Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Bản sắc, như là mỹ học của cái khác - Tiểu luận Hoàng Đăng Khoa

Bản sắc, như là mỹ học của cái khác
Tiểu luận Hoàng Đăng Khoa

Trong bài viết “Bản sắc, như là mỹ học của cái khác”, Hoàng Đăng Khoa đã đặt ra nhiều vấn đề về bản sắc của sáng tạo. Mỗi một nhà văn nếu luôn ý thức trong mình về “mỹ học của cái khác”, “vỡ lẽ mình có một khuôn mặt một giọng nói”, hẳn nhiên, anh ta sẽ “vừa đi vừa tỏa hương đất hương người hương chữ Việt”.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa quê Quảng Bình
Trong Chân dung và đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa mặc dù coi nhà văn Nam Cao là một thiên tài, là niềm tự hào của cả dân tộc ta ở thế kỷ XX, và mặc dù cho rằng văn chương Nam Cao rất gần với văn chương Chekhov và Lỗ Tấn, nhưng rồi lại hạ bút, rằng khoảng cách tầm cỡ giữa Nam Cao với ông Tây và ông Tàu kia hình như vẫn còn xa nhau lắm, vì trong khi người ta quan tâm đến nỗi đau ở cõi tinh thần thì Nam Cao lại phải để tâm trí nhiều đến cái bụng, văn chương chỉ luẩn quẩn xung quanh miếng ăn thì cũng khó mà lớn được.
Trong bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Văn nghệ quân đội (tháng 6/2019) bàn câu chuyện văn chương viết về lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải xác định, rằng người viết có tài năng và nhân cách chọn điểm rơi của nhân vật thường là từ trái tim lên đỉnh đầu, còn với cây bút tầm thường thì thường nhặt điểm rơi từ cạp quần nhân vật trở xuống.
Lại nhớ, năm 2008, khi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải văn chương ASEAN, có một bài báo (tôi không nhớ tên tờ báo và tên tác giả) nói, đại ý, rằng văn chương Việt Nam không nên mang chuông đi đánh xứ người bằng những tác phẩm đề tài vụn vặt u tối, vô hình trung tiếp thị đến bạn bè quốc tế một hình ảnh Việt Nam nhếch nhác đói nghèo.
Tôi nghĩ, “tầm cỡ” hay “tài năng và nhân cách” của nhà văn không phụ thuộc vào “đề tài” anh ta lựa chọn, mà phụ thuộc vào cách anh ta tiếp cận và xử lý đề tài đó. Tất thảy những gì thuộc về cuộc đời cuộc người này đều là nguồn đề tài đắc dụng của văn chương, và mọi đề tài đều bình đẳng trên một mặt sân giá trị.
Vậy, khoảng trống nào chưa được lấp đầy nơi sinh thể văn chương Việt Nam?
Nhiều người cho đó nhất định là chiều sâu và tầm cao tư tưởng của tác phẩm, bởi vì Việt Nam làm gì khai sinh ra được một học thuyết triết học “made in Việt Nam” nào, mà ngôi nhà văn chương muốn cao rộng thì nhất thiết phải có một căn đế tư tưởng triết học vững chắc.
Nhiều người lại cho đó đích thị là những tượng đài văn chương nội địa, bởi tác phẩm đỉnh cao là thứ vừa kích thích người ta hướng đến vừa khiêu khích người ta vượt qua, và bàn đạp/ hộp dậm nhảy có khả năng tạo sức bật mạnh nhất chính là… đôi vai của người khổng lồ.
Những đoan quyết này không phải là không có lý. Tuy nhiên, thiết nghĩ, tư tưởng của tác phẩm văn chương phải là tư tưởng được đốt cháy thành cảm xúc, được rung ngân ở các bậc tình cảm, rồi được tượng hình bằng ngôn từ nghệ thuật, dưới bàn tay điêu luyện của nghệ sỹ sáng tạo, chứ không phải là những triết thuyết khô khan nằm thẳng đơ vô hồn trên trang giấy. Và, thế nào là tượng đài thì còn tùy vào đôi mắt của người nhìn.
Cách đây vài năm, một nhà văn 7x chia sẻ với tôi, rằng anh ta đang khởi viết một tiểu thuyết mới, anh ta muốn tẩy trắng yếu tố dân tộc tính, vì tin đó là cách để tác phẩm dễ có cơ may được chuyển ngữ, và một khi được chuyển ngữ thì dễ tạo sức đồng cảm nơi bạn đọc quốc tế.
Có thật không, thường người ta đọc tác phẩm được viết bởi một nhà văn ở một đất nước xa xôi xa lạ là với động cơ tâm thế kiếm tìm những gì gần gũi tương đồng với mình? Địa cầu là một thế giới đa nguyên, thiên hình vạn trạng, chằng chịt những ranh giới hữu hình và vô hình. Mỗi con người sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như ngọn đèn con chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ, như cách nói của nhà văn Thạch Lam. Bản chất của con người là hiếu kỳ, là thích cảm giác lạ, là ham hố phiêu lưu, là liên tục có nhu cầu thay đổi thực đơn văn hóa tinh thần.
Phải thế chăng mà Trăm năm cô đơn của nhà văn Colombia Marquez, Đồi gió hú của nhà văn Anh Emily Bronte, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên của nhà văn Mỹ Laura Ingalls Wilder, Sông Đông êm đềm của nhà văn Nga Sholokhov, Trên sa mạc và trong rừng thẳm của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz… trở thành những món văn lạ vị mà mãn vị đối với người đọc muôn nơi khắp chốn?
Bản sắc văn hóa của một dân tộc thực ra là một thứ diễn ngôn, liên tục được dựng, được kiến tạo và tái tạo, trên một nền tảng ít nhiều cố định. Nhà văn tài năng là người biết, bằng tác phẩm, vừa phơi lộ và phát huy căn cốt văn hóa sẵn có, vừa tự tạo bản sắc văn hóa, vừa tiếp nạp và đồng hóa các truyền thống văn hóa khác để làm đầy những khuyết lõm nơi phông nền truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Nhà văn Marquez từng chia sẻ, rằng làng Aracatara – nguyên mẫu của làng Macondo trong Trăm năm cô đơn – vừa là ngôi làng tuổi thơ của ông, vừa tương tự như thứ ông đọc thấy ở Faulkner và các nhà văn vùng sông Mississippi khác. Cuốn tiểu thuyết gây sốt trên toàn thế giới và một trong những lý do dẫn đến điều này mà tác giả thường nghe đấy là tác phẩm viết về đời sống riêng của người dân Mỹ Latinh, một cuốn sách được viết từ bên trong. Có nghĩa là, làng Macondo không hoàn toàn có sẵn, cũng không sở hữu những đặc tính thuần nhất, nó chỉ trở nên biệt lạ qua biệt tài dựng chuyện và kể chuyện của nhà văn Marquez.
Bản sắc văn hóa của một dân tộc, không nghi ngờ bàn cãi, hiện tồn trước nhất, sinh động nhất ở ngôn ngữ – một ngữ cảnh văn hóa – của dân tộc đó. Tác phẩm văn chương đủ vạm vỡ khi nhà văn đủ sức cất lên tiếng nói riêng biệt độc đáo của dân tộc mình trong cộng đồng nhân loại.
Tiếng nói theo ta khắp nơi, cả trong sinh hoạt thầm kín của nhục dục và giấc ngủ, vì ngôn ngữ là hồng tâm của tim người – nhà văn Mĩ William Gass đã nói như thế.
Bất cứ dân tộc nào còn mang món nợ tinh thần chưa trang trải xong, trong lòng dạ tràn đầy năng lượng sáng tạo, những nét riêng và những của trời phú, dân tộc ấy nhất thiết phải mang ngôn ngữ độc đáo riêng để phản ánh mọi việc mọi chuyện của xứ sở mình – nhà văn Nga Gogol đã nói như thế.
Hành động yêu nước nghiêm túc nhất của một công dân với tư cách một người viết là cúc cung tận tụy bảo vệ và mở mang bờ cõi chữ của dân tộc mình – nhà thơ Lê Đạt đã nói như thế.
Mới hay, tác phẩm văn chương lớn, có khả năng vượt lên trên bờ cõi và giới hạn, trở thành tác phẩm chung cho cả loài người, như nhà văn Nam Cao từng khát khao hướng đến, đương nhiên phải phản ánh được bản chất mênh mông sâu thẳm phổ quát của con người, tuy nhiên tính địa vực của tác phẩm cũng rất quan trọng. Để kiến tạo tính địa vực một cách ấn tượng thuyết phục, nhất là trong bối cảnh thế giới phẳng, không cho phép nhà văn mặc cảm nhược tiểu, cũng không cho phép anh ta tự tôn tự luyến tự huyễn quá đà. Ngoài trời là trời, khơi vẫy nhà văn tìm đến những cơ hội gặp gỡ liên thông văn hóa, để củng cố và đắp bồi màu dân tộc. Đến lượt, màu dân tộc nếu đủ sáng bừng sẽ hòa mà không lẫn vào bảng màu muôn hồng ngàn tía của nhân loại.
Một khi nhà văn Việt dựng được những câu chuyện của mình, tận tâm tận lực lao động tiếng Việt để viết nên những cuốn sách của mình, vỡ lẽ mình có một khuôn mặt một giọng nói, thì khi đó văn chương Việt sẽ tự tin minh triết bản lĩnh đi ra thế giới. Vừa đi vừa tỏa hương đất hương người hương chữ Việt.
HOÀNG ĐĂNG KHOA
 
Hà Nội, 11/9/2021
Trần Thị Trâm
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bầu trời bên ngoài ô cửa

  Bầu trời bên ngoài ô cửa Mây bay về cuối trời Gió ơi xin hãy đợi Niềm riêng cho ta gởi Khi hồn đang chới với Thân xác chừng rã...