…
Bà có những đêm trăng. Những đêm trăng gợi cảm. Mỗi khi có
trăng làm bà thấy lòng mình lạnh buốt buồn. Ngày xưa bà đã có một người tình.
Người tình chớ không phải là chồng. Hai người đã có với nhau những đêm trăng.
Tha thẩn đi bên nhau. Muốn cho nhau rất nhiều mà không giám vượt qua những hàng
rào cản cuối cùng để đến với nhau. Anh ta đã có vợ. Có vợ nhưng lại nói lời yêu
với bà, yêu mà để đó không đi đến đâu và cũng chẳng được về đến đâu. Có một đêm
trăng, cái đêm trăng sáng đến lạnh lùng bà muốn dắt người tình vượt khỏi giới hạn.
Bà kéo người tình sát vào người mình, ngửa mặt nhìn trăng và sau đó nhắm mắt chờ.
Từ hồi đó bà đã biết mình chờ cái gì. Giữa trời trăng sáng khác gì thanh thiên
bạch nhật, trao thân cho người mình yêu, hỏi còn gì nên thơ hơn. Chỉ có hai
cánh tay xiết ghì còn tất cả buông lỏng hết, để chờ. Thế mà chàng hoảng sợ. Thế
là bà đành nuôi trong mình một mối tình chết chẳng ra chết mà sống cũng chẳng
ra sống. Khi vui cũng nhớ và khi buồn cũng nhớ. Nhiều khi bà muốn mối tình ấy đừng
bao giờ phai. Nhưng rồi lại có lúc bà muốn ném tọt cái quá khứ ấy vào những cái
tã lót của những đứa con ỉa đùn, dái dầm, những chậu quần áo ngập mặt, những bữa
cơm chậm chuội. Thế mà khi có những đêm trăng bà lại lôi quá khứ ra mà nhâm
nhi. Những đêm trăng như thế, cho biết một điều bà còn là một người
đàn bà còn hấp dẫn. Mà bà cứ ngẫm hoài, mình hấp dẫn bởi cái gì chớ. Bà giống
như một cọng cỏ mảnh mai trên thảo nguyên mênh mông, giống như một cái dây leo
bé xíu trong rừng đại ngàn. Có lúc bà biểu: chắc tại cho đến bây giờ bà vẫn còn
giọng nói giống như trẻ thơ và những gì bà tạo ra trên giấy không có cái gì u
ám, không có cái gì buồn khổ, mà nó cứ sáng trưng những niềm vui, những lạc
quan. Dẫu đó là những trang về những gì của cổ xưa. Bà thích những gì của cổ
xưa. Một cái bình. Một góc đao của mái chùa. Một viên gạch mộc. Một cục đá có
hình vân lá. Bà vẽ chúng lên giấy vì bà không có quyền và cũng không có tiền để
trở thành chủ sở hữu những vật vô giá đó. Bà còn viết lại trên giấy tất cả những
cảm nhận và cảm xúc của bà vào giấy. Bà cảm ơn người đã làm ra những tờ giấy để
chúng giúp bà khi có cảm hứng xuất thần. Khi gặp những dấu vết cổ xưa, bà đam
mê những cuộc tìm kiếm, có lúc bà tưởng mình là người của cõi xưa. Của cả trăm,
cả ngàn năm trước. Mà người của ngàn năm trước vẫn được như hôm nay, không còn
hấp dẫn mới là chuyện lạ.
Họ quen nhau từ lâu lắm rồi. Một sự quen bình thường như bao
nhiêu người khác. Đó là một ngày đẹp trời. Bà còn đang chăm sóc một gia đình và
ông thì đang sống trong một gia đình không khá giả lắm nhưng cũng được xếp vào
loại bậc trung. Họ gặp nhau trong một chuyến công tác chung về vùng rừng phía bắc.
Ông lên đấy cho một chuyến gọi là đi thực tế cho nhưng trang viết tiểu thuyêt
còn dang dở. Còn bà là chuyến đi thực tập về viết lịch sử ngay trên
vùng đất đang chuẩn bị cho ra đời một nông trại. Trong văn phòng tuềnh toàng
hôm ấy họ làm quen với nhau bằng những lời xã giao. Chẳng hạn như cô bây giờ ở
đâu. Anh làm công việc này có thích thú không? Chồng em làm gì. Bà xã anh công
tác hay ở nhà lo cho anh? … Ngày ấy họ hết lời ca ngợi về tổ ấm của mình. Mặc
dù ngay trong lúc đó trong nhà cả hai đang có những chuyện kể ra chẳng hay ho
gì. Mà lúc đó cách đây hàng chục năm cả hai người đúng là có hai gia đình nhìn
bề ngoài nhiều người thèm muốn thực. Hai gia đình công chức, vợ chồng cùng tham
gia công tác. Thì có gặp nhau cũng chuyện xã giao vậy thôi. Sau đó là ghi vào sổ
tay bà địa chỉ của ông, và ông ghi số điện thoại của bà vào một tấm
giấy có sẵn trong cuốn sổ công tác mang theo. Họ ghi chẳng qua cũng chỉ làm rậm
rạp thêm những dòng ghi chép thôi, chắc lúc đó không ai nghĩ rằng người này lại
đi tìm người kia. Nhất là vào lúc cả hai đều đã vương những sợi tóc bạc trên đầu.
Cho đến ngày, những tấm giấy đã vàng ố, chữ và số phải nhìn lâu lâu mới nhận
ra, họ gặp nhau sau cả chục năm trời có một lời hẹn bâng quơ.
Nhưng hơn mười năm trôi qua, sự bền vững của gia đình ông và
gia đình bà cùng lung lay. Một bên, ông ra ở một mình. Bên kia, lo trả nợ giúp
chồng, bán cả đất đai mà trả nợ cho chồng sau đó gánh một gánh tang bồng để chồng
cất cánh bay xa, tìm cho mình một tổ ấm khác. Ông cũng không còn nghĩ rằng,
mình sẽ lấy thêm một lần vợ nữa. Còn bà, cũng chẳng thể nghĩ đến chuyện lấy chồng.
Ai dám dũng cảm cùng bà gánh vác những đứa con. Chuyện chồng con với bà giống
như truyện lên trời hái sao vậy. Ông thì đã quá sợ những tội và những nợ mà
mình đã gánh một đời. Nói thế chưa chính xác lắm. Ngày ông ra ở một mình cũng
đã có người đến với ông. Một người đàn bà đã từng làm vợ nhưng là đời vợ thứ
hai. Anh chồng kia giúp bà sinh hai đứa con rồi đành đoạn bỏ cô về với người vợ
trước. Cô đến với ông, chỉ đến ngày thứ ba đã biểu hiện muốn làm bà chủ căn
phòng mười sáu mét vuông kia. Sao anh kê cái bàn vào chỗ này? Chỗ này phải để
cho rộng rồi đưa cái nệm vào. Anh gác mấy đống sách vở này lên trên kia cho em.
Ngày mai, anh phải làm cho em một cái tấm ri- đô che lại cho kín đáo…
Thế là ông sợ, né tránh. Ông làm một tấm biển treo ngoài cửa: “ Tôi bận,
không tiếp bất cứ ai”. Cô ta đến thêm chừng dăm bảy bận nữa rồi đi luôn. Còn
bà, cũng có một người đàn ông vợ khuất núi, ba đứa con. Mỗi ngày ông ta gọi cho
bà mấy cú điện thoại. Có cú thì bà nghe, có cú thì những đứa con nghe. Giọng bà
thì trẻ, giọng con có đứa nghe khàn khàn. Ông ta lẫn lộn hoài. Có lúc gặp mẹ
thì ông ta nói lời của người làm cha. Lúc gặp con thì nói lời của tình nhân.
Chán thực. Muốn làm tình nhân mà không nhận được tiếng nói nhau sao gọi là tình
nhân được. Vả lại tới gần một nửa tiểu đội con thơ như thế, làm sao sống. Là
đàn bà, bà cũng phải nghĩ đến miếng cơm, manh áo, chén cháo, nồi rau chớ.
*
Bây giờ thì ông tự cho mình là siêu thoát rồi khi đã quá lâu
không còn nghĩ gì đến đàn bà nữa. Còn bà thì tự cho mình được sống thanh thản với
những đứa con. Nhưng trong lúc buồn nhất, cô đơn nhất, ông lại có
cái số điện thoại của bà. Ông gọi, hai người chuyện, và bỗng thấy, nhất định phải
gặp nhau.
Trong quán cà phê hôm đó họ nói với nhau nhiều quá, nói không
hết. Ông biểu:
- Này, mình có thể thức với nhau hết đêm nay không
há?
- Sao lại không?
- Nhưng thức ở đâu? Người ta có bán cà phê đến sáng đâu?
- Thì về nhà em.
- Những đứa con?
- Không sao. Em có thế giới riêng của em mà…
Họ về. May sao, đó lại là một đêm trăng thật sáng. Khuya. Những
đứa con đã ngủ hết. Hai người chen nhau ngồi trên một chiếc ghế bố. Thiếu gì ghế,
nhưng hình như họ không cần. Bởi ngay trong cái lều quán cà phê, ông đã quờ tay
tìm bà. Bà nằm gọn trong tay ông, ngửa mặt đón từ ông một nụ hôn thiệt dài. Họ
ham hố hôn nhau. Môi họ xiết vào nhau nghiến ngấu. Tưởng như họ đã quen nhau từ
lâu, tưởng như họ đã có nhau tự bao giờ, từ ngày xưa, năm nảo, năm nào và cho đến
tận bây giờ họ mới được trao gởi cho nhau. Chiếc ghế bố trong căn chòi vẹo sang
một bên, nghe có tiếng rạn của tấm vải bố và nghe cả những tiếng ken két của những
mộng ghế vốn không được chắc chắn gì. Cả chục năm rồi. Cả chục năm chớ có ít
gì. Trong họ, vẫn còn chút ít hooc- mon dành cho sự thèm khát. Tưởng như đã nguội
tắt vì những năm tháng cô đơn và vất vả. Nên bây giờ họ chen nhau trên chiếc ghế
bố được đặt dưới một gốc cây sa- bô- chê, một nửa lọt ra ngoài tắm ánh trăng, một
nửa khuất dưới bóng cây. Nhưng bóng cây và trăng lúc này đâu có ý nghĩ gì với
hai người. Họ ôm nhau đến nghẹ thở. Họ phủ lên mặt nhau những cái
hôn tới tấp, dồn dập:
Ông thì thầm:
- Làm sao bây giờ, em…
Bà thì thầm:
- Anh biết rồi còn hỏi.
Ông thì thầm:
- Tất cả?
Bà thì thầm:
- Giữ làm sao được, anh ơi?
Ông thì thầm:
- Ngay ở đây được không em. Ngoài trời, nơi có ánh trăng…
Bà thì thầm:
- Không. Hàng xóm ở đây họ tệ lắm. Coi chừng họ rình đó.
Ông thì thầm:
- Kệ họ… Làm gì được mình…
Bà thì thầm:
- Em không muốn vậy. Thôi vào phòng em đi.
Phòng chật, chỉ kê được một cái bàn trang điểm loại nhỏ nhất ở
các tiệm đồ gỗ. Một chiếc tủ sắt cũng vào loại nhỏ. Chỗ còn lại chỉ trải đủ một
chiếc nệm không lớn và cũng không nhỏ. Chiếc mùng rộng, dăng không căng, lụng
thụng rủ chùm lên chiếc nệm. Điều ấy cũng chẳng quan trọng gì. Cả chục năm rồi.
Bây giờ điều mà họ phải làm là giúp nhau trút bỏ hết những gì còn vướng mắc
trên người. Sau đó là đến việc mà tất cả những người đàn ông và đàn bà phải làm
lúc khát nhau. Ông ngạc nhiên. Bà ngạc nhiên. Sao lại có thể như thế được? Thế
gian này có chuyện như thế không? Ông lần thứ hai lắc lư. Bà lần thứ hai nghẹt
thở. Và rồi họ buông nhau ra nằm sóng đôi trên chiếc nệm lúc này mới thấy chật,
ngước nhìn lên và thắc mắc: lúc này sao nóc mùng trùng thế. Lại còn những góc
mùng nữa kìa. Muỗi vô chích chết bây giờ. Đó cả chục con rồi kìa. Chúng chưa kịp
chích. Chích thế nào được khi hai người chẳng có lúc nào nằm yên.
Bà thú nhận một điều, đã lâu rồi bà không nghĩ đến đàn ông.
Bà biểu: đàn ông bao giờ cũng có hai mặt, rất dũng cảm nhưng cũng rất hèn hạ.
Còn ông thì bảo, chẳng thằng đàn ông nào thật thà cả, kể cả ông. Ông còn nói:
người ta sống được chủ yếu nhờ vào hèn hạ và dối trá. Bà cười nhạo ông. Ông chứng
minh: thì như ông đấy, đâu có dám vượt qua những chuyện tầm thường trong gia
đình để đến hôm nay sống lẻ loi một mình. Bà cãi: đó là ích kỷ chứ không phải
là hèn nhát. Hèn nhát gì mà dám vít cổ bà xuống mà hôn, khi không biết bà có đồng
ý hay không. Ông cười, thì bà có đón nhận thì ông mới dám hôn. Nồng nàn nữa
kìa. Bao giờ mình lại hôn nhau.?
Gần sáng bà biểu ông:
- Lạ thực đó.
- Lạ gì?
- Anh già rồi mà sao cái hôn trẻ thế?
- Thì em cũng vậy.
- Nhờ anh đó. Anh không nồng nàn thế thì em nồng nàn sao được.
Anh có sợ đến một lúc nào đó mình không còn hôn nhau được nữa không?
- Khủng khiếp … Nếu không còn hôn nhau được nữa thì còn gì nữa
đâu. Mà sao em không ngủ.
- Ngủ cả chục năm rồi, ngủ làm gì nữa...
- Về ở với anh chớ.
- Để thu xếp cho mấy đứa trẻ đã.
- Liệu chúng có ý kiến gì không em.
- Không. Chúng nói với em hoài “Mẹ sống thế này khổ quá.
Có ai thương, mẹ đến với người ta đi”. Chúng biểu em vậy đó. Nhưng mà em
có lúc em nghĩ, khi bầy trẻ yên thân rồi thì em đã biến mất khỏi cõi đời này.
Biến không tăm tích.
- Tuyệt vời.
- Sao lại tuyệt vời?
- Thì anh cũng nghĩ vậy. Đến bây giờ thiêu xác cũng là dịch vụ.
Tiền cả đống để lấy lại một nhúm tro tàn. Đã có lúc anh nghĩ đến chuyện hiến
xác cho nghành y. Nhưng lại sợ…
- Sợ gì?
- Sợ lỡ có Chúa thiệt, Chúa sẽ giận vì đã mang hình hài mà
Chúa đã ban cho ra cho người ta băm vằm mổ xẻ. Nhiều lúc thở dài, chết rồi còn
gì nữa đâu. Xác mình người ta làm gì thì làm. Mà em có mua bảo hiểm chưa. Mua rồi
thì tốt. Khỏi lo lúc chết. Ít nhất thì cũng có một cái hòm cho đỡ lạnh xác.
Hôm ấy ông đã ra về sau một cái hôn ngợp thở. Ít ngày sau,
trong một ngày ông nhận được liên tục những lá thư. Trong một ngày, với những mảnh
giấy, trong đó vụn nát những tâm trạng. Và bà không đến với ông nữa.
Nên ông vẫn cứ một mình. Cứ mong chờ. Cứ gọi tìm.
Ông lấy ra một cái hộp nhỏ. Trong đó chỉ có mảnh giấy ghi số
điện thoại của bà, một bức tranh tĩnh vật bé tí teo vẽ hình một bình bông có những
bông nhỏ li ti, tím sáng. Và những mảnh giấy của bà.
Ông không biết rằng trong góc phòng chật chội của bà, bà cũng
viết cho ông. Rồi một ngày kia, bà gói những chữ của bà lại và gửi cho ông…
*
Anh.
Lúc này, đêm đã rất khuya. Ngoài sân trăng cuối tháng nhưng
sáng và lạnh lẽo làm sao, cứ lâu lâu em lại có một đêm không sao ngủ được. Và
em nhớ anh.
Tình yêu đến rất muộn, rất tình cờ và mơ màng. Anh và em ở
hai đầu nỗi nhớ, gần gũi và cách xa. Chẳng thể nào với tới mà cũng chẳng thể
nào rời xa. Muốn đến với anh mà không thể đến. Nếu cứ thế này mình sẽ ra sao?
Có những mùa trăng quê. Trăng luôn luôn đồng loã với những mối
tình đẹp và thơ mộng. Cũng chính vì thế mà đã từ lâu em vẫn thường ngồi lặng
hàng giờ ngoài hiên vắng, nao lòng chỉ vì một đêm trăng quê.
Từng có những mùa xuân, nắng vàng ngọt ngào, vàng đẫm những
chiếc lá xanh và lảnh lót, vang vang tiếng hót ríu rít của loài chim hoang dã.
Giấc ngủ muộn biến em thành công chúa ngủ trong rừng. Em trở giấc, là nắng cũng
vừa nhảy nhót váo tận trong mùng, xuyên qua khe cửa, đậu lại trên bàn viết lung
linh, ngây thơ.
Từng có những chiều thu, gió lồng lộng thổi, mặt ao buồn lay
phay, những cánh những diều giấy lượn lờ ngoài ruộng xa. Tuổi thơ hồn nhiên như
cánh cò cõng nắng xoải mãi về chân trời xa. Em một mình một cõi, rưng rưng buồn,
nhớ ngày xưa còn bé, cùng bạn bè rong chơi, cùng bạn bè đùa đẫy hết một chiều
thu. Nắng thu vàng đượm trên vai áo, lấp lánh những giọt mồ hôi, và sáng bừng
những ánh mắt cười, những cặp môi cười.
Nhớ lại lúc em mới mười lăm tuổi. Tuổi sắp thành thiếu nữ, đọc
sách nhiều, mơ những chàng trai cưỡi ngựa hồng đến từ bên kia bờ sông vắng. Chiều
nào cũng vậy cứ ngồi mãi mà mong chờ cho đến khi ráng chiều thắp đỏ
mặt sông mới chịu quay về. Rồi một ngày kia, hình như chàng xuất hiện thực.
Chàng không phi ngựa mà chàng lội như con cá kình, lướt trên mặt sông. Thuở ấy
sống như mộng, giữa mộng và thực không ranh giới, bởi vì chiều nào cũng dòng
sông ấy và chàng cũng vậy. Cả hai cùng bơi lội chung một dòng sông mà chẳng ai
nói với ai điều gì, cho đến một hôm chàng không đến nữa, chàng bỗng biến đi
trong lòng sông nước chảy cuồn cuộn. Dòng sông hoá thành dòng sông ly biệt, khi
chàng chỉ kịp chia tay bằng một câu rất ngắn rất buồn: “Chào em, ngày mai anh sẽ
đi rất xa, và không trở lại”. Em thấy hình như bàn tay mình run rẩy trong bàn
tay chàng. Và hình như đôi mắt chàng có một sợi khói mơ hồ. Chàng đã ra đi thật,
một năm trời với những buổi chiều tàn phai, không lần nào chàng trở lại. Cô bé
mười lăm tuổi lúc ấy đã biết buồn vu vơ.
Mười tám tuổi trong trẻo như nắng ban mai. Em hoá thân thành
một dòng sông dài của thời mười tám, dòng sông khao khát những tình cảm nồng
nàn. Lại gặp một người thực nhưng lại là người của một thế giới mộng mơ. Người
thường viết cho em những bức thư tình bằng bút đỏ. Bàn tay mất một ngón cái,
chàng luôn viết bằng tay trái, nét chữ nghiêng trữ tình. Mà chàng chỉ dám viết
thư tình. Những lá thư tình ướp thơm và say đắm. Nhưng chàng lại dối em. Thư viết
thì thực như không thể thực hơn. Nhưng, bên chàng đã có người chung chăn gối.
Khi em biết ra thì chàng đã không còn ở quanh đây nữa, chàng ra đi không từ
giã. Em ôm gốc cao su già khóc nức nở, không giận chàng giả dối, mà giận chàng
không chịu đến sớm hơn. Chàng gọi em là cô - bé - cái - gì - cũng
- biết. Nhưng có một cái cần biết thì chẳng biết gì cả. Chàng nâng
niu em như một bông hoa cánh mỏng. Vậy mà chàng đã thả vào tuổi trẻ của em một
nỗi đau buồn. Em ôm trái tim trong trắng trong lòng, trái tim chưa kịp
rung rinh, chưa kịp san sẻ, vẫn mỗi ngày đến lớp, học rất giỏi, nhộn nhịp như một
chú chim sáo, nhảy nhót, líu lo…
Ngày ấy, trước sân trừơng có một cây me tơ, đang mùa sai quả.
Trưa nào đến lớp, trong học bàn em cũng chất đầy những trái me chua. Có kẻ nào
đó vào rất sớm hái trộm me tặng em. Ngày nào bọn con gái cũng chia nhau những
quả me thú vị đến ghê răng. Cho đến khi me trên cây không còn, dù chỉ là một quả
non. Nhưng người trộm me cũng đã ra đi, ra đi vĩnh viễn, trên cõi đời này có kiếm
tìm, cũng chỉ còn là chút kỷ vật mà thôi. Thời chiến tranh người ta chết dễ
dàng làm sao.
Khi lớn dần lên, em sống đời bằng một chút ngốc nghếch của tuổi
trẻ, sống như thể để thấy đời dường như bớt nhọc nhằn.
Bây giờ có lúc em thèm kêu lên: hãy trả em về với trong trẻo
ngày xưa. Cuộc đời ơi đừng quá trần tục, cho em mơ một chút đến thiên đường, ở
đó có ngọt ngào tình yêu, có trong trắng, hồn nhiên, khóc vĩnh biệt tuổi thơ của
mình, tuổi trẻ của mình.
Rồi sau đó, có những mùa mưa, vườn nhà em cỏ mọc um tùm,
hoang dại, cỏ vào đến tận thềm. Mùa mưa đêm dài vô tận, rả rích tơi bời trên
mái lá. Chiếc máng xối dột nước đổ vào những chiếc thau nhỏ, giọt vắn, giọt
dài. Gió thốc vào từ mành mành cửa sổ, trống vắng lạnh lẽo, tủi
thân. Em đã một mình bắc thang trèo lên che chỗ dột, chèn lại tấm lá bị gío thổi
bật ra. Bụi chuối sau hè gió tạt vào phành phạch. Nỗi buồn, nỗi cô đơn cuộn
tròn như giấc chiêm bao đau đớn. Em nhớ ngày xưa có người đã ra đi cũng vào một
ngày mưa tầm tã. Từ đó, em có những mùa đông mặt đất lạnh lẽo, bầu trời lạnh lẽo.
Những đêm trăng mùa đông mới dài làm sao. Chiếc giường rộng quá, thênh thang
quá. Giường em lúc nào cũng có hai chiếc gối. Một để nằm còn một chỉ để cho bớt
cô đơn. Mở cửa sổ, nhìn ra mảng sông mênh mông. Trăng sáng quá, ánh trăng xanh
lướt thướt, bóng cây trong trăng đổ dài, quạnh quẽ liêu xiêu. Nhớ day dứt mùa
trăng tuổi thơ.
Anh ơi.
Trên đầu mình, đã có đến hai mầu tóc, mà trái tim gõ nhịp đập
của tuổi đôi mươi, tình yêu đến thầm lặng ngọt ngào, tình yêu mơ hồ tựa như giấc
chiêm bao. Tình yêu lẻn vào trái tim nhẹ nhàng như gió lọt qua ô cửa.
Giờ này anh còn thức không? Muốn phone cho anh lại không dám.
Một tiếng chuông khuya, sợ làm kinh động trần gian, sợ trái tim anh lỗi nhịp, sợ
đánh thức một giấc mơ tuyệt vời.
Em muốn giữ một chút kỷ niệm này mãi mãi dù cho cuộc đời có
thể bất ngờ phá hỏng những giấc mơ. Mái tóc anh như sương khói. Giọng nói anh
như gió thoảng, hơi thở anh như men rượu và trái tim anh vang nhịp những lời ca.
Em có thể ngủ quên trong như thế của anh. Có anh, em bỗng thấy mình rất nhỏ,
như thuở còn thơ, hay vòi vĩnh. Bỗng thấy gánh nặng oằn trên vai mình như nhẹ
đi, như có người đưa vai gánh hộ và có lúc bỗng tự nhiên bật khóc vì em biết
anh cũng chỉ là hư vô. Rồi anh cũng giống như người cùng lội dòng sông của tuổi
mười lăm, người viết thư tình bằng tay trái nét chữ nghiêng nghiêng hay như người
hái trộm me chua, sẽ biến mất như người ta từng biến mất. Nên em tự dỗ dành
mình: hãy nín đi, đường còn dài, hãy can đảm như bấy lâu can đảm ấy mà.
Có lúc một mình, bỗng dưng em muốn khóc và thế là em khóc thật.
Khóc thật hồn nhiên mùi mẫn. Khóc bằng thích cho đến khi bất ngờ nhận ra mình
đã nín lặng và đang lắng nghe tiếng khóc của chính mình. Tiếng khóc mới trẻ con
làm sao, đến cả tiếng nức nở cũng thấy ngon lành.
Đêm đã rất khuya. Mong em ngủ được nửa đêm còn lại, để sáng
mai tiếp tục trên vai oằn một cuộc đời và bước vững bằng những bước chân cô
đơn, xiêu vẹo đến tận cuối nẻo đường xa. Nhưng những chuyện anh kể đêm ấy cứ ám
ảnh em hoài.
Chuyện kể trong một đêm dài quá và chắp vá bằng rất nhiều
chuyện cay đắng trần tục đến khủng khiếp, những thân phận khố khổ, nhọc nhằn,
những mảnh đời lẻ loi tốt xấu lẫn lộn. Em nghe và buồn muốn chết đi cho rồi.
Đã lâu rồi, em cố gắng sống rất hồn nhiên, rất lạc quan. Em
thèm một buổi sáng chủ nhật ngủ muộn, trở giấc bằng tiấng chim hót vang trên ngọn
dừa cao, mà nơi đó nắng đã nhuộm thắm những chiếc lá xanh và ngoài ruộng xa những
chú cò trắng đã từ bao giờ đứng quanh bờ ruộng nhỏ, làm sáng cả một quãng đồng.
Những buổi sáng như thế êm ả, ngọt ngào như một ký ức xa xưa.
Em muốn sống như thế cho đến hết cuộc đời này. Em mặc mọi thứ để sống với cái
riêng mình, và đã từ lâu em lạc lõng một cách hạnh phúc.
Đã lâu lắm em không có ngày chủ nhật. Em mơ hồ nhận ra sống
giữa cõi đời này mang vào mình những vay, những trả, mà lẽ ra đó không phải là
cõi của em. Em sống hư hư, thực thực giữa đời. Có lúc em ngán ngẩm và em muốn
biến đi. Yêu và ghét tầm thường vậy sao. Em trải rộng lòng mình ra khắp chốn,
yêu tha thiết con suối trong vắt mát rượi, yêu chiếc xuồng nhỏ neo mãi dưới bến
sông quen, yêu những đứa trẻ nhởn nhơ chạy chơi trứơc mặt, yêu những chiếc rễ gừa
rất già, vững vàng cắm sâu vào lòng suối lạnh, để toả bóng mát xanh cho những
con cá vỗ nước óc ách. Yêu những nơi em đến trên quê hương ngập nắng này. Yêu
những bàu tràm, bàu le le cô tịch của rừng già nơi có những con mễn,
con mang lạc bước chạy quẫng giữa mênh mông hoang vắng. Yêu cây cám cụt đọt
cháy xém và lỗ chỗ vết đạn chiến tranh, yêu cả con đường mòn rất nhỏ giữa rừng
im ắng. Em yêu những buổi trưa vắng lặng. Yêu những vườn điều làm chỗ trú chân,
yêu những chú bò vàng nhởn nhơ gặm cỏ và yêu vô cùng những người dân đen đúa
đôn hậu mộc mạc của xứ này. Em yêu những đêm trăng rừng huyền hoặc, trăng lên
cao và rực sáng giữa cô liêu. Trời bạt ngàn sương trắng, rừng bạt ngàn cây
xanh. Nơi đó luôn luôn có những chuyện còn nóng hổi của hôm qua, của ngày xưa,
của vĩnh hằng những tên người, tên đất. Còn nhiều nơi em chưa đến, trong ước
ao, em muốn được đến khắp nơi, được yêu nhiều hơn nữa. Yêu để thấy đời còn tươi
quá, xinh đẹp quá, con người sẽ trở nên đáng yêu hơn đáng ghét.
Không ai hiểu em, tất cả đều tưởng em lúc nào cũng vui nhộn,
pha trò. Em biến cuộc đời em, thành một cuộc vui: đùa với cháu, dỡn với con, trồng
cây quanh nhà, nhưng những thứ đó chỉ là nhất thời, nó không là đam mê, không
là tận cùng của khao khát. Nhớ những ngày mới ra trường, cơn bệnh trầm kha tưởng
sẽ làm mất đi chính mình. Nhưng chiếc lá, chiếc lá cuối cùng không còn rụng nữa,
nỗi tuyệt vọng thành niềm hy vọng để hôm nay tồn tại. Càng sống lâu, càng thấy
khó thực hiện những điều mong ước. Em mơ mình có một đôi cánh, và bay mãi lên
cao, bay mãi lên cao…
Viển vông quá phải không anh.
Ngày mai em có thể chắng còn gặp anh nữa. Ngày mai có thể anh,
có thể em sẽ là người của thiên cổ (cũng sắp rồi còn gì). Ngày mai, có thể sẽ
ngưng lại tất cả chấm dứt vòng quay trái đất… Thì em cũng cảm ơn anh đã trả cho
em một chút tuổi trẻ. Cũng như anh đã từng cảm ơn em cho anh biết lại một thời
nồng nàn.
Chỉ nên thế thôi, cho ngày mai còn có mơ ước.
Dẫu có muộn mằn
Đừng hôn em nữa, đủ rồi.
*
Lá thư trên đây được đưa đến khi người ta phải đục cánh cổng
hẹp trước cái phòng nhỏ như cái hộp diêm quẹt ra để có đường đi cho tám anh đạo
tỳ khiêng chiếc hòm ra xe thổ mộ. Đi phía trước có môt ông tuổi chừng ngoài ba
mươi, hay sắp bốn mươi gì đó đội nón rơm và chống gậy. Bên cạnh có một người
đàn bà chít khăn tang dài và hai người đàn bà khác chít khăn tang ngắn hơn một
chút, nhưng ai cũng mặc áo xô. Có mấy đứa trẻ chít khăn tang vàng. Anh nhân
viên bưu điện ngơ ngác như mình mắc lỗi:
- Ông ấy chết rồi ư?
- Thấy rồi còn hỏi.
Có ai đó nhấm nhẳn.
- Còn lá thư này?
- Thư gì?
- Thư viết cho ổng. Thư nặng lắm, chắc viết dài…
- Thì đốt đi, về dưới ấy ổng nhận.
Một ngọn lửa. Lá thư cháy cùng với những giấy tiền vàng mã.
28/4/2009 Nguyễn Đức Thiện
28/4/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét