Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Bộ ba hồi ký và tiểu thuyết "Nước mắt giã biệt" của Hoàng Văn Bổn

Bộ ba hồi ký và tiểu thuyết
"Nước mắt giã biệt" của Hoàng Văn Bổn

Ba tập hồi ký chính là một vòng tròn kỳ lạ của một cuộc hành trình, nói lên sự tự do trên con đường hành động tìm lại chính mình, mà phương tiện của nó chính là tình thương, tình yêu.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn (bên phải) và nhà văn Lý Văn Sâm bên mộ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ
>> Chính Hữu – Nhà thơ của các chiến sĩ
>> Dũng Hà: Nhẫn để đứng dậy, vượt qua và đi tới!
>> Lê Đạt tư duy về thơ
>> Đọc lại Trần Dần, nghĩ về thơ hiện nay
>> Nhớ mãi nhà văn Hữu Mai
>> Nhà thơ Hải Đường: Cây hạnh phúc nắng chưa tròn bóng
>> Nguyễn Đình Thi, ngôi sao không tắt
>> Đã cách nhau một tiếng nấc, một thôi đường
>> Nguyễn Công Hoan – Bậc thầy về truyện ngắn châm biếm
>> Nhà văn Võ Quảng: Những sáng tác thân thuộc cho thiếu nhi
>> Văn Cao – Xanh lá thiên thai
>> Đỗ Chu – Người thích làm việc và thích nói chuyện 
>> Nhà thơ Bế Kiến Quốc: Hãy nhìn anh như nhìn một dòng sông
>> “Núi Đôi” và cô du kích mãi mãi mười bảy tuổi
Những khung cảnh hoành tráng…
Tác phẩm của nhà văn Hoàng Văn Bổn (1930-2006) đã dựng nên những khung cảnh hoành tráng của chiến tranh bên cạnh nét trữ tình của văn hóa Đông Nam bộ. Những tác phẩm “Trên mảnh đất này”, “Hàm Rồng”, “Bầu trời mặt đất”, “Sóng Hòn Mê”, “Sóng bạc đầu”… với nhiều khung cảnh lớn trên trời, dưới đất, biển cả, núi sông trên khắp các miền đất của tổ quốc. Những trận đánh trên cầu Hàm Rồng của “bố già” Nguyễn Gia Nhuệ (Hàm Rồng), của Ba Râu đánh quân Đồng Minh (Trên mảnh đất này), hay biên đội Cửu Long của thuyền trưởng Lê Dư trên biển (Sóng bạc đầu) đã ghi lại dấu ấn những con người anh hùng và những vùng đất anh hùng.
Song sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến bộ ba hồi ký (Tuổi thơ ngọt ngào, Một ánh sao đêm, Ngôi sao nhớ ai) và tiểu thuyết 4 tập “Nước mắt giã biệt”. Ở đây có sự hoành tráng tập trung nhất của đất và người Đồng Nai, các tác phẩm đã biểu lộ thật nhất sự thật của tâm hồn nhà văn trong dòng chảy tràn ngập tinh thần của quê hương ruột thịt.
Thật vậy, các tác phẩm này đều được mở đầu bằng hai hình tượng lớn: hình tượng con người Đồng Nai và khung cảnh quê hương Đồng Nai. Các hình tượng này đều có sự phát triển cùng với thời gian và diễn biến lịch sử của đất nước. Các nhân vật lớn lên trên cánh đồng Bình Long, bàu Mật Cật, bờ sông Đồng Nai đã vượt sông sang chiến khu Đ, rồi về Đồng Tháp Mười, tập kết ra Bắc, đi khắp các miền của tổ quốc, rồi đi đến những chân trời Đông Âu, Nam Mỹ… Họ đã mang theo hình ảnh con sông quê, cánh đồng làng đi mãi. Yếu tố thời gian trở thành bình diện thứ hai của sự thật tâm hồn nhà văn. Chính vì thế, các tác phẩm này đều được viết dài, liền mạch. Những thăng trầm của đời người, kể cả mất mát hy sinh đều giữ vững giá trị tinh thần mà những khung cảnh quê hương mang lại từ thời thơ ấu. Thời gian đã lập ra một mệnh đề, hàm chứa hạnh phúc và khổ đau của đời người thuộc thế hệ nhà văn: Ra đi để được trở về, được tìm lại chính mình.
Trong bộ ba hồi ký, nhà văn Hoàng Văn Bổn lấy cuộc đời chính mình làm đối tượng thể hiện. Đó là một cái Tôi có tầm nhìn khái quát, phóng khoáng về cuộc đời và về chính mình. Ngay từ khi còn nhỏ, đi học, lăn lộn trên lưng trâu, tụ tập bên miểu Long Chánh nghe chú Từ Khiêm kể chuyện, nhân vật Tôi –  tác giả đã là con người của chính mình và của thời cuộc. Điều này có thể lạ lùng song sự thật thì lại rất đúng, rất gần gũi với thời đại ấy. Bên cạnh bọn trẻ chăn trâu có chú Từ Khiêm với tiếng “Gấy ghên!” muôn thuở, có chú Phúc Nhật (lính Nhật) đi theo cách mạng, có những người như Cả Điếc, Pâyra Tây lai, Sáu Diêm, tướng Huỳnh Văn Nghệ… Những người trẻ tuổi đã đến với thời cuộc rất chủ động. Giặc đến, các em tham gia tiêu thổ kháng chiến, rời vượt sông sang chiến khu Đ. Con đường của các em là một đường thẳng căng theo lịch sử, mà ngay từ buổi đầu chú bé Huỳnh Văn Bản đã là một chứng nhân.
Khung cảnh bi tráng nhất của tập hồi ký đầu tiên – Tuổi thơ ngọt ngào –  cũng là khung cảnh lớn mở đầu cho cuộc đời: Ngày 23 tháng chạp Tết Bính Tuất, giặc Pháp tấn công chợ Tân Uyên, trước đó đã có lệnh tiêu thổ kháng chiến. Lửa tiêu thổ chưa tắt, lửa cướp phá lại nổi lên: “Từ đầu làng tới cuối làng, lửa đỏ trời. Xe Jeep nhả cà xôm đầu đồn ruộng giáp bìa rừng. Dưới sông, chiếc tàu nổ máy xình xịch, chốc chốc lại bắn vài loạt đạn lên bờ. Chỗ nào cũng có tiếng Tây chửi bới, la thét, súng nổ đì đẹt… Nước con sông Đồng Nai đỏ ngầu máu. Nhiều người từ những đám mía cháy chạy ra, khắp người phừng phừng như bó đuốc, làm bia cho chúng thi nhau bắn…” Dinh cơ nhà Hai Khinh bị triệt hạ, già trẻ trai gái hơn ba trăm người bị lùa lên xe, đưa về trại giam. Đêm đêm, chúng cắt cổ người, khủng bố tinh thần nhân dân.
Lúc ấy, nhà văn đã quan sát…: “Tôi liếc mắt nhìn kỹ bà con lúc đó. Chẳng ai khóc than, xin xỏ như lúc bị quăng lên xe. Chắc họ cũng cùng tâm trạng lúc ấy như tôi: Cái chết đã hiển hiện trước mắt rồi phải chọn một cái chết cho ngon. Đó là vào những lúc bà con dân làng thường nói với nhau gặp lúc nguy hiểm: “Làm tới đi bà con”.  Đằng nào rồi cuối cùng cũng một lần chết.  Có ai lột da sống đời bao giờ…”
Ở “Tuổi thơ ngọt ngào”, Hoàng Văn Bổn chọn cách đặt tên cho từng biến cố đầu đời: Còn đâu những ngày êm ả, Cú kêu ba tiếng cú kêu…, Giã biệt tuổi thơ, Thế là ra đi, Người giữ miễu, Xứ tôi… Thời kỳ sống ở chiến khu Đ: Cọp ba móng, Đi săn và bị săn, Bác sĩ rừng già… Thời kỳ sống ở U Minh, Đồng Tháp: Sóng bạc đầu, Ngôi trường trên lưng… Đây là những biến cố có ý nghĩa sâu sắc, mở đầu cho cuộc đời cống hiến của nhà văn. Trong đó, những người thân như chị Sáu Nở, cô Năm Đồng Nai, năm cô gái họ Thanh, anh Nhị Nguyên, các thầy giáo ở U Minh… được nhắc lại nhiều lần ở các tác phẩm khác. Đây là mối tương quan kỳ lạ mà ông tự cắt nghĩa “Đời tôi có hai cuộc đời…”, trong tập Vũ trụ.
Ở hai tập hồi ký sau, nhà văn dùng cách đánh số các chương đơn giản, tuân thủ nguyên tắc thời gian. “Một ánh sao đêm” kể lại giai đoạn từ 1954, tập kết ra Bắc cho đến năm 1972 ở Trường Sơn. “Ngôi sao nhớ ai” viết về những ngày viết “Đường Trường Sơn” cho đến khi trở về quê hương (1975) và tiễn đưa người mẹ kính yêu (1980). Có những trường đoạn diễn tả trung thực cuộc sống người chiến sĩ cách mạng ở rất nhiều mặt trận khác nhau: từ chiến khu Đ đến vùng Đồng Tháp Mười, từ biên giới Tây Nam đến đảo Bạch Long Vĩ, từ cầu Hàm Rồng đến núi rừng Trường Sơn. Để đạt được chất hoành tráng trong bộ ba hồi ký này, nhà văn đã dùng những “thủ pháp nghệ thuật” như sau:
Thứ nhất, đó là tính chân thật, không chút tô vẽ. Những sự kiện qua lăng kính hồi tưởng trở nên trong suốt, sống động lạ thường. Cái tài quan sát cộng với cái Tâm giàu tình cảm đã giúp nhà văn dựng lại gần như toàn cảnh thời thơ ấu và những năm tháng tuổi trẻ của mình, đồng thời kể lại tỉ mỉ, vẽ lại chân dung từng con người, bao quát cả một vùng đất rộng lớn mình đã gặp, đã đi qua… Những đoạn viết về ông Ba Trợn (ở chiến khu Đ), về thầy Hoàng Minh Viễn (trên đường ra Bắc tập kết), đoạn quay phim trong hang núi Ngọc bên cầu Hàm Rồng, đoạn trở về thăm mẹ sau chiến thắng 30 – 4 và những ngày đối phó với sự kỳ thị của người dân đối với những người cộng sản… là những đoạn viết xúc động, chuyển tải sức sống mãnh liệt của tình yêu, niềm tin. Sự thật là nhà văn đã từng cảm nhận rằng: “tôi xa quê hương giữa lúc hai chân tôi còn đứng trên mảnh đất quê hương” trong những ngày thơ ấu, để rồi suy niệm: “Hầu như càng đi đến cuối đường đời, lại càng day dứt, bồi hồi, thổn thức nhớ lại, tha thiết những bước chập chững đầu tiên…” (Một ánh sao đêm). Ba tập hồi ký chính là một vòng tròn kỳ lạ của một cuộc hành trình, nói lên sự tự do trên con đường hành động tìm lại chính mình, mà phương tiện của nó chính là tình thương, tình yêu.
Thứ hai, đó là nghệ thuật cách điệu khá phóng khoáng của nhà văn trong xây dựng nhân vật. Điều này có vẻ là nghịch lý vì nó xa lạ với sự chân thật kể trên. Song sự thật là nhà văn sẵn sàng đưa nhân vật vào kết cấu tiểu thuyết mà không sợ phá vỡ cái Tôi của người kể chuyện. Các em học sinh ở trường tiểu học Tân Uyên, bỗng chốc được đưa lên làm “nhân vật chính”, gọi người kể chuyện bằng “anh Chín” một cách thương yêu (Tuổi thơ ngọt ngào), hay các cô gái ở Trường Sơn được “nói thật” về mình và không hề xuất hiện người kể chuyện (Một ánh sao đêm). Rất trân trọng niềm hạnh phúc nhỏ bé của người khác, đến nỗi quên mình đi, Hoàng Văn Bổn đã ghi một dấu ấn lạ trong hồi ký của mình.
Thứ ba, có thể nói ít có tập hồi ký nào vừa giàu tính xã hội vừa giàu tính cá nhân như hồi ký của Hoàng Văn Bổn. Trong đó xuất hiện hàng ngàn con người khác nhau, hàng loạt lớp người, hàng núi chi tiết, sự kiện. Cảm hứng chính trị hòa trộn với tình cảm sâu sắc đối với gia đình, đồng đội giúp nhà văn diễn tả được cuộc sống ở cục diện tương đối rộng.
Ba tập hồi ký đã ghi lại một cách đầy đủ, ở mức trung thực nhất những sự kiện được tiểu thuyết hóa trong “Bông hường bông cúc”, “Trên mảnh đất này”, “Tướng Lâm Kỳ Đạt”, “Bầu trời mặt đất”, “Nhớ phố phường”, “Lũ chúng tôi”… Điều này giúp ta nhận thấy hầu hết tác phẩm của nhà văn Hoàng Văn Bổn đều viết về sự thật mà ông đã trải nghiệm, đã chứng kiến.
Đối với “Nước mắt giã biệt”, chất hoành tráng đã được nâng lên thành cảm hứng nghệ thuật. Bốn tập sách kể lại một quá trình cả cuộc đời của những con người, những số phận khác nhau. Một điều đáng nói là cảm hứng chính trị vốn thể hiện rất rõ ở các tác phẩm khác, thì dường như ở “Nước mắt giã biệt” lại nhường chỗ cho những mối dây tình cảm. Khái niệm “sử thi” cũng có thể được dùng để gọi “Nước mắt giã biệt” là ở nội dung này. Song tình cảm không đơn thuần, dung tục mà hết sức trong sáng, như một cứu cánh của đời sống chiến tranh.
Nhân vật trong “Nước mắt giã biệt” có tấm lòng quảng đại, tiêu biểu cho tính cách mà mình có. Bằng luôn đứng giữa tình thương và tình yêu, dành tất cả tình cảm cho người khác và vấp phải sự bất lực trước khổ đau. Hồng Loan sống hết mình cho tình yêu, hy sinh tất cả. Hương bao dung độ lượng. Bảy Quỳ, Sáu Nở, Năm Hướng, Sáu Lé luôn sống với bản chất con người mình. Ngay cả nhân vật Út Thiện hay Từ Khiêm đều vững vàng và mạnh mẽ lúc cần thiết. Đây là những nhân vật chính diện được xây dựng như một tượng đài lớn cho quê hương Đồng Nai “khoai củ”. Thật thà, chân chất và bộc trực –  những tính cách đã giúp tượng đài nhân vật trở nên sống động.
Những nhân vật như Ngô Kỳ An, Trần Hoa Lệ như những ánh sao thấp thoáng trên mảnh đất của những con người đấu tranh. Song họ đã có những phút giây bừng sáng, khi họ nhận ra được tình đời, nhận ra chân lý và sự thật họ hằng mong chờ (nhưng không dám tin). Điểm nhấn cần thiết tạo nên sự bi tráng là ngay vào lúc trái tim bừng sáng thì họ phải chết. Trần Hoa Lệ nhận ra tình yêu chân thật vời Ngô Kỳ An sau những tháng ngày ngụp lặn trong dục vọng, cô đã bị đạn Mỹ bắn tan xác trên máy bay. Ngày quân đội của Bằng vào giải phóng thành đô, Ngô Kỳ An đã tự sát. Hai cái chết khác hẳn cái chết của Bảy Quỳ (“cứ thế, Quỳ nhào lộn bên trên dòng sông thân thương của Quỳ từ tấm bé”) phân biệt rõ tính bi kịch và bi hùng trong tác phẩm. Thước đo phẩm chất các nhân vật trong “Nước mắt giã biệt” chính là tình cảm của họ trong những năm tháng ấy. Song không thể lẫn lộn chủ nghĩa duy cảm với tình người có tính Đảng, tính nhân dân ở Hoàng Văn Bổn.
Khung cảnh trong “Nước mắt giã biệt” là những khung cảnh lớn, đặc biệt là hình tượng con sông Đồng Nai và chiến khu Đ. Đây là những nơi gửi gấm trọn vẹn tình cảm của những con người xứ Đồng Nai  –  kể cả Ngô Kỳ Hồng và Trần Thanh Hoa, là nơi giữ gìn lý tưởng, biểu tượng của khát vọng sống, và là nơi thể hiện cụ thể hành động của từng con người. Quyết liệt nhất song cũng yếu đuối nhất là Hồng Loan, cô ra đi, hy sinh bản thân để cứu Hương, rồi lại tìm về, như một bóng ma. Một bối cảnh lớn, ghê gớm, dữ dội như thế chuyển biến thành không gian của tình yêu, đối với Bằng và Hồng Loan, Bằng và Hương –  những nhân vật chính của tác phẩm.
Tóm lại, với cái nhìn bao quát và sự gắn bó của nhà văn đối với cuộc sống mà sự hoành tráng đã được dựng nên qua rất nhiều tác phẩm. Có thể coi đây là một sở trường riêng của ông.
Sự trào lộng lạc quan
Sức sống của các tác phẩm Hoàng Văn Bổn ngoài cái Thực còn có thể kể đến cái Trào Lộng. Sự trào lộng trong bút pháp của ông có một sức quyến rũ ghê hồn. Song có thể nói, những tác phẩm đầu tiên của ông –  “Bông hường bông cúc”, “Mùa mưa” và kể cả “Trên mảnh đất này” –  đều chưa phát huy sức mạnh của bút pháp này. Và cũng có thể nói ngay rằng, những tác phẩm đầu tay khẳng định tên tuổi Hoàng Văn Bổn lại thiếu chất bi – hài đặc biệt của ông. Tướng Lâm Kỳ Đạt”, “Hàm Rồng”, “Sóng Hòn Mê” bộc lộ năng khiếu gây cười – ra – nước – mắt của nhà văn Hoàng Văn Bổn bằng những hình tượng nhân vật như Lâm Kỳ Đạt, “bố già” Nguyễn Gia Nhuệ, cố Gạch, cố Ngói… Song phải đến bộ ba hồi ký, tiểu thuyết “Nước mắt giã biệt”, tập truyện ngắn “Người điên kể chuyện người điên”, chất trào lộng mới đạt đến “đỉnh cao” của nó, ấn định tính cách một nhà văn thâm trầm và hài hước –  Hoàng Văn Bổn.
Trong các chương trước, có lẽ ta cũng hiểu phần nào giọng văn tự trào tự tiếu của nhà văn trong “Người điên kể chuyện người điên”. Đó là những truyện ngắn rất đặc sắc lột tả niềm vui sướng, nỗi khổ đau chất chứa trong lòng một người con của đất Đồng Nai. Ở hai tác phẩm được kể sau này, có lẽ nội dung chính cũng tương tự vậy, song có một cái Tôi duy nhất, xuyên suốt tác phẩm. Cái tôi có lúc thơ ngây, có lúc từng trải, có lúc vui tươi, có lúc đơn lẻ, cô độc. Tác giả tự nói hết. Một cuộc đời trải qua nhiều biến cố như thế, chất chứa nhiều nỗi đau (gia đình, thời đại) như thế không dễ mà viết về những chuyện buồn. Sự thật về nỗi buồn, hay sự thật về một cái Tôi, hẳn là rất “khó nói” đối với ngay cả một nhà văn.
Hoàng Văn Bổn chọn cách ngắn nhất, đó là nói thẳng, huỵch toẹt. Song những nỗi đau, những cơn bão lòng viết theo kiểu “chính kịch” thường rất ngắn. Chẳng hạn lần lạy mẹ “lên xanh”, đoạn từ biệt vợ con, nuôi con ốm ở bệnh viện, tiễn đưa mẹ… Còn viết theo kiểu trào lộng thì rất nhiều, hầu như chương nào cũng có. Chính cách viết này đã làm cho chú Từ Khiêm, chú Bảy Hơn khùng, Theo điên trở nên “bất tử”. Trong chương “Người giữ miễu” (Tuổi thơ ngọt ngào), Cả Điếc tay sai thường sục sạo, tra hỏi tìm bặt cộng sản, bắt rượu lậu. Chú Từ Khiêm nấu dầu chai, bị hạch hỏi, chú đáp:
“ – Để trét ghe.
–  Trét ghe để làm gì lúc này?
–  Để chạy lẹ khi bị chó rượt. Ông Cả có muốn chạy nhanh hơn cộng sản, nhanh hơn ông tướng cướp Chín Quỳ không?
–  Sao lại không muốn? Mày có cách chi?
– Quay đít lại đây… Vọt nhanh như chớp.
Không tin, nhưng lại tham, Cả Điếc quay đít lại. Chẳng ngờ chú Tà Khâm nhúng chổi vào chảo dầu sôi, quét ngang qua đít cả Điếc (…) Lão kêu rú, hai tay ôm đít quần vọt như tên bắn… Mấy tên lính làng hoảng tam tinh, rủ nhau lủi thẳng…”
Có hàng trăm chuyện như thế, hệt như chuyện Trạng, chuyện Bác Ba Phi. Lớn hơn chút nữa, tác giả sống ở đại ngàn chiến khu Đ, những chuyện cọp ba móng, chuyện lo cái ăn cái mặc, chuyện dạy học ông Ba Trợn lại đầy ắp ký ức. “Một bếp lửa thôi, ông Ba Trợn ơi. Đôi khi, cần một tiếng chửi của ông xiết bao, cho cuộc kháng chiến này nó bình thường một chút”. Tiếng cười như tỏa ra để làm cân bằng cuộc sống quá nhiều nước mắt, quá nhiều nỗi buồn. Những việc thực, người thực đã dẫn dắt nhà văn đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ bằng những tiếng cười lạc quan ấy.
Chuyện người là vậy, còn chuyện mình thế nào? Nhà văn đã không úp mở kể lại rằng mình không biết làm gì với quả lựu đạn đã rút chốt trên tay. Từ khi đi học ở Đồng Tháp mười đến lúc tập kết ra Bắc, đã có vài lần diễn kịch, toàn những chuyện cười nổ ruột. Ngay cả lúc tưởng được ăn thịt chó trên hang Mắt Rồng cũng bị đạn pháo Mỹ thổi bay hết. Lọt vào thùng mìn định hướng mà cứ ngỡ mình “có tướng làm vua” tìm được cái ăn… Kể cả việc phải làm nhiệm vụ ở những mặt trận lớn: “Tôi đã hàng trăm lần nói dối, chối quanh trước những câu hỏi rất “đơn giản” như thế. Với nhà tôi, với các con tôi, tôi vẫn phải hàng trăm lần nói dối như thế: “Mặt trận nơi ấy thuộc loại phụ, loại xoàng thôi mà, lo gì. Năm nay anh khỏi đi mặt trận, phải làm loại phim tổng kết tại bàn dựng, xào xáo phim tư liệu thôi…” Đi 33, lại nói đi Việt Bắc. Đi miền Nam, lại nói đi Lào. Khi kết thúc chiến dịch, chắc chắn mình còn sống, mới vội vàng viết thư về nhà, xin lỗi đủ thứ. Nào tình huống bất ngờ. Nào quân đội, lệnh là lệnh (…) Nhịn đói bốn năm ngày liền, vẫn cứ bảo là rất đầy đủ, nhiều món thịt rừng ngon lắm. Bị sốt rét hành hạ đến ngã quỵ, vẫn cứ là: anh vẫn mạnh khỏe, vẫn thấy lên cân…” Nhà văn chẳng hề nói cho vui nhưng nghe ra giống như đang cố đùa với chính mình, để rồi sau đó đưa ra một câu hỏi thật nghiêm túc: “Tôi mới ngoài bốn mươi, mới có ba cháu, gia đình mới lâm vào cảnh chiến tranh vài năm, loại chiến tranh phá hoại (…) mà đã bời bời thế sự thế này rồi. Thế mẹ già tôi trong Nam kia, thì sao? Mười một đứa con, một đàn cháu, chắt, đã phải chịu cảnh chiến tranh mặt đất, bộ binh nay đã gần ba mươi năm rồi (…) súng nổ phương nào, bom rơi hướng nào, tim mẹ cũng đau nhói!”
Sống trong cuộc sống khắc nghiệt như vậy, nhà văn đã tìm thấy niềm vui sống và một tinh thần lạc quan vững chắc. Ông và những người đồng đội không hề tự huyền hoặc mình mà luôn đương đầu với thực tế một cách sảng khoái, phóng khoáng. Đó cũng là một điều kiện cần cho sự tồn tại của con người.
Nhà văn còn dùng ngòi bút trào lộng để viết về những sự kiện nặng nề, chứa đựng lòng bao dung và sự thông cảm lớn. Đây là một cách ứng xử đẹp. Chuyện huấn luyện trong đợt cải cách ruộng đất, chuyện nghệ sĩ U Đa –  “xung phong” tự đấu tố hăng hái quá đến nỗi phải “tuyệt thực”, “mất tích”. Dựng xong đường dây liên lạc từ biên giới Việt Lào đến sông Bến Hải, trung đoàn 56 xuống Chi Nê, Hạ Bì phạt rừng, trồng cà phê, kéo lên Ba Vì nuôi bò sữa, ngựa giống. “Chán đời, lính tráng lén dắt ngựa đực đến chuồng ngựa cái, mở dóng. Đời tụi tao không ra gì rồi. Không nên làm khổ đời tụi mày làm chi. Muốn làm gì đó, tùy thích. Thế là ngựa đực sổng chuồng, suốt ngày nhảy chồm lên lưng ngựa cái. Mắt đổ ghèn. Chân khuỵu xuống. Lại bị kỷ luật. Chẳng nhằm nhè gì. Tụi tao nhận kỷ luật cho đời tụi mày được xổ lồng, là hạnh phúc cho thân tao lắm rồi”…
Đó là những chuyện rất con người, xuất phát từ sự chấp nhận một cuộc sống gian khó, khắc khổ. Liệu pháp gây cười giúp người khác thông hiểu sâu sắc hơn những thời kỳ khó khăn của cả dân tộc nói chung, và của thế hệ nhà văn nói riêng.
Nếu bộ ba hồi ký dùng yếu tố trào lộng một cách tự nhiên như trên thì ở “Nước mắt giã biệt” là một sự đặc tả đầy nghệ thuật, giúp một số nhân vật bình dân trở thành hình tượng nhân vật độc đáo. Trong bộ sách này có sự tái ngộ của chú Từ Khiêm, ông Hai Thố chèo đò, có sự xuất hiện của Sáu Lé, Út Thiện, Đờ Mên… Đây là những nhân vật gần với dân gian hơn cả, tung hứng, buông bắt nhau trong suốt độ dài hơn 1500 trang của Hoàng Văn Bổn.
Chú Từ Khiêm đã có một thân phận rõ ràng: là anh nông phu, vợ sắp cưới bị Đờ Mên làm nhục phải tự vẫn, chú trở thành ông Từ giữ miễu. Để vạch mặt bọn hội tề quan Tây tàn ác, chú làm “bà đồng” rủa sa sả vào chúng trước đám đông dân chúng: “Mày toan phá hoại đời con gái của tao –  chữ trinh đáng giá nghìn vàng! Mày phải đền tội. Mày là dê xồm xứ man di mọi rợ…” Chú nhảy múa, cất tiếng hát thê thảm, bất thần nhảy xuống sông mất tăm. Trong lúc mọi người la ó đòi đền mạng thì chú bò lên bờ bên kia, ngáy khò khò… Bị bắt đi làm lính, tiếng “Gấy ghên” của chú vẫn vang khắp xóm làng.
Sáu Lé chủ quán mang tiếng giang hồ, lại đầy nghĩa khí và uy lực. Gặp hai thằng Tây đang trêu ghẹo muốn làm nhục Hương: “Cô chủ quán xuất hiện, mặt đỏ nhừ đến xưng đòn gánh, vỗ đùi bành bạch, cười ngất sát mũi hai thằng Tây già: “ –  Tưởng ai, hóa ra hai con dê xồm. Trời đất, xứ này còn thiếu con dê xồm sao cha nội cả Hồng còn trầu rượu đi rước hai tía dê xồm Tây này về?”(…) Hai tay cô giựt phăng cúc áo ngực, dí sát mũi thằng chủ sở cao su: “Há miệng ra, nuốt! Không nuốt nổi là tao nhận đầu xuống đây – Sáu Lé vỗ bành bạch phía dưới bụng, nghiến răng, nghiến lợi: “- Nuốt ngay, cưng. Nè, nói cho các tía biết, có rưọn đực rượn cái, có muốn làm cái chuyện chó tháng bảy ấy thì làm với tôi đây nè, compơrí camalố dê xồm? Đừng có động đến con gái đồng trinh con nhà tử tế”.
Những lời nói trên có thể cho thấy tính cách “coi trời bằng vung” của người dân quê Nam Bộ. Sáu Lé đã từng rơi nước mắt, thẫn thờ vì câu hát: “Con ếch lột da, ngươì ta còn xáo –  Em bậu lỡ thời như áo vá vai”, nhưng khi cần, cô có thể trở nên hung dữ ghê gớm. Lòng căm thù đã trở nên thường trực trong lòng, khiến họ có một “bản năng” sinh tồn, một phương cách tố cáo. Riêng yếu tố tính dục cũng trở thành một phương tiện biểu đạt sức mạnh và bản chất con người. Ngay như Đờ Mên, con trai Ngô Kỳ Hồng, tay sai quân đội Pháp rồi quân đội Mỹ – khi thấy cảnh bà Trần Thanh Hoa lõa lồ chết dưới sông, hắn ta cũng phải: “thụt lùi, lấy mũi súng vít vít đùi ông bố: “ –  Làm tình hả tía? Làm tình dưới nước như cá, như các cha nội cố vấn Mỹ hả? Ngon lành. Ai kia? Sao lại trần truồng như heo nái thế kia hả? Trời bà hoa khôi Trần Thanh Hoa… Úy, sao cái chỗ đó… Ôi thôi, tiêm la hột xoài Mỹ rồi, tía ơi. Chết mẹ cả đám. Chết mẹ cá mú, con sông rồi!” Thế là Đờ Mên “cúi người cho nước từ cổ họng òng ọc trào ra.”
Mên đầy những tính xấu, song bản chất không xấu mà do ông bố tham quyền lực, do quen làm người Tây trên mảnh đất quê mùa Đồng Nai. Hắn đã thốt ra những lời ngay thẳng đó trước khi chết, như để bộc lộ hết tấm lòng hắn đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Trong “Nước mắt giã biệt” còn có những “scène” có giá trị nghệ thuật cao, có sự pha trộn thủ pháp điện ảnh. Riêng với cảm hứng bi hài, vừa trào lộng vừa thâm thúy, bộ tiểu thuyết này đã mang dấu ấn sáng tạo của Hoàng Văn Bổn một cách rõ nét. Không những khắc họa được tính cách nhân vật, ông còn dùng những “đại cảnh” tạo không gian rộng lớn. Chẳng hạn cảnh Léon Phước “thắng trận” vì nhờ nhìn trộm các cô gái đang tắm, thắng trận mà ngẩn ngơ không biết mình phải làm gì, nói gì trước tướng cướp Bảy Lì. Hoặc cảnh Bảy Lì đuổi bắt bằng được hoa khôi Trần Hoa Lệ thoắt ẩn thoắt hiện như yêu tinh: “… Trong ánh nhập nhoạng cô ta càng chạy càng tỏa sáng phía trước, toàn thân cô ta cứ thây lẫy, như xua đuổi, thách thức Bảy Lì: Em thách anh đấy anh tướng cướp Côlônen người hùng!
Nổi khùng, Bảy Lì băng tắt cánh đồng định đón đầu cô ta, bỗng loáng cái, xuất hiện sáu, bảy cô gái giống hệt cô ta, cũng núng nính, cong tớn mời gọi, xua đón, thách thức(…) Từ giữa cánh đồng nơi cô gái kỳ quặc chạy đến cùng năm, sáu cô khác, bỗng có tiếng quát rất quen:
– Đứng lại, mấy má non! Chạy đâu mà trần truồng như nhộng vậy hả mấy má non? Trời đất, có chạy thì cũng quơ bậy mấy lá bông súng che cái chỗ đó… giùm chút chứ? Sao lại để nó trần truồng, lồ lộ… mà tế như ngựa cái vậy hỡi trời?”
Ngôn ngữ trào lộng trong “Nước mắt giã biệt” đã phát huy đầy đủ vẻ đẹp, sức sống và tinh thần lạc quan, tự do của người dân xứ Đồng Nai. Thật vậy, một đứa trẻ cũng biết kêu: “Bớ cách mạng ơi, ông Chánh Tổng chủ tịch ủy ban nhân dân Ngô Kỳ Hồng đánh tôi lọt tròng mắt rồi! Bớ ông tướng cướp Bảy Lỳ, bớ bà Sáu Lé trưởng ban quân sự cách mạng!” Quyết không để thành quả cách mạng rơi vào tay kẻ cơ mưu. Có thể nói, sự trào lộng luôn đi đôi với tâm hồn khỏe khoắn, bộc trực của người xứ Đồng Nai, tạo nên một nét đẹp không thay đổi của cuộc sống.
Vì vậy, xét cho cùng, chất trào lộng vẫn gắn với chất hiện thực trong tác phẩm của nhà văn. Nó chuyển tải giá trị nhân văn lớn nhất là giúp con người bộc lộ chính mình và vượt qua tất cả mọi trở ngại.
TRẦN THU HẰNG
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...