Đường về nhà già
Chữ nghĩa Việt Nam lắm khi thu gọn lại, thật giản dị và dễ hiểu:
xưa gọi là nhà dưỡng lão, nay gọi là nhà già; tiền trợ cấp cho những người cao
niên lợi tức kém, gọi là tiền già; riêng tiền trợ cấp dành cho những người giả
vờ thần kinh rối loạn, được gọi bằng cái tên ngộ nghĩnh là “tiền khờ”. Nhà do
Liên bang hoặc Tiểu bang tạo dựng rồi cho những người nghèo thuê với giá rẻ, được
gọi bằng cái tên nửa Mỹ nửa Việt, là nhà housing. Đa số những di dân mới
nhập nước Mỹ, đều kinh qua (chữ nội địa đó, nghe kinh chưa) một thời
gian dài hay ngắn ở nhà housing. Vợ chồng tôi, cũng như nhiều người già
khác, hồi trẻ còn sức lao động, không để ý đến chuyện mua nhà (mua nhà ở Mỹ
cũng chua lắm), về già con cháu không đủ sức nuôi hay một nàng dâu không muốn ở
chung với bố mẹ chồng, là chỉ còn con đường thuê một apt trong một senior
housing nào đó, an hưởng tuổi già trời cho còn lại.
“Mua nhà ở Mỹ cũng chua lắm” nghĩa là làm sao? Mỗi người một hoàn cảnh, một trường
hợp, nên dưới đây tôi chỉ kể đại lược chuyện mua nhà của đứa con đầu. Không định
làm văn chương chữ nghĩa, lập định đề, vô đề, vượt qua hố thẳm của tư tưởng triết
học đông tây bắc nam chi hết.
Cách đây năm sáu năm, tình cờ con trai lớn có dịp làm hai job một thời
gian, full time cả hai. Sáng đi làm như mọi người, trưa đi ăn ngoài,
tối cũng đi ăn ngoài, khuya mới về, chỉ được nghỉ có ngày chủ nhật. Vậy mà cô vợ
Huế xinh đẹp, đã tốt nghiêp nha sĩ Sài Gòn, vẫn sinh cháu cho vợ chồng tôi đều
đều: đứa đầu tên Misa, bây giờ mới sắp chanh cốm thôi mà đã “nghiêng nước
nghiêng thành” (xin phép bà con cô bác cho tôi chủ quan một chút, vì cưng
cháu), đứa thứ hai là cháu đích tôn. Hỏi tên là gì lúc hai tuổi, đã trả lời,
không biết có định khôi hài không, là Minh-Đót-Cơm (Minh.com). Cháu một thời đã
là nỗi đe dọa cho những bài văn của tôi: đang chăm chú viết, bỗng có bàn tay
xinh nhỏ từ phía sau nhô tới, chưa kịp ngăn cản, bàn tay búp bê đó đã ập xuống
bàn phím nhẩy ba bốn chữ cái. Chỉ có cách cầu cứu bà hay mẹ của cháu thôi.
Không có mục đánh mắng gì vì ông nội này quan niệm cháu là để cưng chiều thôi.
Không ai được đánh mắng, kể cả bố mẹ chúng! (Con dâu nào cũng có tí hậm hực với
tôi về điểm này, có lẽ trừ con dâu Mỹ, mà các con trai tôi lại chưa có đứa nào
lấy con gái bản địa.)
Mấy ông cháu đang sống tình tang như thế trong căn nhà hai tầng mới tinh hảo được
bốn năm thì sóng gió nổi lên: đứa con trai đầu chỉ còn có một job và cô con dâu
còn phải hai năm học nữa ở một đại học San Francisco mới thành nha sĩ Mỹ. Một
lương, chỉ đủ trả tiền nhà. Bán nhà đi thì ở vào đâu... Sau cùng đứa con chọn
biện pháp phân ly gia đình: hai con theo mẹ xuôi nam cùng ông bà ngoại mới từ
Việt Nam qua để coi cháu cho mẹ chúng đi học. Đương sự sẽ sang nhà đứa em trai
gần Northgate Mall, tạm trú trong ga-ra, tối về nhà bố mẹ ăn cơm, trong một housing nào
đó... Housing nào? Phải đi kiếm “nó” thôi...
Công việc tìm nhà mới xưa nay vẫn thường do đàn ông đảm trách, nhưng bây giờ
tôi đã là một “độc thủ ẩn sĩ với một chân rưỡi”, bà vợ tôi phải đứng ra thay.
Cũng chả sao, bà đã tốt nghiệp cùng một đại học với chồng và đã từng về Việt
Nam mở con đường “tân Đông du” cho lớp trẻ Việt Nam sang Mỹ tự túc du học thay
vì sang Đông Âu và Liên Xô, nhất là Liên Xô mà một giáo sư đại học thứ thật ở
Hà Nội đã có lần buồn bã nhận xét: Dẫn một con bò sang Liên Xô, khi về nó cũng
có bằng phó tiến sĩ... Sau bốn năm đấu tranh từng ngày với phe bảo thủ để mở được
và duy trì con đường tự túc du học Mỹ, tòa đại sứ Mỹ một đêm gọi điện thoại cho
vợ tôi báo tin buồn: phe bảo thủ sẽ dẹp đám đại diện đại học Mỹ bằng những biện
pháp hành chánh. Biện pháp hành chánh? Môt điều luật về hành chánh của Hà Nội
đã qui định: “Cố ý làm sai qui định, sẽ bị phạt từ 12 năm tù đến tử hình”. Luật
và lệ ở Việt Nam như rừng, biết đâu là đâu... Một số không ít Việt kiều đã mất
hết tiền của đầu tư và bị nhốt tù vì điều luật này... Như Stalin đã dùng điều
luật “phá hoại kinh tế” để lúc nào cũng nhốt trong “quần đảo
ngục tù” 11 triệu dân Nga.
Như vậy thì thôi, trao việc lại cho dân bản địa, ta về Mỹ thôi. Nhớ cái Big Mac
và cái tộ phở vĩ đại của bà con ở Mỹ rồi (cái tộ, dấu nặng, to hơn
cái tô nhiều). Dĩ nhiên về với hai bàn tay trắng: làm thiện nguyện là ăn cơm
nhà vác ngà voi mà. Một chút quà cho thế hệ trẻ Việt, mong rằng những sinh viên
“tân Đông du”, khi học thành tài trở về, sẽ làm Việt Nam thay đổi từ từ... từ
bên trong và từ giữa lên.
“Thay đổi từ từ” dịch sang chữ Hán - Việt đại khái là “diễn biến hòa bình”...
Cái gì mà ghê vậy? Nhưng đúng vậy đó. Một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản đã
than trên nhật báo Sài Gòn Giải phóng: Nhóm đại diện EF (bọn tôi) chính là
đội tiên phong của diễn biến hòa bình Mỹ... Đến đó mà không về Mỹ, thì còn đợi
cái gì? Lệnh tống xuất của Bộ Công an chăng?
Đi tìm một nhà già như thế nào?
Việc đầu tiên bà vợ làm là khệ nệ mang chồng niên giám điện thoại ra bàn, tra cứu
xem Seattle Authority Housing nằm ở đâu. Xong, bà bắt đầu cầm điện thoại lên,
xí xa xí xộ một hồi, ghi ghi chép chép, tuyên bố: Em dã xin được cái hẹn. Đến
ngày giờ hẹn, bà nhờ ông caregiver của tôi đưa đi. Bà kể: Cơ quan gì
mà ở đầu một dốc, lại trong kẹt, kiếm mãi mới ra. Đầu tóc bay tung vì gió, với
bộ mặt baby face và thân hình chưa mập, bà vừa bước vào tiền sảnh, mấy
bà đại diện một hội women abused túa ra hỏi: có bị ai theo không, có
cần shelter ngay không. Khi biết chỉ là cần một nhà già cho chồng tàn
phế và một đứa con thuộc loại retard, bà được nhanh chóng đưa vào văn
phòng phụ trách. Bà cầm về một đống tài liệu chỉ dẫn: đọc, mới hiểu Seattle có
khá nhiều nhà già rải rác trong thành phố: chỉ là những chung cư ba bốn từng,
trông thoáng giống như nhà thường, có tên gọi riêng, địa chỉ đầy đủ với
tên manager đàng hoàng.
Hai vợ chồng lúi húi chọn, bàn cãi. Không cần nơi gần trường, gần xa lộ, gần
nhà thờ... vì các con đã lớn và cả nhà chỉ có vợ đứa thứ ba và hai con theo đạo,
còn lại bao nhiêu giống ông nội, là Phật tử không thuần thành, không Ân Quang
không Việt Nam Quốc tự, đi lễ chùa ta chùa Tầu gì cũng được. (Mấy năm gần đây
hay đi lễ Tết một chùa Tầu, tên Địa Tạng, khá đẹp vì cheo leo trên sườn đồi
phía bắc thành phố.) Tiêu chuẩn chính hai đứa tôi sau cùng đồng ý đưa ra, là gần
nhà các cháu, nhất là cháu bé nhất. Xong, bọn tôi chọn một nơi có tên gọi là
Pine, ở khá gần Northgate Mall, nghĩa là vẫn quanh quẩn trong khu vực quen thuộc
từ hồi sang Mỹ. Hồ sơ hơi nhiều văn bản, Mỹ quan liêu bàn giấy không kém gì ai,
được gửi đi. Rồi chờ. Một thời gian không nhớ là bao lâu (tôi bây giờ hay quên
tên người, ngày tháng năm, mỗi khi cần, phải hỏi: hôm nay thứ mấy, ngày mấy
tháng gì...) được gọi lên trình diện ở đâu đó, tương tự như phỏng vấn, và bọn
tôi được chấp nhận trên nguyên tắc cho ở nơi đã xin. Nhìn ngắm những người cùng
được gọi lên tôi thấy đều là da trắng loại dễ thương (phải nói rõ như vậy vì
đâu thiếu gì da trắng không dễ thương, giờ này vẫn còn kỳ thị ít hay nhiều).
Lại về nhà chờ đợi nữa và tham dự một buổi chia tay cùng con cháu. Con trai lớn
đã mang về một chiếc U-Haul loại vừa, cùng một người bạn và ông bố vợ xếp đồ
lên xe, đồ khá nhiều, làm như dọn nhà xuống San Fran ở luôn. Hai vợ chồng già đứng
trước cửa ga-ra rộng mở, im lặng và ngẩn ngơ nhìn. Đứa con trai lái U-Haul với
bố vợ ngồi cạnh - một người khá tháo vát, làm vườn khéo, cô con dâu lái xe nhỏ
chở hai con: gái Misa và chàng trai bốn tuối cháu đích tôn của tôi. Đoàn xe dự
trù đổ đèo đêm nay, trên lộ trình đáng gọi là thiên lý tôi đã từng đi nhiều lần
và nhận lái đỡ từng phiên 2 giờ cho các con. Thôi, lúc chia tay cùng các cháu
chẳng nên nhắc đến những chuyện xưa, khi mình còn trẻ. E chỉ buồn thêm thôi.
Việc xin nhà nhích thêm một bước: một bà da trắng xuất hiện tại cửa nhà và yêu
cầu vợ tôi dẫn đi thăm nơi ăn chốn ở, kiểm tra kỹ nhất là buồng tắm, chắc để
xem ăn ở có đủ vệ sinh không (tôi phân vân không biết nếu xin housing nơi
đông người da màu, có bị kiểm tra kỹ như thế không). Sau đó mới được mời đi
thăm sơ khởi nơi sẽ ở: một tòa nhà thước thợ bốn tầng xây cất từ 1970 với khoảng
80 đơn vị gia cư, sạch sẽ khang trang, nằm cạnh một con lộ lớn, xe cộ lưu thông
ồn ào ngày đêm. Bên kia lộ là một nhà thờ Công giáo xinh xắn, luôn luôn có một
ông hơi gù loay hoay xén cỏ - truyền thống anh gù Nhà thờ Đức Bà ở Paris
chăng... Từ khi có ông bà nội ở nhà già bên kia con lộ, cô con dâu Công giáo gốc
di cư hay mang hai con đến dự lễ tại đây, với lý do ngộ nghĩnh là nhà thờ của mẹ
chúng giảng bằng tiếng Việt lên bổng xuống trầm, xí xa xí xồ, hai đứa con quen
tiếng Mỹ ba la ba lô, nghe không hiểu gì cả.
Một ngày đẹp trời, ở Seattle có nghĩa là không mưa, vào mùa thu, chắc thế vì
toàn con đường và sân đậu xe được phủ một lớp lá vàng tươi đẹp, đi lên trên
nghe xào xạc êm đềm, bọn tôi được mời tới coi và nhận nhà sơ khởi. Manager khu
nhà già này là một bà Mỹ đen to lớn, có vẻ xuất phát từ một hải đảo phía nam nước
Mỹ, tính tình xởi lởi. Bọn tôi cho là điểm tốt vì vẫn chưa quen bài học hội nhập
về màu da, nửa đùa nửa thật, do một ông bạn trẻ sang từ 1975 đã giảng cho lũ
con tôi về vấn đề phỏng vấn ở xứ này: Nếu là da trắng, cứ việc hăng hái đi vô,
nếu mình thỏa mãn các điều kiện đòi hỏi, mình sẽ được tuyển. Còn không thì đi
ra, kiếm chỗ khác, đừng năn nỉ vô ích. Nếu là da đen, có thể ca bài “con cá”, họ
có thể mủi lòng mà cho job vì họ cũng mới ra khỏi cảnh khổ chưa lâu
gì. Nếu là da vàng, phải dò hỏi xem người nước nào, nếu là Thái Lan, Nhật Bản...,
đừng vào vô ích, họ không thích nhận thứ betônamư (người Việt, nếu
tôi viết sai tiếng Nhật, chắc là sai, nhờ ông Đỗ Thông Minh sửa hộ). Còn nếu
người phỏng vấn là người Việt, thì nên quay lưng go home thật lẹ. Cứ
vào, thì đã không được nhận, còn thêm bực mình vì thái độ của ông “ma cũ”...
Cũng may bệnh ma cũ bắt nạt ma mới đã giảm dần với thời gian.
Bọn tôi được thuê một apt hai phòng ngủ vì gia đình gồm ba người,
trên tầng ba, gần đường đến độ về mùa hè mở cửa sổ cho mát, tôi thường bị giật
mình vì tiếng động cơ nổ lớn của các ông biker, tiếng xe cứu hỏa, cứu
thương... Phòng khách có balcon khá dễ thương và khó thương (tại sao
vậy, xin kể sau). Tiền thuê lấy theo tỷ lệ 1/3 tổng số lợi tức, rẻ được chừng
1/3 so với bên ngoài (phần chênh lệch chắc do Liên bang trả vì có một lá cờ sao
sọc ở sân), nước miễn phí nhưng điện tính riêng (đến mùa đông, vợ tôi sẽ làm
đơn gửi thị trưởng xin vào qui chế miễn phí, điều đó cũng tốt thôi!). Nhà già lại
tiện đường xe bus cho vợ tôi lui tới những nơi ưa tới như chợ Pike,
Northgate Mall, QFC, Fred Meyer... Riêng Safeway thì gần tới độ tôi dùng xe lăn
chạy điện theo vợ đi chợ được – nói cho oai vậy thôi, chứ thật ra đến chợ tôi
loanh quanh ngắm hàng họ một chút, nhất là trái cây... sau đó là pha một ly
cafe của chợ, khi uống được khi không.
Ra cửa chợ nhâm nhi cà phê nóng bỏng, sưởi nắng, ngắm nhìn người qua lại, đặc
biệt là giới mặc váy ngắn hay quần jean chật, bây giờ thêm giới con nít xinh xắn,
tôi thường cười với chúng, đôi khi vẫy tay. Vậy thôi, chưa bao giờ dám sờ đến
chúng vì vẫn chưa quên bài hướng dẫn hội nhập năm xưa: Đừng bao giờ chạm đến
con nít Mỹ, nếu không muốn bị cha mẹ chúng kiện ra tòa, tù năm mười năm như
không. Nước Mỹ đang ở mốt phạt nặng những tội tình dục, đến độ con
gái trẻ phải mượn ID của chị nếu muốn date cùng chàng. Lỡ tán phải
gái dưới 18, phải lo đậy lại mang trả về nhà, như trong phim khá nổi tiếng gần
đây American Pie.
Như trên đã nói, tới đây mới là nhận nhà sơ khởi: coi một vòng các phòng
trống trơn, thợ đang làm lại vách, bóc sàn trải thảm mới. Bà vợ nói OK với manager...
Bà da đen này cười, cũng bảo OK, yêu cầu đi về nhà đợi nữa, khi nhà tân trang
xong, sẽ gọi đến ký hợp đồng và thực sự đến ở. Rồi ngày đó cũng đến, tính từ
lúc bà vợ “hạ quyết tâm” ra ở riêng, tới lúc đó khoảng sáu tháng, bạn
bè cố cựu xứ này cho biết thế là nhanh, thường thường phải một đến hai năm.
Ngày đến ký hợp đồng thuê nhà, trời mưa dầm dề lướt thướt, cả nhà phải hiện diện,
ký tên vào rất nhiều văn bản. Cả hai vợ chồng cùng chăm chú đọc bản điều lệ
thuê nhà: cứ tin tôi đi, nhiều như bản Hiến pháp nước Mỹ với đủ 27 tu chánh án.
Cơ quan nhà đất nhà nước chơi trò nắm đằng chuôi: hơi vi phạm điều lệ một chút,
thí dụ chậu hoa để ngoài ban công không được quá 12 inch đường kính, lỡ là 13
thì chỉ được 10 ngày báo trước, không chịu dọn đi, sẽ có cảnh sát đến trục xuất,
cho gia nhập thành phần homeless đông khoảng 5000 người tại Seattle,
thành phố quê hương và cư ngụ của ông tỷ tỷ phú Bill Gates. (Đọc đến đây chắc
có người thắc mắc: giầu nhất thế giới, sao để thành phố quê hương mình nhiều homeless vất
vưởng gầm cầu, trong các tentvillage, tentcity như thế? Xin hỏi chính
đương sự, người viết bài này chỉ biết trả lời lơ mơ “Mỹ nó là như thế, hoặc ở Mỹ
cái gì cũng có thể xẩy ra, kể cả những cái chưa xảy ra bao giờ”...)
Ngày bọn tôi định dọn nhà, con cháu quy tụ đủ để khênh đồ, xe U-Haul đã thuê để
trước nhà, vẫn phải hoãn lại một tuần vì xe hơi vẫn chưa đủ sức leo cái dốc
băng giá trước nhà. Tuyết tan bớt, mặc kệ con cháu dọn nhà dưới sự điều động của
bà vợ và đứa con, tôi ngồi như thiền gia thiền giả tại bàn ăn, nhìn qua cửa
kính lớn, quang cảnh tiêu sơ băng tuyết bên ngoài, một thung lũng nhỏ dẫn tới một
đồng cỏ phía xa. Khi mọi sự xong xuôi, con lớn mang xe về đón tôi như đã dặn.
Thấy bố già ngồi một mình không nói năng nhìn cảnh bên ngoài, đương sự nói với
giọng hơi buồn: “Chắc còn lâu bố mới được thấy lại cảnh này...” Tôi không trả lời,
quay xe lăn cho con đẩy ra cửa để lên đường.
Lên đường về nhà già. Hay tuổi già thì cũng thế.
25/8/2008
Thế Uyên
Theo http://www.talawas.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét